Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời Mở Đầu

Khóa IX Ngày 07 tháng 12 Năm 1965

Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ

Quyền Tự Do Tôn Giáo

Của Cá Nhân Và Ðoàn Thể

Trong Lãnh Vực Tôn Giáo

Là Một Quyền Tự Do Xã Hội

Và Dân Sự 1*

Lời Mở Ðầu

 

1. Nhân phẩm càng ngày càng được con người thời đại chúng ta ý thức mãnh liệt hơn 1, và xã hội luôn gia tăng số người đòi hỏi cho mình trong khi hành động được hưởng dụng quyền tự quyết và tự do nhận trách nhiệm, không bị một áp lực nào chi phối nhưng do ý thức về bổn phận dẫn dắt 2*. Cũng vậy, họ đòi hỏi công quyền phải được định giới theo thể thức pháp luật, để cho phạm vi tự do chân chính của cá nhân cũng như đoàn thể không bị hạn hẹp quá đáng. Sự đòi hỏi quyền tự do này trong xã hội nhân loại trước hết nhằm tới những sản nghiệp tinh thần con người và nhất là quyền tự do hành đạo trong xã hội. Thánh Công Ðồng Vaticanô này vì ân cần lo lắng đến những khát vọng tinh thần và nhằm xác định xem chúng phù hợp với chân lý và công bình đến mức nào, nên tra cứu Thánh Truyền và giáo thuyết của Giáo Hội để từ đó khám phá ra những điều mới nhưng luôn luôn hòa hợp với những điều cũ.

 

Vì thế, trước hết Thánh Công Ðồng tuyên bố 3* rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó, trong khi phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng Tôn Giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền. Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người, khi Người phán cùng các Tông Ðồ: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28,19020). Vậy mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội Người, và khi nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ.

 

Cũng thế, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng những bổn phận này liên quan đến lương tâm con người cũng như ràng buộc lương tâm con người, và chân lý tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác, sức mạnh ấy ăn sâu vào các tâm hồn một cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt. Hơn nữa, vì tự do tôn giáo, sự tự do mà con người đòi hỏi trong khi thi hành nhiệm vụ phụng thờ Thiên Chúa, có nghĩa là không bị một áp bức nào trong xã hội dân sự ràng buộc, nên sự tự do đó bảo toàn được nguyên vẹn giáo lý truyền thông công giáo về bổn phận luân lý của con người cũng như của các đoàn thể đối với tôn giáo chân thật và Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Vả lại, khi bàn về tự do tôn giáo, Thánh Công Ðồng muốn khai triển học thuyết của các vị Giáo Hoàng gần đây nhất về những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người cũng như về cơ cấu pháp lý của xã hội.

 

__________________________________________________________________

 

Chú Thích:

 

1* Những chữ dùng trong Tuyên Ngôn đều được ân nhắc cẩn thận, và chúng xác định giá trị đúng đắn của văn kiện. Bản Tuyên Ngôn đề cập trực tiếp đến phương diện pháp luật, nghĩa là đến mối liên lạc giữa các chủ thể trong xã hội, chứ không đặt vấn đề bản tính của tự do hoặc phân loại tự do.

Từ ngữ "quyền" được Thánh Công Ðồng sử dụng ở đây ám chỉ một quyền lợi đặt căn bản trên chính bản tính của con người, chứ không phải phát sinh do sự khôn ngoan chính trị của một chính quyền nào. Và cách nói "trong lãnh vực tôn giáo" được Thánh Công Ðồng chọn lựa với ý định làm nổi bật quyền tự do lựa chọn trong vấn đề tôn giáo, kể cả thuyết vô thần.

Sau cùng, sự tự do ở đây không phải là tự do trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người, nhưng là một sự tự do xã hội. Cũng thế, khi tự hạn định tự do trong dân luật, bản Tuyên Ngôn sẽ không đi vào vấn đề liên lạc giữa tín hữu và giáo quyền. Dĩ nhiên bên trong Giáo Hội, vẫn giữ sự kính trọng quyền tự do, nhưng Giáo Hội lại có một bản tính sâu xa, một mục đích và một trật tự pháp lý riêng biệt nữa. (Trở lại đầu trang)

1 Xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in terreis, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 279; n.v.t. trg 265. - Piô XII, Nuntius radiophonicus, 24-12-1944: AAS 37 (1945), trg 14. (Trở lại đầu trang)

2* Phần lý luận và lịch sử được đề cập trước phần mạc khải (số 9-15). Như thế, Công Ðồng muốn hết mọi người có thể nhận thức được vấn đề. Khi nêu lên ở phần đầu ý thức tiệm tiến về nhân phẩm con người và niềm khát vọng tự do dân sự đối với việc thi hành quyền tự do tôn giáo, bản Tuyên Ngôn công nhận rằng quyền tự do tôn giáo, theo nghĩa hẹp, chính là một ý niệm có tính cách pháp lý được nhìn nhận trong công quyền hiện đại. (Trở lại đầu trang)

3* Sự tuyên xưng đức tin này cốt để tránh những hiểu lầm có thể có đối với ý nghĩa bản Tuyên Ngôn này. Nhưng như bản Tuyên Ngôn sẽ biểu lộ, giáo thuyết về một tôn giáo độc nhất và chân thật nói ở đây không "giao thoa" với giáo thuyết về tự do tôn giáo.