Thánh Hoá Công Việc Làm Ăn
Suy Niệm NGÀY MÙNG BA TẾT
Thánh Hoá Công Việc Làm Ăn
Ai cũng phải lao động: Người lao động bằng chân tay, kẻ lao động bằng trí óc. Thời gian lao động chiếm đa số thời gian chúng ta sống. Để việc lao động có ý nghĩa và đem lại hiệu quả hồn xác trong năm mới này, hôm nay mùng ba tết, ngày xin ơn thánh hoá công việc làm ăn, chúng ta cùng nhau suy niệm mấy điểm sau đây:
Trước hết, Thánh Kinh đề cập nhiều về vấn đề lao động: Theo sách Sáng thế, lao động có mặt ngay lúc ban đầu sáng tạo, trước khi con người phạm tội. Cựu ước coi lao động không phải là một công việc hèn hạ mà là vinh dự, là niềm tự hào.
Sang Tân ước, chính Đức Kitô đã lao động. Phần lớn thời giờ của Ngài dành cho lao động: Rao giảng, thăm viếng, chữa bệnh...Ngài dùng lao động để tham gia vào chính công cuộc của Tạo Hoá “Cha tôi làm việc liên lỉ. Tôi cũng vậy”(Ga 5,13). Cha nuôi Ngài (Thánh Giuse) là bác thợ mộc xứng danh với tước hiệu quan thầy của giới công nhân. Các môn đệ của Chúa hầu hết cũng là những người lao động.
Lao động theo Đức Kitô là thành phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Trong các dụ ngôn, Ngài thường lấy từ đời sống lao động: Dụ ngôn người gieo giống, người chăn chiên, người đánh cá, người làm thuê vườn nho, người đàn bà xay bột…Các dụ ngôn đều đòi hỏi chăm chỉ, cần mẫn, trung thành, tỉnh thức. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: Tên đầy tớ biếng nhác đã chôn dấu nén bạc dưới đất nên bị quở mắng và nghiêm phạt. Những đầy tớ tài giỏi và trung thành thì được tuyên dương công trạng (x. Mt 25,14-30).
Tuy nhiên có những lời cảnh cáo chống lại sự quá bê tha với công ăn việc làm: “Anh em phải coi chừng, phải tránh mọi thứ tham lam, vì không phải dư của cải mà mạng sống con người được bảo đảm đâu”(Lc 12, 15). Vì thế, Mối lo về của cải đời này không được lấn át công việc nước Chúa: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”(Mt 6,33).
Lao động là luật chung cho mọi người. Ai cũng phải làm việc, không được lười biếng, sống vô kỷ luật (1Tx 5,14). Ta chăm chỉ làm việc, sẽ bảo đảm đời sống tự lập và tự do. Thánh Phaolô mời gọi mọi tín hữu phải có nghề nghiệp làm ăn lương thiện, vì chính Ngài cũng đã làm như vậy. Ngài nói: “Đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em”(x. 1Tx 2,9). Sống giữa môi trương ngoại giáo thường khinh rẻ lao động, các tín hữu được khuyến khích nên có một nghề trong tay: “Tôi khuyên những anh em sống thanh nhàn hãy lao động bằng chính chân tay mình. Như vậy lối sống của anh em được mọi người cảm phục”(x. 1Tx 4,10-12). Ngài còn nói: “Nếu có ai không chịu làm thì đừng có ăn. Tôi nghe nói: Trong anh em có người vô kỷ luật, chẳng làm gì cả. Mà việc gì của người ta, thì lại xỉa vô. Nhân danh Đức Kitô, tôi truyền dạy và khuyên họ hãy ở yên và làm việc, để có của nuôi thân”(x. 2 Tx 3, 10-12).
Lao động là một mệnh lệnh của Thiên Chúa để cộng tác vào công trình sáng tạo của Người. Thiên Chúa dựng nên con người có trí tuệ, có sức khoẻ, rồi giao cho con người làm chủ và hoàn thiện vũ trụ. Con chim biết làm tổ, con ong biết xây tầng làm mật nhưng bao nhiêu đời rồi chúng vẫn thế, cứ làm tổ xây tầng y hệt không có gì cải tiến. Còn loài người thì cải tiến không ngừng: Ban đầu con người ở hang, rồi nhà tranh vách đất, dần dần mới có nhà ngói, nhà tầng…Từ tiện nghi này đến tiện nghi khác: Ngày xưa đi lại chủ yếu là đi bộ, sau đó mới có xe đạp, rồi đến xe máy, ô tô, tàu thuỷ, tàu hoả, máy bay…Đó là vì con người có sứ mạng phát huy công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Lao động là để phát triển nhân cách và có của nuôi sống bản thân: “Lao động biểu hiện nhân cách của con người, nên sẽ là một tội nếu coi nó chỉ là một món hàng…(Mẹ và Thầy, 12). Thánh Phaolô đã tự lao động để nuôi sống mình, Ngài nói: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp”(Cv 20,34). Về vấn đề này, chúng ta học nơi những người già thuộc đất nước Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, nhưng phần lớn người lao động Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc khi đã vượt quá độ tuổi này. Năm 2010 gần 1/4 dân số Nhật Bản có độ tuổi trên 65 và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong các thập niên tới. Thay vì nghỉ ngơi và sống cùng con cháu, nhiều người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục làm việc để có thể tự lo cho bản thân. Bên cạnh thói quen độc lập, lao động giúp người già tránh xa bệnh tật và nguy cơ lão hóa.
Lao động là để phục vụ lẫn nhau vì mọi người đều cần đến nhau: Người công dân cần đến người nông dân để có lương thực. Người nông dân cần đến người công nhân để có dụng cụ làm việc. Người tri thức, nhà bác học cần đến người lao động chân tay. Nói chung, toàn thể trái đất như một công trình vĩ đại, và toàn thể loài người như một đại gia đình trong đó mọi người góp một tay làm một việc để tương trợ lẫn nhau.
Lao động là để góp phần từ thiện, bác ái, giúp người cùng khổ: Thánh Phaolô nói: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận”(Cv 20, 35). Chúa cho ta khoẻ mạnh, làm ăn may mắn, phát đạt ta phải nghĩ đến những người nghèo khổ, ốm đau, luôn gặp hoạn nạn…Đó là đức công bằng. Mahatama Gandhi đã nói rất chí lý rằng: “Theo quan niệm cá nhân tôi, tất cả chúng ta xét ý nghĩa nào đó đều là tên ăn cắp. Vì, ta có quá nhiều cái dưa thừa không cần thiết, trong khi người anh em quanh ta còn thiếu thốn đang cần đến nó. Chúng ta có vật nào đó không cần, thì vật đó chính là của ăn cắp mà chúng ta lấy từ những người nghèo cần đến nó”.
Tóm lại, dù muốn dù không ta cũng phải lao động. Để việc lao động đem lại lợi ích phần xác và phần hồn chúng ta phải ghi nhớ những điều trên đây. Đồng thời, Giáo Hội dạy ta mỗi buổi sáng thức dậy phải dâng những công việc mình làm trong ngày cho sáng danh Chúa: “Lạy Chúa, con xin dâng mọi việc con sẽ làm trong ngày hôm nay cho sáng danh Chúa, xin Chúa phù hộ, gìn giữ con để con khỏi sa phạm tội lỗi gì mất lòng Chúa con”. Và ngày hôm đó, ta ý thức về công việc ta làm, nếu khi cảm thấy mệt nhọc thì nên dừng lại, thầm thì với Chúa một hai lời nguyện vắn tắt: “Lạy Chúa, con dâng cho Chúa công việc này vì lòng mến Chúa” hoặc khích lệ bản thân “chịu khó mà đền tội”. Thánh Vinh Sơn Phaolô trước khi làm bất cứ việc gì, Ngài đều tự hỏi: “Nếu Chúa Giêsu trong trường hợp tôi, Ngài sẽ làm gì ?” Và rồi, Thánh nhân làm hay không làm theo ý hướng đó. Được như thế, tất cả mọi công việc chúng ta làm sẽ bớt nặng nhọc hơn và đem lại lợi ích cho hồn xác chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con tích cực làm việc để cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, để có của nuôi thân và giúp ích cho những kẻ túng thiếu. Xin cho tâm hồn, ngôn ngữ và hành vi của chúng ta đều được thấm nhuần tinh thần của Chúa. Xin chia vui, chia buồn, chia công việc với chúng con. Để tất cả các công việc của chúng con làm trong năm Bính Thân này đều mưu ích cho hồn xác chúng con và làm sáng danh Chúa. Amen
Lm. Anthony Trung Thành
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: