Nên trinh trong như Mẹ - Gia đình thiêng liêng
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
2 Tm 4:1-8; Tv 71:8-9,14-15,16-17,22; Mc 12:38-44
NÊN TRINH TRONG NHƯ MẸ
Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay cộng đoàn chúng ta hân hoan mừng lễ Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Niềm tin, Mẹ Maria là Đấng vô nhiễm tội, trước tiên là niềm tự hào cho chúng ta. Vì trên thiên quốc, chúng ta đang có một người Mẹ vừa kiều diễm vẻ bề ngoài vừa xinh đẹp trong tâm hồn. Mẹ là hình ảnh của Hội Thánh, Hiền thê của Đức Kitô, xinh đẹp lộng lẫy, không vết nhơ, không tì ố.
Niềm tin, Mẹ Maria là Đấng vô nhiễm tội, còn là động lực rất nhiều giúp chúng ta hướng lòng lên cao, sống noi gương Mẹ vô nhiễm giữa dòng đời vốn có quá nhiều thứ ô nhiễm.
Thực ra, niềm tin vào Đức Mẹ là Đấng Vô nhiễm tội trong truyền thống đã có từ lâu. Ngay từ những thế kỷ đầu, người ta đã tin rằng Đức Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc thụ thai trong cung lòng bà Cố Anna. Thế nhưng, phải mãi đến năm 1854, Tín điều Đức Maria vô nhiễm tội mới được ĐGH Piô IX tuyên bố rộng rãi trên toàn thế giới. Tín điều ghi rõ: “Rất thánh Trinh nữ Maria nhờ Thiên Chúa toàn năng và nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại ban cho ân phúc đặc biệt là ngay từ khi thụ thai đã được gìn giữ khỏi hết mọi bợn nhơ của tội nguyên tổ. Đó là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế buộc mọi người phải tin vững vàng mãi mãi”.
Như để củng cố cho tín điều mà Đức Giáo hoàng Piô IX mới tuyên bố, ngày 11.02.1858, Đức Mẹ đã hiện ra tại Lộ đức với một thiếu nữ 14 tuổi. Mẹ khẳng định: “Ta là Đấng Vô nhiễm nguyên tội”
Ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh, sau khi ông bà Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế qua lời Ngài phán bảo với con rắn, còn được coi là lời Tiền Tin Mừng: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ. Giữa dòng giống mi và giòng giống người ấy. Người giòng giống ấy sẽ đạp nát đầu mi. còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.
Người nữ ấy là ai vậy? Tất nhiên, sẽ không phải là bà Evà, vì chính bà Evà đã phạm tội, thì làm sao có thể đạp đầu con rắn tượng trưng cho thế lực sự dữ được? Qua dòng lịch sử, Giáo Hội suy ngắm, cân nhắc và dẫn đến xác tín rằng, người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn là thần dữ đó không ai khác, mà chính là Đức Trinh Nữ Maria.
Thế giới có tội lỗi, thế giới có tang thương, thế giới có nhiều thảm họa, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài…
Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được.
Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.
Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn “Thưa, xin vâng!” giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục trỗi dậy sau những lần vấp ngã.
Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục “Thưa, xin vâng!” với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu…
Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Maria chính là một đoá hoa đẹp nhất trần gian. Nhìn vào cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy một Maria trong trắng dịu dàng. Một Maria đoan trang mực thước. Một Maria bác ái bao dung. Một nữ tỳ Maria được Chúa yêu thương và chúc phúc. Mẹ luôn giữ lòng thanh khiết giữa bùn nhơ tội đời.
Giáo Hội nhìn nhận Mẹ được ơn Vô Nhiễm ngay tứ lúc trinh thai, nhưng điều quan yếu là Mẹ đã giữ được vẻ thanh khiết vẹn toàn đó giữa môi trường đầy những cám dỗ tội lỗi, đầy những thói đời xấu xa. Mẹ đã thắng mọi cám dỗ để có thể toả ngát hương thơm giữa trần đời. Mẹ là người phụ nữ đẹp rạng ngời giữa muôn ngàn người phụ nữ, tựa như bông sen đẹp lộng lẫy giữa đầm lầy. Tâm hồn Mẹ lại càng thanh cao, thanh cao đến nỗi hoàn toàn xứng đáng cho Con Chúa Trời ngự trị. Mẹ hoàn toàn xứng đáng với lời giới thiệu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Mẹ xứng đáng là đoá sen không phải là vì nét đẹp kiêu sa mà là vì nét đẹp tâm hồn “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
**********
9.6 Chúa Nhật thứ Mười Mùa Quanh Năm
St 3:9-15; Tv 130:1-2,3-4,5-6,7-8; 2 Cr 4:135; Mc 3:20-35
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG
Trong xã hội có nhiều mối liên hệ. Rộng nhất là mối liên hệ đồng loại, rồi đến chủng tộc màu da. Hẹp hơn là mối liên hệ đồng bào. Nhỏ hơn là mối liên hệ đồng hương liên kết những người chung nơi chôn nhau cắt rốn. Cuối cùng là mối liên hệ họ hàng huyết tộc nảy sinh do sự đồng một dòng máu di truyền. Ngoài ra còn có mối liên hệ đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí, đồng cảnh ngộ và bạn kết nghĩa…
Trong các mối liên hệ ấy, mối liên hệ họ hàng huyết tộc là phổ biến nhất, cụ thể nhất và xét trong lãnh vực tự nhiên thường là bền chặt nhất. Thế mà, khi đề cập đến mối liên hệ này, Đức Giêsu đã đặt vấn đề: “Ai là mẹ, là anh em ta ?”. Mẹ và anh em theo nghĩa thường thì một em bé còn bế ngửa cũng biết và cảm nhận được ! Sao Chúa lại hỏi vậy ?
Ở đây, Đức Giêsu đang mạc khải một mối liên hệ, đối với Ngài, mật thiết nhất và bền vững vĩnh cửu mà mối liên hệ máu huyết đứng bên sẽ trở nên quá nhỏ bé. Đó là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng phát sinh do đức Tin, phát triển nhờ đức Ái và kiên trì nhờ đức Cậy trông. Chất lượng của mối dây liên kết họ hàng thiêng liêng này hệ tại mức độ của sự thực hành lời Chúa. Một người con càng thương cha mẹ thì càng dễ vâng lời và càng vâng lời thì tình nghĩa con cái với cha mẹ càng thêm chất lượng. Cũng vậy, một người chỉ thực sự là con cái Chúa khi biết đón nhận thánh ý Chúa và càng thực thi thánh ý Chúa thì tình nghĩa với Chúa càng thêm chất lượng. Đức Giêsu gọi người đó là mẹ và là anh em của Ngài.
Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43: 16; Tv 29: 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 9). Chúa Giê-su cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6: 47-48).
“Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Trong một xã hội mà gia đình đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, thì ý tưởng về một gia đình đức tin có tác dụng làm tương đối hóa những mối liên hệ huyết thống, đây mới thực sự là gia đình của Đức Giê-su không căn cứ trên huyết thống hay chủng tộc nhưng trên việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tác giả không nhằm phê phán Đức Ma-ri-a cũng như anh chị em của Người, nhưng có chủ ý cho thấy các tín hữu, tức là những người môn đệ ở cùng nhà và chia sẻ đời sống với Đức Giê-su, không chỉ như những người “ở với Người và để Người sai đi” (x. 3: 14), nhưng còn như những thành viên của cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Chúa Giê-su cho hiểu rằng những người đang quây quần chung quanh Người được nối kết với Người một cách sống động và thực sự: Người thuộc về họ và họ thuộc về Người. Tuy nhiên, sợi dây liên kết này không căn cứ trên căn bản huyết thống, những trên mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ là những người liên kết với Đức Giê-su cách mật thiết nhất, bởi vì họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Qua những lời này, Chúa Giê-su cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Ma-ri-a có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Đức Giê-su cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Khi Đức Giêsu đưa tiêu chuẩn xác định họ hàng dựa trên việc biết nghe và thực hành lời Chúa thì đồng thời Ngài cũng mặc nhiên cảnh báo có những trường hợp ngỡ là gần Chúa mà thật ra lại xa Ngài vời vợi. Quả thế, những người có họ hàng máu huyết với Chúa, biết rõ về Chúa, gặp gỡ Chúa thường xuyên nhưng không bước theo Chúa bằng việc thực thi đường lối Chúa chỉ dạy vẫn mãi mãi là kẻ xa lạ với Chúa.
Cuộc đời Đức Giêsu diễn tả cho ta thấy một Thiên Chúa mê say con người: Ngài quên ăn quên nghỉ vì phần rỗi anh em (x. Ga 4, 5-34); Ngài nỗ lực đẩy lui Satan, không để cho ma quỷ tác oai tác quái nơi thế giới con người như kẻ “múa gậy vườn hoang”. Ai không đồng cảm với Chúa, không cùng Ngài trên một chiến tuyến chống lại Satan bằng việc nói không với Satan và nói có với Ngài trong đời sống… người đó luôn là kẻ xa lạ, thậm chí chống lại Ngài dù bề ngoài xem ra họ rất gần Ngài. Kết cục, có lắm người phải ngã ngửa khi nghe Ngài kết luận: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !”. Trong số đó có người là đồng hương, quá gần gũi với Chúa và có cả những kinh sư, luật sĩ, những người vẫn mang danh là chuyên viên trong đạo.
Lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta” (x. Mc 3, 32-35).
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Với lời khẳng định : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi” (Mc 3, 33). Chúa Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài. Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này. Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Thật hạnh phúc cho chúng ta, vì Chúa Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người : “Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi” (Mc 3, 35). Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình Chúa, có Đức Maria làm Mẹ suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Chúa Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: