Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngày 09

 

Chương trình

SẮC HOA THÁNG NĂM

Dâng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

 

Thứ Năm, ngày 09/05/2013

 

1. XIN ƠN CHÚA THÁNH THẦN (hát hoặc đọc):

Hát: Cầu Xin Chúa Thánh Thần

1. Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con. Ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường. 

ÐK: Nguyện xin Chúa Ngôi Ba, đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng. 

2. Cầu xin Chúa Thánh Thần, nguồn thiêng ân ái từ nhân, hun đốt tim con tình yêu lai láng, cho lòng thao thức bên Chúa luôn. 

Đọc: Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

2. TIN MỪNG (theo ngày trong tuần): Ga 16,16-20

16 "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? "18 Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! "19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

3. SUY NIỆM:

Chúa sợ các môn đệ hoang mang và cô đơn khi họ thấy Chúa bị giết chết. Vì thế Chúa phải báo trước để khi việc xảy đến các ông được an lòng. Thời gian xa cách chỉ là một giai đoạn ngắn, họ sẽ gặp lại Chúa khi Ngài phục sinh, và Ngài sẽ ở cùng họ cho đến ngày tận thế. Chúa hiện diện với các môn đệ trong Hội Thánh, nhất là trong bí tích Thánh Thể...

4. QUYẾT TÂM:

Chúa đã một lần chết, và rồi con cũng sẽ có ngày phải chết. Bây giờ con quyết bám chặt vào Chúa bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, để khi con chết, con được về cùng Chúa vĩnh viễn. 

5. LẦN HẠT (chọn 1 trong 3 cách dưới):

          1- Lần hạt 5 chục theo ngày trong tuần

          2- Lần hạt tuỳ ý

          3- Lần hạt theo mầu nhiệm gợi ý ở dưới đây:

Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

6. BÀI ĐỌC:

Đời Sống Nội Tâm của Đức Maria

Tác giả: Thánh Pierre-Julien Eymard

I. Đức Maria đã được trang điểm bằng mọi tặng ân, được nên phong phú bằng mọi nhân đức, được những công trạng khôn sánh, nhưng Mẹ đã xuất hiện trước mặt thế gian dưới một dáng vẻ bên ngoài hết sức bình thường. Không có gì là nổi nang trong các hoạt động của Mẹ; các nhân đức của Mẹ dường như chỉ dưới trung bình. Đời sống của Mẹ đã trải qua trong thinh lặng và bóng tối, và trình thuật Tin Mừng không nói gì nhiều đến đó. Sở dĩ như thế là vì Đức Maria phải là gương mẫu của đời sống ẩn dật – một đời sống ẩn dật trong Thiên Chúa với Chúa Giêsu Kitô – một đời sống mà chúng ta nên phấn đấu để đề cao và trung hoạ lại trong nếp sống của chúng ta. Tôi có ý nói rằng luật Thánh thiện mà Thiên Chúa áp dụng cho linh hồn chúng ta cũng chính là luật mà Ngài đã áp dụng nơi Mẹ Maria.

Giáo hội hát mừng Đức Maria: “Tất cả vinh hiển của nàng công chúa là ở trong cung nội.” Đây là đặc nét của sự thánh thiện nơi Đức Maria. Không có gì hiện lộ ra bên ngoài, không có gì đáng chú ý, tất cả chỉ cho duy mình Thiên Chúa và chỉ mình Ngài biết. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn là thánh thiện nhất, trọn hảo nhất trong các thụ tạo. Được Thiên Chúa cưng yêu hơn bất cứ thụ tạo nào, Đức Thánh Trinh Nữ đã lãnh nhận từ lòng quảng đại Ngài những ân sủng phong phú nhất, những tặng ân tuyệt hảo nhất. Cha Hằng Hữu đã ban cho Mẹ tất cả các nhân đức thuộc về người mẹ. Chúa Con, ban cho Mẹ tất cả kho tàng ơn cứu chuộc; Chúa Thánh Thần ban ân sủng tình yêu. Thế mà Đức Maria đã sống một cuộc sống hết sức thông thường, hoàn toàn ẩn khuất và vô danh. Như thế chúng ta chẳng phải kết luận rằng đời sống nội tâm, rút về ẩn dật là đời sống trọn lành nhất ư? đời sống hoạt động bên ngoài, ngay cả hoạt động vì Chúa, cũng kém trọn lành hơn. Vì thế cuộc đời của Chúa Giêsu ẩn khuất khỏi mắt người đời nhiều hơn là lộ diện. Các thánh cũng đã được đào tạo theo gương Ngài. Là người bạn thân của Thiên Chúa, chúng ta phải chịu nghiền nát, trở nên như không có gì, hư vô hoá như Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

II. Do đó, nếu muốn trở nên một vị thánh, chúng ta phải trở thành những linh hồn nội tâm. Ngoài ra chúng ta còn bị bắt buộc như thế bởi ơn gọi của chúng ta là những người tôn thờ. Nếu không có tinh thần nội tâm này chúng ta sẽ cầu nguyện thế nào được? Nếu chúng ta không thể ở trước mặt Chúa được một lát mà không dùng đến sách, nếu chúng ta không biết nói gì với Chúa từ đáy lòng mình, thì chúng ta sẽ làm việc tôn thờ thế nào được. Sao! Chúng ta không bao giờ có những lời trào tràn từ chính đáy lòng để thưa với Chúa sao? Chúng ta cứ phải đi vay mượn những tư tưởng và ngôn từ của người khác để thưa với Chúa sao? Không, không! Chúng ta hãy phấn đấu để trở nên những linh hồn nội tâm, tĩnh niệm. Không ai có thể có nội tâm y như Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nhưng mỗi người có thể trở nên tĩnh niệm trong chừng mực ân sủng ban cho. Nếu không có đời sống nội tâm, chúng ta sẽ không bao giờ lãnh nhận được bất cứ an ủi nào, sự khích lệ nào khi cầu nguyện; chúng ta sẽ mãi chỉ là kẻ bất hạnh dưới chân Chúa. Nếu chúng ta muốn trở nên người tôn thờ đích thực, chúng ta phải có tinh thần nội tâm này. Chúng ta phải biết thưa chuyện với Chúa khi quì gối trước nhan Ngài, biết hỏi và chờ đợi Ngài trả lời: chúng ta phải biết hoan hưởng sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta phải biết sung sướng làm bạn đồng hành với Ngài, sung sướng trong sự phục vụ Ngài; phải khoái thú trong tình thân mật rất ngọt ngào, rất khích lệ của Ngài. Nhưng để khám phá được Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta phải là người nội tâm. Sau hết, là người nội tâm có nghĩa là gì? Có nghĩa là yêu mến, tâm sự và sống với Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta không thể nghe tiếng Chúa Giêsu với đôi tai thể lý, không thể nhìn ngắm Ngài với cặp mắt bằng thịt; vì Ngài chỉ nói với linh hồn tĩnh niệm. Ngài hoàn toàn nội tại trong phép Thánh Thể: Ngài không đi vào trong tâm hồn qua hình sắc như khi Ngài còn tại thế; bây giờ Ngài đi trực tiếp vào linh hồn, và nói chuyện với mình nó. Khi linh hồn không lớn lên dưới sự hiện diện của Ngài thì đó là vì Ngài không hành động trên nó – có một cái gì đó cản bước chân Ngài.

A! chúng ta đừng làm cho lời Chúa đã phán xưa trở thành không đúng! Ngài đã phán ách Ngài êm ái, gánh Ngài nhẹ nhàng. Nhưng chỉ đúng như thế đối với kẻ nào mang gánh và ách ấy với tinh thần tĩnh niệm và cầu nguyện; nếu khác đi chúng sẽ trở nên nặng nề và gây mệt mỏi. Ôi chúng ta ước muốn biết bao được thấy hoàn thành nơi chúng ta điều đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Thánh Trinh Nữ: “Vương quốc Thiên Chúa ở cùng Bà” – Vương quốc của tình yêu, của nhân đức, và của những ân sủng nội tâm! Vậy chúng ta nên bắt đầu trở nên những người tôn thờ và những vị thánh. Cỏ trong cánh đồng hằng năm vẫn chết đi, bởi vì rễ của chúng không đâm sâu dưới đất; nhưng cây sến, cây tùng, cây ôliu vẫn đứng vững năm này qua năm khác, bởi vì các rễ của chúng cắm xuống rất sâu dưới lòng đất. Để tiến tới mạnh mẽ và bền bỉ, chúng ta cũng phải hạ mình xuống thật sâu, thậm chí tới mức huỷ mình ra hư không. Ơ đó chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu. Ngài ở đó, hoàn toàn huỷ mình: exinanivit. Chính ở chỗ đó mà Đức Maria đã tìm thấy Ngài. Ôi, ước chi người Mẹ thánh phúc, mẫu gương trọn lành của đời sống nội tâm của chúng ta, làm cho chúng ta sống trong Chúa Giêsu như Mẹ đã sống! Ước chi, cũng như Mẹ, chúng ta luôn luôn lưu lại với Ngài và đừng bao giờ lìa bỏ Ngài!

THÁNH PHÊRÔ GIULIANÔ EYMARD

Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã được Chúa Quan Phòng chọn để sáng lập hai Dòng tu cho Giáo hội: một Dòng cho các linh mục, một Dòng cho các nữ tu, cả hai đều hoàn toàn hiến mình để tôn thờ phép Thánh Thể được trưng bày ra ngoài. Nhưng chính nhờ Đức Maria mà Thiên Chúa đã làm cho ý muốn Ngài được tôi tớ Ngài biết đến; điều đó cũng được tuyên bố trong bản tóm tắt án phong chân phước: “Vào ngày lễ Mình Thánh Chúa Kitô năm 1845, được thúc đẩy bởi một ơn soi sáng mà chúng ta có thể coi như bởi Chúa, ngài đã hiểu rõ bản tính công việc mà ngài đã sớm thực hiện để đề xướng việc thờ lạy phép Bí Tích Cực Thánh. Tuy nhiên chỉ tới khi Đức Thánh Trinh Nữ (Đấng mà ngài đã cầu khẩn trước ở đền thánh Fourvière để xin ơn soi sáng và trợ giúp) ban cho ngài hai lời tiên báo, và trong niềm khiêm tốn tuân theo ý Chúa, ngài mới bắt đầu đặt nền móng cho hội dòng mới của ngài.”

Lời tiên báo thứ nhất xảy ra vào ngày 21 tháng Giêng năm 1851. Cha Eymard, trong khi ở Đền Thánh Mẫu, đã có một ấn tượng rất mạnh trong tư tưởng về vấn đề có quá ít người sùng kính đối với phép Thánh Thể, và rất nhiều người phạm thánh phạm đến Thánh Thể Chúa. Vài ngày sau, ngày mồng 2 tháng Hai, ý tưởng này trở nên rõ rệt hơn. Cha Eymard là chủ tịch cuộc họp của dòng ba Marist; ngài sắp phải đi Fourvière bằng “bước tiến của các thiên thần”, ngài kể lại, “tôi nhớ rằng tôi đã không muốn đi vào thánh đài, do cảm giác khiêm nhường, và tôi đã ở chỗ của mình sau bục giảng. Ơ đó tôi đã hỏi Đức Maria tôi có thể làm được gì để người ta yêu mến Bí Tích Cực Thánh. Tôi đã thưa với Mẹ: ‘mỗi Hội Dòng đều tôn vinh một mầu nhiệm nào đó, còn mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm vĩ đại hơn tất cả, lại là mầu nhiệm duy nhất chưa có Hội Dòng nào!’ Sau đó Mẹ đã bảo tôi là Mẹ muốn tôi hiến thân để làm cho người ta tôn kính Con thần linh Mẹ trong phép Thánh Thể. Chính lúc đó Mẹ Maria đã tỏ ra rất nhân từ với tôi. Tôi đã thấy rõ điều Mẹ yêu cầu tôi.”

Vâng, chính qua Mẹ Maria mà thánh Eymard đã được dẫn tới Chúa Giêsu. Ngài đã viết lên vấn đề này trong tập ghi chú những ngày tĩnh tâm ở Roma năm 1865. “Chính Đức Thánh Trinh Nữ đã dẫn tôi lại với Chúa Giêsu: dịp rước lễ Chúa nhật (ở nhà thờ Đức Bà Laus) hồi lên mười hai tuổi; từ Dòng Marist đến Dòng Thánh Thể.”

Thực hành – Chúng ta hãy phấn đấu để sống trong sự tĩnh niệm và kết hợp với Chúa Giêsu hiện diện trong chúng ta, noi gương Mẹ chúng ta.

Hoa thiêng – Ôi Maria, Nữ Tử đích thực của đức Vua, mọi vinh quang của Mẹ đều ở trong nội tâm Mẹ, bởi vì Chúa Giêsu cư ngụ trong đó.

7. KẾT THÚC (hát hoặc đọc):

Hát: Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa

ĐK: Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa (í, a) thần trí tôi mừng vui vời vợi trong Đấng Cứu Chuộc tôi. Chúa đã dủ thương đoái nhìn phận hèn tôi tớ. Vì vậy đến muôn đời, sẽ khen tôi đầy ơn, sẽ khen tôi đầy phúc, sẽ khen tôi muôn đời, đến muôn đời, đến muôn đời.

1. Đấng toàn năng đã làm cho tôi những việc cao trọng Danh Người là Thánh. Lượng từ ái trải qua từ đời nọ đến đời kia, hằng bao bọc những ai kính sợ Người.

2. Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu, Ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.

3. Lũ giàu sang đuổi về tay không, những người thanh bần ban đầy hồng phúc. Người đã nhớ lời hứa mà độ trì Ít-ra-en cùng tổ phụ Áp-ram với miêu duệ.

Đọc:  Thánh Ca (Lc 1,47-55)

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.


Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.


Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn !


Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.


Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.


Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.


Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.


Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.


Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
Và cho con cháu đến muôn đời.


Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. A-men.

 

****

Tài liệu trích dẫn:

1/ Kinh Thánh: Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ

2/ Bài suy niệm và cầu nguyện: Nữ Đan Viện Đa Minh

3/ Thánh Pierre-Julien Eymard, Người Say Yêu Thánh Thể, bản dịch Việt ngữ của  Đức Phương & Đức Nguyên, SSS; nguồn: danchuausa.net

4/ Bài hát: Thánh ca Cộng đồng