Đức tin chỉ cần bằng hạt cải thôi - Sống thật
16.6Chúa Nhật thứ Mười Một Mùa Quanh Năm
Ed 17:22-24; Tv 92:2-3,13-14,15-16; 2 Cr 5:6-10; Mc 4:26-34
ĐỨC TIN CHỈ CẦN BẰNG HẠT CẢI THÔI
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe chúng ta cùng nhau dừng lại ở hình ảnh hạt cải.
Nước Thiên Chúa giống như hạt cải nhỏ xíu, nhưng nó có thể lớn lên thành cây to cho chim trời tới đậu. Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu như muốn xác định lại lời rao giảng lúc ban đầu: Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Chính Ngài là người gieo hạt giống đầu tiên để hạt giống đó âm thầm phát triển. Ngài nói điều đó với tất cả niềm xác tín, bởi vì đó chính là sự nghiệp của Chúa Cha.
Hơn nữa, nếu đem so sánh những lời giảng của Chúa Giêsu với cả thế giới bao la bát ngát này, thì có lẽ nó còn nhỏ bé hơn cả một hạt cải. Thế nhưng, Tin Mừng vẫn đứng vững và lớn lên từng ngày, đồng thời có biết bao nhiêu người đã được nâng đỡ và ủi an.
Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, mặc dù trên thế giới ngày hôm nay vẫn còn biết bao nhiêu những bất công và tội lỗi. Lời Chúa đem lại cho chúng ta niềm hy vọng. Vấn đề được đặt ra ra cho mỗi người, là chúng ta phải trở nên những hạt giống, được gieo vãi vào lòng cuộc đời, qua những việc làm nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng không kém phần hiệu quả.
Hình ảnh người gieo giống gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu. Ngài so sánh hoạt động của Người rao giảng Nước Trời với hoạt động của ông chủ trại, bằng lòng đợi ngày mùa thu hoạch. Sở dĩ như thế là vì Ngài muốn đề cao sức mạnh của công trình rao giảng của Ngài, một công trình không thể không đem lại kết quả. Khi gieo hạt giống vào những tâm hồn sẵn sàng đón nhận. Đức Kitô ban cho họ sức mạnh để đáp trả và sinh hoa kết quả.
Vả lại, ở đây cũng muốn gợi lên sự cần thiết của thời gian, của hạn kỳ Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử, Ngài quan tâm tới sự trưởng thành nhờ tác đợng của thời gian. Khi đó, người gieo giống trở thành thợ gặt. Và dĩ nhiên thợ gặt ở đây được đồng nhất với con người.
Dụ ngôn hạt cải cũng tạo được niềm phấn khởi lạc quan. Sự lớn lên kỳ diệu của hạt cải gợi lên sự phát triển của Nước Thiên Chúa. Dùng dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tạo niềm tin tưởng nơi các môn đệ, có lẽ lúc bấy giờ đang dao động trước những khó khăn buổi đầu của công trình rao giảng của chính Chúa Giêsu. Do đó, Ngài không ngại tưởng tượng cái không-như-thật trong cách trình bày của Ngài, khi bảo rằng hạt cải mọc lên lớn hơn các thứ rau, cành lá xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Nhưng điều không như thật trên bình diện khoa học đó lại là như thật trên bình diện giáo huấn của Ngài. Thiên Chúa thích cho thấy sức mạnh của Ngài trong cái yếu đuối, mong manh của buổi ban đầu.
Để kết luận, Chúa Giêsu cho thấy rằng dụ ngôn hàm chứa trong chính nó cả một sự phong phú về mặt gợi ý và ứng dụng. Trong một hoàn cảnh có nhiều khó khăn, trong đó một số tấn công bất nhân nào đó của môi trường chung quanh hay một số suy thoái nào đó về ý thức tôn giáo, làm che khuất các cố gắng khiêm tốn, kín đáo cua những tâm hồn cao thượng, như hoàn cảnh ta đang sống, các dụ ngôn về sự tăng trưởng và phát triển của Nước Thiên Chúa mang lại một bầu khí phấn chấn, trong lành. Cũng giống như các môn đệ của Chúa Giêsu hay những người đương thời với Ngài, nhiều khi chúng ta cũng dễ dàng tỏ ra thiếu kiên nhẫn và dễ nghi ngờ sự phát triển của Giáo Hội. Thiết tưởng chúng ta nên đọc kỹ lại các dụ ngôn trên để củng cố niềm tin vào sự lớn mạnh của Giáo Hội nhất là giữa cảnh bão bùng giông tố, bởi sức phát triển bất khuất đó không do sức mạnh của con người, mà là do sức mạnh của Thiên Chúa.
Sự khẳng định kiên vững đó của đức tin sẽ hâm nóng lại niềm hy vọng của chúng ta, mang lại đà tiến cho lòng chúng ta cũng như cho phép chúng ta tiếp tục can đảm dấn thân cho Nước Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó sẽ làm nẩy nở ước muốn của chúng ta, dạy cho chúng ta biết kiên nhẫn, biết thán phục công trình của Chúa mà nhiều khi mới nhìn thoáng qua, chúng ta không nhận ra hết được cái sức mạnh kỳ diệu của nó. Niềm hy vọng đó cũng sẽ không ngừng kích thích chúng ta trông chờ mọi sự ở Thiên Chúa bằng cách đặt mình trong thế sẵn sàng thực hiện thánh ý của Ngài.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết cuộc đời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cuộc đời ấy cũng như cuộc đời của biết bao nhiêu người khác. Thế nhưng nó mang đậm giá trị Tin Mừng, nên Giáo Hội đã tôn phong chị lên ngang bằng những vị đại thánh khác. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé và mảnh khảnh, nhưng lại lớn mạnh trong cả thế giới qua những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những kẻ nghèo túng và bất hạnh. Và còn biết bao nhiêu người khác nữa chung quanh chúng ta, họ đang âm thầm làm việc, phục vụ cho những kẻ bất hạnh trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Nước Thiên Chúa đã, đang và sẽ còn âm thầm lớn lên, không phải theo nghĩa một lực lượng đối đầu với nước thế gian, như chính Chúa Giêsu đã xác quyết: Nước tôi không thuộc về thế gian này, nhưng là những thực tại: kẻ què được đi, người mù được thấy, người điếc được nghe và kẻ chết được sống lại, người nghèo khó được rao giảng Tin Mừng.
Ai cũng biết rằng việc gầy dựng một gia đình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và phó thác. Thực vậy, cha mẹ không thể lúc nào cũng có mặt bên cạnh con cái. Vì thế họ phải tin tưởng và phó thác vào chúng. Nếu như thỉnh thoảng sự tin tưởng ấy bị phản bội, thì lúc đó các ngài vẫn tiếp tục tha thứ và tin tưởng vào con cái mình. Hơn nữa, đôi khi cha mẹ thấy con cái mình chậm phát triển, chậm trưởng thành. Vậy phải làm gì? Họ càng phải yêu thương đứa bé hơn và tiếp tục kiên nhẫn đối với nó.
Chúng ta cũng hãy tin tưởng và kiên nhẫn như thế, bởi vì sẽ có ngày Nước Chúa sẽ trồi lên từ tâm hồn chúng ta và phát triển thành một thực tại vinh quang mà muôn đời chúng ta sẽ phải cảm tạ Chúa luôn mãi. Tóm lại, Thiên Chúa đã trồng hạt giống Nước Trời trong tâm hồn chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Bổn phận của chúng ta hôm nay là phải nuôi dưỡng nó với lòng tin tưởng và kiên nhẫn, qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, để rồi đức tin sẽ nẩy mầm, lớn lên và đem lại hoa trái cho cuộc đời chúng ta.
Hãy tin vào Chúa Giêsu, là người gieo giống, đồng thời cũng là hạt giống đầu tiên được ươm trồng trên mảnh đất nhân loại này.
************
15.6Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Mùa Quanh Năm
1 V 19:19-21; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10; Mt 5:33-37
SỐNG THẬT
Cuộc kiện toàn Lề Luật nhằm đưa đến kết quả tối ưu. Đó là sự sống. Sự sống mới trong Chúa. Vĩnh cửu. Từ bỏ sự sống mau qua của trần gian. Tại sao phải thể thốt? Đó là để đạt được trần gian. Trước hết là lòng tin. Thực ra khi phải thề thì niềm tin đã suy giảm rồi. Thường đạt được lòng tin là để được một mối lợi ở đời này. Chúa Giê-su dạy ta đừng thề thốt. Đừng tìm nương tựa nơi người đời. Đừng tìm lợi lộc đời này. Nhất là phải dùng lời thề. Hãy sống trong Chúa. Chúa là sự thật. Khi sống trong Chúa ta sống trong sự thật. Sự thật đơn sơ. Nguyên tuyền. Chúa là sự sống. Khi sống trong Chúa ta là đạt đến sự sống. Sự sống mới. Đời đời.
Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra”. Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?
Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong phú, những phương pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng: “Ai đúng?” Ta thường xuyên liên hệ với những người mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ. Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi: “Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật cho mình không?”. Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả
Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.
Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói ghét thành yêu.
Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói “có” khi phải nói “có”, nói “không” khi phải nói “không”. Nói “có” hay “không” dều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự thật, tâm hồn ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: