Đời sống thật ngắn ngủi và mong manh
Đời sống thật ngắn ngủi và mong manh
Khởi đi từ chuyện đời thường
Bạn tôi báo tin ba của anh vừa mất. Bác ấy ra đi với tuổi đời sáu mươi ba. Thật bất ngờ và xót xa. Bác ấy ra đi để lại bao ngậm ngùi thương tiếc trong lòng những người thân yêu. Vì gia đình nghèo nên bạn tôi phải đi làm Sài Gòn kiếm tiền. Kiếm tiền để lo cho bản thân. Kiếm tiền để mua thuốc gửi về cho bác trai uống hết bệnh. Thế nhưng, bác ấy đã vĩnh viễn ra đi. Chỉ còn lại bao kỷ niệm nghẹn ngào trong nước mắt. Bạn tôi tâm sự: “Mình thật xót xa bởi vì thuốc gửi về ba mình không uống nhưng để dành cất trong tủ. Có lẽ ba mình biết gia đình khó khăn nên để dành sợ tốn kém không dám uống, không dám đi bệnh viện.”
Câu chuyện đời thường trên đây thật xúc động và cảm kích lòng người. Xúc động vì thương cho hoàn cảnh gia đình người bạn năm xưa. Cảm kích vì những nghĩa cử yêu thương hiếu thảo của người con trai đối với ba ruột của mình. Bên cạnh đó, phải chăng sự ra đi của người bác trong câu chuyện trên đây cũng gợi lên trong chúng ta những cảm nhận về đời sống con người? Đời người thật ngắn ngủi. Và đời sống con người thật mong manh. Vậy, phải sống như thế nào cho cuộc đời ý nghĩa?
Đời người thật ngắn ngủi
Trước hết, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết như sau: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày.” (Cát Bụi – Trịnh Công Sơn). Quả thật, đời người thật ngắn ngủi. Có những em bé mới sinh ra đã vội nhắm mắt lìa đời. Có những người tuổi đời còn rất trẻ nhưng vĩnh viễn ra đi bởi những căn bệnh nguy hiểm hay những vụ tai nạn bất ngờ xảy đến v.v… Vì thế, ngẫm nghĩ mới cảm thấu: “Thời gian thấm thoát tựa thoi đưa”. Thời gian cứ vùn vụt trôi nhanh khi ta chưa kịp làm gì cả. Bởi vậy, bạn tôi tâm sự rằng: “Năm nay mình đã hơn ba mươi tuổi đời. Đã sống hơn nửa đời người rồi đó. Vậy mà tới giờ đời mình sao vẫn cứ long đong. Sự nghiệp thì chưa có. Vợ con thì cũng chưa.”
Bạn thân mến, thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Vì thế, chúng ta chưa thành công thì mình đã quá nửa đời người. Vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc sống đô thị hiện đại luôn cuốn ta đi mãnh liệt. Con người ta cứ mải mê lo cho sự nghiệp, lo làm việc, học hành và hưởng thụ v.v… Thế nhưng, đến một lúc nào đó người ta chợt giật mình nhận ra rằng: ta biết ta đã già. Muộn màng và ngắn ngủi. Và rồi, cuối cùng mọi sự cũng thế thôi. Tiền bạc kiếm được bao nhiêu cho đủ. Công danh sự nghiệp lắm khi phải mất cả một cuộc đời mà không sở hữu cho đời mình. Rồi mọi sự sẽ qua đi. Thật ngắn ngủi và mong manh.
Phải sống như thế nào để cuộc đời ý nghĩa?
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng cuộc đời này chẳng có cái gì là tuyệt đối cả. Tất cả đều qua đi và mong manh: “Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó. Trời đã ban cho ta cám ơn trời dù sống thương đau. Mai kia chết rồi, trở về cát bụi giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao.” (Trở Về Cát Bụi – Lê Dinh). Thật vậy, có nhiều tiền rồi lại mất tiền mấy hồi. Có nổi tiếng đến mấy rồi cũng lui vào dĩ vãng thôi. Ai cũng có một thời. Bởi thế, Thánh Vịnh có câu như sau: “Đời người như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng. Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.” (Tv 103,15-16) Hay một nhạc sĩ nào đó đã từng thốt lên: “Chúa ơi đời sống này có là chi. Trăm năm có là gì. Tất cả đều qua đi.” Vậy, bạn và tôi cần phải làm gì để cuộc sống trở nên ý nghĩa?
Vì thế, một tác giả nào đó đã viết như sau: “Thì giờ hay đời sống là món quà quý Đức Chúa Trời ban cho mỗi người chúng ta. Đời sống quý vì nó đến từ chính Chúa là Đấng Tạo Hóa.” Đời sống thật mong manh và ngắn ngủi. Con người sống đó rồi chết đó cũng mấy hồi. Bởi vậy, con người quy về Thiên Chúa là cội nguồn của sự sống và hạnh phúc. Tiền bạc quan trọng nhưng không là tất cả. Quyền lực, thú vui rồi cũng chỉ là cát bụi mà thôi. Vì thế, một nhạc sĩ đã từng cảm nhận: “Làm con người trong cuộc đời được bấy nhiêu năm. Ai vốn giàu sang, ai vốn kiếp bần hàn, ai giãi dầu một nắng hai sương, mai lìa đời nhắm mắt xuôi tay. Đua đòi nhiều chỉ khổ thêm thôi”.
Cuối cùng, chúng ta trở về với câu hỏi cốt lõi: Thế nào là sống một cuộc đời có ý nghĩa? Một cuộc sống có nghĩa là khi biết mình sống để làm gì và sống cho ai. Cuộc sống ấy đôi khi thật bình dị và thầm lặng. Như thế vẫn chưa đủ. Mỗi Kitô hữu chúng ta cần biết cội nguồn và cùng đích cuộc sống của chúng ta. Điều này được cắm mốc bởi niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ và là cùng đích cuộc sống của chúng ta. Niềm tin ấy dẫn chúng ta đến thái độ tôn thờ, cảm tạ và yêu mến Ngài nhiều hơn. Niềm tin ấy dẫn chúng ta đến hạnh phúc thật sự nơi “cái dốc bên kia của cuộc đời”.
Nguồn: WGPSG
- Loại bài viết:
- Tổng Hơp: