Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người thân và kẻ thù

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

NGƯỜI THÂN và KẺ THÙ

 

Đó là hai lĩnh vực không chỉ khác nhau mà còn đối lập, cách nhau chỉ một lằn ranh rất mong manh. Edward Bulwer Lytton nhận xét: “Thật khó phân định ai là người sẽ hại bạn nhiều nhất: kẻ thù vô cùng ác ý hay bạn bè cực kỳ thiện chí. Tôi thà có năm kẻ thù mạnh mẽ và tài giỏi hơn là một người bạn ngu xuẩn.”

 

Tuy kẻ thù thấy nguy hiểm mà lại không đáng sợ, người thân thấy không nguy hiểm mà lại đáng sợ. Bởi vì đối với kẻ thù, chúng ta biết họ không ưa mình nên có thể dễ tránh; còn đối với người thân, chúng ta cứ tưởng an toàn nhưng khi họ phản lại thì chúng ta không tránh kịp – nhất là đối với những người nói năng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn.” Sự thật quá phũ phàng, rất đáng quan ngại! Thật vậy, Publilius Syrus nói: “Hãy dè chừng bạn bè như thể có lúc họ sẽ trở thành kẻ thù.”

 

Người Mông Cổ nói: “Không phải tất cả những người cười với chúng ta đều là bạn, cũng không phải tất cả những người làm chúng ta bực mình đều là kẻ thù.” Đôi khi câu khen quá đáng của người bạn còn hại hơn câu chê quá đáng của kẻ thù.

 

Ngày xưa, An Dương Vương cai trị nước Âu Lạc, Triệu Đà nhiều phen phải vỡ mộng xâm lăng, đành phải cầu hòa bằng cách muốn An Dương Vương gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con của giặc phương Bắc. Tuy đã là con rể nhưng Trọng Thủy luôn tìm kế để đánh cắp nỏ thần. Vì mật ngọt mà ruồi dính bẫy, vì nghe lời đường mật của giặc mà An Dương Vương sập bẫy, tự biến mình thành người “nuôi ong tay áo.” Vô cùng nguy hiểm! Cuối cùng, Thần Kim Quy phải nói thẳng với An Dương Vương: “Giặc ngồi ngay sau lưng đó.” Những chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu bay mất hết trơn. Tất cả đã quá muộn!

 

Người thân cận là ai? Trình thuật Lc 10:29-37 kể dụ ngôn người Samari tốt lành, có một người bị cướp lột sạch, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Một tư tế và một thầy Lêvi thấy nạn nhân nhưng làm ngơ, một người Samari thấy vậy thì chạnh lòng thương, sơ cứu và đưa đi bệnh viện, dặn họ chăm sóc nạn nhân rồi ông sẽ quay lại và tính chi phí sau. Cuộc đời thực tế như vậy đấy!

 

Tột cùng đau khổ là ông Gióp. Ông cay đắng cho biết: “Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Thân bằng quyến thuộc đều dứt nghĩa đoạn tình, khách trọ nhà cũng lãng quên tôi. Các tớ gái tôi coi tôi như một người xa lạ, chúng nhìn tôi như một kẻ ngoại bang. Gọi tớ trai, chúng chẳng buồn thưa, nhưng tôi lại phải ngỏ lời năn nỉ. Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mùi hôi thối xông ra làm cho anh em tôi gớm ghiếc. Thậm chí tôi bị bọn nhãi ranh chế giễu, tôi vừa đứng dậy là chúng đã chọc tôi. Mọi người thân thiết nhìn tôi mà ghê tởm, đến kẻ mến thương tôi cũng trở mặt với tôi.” (G 19:13b-19) Tại sao vậy? Bởi vì ông Gióp “đâu còn là chi, cũng chẳng có gì ngoài thân thể chỉ là da bọc xương.” (G 19:20) Thật tồi tệ!

 

Nhưng ông Gióp vẫn tín trung, không chao đảo, không dao động: “Bạn bè của tôi chế nhạo tôi, nhưng tôi hướng nhìn lên Thiên Chúa, mắt đầm đìa giọt lệ.” (G 16:20) Kinh Thánh nói: “Có thứ bạn bè gây ra tai họa, có người thân hữu gắn bó hơn cả anh em.” (Cn 18:24) Biết người để biết ta, để dè chừng, để xét mình, và chiêm nghiệm cuộc đời. Kinh Thánh khuyên: “Hãy nhớ rằng cái chết không trì hoãn đâu, và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết! Trước khi chết, hãy làm ơn cho thân hữu, và rộng rãi với họ theo khả năng của con.” (Hc 14:12-13)

 

Cứ là chính mình, vẫn trọn niềm yêu thương và tha thứ, đồng thời tâm nguyện như Thánh Vịnh gia: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, nếu con đã lỗi lầm, nếu tay con đã làm điều bất chính, nếu con đã hại người thân nghĩa hoặc vô cớ bóc lột quân thù, thì chớ chi thù địch rượt đuổi và bắt con, chà đạp mạng sống con dưới đất, chôn vùi danh dự xuống bùn đen.” (Tv 7:4-6)

TRẦM THIÊN THU