Tưởng niệm cuộc Thương Khó Chúa Giêsu
SUY NIỆM TIN MỪNG CHUÁ NHẬT LỄ LÁ ( C) (Lc 22, 14- 23, 56)
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU
Chúa Nhật Lễ Lá có hai ý nghĩa chính: Một là nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu vào thành Thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, đồng thời cũng là để thực hiện lễ Vượt Qua của chính Người. Lễ Lá đúng ra là dịp tôn vinh Chúa Giêsu làm Vua, là lễ vui mừng, nhưng bài Phúc Âm là chính bài Thương Khó, tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.
Vì không có Chúa Nhật nào để Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, vì vậy được chọn vào Chúa nhật Lễ Lá. Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật mở đầu Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua, vì vậy, Chúa Nhật Lễ Lá là Chúa Nhật được dành để TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU. Tuy ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là ngày Chúa chịu chết.
Vì vậy, Chúa Nhật Lễ Lá có hai phần: Phần Làm Phép Lá và Rước Lá. Phần đầu Lễ Lá được đọc Đoạn Tin Mừng ( Lc 19,28-40). Đoạn Tin Mừng nầy nói lên niềm vinh dự đương nhiên của Đấng Mêssia, Đấng Nhân Danh Chúa mà đến ( c 38). Đến độ Chúa Giêsu không phủ nhận sự thật nầy, vì Người là Sự Thật, Đức Giêsu tán thành việc các môn đệ tung hô Người. ( c 40). Người nói : “ Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ lên tiếng”.
Rõ ràng, trong hành trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, đây là lúc Chúa biểu lộ sự vinh hiển về phần nhân tính của Người trước mặt muôn dân cách công khai. Người biểu lộ vương quyền hữu hình của Người, đây là giá trị của sự thật, không phải hảo huyền, đồng thời tăng thêm phần đức tin về nhân tính của Người cho các môn đệ. Như vậy, Chúa Nhật Lễ Lá, không phải là Chúa Nhật của sự Thương Khó, Chúa Nhật của sự đau thương , khổ nạn, mà là Chúa Nhật của sự vinh hiển toàn thắng của Chúa Giêsu. Mặc nhiên, khi tham dự Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ Chúa Nhật, là tham dự vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.
Phần hai: Phần hai của Lễ Lá là phần chính của Thánh Lễ, Tin Mừng theo ( Lc 22 – 23), có thể thấy rõ là hai Đoạn 22-23 theo Thánh Luca là hai đoạn diễn tả trọn vẹn cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu .Theo hành trình tiến bước của Thánh Luca, đây là chương VI –CUỘC THƯƠNG KHÓ.
Vâng ! Kính thưa quý vị, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca có thể được chia ra thành 24 sự kiện.
Từ câu 1-10 là phần đầu, phần II là phần chính từ câu 11- 49, phần III là phần mai táng Đức Giêsu từ câu 50- 56.
Chúng ta cùng nhau bước theo Chúa Giêsu vào cuộc Thương Khó của Người theo Thánh Luca.
1/ Âm mưu hại Chúa Giêsu. Giu-đa tìm cách nộp Thầy.
- Tại sao Giu-đa phản bội Chúa Giêsu ? Thưa Tin Mừng ghi rõ. “ Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ich-ca-ri-ốt, một người trong số Mười Hai.” ( c 3). Như vậy, Giu-đa phản bội Chúa Giêsu là do Xatan, điều nầy là hẳn nhiên. Vì Chúa Giêsu đã tiên báo ở câu ( 31) : “ , kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”. Vậy, rõ ràng, trong hành trình Cứu Chuộc của Chúa Giêsu không vắng bóng Xa-tan…Nó đi theo và xin Thiên Chúa cho nó tự do quấy quả những người đi theo Chúa Giêsu. Như vậy, những ai đi theo Chúa Giêsu mà còn mơ hồ hay không đặt trọn niềm tin vào Người thì dễ bị Xatan dụ dỗ. Điểm yếu của Giu-đa là tham tiền, tiền là phương tiện, nhưng Giu –đa đã biến thành mục đích. Vì vậy, Giu-đa đã quên Thầy mình là Một Vị Thiên Chúa, Đấng Cứu Tinh cho nhân loại, chứ không phải là một ông thầy Pharisêu. Tuy nhiên, Giu-đa không hoàn toàn làm việc ấy, vì có thế lực Xatan tác động. Tuy nhiên, nếu Giu-đa vững lòng tin vào Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh của mình là Con Thiên Chúa, thì Giu-đa không thể nào “phản bội” Chúa Giêsu với số tiền quá ít ỏi so với sự thiệt thòi của Giu-đa. Rõ ràng điểm yếu của Giu-đa là không có niềm tin, hay nói cách khác, Giu- đa đã đánh mất đức tin.Nên chi, bài học từ Giu-đa không phải là vì tiền, mà là vì đức tin. Vâng, Giu-đa không có niềm tin khi đi theo Chúa Giêsu, vì nếu ông có niềm tin thì không có gì mua chuộc được ông, kể cả thế lực Xatan.
2/ Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua.
Lễ Vượt Qua là Lễ Bánh Không Men, nhắc đến sự kiện Thiên Chúa đã cứu dân của Ngài khỏi tay vua Ai-Cập. Vì vậy, mọi người dân Israel đều ghi dấu sự kiện nầy để tỏ lòng Kính Nhớ Thiên Chúa. Vì vậy, Thầy trò Chúa Giêsu cũng chuẩn bị ăn Lễ Vượt Qua. Nhưng Lễ Vượt Qua đối với Đấng Cứu Thế còn mang một sự kiện quan trọng hơn . Vì trước đây ,Lễ Vượt Qua là một hành động của Thiên Chúa, hành động Tiêu Diệt, hành động đối kháng. Thiên Chúa ra tay bằng sự trả thù, ăn miếng trả miếng, Thiên Chúa thực hiện theo nghĩa đen, theo luật nhãn tiền, mắt đền mắt, răng đền răng, cũng là luật công bằng..Đó là luật Cựu Ước,. Vì vậy, Lễ Vượt Qua của Tân Ước là Chính Con Thiên Chúa đã thực hiện bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Nên chi, Chúa Giêsu chuẩn bị một Hy Lễ Vượt Qua do chính Chúa thực hiện, một Hy Lễ mà Chính Người là Lễ Vật. Để Hy Lễ ấy sẽ trở nên Lễ Vật giao hòa cùng Thiên Chúa. .Như vậy, Lễ Vượt Qua của Cựu Ước thì khác xa với Lễ Vượt Qua của Tân Ước. Thiên Chúa đã thay đổi hành động của Thiên Chúa bằng cách đặt luật yêu thương ( luật Bác Ái) trên luật công bằng. Mà Thánh Phaolô đã nói: “ Bác ái là chu toàn mọi lề luật”.( Rm 13,8).Vì vậy, Lễ Vượt Qua của Tân Ước thì khác xa của Cựu Ước, vì Tân Ước đã đến thì không còn Cựu Ước nữa.
3/ Ăn tiệc Vượt Qua.
Đây là bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ ( theo luật cũ ), để rồi chính Người là Con Chiên Vượt Qua của Hy Lễ mới. Vì vậy đây là lễ Vượt Qua mà Người khát khao mong đợi : Người nói với các môn đệ : “ Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua nầy với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua nầy nữa, cho đến khi lễ nầy được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.” ( c 15- 16).
Thật vậy, Người sẽ trở nên hoàn tất Lễ Vượt Qua của Chính Người là Hy lễ, Bàn Thờ và là Chủ Tế. Vì không lễ vật nào hoàn hảo hơn Đấng Cứu Độ Giêsu- Kitô.
Và rồi ( c17 -18), nói rõ về phần Tử Nạn Người sắp chịu và đồng thời cũng sắp hoàn tất phần Nhân Tính trong mầu nhiệm làm Người của Chúa Giêsu . Những Lời từ biệt cũng là những Lời tiên báo cuộc khổ hình mà Người sắp chịu.: “ Thầy sẽ không còn uống thứ sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.” ( c18 b).
Và như vậy, một Giao Ước mới được lập ra cho nhân loại, Người cũng di chúc rằng : “ Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau.” ( 17 b). Từ đó. Phép Thánh Thể được mở ra.
4/ Đức Giêsu lập Phép Thánh Thể
Lễ Vượt Qua xưa, nay trở nên Phép Thánh Thể, một sự chuyển hóa bởi mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự sống, vì Ngài là nguồn sống, nên Ngài muốn cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Vì vậy, Thiên Chúa đã muốn Cứu Chuộc bằng nhiều cách. Lễ Vượt Qua của Cựu Ước được chuyển đổi bằng Phép Thánh Thể, Thiên Chúa muốn dẫn đưa nhân loại vào sự sống trực tiếp của Ngài, không bắng con đường gián tiếp nữa, mà bằng chính Thiên Chúa qua mầu nhiệm Nhập Thể. Sau cùng, Đấng Cứu chuộc ấy đã hoàn toàn phân chia sự thông phần Bản Tính Thiên Chúa cho nhân loại qua Phép Thánh Thể. Như vậy , hiển nhiên, qua mầu nhiệm Tự Nạn của Đấng Cứu Thế, thì Thiên Chúa hoàn toàn không thể nào đau khổ được, nhưng Thân Thể làm Người là mầu nhiệm nhập Thể được phân chia cho nhân loại. Vì rõ ràng, Thiên Chúa không thể Hữu Hình, chỉ có Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể hữu hình. Khi sắp hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua Mới, Người trở về với Bản Tính Thiên Chúa . Vì vậy phần Hữu Thể luôn ở lại với sự hữu hình của nhân loại qua Phép Thánh Thể trong mầu nhiệm đức tin.
Khi phục sinh và về Trời chỉ là hình bóng thiêng liêng của Con Thiên Chúa Nhập Thể, vì khi Người đã phục sinh thì không còn quyền lưc nào làm chủ Người được nữa. Như vậy, Phép Thánh Thể luôn hiện diện hữu hình trong mầu nhiệm đức tin cho nhân loại và vì nhân loại và như vậy đã trở nên một Bí Tích sống động ở thế gian. Vì vậy, Phần Thiên Tính của Chúa Giêsu thì có Ba Ngôi, nhưng phần Nhân Tính của Người thì chỉ có một mình Người mà Thôi, vì Thiên Chúa không bao giờ chịu khổ nạn và đau khổ.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh đã yêu thương nhân loại, vì vậy Ngôi Hai đã trở nên Hữu Hình vì chúng con, để tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa một cách cụ thể ,hữu hình vì chúng con và cho chúng con.
Vì thế, mầu nhiệm Vượt Qua của Người sắp đến, xin cho chúng con cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa nơi Người một cách hữu thể và duy nhất ./. Amen
(Xin tạm dừng phần suy niệm Lễ Lá).
24/03/2013
Phêrô Trần Đình Phan Tiến ( Bước Theo)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: