Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chương II

 

II. Tự Do Tôn Giáo Dưới Ánh Sáng Mạc Khải 16*

 

9. Giáo lý về tự do tôn giáo bắt nguồn từ Mạc Khải. Những điều Thánh Công Ðồng Vaticanô nầy tuyên bố về tự do tôn giáo của con người, được xây dựng trên nhân phẩm, mà nhờ kinh nghiệm của bao thế hệ, lý trí con người ngày càng thấy rõ những đòi hỏi của nhân phẩm ấy. Hơn nữa, giáo lý về tự do tôn giáo còn bắt nguồn từ Mạc Khải của Thiên Chúa, nên người Kitô hữu càng phải thành kính tuân theo. Mặc dầu không minh nhiên xác nhận quyền tự do khỏi mọi cưỡng bách bên ngoài trong phạm vi tôn giáo, Mạc Khải cũng đã cho thấy nhân phẩm với toàn thể tầm mức rộng lớn của nó. Mạc Khải còn chứng tỏ rằng Chúa Kitô đã tôn trọng quyền tự do của con người trong khi họ thi hành bổn phận tin vào lời Chúa và dạy cho chúng ta biết tinh thần mà những đồ đệ của một vị Thầy như thế phải nhận biết và tuân theo trong mọi lãnh vực. Tất cả những điều trên làm sáng tỏ những nguyên tắc chung là những nguyên tắc đặt nền tảng cho học thuyết về tự do tôn giáo của bản Tuyên Ngôn này. Nhất là tự do tôn giáo trong xã hội hoàn toàn phù hợp với tự do trong hành vi đức tin Kitô giáo.

 

10. Hành vi đức tin phải được tự do. Một trong những điểm chính yếu của học thuyết công giáo, được chứa đựng trong lời Chúa và hằng được các Giáo Phụ giảng dạy 8, là con người phải tự ý đáp lại lời Chúa trong đời sống đức tin. Do đó, không ai bị cưỡng bách phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn 9. Thật vậy, tự bản chất, hành vi đức tin là một hành vi tự ý, vì dù được Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, giải thoát và được mời gọi trở nên dưỡng tử nhờ Chúa Giêsu Kitô 10, con người cũng không thể tin theo Thiên Chúa, Ðấng tự mạc khải, nếu sau khi được Chúa Cha lôi cuốn 11, họ không tin phục Thiên Chúa trong tự do và hợp lý. Vì vậy, trong lãnh vực tôn giáo, loại trừ mọi thứ cưỡng bách về phía con người là điều hoàn toàn phù hợp với bản chất của đức tin. Bởi đó, ý nghĩa tự do tôn giáo sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo nên hoàn cảnh thuận lợi, trong đó, con người có thể dễ dàng được mời gọi vào đức tin Kitô giáo, tự ý đón nhận và bày tỏ đức tin ấy một cách nhiệt thành trong cả cuộc sống.

 

11. Cách hành động của Chúa Kitô và các Tông Ðồ. Quả thực Thiên Chúa mời gọi con người phụng thờ Ngài trong tinh thần và chân lý. Do đó, con người bị ràng buộc nơi lương tâm chứ không hề bị cưỡng bách. Thực vậy, Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, phẩm giá ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của chính con người. Ðiều này hoàn toàn nổi bật nơi Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và những đường lối của mình một cách trọn hảo 17*. Quả thật, Chúa Kitô là Thầy và là Chúa chúng ta 12, chính Người là Ðấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng 13, nên Người đã kiên nhẫn lôi kéo và mời gọi các môn đệ 14. Quả thật, người đã trợ giúp và chứng thực lời giảng thuyết của Người bằng những phép lạ để khơi dậy và củng cố lòng tin của những thính giả chứ không phải tạo áp lực cưỡng ép họ 15. Thực sự Người đã quở mắng những thính giả cứng lòng tin, nhưng Người dành quyền luận phạt cho Thiên Chúa trong ngày thẩm phán 16.

 

Khi sai các Tông Ðồ đi khắp thế gian, Người phán: "Ai tin và chịu phép Rửa Tội thì sẽ được rỗi, còn ai không tin sẽ bị đoán phạt" (Mc 16,16). Khi nhận thấy cỏ lùng được gieo lẫn vào lúa, chính Người đã dạy: cứ để cả hai cùng mọc lên cho đúng mùa gặt sẽ xảy ra khi thời gian viên mãn 17. Vì không muốn là một Ðấng Thiên Sai làm chính trị, dùng sức mạnh để cai trị 18, nên Người thích tự xưng là Con Người, đến "để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân" (Mc 10,45). Người đã tỏ ra là một Tôi Tớ hoàn hảo của Thiên Chúa 19, "Người sẽ chẳng bẻ gẫy cây sậy đã giập, chẳng tắt ngọn đèn đang tàn" (Mt 12,20). Người đã thừa nhậnquyền bính dân sự và những quyền lợi liên hệ, Người đã truyền phải nộp thuế cho Caesar, đồng thời Người dạy bảo một cách rõ ràng phải tuân giữ những quyền tối thượng của Thiên Chúa: "Của Caesar hãy trả cho Caesar, còn của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa" (Mt 22,21). Sau cùng, Người đã hoàn tất việc mạc khải khi chu toàn công cuộc cứu chuộc trên thập giá, nhờ đó Người đã đem lại cho con người ơn cứu rỗi, và sự tự do đích thực.

 

Người đã làm chứng cho chân lý 20. Nhưng Người không muốn dùng sức mạnh để bắt buộc những kẻ đối lập phải tin theo. Quả thức, Nước Người được bảo vệ không phải do bạo lực 21, nhưng được bền vững do việc làm chứng và đón nghe chân lý, được bành trướng nhờ tình yêu, tình yêu mà Chúa Kitô khi bị treo trên thập giá đã kéo mọi sự đến với Người 22.

 

Các Tông Ðồ được Chúa Kitô dùng lời nói và gương sáng dạy bảo cũng đã đi theo con đường ấy. Từ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Chúa Kitô đã không dùng hành động áp bức và những mưu mô bất xứng với Phúc Âm, nhưng trước hết, các ngài đã dùng sức mạnh của lời Chúa để dẫn đưa con người trở về tin nhận Chúa Kitô 23. Các ngài đã mạnh dạn loan truyền cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa Cứu Chuộc, "Ðấng muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tim 2,4). Nhưng đồng thời các ngài cũng tôn trọng những người yếu đuối, mặ dù họ đang sống trong lầm lạc và tỏ cho họ biết "mỗi người chúng ta đều phải trả lẽ trước nhan Thiên Chúa" như thế nào (Rm 14,12) 24 và phải hết sức tuân theo lương tâm mình. Cũng như Chúa Kitô, các Tông Ðồ luôn chú tâm làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, các ngài còn thừa can đảm rao giảng "lời Chúa với lòng tin tưởng" (CvSđ 4,31) trước mặt dân chúng và các nhà cầm quyền 25. Các ngài xác tín rằng chính Phúc Âm thực là sức mạnh Thiên Chúa nhằm cứu rỗi mọi kẻ tin theo 26.

 

Vì thế, từ khước mọi "khí giới nhục thể" 27, noi gương hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Kitô, các ngài đã rao giảng lời Chúa với tất cả lòng tin tưởng vào sức mạnh thần linh của lời ấy, để phá tan mọi quyền lực chống lại Thiên Chúa 28, giúp mọi người trở về đức tin và vâng phục Chúa Kitô 29. Cũng như Thầy mình, các Tông Ðồ đã nhìn nhận chính quyền hợp pháp: "Mọi người hãy tùng phục quyền trên. Ai chống đối quyền bính tức chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa" (Rm 13,1-2) 30. Ðồng thời, các ngài cũng không sợ phải phản đối công quyền khi công quyền phản lại thánh ý Thiên Chúa: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn người ta" (CvSđ 5,29) 31. Trải qua mọi thế hệ và khắp mọi nơi trên trái đất, biết bao vị tử đạo và tín hữu đã đi theo con đường ấy.

 

12. Giáo Hội theo chân Chúa Kitô và các Tông Ðồ. Vì vậy, trung thành với chân lý Phúc Âm Giáo Hội noi theo con đường của Chúa Kitô và của các Tông Ðồ, khi nhìn nhận và bênh vực quan điểm tự do tôn giáo như một quan điểm phù hợp với phẩm giá con người và những gì Thiên Chúa đã mạc khải. Qua dòng thời gian, Giáo Hội vẫn duy trì và truyền dạy giáo thuyết đã nhận lãnh nơi Thầy Chí Thánh và các Tông Ðồ. Mặc dầu đời sống của Dân Thiên Chúa, trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử nhân loại lữ thứ, một đôi khi cũng có những phương cách hành động ít thích hợp, hay hơn nữa trái với tinh thần Phúc Âm, tuy nhiên giáo lý Giáo Hội luôn dạy rằng không ai cưỡng ép phải tin.

 

Men Phúc Âm đã hoạt động lâu dài trong các tâm hồn và giúp nhiều cho con người đến nỗi, qua dòng thời gian, con người nhận biết sâu xa hơn về phẩm giá của mình, và xác tín thêm rằng trong lãnh vực tôn giáo, con người trong xã hội phải được bảo đảm thoát khỏi mọi cưỡng bách do loài người.

 

13. Tự do của Giáo Hội. Trong số những điều có liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, và ngay cả đến lợi ích của xã hội trần thế, những điều cần phải được tôn trọng mọi nơi và mọi đời cũng như phải được bảo vệ khỏi mọi bất công, thì chắc chắn điều quan trọng nhất là Giáo Hội phải được toàn quyền tự do hành động tương xứng với việc đem ơn cứu rỗi cho mọi người 32. Vì thế chính sự tự do này là linh thiêng, sự tự do mà Con Một Thiên Chúa đã trang điểm cho Giáo Hội, một Giáo Hội được mua chuộc bằng chính Máu Người 18*. Sự tự do ấy là của riêng Giáo Hội cho nên những ai chống báng tự do này tức là chống lại ý định Thiên Chúa. Quyền tự do của Giáo Hội là nguyên tắc căn bản cho mọi liên lạc giữa Giáo Hội và chính quyền cũng như toàn thể cơ cấu dân sự.

 

Trong xã hội loài người và đối với bất cứ công quyền nào, Giáo Hội đòi cho mình quyền tự do với tư cách mình là một quyền bính thiêng liêng do Chúa Kitô thiết lập, và thừa lệnh Thiên Chúa, đã lãnh nhiệm vụ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật 33. Giáo Hội cũng đòi cho mình quyền tự do vì Giáo Hội cũng là một xã hội gồm những người có quyền sống trong xã hội dân sự theo những giới luật của đức tin Kitô giáo 34.

 

Thế nên, nơi nào thể chế tự do tôn giáo thịnh hành, nghĩa là không những được công bố bằng lời nói hay được phê chuẩn qua các đạo luật nhưng còn được đem ra thực hành cách thành thực, thì ở đó Giáo Hội mới tìm được những điều kiện vững chắc, trên nguyên tắc cũng như trong thực hành, khả dĩ bảo đảm sự độc lập cần thiết hầu chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa, và giao quyền càng ngày càng tha thiết đòi hỏi phải có sự độc lập này trong xã hội 35. Ðồng thời các Kitô hữu cũng như các người khác đều được hưởng quyền công dân để không bị ngăn cản hành động theo lương tâm trong đời sống của mình. Như thế, tự do của Giáo Hội luôn hòa hợp với tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo này phải được coi là quyền lợi của mọi người và của mọi cộng đoàn và phải được chấp nhận trong thể chế pháp lý.

 

14. Sứ mệnh của Giáo Hội. Ðể vâng theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: "Hãy dạy dỗ muôn dân" (Mt 28,19). Giáo Hội Công Giáo phải làm việc không quản khó nhọc: "để lời Chúa được lan rộng và sáng tỏ" (2Th 3,1).

 

Vì thế, Giáo Hội tha thiết xin các con cái mình, trước hết "hãy van nài, cầu nguyện, khẩn khoản và tạ ơn cho hết mọi người... Ðó là điều tốt đẹp và hợp tôn ý Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta, Ðấng muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Tm 2,1-4).

 

Tuy nhiên, trong việc huấn luyện lương tâm, các Kitô hữu phải luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội 36. Thật vậy, theo ý định của Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo là thầy dạy chân lý và có nhiệm vụ loan báo và truyền dạy chân lý là Chúa Kitô một cách chính thức, đồng thời phải lấy uy quyền mình mà công bố và xác nhận những nguyên tắc thuộc phạm vi luân lý, phát sinh tự bản tính con người. Ngoài ra, các Kitô hữu phải khôn ngoan tiếp xúc với những người ngoài Kitô giáo, "trong Chúa Thánh Thần, trong đức ái không giả dối, trong lời chân thật" (2Cor 6,6-7). Phải cố gắng tỏa ánh sáng sự sống với tất cả lòng tin tưởng vững chắc 37 và lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu.

 

Bởi thế, mỗi một môn đệ đều có bổn phận quan trọng đối với Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh của mình, là phải luôn luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Người đã trao ban, phải trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ, nhưng không được dùng những phương tiện trái với tinh thần Phúc Âm. Nhưng đồng thời, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, họ hãy lấy tình thương, sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn để đối xử với những kẻ còn sống trong lầm lạc hoặc chưa nhận biết đức tin 38. Vì vậy, phải quan tâm đến những bổn phận đối với Chúa Kitô, là Ngôi Lời ban sự sống phải được loan truyền; đồng thời, phải chú ý đến những quyền lợi của con người cũng như đến mức độ ơn thánh mà Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô ban cho những ai được mời gọi để tự ý nhận lãnh và tuyên xưng đức tin.

 

15. Kết luận. Hẳn nhiên phải công nhận là thời nay con người khát mong được tự do tuyên xưng tôn giáo mình một cách riêng tư cũng như công khai 19*. Hơn nữa, họ còn muốn tự do tôn giáo phải được hầu hết các hiến pháp công bố như một dân quyền và phải được các văn kiện quốc tế long trọng chấp nhận 39.

 

Tuy nhiên, có nhiều chế đọ, mặc dù đã chấp nhận quyền tự do phụng tự nơi Hiến Pháp, nhưng chính các cơ quan công quyền lại luôn tìm cách bắt người dân phải xa lìa tôn giáo họ tin theo và làm cho đời sống các cộng đoàn tôn giáo trở nên vô cùng bấp bênh và gặp nhiều trở ngại.

 

Trong niềm hân hoan chào đón những dấu hiệu tốt đẹp của thời đại này, nhưng đồng thời cũng phải đau lòng nói lên những sự kiện đáng tiếc, Thánh Công Ðồng khuyên nhủ những người công giáo và nài xin tất cả mọi người hãy để ý xem quyền tự do tôn giáo cần thiết như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhân loại.

 

Quả thực, người ta nhận thấy rằng mọi dân tộc ngày càng hiệp nhất với nhau hơn và mọi người ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, dù có khác biệt nhau về văn hóa và tín ngưỡng. Sau cùng, người ta cũng nhận thấy mỗi cá nhân ý thức hơn về trách nhiệm mình. Do đó, để thiết lập và củng cố giữa nhân loại mối tương giao ôn hòa và thuận hảo, điều cần thiết là khắp nơi trên hoàn cầu, tự do tôn giáo phải được bảo vệ nhờ sự hỗ trợ hữu hiệu của luật pháp, cũng như những bổn phận và quyền lợi tối thượng của con người trong việc sống đạo giữa xã hội phải được tôn trọng.

 

Ước mong Thiên Chúa cũng là Cha mọi người, làm cho gia đình nhân loại sau khi đã cẩn thận tuân giữ thể chế tự do tôn giáo trong xã hội, được đạt tới tự do cao cả vĩnh cửu "dành cho vinh quang con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21), nhờ ơn sủng Chúa Kitô và quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 

________________________________________________________________________

 

Chú Thích:

 

16* Tự do tôn giáo theo nghĩa chuyên môn là một khái niệm pháp lý đặc thù ở thời đại chúng ta. Khái niệm này không được nói rõ trong Mạc Khải, nhưng nó bắt nguồn và được minh chứng từ đó; thực vậy giáo thuyết này đặt nền tảng trên nhân phẩm con người, một nhân phẩm chỉ được hiểu trọn vẹn nhờ ánh sáng Mạc Khải. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Lactantiô, Divinarum Institutionum, c V, 19: CSEL 19, trg 463-464; Pl 6,614 và 616 (ch 20). - T. Ambrosiô, Epistola ad Valentianum Imp, Ep 21: Pl 16, 1005. - T Augustinô, Contra litteras Petiliani, c. II, ch. 83: CSEL 52, trg 112; PL43, 315. - Xem C. 23, vấn đề 5, ch 33 (x.b. Friedberg, cột 939). - N.t. Epist. 23: PL 33, 98. - N.t, Epist. 34: PL33, 132. - N.t. Epist 35: PL 33, 135. - T. Gregoriô cả, Epistola ad Virglitum et Theodorum episcopos Massiliae Galliarum, Registrum Epistolarum, I, 45: MGH Epist, 1, trg 72: PL 77, 510-511 (c I, thư 47). - N.t. Epistola ad Joannem Episcopum Constantinopplitanum, Registrum, Epistolarum, III, 52: MGH Epist, I trg 210; PL 77, 649(c III, thư 33). - Xem D 45, ch 1 (x.b. Friedberg cột 160). - CÐ Tolet IV, ch 57; Mansi 10,633. - Xem D. 45, ch. 5 (x.b. Friedberg, cột 161-162). - Clémentê III, X, V, 6,9 (x.b. Friedberg, cột 774), Innocentiô III, Epistola ad Arelatensem Archiepiscopum, X, III, 42, 3 (x.b. Friedberg, cột 646). (Trở lại đầu trang)

9 Xem CIC, kh. 1351. - Piô XII, Huấn từ cho các Vị Cao Cấp cũng như các viên chức và tòng sự khác của Tòa Thượng Thẩm Roma, 6-10-1946: AAS 38 (1946), trg 394. - N.t. Tđ, Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 243. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Eph 1,5. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Gio 6,44. (Trở lại đầu trang)

17* Chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy Thánh Công Ðồng không đề cập gì tới Cựu Ước. thực ra, có nhiều yếu tố của Cựu Ước đã được rút ra làm điểm tựa cho giáo thuyết của Tuyên Ngôn. Tuy nhiên Thánh Công Ðồng không đem vào bản văn những chi tiết trực tiếp liên quan tới tình trạng lịch sử rõ ràng của Do Thái.

Thánh Công Ðồng nhắc đến phương cách hành động của chính Chúa Kitô và của các tông đồ qua hai khía cạnh: về sự tôn trọng lương tâm và sự tự do đón nhận đức tin; về hai quyền bính cũng như hai phạm vi thẩm quyền riêng biệt. Chúng ta có thể nghĩ đúng rằng, sự phân biệt giữa hai quyền bính này, trên bình diện lịch sử là động lực quyết định cho sự xuất hiện của lương tâm và của đòi hỏi tự do để được xem như quyền lợi trong lãnh vực tôn giáo. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Gio 13,13. (Trở lại đầu trang)

13 Xem Mt 11,29. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Mt 11,28-30; Gio 6,67-68. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Mt 9,28-29; Mc 9,23-24; 6,5-6. - Phaolô VI, Tđ. Ecclesiam suam, 6-8-1964, AAS 56 (1964), trg 642-643. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Mt 11,20-24; Rm 12,19020; 2Th 1,8. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Mt 13,30 và 40-42. (Trở lại đầu trang)

18 Xem Mt 4,8-10; Gio 6,15. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Is 42,1-4. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Gio 18,37. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Mt 26,51-53; Gio 18,36. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Gio 12,32. (Trở lại đầu trang)

23 Xem 1Cor 2,3-5; 1Th 2,3-5. (Trở lại đầu trang)

24 Xem Rm 14,1-23; 1Cor 8,9-13; 10,23-33. (Trở lại đầu trang)

25 Xem Eph 6,19-20. (Trở lại đầu trang)

26 Xem Rm 1,16. (Trở lại đầu trang)

27 Xem 2Cor 10,4; 1Th 5,8-9.

28 Xem Eph 6,11-17. (Trở lại đầu trang)

29 Xem 2Cor 10,3-5. (Trở lại đầu trang)

30 Xem 1P 2,13-17. (Trở lại đầu trang)

31 Xem CvSđ 4,19-20. (Trở lại đầu trang)

32 Xem Leô XIII, Thư Officio sanctissimo, 22-12-1887), AAS 20 (1887) trg 269. - N.t. Thư Ex litteris, 7-4-1887: AAS 19 (1886), trg 465. (Trở lại đầu trang)

18* Nhờ sứ mệnh của Chúa Kitô trao phó, Giáo Hội có thêm danh hiệu độc quyền và thánh thiện trong việc đòi hỏi tự do tôn giáo. Dưới khía cạnh thiêng liêng này, đặc quyền này thuộc về Giáo Hội và duy nhất cũng như trước nhất cho Giáo Hội mà thôi. Nhưng nếu xét theo nội dung của quyền tự do này thì chắc chắn quyền của Giáo Hội cũng là quyền lợi của mọi người về tự do tôn giáo. (Trở lại đầu trang)

33 Xem Mc 16.15; Mt 28,18-20. - Piô XII, Tđ Summi Pontificatus, 20-10-1939: AAS 31 (1939), trg 445-446. (Trở lại đầu trang)

34 Xem Piô XII, Thư Firmissimam Constantiam, 28-3-1937: AAS 29 (1937), trg 196. (Trở lại đầu trang)

35 Xem Piô XII, Huấn từ Ci riesce, 6-12-1953: AAS 45 (1953), trg 802. (Trở lại đầu trang)

36 Xem Piô XII, Nuntius radiophonicus, 23-3-1952: AAS 44 (1952), trg 270-278. (Trở lại đầu trang)

37 Xem CvSđ 4,29. (Trở lại đầu trang)

38 Xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 299-300. (Trở lại đầu trang)

19* Sau khi đã nói với con cái mình (số 14), Thánh Công Ðồng trong bản Tuyên Ngôn muốn lên tiếng với hết mọi người, nghĩa là với lớp thính giả mà Giáo Hội đã mong ước nhắm tới ngay từ đầu. (Trở lại đầu trang)

39 Xem Gioan XXIII, Tđ Pacem in terris, 11-4-1963: AAS 55 (1963), trg 295-296.