Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ông Ký Nà Toòng

 

Bạn thân mến,
Mình theo ÐC Lạng Sơn lên Nà Toòng, thuộc giáo xứ Bó Tờ, cách TGM Lạng Sơn 140km để cử hành lễ an táng cho bà Maria Ký, người dân tộc Tày. Một đám tang đơn sơ, nhưng đã để lại cho mình những ấn tượng thật khó quên.

 

Ấn tượng thứ nhất là cái chết của người quá cố. Bà Ký chết vì quá thương con. Con gái bà chết vì bệnh ung thư. Quàng xác con tại nhà chờ ngày chôn cất, bà Ký không cầm nổi nước mắt khóc thương. Và khi xác con chưa kịp đưa ra đồng thì mẹ cũng theo con cho thỏa nỗi nhớ thương. Bà chết sau con gái 4 ngày !

 

Ấn tượng thứ hai là gia đình của bà Ký. Ðây là gia đình công giáo duy nhất trong làng Nà Toòng.

 

Chuyện ông Ký trở lại đạo cách đây hơn 70 năm cũng thật là hi hữu. Theo lời ÐC Lạng Sơn thì hồi đó gia đình ông Ký tội nghiệp lắm. Mẹ ông sinh ba bốn lần nhưng đứa con nào cũng chết sớm. Khi sinh ra ông Ký, thấy con èo uột, hết bệnh này đến bệnh kia, bà lo lắm, chỉ sợ thằng bé rồi cũng bị "ma" bắt như các anh, các chị nó thôi. Thế rồi một hôm, nghe người ta mách, cách làng Nà Toòng khoảng 15km, có ông cha theo đạo thờ “Cái Chúa” giỏi lắm. Cứ mang con ra đó rửa tội, “Cái Chúa” sẽ phù hộ, không để “ma” bắt mất đâu. Nghe lời, người mẹ mang bé Ký ra xin “ông cha” rửa tội. Ông cha dậy bé Ký làm dấu thánh giá, đọc kinh lạy cha, cho bé Ký quyển sách kinh nhỏ rồi rửa tội cho bé. Về nhà ít lâu, bé Ký tự nhiên ăn được, ngủ được, người béo khỏe ra. Lớn lên đi học, lại có trí nhớ tốt hơn chúng bạn, thế mới lạ!

 

Mấy năm sau đó, chiến cuộc nổ ra, dân làng ly tán. Không có linh mục tới lui nên nhà thờ Bó Tờ cũng thành nơi hoang vắng. Mẹ của Ký cũng chẳng nghĩ gì đến việc mình có đứa con “đi đạo” nữa. Và cứ thế, năm tháng dần trôi, chốn sơn khê heo hút này, dường như chẳng còn ai biết là có “Cái Chúa” ở trên đời.

 

Thế rồi một hôm, người mẹ làng Nà Toòng ấy giật nẩy mình khi nghe đứa con mình mang đi rửa tội, đem cho “Cái Chúa” ngày xưa ấy, xin phép làm bàn thờ kính “Cái Chúa” ở trong nhà. Bà tự nhủ : Mình đem nó “rửa tội”, cho nó theo “Cái Chúa" là chỉ có ý mong nó khỏi chết, chứ đạo nghĩa gì đâu. Làng này, mọi người theo “thày mo” tất, có ai biết “Cái Chúa” là gì. Ðể nó làm bàn thờ kính “Cái Chúa”, người ta không cười vào mặt cho à ! Nghĩ thế, bà cương quyết từ chối, rồi nói thật với con: Mẹ để con “đi đạo" là cốt cho con khỏi chết thôi. Giờ con khỏe mạnh thế này, cần gì phải giữ nữa. Nhưng anh Ký cương quyết thưa:
- Mình đã tin “Cái Chúa” thì phải tin cho thật. Ðã “đi đạo” thì phải giữ cho tròn. Nếu Mẹ không bằng lòng, con sẽ ra ở riêng để làm bàn thờ, vì con đã tin “Cái Chúa”.

 

Thấy con khẳng khái nhất mực, tuổi mình cũng đã cao, nó giận, nó ra ở riêng thì mình biết lấy ai săn sóc, nên cuối cùng bà mẹ cũng bằng lòng.

 

Những năm khó khăn ấy kiếm đâu ra ảnh tượng mà làm bàn thờ nên anh Ký chỉ biết lấy than vẽ trên vách nhà hình cây thánh giá, bên dưới nắn nót hàng chữ “Tôi tin Thiên Chúa Ba Ngôi”, thêm một ngọn đèn dầu nhỏ trên chiếc bàn con. Chỉ bằng ấy thôi cũng đã đủ cho một tấm lòng thành diễn tả niềm kính mến.

 

Dân làng Nà Toòng có ai biết “Cái Chúa” là gì. Thấy bàn thờ nhà Ký chẳng có hương hoa, không có hình ảnh ông bà, khác hẳn bàn thờ nhà họ, chỉ biết lắc đầu bảo Ký: “Bàn thờ nhà mày lạ quá, chẳng có nến hương, chẳng có tiên tổ, giống hệt bàn bán thịt lợn, Ký ạ.” Nghe thế, Ký chỉ cười cho qua câu chuyện, chẳng biết nói gì hơn.

 

Vì Ký theo đạo lạ, nên dân làng tẩy chay. Mỗi khi có cúng giỗ, “làm then”, mỗi lần dân làng mở hội, chẳng ai thèm mời Ký nữa. Họ bảo: Nó theo “Cái Chúa” phản bội dân làng, mình cần gì nó nữa. Nhưng dù họ có giận, Ký cũng chẳng để lòng. Anh vẫn tham gia việc làng, vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi người những khi cần thiết. Thỉnh thoảng, vẫn có người bảo anh:


- Tưởng mày đi đạo thì bỏ chúng tao rồi chứ.
- Ðạo là việc riêng tư. Tôi vẫn là người làng, làm sao bỏ được bà con.

 

Vì biết “cái chữ”, cộng thêm tính hiền hòa, chịu thương chịu khó nên Ký được dân làng tín nhiệm bầu làm thư ký xã. Rồi Ký lập gia đình. Con cái sinh ra không được rửa tội, không đến nhà thờ kinh lễ vì biết đi đâu bây giờ. Bó Tờ thì chẳng còn cha, mà Cao Bằng, Lạng Sơn lại xa xôi quá ! Thế là ông Ký đem hết vốn liêng nghèo nàn của mình dậy cho con biết Chúa, biết đạo. Ông thuờng nhắc nhở con cháu:
- “Mình đã tin thì phải tin cho thật. Tin đến suốt đời. Ðời cha truyền sang đời con. Ðời con truyền sang đời cháu, cho đức tin vững bền mãi mãi.”

 

Có được niềm tin vững chắc ấy là vì ông cảm nhận rõ ràng tình Chúa thương ông. Bên nội, bên ngoại nhà ông chỉ còn có mình ông sống sót. Ðó chẳng phải tình Chúa thương ông là gì? Làng xóm cũng thấy rõ Chúa thương ông. Này nhé, ông có phải tốn tiền đón thầy mo về nhà cúng giỗ đâu thế mà con cháu ông vẫn khỏe mạnh, lợn gà nhà ông không chết, ruộng rẫy nhà ông vẫn tốt tươi. Họ bảo nhau: “Cái Chúa” nhà thằng Ký mạnh thật !

 

Chuyện ông Ký làng Nà Toòng xa xôi ấy đi theo “Cái Chúa” tưởng chừng cũng chỉ là “dấu chân trên cát” sẽ xóa nhòa theo năm tháng cuộc đời! Nào có ai ngờ, phải! nào có ai ngờ… Năm 1999, sau khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Lạng Sơn, ÐC Giuse Ngô Quang Kiệt đến thăm những người giáo dân Tày còn sót lại của họ đạo Bó Tờ năm xưa. Nghe dân nói trong làng Nà Toòng có một người giữ đạo, Ngài vội vàng đến thăm. Ðường đi trắc trở, xe không tới được. May thay có chiếc máy cày to, thế là cha con chất chồng nhau lên tìm đến nhà ông Ký.

 

60 năm giữ đạo âm thầm hôm nay mới gặp được “ông cha” làm sao nói được hết nỗi niềm, vì thế ông Ký miệng thì ấp úng, mà nước mắt cứ trào tuôn.

 

Từ đó, nhà ông Ký tự nhiên trở thành điểm hẹn. Bức vách với hình thánh giá bằng than nhòa dần theo năm tháng nhưng bàn thờ trong tâm hồn ông càng ngày càng thêm rõ nét. Ông có chờ, có đợi được niềm hạnh phúc ấy đâu, thế mà “Cái Chúa” vẫn còn nhớ đến ông nơi góc biển chân trời này !

 

*********

 

Ngủ đêm tại Cao Bằng, 4g30 sáng ÐC Lạng Sơn, cha Hạnh, cha Thế và mình lên xe đến Nà Toòng. Ðường chỉ dài 70km, nhưng dốc núi cheo leo nên mãi 7g mới tới được nhà thờ Bó Tờ. Ăn vội mỗi người một gói mì tôm, gọi thêm mấy cháu ca đoàn rồi tiếp tục con đường thiên lý.

 

Nhà ông Ký nằm sâu trong bản, phải lội bộ một quãng dài. Ðêm trước, trời lại mưa nên cha con vừa xách dép vừa đi. Tới nhà ông Ký, sau khi chào hỏi người sống, thắp hương người chết, mọi người túa ra, ai lo phận nấy. Kẻ dọn bàn thờ, người lo giở sách, kẻ tìm bài hát, người sắp xếp chỗ ngồi…

 

Trong thánh lễ, lúc hát đáp ca, nghe các cháu thiếu nhi trong ca đoàn nhà thờ Bó Tờ hát bài “Chúa chăn nuôi tôi”, nhìn ông Ký và con cháu lặng lẽ đứng bên quan tài người quá cố, quan sát những dân làng im lặng tham dự thánh lễ lần đầu tiên trong đời, dõi mắt qua cửa nhà ra những rặng núi chập chùng xa xa, lòng mình chợt thấy nao nao không sao tả được. Một niềm tin mộc mạc, chân thành. Một con chiên lẻ bầy nơi góc biển chân trời. Thế mà, người Mục Tử Nhân Lành vẫn chẳng lãng quên, dù đã hơn 60 năm trời biền biệt! Ngôi nhà tranh vách lá, có hình thánh giá vẽ bằng than trên bức vách, có bàn thờ lẻ loi như “bàn bán thịt lợn”, có ai ngờ lại có ngày trở thành một ngôi “thánh đường” với thánh lễ do chính ÐGM giáo phận cùng đồng tế với hơn một nửa “linh mục đoàn” của mình !

 

Sau thánh lễ, mình đến bên ông Ký để chia buồn về nỗi mất mát lớn lao. Ông chỉ đơn sơ bảo mình:
- Tôi buồn lắm nhưng không dám khóc, ông cha ạ ! Mình làm bố mà khóc thì các con cháu sẽ òa lên cả. Lúc ấy làm sao mà dự “Cái Lễ” cho yên được !


- Thế bây giờ cụ muốn gì nhất hả cụ Ký?
- Tôi chỉ muốn lâu lâu lại được có “Cái Lễ” ở đây, để dân làng biết “Cái Chúa” thương người ta như thế nào thôi !

 

Một ước mơ quá đỗi thánh thiện ! Một khát mong giản dị đến thế là cùng ! Khi chia tay cụ Ký, mình thầm nhủ sẽ hết sức cố gắng để thực hiện ước mơ giản dị này.

 

Thế rồi, vì công việc, mình được điều về Hà Nội, những chuyến về Lạng Sơn thưa dần. Ngày trở lại Bó Tờ dâng một “Cái Lễ” theo ý cụ Ký lại càng thêm xa…

 

Cách đây vài tháng, một buổi chiều đang đứng vẩn vơ cạnh nhà nguyện Fatima trong khuôn viên tòa giám mục Hà Nội thì ÐC Kiệt bảo mình: Ông Ký chết rồi, Diễm ạ.

 

Mình lặng người đi, không nói được gì cả. Biết rằng, cuộc ra đi có lẽ sẽ tốt đẹp cho ông đấy. Ông sẽ gặp được Ðấng mà ông “đã tin thì phải tin cho thật. Tin đến suốt đời. Ðời cha truyền sang đời con. Ðời con truyền sang đời cháu, cho đức tin vững bền mãi mãi”. Ông sẽ gặp lại được bà Ký thân yêu đã cùng đồng hành với ông trọn con đường đời nhiều gian nan, vất vả mà vẫn vững mãi niềm tin, sẽ gặp lại người con gái mến thương mà ông đã dốc lòng truyền lại cho cô đức tin bỏng cháy của mình. Nhưng nghĩ lại vẫn thấy tội cho ông. Một ước mơ đơn sơ, chỉ mong được tham dự ít “Cái Lễ” mà đến lúc chết vẫn chẳng thành!

 

*********

 

Bạn thân mến!

 

Viết cho bạn những dòng này, mình chỉ muốn thay mặt ông Ký nhắn với bạn rằng: Nếu có lúc nào đó bạn ngại ngùng, không muốn tham dự thánh lễ, thì xin bạn hãy nhớ lại, tại làng Nà Toòng xa xôi, nơi phương trời biền biệt kia, có những người dân tộc chỉ ước mơ được tham dự “Cái Lễ” vài lần trong đời thôi, nhưng vẫn chưa được đấy, bạn ạ!

 

 

Nông Văn Hiếu