04 Chấp nhận đau khổ
3. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ
Bằng lòng với những khó khăn
Sau khi nhìn vào việc chấp nhận bản thân, giờ đây, chúng ta xem xét việc chấp nhận các sự kiện. Nguyên tắc căn bản thì như nhau, chúng ta không thể thay đổi cuộc sống mình một cách hiệu quả trừ phi chúng ta bắt đầu bằng cách chấp nhận chúng, đón nhận chúng hoàn toàn và vì thế, bằng lòng với mọi sự kiện bên ngoài mà chúng ta phải đối mặt.
Điều đó không khó đối với những gì chúng ta coi là tốt, hài lòng và tích cực, nhưng khó khi có bất cứ loại thất bại hay đau khổ nào dính dáng vào. Trong những điều tiếp theo, những điều mà chúng ta cho là tiêu cực nói chung được gọi là “những khó khăn”.
Chủ đề này cần được nắm vững cách cẩn thận. Đó không phải là việc trở nên bị động và học cách chịu đựng mọi chuyện mà không phản ứng gì. Nhưng bất kỳ dự định nào mà chúng ta có và dù chúng được chuẩn bị tốt cỡ nào, thì lắm khi những hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta vẫn xảy ra, kéo theo cả một loạt các sự kiện đi ngược lại những mong chờ, hy vọng và ước ao của mình và chúng ta lại phải chấp nhận.
Chúng ta không nên ép mình chấp nhận sự việc cách miễn cưỡng, nhưng nên thật sự bằng lòng với chúng - không chịu đựng nhưng theo nghĩa “chọn” nó (cả khi, thực tế, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác và đó là điều làm chúng ta khó chịu nhất). Chọn lựa ở đây có nghĩa là thực hiện một hành vi tự do, qua đó, chúng ta không những đành lòng cam chịu nhưng còn vui nhận hoàn cảnh. Điều đó không dễ chút nào, đặc biệt trong những thử thách gây đau đớn thực sự, nhưng đó là một hướng đi đúng đắn và chúng ta càng phải dõi theo nhiều ngần nào có thể trong tin yêu và hy vọng. Nếu chúng ta có đủ niềm tin vào Thiên Chúa để xác tín rằng, Người có thể rút ra điều lành từ bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta, thì Người sẽ làm như thế. “Vì đã tin nên anh sẽ được như vậy”, Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần trong Tin Mừng.[1]
Đây là một chân lý tuyệt đối căn bản, Thiên Chúa có thể rút sự lành ra từ mọi sự, cả lành lẫn dữ, tích cực lẫn tiêu cực. Vì Người là Thiên Chúa, “Cha Toàn Năng” mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Rút sự lành ra từ sự lành thì không quá khó. Nhưng chỉ Thiên Chúa, trong sự toàn năng, tình yêu và khôn ngoan của Người mới có thể rút sự lành từ sự dữ. Bằng cách nào? Về điểm này, không lý chứng triết học hay thần học nào có thể đưa ra lời giải thích thoả đáng. Công việc của chúng ta là tin điều đó dựa trên lời Thánh Kinh đang mời gọi chúng ta tin tưởng ở mức độ này: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người”.[2]Nếu tin điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm nó. Khi đọc lại tự truyện của mình vài ngày trước khi mất, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói, “Mọi sự đều là hồng ân”.
Để đi vào thái độ này, chúng ta có một số gợi ý:
Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau chúng ta khước từ
Nỗi đau lớn nhất cốt tại việc từ khước nó. Với chính nỗi đau này, chúng ta lại bồi thêm cho nó sự nổi loạn, phẫn uất và tức tối. Sự căng thẳng bên trong gia tăng nỗi đau của mình. Nhưng khi chúng ta được ơn chấp nhận nỗi đau và bằng lòng với nó, thì lập tức nó trở nên ít đau hơn. “Đau đớn trong bình an thì không còn đau đớn nữa”, Cha sở họ Ars, thánh Jean-Marie Vianney nói.
Lẽ thường, khi đối mặt với đau khổ, chúng ta chữa lành nó ngần nào có thể. Nếu đau đầu, chúng ta nên uống aspirin. Nhưng sẽ luôn có những nỗi đau vô phương cứu chữa và chúng ta phải nỗ lực chấp nhận chúng trong bình an. Đây không phải là chuyện tìm khoái cảm trong đau khổ hay yêu mến sự đau khổ nhưng hoàn toàn ngược lại, bởi lẽ bằng lòng với nỗi đau khiến nó dễ gánh hơn là ép mình chống lại nó. Điều này cũng đúng với đau đớn thể lý, một cú đấm phải đón nhận với một thái độ gồng mình, căng thẳng sẽ tổn thương hơn khi nó được đón nhận với thái độ thoải mái, buông lỏng. Muốn xoá bỏ đau khổ bằng mọi giá đôi lúc có thể tạo ra nhiều đau khổ hơn, thậm chí còn khó nuốt hơn. Quan niệm chủ nghĩa khoái lạc cho rằng, mọi đau khổ đều là sự dữ phải tránh bằng mọi giá dẫn người ta đến chỗ làm cho chính mình bất hạnh. Những ai quen tìm tránh mọi nỗi đau và chỉ trải nghiệm những gì làm hài lòng mình hay thoải mái, sớm muộn gì sẽ thấy mình vác những thập giá nặng hơn những ai cố gắng bằng lòng với những đau khổ mà cố gắng loại trừ chúng là điều phi thực tế.
Khi chấp nhận đau khổ, chúng ta tìm thấy sức mạnh mới. Thánh Kinh nói về “bánh châu luỵ”.[3]Thiên Chúa là Đấng trung thành luôn ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để mang lấy những gì là nặng nề và khó khăn ngày này qua ngày khác trong cuộc sống mình. Etty Hillesum viết, “Lạy Chúa, bây giờ con nhận ra rằng, Ngài đã cho con nhiều biết bao. Biết bao điều tốt đẹp cũng như biết bao gánh nặng phải mang. Vậy mà, bất cứ khi nào con tỏ ra sẵn sàng mang lấy nó, lập tức, cực nhọc biến thành đẹp tươi”.[4]
Ngược lại, ân sủng sẽ lảng tránh chúng ta khi chúng ta cố mang thêm những nỗi đau phụ trội, những nỗi đau chúng ta tự chất cho mình qua việc từ chối chấp nhận những thử thách thường ngày của cuộc sống.
Một điểm nữa, điều thực sự gây thương tích không phải là chính sự đau khổ nhưng là sự sợ hãi nó. Nếu được vui nhận cách tin tưởng và bình an, đau khổ sẽ làm chúng ta trưởng thành. Nó làm cho chúng ta trưởng thành, rèn luyện, thanh tẩy… dạy chúng ta yêu thương cách quảng đại; làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nghèo khó, khiêm tốn, hiền hoà và trắc ẩn đối với tha nhân. Trái lại, sợ hãi đau khổ khiến chúng ta cứng cỏi trong thái độ tự vệ, phòng thủ và thường dẫn chúng ta đến chỗ chọn lựa phi lý với những hậu quả khôn lường. “Con người đau khổ nhất là khi người ta họ sợ đau khổ”, Etty Hillesum nói. Loại hình đau khổ tồi tệ nhất không phải là đau khổ chúng ta trải nghiệm; đó chính là đau khổ tiêu biểu trói chặt sự tưởng tượng khiến chúng ta hành động với những thái độ lệch lạc. Không phải thực tại gây ra vấn đề nhưng là cách chúng ta tưởng tượng và mô tả nó.
Từ chối đau khổ có nghĩa là từ chối sống
Bằng việc quảng cáo và các phương tiện truyền thông, nền văn minh hiện đại không ngừng hát lên dạ khúc “tin mừng” của nó cho chúng ta nghe: hãy tránh xa đau khổ bằng mọi giá và chỉ tìm sự vui thoả. Nhưng nó lại quên nói rằng, không có cách nào chắc chắn để làm cho mình bất hạnh hơn khi làm như thế. Đau khổ cần được chữa lành bất cứ khi nào có thể, nhưng nó là một phần của cuộc sống và cố loại bỏ nó hoàn toàn có nghĩa là đàn áp cuộc sống, từ chối sống và rốt cuộc, khước từ vẻ đẹp cùng sự tốt lành mà cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. “Ai tìm cách cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ có được nó”,[5]Đức Giêsu dạy chúng ta và Tin Mừng của Ngài đáng tin hơn tin mừng của quảng cáo. Vui thoả là tốt và cũng là một phần của cuộc sống. Nếu không có một điều như thế, chúng ta không thể “trao ban vui thoả”, phương cách tốt nhất để người khác thấy chúng ta yêu mến họ. Nhưng vui thoả không phải để được “nhận” cách ích kỷ. Nó phải được tặng trao cũng như phải được đón nhận. Bằng cách chạy trốn một chút đau khổ (phương thức thông thường dễ chấp nhận), người ta thường gây cho mình những nỗi đau nghiêm trọng hơn nhiều. Chẳng hạn, tôi từng gặp những bậc cha mẹ tự dằn vặt mình năm này qua năm khác chỉ vì họ không thể chấp nhận ơn thiên triệu của đứa con. Khước từ nỗi đau phân ly khiến họ chọn cho mình một lối sống khác bắt nguồn từ những gì họ tưởng tượng, họ trải qua những tháng năm bất hạnh. Những ví dụ như thế cho thấy chấp nhận đau khổ và hy sinh (dĩ nhiên, khi chúng hợp pháp) thì không phải là tìm khoái lạc trong đau khổ, thái độ tự huỷ, nhưng hoàn toàn ngược lại. Bằng cách chấp nhận những đau khổ Thiên Chúa cho phép xảy ra mà cuộc sống “trao tặng” nhằm cho sự tiến bộ và thanh luyện mỗi người, chúng ta tránh được những đau khổ nặng nề hơn nhiều. Chúng ta cần phát triển chủ nghĩa hiện thực này và một lần thay cho tất cả, thôi mơ về một cuộc sống không có đau khổ và xung đột. Đó là cuộc sống trên trời chứ không phải dưới đất. Chúng ta phải mang lấy thập giá và can đảm theo Đức Kitô mỗi ngày; đắng cay của thập giá sớm muộn gì cũng trở nên ngọt ngào.
Những hậu quả về lâu về dài của thái độ nội tâm thì quan trọng hơn những gì người ta nghĩ về nó. Khi đối mặt với đau khổ thường nhật, “gánh nặng của ngày và sức nóng”, mệt nhọc, chúng ta không nên phí phạm thời gian để nguyền rủa trong lòng hay tự nhủ mình không thể chờ cho đến khi nó kết thúc hay mơ về một cuộc sống khác. Chúng ta phải chấp nhận cuộc sống như chúng là thế đó. Cuộc sống, thật tươi đẹp và tốt lành, đúng thế, kể cả những gánh nặng của khổ đau. Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa ban phúc lộc vô hạn cho mọi đời sống con người và phúc lành đó không bao giờ bị lấy lại dù tội lỗi và mọi hậu quả của nó, “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, Người không hề đổi ý”[6]- đặc biệt là quà tặng đầu tiên cũng như ơn gọi đầu tiên, quà tặng cuộc sống. Mỗi cuộc sống, ngay cả khi phải hứng chịu khổ đau, vẫn vô cùng giá trị và cao quý.
Thái độ này giúp chúng ta kiên định với thực tại và bảo trì năng lượng đáng ra đã bị lãng phí do phàn nàn, ước ao sự việc khác đi hoặc mộng mơ một thế giới ảo. Là Kitô hữu, chúng ta có thể đoan chắc hạnh phúc vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta, “Mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”, “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ…”.[7]Chúng ta không có lý do chính đáng nào để phàn nàn về những khó khăn trong cuộc sống. Hãy ghi lòng tạc dạ lời của thánh Phaolô, “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời”.[8]
Điều tồi tệ chẳng tồi tệ chút nào: Mặt tích cực của những khó khăn
Phải thừa nhận rằng, dù nặng nề đến mấy, khó khăn mang lại không chỉ những bất lợi mà cả những thuận lợi.
Thuận lợi đầu tiên là chúng ngăn cản chúng ta độc quyền sở hữu cuộc sống và thời giờ của mình. Chúng ngăn cản chúng ta đóng khung trong những chương trình, kế hoạch và khôn ngoan của mình. Chúng giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của chính mình, khỏi đầu óc hẹp hòi và phán đoán nông cạn của mình. “Chúa phán, như trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối ngươi, tư tưởng Ta cao hơn tư tưởng ngươi bấy nhiêu”.[9]Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là chúng ta để mọi thứ diễn ra đúng như chúng ta muốn, bởi đó là hồi kết của bất kỳ sự trưởng thành nào. Để có thể đi dần vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa vốn phong phú, kiều diễm, hiệu quả và nhân từ hơn vô cùng so với sự khôn ngoan của chúng ta[10], thì sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta cần đến một sự cải tổ toàn diện. Không phải huỷ diệt nó nhưng làm cho nó lớn lên bằng việc thanh luyện, giải phóng nó khỏi những giới hạn của mình. Bởi thiếu niềm tin và tình mến, sự khôn ngoan của chúng ta luôn được đánh dấu bởi một mức độ ích kỷ và tự kiêu nào đó. Cái nhìn thiển cận của chúng ta cần mở ra để đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa; chúng ta cần một sự canh tân tận thâm tâm. Tự bản chất, tội lỗi thì hẹp hòi; thánh thiện là sự mở ra của tinh thần, là sự cao cả của tâm hồn.
Từ làm chủ đến từ bỏ: Thanh luyện trí óc
Trong những cơn nguy khốn, không biết lý do tại sao chúng ta gặp thử thách thường là gánh nặng hơn chính cơn thử thách. Người ta hỏi, “Điều này có ý nghĩa gì?”, “Tại sao?” và họ không có câu trả lời. Trái lại, khi biết được lý do, người ta dễ chấp nhận đau khổ hơn. Như việc bác sĩ làm chúng ta đau - chúng ta không nổi cáu với ông vì biết ông làm thế để giúp chúng ta tốt hơn.
Chúng ta hãy suy gẫm về vai trò của lý trí và tâm trí trong đời sống thiêng liêng.
Như tất cả mọi khả năng Thiên Chúa ban tặng con người, trí thông minh thật vô cùng tốt lành và hữu ích. Con người khát khao chân lý, cần hiểu biết, đó là một phần của phẩm giá và sự vĩ đại của nó. Coi thường trí thông minh, coi thường những khả năng và vai trò của nó trong đời sống thiêng liêng và trần tục sẽ là điều bất chính.[11]Đức tin không thể làm gì nếu không có lý trí; và không gì cao đẹp hơn khả năng được trao ban cho con người để cộng tác vào công trình của Thiên Chúa cách tự do, hiểu biết cùng tất cả mọi khả năng khác. Những khoảnh khắc trong cuộc đời khi tâm trí chúng ta hiểu được điều Thiên Chúa đang làm, Người mời gọi chúng ta để làm gì, cách thức Người là cho chúng ta lớn lên… tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cộng tác hoàn toàn với công trình ân sủng của Người.
Đó là điều Thiên Chúa muốn. Người không tạo chúng ta như những búp bê nhưng là những con người tự do, có trách nhiệm, được mời gọi ôm lấy tình yêu của Người bằng trí thông minh và gắn bó với nó bằng sự tự do của mình. Vì thế, muốn hiểu ý nghĩa của mọi sự trong cuộc đời mình là một điều tốt lành và chính đáng.
Thế nhưng, khát vọng hiểu biết mọi sự bao gồm cả những điều mơ hồ, đồng thời cần được thanh tẩy. Những động cơ đàng sau khát vọng hiểu biết của chúng ta có thể không phải luôn luôn là chính đáng. Khát khao hiểu được chân lý để đón nhận và khuôn rập đời mình theo nó thì hoàn toàn hợp lệ, nhưng ở đó, còn có một khát khao để hiểu biết là một khát khao quyền lực: đảm trách, nắm giữ và làm chủ hoàn cảnh.
Khát khao đó cũng có thể phát xuất từ một nguồn khát vọng khác vốn không mấy tinh tuyền: đó là sự bất an. Trong trường hợp này, hiểu biết có nghĩa là trấn an, tìm kiếm sự an toàn theo nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát hoàn cảnh nếu chúng ta hiểu nó. Một sự an toàn như thế thì quá trần tục, mong manh, lừa dối - nó có thể bị hư hỏng từ ngày này qua ngày khác. Sự an toàn thực sự trong cuộc sống chỉ cốt tại niềm xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng trung thành, không bao giờ có thể bỏ rơi chúng ta, bởi sự trìu mến đầy tình cha của Người thì không thể đổi khác được.
Nhu cầu hiểu biết những gì đang xảy ra khi chúng ta trải qua một cơn thử thách nào đó đôi lúc, thuần tuý là một biểu hiện của việc không có khả năng phó mình cách tín thác cho Thiên Chúa để rồi, đi tìm một sự an toàn trần tục nào đó. Điều đó cần được thanh tẩy nơi chúng ta. Tự do nội tâm sung mãn sẽ đến từ việc giải thoát chính mình dần dần khỏi nhu cầu tìm kiếm an toàn trần tục bằng cách nhận ra chỉ Thiên Chúa mới là “đá tảng” của chúng ta như Thánh Kinh dạy.
Việc giải thoát trí thông minh khỏi ước muốn làm chủ và khỏi nhu cầu tìm kiếm sự an toàn thay vì phó mình cho Thiên Chúa đòi chúng ta vượt qua một số giai đoạn nào đó trong cuộc đời mình - chắc chắn đó sẽ là những thời kỳ đau thương nhất - ở đó chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được lý do tại sao nó lại xảy ra. Rồi thì sao? Rồi chúng ta phải tìm kiếm ánh sáng bằng suy tư, cầu nguyện và xin lời khuyên của những người khôn ngoan; nhờ ánh sáng này cùng với sự kết hợp với những gì chúng ta học được, chúng ta sẽ tiến bộ. Dẫu thế, vẫn còn có những khoảng thời gian khi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi nỗ lực tự sức mình để giải mã những mầu nhiệm, điều không thể hiểu đó. Đó là lúc phải ngưng mọi hoạt động để phó mình cho Thiên Chúa bằng một niềm tin có thể nói là mù quáng. Ánh sáng sẽ đến sau. “Những gì Thầy làm, bây giờ anh không hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”, Chúa bảo Phêrô.[12]Ở thời điểm đó, cố hiểu bằng mọi giá sẽ gây thương tổn hơn là mưu ích cho chúng ta. Nó sẽ gia tăng nỗi đau của chúng ta thay vì xoa dịu nó, đồng thời gia tăng nghi ngờ, lo sợ, bất an và thắc mắc mà không đưa ra một câu trả lời nào. Rốt cuộc, chúng ta phải hành động trong đức tin. Điều duy nhất có thể mang lại bình an cho chúng ta là khiêm tốn và cầu nguyện cách tin tưởng - thái độ được ngôn sứ Jeremiah biểu lộ, “Biết thinh lặng đợi chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đó là một điều hay”.[13]
Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa
Làm sao để thật sự cảm thấy an tâm, chúng ta muốn luôn đoan chắc mình đang làm theo ý Thiên Chúa. Khát khao hiểu biết thánh ý Thiên Chúa để thích ứng là một điều bình thường; và thường khi, nếu tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa với một con tim chân thật, chúng ta sẽ nhận được ánh sáng để hiểu thánh ý Người. Nhưng không luôn luôn như thế. Ngay cả khi chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để tìm ra thánh ý Chúa trong trong hoàn cảnh này trong hoàn cảnh khác bằng cầu nguyện, suy nghĩ và bàn hỏi thiêng liêng, chúng ta vẫn sẽ không luôn luôn nhận được câu trả lời rõ ràng, ít nữa không phải ngay lập tức.
Về điều này, có hai lý do: trước tiên, Thiên Chúa coi chúng ta là người trưởng thành và trong nhiều tình huống, Người muốn chúng ta tự quyết định. Lý do thứ hai là sự thanh luyện. Nếu luôn đoan chắc mình đang thi hành ý Chúa và bước đi trong chân lý, chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên quá tự tin dẫn đến nguy cơ tự kiêu về đường thiêng liêng. Không luôn tuyệt đối chắc chắn mình đang thi hành ý Chúa là khiêm tốn và khốn khó, nhưng điều đó bảo vệ chúng ta. Nó gìn giữ trong chúng ta một thái độ không ngừng tìm kiếm thánh ý và ngăn ngừa chúng ta khỏi thứ an toàn giả tạo vốn miễn cho chúng ta phó mình cho Người.
Khi không chắc thánh ý Chúa, điều quan trọng là chúng ta cần nói với chính mình rằng: “Ngay cả khi những khía cạnh của thánh ý Thiên Chúa chạy trốn tôi, vẫn luôn có những khía cạnh khác mà tôi biết chắc và có thể đầu tư vào mà không gặp nguy hiểm nào, vì tôi biết sự đầu tư này luôn sinh lời”. Những điều chắc chắn này bao gồm việc chu toàn nhiệm vụ trong đấng bậc mình và thực hành những điểm cần thiết của mọi ơn gọi Kitô hữu. Ở đây có một khiếm khuyết cần nhận ra và tránh xa, thấy mình mù mờ về thánh ý Chúa trước một vấn đề quan trọng - một sự chọn lựa ơn gọi có tầm mức lớn hay một quyết định nghiêm túc nào khác - chúng ta dành quá nhiều thời gian tìm kiếm, nghi hoặc hay nản lòng đến nỗi phớt lờ những gì Chúa muốn cho chúng ta mỗi ngày như trung thành cầu nguyện, giữ vững niềm tin vào Người, yêu mến những người chung quanh ở đây và giờ này. Không có những câu trả lời cho tương lai, chúng ta nên chuẩn bị đón nhận chúng bằng cách sống cái hôm nay cách sung mãn.
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”
Như đã nói trước đây, thật ích lợi cho chúng ta khi tập cho mình không chỉ đương đầu với những khó khăn nhưng theo một nghĩa nào đó, chọn lựa nó. Điều đó không có nghĩa là khiêu khích chúng! Nhưng có nghĩa là khi chúng nảy sinh, chúng ta toàn tâm chấp nhận chúng bằng một hành động tự do tích cực, ép mình di chuyển nhanh chóng từ thất vọng đến mặc nhận dựa trên niềm tin.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu không thích công việc mình bị gián đoạn. Đôi lúc chị được yêu cầu làm những việc đòi hỏi độ tập trung cao như vẽ một cái gì đó hay viết bản thảo một vở kịch cho cộng đoàn. Thời biểu của cộng đoàn Carmel quá sít sao đến nỗi chị không có thời giờ sắp đặt cho riêng mình. Cuối cùng, khi tìm được một hai giờ dành cho công việc, chị đặt tâm trí để làm theo tinh thần sau: “Tôi chọn cách bị gián đoạn”. Nếu một chị tốt lành nào đó đến yêu cầu chị làm một việc vặt vảnh thì thay vì lạnh lùng bảo chị ấy đi, Têrêxa nỗ lực chấp nhận sự gián đoạn nhờ ơn Chúa. Và nếu không ai làm chị bị gián đoạn, chị xem đó là quà tặng hấp dẫn từ Thiên Chúa yêu mến của chị và rất biết ơn Người về điều đó. Dù bất cứ điều gì xảy ra, chị trải qua ngày sống bình an và không bao giờ bực tức. Trong mọi sự, chị có thể làm theo ý mình, vì ý muốn của chị là chấp nhận mọi sự.
Hãy xem xét lời Đức Giêsu, “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”.[14]Đây là một nghịch lý. Hẳn mạng sống Ngài đã bị lấy đi, Ngài bị xiềng xích, nguyền rủa, bị dẫn đến Calvariô và bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng như phụng vụ nói, đây là “cái chết mà Ngài tự do chấp nhận”. Tự thâm tâm, Ngài chấp nhận những gì Chúa Cha muốn. Đức Giêsu vẫn vô cùng tự do trong cái chết của mình bởi Ngài đã biến nó thành một sự trao ban tình yêu. Qua việc ưng thuận cách tự do đầy yêu thương, sự sống bị lấy đi trở nên sự sống trao ban.
Theo lời chứng của Jacques Fesch, chúng ta có một mẫu gương sáng ngời về điều này. Bị bắt vì giết chết một cảnh sát trong khi theo đuổi một giấc mơ khá ngông cuồng (âm mưu cướp của để mua cho mình một chiếc thuyền hầu chèo qua đại dương), anh ta ở tù ba năm trước khi bị hành hình vào ngày 01 tháng 10 năm 1957 ở tuổi 27. Trong xà lim, anh khám phá Đức Kitô và lao vào một hành trình thiêng liêng tuyệt diệu. Vài ngày trước khi chết, anh ta viết, “Phúc thay người được Thiên Chúa ân thưởng phúc tử đạo! Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, dòng máu đổ ra thật giá trị biết bao, cách riêng là máu được trao ban cách tự do. Tôi không được tự do, nhưng nếu hôm nay tôi được trả tự do vì xúc phạm Thiên Chúa, tôi sẽ từ chối và thích chết hơn. Tôi cộng tác với cuộc hành hình này bằng cách hết lòng chấp nhận nó, dâng nó cho Chúa và như thế, cái chết của tôi ít vô nghĩa hơn”.[15]
Tự do của con người luôn có được sức mạnh lạ lùng này để biến những gì bị lấy khỏi chúng ta - bởi cuộc sống, bởi những biến cố hay người khác - trở thành một điều gì đó được trao ban. Xét bên ngoài, không có sự khác biệt rõ ràng nào, thế nhưng bên trong, mọi sự được biến đổi: định mệnh trở thành tự do chọn lựa, gò bó hoá thành tình yêu, mất mát lại trổ sinh hoa trái. Đây chính là sự cao cả mà tự do con người tuyệt nhiên chưa từng nghe nói tới. Nó không ban sức mạnh để thay đổi mọi sự, nhưng nó làm cho chúng ta có khả năng mặc ý nghĩa cho mọi sự, cả những gì vô nghĩa và như thế tốt hơn nhiều. Không luôn là chủ nhân của dòng đời mình, nhưng chúng ta có thể luôn là những chủ nhân của ý nghĩa chúng ta mặc cho chúng. Tự do của chúng ta có thể biến đổi bất cứ biến cố nào trong cuộc sống thành một biểu hiện của tình yêu, từ bỏ, tín thác, hy vọng và trao ban. Những hành động quan trọng nhất cũng như hiệu quả nhất của tự do không phải là những hành động qua đó, chúng ta biến đổi thế giới bên ngoài nhưng là những hành động mà nhờ đó, chúng ta thay đổi thái độ nội tâm của mình trong ánh sáng đức tin, rằng, Thiên Chúa có thể rút điều lành ra từ mọi sự mà không có trường hợp nào ngoại lệ. Đây là nguồn mạch của những phong phú vô tận. Cuộc sống chúng ta không còn mang trong mình bất cứ điều gì tiêu cực, tầm thường hay dửng dưng nữa. Những điều tích cực trở thành lý do để tạ ơn và vui mừng; những điều tiêu cực là cơ hội để từ bỏ, tin tưởng và trao ban, mọi sự đều là hồng ân.
Vô vọng trong thử thách và Thử thách của vô vọng: Tự do tin, cậy, mến
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta thấy mình gặp phải những hoàn cảnh thử thách và khó khăn tác động đến bản thân hoặc ai đó mà chúng ta yêu mến. Chúng ta không thể làm gì. Tuy nhiên, dù cân nhắc và xét xem mọi khía cạnh của sự việc đến đâu, vẫn không có giải pháp. Cảm thức vô vọng và bất lực là một thử thách đau thương đặc biệt khi nó liên quan đến ai đó thiết thân với chúng ta, thấy người mình yêu thương gặp khó khăn mà không thể làm gì là một trong những điều đắng cay nhất. Nhiều bậc làm cha mẹ trải nghiệm điều đó. Khi con cái còn nhỏ, họ luôn có cách can thiệp, giúp đỡ. Khi chúng lớn lên, không còn để tai đến lời khuyên nữa… thật khủng khiếp khi thấy chúng nghiện ngập hoặc lao vào những cuộc tình huỷ hoại. Muốn giúp đỡ chúng thật nhiều, nhưng họ lại không thể. Những lúc như thế, ngay cả khi xem ra không còn cách nào can thiệp nữa, dẫu vậy, cứ tự nhủ, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tin, cậy, mến. Chúng ta tin Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi con cái mình và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ sinh hoa kết trái đúng thời đúng buổi. Chúng ta có thể cậy trông vào sự trung thành và sức mạnh của Thiên Chúa đối với mọi sự. Chúng ta có thể yêu bằng cách tiếp tục mang con người đó trong tâm hồn và lời cầu nguyện của chúng ta, tha thứ cho người đó và tha cả những lỗi lầm người đó phạm; đồng thời, biểu lộ yêu thương bằng mọi cách chúng ta có, bao gồm tin tưởng, quên mình và tha thứ. Càng không có các phương tiện, tình thương của chúng ta càng tinh tuyền và cao quý. Cả khi bên ngoài không làm được gì, nhưng chúng ta vẫn còn tự do nội tâm để tiếp tục yêu thương. Dù bi đát đến đâu, vẫn không hoàn cảnh nào có thể cướp mất điều đó khỏi chúng ta.
Đối với chúng ta, đây phải là một bảo chứng giải thoát đầy an ủi giữa cơn thử thách của sự bất lực. Cả khi chúng ta không thể làm gì, miễn là vẫn tin, cậy, mến thì một điều gì đó vẫn đang diễn ra sẽ sinh hoa kết trái không sớm thì muộn đúng thời đúng buổi của lòng nhân từ Thiên Chúa. Tình yêu, dù bị tước mất các phương tiện và xem ra bất lực vẫn luôn luôn sinh hoa kết trái. Nó không thể khác hơn bởi vì đó là một sự thông phần vào hữu thể và sự sống của Thiên Chúa. “Trông cậy như thế, chúng ta không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà người ban cho chúng ta”.[16
[1] x. Mt 8, 13.
[2] Rm 8, 28.
[3] Tv 80 (79), 5.
[4] Hillesum, Interrupted Life, tr. 241.
[5] Lc 17, 33.
[6] Rm 11, 29.
[7] Is 35, 10; Kh 22, 5.
[8] 2Cr 4, 17.
[9] Is 55, 8-9.
[10] Ca ngợi sự khôn ngoan của Thiên Chúa ở Rm 11, 33-36
[11] Đức Giáo Hoàng John Paul II gợi lại cho chúng ta điều này trong Thông Điệp Faith and Reason (ngày 14 tháng 09 năm 1998).
[12] Ga 13, 7.
[13] Ac 3, 26.
[14] Ga 10, 18.
[15] Jacques Fesch, Dans cinq heures je verrai Jésus. Journal de prison (Trong vòng năm giờ nữa, tôi sẽ gặp Đức Giêsu. Báo tù) (Paris, Le Sarment-Fayard, 1989), tr. 296.
- Thư Viện: