Vững như đá; chắc như đồng; đẹp như kim cương
CN 14 QN
VỮNG NHƯ ĐÁ; CHẮC NHƯ ĐỒNG; ĐẸP NHƯ KIM CƯƠNG
“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ đầy đủ trong sự yếu đuối”(2Cor 12,9).
Sự kiêu ngạo; tự cao tự đại là cái tội “nối khố” của con người chúng ta. Nó như “người bạn nối khố” của chúng ta vậy. “Người bạn nối khố” là người bạn của ta ngay từ hồi còn nhỏ; ngay từ hồi “cuổng trời” tắm mưa ấy mà hay là người bạn từ những lúc cùng khổ. Nghĩa là sự kiêu ngạo; sự tự cao tự đại như là bản tính thứ hai của con người mà ai cũng có, không ít thì nhiều. Nói theo nhà Đạo là cái tội “Tổ Tông”. Tội Tổ Tông A-đam và E-và là cái tội kiêu ngạo; cái tội tự cao tự đại, muốn bằng hay muốn hơn Thiên Chúa và tội đó được truyền qua con người chúng ta qua đường sinh sản(x. GLCG, số 404). Nên ai sinh ra trên đời này cùng mắc tội Tổ Tông; ai cũng kiêu ngạo; ai cũng thích tự cao tự đại.
Để diệt trừ tính xấu này thật là khó; “khó hơn lên trời”; khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim nữa. Do đó, tự sức riêng, con người khó mà sống khiêm nhường; khó mà tự hạ mình lắm, phải có ơn Chúa giúp sức. Con người chúng ta giỏi thì có giỏi; hay thì cũng có hay nhưng cũng có lúc quên; có lúc lầm; có lúc sai; có lúc lỗi, nên khi bị như vậy hay khi bị sỉ nhục; bị hoạn nạn; bị chê bai; bị khinh chê, điều đó giúp cho mỗi người chúng ta biết rằng mình có giới hạn và yếu đuối. Khi bị như thế, chúng ta khổ sở lắm, làm sao bây giờ? Chúa nói: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ đầy đủ trong sự yếu đuối”.
Thánh Phao-lô là người đã hiểu sâu sắc được điều này, khi bản thân ngài bị dày vò như bị một “cái dằm” đâm vào người; như bị một xạ thủ của sa-tan vả vào mặt để khỏi kiêu ngạo; khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường ngài đã nhận được từ Chúa. Chúng ta biết rằng, thánh Phao-lô không thuộc vào nhóm 12 Tông Đồ; thế nhưng ngài lại mang danh là Tông Đồ. Khi ngã ngựa tại Đa-mát và ngài được Đức Giê-su trực tiếp mặc khải những chân lý Tin Mừng; rồi ngài đã đi rao giảng Tin Mừng không thua gì các Tông Đồ chính hiệu khác. Nói cách, Phao-lô là một Tông Đồ chính hiệu Con Nai Vàng. Có thể nói từ xưa đến bây giờ chưa có ai là một Tông Đồ truyền giáo như Phao-lô cả.
Dầu vậy, sự mặc khải ngoại lệ này dễ làm cho Phao-lô kiêu ngạo; dễ làm cho Phao-lô tự cao tự đại. Sự kiềm nén hay không để bộc lộ ra là một điều khó chịu đối với bản tính con người. Ngài đã 3 lần xin với Chúa là cất nỗi khổ đó đi; nghĩa là cất đi những mặc khải cao siêu đó, nhưng Chúa trả lời: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ đầy đủ trong sự yếu đuối”. Và thánh Phao-lô đã ngộ ra được chân lý đó, nên ngài “vui mừng vì những yếu đuối của mình, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong ngài. Vì vậy, ngài cảm thấy sung sướng khi ngài yếu đuối; khi bị sỉ nhục; bị hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh(x. 2Cor 12,9-10). Ngài yếu là do bản tính con người; ngài mạnh là do bởi có ơn Chúa.
Qua đó, chúng ta thấy được rằng, người kiêu ngạo; người luôn tự cao tự đại là người yếu chứ không phải người mạnh. Người mạnh chính là người khiêm nhường; biết hạ mình và dám hạ mình. Người mà những lúc cảm thấy mình yếu đuối; những khi bị sỉ nhục, hoạn nạn; bị khi chê, ngặt nghèo mà vẫn đứng vững là người mạnh. Theo tôi, người mạnh là người theo Chúa, dù có phải “lên bờ xuống ruộng”. Đau khổ có là chi. Họ “Đau nhưng không đổ; có Khổ cũng không than”. Ý lực sống của họ là: đau không đổ, khổ không than. Dù có đau cỡ nào cả về phần xác lẫn phần hồn, thì niềm đau đó cũng không cho họ lung lay hay xiêu đổ được. Và có khổ mấy, họ không bao giờ than van hay than trách Chúa; không than trời trách đất.
Thành ngữ “Lên bờ xuống ruộng” cho thấy một người bị trù dập; bị đì; bị khốn cùng, khốn khổ như con mạ chất lên bờ rồi quăng xuống ruộng. Thế nhưng nhờ vậy mà có những cánh đồng lúa xanh mướt và kết hạt vàng ươm, đem lại cơm no áo ấm cho bao người. Cũng vậy, người theo Chúa; người có ơn Chúa thì có “lên bờ, xuống ruộng” cũng chẳng sao cả. Càng tốt, có dịp để rèn luyện. Có xuống ruộng thì ta trồng lúa; trồng rau muống; rồi mò cua, bắt ốc, .... Có lên bờ thì làm công nhân; đi buôn bán; đi làm thuê hay trồng đậu, trồng cà; .... Nói tóm, là bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng không khuất phục được họ. Họ có ơn Chúa. Mà Ơn Chúa thì đủ cho họ mà, đâu cần gì nữa; cũng không sợ chi nữa.
Bởi đó, chúng ta phải làm sao cho có được nhiều ơn Chúa là OK. Theo tôi, muốn có được ơn Chúa, chúng ta phải cầu nguyện. Nói mạnh hơn nữa là chúng ta phải có một đời sống cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện, tâm hồn ta rộng mở để đón nhận thật nhiều ơn Chúa. khi không cầu nguyện, ơn Chúa vẫn xuống, nhưng tâm hồn ta đã đóng kín nên ta không nhận được ơn Chúa.
Tôi nói có “đời sống cầu nguyện” chứ không nói “cầu nguyện” không. Nhiều khi, gặp rắc rối gì, chúng ta mới cầu nguyện, rồi xin hết ơn này đến ơn khác. Còn người có “đời sống cầu nguyện” là lúc nào cũng cầu nguyện, nên luôn luôn có dồi dào ơn Chúa, để khi gặp bất cứ hoàn cảnh nào, cũng sẵn có ơn Chúa đó mà trợ lực và có dư khôn ngoan mà đương đầu với những nghịch cảnh.
Nhờ ơn Chúa, người đó có đầy đủ nghị lực để sống khiêm nhường; biết hạ mình và dám hạ mình; hơn nữa còn vui sướng và tự hào vì những yếu đuối; vì những thua thiệt này nọ kia nữa. Như người ta thì thi 1, 2 lần; hay nhiều lắm là 6,7 lần là người ta có bằng lái xe. Còn mình thì đến 15 lần. Nhiều người thi 6,7 lần không đậu thì chán nản, muốn bỏ cuộc; rồi thi đậu rồi thì đâu dám nói mình thi đến 6,7 lần, sợ bị chê; sợ xấu hổ. Còn người thi tới 15 lần, thì vẫn cứ nói 15 lần; chẳng mắc cở gì. Họ còn sung sướng và tự hào mà khoe về điều đó nữa. Có bao nhiêu người dám làm như vậy !!!!
Quả thật, chỉ có những người có đời sống cầu nguyện thâm hậu mới làm được chuyện đó. Đời sống cầu nguyện đó còn gọi là đời sống nội tâm. Người có đời sống cầu nguyện hay có đời sống nội tâm là người mạnh. Họ vững như đá; chắc như đồng và đẹp như kim cương. Cuộc đời của họ vững chắc như kiềng ba chân. Họ sống là để làm vinh danh Chúa; sinh ích cho các linh hồn và làm cho bản thân nên thánh nên thiện.
Vậy, chúng ta hãy tập luyện để cho mình có được một đời sống cầu nguyện thâm hậu; có được một đời sống nội tâm sâu sắc, để chúng ta luôn có được dồi dào ơn Chúa. với ơn Chúa, chúng ta có thể đương đầu với những khó khăn và chiến thắng. Mà khó khăn lớn nhất là tính kiêu ngạo; tính hay tự cao tự đại, chúng ta cũng sẽ chiến thắng chúng. Và khi có làm được chuyện gì chúng ta cũng không lên mặt; không tự cao tự đại, nhưng luôn sống trong sự khiêm cung; luôn biết hạ mình và dám hạ mình mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. Như thế, chúng ta sẽ có được mười chữ vàng: VỮNG NHƯ ĐÁ; CHẮC NHƯ ĐỒNG; ĐẸP NHƯ KIM CƯƠNG đó bạn !!!!!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: