Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chiếc xe đạp đời ta

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

 

 

CN Lễ kính Mình và Máu Chúa Ki-tô   

Chiếc xe đạp đời ta

 

  “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy. Đây là Máu Thầy; Máu giao ước đổ ra vì muôn người”(Mc14, 22;24).

 

   Trong Thánh Lễ, chúng ta sẽ nghe đầy đủ hơn về việc Đức Giê-su lập ra bí tích Thánh Thể. “Trong đêm bị nộp, chính Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là MÌNH THẦY sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu, cũng tạ ơn trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy; Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”.

 

   Qua lời truyền phép này, bánh trở nên Mình Đức Ki-tô và rượu trở nên Máu Chúa Ki-tô. Điều đó có nghĩa là Đức Ki-tô hiện diện thực sự dưới hai hình BÁNH VÀ RƯỢU. “Đối với Hội Thánh, Đức Giê-su hiện diện dưới nhiều hình thức, Người hiện diện trong Lời Chúa; trong Kinh nguyện của Hội Thánh; trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày; trong các bí tích do Người thiết lập; trong hy tế Thánh Lễ và nơi Thừa tác viên Linh Mục và nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể”(x. GLCG, số 1373).

 

    “Trong bí tích cực thánh này, có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Chúa Ki-tô; cùng với linh hồn và thiên tính của Người; nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn. Sự hiện diện này gọi là THỰC SỰ; hiện diện cách đầy đủ nhất, vì là sự hiện diện bản thể và nơi đây có Đức Ki-tô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, hiện diện cách trọn vẹn”(x. GLCG, số 1374).

 

   “Trong bí tích này, Đức Ki-tô hiện hiện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người, các Giáo Phụ khẳng định Hội Thánh tin rằng, sự biến đổi này có được là nhờ hiệu quả của Lời Đức Ki-tô và tác động của Thánh Thần”(x. GLCG, số 1375).

 

   Sự biển đổi này chính xác là sự BIẾN THỂ. Tức là qua Lời truyền phép trên bánh và rượu, trọn vẹn bản thể bánh BIẾN THÀNH bản thể Mình Thánh Chúa Ki-tô và trọn vẹn bản thể rượu BIẾN THÀNH bản thể Máu Thánh Người(x. GLCG, số 1376).

 

    Và Đức Ki-tô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Trong Hình Bánh cũng như Hình Rượu, Đức Ki-tô hiện diện cách trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ Bánh không phân chia Đức Ki-tô(x. GLCG, số 1377).

 

   Đó là những xác tín và lời dạy của Hội Thánh về bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể hỏi, Đức Ki-tô lập ra bí tích Thánh Thể để làm gì nhỉ? Câu trả lời có trong Lời Truyền Phép, đó là làm của ăn và của uống cho người tín hữu chúng ta. Của Ăn đó, chính là Thân Mình của Đức Ki-tô hiến dâng cho chúng ta được sống và sống đời đời. Của Uống đó, chính là Máu Đức Ki-tô, đổ ra cho chúng ta được tha tội.

 

   CỦA ĂN và CỦA UỐNG đó là CỦA ĂN và CỦA UỐNG thiêng liêng cho linh hồn chúng ta. Như con người chúng ta sống không thể không ăn và không uống. Không ăn không uống chúng ta sẽ chết. Đó là cái chết về phần xác. Theo tôi, từ ý nghĩa thông thường của việc ăn uống cho sự sống thể xác, Chúa muốn chúng ta hiểu sâu sắc hơn về việc ăn uống cho sự sống linh hồn.

 

   Mỗi ngày, bình thường mỗi người chúng ta ăn 3 bữa. Chúng ta ăn cơm; ăn bánh và uống nước, khi đó chúng ta sẽ có sức khỏe để sống và làm việc. Nếu chỉ ăn một bữa hay không có gì ăn, chúng ta sẽ chẳng làm được gì và sẽ chết thôi. Điều đó ai cũng hiểu và rất hiểu nữa là khác. Cho nên, con người ai trong chúng ta cũng vậy, phải ra công ra sức để làm việc; nhiều khi làm bất kể ngày đêm để có của ăn của uống mà nuôi sự sống thân xác mình.

 

   Người ta nói: “Có thực mới vực được Đạo” mà. Rất chính xác. Thế nhưng, “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể; đã làm người và Ngôi Lời cũng hóa thành của ăn, của uống cho con người chúng ta nữa. Cơm bánh là cho sự sống thể xác; còn Lời Chúa và Thánh Thể là cho sự sống linh hồn. Con người của ta là một, gồm có linh hồn và thể xác. Thể xác có của ăn và của uống thì linh hồn cũng có của ăn và của uống. Chúng ta lo cho sự sống thể xác thế nào thì chúng ta cũng phải lo cho sự sống của linh hồn chúng ta như vậy.

 

  Nếu chúng ta chỉ lo cho sự sống của thân xác mà không lo cho sự sống của linh hồn thì thân xác của chúng ta thì to như con voi còn linh lồn của chúng ta thì nhỏ xíu như con kiến. Không đẹp và không hay chút nào; vì không đều và không cân xứng. Giống như một người Mỹ mà đứng với một người Việt Nam vậy.

 

  Tôi nghĩ, trong ý nghĩa đó mà Đức Giê-su lập ra bí tích Thánh Thể, để nên của ăn và của uống cho linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn của chúng ta chỉ ăn một năm một lần; hay một tháng một lần, tôi thiết nghĩa linh hồn của của chúng ta đói lắm; yếu nhược lắm; sống lấy lất qua ngày và chắc chắn không có sức để leo lên trời đâu. Ít ra một tuần một lần vào ngày Chúa Nhật hay tốt hơn nữa là mỗi ngày một lần khi chúng ta tham dự Thánh Lễ, chúng ta được rước Mình và Máu Thánh Chúa, bổ dưỡng cho linh hồn chúng ta thì linh hồn của chúng ta khỏe mạnh biết bao!!! Có sức và dư sức để leo lên trời thôi.

 

    Bởi đó, qua những xác tín và những lời dạy của Hội Thánh về bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng xác tín với Hội Thánh và cố gắng lo cho linh hồn của chúng ta được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Đức Ki-tô, khi biết dành thì giờ để đi tham dự Thánh Lễ. Ít nhất là một tuần một lần, đừng có tham việc quá hay lười lĩnh mà không lo cho sự sống linh hồn của mình. Tốt hơn hết, nếu được là mỗi ngày, một lần, chúng ta cho linh hồn của chúng ta được ăn và uống Mình và Máu Đức Ki-tô. Đó là chúng ta lo cho sự sống linh hồn của mình chứ chẳng lo cho ai đâu. Chúng ta hãy tự biết và tự giác lo cho sự sống linh hồn của mình.

 

  Mà Thánh Lễ là một bữa tiệc, nơi đó chúng ta được nghe Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa nên chúng ta không thể ngồi ngoài nhà thờ; ngồi ở gốc cây hay chỉ có một mình ta được. Có ai đi ăn tiệc mà ngồi ở ngoài mà ăn không. Đi ăn tiệc thì phải ngồi vào bàn và ăn uống cách đàng hoàng và lịch sự chứ. Nên nếu có đi tham dự Thánh Lễ chúng ta nên mặc đồ tươm tất; rồi vào trong nhà thờ ngồi đàng hoàng; cũng như lịch sự biết nhường chỗ cho người khác cùng ngồi nữa nhé.

 

   Nếu được vậy, thân xác và linh hồn được mạnh khỏe, nó như chiếc xe đạp có hai bánh bằng nhau; có đầy đủ hơi, căng tròn, ngon lành chạy bon bon về thiên đàng. Thân xác và linh hồn của chúng ta như hai bánh xe đạp, tròn như nhau, lớn như nhau. Cái quan trọng là ruột xe có đầy không khí không. Chứ một bánh căng, một bánh xẹp thì không thể chạy được. Cũng vậy, linh hồn và thân xác của chúng ta cũng quan trọng như nhau. Thân xác thì đầy sinh lực và mạnh khỏe; còn linh hồn thì xẹp lép, gầy còm thì chiếc xe đời ta sẽ không chạy ngon lành đâu, phải không bạn???

 

   Vậy muốn lo cho sự sống thân xác của chúng ta, chúng ta phải lo làm việc, để có cơm áo gạo tiền; muốn lo cho sự sống của linh hồn của chúng ta, chúng ta phải siêng năng cầu nguyện và nhất là đi tham dự Thánh Lễ, để có nhiều ân sủng. Có như thế, chiếc xe đạp đời ta sẽ chạy bon bon trên đường đời và bình an về đến bến thiên đàng.

 

    Lm. Bosco Dương Trung Tín