LỜI NGỎ:
Chủ nghĩa nhân bản ở xã hội phương Tây ra đời trong thời kỳ được gọi là “Phục hưng” (khoảng thế kỷ XV – XVII), phát triển mạnh mẽ cùng với thời đại khoa học nhằm giải quyết vấn đề đời sống con người và những giá trị liên quan đến các hiện tượng trên hành tinh. Trong khi đó, chủ nghĩa nhân bản của Phật giáo cũng rất thịnh hành tại Á châu. Riêng với Nho giáo và Lão giáo thì tuy không hình thành hẳn một chủ nghĩa nhân bản cụ thể, nhưng quan điểm vẫn bàng bạc khắp trong các giáo thuyết. Còn Kitô Giáo thì sao ? Kitô Giáo cũng không đưa ra một chủ thuyết nhằm xây dựng một chủ nghĩa nhân bản như các chủ nghĩa theo trường phái triết học (chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa cộng sản v.v…), vì tự bản tính, Kitô giáo không thể và không phải là một trường phái ý thức hệ theo quan điểm triết học trần thế. Tại sao ? Chính bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng từ nguồn gốc của con người nhằm phục vụ cho hạnh phúc con người, mà nguồn gốc con người (nhân bản) lại xuất phát từ nơi Thiên Chúa. Nói khác hơn, tự bản chất Kitô giáo đã là một “CHỦ NGHĨA NHÂN BẢN ĐÍCH THẬT” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”, 9).
Vì tình yêu, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn loài. Khi tạo dựng loài người, Thiên Chúa đã phán bảo “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28), và “Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và đuợc hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” (“Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, 11). Rõ ràng, nguồn cội con người xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu (“… chỉ có một Thiên Chúa thật duy nhất, Đấng là nguồn mạch của mọi loài thọ sinh ; toàn thể thế giới này hiện hữu bởi quyền năng của Lời sáng tạo. Hệ quả là tạo vật của Ngài là điều rất thân thiết với Ngài, vì nó được an bài và ‘dựng’ nên bởi Ngài” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9), nên Người chính là “nhân bản” vậy (“Lịch sử quan hệ ái tình giữa Thiên Chúa và Israel, ở mức thâm sâu nhất, bao gồm trong sự kiện là Ngài đã ban cho Israel Torah (Lề Luật), qua đó mở mắt cho dân Israel thấy bản chất thật sự của con người, và chỉ cho dân Người thấy con đường dẫn đến chủ nghĩa nhân bản đích thật. Quan hệ này chứa đựng trong sự kiện là con người qua cuộc sống trung tín với Thiên Chúa duy nhất, sẽ tự cảm nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương, và khám phá ra những niềm vui trong sự thật và trong sự công chính – đó là niềm vui nơi Thiên Chúa mà rồi ra sẽ trở nên hạnh phúc thiết yếu của con người” – Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, 9).
Xin được phân chia dàn bài chung thành từng bài học cho dễ phân bổ các tiết học về đề tài NHÂN BẢN KITÔ GIÁO :
Bài 1 : NHÂN BẢN
Bài 2 : NHÂN BẢN Ở XÃ HỘI VIỆT NAM
Bài 3 : NHÂN BẢN KITÔ GIÁO : PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Bài 4 : LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI
Bài 5 : CÁC NHÂN ĐỨC
Bài 6 : TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN
Bài 7 : CON NGƯỜI – GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
Saigon, những ngày mong mưa (4/2008)