Đấm ngực sao chưa trở về ?
ĐẤM NGỰC SAO CHƯA TRỞ VỀ?
Có thể nói, cuộc thương khó của Đức Giêsu là một bài suy niệm dài không có trang kết thúc. Mỗi sự kiện, mỗi chặng đường, mỗi nhân vật xuất hiện đều mang một sứ điệp riêng. Để mà suy niệm và viết, có lẽ không trang giấy nào lột tả cho đủ. Tuy nhiên, mỗi một mùa thương khó qua đi, lại là một sự kiện, một dấu ấn để nhân loại có thể hồi tâm trở về, trắc ẩn trước tình thương vô biên cao cả của Thiên Chúa.
Lòng can đảm và tình yêu thương không bờ bến. Đó chính là sợi chỉ đỏ xiên suốt hành trình khổ nạn. Tất cả chỉ vì yêu, yêu Chúa Cha, yêu nhân loại mà Đức Giêsu đã tự nguyện vâng phục ghé vai gánh vác thập tự - án tử hình dành cho những tội nhân trong khi Ngài hoàn toàn là Đấng vô tội: “Ta xét thấy người này không có tội gì” (Lc 23, 4). Lòng tự nguyện của Ngài mãnh liệt quá, chính tình yêu thương vâng phục vô điều kiện ấy là động lực giúp Ngài vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sự sỉ nhục, nhạo báng, sự kết án bất công… để đi đến cùng yêu thương. Đây cũng chính là phương châm, là kim chỉ nam để tất cả những ai muốn theo Ngài. Chỉ cần có sự vâng phục tự nguyện và tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ được Ngài cứu độ và thương yêu.
Thái độ bình thản trước những lời vu oan giáng họa và sỉ nhục, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự… “Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôdê cùng với bọn lính tỏ ra khinh dể Người, khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu...” (Lc 23, 10-11) không phải vì Ngài cào bằng tất cả, hay tỏ thái độ khinh miệt, bất cần đời, nhưng vì tình yêu thương của Ngài đã vượt lên trên tất cả. Ngài thấu hiểu và tha thứ, vì biết rằng nhân loại lầm lạc, mù quáng, không biết mình đang làm gì. Mỗi người chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải có một thái độ bình thản, kiên tâm trước những lời kết án, vu oan giáng họa. Vì bởi nếu tranh chấp hơn thua với kẻ ác, chắc chắn người thiện sẽ không bao giờ thành công. Nếu không muốn nói đến hậu quả ngày càng tồi tệ. Thay vì thế, hãy tha thứ và thương yêu. Tình thương yêu sẽ hóa giải tất cả, và cũng sẽ là minh chứng hùng hồn cho sự vô tội.
Sự phản kích của công chúng khi hô hào tha tội cho tướng cướp Baraba: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!” (Lc 23, 18). Đó là tội phạm giết người nguy hiểm vậy mà dân chúng lại cương quyết phải tha. Còn Đức Giêsu, Ngài đã làm gì nên tội. Ngài đã làm tổn thương ai, thiệt hại gì? Vậy tại sao Ngài lại bị dân chúng oán ghét như vậy? Đám dân chúng này là ai? Có phải là những người vẫn ngày ngày theo Chúa, tận mắt chứng kiến những phép lạ, những điều tốt lành Ngài đã làm cho họ hay không? Đây cũng là sự thật bẽ bàng nhất trong cuộc sống, khi bị hiểu lầm, bị kết án, bị ganh ghét, con người như bị dồn vào chân tường cùng cực của sự tuyệt vọng. Thay vì hoang mang, oán hận, chi bằng hãy học nơi Đức Giêsu, sự thinh lặng, cam chịu và chấp nhận tất cả.
Trên đường lên núi Sọ, có những người phụ nữ than khóc bước theo Người, nhưng Ngài đã phán: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em.” (Lc 23, 28). Phải, Đức Giêsu không đáng thương, nhưng kẻ đáng thương chính là chúng ta. Nhân loại mới thực sự là những kẻ đáng thương vì đã giết chính Con Thiên Chúa. Con người mới là kẻ đáng thương vì đã loại bỏ Đấng làm chủ đời mình. Thế giới đáng thương vì đã bị của cải, danh vọng, quyền lực… làm lu mờ con mắt đức tin và ánh sáng chân lý. Riêng Đức Giêsu, Ngài là thân phận Thiên Chúa và mãi mãi vẫn là Thiên Chúa, không ai có thể lấy đi bất cứ điều gì từ Ngài. Ngài không thể hiện quyền lực không phải vì Ngài khiếm khuyết nhưng chính vì bởi Nước của Ngài không thuộc về thế gian này. Nó thuộc về một vương quốc chỉ có tình yêu thương và sự công chính thánh thiện mà thôi.
Khi đã chịu đóng đinh, chấp nhận mọi hình phạt và sự bêu riếu phỉ hổ, Đức Giêsu đã xin Thiên Chúa Cha tha tội cho nhân loại: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34). Ngài còn hứa với người trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 43). Đẹp quá, những nghĩa cử thật là cao đẹp quá, không còn gì cần phải nghi ngờ nữa. Sự tha thứ vô điều kiện, chỉ có nơi Thiên Chúa mà thôi.
“…Khi thấy những sự việc xảy ra như thế, tất cả những đám người đã tụ tập đông đảo để xem cảnh tượng ấy đều đấm ngực trở về nhà.” (Lc 23, 48) Thế là cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã chấp dứt. Tiếng cười đùa, giễu cợt hay phỉ báng cũng đã qua đi. Đức Giêsu rồi đã tắt thở… và người ta chứng kiến cảnh tượng trời đất động địa, núi non vỡ ra tan tác… người ta đã tin và đấm ngực trở về. Người ta đã tin thật: “Người này quả thật là công chính!” (Lc 23, 47). Đây chính là lời chứng cuối cùng cho sự vô tội của Ngài. Khi đã nhận biết sự sai lầm của mình, họ đã đấm ngực trở về. Vậy mà hơn 2000 năm qua , năm nào cũng vậy, Giáo hội vẫn tưởng niệm lại cuộc thương khó của Chúa, thế mà nhân loại vẫn lầm lạc trong con đường tội lỗi, chẳng mấy ai tin, chả mấy ai biết đấm ngực trở về.
Lạy Chúa, con không chỉ chứng kiến một lần, nhưng có thể nói trên 30 lần. Con tận tai nghe được những lời nói và hành động của Ngài trên con đường khổ nạn, thế nhưng chẳng hiểu sao con đấm ngực mà vẫn không thể trở về. Còn điều gì vậy, còn điều gì đang chế ngự nơi con để rồi con mãi sống xa lìa tình yêu Chúa. Con vẫn ngày ngày đóng đinh Ngài mỗi khi gặp thử thách, gian nan, con thường kêu ca oán trách Ngài. Mỗi khi gặp trái ý, đau khổ, con vẫn nguyền rủa, thóa mạ tha nhân… Xin giúp con lạy Chúa, xin giúp con biết dừng lại, thinh lặng trước cuộc khổ nạn, không phải để khóc thương Ngài nhưng là khóc thương chính bản thân mình đã phản nghịch, lỗi phạm cùng Thiên Chúa để được tha thứ và thương yêu. Xin giúp con hãy buông tay xuống, hãy cởi bỏ những ghét ghen, ích kỉ trong con tim, và hãy nói lời thương yêu tha thứ: xin Cha tha thứ, vì con, cũng như họ… không biết việc mình đã làm.
M. Hoàng Thị Thùy Trang.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: