Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lãnh nhận Thánh Thể - Chữ CÔNG

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

LÃNH NHẬN THÁNH THỂ

 

Thánh Tử Trên Trời Tự Hạ Xuống

Phàm Nhân Dưới Đất Được Đưa Lên

Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi chịu chết để cứu độ nhân loại. (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25) Đó là điều bí nhiệm vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân – những kẻ phàm phu tục tử với trí tuệ thô thiển và nông cạn.

 

Thứ Năm Tuần Thánh, khi ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” (Mt 26:26; Mc 14:22; Lc 22:19) Sau đó, Ngài cầm lấy chén, cũng dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26:27-28; Mc 14:24; Lc 22:20) Rồi Ngài nói như lời trăn trối: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.” (Mt 26:29; Mc 14:25)

 

Rất rõ ràng khi Chúa Giêsu xác định “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy” chứ Ngài KHÔNG nói “Này là biểu tượng của Mình Máu Thầy.” Như vậy, Bánh và Rượu đã được truyền phép chính là Thánh Thể và Bửu Huyết của Chúa Giêsu – Đấng Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa.

 

Rước lễ là tiếp nhận Thánh Thể để được sống dồi dào nhờ Sự Sống của Đức Kitô. Giáo Hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước lễ (nên rước lễ hằng ngày, nếu có thể). Khi rước lễ, chúng ta được cầm lấy và ăn chính Mình Máu Chúa Giêsu Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ “không có sự sống nơi mình.” (Ga 6:53) Thánh André Bessette (1845-1937) đặt vấn đề: “Nếu mỗi tuần ăn một bữa, bạn có sống nổi không? Linh hồn cũng vậy. Hãy nuôi dưỡng linh hồn bằng Thần Lương Thánh Thể.”

 

Lãnh nhận Thánh Thể để được tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng. Tuy nhiên, hãy nhớ lời căn dặn, cũng là lời cảnh báo, của Thánh Phaolô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:27-29) Đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng là tự chuốc lấy án phạt.

 

Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, mầu nhiệm thứ năm của Năm Sự Sáng, Giáo Hội dạy chúng ta xin ơn siêng năng lãnh nhận Thánh Thể. Là phàm nhân nhưng được sống sự sống của Thiên Chúa. Thật tuyệt vời biết bao!

 

Chúa Giêsu đã từng nói với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông KHÔNG ăn thịt và uống máu Con Người, các ông KHÔNG có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:53-57)

 

Kinh Thánh cho biết rằng ngày xưa, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2:42) Thánh Thể là Thần Lương cho tín nhân trên đường lữ hành trần gian. Thân xác cần ăn uống để duy trì sự sống, linh hồn cũng vậy. Người Công giáo thực sự hạnh phúc có được loại “siêu ẩm thực” như vậy, để không chỉ sống dồi dào đời này mà còn được sống đời đời.

 

Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, và là mầu nhiệm đức tin, nếu không có đức tin thì không thể nào tin nổi. Đó cũng là giao ước được thực hiện, đúng như Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về cùng Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể để luôn ở với chúng ta.

 

Để tỏ lòng kính mến Thánh Thể và đáp lại Tình Ngài, chúng ta cố gắng rước lễ hằng ngày. Khi rước lễ xong, hãy đắm mình trong Ngài để hòa tan với Ngài và chuyện trò với Ngài, đừng rước lễ như thói quen hoặc máy móc. Thường xuyên rước lễ thiêng liêng trong ngày có nhiều lợi ích, như Thánh TS Thomas Aquino nói: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước ơn Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không.”

 

Thánh TS Thomas Aquino nói về Thánh Thể: “Chúa Giêsu muốn con người được thông phần vào thần tính của Ngài, nên Ngài đã mang lấy bản tính của chúng ta để khi trở thành con người, Ngài có thể biến con người thành thần linh. Hơn nữa, khi mặc xác phàm, Ngài đã hiến dâng tất cả bản chất đó để cứu độ chúng ta. Ngài đã hiến thân mình cho Thiên Chúa Cha trên bàn thờ Thánh Giá làm hy lễ để hòa giải chúng ta. Ngài đã đổ máu để chuộc tội và thanh tẩy chúng ta, để chúng ta được cứu chuộc khỏi tình trạng nô lệ khốn khổ và được tẩy sạch mọi tội lỗi. Nhưng để bảo đảm rằng việc tưởng nhớ tặng phẩm cao cả như vậy sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, Ngài đã để lại Thánh Thể Ngài làm thức ăn và Bửu Huyết Ngài làm thức uống cho các tín hữu tiêu thụ dưới hình bánh và rượu.” (Opusculum 57, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, các bài giảng 1-4) Thật tuyệt vời và diễm phúc cho tội nhân chúng ta biết bao!

 

Hằng ngày Chúa Giêsu nơi Nhà Tạm vẫn chờ đợi chúng ta tâm sự với Ngài, không phải là chúng ta an ủi Ngài mà chúng ta được Ngài an ủi và nâng đỡ.

 

Có “sự lệch pha” cần lưu ý: Thường thấy có một số người rước lễ xong rồi đi tới đài Đức Mẹ, đài thánh này hoặc thánh nọ để cầu nguyện. Dĩ nhiên cầu nguyện là điều rất tốt, nhưng cầu nguyện với các vị khác ngay sau khi lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể thì lại không đúng. Thiết tưởng nên chấn chỉnh ngay!

 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin tẩy rửa chúng con, biến đổi chúng con, giúp chúng con sẵn sàng cầm lấy tấm bánh cuộc đời mình mà tạ ơn, bẻ ra và chia sẻ với tha nhân. Xin giúp chúng con chuẩn bị xứng đáng và siêng năng lãnh nhận Thánh Thể để được sống dồi dào trong Ngài, và được phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

 

 Nguồn Sống Mới – https://youtu.be/eUKdr9c8G2g

 

*******

 

Chữ CÔNG

 

Chữ “Công” là một trong tứ đức của phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Tất nhiên nam giới cũng không được phép coi thường hoặc khinh suất, đôi khi nam giới còn phải nêu gương trước mới đáng mặt tu mi nam tử.

 

Nói về phụ nữ, sách Gia Huấn Ca nói: “Xưa nay mấy kẻ dâu hiền – Công, Dung, Ngôn, Hạnh là tiên phàm trần.” Điều đó cho thấy rằng “tứ đức” rất cần cho con người, cách riêng đối với phụ nữ. Theo quan niệm xưa, “Tam Tòng, Tứ Đức” là tiêu chuẩn đối với nữ giới, và “Tam Cương, Ngũ Thường” là tiêu chuẩn đối với nam giới.

 

1. TAM TÒNG là ba quy tắc “theo” phải giữ: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. TỨ ĐỨC là bốn đức tính: Công (siêng năng, khéo léo về công việc), Dung (chăm chút, hòa nhã về sắc diện), Ngôn (dịu dàng, nhẹ nhàng về lời nói), Hạnh (nhu mì, kín đáo về tính nết).

 

2. TAM CƯƠNG là ba “giềng mối” như “sợi dây” liên kết chắc chắn: ba mối quan hệ giữa vua – tôi, giữa cha – con, giữa vợ – chồng. NGŨ THƯỜNG là năm điều bình thường là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nói là “bình thường” mà “khác thường” và đặc biệt lắm.

 

Người ta cũng lưu ý “bộ ba” Quân – Sư – Phụ. Nghĩa là thần dân phải Trung Thành đối với vua, học trò phải Kính Trọng đối với thầy, con cái phải Hiếu Thảo đối với cha mẹ. Theo Nho giáo, chữ Trung còn hơn chữ Kính và Hiếu, thế nên có câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” (Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung thành.)

 

Câu “tam tòng, tứ đức” khuyên phụ nữ trong xã hội cũ phải sống phụ thuộc vào những người bên cạnh mình, không làm gì gây rạn vỡ hạnh phúc gia đình, đồng thời còn phải giữ phẩm hạnh và sắc đẹp để thể hiện sự tôn trọng với mọi người. Tuy nhiên, đó là quan niệm khắt khe thái quá, bất công, thậm chí độc ác, đối với phụ nữ theo quan niệm “trọng nam, khinh nữ” thời phong kiến: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Ngày nay đã khác, nhưng Công, Dung, Ngôn, Hạnh vẫn có giá trị nhất định, vẫn là “khuôn vàng, thước ngọc” vô giá và bất biến.

 

Là con người, ai cũng phải làm việc và có những công việc khác nhau. Thật vậy, khi tạo dựng vũ trụ và muôn loài, Thiên Chúa làm việc trong sáu ngày, (St 1:1-31) rồi Ngài chỉ nghỉ một ngày. (St 2:1-3; Xh 20:11) Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17)

 

Chắc chắn việc gì cũng có cái khó riêng, nghề nào cũng có cái khổ đặc trưng của nó, dù là làm việc bằng đầu óc hoặc chân tay. Ở đây chữ “Công” là nữ công gia chánh, chăm chỉ, chu đáo, đảm đang nội trợ, biết may vá thêu thùa, khéo chăm sóc và nuôi dạy con cái. Chữ “Công” có liên quan Công Phu (gọn gàng, khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế) và Công Đức (làm lành, lánh dữ, tu tâm, luyện đức). Theo nghĩa liên quan Công Việc, chữ “Công” cũng được ghép với nhiều chữ khác: công sức, công đức, công trạng, công cán, công lao, công nghiệp, công ơn,... Có lẽ điều cần thiết mà ai cũng mong ước là “công thành danh toại.”

 

Phụ nữ được gọi là “nội tướng” trong gia đình, quán xuyến mọi việc. Theo kinh nghiệm dân gian, ca dao nói về phụ nữ thế này:

 

Những người thắt đáy lưng ong,

Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.

Những người béo trục béo tròn,

Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.

Những người mặt nạc, đóm dày,

Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn!

 

Xin “mở ngoặc” nhỏ: “Mặt nạc” là phần thịt hai má, trán và cằm nhô ra quá nhiều. “Đóm dày” là củi chẻ dày bản, khó cháy. “Mặt nạc, đóm dày” ý nói người đần độn, và có ý chê bai. “Mo nang” là mặt dày như cái mo cau, úp xuống chứ không ngửa lên, trông thấy ghê gớm. Quả thật, người khôn thì khéo, người ngu thì đần – và người ta thường nói ghép là Khôn Khéo và Ngu Đần.

 

Sách Gia Huấn Ca nói: “Vá may giữ nếp đàn bà – Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công.” Nét tinh tế rất được người xưa chú ý. Nhìn công việc được làm có thể nhận biết người đó như thế nào.

 

Suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng son làm vẻ vang giống nòi dân tộc. Nhiều tấm gương như Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Đoàn Thị Điểm, Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,... là những nữ sĩ tài hoa, một thời nức tiếng lừng danh.

 

Nói về công lao, tài đức cũng như vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không thể tả hết được, tùy giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh cụ thể mà nét đẹp được nhấn mạnh ở khía cạnh này hay khía cạnh khác. Nói chung, chữ “Công” là một trong “tứ đức” mà phụ nữ nào cũng cần phải cố gắng để dần dần hoàn thiện mình và trở nên đẹp hơn trong con mắt của người khác.

 

Làm việc là hành động cần thiết, vừa hoàn thiện chính mình vừa làm lợi cho mình và người khác. Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn.” (2 Tx 3:10) Lười biếng không chỉ là lỗi lầm đối với người đời mà còn là tội lỗi đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, làm việc phải đúng lúc, không thể lạm dụng, nhất là đối với Kitô hữu, vì Thiên Chúa truyền lệnh: “Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.” (Xh 20:8-10)

 

Kinh Thánh nói: “Đối với con người, không có gì tốt hơn là ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra! Nhưng chính tôi đã thấy là điều đó cũng do Thiên Chúa mà đến, vì có ai ăn uống, có ai cảm thấy vui mừng phấn khởi mà không nhờ Thiên Chúa ban cho?” (Gv 2:24-25) Tất cả đều là hồng ân!

 

Chữ “Công” liên quan hai động thái trái ngược: Siêng Năng và Lười Biếng.

 

1. Người cha nói với con gái của mình: “Nhà mình sắp nuôi một con heo, cần phân chia công việc, một người cho nó ăn, một người dọn chuồng cho nó, một người tắm cho nó. Con chọn việc gì?” Cô con gái đáp ngay: “Con làm heo.” Kẻ lười biếng chỉ muốn nhàn thân, không muốn bận chân bận tay, chẳng khác dân Biệt Phái bắt người khác làm đủ thứ mà họ không muốn động đến một ngón tay.

 

2. Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường: “Anh ở đó quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tôi mà ở.” Con nhái ở bên vệ đường trả lời: “Tôi quen rồi, dọn nhà làm chi cho vất vả.” Mấy ngày sau con nhái ở bên ruộng đi thăm con nhái bên đường thì thấy nó đã bị xe cán chết. Vì lười biếng mà không nghe lời góp ý chân thành, để rồi chuốc họa vào thân!

 

Siêng năng là vốn quý của con người. (Cn 12:27b) Kinh Thánh nói: “Kẻ lười biếng có thịt săn cũng không chịu nấu.” (Cn 12:27a) Và còn hơn thế nữa: “Kẻ lười biếng thò tay vào đĩa, nhưng chẳng buồn đưa thức ăn lên miệng.” (Cn 19:24; Cn 26:15) Kẻ lười thì lại ham ăn. (Tt 1:12) Thật kinh dị!

 

Thiên Chúa không ngừng làm việc, tất nhiên Ngài ghét kẻ lười biếng. Trong dụ ngôn “Những Yến Bạc,” ông chủ đã nguyền rủa đầy tớ đã lãnh một yến: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.” (Mt 25:26-29)

 

Nhàn cư vi bất thiện. Công việc giúp người ta khỏi nhàm chán và giúp hoàn thiện chính mình. Chuyên cần lao động cũng là cách tu thân – việc làm đầu tiên trong bốn việc cần thiết: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

 

Là Kitô hữu, chúng ta không chỉ phải siêng năng lao động đời thường mà còn phải siêng năng tham dự Thánh Lễ, (Cv 2:42) siêng năng cầu nguyện, (Cl 4:2) siêng năng làm mọi việc lành. (1 Tm 5:10)

 

Lạy Thiên Chúa, xin gia tăng ân sủng cho chúng con, để chúng con có thể hợp tác với Ngài, và đủ sức làm việc không ngừng trên đường lữ hành trần gian này. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU