Tháng 02
1/2 – Thánh Ansgar, Giám mục (801-865)
Vị “tông đồ của phương Bắc” (vùng Scandinavia) có đủ thất vọng để trở nên thánh – nhưng ngài đã làm được. Ngài là tu sĩ dòng Bênêđictô ở Corbie, Pháp, nơi ngài đã được giáo dục. Ba năm sau, khi vua Đan mạch trở lại đạo, Ansgar đến nước này truyền giáo 3 năm, dù không có thành công nào đáng kể. Người Thụy điển yêu càu các nhà truyền giáo Kitô giáo, và ngài đã đến, bị hải tặ bắt và gặp nhiều gian khó khác trên đường đi. Gần 2 năm sau ngài là tu viện trưởng một dòng khác ở Corbie (Corvey) và trở thành giám mục giáo phận Hamburg. Giáo hoàng chọn ngài làm đại sứ truyền giáo cho người Scandinavia. Ngân quỹ cho các tông đồ phương Bắc khi Hoàng đế Louis băng hà. Sau 13 năm làm việc ở Hamburg, thánh Ansgar chứng kiến thành phố này bị người phương Bắc san thành bình địa, người Thụy điển và Đan mạch trở thành ngoại giáo.
Ngài điều hành việc tông đồ khác ở phương Bắc, đến Đan mạch và làm cho một vua khác trở lại đạo. Nhờ công cụ lạ là rút thăm, vua Thụy điển cho phép các nhà truyền giáo trở lại. Các nhà viết tiểu sử của thánh Ansgar nhận thấy ngài là một người rao giảng ngoại hạng, là một linh mục khiêm nhường và khổ hạnh. Ngài được chọn là thánh bổn mạng của người nghèo và bệnh nhân, noi gương Chúa Giêsu rửa chân cho họ và phục vụ họ ở bàn ăn. Ngài qua đời tại Bremen, Đức. Ngài muốn được tử đạo nhưng không trọn ước nguyện. Sau khi ngài qua đời, người Thụy điển lại bỏ đạo, mãi đến 200 năm sau mới có những nhà truyền giáo khác.
2/2 – Đức Mẹ dâng Con (Lễ Nến)
Cuối thế kỷ thứ IV, một phụ nữ tên là Etheria đi hành hương tới Giêrusalem. Bản ghi chép của bà được tìm thấy năm 1887, cho thấy cái nhìn thoáng qua về đời sống phụng vụ hồi đó. Trong số các nghi thức bà mô tả có lễ Hiển linh (Epiphany, 6/1), việc mừng sinh nhật Chúa, và rước mừng việc Đức Mẹ dâng Con trong Đền thờ 40 ngày sau – 15/2. (Theo luật Môsê, một phụ nữ phải làm lễ Tẩy trần sau khi sinh con 40 ngày, khi phụ nữ này đến gặp các tư tế và dâng của lễ để thanh tẩy. Lễ này nhấn mạnh sự xuất hiện lần đầu tiên của Chúa Giêsu nơi Đền thờ hơn là sự tẩy trần của Đức Mẹ.
Việc tuân thủ này lan truyền qua Giáo hội Tây phương hồi thế kỷ thứ V và VI. Vì Giáo hội Tây phương mừng lễ Giáng sinh ngày 25/12, lễ Đức Mẹ dâng Con được dời qua 2/2 cho đủ 40 ngày sau lễ Giáng sinh.
Từ đầu thế kỷ thứ VIII, ĐGH Sergius cho rước nến. Cuối thế kỷ thứ VIII, việc làm phép nến và phân phát nến được áp dụng cho đến ngày nay, vì thế mà lễ này còn được gọi là Lễ Nến (Candlemas).
3/2 – Thánh Blasiô, Giám mục (qua đời năm 316)
Chúng ta biết nhiều về việc các tín đồ Kitô giáo khắp thế giới sùng kính thánh Blasiô hơn là biết về chính thánh nhân. Lễ kính ngài được coi như ngày thánh trong một số Giáo hội Đông phương. Công nghị Oxford, năm 1222, cấm làm việc xác vào ngày lễ thánh Blasiô ở Anh. Người Đức và Slavs đặc biệt tôn kính ngài và nhiều người Công giáo Mỹ xin thánh Blasiô chúc lành cho thanh quản của họ.
Chúng ta biết rằng thánh Giám mục Blasiô tử đạo ở thành phố Sebastea, Armenia, năm 316. Sách Acts of St. Blase được viết vào 400 năm sau. Theo sách này, thánh Blasiô là một vị giám mục tốt lành, làm việc cần mẫn để khuyến khích sức khỏe tinh thần và thể lý của giáo dân. Mặc dù chỉ dụ Lòng Khoan Dung (năm 311), cho phép tự do tôn giáo ở đế quốc Rôma, đã được ban hành 5 năm, sự bắt đạo ở Armenia vẫn gay gắt. Thánh Blasiô phải trốn sang nước khác. Ngài sống ở đó như vị ẩn tu trong cảnh tĩnh mịch và cầu nguyện, chỉ làm bạn với thú rừng. Một hôm có một nhóm thợ săn tìm thú ở hang động của thánh Blasiô. Mới đầu họ ngạc nhiên rồi kinh sợ. Vị giám mục này quỳ gối cầu nguyện mà xung quanh là sói, sư tử và gấu.
Khi những người thợ săn kéo thánh Blasiô ra, chuyện này trở thành truyền thuyết, một người mẹ bế đứa con nhỏ bị hóc xương cá đến, thánh nhân yêu cầu và đứa bé đã ho bật xương cá ra.
Agricolaus, thống sứ vùng Cappadocia, cố thuyết phục thánh Blasiô bỏ đạo. Lần đầu thánh nhân từ chối, và ngài bị đánh đập. Lần sau ngài bị treo lên cây và bị lóc thịt bằng chiếc bồ cào. Cuối cùng ngài bị chém đầu.
4/2 – Thánh Giuse Leonissa (1556-1612)
Tên đầy đủ là Gioan Eufranio Desideri, sinh ngày 8-1-1556 tại Leonissa, Umbria, Ý. Ngài là con thứ ba trong tám người con. Ngài mồ côi cha mẹ lúc 12 tuổi, được người chú là Battista Desideri, giáo viên ở Viterbo, nuôi dưỡng và cho ăn học. Giuse được mai mối kết hôn với một cô gái quý tộc, nhưng ngài lại muốn đi tu. Ngài sợ làm chú buồn và làm cô gái thất vọng, ngài trở về Leonissa. Ở đây, ngài ấn tượng về các tu sĩ dòng Phanxicô. Ngài nhập Dòng Phanxicô (Capuchins) ngày 8-1-1573, lúc 18 tuổi. Sau một năm thỉnh sinh, ngài chính thức lấy tên dòng là Giuse. Ngài tự nguyện không ăn những cao lương mỹ vị và không dùng những gì tiện nghi, sống khổ hạnh, ăn chay mỗi tuần ba ngày, tay luôn cầm Thánh giá, nằm ngủ trên tấm ván.
Giuse thụ phong linh mục ngày 24-12-1580 tại Amelia. Ngài truyền giáo khắp các vùng Umbria, Lazio và Abruzzi. Có băng cướp gồm 50 tên thường xuất hiện khi ngài giảng thuyết mùa Chay, và ngài đã khiến cả băng cướp này trở lại đạo. Ngài đến truyền giáo ở Pera, gần Constantinople (nay là Istanbul, Thổ nhĩ kỳ) ngày 1-8-1587. Ngài làm tuyên úy cho 4.000 nô lệ Công giáo. Ngài muốn làm thay cho một nô lệ nhưng chính quyền không chịu. Ngài gặp vua Hồi giáo (Sultan) nhiều lần để xin tự do tôn giáo. Ngài bị bắt và bị kết án vì vi phạm tài sản hoàng gia. Ngài bị treo trên khói lửa 3 ngày, rồi được tha. Mùa Thu năm 1589, ngài trở về Ý truyền giáo cho người nghèo và hòa giải các gia đình rối rắm nhiều năm qua.
Ngài qua đời ngày thứ Bảy, 4-2-1612 tại Umbria, Ý, vì bệnh ung thư và biến chứng sau phẫu thuật. Ngài được ĐGH Clêmentô XII phong chân phước ngày 22-6-1737, và được ĐGH Bênêđictô XVI phong thánh ngày 29-6-1746.
5/2 – Thánh Agatha, Trinh nữ Tử đạo (qua đời năm 251?)
Cũng như trường hợp thánh Anê, một trinh nữ tử đạo thời Giáo hội sơ khai, lịch sử hầu như không có gì chắc chắn về vị thánh này ngoại trừ biết thánh nhân tử đạo ở Sicily trong thời kỳ hoàng đế Decius bách hại năm 251.
Thánh Agatha, cũng như thánh Anê, bị bắt vì là Kitô hữu, bị hành hạ và bị giam trong nhà thổ để bị hành hạ. Thánh nhân được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, sau đó thánh nhân bị giết.
Thánh Agatha được đặt làm thánh bổn mạng của vùng Palermo và Catania. Một năm sau khi bà qua đời, núi lửa Etna được coi là có sự can thiệp của thánh nhân. Kết quả là người ta tiếp tục cầu xin thánh nhân che chở khỏi bị lửa thiêu đốt.
6/2 – Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo (qua đời năm 1597)
Thành phố Nagasaki, Nhật bản, quen với người Mỹ vì đó là thành phố bị thả trái bom nguyên tử thứ hai, có hằng trăm ngàn người bị giết. Có 26 vị tử đạo của Nhật bị đóng đi trên một ngọn đồi, ngày nay gọi là Núi Thánh, nhìn ra thành phố Nagasaki. Trong số các vị tử đạo có các linh mục, các tu sĩ dòng Phanxicô, các tu sĩ dòng Tên, các giáo dân, các giáo lý viên, các bác sĩ, cả người già lẫn trẻ em vô tội – tất cả hiệp thông trong một đức tin và đức mến vì Chúa Giêsu và Giáo hội.
Thánh Phaolô Miki, tu sĩ dòng Tên và dân bản xứ, được biết đến nhiều nhất trong số các vị tử đạo của Nhật bản. Khi bị treo trên thập giá, thánh Phaolô Miki nói với những người tụ họp quanh đó về việc thi hành án tử: “Lời kết án nói những người này từ Philippine đến Nhật, nhưng tôi không từ nước khác đến. Tôi là người Nhật đích thực. Lý do duy nhất tôi bị án tử là tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Chắc chắn tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Tôi tạ ơn Chúa vì lý do đó mà tôi phải chết. Tôi tin tôi đang nói thật trước khi tôi chết. Tôi biết quý vị tin tôi, tôi muốn nói lại rằng hãy xin Đức Kitô giúp quý vị vượt qua và được hạnh phúc. Tôi vâng lời Đức Kitô. Noi gương Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không ghét họ. Tôi cầu xin Chúa thương xót họ, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên các bạn của tôi như mưa nguồn sinh hoa kết trái.”
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật bản hồi thập niên 1860, họ không thấy dấu vết gì về Kitô giáo. Nhưng sau khi lập giáo đoàn, họ thấy có hằng ngàn tín hữu sống khắp Nagasaki vẫn âm thầm giữ đức tin. Thánh Phaolô Miki và các vị tử đạo được tôn phong chân phước năm 1627, rồi được tôn phong hiển thánh năm 1862.
7/2 – Thánh Colette, Trinh nữ (1381-1447)
Colette không tìm sự nổi tiếng, nhưng vì làm theo Ý Chúa mà thánh nhân được chú ý nhiều. Colette sinh tại Corbie, Pháp. Lúc 21 tuổi, bà giữ Luật Dòng Ba (Third Order Rule) và trở thành nữ ẩn sĩ (anchoress), chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường và đến nhà thờ.
Sau 4 năm cầu nguyện và đền tội, bà không ở trong phòng nữa. Được ĐGH chuẩn y và khuyến khích, bà nhập dòng thánh Clara khó nghèo và tái giới thiệu Tu Luật thánh Clara ở 17 tu viện mà bà đã thành lập. Các nữ tu nổi tiếng sống khó nghèo – họ từ khước bất kỳ thu nhập nào – và nổi tiếng sống chay tịnh. Phong trào cải cách của thánh Colette lan rộng tới các quốc gia khác và vẫn phát triển tới ngày nay. Thánh Colette được phong hiển thánh năm 1807.
8/2 – Thánh Giôsêphina Bakhita, Trinh nữ (khoảng 1868-1947)
Giôsêphina Bakhita là một nô lệ trong nhiều năm nhưng tinh thần của bà luôn tự do và thanh thản. Giôsêphina sinh tại Olgossa, miền Darfur, Nam Sudan, bị bắt cóc lúc 7 tuổi, bị bán làm nô lệ và được đặt tên là Bakhita (nghĩa là “vận may”). Bakhita bị bán đi bán lại vài lần, cuối cùng là năm 1883, bà bị bán cho Callisto Legnani, lãnh sự Ý ở Khartoum, Sudan.
Hai năm sau, Callisto đưa Bakhita sang Ý và giao cho bạn ông ta là Augusto Michieli. Bakhita giữ con cho Mimmina Michieli, rồi Bakhita cùng Mimmina đến Trường Tân tòng (Institute of the Catechumens) ở Venice, do các nữ tu Canossa điều hành. Khi Mimmina đang học, Bakhita cảm thấy muốn theo đạo Công giáo. Và rồi Bakhita được rửa tội và thêm sức năm 1890, có tên là Giôsêphina. Khi gia đình Michieli trở về từ Phi châu, họ muốn đem Mimmina và Giôsêphina về với họ, Giôsêphina không chịu đi. Trong khi tìm cách kiện tụng, các nữ tu Canossa và thị trưởng Venice can thiệp giúp Giôsêphina. Thẩm phán kết luận rằng việc buôn bán nô lệ ở Ý là bất hợp pháp, và Giôsêphina được tự do từ năm 1885.
Giôsêphina vào Dòng Thánh Mađalêna Canossa năm 1893, ba năm sau Giôsêphina được tuyên khấn. Năm 1902, Giôsêphina được thuyên chuyển tới thành phố Schio (Đông Bắc Verona), ở đây bà giúp nhà dòng nấu ăn, may vá, thêu thùa và đón khách. Giôsêphina được trẻ em và dân địa phương quý mến. Có lần bà nói với họ: “Hãy sống tốt, hãy yêu mến Chúa, hãy cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Được biết Chúa là một hồng ân cao cả!”.
Án phong chân phước cho bà bắt đầu mở từ năm 1959. Mãi đến năm 1992, bà mới được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước và phong thánh vào năm 2000.
9/2 – Thánh Giêrônimô Êmilianô, Linh mục (1481?-1537)
Giêrônimô là một binh sĩ bất cẩn và không có đạo ở thành phố Venice, bị bắt trong một cuộc giao tranh nhỏ tại một thành phố ở tiền đồn và bị xiềng nhốt trong ngục tối. Trong tù Giêrônimô có nhiều thời gian suy nghĩ, dần dần ngài biết cầu nguyện. Khi thoát tù, ngài trở về Venice dạy học cho mấy đứa cháu – và ngài bắt đầu được học làm linh mục.
Những năm sau khi thụ phong linh mục, nhiều sự kiện khiến Giêrônimô phải quyết định sống đời sống mới. Bệnh dịch và nạn đói oành hành miền Bắc Ý. Giêrônimô bắt đầu chăm sóc các bệnh nhân và cho người đói có thức ăn bằng chính tiền riêng của mình. Trong khi phục vụ bệnh nhân và người nghèo, ngài quyết định dành tất cả cho người khác, đặc biệt là cho các trẻ mồ côi. Ngài thành lập ba cô nhi viện, một nhà mở cho những gái điếm hối lỗi và một bệnh viện.
Khoảng năm 1532, ngài và hai linh mục khác thành lập một hội dòng chuyên chăm sóc trẻ mồ côi và giáo dục giới trẻ. Ngài qua đời năm 1537 vì lây bệnh khi chăm sóc bệnh nhân. Ngài được phong thánh năm 1767. Năm 1928, ĐGH Piô Xl đặt ngài làm thánh bổn mạng các trẻ mồ côi và các trẻ bị bỏ rơi.
10/2 – Thánh Scôlastica, Trinh nữ (480-542?)
Những đứa con song sinh thường có điểm chung về mối quan tâm và tư tưởng với cường độ tương đương. Do đó, không lạ gì khi Scôlastica và em trai song sinh là Bênêđictô đều lập dòng, chỉ cách nhau vài dặm. Cùng sinh năm 480 trong một gia đình giàu có, Scôlastica và Bênêđictô cùng được nuôi dưỡng cho đến khi Bênêđictô đi Rôma để tiếp tục việc học. Người ta biết ít về cuộc đời hồi nhỏ của thánh Scôlastica. Bà lập dòng nữ gần Monte Cassino ở Plombariola, cách dòng của cậu em 5 dặm.
Hai chị em song sinh thăm nhau mỗi năm một lần ở một căn nhà nông trại vì Scôlastica không được phép vào tu viện nam. Họ dùng những lần gặp nhau để bàn luận về các vấn đề tâm linh. Theo cuốn Dialogues of St. Gregory the Great (Đối thoại của thánh Grêgôriô Cả), hai chị em dành ngày cuối cùng ở bên nhau để cầu nguyện và đàm đạo. Thánh Scôlastica cảm thấy mình sắp chết nên xin Bênêđictô ở lại với mình đến hôm sau. Thánh Bênêđictô từ chối vì ngài không muốn ở ngoài nhà dòng vào ban đêm, vì như vậy là vi phạm Tu Luật. Thánh Scôlastica xin Chúa cho sấm sét nổi lên để không cho Bênêđictô và các tu sĩ về nhà dòng. Bênêđictô kêu lớn: “Xin Chúa tha thứ cho chị. Chị làm gì vậy?”. Thánh Scôlastica trả lời: “Chị xin cậu mà cậu từ chối. Chị xin với Chúa và Ngài đã ban cho chị”.
Sáng hôm sau hai chị em chia tay sau thời gian đàm đạo dài. Ba ngày sau, thánh Bênêđictô đang cầu nguyện trong nhà dòng thì thấy linh hồn chị bay về trời trong hình chim bồ câu trắng. Thánh Bênêđictô thông báo tin chị mất cho các thầy, rồi sau đó an táng chị tại ngôi mộ mà thánh Bênêđictô đã chuẩn bị cho mình.
11/2 – Đức Mẹ Lộ Đức
Ngày 8-12-1854, ĐGH Piô IX công bố Tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Dogma of the Immaculate Conception) trong tông huấn Ineffabilis Deus. Hơn ba năm sau, ngày 11-2-1858, một phụ nữ trẻ đã hiện ra với Bernadette Soubirous. Trong lần hiện ra ngày 25-3-1858, phụ nữ này đã xác định: “Tôi là Đấng Vô Nhiễm”.
Bernadette là một đứa trẻ ốm yếu, có cha mẹ nghèo, nhưng việc sống đức tin của họ luôn sốt sáng. Trong khi bị thẩm vấn, Bernadette đã nói những gì em thấy. Đó là “cái gì đó màu trắng có dáng một cô gái”. Bernadette đã dùng từ aquero, đặc ngữ địa phương nghĩa là “điều này”. Đó là “một phụ nữ khá trẻ có chuỗi Mân Côi trên tay”. Chiếc áo trắng có vòng xanh bao quanh, đầu đội khăn trùm trắng. Mỗi bàn chân có một bông hồng vàng. Bernadette cũng ấn tượng với sự thật là phụ nữ này không dùng cách nói bình dân với đại từ tu (Pháp ngữ), mà dùng cách nói trang trọng với đại từ vous (Pháp ngữ).
Trinh nữ khiêm nhường hiện ra với một cô gái khiêm nhường và đối xử đàng hoàng. Qua cô gái khiêm nhường đó, Mẹ Maria đã tái sinh và tiếp tục tái sinh đức tin của hằng triệu người khác. Người ta từ khắp nơi bắt đầu tuôn đến Lộ Đức. Năm 1862 Giáo hội xác nhận tính đích thực của việc hiện ra này và ban phép tôn kính Đức Mẹ Lộ Đức cấp giáo phận. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức trở nên toàn cầu từ năm 1907.
12/2 – Thánh Apollonia, Tử đạo (qua đời năm 249)
Cuộc bách hại Kitô giáo bắt đầu thời Alexandria triều đại hoàng đế Philip. Nạn nhân đầu tiên là một phụ nữ lớn tuổi ngoại giáo tên là Metrius, bị hành hạ và bị ném đá đến chết. Nạn nhân thứ nhì là tên là Quinta, một Kitô hữu từ chối tôn thờ các ngẫu tượng, lời bà nói làm những người ngoại giáo tức điên lên, thế là bà bị đánh đập và ném đá.
Trong khi đa số các Kitô hữu trốn khỏi thành phố, bỏ lại tất cả tài sản, một nữ trợ tế bị bắt tên là Apollonia. Đám đông đánh đập bà, đá bà gãy cả răng. Họ đốt đống lửa và dọa ném bà vào nếu không chịu nguyền rủa Thiên Chúa. Bà xin họ chờ một lát, rồi bà hành động như thể bà đang cân nhắc yêu cầu của họ. Bà tự ý nhảy vào lửa chịu tử đạo.
Có nhiều nhà thờ và bàn thờ dâng kính thánh Apollonia. Bà được đặt làm bổn mạng các nha sĩ. Những người đau răng và những người bị các bệnh về răng thường cầu nguyện với bà. Bà được vẽ với tay cầm chiếc kìm nhổ răng hoặc với một chiếc răng vàng đeo ở cổ. Thánh Augustinô giải thích việc tử đạo tự nguyện của thánh Apollonia là một linh hứng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự gây ra cái chết.
13/2 – Thánh Giles Maria Giuse (1729-1812)
Năm hoàng đế Napoleon Bonaparte đưa quân sang Nga, Maria Giuse nhập dòng Phanxicô ở thành Naples, Ý.
Giles Francesco sinh ngày 16-12-1729 tại Taranto, Apulia, Ý, trong một gia đình nghèo, mồ côi cha lúc bà 18 tuổi nên Giles phải lo cho gia đình. Giles nhập dòng Anh Em Hèn Mọn (Friars Minor) tại Galatone năm 1754. Suốt 53 năm phục vụ tại Nhà tế bần thánh Paschal ở Naples với nhiều công việc như nấu ăn, khuân vác và thường xuyên nhất là hành khất cho cộng đoàn.
“Hãy yêu mến Chúa” là đặc điểm của Giles nói với mọi người khi đi xin thức ăn về cho các tu sĩ và chia sẻ lòng đại lượng với người nghèo – an ủi người gặp khó khăn và thúc giục mọi người sám hối. Lòng bác ái của thánh nhân thể hiện trên các đường phố ở Naples được sinh ra từ lời cầu nguyện và nuôi dưỡng đời sống cộng đồng của các tu sĩ. Những người mà Giles gặp trên đường gọi ngài là “Người an ủi thành Naples”. Ngài qua đời ngày 7-2-1812 tại Naples, được ĐGH Leo XIII phong chân phước năm 1888, và được ĐGH Gioan-Phaolô II phong hiển thánh năm 1996. Trong bài giảng lễ phong thánh, ĐGH Gioan-Phaolô II nói: “Hành trình tâm linh của thánh Giles phản ánh sự khiêm nhường của mầu nhiệm Nhập Thể và sự biếu không của Thánh Thể”.
14/2 – Các thánh Cyrilô, Đan sĩ (827-884), và thánh Mêthôđiô, Giám mục (825-869)
Hai anh em Cirilô sinh năm 827 và Mêthôđiô sinh năm 825 tại Thessalonica, Đông Bắc Hy lạp. Cha của các ngài là một sĩ quan ở Hy lạp, nơi có nhiều người Slavs sinh sống, thế nên hai anh em này trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và vị bảo trợ của dân Slavs. Sau khi học hành giỏi giang, Cyrilô (gọi là Constantine đến khi ngài làm tu sĩ không lâu sau khi cha mất) từ chối chức thống đốc khi em trai ngài chấp nhận là những người nói tiếng Slavs. Cyrilô rút về tu viện, nơi em trai Mêthôđiô làm tu sĩ sau vài năm làm thống đốc.
Sự thay đổi “định mệnh” xảy ra khi Công tước Moravia (ngày nay là Cộng hòa Czech) yêu cầu Hoàng đế Đông phương Michael cho độc lập về chính trị, tách khỏi quyền cai trị của Đức và tự trị giáo hội (ecclesiastical autonomy) vì đã có giáo sĩ và phụng vụ riêng. Cyrilô và Mêthôđiô hiểu sứ vụ truyền giáo của mình.
Công việc đầu tiên của thánh Cyrilô là sáng tạo bảng mẫu tự, vẫn được dùng trong một số phụng vụ Đông phương. Những người theo ngài có thể thành lập bảng mẫu tự Cyrilô (Cyrillic alphabet), chẳng hạn tiếng Nga hiện đại, từ chữ hoa Hy lạp. Họ cùng dịch Phúc âm, Thánh thi, các thư của thánh Phaolô và sách phụng vụ sang tiếng Slavs, lập nghi thức phụng vụ Slavs, lúc đó khác nhiều.
Họ dùng thổ ngữ một cách tự do khi thuyết giảng dẫn đến đối lập trong giới giáo sĩ Đức. Đức giám mục không chịu phong chức giám mục và linh mục cho người Slavs. Thánh Cyrilô buộc phải đi Rôma. Trên đường đến Rôma, ngài và thánh Mêthôđiô vui mừng khi thấy sách phụng vụ mới của hai anh em được ĐGH Adrianô II phê chuẩn. Thánh Cyrilô qua đời tại Rôma.
Thánh Mêthôđiô tiếp tục sứ vụ trong 16 năm nữa. Ngài là khâm sứ tòa thánh (papal legate) cho dân tộc Slavs, được phong chức giám mục và coi sóc một giáo phận (nay là Cộng hòa Czech). Khi nhiều vùng trong lãnh địa bị mất quyền hạn, các giám mục Bavaria phản hồi bằng cách chống lại thánh Mêthôđiô. Cuối cùng, Hoàng đế Louis người Đức bắt thánh Mêthôđiô đi đày 3 năm. ĐGH Gioan VIII bảo lãnh để thánh Mêthôđiô được tự do.
Giáo sĩ người Frankish tiếp tục cáo trạng, thánh Mêthôđiô phải đi Rôma để không bị kết tội dị giáo và bảo vệ việc dùng phụng vụ Slavs. Và ngài được minh oan (vindicated).
Thời kỳ hoạt động sôi nổi của thánh Mêthôđiô là dịch toàn bộ Kinh thánh sang tiếng Slavs trong vòng 8 tháng. Ngài qua đời vào thứ Ba Tuần Thánh, các đồ đệ vây quanh, và được an táng tại nhà thờ chính tòa.
Sau khi ngài mất vẫn có những người phản đối, rồi công việc của hai anh em ở Moravia đến hồi kết thúc và các đệ tử của họ tản mác. Nhưng có hiệu quả lợi ích về việc truyền bá các hoạt động tâm linh, phụng vụ và văn hóa của hai anh em sang Bulgaria, Bohemia và Nam Ba lan. Anh anh em là bổn mạng của Moravia, được tôn kính đặc biệt trong giới Công giáo ở Cộng hòa Czechs, Slovaks, Croatia, trong giới Chính thống giáo ở Serbia và Bulgaria. Thánh Cyrilô và Mêthôđiô là Tông đồ và là cha đẻ của văn chương Slavs, đồng thời là người bảo vệ sự hiệp nhất lâu dài giữa Đông phương và Tây phương. Năm 1980, ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong các ngài làm thánh bổn mạng Âu châu (cùng với thánh Bênêđictô).
15/2 – Thánh Claude la Colombière, Linh mục (1641-1682)
Đây là ngày đặc biệt của Dòng Tên (Society of Jesus), ngày kính một trong các thánh riêng của Dòng. Đây cũng là ngày đặc biệt đối với những người có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu mà thánh Claude la Colombière truyền bá, cùng với người bạn tâm linh là thánh Margaret Maria Alacoque.
Ngài sinh ngày 2-2-1641 tại St. Symphorien d'Ozon ở Dauphine, là con thứ ba trong một gia đình quý tộc, cha là Bertrand La Colombière và mẹ là Margaret Coindat. Rồi gia đình chuyển đến Vienne, tại đây ngài được đi học. Sau đó ngài được học hùng biện và triết học ở Lyon. Lúc 17 tuổi, ngài là tập sinh Dòng Tên tại Avignon. Ngài khấn lần đầu năm 1660. Học xong triết học, ngài dạy văn phạm và văn chương 5 năm. Năm 1666, ngài học thần học tại Paris. Rồi ngài dạy cho các con của vua Louis XIV, và ngài vừa giảng phòng vừa làm tuyên úy cho vài hội dòng Đức Mẹ Maria.
Sự nhấn mạnh vào Tình Yêu Chúa là “thuốc giải độc” đối với sự tuân thủ luân lý nghiêm ngặt của phái Gian-xen (*) phổ biến vào thời đó. Thánh nhân có tài diễn thuyết từ trước khi thụ phong linh mục ngày 2-2-1675. Hai tháng sau, ngài được bầu làm bề trên một tu viện ở Burgundy. Ở đó ngài đã gặp thánh Margaret Maria Alacoque. Nhiều năm sau ngài là linh mục giải tội cho thánh nữ. Rồi ngài được sai tới Anh làm linh mục giải tội cho nữ công tước York. Ngài rao giảng vừa bằng lời nói vừa bằng gương sống thánh thiện, và ngài đã khiến nhiều người Tin Lành trở lại đạo Công giáo.
Cuối năm 1678, ngài bị bắt vì bị vu khống có dính líu nhóm Titus Oates – nhóm mưu đồ theo chủ nghĩa giáo hoàng (papist plot). Hai ngày sau, ngài bị đưa tới khám King's Bench Prison theo lệnh Hoàng gia Anh, cảnh tù khắc nghiệt khiến sức khỏe ngài giảm sút, dù chỉ 3 tuần, trước khi bị trục xuất về Pháp. Mùa hè năm 1681, ngài trở lại Paray trong tình trạng yếu sức. Ngày 15-2-1682, Chúa nhật I mùa Chay, ngài bị xuất huyết nặng và qua đời.
Ngày 16-6-1929, ngài được ĐGH Piô XI phong chân phước. Năm 1992, ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong hiển thánh.
-----------------------
(*) Jansenism: Thuyết của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), khoảng 1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người hư hỏng, không thể tốt lành, còn Chúa Kitô chỉ chết cho những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo hội Công giáo kết án thuyết này là lạc giáo. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ, tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết. Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm 1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới cuối thế kỷ 20. Thuyết của thần học gia Công giáo Cornelis Jansen (1585–1638), khoảng 1656-1657, dựa trên thuyết tiền định luân lý (moral determinism). Các nguyên tắc thần học của Cornelis Jansen nhấn mạnh sự tiền định, phủ nhận ý chí tự do, cho rằng bản chất con người hư hỏng, không thể tốt lành, còn Chúa Kitô chỉ chết cho những người được chọn chứ không chết cho mọi người. Giáo hội Công giáo kết án thuyết này là lạc giáo. Thuyết này bị những người cải cách trong giới giáo sĩ, tu sĩ và học giả Công giáo Âu châu Tây phương phản đối, và bị kết án là tà thuyết. Bị ảnh hưởng các tác phẩm của thánh Augustinô, nhất là sự tấn công của thánh Augustinô đối với thuyết Pelagianism (phủ nhận tội tổ tông) và thuyết ý chí tự do, Jansen theo thuyết của thánh Augustinô về sự tiền định và sự cần thiết của Ơn Chúa, một lập trường bị Công giáo La Mã coi là gần với thuyết của Calvin, đã cấm lưu hành cuốn The Augustinus của ông năm 1642. Sau khi Jansen chết năm 1638, những người theo ông đã lập cơ sở tại tu viện ở Port-Royal, Pháp. Blaise Pascal, một đệ tử trung thành của Jansen, đã bảo vệ các giáo huấn của họ trong Provincial Letters (1656–1657). Năm 1709, vua Louis XIV ra lệnh bãi bỏ tu viện này. Những người theo Jansen bắt đầu lập Giáo hội Jansen năm 1723 và tồn tại tới cuối thế kỷ 20.
16/2 – Thánh Gilbert Sempringham, Linh mục (khoảng 1083-1189)
Gilbert sinh tại Sempringham, Anh quốc, trong một gia đình giàu có, nhưng ngài lại theo con đường khác. Ngài được gởi sang Pháp học, còn ngài lại muốn vào chủng viện.
Ngài trở về Anh và được thừa hưởng gia sản của người cha, nhưng ngài không muốn sống sung túc. Ngài phân phát của cải cho người nghèo. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được phái về coi sóc một giáo xứ ở Sempringham. Trong giáo xứ có 7 phụ nữ trẻ muốn đi tu, ngài cho xây một ngôi nhà kế nhà thờ cho họ sống đời tu. Rồi có nhiều thanh niên và thanh nữ gia nhập. Cuối cùng cộng đoàn này gọi là Dòng Gilbert (Gilbertines), dù ngài muốn là Dòng Xitô (Cistercians) hoặc một dòng nào đó đang hoạt động và sẽ viết tu luật cho một dòng mới. Dòng Gilbert là dòng duy nhất có nguồn gốc ở Anh được thành lập từ thời Trung cổ và phát triển. Nhưng Dòng Gilbert đã không còn từ khi vua Henry VIII cấm tất cả các tu viện Công giáo.
Sau nhiều năm, một thói quen đặc biệt lan truyền ở các nhà dòng gọi là “Chiếc đĩa của Chúa Giêsu” (the plate of the Lord Jesus). Khẩu phần ngon nhất của bữa tối được đặt trên một chiếc đĩa đặc biệt và được chia sẻ với người nghèo, phản ánh mối quan tâm cả đời của thánh Gilbert là chia sẻ với những người kém may mắn.
Thánh Gilbert sống giản dị, ăn ít và dành nhiều thời gian ban đêm để cầu nguyện. Dù sống nghiêm ngặt nhưng ngài vẫn sống thọ hơn 100 tuổi.
17/2 – Bảy thánh lập dòng Tôi tớ Đức Mẹ (thế kỷ 13)
Bạn có thể tưởng tượng được 7 người đàn ông ở Boston hoặc Denver cùng nhau bỏ gia đình và sự nghiệp, rồi cùng nhau sống độc thân vì Chúa? Nhưng đó là điều đã xảy ra tại thành phố Florence phồn thịnh hồi giữa thế kỷ XIII. Thành phố này bị xáo trộn vì chính trị và dị giáo Cathari. Luân lý bị coi thường và tôn giáo coi như vô nghĩa.
Năm 1240, bảy thanh niên của thành phố Florence quyêt định rời thành phố để sống độc thân chuyên cần cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Khó khăn đầu tiên của họ là giúp cho gia đình sinh sống, vì 4 người đã kết hôn. Mục đích của họ là sống cầu nguyện và sám hối, nhưng họ thấy bị phiền vì nhiều người từ Florence thường xuyên đến. Thế là họ rút vô miền sơn cước Monte Senario.
Năm 1244, theo hướng dẫn của thánh Phêrô Vêrôna, dòng Đa minh, họ sống theo cách sống của dòng Đa minh, theo tu luật thánh Augustinô và lấy tên dòng là Tôi tớ Đức Mẹ (Servants of Mary). Dòng mới này giống như các tu sĩ khất thực (mendicant friars), khác với các dòng trước đó.
Năm 1852, các tu sĩ dòng này từ Úc tới Hoa kỳ và ở lại New York, sau đó tới Philadelphia. Hai tỉnh dòng ở Hoa kỳ phát triển từ tu sở của cha Austin Morini ở Wisconsin năm 1870. Các tu sĩ kết hợp đời sống tu với việc hoạt động tông đồ. Trong tu viện, họ cầu nguyện, lao động và thinh lặng, kết hợp với việc tông đồ như giúp xứ, dạy học, dạy giáo lý và các hoạt động khác.
18/2 – Chân phước Gioan Fiesole, Linh mục (khoảng năm 1400-1455)
Chân phước Gioan Fiesole là bổn mạng các họa sĩ Kitô giáo. Ngài sinh khoảng năm 1400 tại một ngôi làng nhìn trên thành phố Florence. Ngài học vẽ khi còn nhỏ và được coi là họa sĩ bậc thầy. Ngài nhập dòng Đa minh lúc khoảng 20 tuổi, đổi tên là Fra Giovanni. Rồi ngài nổi danh với tên Fra Angelico, có thể đó là cách tỏ lòng kính trọng phẩm chất siêu nhân hoặc tính cách sùng kính trong công việc của ngài.
Ngài tiếp tục học và hoàn thành khoa hội họa của mình, với những đường nét phóng khoáng, màu sắc linh động và các hình ảnh phong phú sống động như thật. Michelangelo có lần đã nói về Fra Angelico: “Người ta phải tin rằng tu sĩ tốt lành này đã thấy thiên đàng và được phép chọn người mẫu ở đó”. Với Fra Angelico, cái gì cũng trở thành đề tài, ngài tìm cách phát huy cảm xúc tôn giáo được phản ánh trong các bức họa của ngài. Trong số các bức họa nổi tiếng của ngài là bức họa Truyền Tin (Annunciation) và Tháo Đanh (Descent from the Cross), kể cả các bích họa (frescoes) trong tu viện tại San Marco ở Florence.
Ngài còn giữ các chức vụ cao trong dòng Đa minh (Dominican Order). Khi ĐGH Eugenius hỏi ý kiến ngài về việc phong chức tổng giám mục Florence, ngài đã từ chối và ngài nói chỉ thích sống giản dị. Ngài qua đời năm 1455.
19/2 – Thánh Conrad Piacenza (1290-1350)
Conrad Piacenza sinh trưởng trong một gia đình quý tộc tại Piacenza, thuộc Bắc Ý. Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái một nhà quý tộc. Một hôm, trong lúc đi săn, Conrad bảo những người tùy tùng đốt một bụi cây để con thú chạy ra. Lửa cháy đến cánh đồng và khu rừng gần đó. Conrad chạy trốn. Một nông dân vô tội bị bắt vào tù, bị hành hạ và phải nhận tội, rồi người này bị kết án tử hình. Thấy vậy, Conrad đầu thú để cứu người kia và chịu bồi thường thiệt hại.
Sau sự cố này, Conrad và vợ đồng ý chia tay: Vợ vô dòng thánh Clara, chồng sống ẩn tu theo Luật Dòng Ba (Third Order Rule). Tuy nhiên, danh tiếng ngài thánh thiện lan truyền mau chóng. Thấy nhiều người đến làm rộn cuộc sống ẩn dật, ngài đến một nơi xa hơn, là Sicily, và tại đây ngài sống ẩn tu 36 năm, chuyên chăm cầu nguyện cho mình và thế giới.
Sự cầu nguyện và hãm mình của ngài là tiếng đáp trả những cơn cám dỗ cản bước ngài. Ngài chết khi đang quỳ cầu nguyện trước Thánh giá. Ngài được phong thánh năm 1625.
20/2 – Các Chân phước Giaxinta và Phanxicô Martô (1910-1920; 1908-1919)
Trong thời gian từ 13-5 đến 13-10-1917, ba trẻ chăn chiên ở Aljustrel, Bồ đào nha, đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách Lisbon 110 dặm về phía Bắc. Ba trẻ chăn chiên đó là Giaxinta, Phanxicô Martô và Luxia. Lúc đó, Âu châu đang chiến tranh khốc liệt. Bồ đào nha ở trong tình trạng hỗn loạn chính trị, chế độ quân chủ (monarchy) bị lật đổ năm 1910. Chính phủ giải tán các tổ chức tôn giáo ngay sau đó.
Trong lần hiện ra đầu tiên, Đức Mẹ yêu cầu các em trở lại chỗ đó vào ngày 13 trong 6 tháng kế tiếp. Đức Mẹ còn yêu cầu các em lần chuỗi Mân Côi để “cầu cho hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh”. Các em phải cầu cho những người tội lỗi và cho nước Nga trở lại. Mới đây Czar Nicholas II đã bị lật đổ và không lâu sau là chế độ cộng sản. Có đến 90.000 người đã tụ họp trong lần Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13-10-1917.
Chưa đầy 2 năm sau, Phanxicô qua đời vì bệnh cúm (influenza). Phanxicô được an táng tại nghĩa trang giáo xứ và rồi được cải táng về Thánh đường Fatima năm 1952. Giaxinta cũng qua đời vì bệnh cúm tại Lisbon. Giaxinta dâng mọi đau khổ của mình để cầu cho các tội nhân biết ăn năn trở lại, cho hòa bình thế giới và Đức Thánh Cha. Giaxinta được cải táng về Thánh đường Fatima năm 1951. Chị họ của Giaxinta và Phanxicô là Luxia (Lucia dos Santos) trở thành nữ tu dòng kín Camêlô (Carmelite). Luxia vẫn sống khi Phanxicô và Giaxinta được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước năm 2000. Nữ tu Luxia qua đời hồi tháng 2-2005, thọ 97 tuổi. Hằng năm có tới 20 triệu người đến viếng Đền thờ Đức Mẹ Fatima.
21/2 – Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục Tiến sĩ (1007-1072)
Có thể vì ngài mồ côi và bị anh em đối xử tồi tệ mà Phêrô Đamianô rất tốt với người nghèo. Chỉ là “chuyện nhỏ” khi ngài thường có một vài người nghèo đồng bàn ăn và ngài thích đích thân hảo tâm với những người nghèo.
Phêrô Đamianô thoát nghèo và thờ ơ với người anh khi người anh này, là linh mục hạt trưởng giáo hạt Ravenna, muốn “che chở” cho ngài, dù người anh này đã gởi ngài đi học và trở thành giáo sư.
Ngài luôn nghiêm khắc với chính mình, mặc áo nhặm (hair shirt), ăn chay và cầu nguyện nhiều. Ngài quyết định bỏ dạy học và dành thời gian cầu nguyện với các tu sĩ dòng Benêđíctô (Benedictines) cải cách của thánh Rômualđô tại Fonte Avellana. Ngài cầu nguyện nhiều và ngủ ít đến nỗi ngài bị chứng mất ngủ (insomnia), rồi ngài thấy phải cẩn thận và quan tâm sức khỏe. Khi ngài không cầu nguyện, ngài nghiên cứu Kinh thánh.
Tu viện trưởng truyền rằng khi bề trên qua đời thì Phêrô Đamianô phải kế vị. Và rồi tu viện trưởng Phêrô Đamianô đã thành lập thêm 5 đan viện khác. Ngài khuyến khích các đan sĩ sống cầu nguyện và cô tịch, ngài không muốn gì khác cho mình. Tòa Thánh kêu gọi ngài làm người hòa giải giữa hai đan viện có mâu thuẫn hoặc chính phủ bất đồng ý kiến với Rôma.
Cuối cùng, ĐGH Stephanô IX phong ngài làm Hồng y Giám mục giáo phận Ostia. Ngài làm việc cật lực để loại bỏ việc buôn chức bán quyền trong giáo hội (simony), ngài khuyến khích các linh mục tuân thủ luật độc thân và thúc đẩy các linh mục giáo phận sống đoàn kết và duy trì việc cầu nguyện. Ngài muốn duy trì quy luật ban đầu trong giới linh mục triều và linh mục dòng, tránh những chuyến đi không cần thiết, sống thoải mái và vi phạm đức khó nghèo. Ngài đã viết thư cho giám mục giáo phận Besancon để than phiền rằng giáo luật đã bị áp dụng sai khi hát thánh vịnh trong kinh nhật tụng (Divine Office). Ngài viết nhiều thư, hiện còn khoảng 170 thư. Ngoài ra còn có 53 bài giảng của ngài và 7 bản tiểu sử mà ngài đã viết. Ngài thích những tấm gương và truyện thật hơn lý thuyết. Nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Latin mà ngài viết là chứng cớ về tài năng của ngài.
Ngài thường xuyên xin nghỉ hưu, cuối cùng được ĐGH Alexander II chấp thuận. Ngài vui mừng vì lại được làm đan sĩ, nhưng ngài vẫn được kêu gọi làm khâm sứ tại Ravenna. Sau khi mãn nhiệm trở về nhà dòng, ngài bị sốt cao. Ngày 22-2-1072, khi các tu sĩ đang vây quanh ngài để đọc kinh nhật tụng thì ngài qua đời. Năm 1828 ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội.
22/2 – Tông tòa Thánh Phêrô
Lễ này kỷ niệm việc Chúa Giêsu chọn thánh Phêrô làm đầu Giáo hội.
Thiên thần nói với Madalêna: “Ngài đã sống lại! Hãy đi nói với các tông đồ và Phêrô”. Thánh sử Gioan kể lại rằng khi ngài và thánh Phêrô tới mộ, người trẻ đến trước người già nên đứng đợi. Phêrô vào mộ, thấy khăn liệm trên đất, khăn trùm cuộn lại gọn gàng. Gioan thấy và tin. Nhưng thánh Gioan nói thêm: “...Hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20:9). Họ trở về. Tin mừng lan truyền, điều không thể trở nên có thể. Chúa Giêsu hiện ra với họ khi họ đang sợ hãi chờ đợi trong căn phòng được khóa chặt. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” (Ga 20:21b), và họ vui mừng.
Lễ Hiện xuống hoàn tất kinh nghiệm của thánh Phêrô về Đức Kitô phục sinh: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:4a).
Chỉ khi đó thánh Phêrô mới hoàn tất trọng trách Chúa Giêsu đã trao: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32). Ngay lúc đó ngài trở thành phát ngôn viên cho Nhóm Mười Hai về kinh nghiệm Thánh Thần – trước mặt chính quyền đời, những người muốn cấm các tông đồ rao giảng, trước công hội Jerusalem, đối với cộng đoàn Ananias và Sapphira đang gặp rắc rối. Ngài là người đầu tiên rao giảng Phúc Âm cho dân dân ngoại. Khả năng chữa bệnh của Chúa Giêsu nơi ngài được minh chứng: làm cho Tabitha sống lại, chữa lành người ăn xin bị què. Người ta đem các bệnh nhân ra đường khi thánh Phêrô đi ngang qua với hy vọng bóng ngài sẽ lướt trên các bệnh nhân và được khỏi.
Ngay cả một thánh nhân cũng trải qua khó khăn trong đời sống Kitô giáo. Khi thánh Phêrô không ăn uống với các tân tòng vì ngài không muốn làm tổn thương các Kitô hữu người Do thái, thánh Phaolô nói: “Tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?” (Gl 2:11b, 14a).
Cuối Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18). Lời Chúa Giêsu nói cho thấy cách chết của thánh Phêrô. Trên Đồi Vatican ở Rôma, thời Nero, thánh Phêrô đã làm vinh danh Chúa bằng cái chết: bị đóng đinh ngược.
23/2 – Thánh Pôlycarp, Giám mục Tử đạo (qua đời năm 156)
Pôlycarp, giám mục giáo phận Smyrna (nay là Izmir, Thổ nhĩ kỳ), môn đệ của thánh Gioan tông đồ và người bạn là thánh Inhaxiô thành Antiôkia, là người được kính trọng trong nửa đầu của thế kỷ II.
Thánh Inhaxiô, trên đường tới Rôma chịu tử đạo, đã ghé thăm Pôlycarp tại Smyrna, và sau đó tại thành Troas, thánh Inhaxiô đã viết thư riêng cho Pôlycarp. Các giáo hội Tiểu Á nhận ra khả năng lãnh đạo của thánh Pôlycarp nên chọn ngài làm đại diện để thảo luận với ĐGH Anicêtô vào ngày lễ Phục sinh ở Rôma — một kiểu khá tranh luận trong thời Giáo hội sơ khai. Chỉ còn một trong nhiều lá thư của thánh Pôlycarp được lưu giữ, đó là thư ngài viết cho giáo đoàn Philippi, Maxêđônia.
Lúc 86 tuổi, thánh Pôlycarp bị thiêu sống tại Smyrna. Lửa không thiêu cháy ngài, cuối cùng ngài bị đâm chết. Viên sĩ quan chỉ huy ra lệnh thiêu xác thánh nhân. Các chứng tích về cuộc tử đạo của thánh Pôlycarp còn được lưu giữ, rất đáng tin cậy về cái chết của một nhân chứng Kitô hữu.
24/2 – Chân phước Luca Belludi (1200–khoảng năm 1285)
Năm 1220, thánh Antôny đang giảng đạo cho cư dân ở Padua thì chàng trai Luca Belludi đến gặp ngài và xin nhận y phục của những người theo thánh Phanxicô. Thánh Antôny thấy Luca có tài và có giáo dục nên giới thiệu với thánh Phanxicô. Luca được thánh Phanxicô nhận vào dòng Phanxicô (Franciscan Order).
Lúc 20 tuổi, Luca theo thánh Antôny đi giảng đạo và được bổ nhiệm làm vệ sĩ của các tu sĩ Dòng Anh em Hèn mọn (Friars Minor) ở thành phố Padua. Năm 1239, thành phố rơi vào tay kẻ thù. Giới quý tộc bị giết chết, thị trưởng và hội đồng thành phố bị giải tán, trường đại học Padua dần dần đóng cửa và nhà thờ dâng kính thánh Antôny bị bỏ dở. Luca cũng bị đi đày nhưng đã bí mật trở lại. Ban đêm, Luca và vệ sĩ mới có thể đến viếng mộ thánh Antôny để cầu nguyện và xin trợ giúp. Một đêm nọ, có tiếng nói vọng lên từ mộ xác định rằng thành phố sẽ mau chóng được giao lại từ tay bạo chúa.
Biết được sứ điệp tiên tri, người ta chọn Luca làm trưởng thành phố và xúc tiến việc hoàn tất đại giáo đường dâng kính thánh Antôny, thầy dạy của mình. Thánh Luca Belludi đã lập 5 tu viện và, như thánh Antôny, ngài cũng làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời và được an táng tại đại giáo đường đó, ngài vẫn được tôn kính cho tới ngày nay.
25/2 – Chân phước Sêbastianô Apariciô (1502-1600)
Những con đường và những cây cầu của chân phước Sêbastianô nối với nhiều vùng sâu vùng xa. Cây cầu cuối cùng của ngài là để giúp nam giới và nữ giới nhận biết phẩm giá và số mệnh của mình mà Thiên Chúa đã ban.
Cha mẹ của Sêbastianô là những nông dân người Tây ban nha. Lúc 31 tuổi, ngài đến Mexico làm nông nghiệp. Ngài làm nhiều con đường giúp cho việc thương mại được dễ dàng. Con đường dài 466 dặm từ thành phố Mexico tới Zacatecas mất 10 năm mới hoàn tất và phải thương lượng với nhiều người dọc hai bên đường.
Thời đó, Sêbastianô là một nông dân giàu có. Có thể sự thúc đẩy của người vợ là tài sản lớn của ngài. Khi người vợ đầu tiên qua đời, ngài bước vào cuộc hôn nhân trong trắng (virginal marriage) lúc ngài 60 tuổi. Người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Lúc 72 tuổi, Sêbastianô phân phát của cải cho người nghèo rồi vào dòng Phanxicô. Ngài ở một tu viện tại Puebla de los Angeles, phía Nam thành phố Mexico, Sêbastianô đi khất thực suốt 25 năm. Ngài sống bác ái nên người ta đặt cho ngài biệt danh là “Thiên thần của Mexico”. Sêbastianô được phong chân phước năm 1787 và được coi là bổn mạng của những người đi du lịch.
26/2 – Thánh Porphyry Gaza, Giám mục (353-421)
Chúng ta lật lại lịch sử để biết một chút về một thánh nhân không mấy quen với đa số những người ở Tây phương nhưng được các giáo hội Chính thống Nga và Hy lạp tôn kính. Ngài sinh ở gần Hy lạp hồi giữa thế kỷ thứ IV, Porphry nổi tiếng về lòng quảng đại với người nghèo và cuộc sống khổ hạnh. Các vùng hoang địa và hang động đã là nơi ở của ngài một thời gian. Lúc 40 tuổi, ngài ở Jerusalem và được thu phong linh mục.
Không biết những gì chúng ta biết được có đúng hay không: Ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Gaza, ngài không muốn nhưng ngài bị bắt cóc (với sự hỗ trợ của vị giám mục khác) và bị bắt ép tấn phong giám mục. Không lâu sau, ngài bị dân địa phương kết tội gây nạn hạn hán. Không lâu sau đó có mưa, dân chúng tin ngài và dần dần bớt căng thẳng.
Tiếp 13 năm sau, Porphyry làm việc không biết mệt mỏi vì mọi người, hướng dẫn họ và làm họ trở lại đạo, dù vẫn có nhiều người ngoại giáo phản đối suốt đời ngài.
27/2 – Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi, Tu sĩ (1838-1862 )
Sinh tại Ý trong một gia đình nhiều người và có tên thánh rửa tội là Phanxicô, ngài mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi. Ngài được học với các tu sĩ dòng Tên, hai lần khỏi bệnh nặng, và tin Chúa gọi mình sống đời tu trì. Phanxicô muốn vào dòng Tên nhưng bị từ chối, có lẽ do tuổi tác, vì chưa đủ 17 tuổi. Sau khi người chị chết vì bệnh dịch tả, ý muốn đi tu của ngài càng mạnh hơn và ngài được dòng Chúa Chịu Nạn (Passionists) chấp nhận. Khi vào nhà tập, ngài có tên dòng là Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi.
Gabriel mau chóng thành công trong nỗ lực sống đức tin trong từng việc nhỏ. Ngài có tinh thần cầu nguyện, yêu thương người nghèo, cân nhắc cảm xúc của người khác, tuân thủ luật dòng (Passionist Rule) và hành xác, luôn vâng lời ý khôn ngoan của bề trên. Những điều đó khiến mọi người có ấn tượng mạnh.
Bề trên muốn Gabriel làm linh mục, nhưng chỉ mới tu 4 năm, triệu chứng bệnh lao xuất hiện. Luôn vâng lời, ngài chịu đựng đau đớn, không đòi hỏi được quan tâm đặc biệt. Ngài qua đời ngày 27-2-1862, khi mới 24 tuổi, nêu gương sáng cho cả người trẻ lẫn người già. Ngài được phong thánh năm 1920.
28/2 – Chân phước Daniel Brottier, Linh mục (1876-1936)
Daniel Brottier sinh ngày 7-9-1876 tại La Ferté-Saint-Cyr, giáo phận Blois, Pháp. Ngài thụ phong linh mục năm 1899 và bắt đầu dạy học tại trường Pontlevoy (Pháp). Ngài muốn loan báo Tin Mừng cả ngoài lớp học nên ngài gia nhập Hội Truyền giáo Chúa Thánh Thần (Congregation of the Holy Ghost) tại Orly (Pháp) năm 1902, đi truyền giáo tại Saint-Louis, Senegal, thuộc Tây Phi, năm 1903. Sau 8 năm, vì sức khỏe suy yếu, ngài trở lại Pháp năm 1911 và quyên góp tiền xây nhà thờ chính tòa mới tại Dakar, Senegal. Thánh đường này được thánh hiến ngày 2-2-1936, chỉ vài tuần trước khi ngài qua đời.
Bắt đầu Thế Chiến I, Daniel làm tuyên úy tình nguyện và ra biên giới 4 năm. Ngài không trốn tránh nhiệm vụ. Thật vậy, ngài đã xả thân giữa trận chiến và bị thương. Ngài được tuyên dương là can đảm 6 lần, được thưởng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) và Bắc đẩu Bội tinh (Legion of Honour). Ngài sống sót nhờ cầu nguyện với thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu nên ngài xây một nhà nguyện dâng kính thánh nữ tại Auteuil khi thánh nữ được phong thánh.
Sau chiến tranh, ngài được mời giúp thành lập một dự án cho trẻ mồ côi tại Auteuil, ngoại ô Paris. Ngài sống 13 năm ở đó. Ngài qua đời ngày 28-2-1936 tại Paris. Có khoảng 15.000 người dân Paris đến kính viếng ngài và ĐHY Verdier đã giảng trong thánh lễ an táng ngài. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong bậc đáng kính ngày 13-1-1983 và phong chân phước ngày 25-11-1984.
- Thư Viện: