Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời kinh tuyệt hảo

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

20.6Thứ Năm trong tuần thứ Mười Một Mùa Quanh Năm

Hc 48:1-14; Tv 97:1-2,3-4,5-6,7; Mt 6:7-15

 

LỜI KINH TUYỆT HẢO

 

Cầu nguyện là hành vi cao đẹp. Vì nâng con người lên. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện. Đừng lải nhải nhiều lời như người dân ngoại. Đừng biến mình thành kẻ ăn mày. Nhưng nâng tâm hồn lên. Như người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo quan tâm đến việc nhà. Đến chương trình của cha. Cầu nguyện đầu tiên là tha thiết với chương trình của Cha. Cộng tác với chương trình của Cha. “Nguyện Danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Hiến thân thực hiện chương trình của Cha. Vì trong chương trình đó có hạnh phúc của ta. Vì Cha nên yêu thương anh em. Cầu nguyện cho tha nhân. Tha thứ cho anh em. Để nên một trong Cha. Chúa Giê-su là người đầu tiên. Là Con Một Yêu Dấu. Hiếu thảo. Đã hoàn toàn huỷ mình ra không. Để thánh ý Cha được thể hiện.

 

Chúa Giêsu đã ban cho ta một mẫu cầu nguyện là Kinh Lạy Cha. Không có lời kinh nào tuyệt hảo và quân bình hơn kinh Lạy Cha. Vậy để cầu nguyện nên, ta phải cảm hứng từ kinh Lạy Cha, để có được những tâm tình và ý hướng xứng hợp.

 

Mặc dầu người ta đã nói nhiều về kinh này, nhưng nhắc lại một lần nữa ở đây, thiết tưởng cũng là điều tốt. Kinh Lạy Cha gồm hai phần. Trong phần đầu ta lo đến những sự thuộc về Chúa. Ta cầu xin cho điều Chúa muốn được thực hiện: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Từ phần thứ hai của kinh, ta mới quan tâm đến những chuyện thuộc về ta: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ …”.

 

Muốn cầu ngụyện nên, phải cầu nguyện theo cách này. Việc của Chúa phải được đặt lên hàng đầu. Việc của ta phải ở hàng thứ yếu. Nếu ta đặt những lợi ích của ta lên trên và trước những lợi ích của Chúa, nếu ta nghĩ đến ta trước khi nghĩ đến Chúa, là ta cầu xin điều trái ngược. Và Thiên Chúa không ưa điều gì làm trái ngược.

 

Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.

 

Kinh Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện.

 

Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong đời sống chúng ta.

 

Khi dạy kinh Lạy Cha, không những Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng Ngài còn muốn cho chúng ta ý thức địa vị của con người chúng ta. Ngài nói rằng: sự viên mãn của thân phận chúng ta, và của hạnh phúc chúng ta là ở chỗ tự vượt lên khỏi mình nơi Thiên Chúa, trong ý muốn và trong Nước Ngài; nhưng để đến đó, chúng ta có thể tin cậy ở nơi Ngài. Đàng khác ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực thi sự hòa giải với nhau giữa con người, hòa giải mà Thiên Chúa ban cho qua mối tương quan giữa chúng ta với Chúa. Địa vị con người đặt chúng ta trong hai mối tương quan mà thực ra chỉ là hai nhịp điệu của cùng một đời sống duy nhất. Đối với Thiên Chúa, tương quan của chúng ta là tương quan con thảo; đối với con người lại là tương quan huynh đệ.

 

Đâu là địa vị, chỗ đứng của tôi trước mặt Thiên Chúa? Tôi có phải là đứa con hoang đàng mà người Cha chờ đợi và tiếp đón mỗi ngày? Tôi là con người mà thân phận được thể hiện trong ý muốn và Nước của Đấng vì tình yêu mà tạo dựng và phân phát sự sống Ngài chăng? Ước chi Chúa gìn giữ tôi khỏi làm người anh cả trong dụ ngôn, nổi giận vì người ta mừng ngày trở lại của người em; người anh mà đối với em mình không có những tâm tình như người Cha.

 

Với tâm tình con thảo, “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm nhu tin tưởng” (Giáo lý Công giáo, số 2800). Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát, như Chúa Giêsu khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).

 

Tất cả thúc đẩy chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào Chúa là Cha hiển vinh như định luật tình thương mà Con Thiên Chúa đã mạc khải: “Chúa sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người” (Mt 7,11).