Giúp đỡ nhau trong cùng một Đức Tin - Phúc cho ai không thấy mà tin
4.7 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Ba Mùa Quanh Năm
Am 7:10-17; Tv 19:8,9,10,11; Mt 9:1-8
Giúp đỡ nhau trong cùng một Đức Tin
Người Do Thái xưa coi bệnh tật, khổ đau là hậu quả của tội lỗi, người có bệnh bị coi là quân tội lỗi, bị xa lánh, bị loại trừ. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội, có quyền chữa lành bệnh và loại bỏ đau khổ cho con người.
Trong sách Gióp, Thiên Chúa trách những người bạn của ông Gióp sai lầm khi quan niệm đau khổ là do có tội. Chúa Giêsu cũng khẳng định việc đau khổ, bệnh tật là một huyền nhiệm không liên quan gì đền tội lỗi (Ga 9,1-3).
Chúa Giêsu đã chữa lành người bại liệt vì Ngài thương xót anh, muốn đưa anh trở lại cuộc sống bình thường, và vì Ngài thấy lòng tin của anh và những người thân của anh, những người khiêng anh đến với Ngài. Cách chữa bệnh của Ngài thật khác thường. Trước tiên Ngài nói “Tội con được tha rồi” khiến những kinh sư Do Thái cho rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng, đã tiếm quyền của Thiên Chúa. Nhưng cách chữa bệnh của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Ngài chính là Con Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội (giải thoát anh khỏi cái ách của tội lỗi, trả lại anh mối tương quan với Thiên Chúa), cũng như có khả năng chữa lành bệnh tật (làm cho anh hết đau khổ thể xác và đưa anh trở lại với cộng đoàn, với xã hội).
Là Thiên Chúa quyền năng, người thầy thuốc siêu việt Người biết rõ tất cả, sẽ làm được tất cả. Chả vậy khi bệnh nhân nóng lòng xin Người cứu chữa, Người lại thư thái: “Này con cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi”. Chúa đang nhìn vào tâm hồn họ, muốn chữa những bệnh đang ở trong linh hồn họ, chứ mấy cái bệnh bại liệt đối với Chúa quả là chuyện nhỏ. Chữa bệnh phần xác cho người ta, Chúa lại nói đến việc “con được tha tội rồi”. Chúa muốn dạy cho họ nguyên nhân của bệnh tật, của những đau khổ, của sự chết mà như thánh Phao lô đã dạy để cho họ canh tân đời sống của mình: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết”(Rm 5,12).
Từ Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, giúp chúng ta xác tín một điều: chính Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta, Chúa có quyền trên thân xác và linh hồn của mỗi người chúng ta. Trước mặt Chúa, chúng ta như người bại liệt, không làm chủ được mình, mà phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng nhân lành của Chúa.
Chúng ta cũng thấy được giá trị của sự hiệp thông trong cộng đoàn. Đức tin của chúng ta có được không phải nhờ vào chính bản thân của mình, nhưng trước hết là nhờ vào ông bà, cha mẹ và gia đình. Khi chúng ta lớn lên, đức tin đó được nuôi dưỡng trong cộng đoàn, bởi đời sống tốt lành của nhiều người. Từ đó nhắc nhở chúng ta sống không phải chỉ cho riêng mình, mà còn để hiệp thông với những người chung quanh nữa. Vì vậy lối sống tưởng như của riêng mỗi người lại liên đới với mọi người. Nếu sống đức tin một cách nhu nhược thì hậu quả không chỉ có mình gánh chịu, mà cả cộng đoàn và cả Giáo Hội cũng phải bị ảnh hưởng. Ngược lại, khi sống đức tin một cách manh mẽ thì những người sống chung quanh cũng sẽ được hưởng nhờ..
Một mình người bất toại không thể đi gặp Chúa Giêsu, vì anh chẳng có sức cất bước. Anh phải để kẻ khác đỡ nâng, khiêng vác mình. Nhìn nhận các giới hạn, khiếm khuyết của chúng ta, khiêm tốn chấp nhận sự giúp đỡ cộng tác của anh em là phương thế chắc chắn nhất giúp chúng ta đến gặp Chúa. Và một khi được kẻ khác giúp đỡ, đến lượt chúng ta cũng hãy mau mắn giúp kẻ khác như vậy.
Chúa Giêsu thán phục niềm tin của người bất toại cũng như của những kẻ khiêng anh ta đến: vì muốn gặp Chúa, họ đã vận dụng mọi cách để làm cho kỳ được. Ngày nay ai muốn gặp Chúa, cũng phải biết hy sinh dẹp bỏ mọi chướng ngại vật quanh mình và trong bản thân mình. Có như vậy mới thể hiện được lòng khao khát đến với Chúa của từng người chúng ta.
Qua phép lạ chữa cho người bất toại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy bằng lòng để Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Ngài đã làm cho người bất toại. Chúng ta hãy trình diện với Chúa Giêsu trong bí tích Hoà giải và lắng nghe Ngài nói với chúng ta những gì Ngài đã nói với người bất toại : ”Tội lỗi của con đã được tha”.
Thánh Mát-thêu kể lại cho chúng ta việc Chúa Giê-su chữa người bại liệt. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng người bại liệt không tự mình có thể đến được với Chúa mà anh được mang đến với Ngài nhờ những người bạn của anh. Chúa Giê-su nhìn đến sự đoàn kết của những con người này và cách đặc biệt Ngài thấy được lòng tin của họ.
Với tất cả niềm tin, những người bạn của người bại liệt đã mong muốn anh được gặp Chúa Giê-su để được chữa lành. Chúa Giê-su, Đấng giàu lòng thương xót, đã chữa anh khỏi tội lỗi trước rồi sau đó mới giúp anh có thể đi lại như người bình thường. Chúa biết nỗi thống khổ của anh và đã giúp anh được khỏi, nhưng chính Chúa cũng cần những người cộng tác để đưa anh đến với Ngài.
Qua câu chuyện chữa người bại liệt. Chúa muốn mặc khải cho con người Ngài là Đấng có quyền tha tội. Và quyền này chỉ thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi, đây là cách người công khai tỏ mình là Thiên Chúa. Niềm tin vào Thiên Chúa của người bất toại đã giúp anh ta đứng dậy và được tha hết mọi tội lỗi. Nhìn vào dân chúng ta thấy rằng: họ chứng kiến người bất toại đứng dậy và đi về nhà, họ sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa. Khi tham dự phụng vụ, nhất là phụng vụ bí tích. Chúng ta cần lấy đức tin để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tăng thêm lòng đạo đức trong việc phụng thờ Thiên Chúa hơn.
Đức tin không chỉ mang tính cá nhân, nhưng mang tính cộng đoàn. Đức tin không chỉ cho riêng mình, nhưng đức tin còn giúp chúng ta đến với anh chị em đang gặp đau khổ, bệnh tật và quan trọng hơn, đức tin thúc đẩy chúng ta mang họ đến với Chúa Giê-su để người chữa lành. Chúng ta tin vào Chúa Giê-su và chúng ta mong muốn những người khác cũng được đến gần với Ngài để họ bớt đau khổ và tìm thấy được niềm vui, bình an nội tâm. Có nhiều những câu chuyện cảm động về những nỗ lực, cố gắng của anh chị em giáo dân đưa những anh chị em khô khan đến với các linh mục để lãnh nhận bí tích Hòa Giải và tham dự Thánh Lễ. Hay nhiều anh chị em cũng đã đến thăm hỏi những người đang gặp đau đớn do bệnh tật để an ủi, động viên họ tin tưởng vào Chúa hơn… Thật là tuyệt vời khi trong một Hội thánh, với những thành phần khác nhau cùng với hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người có niềm tin mạnh hơn luôn biết nâng đỡ và trợ giúp những anh chị em yếu kém hơn. Cùng đi với nhau và cùng đến với Đức Giê-su trong một đức tin là hình ảnh đẹp của Giáo hội hiệp hành.
Trước mắt chúng ta, hàng ngày vẫn xảy ra bao điều kỳ diệu mà chúng ta có thể coi như phép lạ. Đó là những trật tự lạ lùng trong vũ trụ; Gió mưa, sấm sét… hay như ngay trong thân thể của chúng ta đang diễn ra bao điều lạ lùng mà chúng ta không không thể hiểu thấu được. Từ việc tuần hoàn của máu và sự hấp thụ tiêu hóa… Tất cả những việc đó xảy ra đều do sự an bài, quan phòng, điều khiển của Thiên Chúa!
Vậy chúng ta hãy hết lòng tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Ngài. Xin Ngài chữa lành mọi bệnh tật hồn xác, cũng như tha thứ mọi lầm lỗi và dẫn đưa chúng ta đến nơi hằng sống muôn đời.
************
PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Tôma (còn có tên gọi là Đi-đi-mô), ông là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu .Tôma là người Do-thái, miền Ga-li-lê, làm nghề chài lưới, Chúa Giêsu đã chọn ngài vào số mười hai tông đồ, và ngài đã từ bỏ mọi sự để chỉ còn thuộc về thầy chí thánh mà thôi.
Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tin Mừng hôm nay: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với họ, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Tám ngày sau, khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô hữu có được lời nhận định của Chúa Giêsu: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
Từ lâu, người ta thường nhìn thấy nơi thánh Tôma là một con người hoài nghi, chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi sự hoài nghi. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, vào chiều ngày Phục Sinh, mặc dù các môn đệ khác đã kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông muốn thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.
Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói làm sao tin được một người chịu cực hình đến chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó được. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.
Sau cuộc thương khó của Chúa Giêsu, các tông đồ buồn sầu, riêng ông Tôma thất vọng tê tái, ông tách mình ra khỏi nhóm anh em tông đồ, gặm nhấm nỗi buồn một mình đơn lẻ. Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, không có ông Tôma ở đó. Các môn đệ thuật lại : “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Ông đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Câu nói của ông Tôma làm cho các anh em khác bất ngờ vì sự cứng lòng của ông. Nhưng câu nói ấy lại giúp chúng ta có thể nảy sinh xác tín ở một góc nhìn khác. Đối với các môn đệ, từ trước cho đến bây giờ, việc nhận ra Chúa là được thấy Ngài. Nhưng, từ nay việc nhận diện ra Chúa Giêsu không còn là thấy ngài nữa, mà nhận ra Ngài nhờ chạm vào các vết thương của Ngài. Khi chạm vào các vết thương đó, chắc chắn chúng ta cảm nghiệm được Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào. Từ đây, dấu hiệu hùng hồn nhất mà nhân loại nói về căn cước của Chúa Giêsu, đó chính là các vết thương mà Chúa Giêsu đã chịu từ cuộc thương khó của Ngài vì yêu thương nhân loại.
Đoạn Tin Mừng còn cho chúng ta biết, 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, và lần này có cả ông Tôma. Chúa Giêsu bảo ông Tôma : "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin". Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đã cảm nghiệm và nói rằng :
“Thánh Tôma đã phản ứng câu nói của Chúa Giêsu, bằng lời tuyên xưng đức tin một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân Ước : lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !
Về điều này, thánh Augustino đã bình luận : Ông Tôma đã thấy và động chạm đến Chúa Giêsu, nhưng ông lại tuyên xưng niềm tin của mình nơi Thiên Chúa, là Đấng ông không thấy và cũng không động chạm đến. Điều ông thấy và động chạm đến, đã đưa ông đến chỗ tin nơi điều mà cho đến bấy giờ ông còn nghi ngờ”.
Chạm vào chính Chúa Giêsu để cảm nghiệm và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa quả là một điều cần thiết và quan trọng. Trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi nên một với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài. Chúng ta cũng chạm vào các vết thương của Ngài, nhưng ước gì như Thánh Tôma hôm nay, chúng ta cũng biết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Thánh sử Phúc âm tiếp tục với lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với ông Tôma : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !" Chúa Giêsu nói lên một nguyên lý căn bản không chỉ cho riêng thánh Tôma, mà cho các tín hữu Kitô đến sau thánh Tôma, nghĩa là cho tất cả chúng ta. Từ nay chúng ta thật là người có phúc, vì chúng ta không được may mắn thấy Chúa như thánh Tôma, nhưng chúng ta vẫn vững tin. Thánh Tôma Tiến Sĩ Thiên Thần gởi thêm lời khuyến khích cho mỗi chúng ta : “Người không thấy mà tin thì có công phúc hơn nhiều so với người thấy mà tin”.
Lời Chúa hôm nay soi sáng cho chúng ta những lúc đức tin mờ tối, những lúc ấy chúng ta muốn được chạm vào Chúa, chúng ta muốn Chúa hiện diện tỏ tường. Ước gì chúng ta cũng xứng đáng được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu nói với ông Tôma hôm nay : “Phúc cho những ai không thấy mà tin !” Ước gì mỗi ngày sống, khi vác thánh giá đời mình, chúng ta cũng nên một với Chúa. Ước gì mỗi lần đức tin lung lay cũng là mỗi lần chúng ta tuyên xưng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: