Gió, Lửa và Nước
GIÓ – LỬA – NƯỚC
Gió, Lửa và Nước là “bộ ba độc đáo” gồm những thứ mềm nhất và bình thường nhất, nhưng đó lại là những thứ mạnh nhất và quan yếu nhất trong cuộc sống, ba thứ ấy mạnh đến nỗi không gì có thể cưỡng lại.
GIÓ có thể tiếp nhận, thổi bay và chuyển hóa mọi thứ, dù những thứ xấu xa và dơ bẩn nhất. Gió luôn tự hào, không buồn khổ hay tủi nhục. Gió có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Phong, có khả năng di động và chuyển hóa phi thường.
LỬA có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất. Lửa không vì thế mà cảm thấy buồn tủi, chán chường, hoặc ghen ghét. Lửa có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Hỏa, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả mọi thứ.
NƯỚC có thể tiếp nhận và rửa sạch mọi thứ, dù những cái xấu xa và dơ bẩn nhất, người ta có đổ xuống nước mọi thứ nhưng nước vẫn bình thản, không lệ thuộc hoặc cảm thấy oán hờn, tủi nhục. Nước cũng có dung tích rộng lớn, gọi là Đại Thủy, có khả năng di động và chuyển hóa kỳ diệu.
Gió, Lửa và Nước luôn dạy chúng ta nhiều bài học sống: Nếu tâm chúng ta có khả năng chuyển hóa và di động, chúng ta cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi thứ đau khổ mà người khác trút lên chúng ta, và những thứ ấy không thể gây xáo trộn tâm hồn chúng ta, không thể tước mất sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.” (Rm 8:39)
Nước liên quan Phép Rửa, cũng gọi là Bí tích Thánh Tẩy: “Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài.” (Mt 3:16) Như vậy, Nước cũng liên quan Chúa Thánh Thần.
Những gì đơn giản nhất thường bị coi thường. Chúa Thánh Thần cũng thường không được chúng ta “nhắc tới,” dù Ngài không ngừng hoạt động trong cuộc đời chúng ta. Hãy thành tâm thân thưa với Chúa Thánh Thần: “Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài!”
TRẦM THIÊN THU
HƠI THỞ THIÊN CHÚA
Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu đã thổi hơi vào các môn đệ của Ngài – một cử chỉ kỳ lạ nhưng lại chứa đựng ý nghĩa đối với việc chúng ta cử hành Lễ Ngũ Tuần.
Tin Mừng Lễ Ngũ Tuần (Ga 20:19-23) kể rằng Chúa Giêsu đã làm các môn đệ ngạc nhiên vào “chiều ngày thứ nhất trong tuần” khi hiện ra giữa họ mà không đi qua cửa. Cửa đã khóa “vì sợ người Do Thái.” Chúng ta thắc mắc rằng Ngài có cần trấn tĩnh họ một chút hay không, vì Ngài đã nói hai lần: “Bình an cho anh em.” Chúng ta có thể tưởng tượng họ đã giật mình như thế nào. Ngài cho họ xem các vết thương của Ngài, phòng trường hợp họ tưởng Ngài là ma. Sau đó, Chúa Giêsu trao cho các tông đồ một sứ mệnh đáng kinh ngạc: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.” Những gì đã bắt đầu ba năm trước đó với lời kêu gọi “Hãy theo Thầy!” (Mt 4:19) đã lên đến đỉnh điểm trong việc sai đi. Công việc của họ là tiếp nối chức vụ tông đồ thiêng liêng của Chúa Giêsu (“tông đồ” có nghĩa là “người được sai đi” – xem Dt 3:1).
Nếu chúng ta chú ý đến các câu chuyện Phúc Âm về sự đồng hành của Chúa Giêsu với những người này, chúng ta đã thấy những dấu hiệu rõ ràng rằng Ngài có ý trao quyền cho các tông đồ để xây dựng Giáo Hội của Ngài và thực hiện công việc của Ngài. Rất ấn tượng với phạm vi sứ mệnh của họ nhưng không thực sự ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau khi công bố chỉ thị cho họ, Chúa Giêsu đã bước ra ngoài sự mong đợi bằng một hành động chỉ có thể mô tả là kỳ lạ: “Người thổi hơi vào họ và nói: ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần’.” Đừng để sự quen thuộc với câu này cướp đi giá trị kỳ lạ của nó. Tại sao Chúa Giêsu lại thổi hơi vào các tông đồ?
Để hiểu được khoảnh khắc này, rất khác với bất cứ điều gì chúng ta từng thấy trong bất kỳ câu chuyện Phúc Âm nào, chúng ta phải quay lại từ đầu, về lần đầu tiên thần thánh ngự trên nhân loại. Khi sáng tạo, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2:7) Không có hình ảnh nào rõ ràng hơn về mong muốn của Thiên Chúa truyền sự sống của chính Ngài vào con người, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài. Việc Ađam và Êva sa ngã đã cướp mất quyền thừa kế của họ (và chúng ta) là con cái Thiên Chúa, nhưng toàn bộ câu chuyện cứu rỗi tiết lộ kế hoạch của Thiên Chúa nhằm khôi phục và đổi mới sự sống của Ngài trong chúng ta.
Hình ảnh hơi thở của Thiên Chúa nơi con người sống động đến mức chúng ta nhận thấy khi nó xuất hiện trở lại vào thời ngôn sứ Êdêkien. Dân Chúa – dân Israel – đang bị lưu đày ở Babylon, họ bị kẻ thù tàn phá như một hình phạt cho sự bất trung với giao ước. Họ đại diện cho tất cả chúng ta, những người đã chết về mặt tâm linh và hoàn toàn bất lực. Tuy nhiên, với quyết tâm không ngừng của Ngài để phục hồi dân Ngài, Thiên Chúa đã phán với Êdêkien: “Bởi vì kẻ thù đã nói chống lại các ngươi: ‘A ha! Những chốn cao vời thuở xưa, nay đã nên phần sở hữu của chúng ta,’ ngươi hãy tuyên sấm; hãy nói: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Vì người ta đã làm cho ngươi ra hoang tàn và tấn công các ngươi từ tứ phía, đến nỗi các ngươi đã thành sở hữu của các nước, và nên đề tài cho các dân bàn tán và chế nhạo. Này hỡi núi non Israel, hãy nghe lời Đức Chúa là Chúa Thượng. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với núi non, nương đồi và khe suối, với các nơi đổ nát và các thành thị hoang phế bị cướp phá và nên trò cười cho các nước chung quanh. Này, Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Ta thề như thế trong cơn thịnh nộ của Ta, Ta sẽ hỏi tội các nước chung quanh và toàn thể Êđôm vì chúng đã chiếm đất của Ta làm phần sở hữu của mình. Chúng hân hoan, lòng đầy khinh bỉ vì các đồng cỏ trong xứ thành nơi cho chúng cướp phá.” (Ed 36:2-5)
Khi chúng ta biết lịch sử Cựu Ước này, việc Chúa Giêsu thở hơi trên các tông đồ vào Ngày Phục Sinh dường như không còn quá kỳ quặc phải không? Trong cử chỉ này, Ngài bắt đầu thần thánh hóa con người, luôn là ý định của Thiên Chúa dành cho con cái Ngài. Sự đổi mới của nhân loại một lần nữa lại bắt đầu bằng hơi thở của Thiên Chúa. Đối với các tông đồ, hành động độc đáo này giúp họ thực sự là sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu trên trái đất. Họ sẽ tha thứ hoặc giữ lại tội lỗi, một hành động dành riêng cho thần thánh. Còn phần chúng ta thì sao? Liệu hơi thở của Chúa có thổi vào chúng ta?
Lạy Cha, cảm ơn Ngài đã yêu thương chúng con đủ để chia sẻ hơi thở của Ngài với chúng con – một điều kỳ diệu chúng con không thể diễn tả được.
GAYLE SOMERS
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
- Loại bài viết: