Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

01 P1 Bình an nội tâm, con đường nên Thánh

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

Phần I

 

BÌNH AN NỘI TÂM,

CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

 

 

1. Không có Thầy, các con không thể làm gì được

 

Để hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển đời sống Kitô hữu, hầu đạt được và giữ lấy bình an trong tâm hồn, tiên vàn phải xác tín rằng, mọi điều thiện hảo chúng ta có thể thực hiện đều phát xuất từ Thiên Chúa và chỉ phát xuất từ một mình Người. Chúa Giêsu đã nói, “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15, 5). Ngài không nói, “Các con không thể làm gì nhiều”, nhưng là “Các con không thể làm gì được”. Chúng ta phải tin vào chân lý này. Chúng ta thường phải trải nghiệm những thất bại, thử thách và sỉ nhục mà Thiên Chúa cho phép xảy ra trước khi chân lý này tự nó tác động trên chúng ta, không chỉ trên bình diện tri thức mà còn là một trải nghiệm của toàn bộ hữu thể của mình. Nếu muốn, Thiên Chúa có thể miễn cho chúng ta khỏi những thử thách đó; thế nhưng, chúng cần thiết để chúng ta tin rằng, chúng ta hoàn toàn không thể tự sức làm điều thiện. Theo chứng từ của tất cả các thánh, chúng ta nhất thiết phải lĩnh hội tri thức này. Thực vậy, đây là khúc dạo đầu cần thiết cho tất cả những việc trọng đại mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi chúng ta bằng quyền năng ân sủng của Người. Đó là lý do tại sao thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Bông Hoa Nhỏ, đã thổ lộ rằng, điều kỳ diệu nhất mà Thiên Chúa đã có thể thực hiện nơi tâm hồn chị là “cho chị thấy sự nhỏ bé và bất lực của mình”.

 

          Nếu xem xét kỹ lưỡng đoạn Tin Mừng thánh Gioan trên đây, chúng ta sẽ hiểu, vấn đề cốt lõi của đời sống thiêng liêng là: Bằng cách nào, tôi có thể để Chúa Giêsu hành động trong tôi? Bằng cách nào tôi có thể để cho ơn Chúa tự do hoạt động trong đời tôi?

 

          Đó là đích nhắm của chúng ta, không phải cốt để áp đặt nhiều thứ xem ra tốt lành cho bản thân theo sự khôn ngoan riêng của mình hay theo như kế hoạch đã vạch định… Trái lại, hãy cố gắng khám phá thiên hướng của linh hồn, thái độ nội tâm sâu xa và hiện trạng thiêng liêng vốn cho phép Thiên Chúa hành động nơi chúng ta. Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới có thể sinh hoa kết trái - những “hoa trái tồn tại” (Ga 15, 16).

 

Không có chìa khoá vạn năng hay câu trả lời xác đáng nào cho câu hỏi “Chúng ta phải làm gì để ân sủng Thiên Chúa có thể tự do hoạt động trong cuộc đời mình?”. Để trả lời trọn vẹn câu hỏi này, cần phải viết một linh đạo hoàn chỉnh về đời sống Kitô hữu, trong đó chúng ta nói đến việc cầu nguyện (chủ yếu là suy niệm, rất căn bản trong lãnh vực này), các bí tích, việc thanh tẩy tâm hồn, sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần… cùng hết thảy những phương cách mà qua đó, ân sủng Thiên Chúa có thể thẩm thấu sâu xa hơn vào đời sống chúng ta.

 

Trong tác phẩm nhỏ bé này, chúng ta không mong sẽ bàn đến tất cả những chủ đề ấy. Tôi chỉ muốn lưu tâm đến một yếu tố trong câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra trên đây. Tôi chọn nói về chủ đề này vì nó tối cần thiết. Hơn thế nữa, chủ đề này thường ít được các Kitô hữu biết đến cũng như suy xét trong đời sống thường ngày, kể cả những người có đức tin mạnh.

 

Chân lý căn bản tôi muốn trình bày và triển khai như sau: Để ơn Chúa hoạt động và trổ sinh trong chúng ta - dĩ nhiên với sự cộng tác bởi ý chí, trí năng và khả năng của chúng ta - tất cả những công việc tốt lành mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ trước cho chúng ta “để sống mà thực hiện những công trình tốt đẹp” đó (Ep 2, 10), thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải ra sức dành cho được cũng như giữ cho được một sự bình an bên trong, bình an tận bên trong tâm hồn.

 

          Để hiểu được điều này, chúng ta có thể sử dụng một hình ảnh (không phóng đại, như chúng ta thường tránh khi so sánh) để minh hoạ. Hãy quan sát mặt hồ mà ánh mặt trời đang chiếu rọi. Nếu mặt hồ êm ả, tĩnh lặng, mặt trời sẽ được phản chiếu trong đó; mặt hồ càng tĩnh lặng, mặt trời được phản chiếu càng trọn vẹn. Ngược lại, nếu mặt hồ bị khuấy động, dập dờn thì hình ảnh mặt trời không thể được phản chiếu trong đó.

 

Hình ảnh này cũng tựa hồ tâm hồn chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Tâm hồn càng tĩnh lặng, bình an, hình ảnh của Thiên Chúa càng được phản chiếu rõ nét trong đó và ân sủng Người càng hoạt động ngang qua chúng ta. Ngược lại, nếu tâm hồn chúng ta xao xuyến bất an, ân sủng của Thiên Chúa sẽ hoạt động khó khăn hơn nhiều. Tất cả những gì thiện hảo chúng ta có thể thực hiện là phản ảnh Sự Thiện Thiết Yếu đó, chính là Thiên Chúa. Tâm hồn chúng ta càng lặng lẽ, quân bình và phó thác, Sự Thiện càng tự thông ban cho chúng ta và cho người khác ngang qua chúng ta. Có lời Thánh Kinh dạy rằng, “Xin Chúa ban quyền lực cho dân Chúa, tuôn đổ phúc lành cho dân hưởng bình an” (Tv 29, 11).

 

Chúa là Thiên Chúa của bình an. Người không lên tiếng cũng không hành động trong rối bời và lo lắng, nhưng trong bình an. Hãy nhớ lại trải nghiệm của ngôn sứ Êlia trên núi Hôrép: Thiên Chúa không ở trong cơn lốc, cũng không ở trong cơn động đất hay lửa cháy, nhưng Người ở trong “tiếng gió hiu hiu” (x. 1 V 19).

 

Thông thường, chúng ta chuốc lấy sự bồn chồn và xáo động khi cố tự sức giải quyết mọi việc mà lẽ ra sẽ hiệu năng hơn khi chúng ta ở lại trong bình an trước cái nhìn của Thiên Chúa, đồng thời để cho Người hành động và thực hiện trong chúng ta với sự khôn ngoan và quyền năng của Người trổi vượt vô vàn sức lực của chúng ta, Vì Chúa Thượng là Đức Chúa, là Đức Thánh của Israel phán thế này: Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát, giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh; thế nhưng, các ngươi đã không muốn!” (Is 30, 15).

 

Những gì chúng ta đang nói, nếu hiểu cho thật đúng, không là một lời mời gọi biếng nhác hay ù lì, nhưng là một lời cổ võ hành động, thậm chí phải hành động quyết liệt dưới sự thôi thúc của Thánh Thần, một Thần Khí dịu dàng và bình an, chứ không phải một Thần Khí bất an, sợ hãi hay quá vội vã mà chúng ta rất thường mắc phải. Sự nhiệt thành của chúng ta, ngay cả cho Thiên Chúa, thường bị tô vẽ cách lệch lạc. Thánh Vincent Phaolô, người cuối cùng mà bất kỳ ai cũng có thể nghi ngờ là lười biếng, đã từng nói, “Sự thiện Thiên Chúa thực hiện thì được thực hiện bởi chính Người mà chúng ta hầu như không hay biết. Chúng ta cần bị động hơn là chủ động”.

 

 

2. Bình an nội tâm và hoa trái tông đồ

 

Đối với một số người, việc tìm kiếm bình an nội tâm xem ra là một cái gì khá ích kỷ. Làm sao có thể coi đó như một trong những mục đích chính yếu của những nỗ lực của chúng ta khi thế giới chung quanh còn quá nhiều đau khổ và khốn cùng?

Với vấn đề này, trước hết chúng ta phải đáp lại rằng, bình an chúng ta đang nói đến là bình an của các sách Tin Mừng; một bình an không mảy may liên quan đến thái độ vô cảm, xơ cứng, chai lì, dửng dưng lạnh lùng hay khép kín bản thân… mà từ đó, giáo huấn nhà Phật hay một vài giáo phái Yoga có thể đưa ra cho chúng ta một hình ảnh. Ngược lại, như chúng ta sẽ thấy sau này, bình an nhất thiết phải là kết quả tất yếu của tình yêu, của một sự nhạy cảm thật sự trước những khổ đau của bao người khác và của một lòng trắc ẩn đích thực. Bởi lẽ, chỉ có sự bình an tận con tim này mới thật sự giải thoát chúng ta khỏi chính mình, gia tăng sự nhạy cảm trước tha nhân và giúp chúng ta sẵn sàng hiến thân cho đồng loại.

 

Cần phải thêm rằng, chỉ những ai sở hữu bình an nội tâm này mới có thể phục vụ tha nhân cách hiệu quả; làm sao tôi có thể thông chuyển bình an này cho những người khác nếu bản thân tôi không có nó? Làm sao có được bình an trong gia đình, giữa xã hội, giữa các cá nhân nếu trước tiên không có bình an trong tâm hồn mỗi người?

 

Thánh Séraphim Sarov nói, “Hãy giành cho được bình an nội tâm và vô số người sẽ tìm thấy ơn cứu độ của họ ngang qua bạn”. Để có được bình an nội tâm này, ngài đã tìm ẩn mình bao năm tháng với lòng hoán cải và liên lỉ cầu nguyện. Mười sáu năm đan sĩ, mười sáu năm ẩn sĩ, rồi mười sáu năm giam mình trong một tịnh thất chật hẹp; nhưng mãi sau những bốn mươi tám năm dâng hiến đời mình cho Chúa, thánh nhân mới bắt đầu toả sáng. Biết bao hoa trái ngài đã trổ sinh! Hàng ngàn khách hành hương đến với ngài đã được ủi an, được giải thoát khỏi những ngờ vực và lắng lo, được khai sáng trong ơn gọi của mình và được chữa lành cả hồn lẫn xác.

 

Câu nói của thánh Séraphim là một chứng từ hùng hồn cho kinh nghiệm cá nhân của ngài cũng như kinh nghiệm riêng của bao vị thánh khác. Đạt được và giữ lấy bình an nội tâm không thể có nếu không cầu nguyện; do đó, đây phải là ưu tiên số một, nhất là đối với những ai nói rằng, họ muốn làm điều lành cho người khác; bằng không, họ chỉ thường xuyên thông chuyển sự bồn chồn và thất vọng của mình.

 

 

3. Bình an và cuộc chiến đấu thiêng liêng

 

Chúng ta còn phải xác nhận ngay lúc này một chân lý khác vốn cũng không kém phần quan trọng hơn điều vừa được nói ở trên, đó là: đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến, một cuộc chiến không khoan nhượng.

 

Trong thư gởi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy “binh giáp vũ khí của Thiên Chúa” để chiến đấu “không phải với phàm nhân nhưng là với những bậc thống trị thế giới tối tămvới những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 10, 12) và rồi ngài liệt kê tất cả những mảng binh giáp mà chúng ta phải mặc vào.

 

Mọi Kitô hữu phải biết tường tận rằng, đời sống thiêng liêng của mình không phải là sự trải dài êm ả của một cuộc sống đơn điệu không có bất cứ vấn đề nào; đúng hơn, đời sống thiêng liêng phải được xem như cảnh tượng của một cuộc chiến trường kỳ, đôi khi cam go và sẽ không kết thúc cho đến chết - một cuộc chiến chống lại sự dữ, cám dỗ và tội lỗi trong chính mình. Cuộc chiến này là một điều không thể tránh khỏi, nhưng phải được xem như một thực tại hết sức tích cực, vì như thánh Catarina Siêna nói, “không có chiến tranh, sẽ không có hoà bình”; không có chiến đấu, sẽ không có chiến thắng. Nhìn một cách đúng đắn, cuộc chiến này là nơi chúng ta được thanh luyện để trưởng thành về mặt thiêng liêng, cũng là nơi chúng ta học biết chính mình trong sự yếu đuối của chúng ta và học biết Thiên Chúa trong lòng thương xót vô biên của Người. Cuộc chiến này là chặng cuối của sự biến đổi để đi vào vinh quang của chúng ta.

 

Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thiêng liêng của người Kitô hữu đôi khi rất khốc liệt, thì nó không hề là một cuộc chiến vô vọng của một ai đó đang chiến đấu một cách mù quáng, đơn độc, không chút tin tưởng nào về hậu kết của cuộc đương đầu này. Đúng hơn, đó là cuộc chiến của một người chiến đấu với niềm xác tín tuyệt đối rằng, mình đã dành được chiến thắng chỉ vì Đức Giêsu đã phục sinh. “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng” (Kh 5, 5). Người ấy không chiến đấu bằng sức mạnh của bản thân nhưng nhờ dũng lực của Đức Giêsu, Đấng đã nói với người ấy, “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9). Vũ khí chủ lực của người ấy không phải là quyết tâm tự nhiên của tính cách hay những khả năng nhân loại nhưng là đức tin, chính sự gắn kết trọn vẹn với Đức Kitô cho phép người ấy từ bỏ chính mình với một niềm tin được coi như mù quáng vào Đấng không thể nào bỏ rơi người ấy, cả trong những thời khắc tệ hại nhất, “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13). Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? (Tv 27, 1).

 

Vậy khi chiến đấu chống lại tội lỗi, đôi khi rất khốc liệt, người Kitô hữu được “mời gọi để chiến đấu cho đến chết” (Dt 12, 4), nhưng người ấy chiến đấu với một tâm hồn bình an và càng bình an, họ chiến đấu càng hiệu quả; bởi lẽ như chúng ta đã nói, chính bình an nội tâm giúp họ chiến đấu, không phải bằng sức riêng rất dễ cạn kiệt của mình, nhưng bằng sức mạnh của Thiên Chúa.

 

 

4. Bình an thường bị đe doạ trong cuộc chiến thiêng liêng

 

Chúng ta cần làm sáng tỏ một điều khác nữa. Trong suốt toàn bộ cuộc chiến, dù ác liệt đến đâu, người Kitô hữu vẫn phải tìm cách giữ lấy bình an trong tâm hồn hầu Thiên Chúa Các Đạo Binh có thể chiến đấu giúp họ. Thêm vào đó, họ phải nhận thức rằng, bình an nội tâm này không chỉ là điều kiện để chiến đấu nhưng tự nó còn là mục tiêu phải nhắm tới. Rất thông thường, cuộc chiến thiêng liêng đúng nghĩa cốt ở chỗ này: bảo vệ bình an tâm hồn khỏi kẻ thù vốn đang tìm cách cướp nó khỏi chúng ta.

 

Thực tế, một trong những chiến lược thông thường nhất của ma quỷ khi nỗ lực tách lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa và làm trì trệ tiến trình thiêng liêng của chúng ta là nó tìm cách làm cho chúng ta mất đi bình an nội tâm. Dom Lorenzo Scupoli, một trong những bậc thầy linh hướng tầm cỡ của thế kỷ 16 được thánh Phanxicô Salêsiô rất kính trọng, đã từng nói, “Ma quỷ làm hết sức để xua trừ bình an khỏi tâm hồn con người, vì nó biết, Thiên Chúa cư ngụ trong bình an và chính trong đó, Người hoàn tất những kỳ công”.

 

Thật ích lợi để ghi nhớ điều này, rất thường tình trong đời sống hằng ngày của người Kitô hữu, không ít người lâm chiến nhưng lại sai trận địa, lý do là vì những nỗ lực của họ đã nhắm lệch phương hướng. Lúc đó, thay vì chiến đấu trên trận địa thật, nơi mà nhờ ơn Chúa, chắc chắn chiến thắng đang chờ đợi thì chúng ta lại chiến đấu trên một trận địa mà ma quỷ đang khôn khéo lôi chúng ta vào để đánh cho tả tơi. Và đây là một trong những bí quyết quan trọng của cuộc chiến thiêng liêng: tránh chiến đấu trên trận địa giả, nhận biết đâu là trận địa thật, phải thật sự chống lại điều gì và nên đặt nỗ lực của mình vào đâu mặc cho kẻ thù có xảo quyệt đến mấy.

 

Chẳng hạn, chúng ta tin rằng, để chiến thắng trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta phải đánh bại tất cả những lầm lỗi, không bao giờ khuất phục trước cám dỗ và phải điều chỉnh những yếu đuối hay thiếu sót của mình. Thế nhưng, trên một trận địa như thế, chúng ta sẽ ngã gục! Bởi lẽ, ai trong chúng ta có thể tham vọng rằng mình không bao giờ sa ngã? Và chắc chắn, Thiên Chúa cũng không đòi hỏi điều này, vì “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi” (Tv 103).

 

Trái lại, thay vì chạy theo cái bất khả chiến bại hoặc điều được coi là tuyệt đối không thể sai lầm nào đó vốn vượt quá khả năng của mình, thì cuộc chiến thiêng liêng đích thực chủ yếu cốt tại việc học hỏi mà không nản lòng; chấp nhận thất bại lúc này lúc khác và không đánh mất bình an nội tâm; nếu phải chiến đấu trong tang thương, không trở nên quá u buồn trước những thất bại; và học biết cách “bật lên” sau những lần té ngã đến một cấp độ thậm chí còn cao hơn. Điều này luôn luôn khả thi, nhưng với điều kiện là chúng ta không được hoảng sợ và mải tiếp tục giữ lấy bình an trong tâm hồn.

 

Như vậy, chúng ta có đủ lý do để nói lên nguyên tắc này: Tiên vàn, những nỗ lực của chúng ta phải hướng đến mục tiêu số một của cuộc chiến đấu thiêng liêng, không phải luôn luôn giành cho được chiến thắng (thắng các chước cám dỗ, thắng những yếu đuối…) nhưng đúng hơn, học biết giữ lấy bình an trong tâm hồn ở mọi hoàn cảnh, kể cả khi thất bại. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể theo đuổi mục tiêu tiếp theo là loại trừ những sa ngã, lầm lỡ, bất toàn và tội lỗi của mình. Cuối cùng, đây mới là chiến thắng mà chúng ta phải ước ao và khát khao nhưng phải biết rằng, không phải tự sức riêng mà chúng ta đạt được và vì thế đừng quá tự đắc cho rằng, chúng ta sẽ có được điều ấy trong một sớm một chiều. Chính ân huệ vô song của Thiên Chúa sẽ giành chiến thắng cho chúng ta. Càng duy trì được bình an nội tâm và phó mình cách tín thác vào bàn tay của Cha Trên Trời, ân huệ ban xuống cho chúng ta sẽ càng nhanh và càng hiệu nghiệm.

 

 

5. Những lý do khiến chúng ta đánh mất bình an luôn luôn không chính đáng

 

Một trong những điểm nổi bật của cuộc chiến thiêng liêng là chiến đấu trên bình diện tư tưởng. Chiến đấu thường có nghĩa là sự đối kháng giữa những tư tưởng bắt nguồn từ chính lòng trí của chúng ta, hoặc từ tâm tưởng của những người chung quanh hoặc đôi khi tự chính nơi kẻ thù (tư tưởng phát xuất từ đâu, điều ấy không mấy quan trọng), khiến chúng ta bồn chồn, sợ hãi, nản chí; và ngược lại, chính những tư tưởng lại có thể nâng đỡ chúng ta và thiết lập lại sự bình an cho chúng ta. Nhìn cuộc chiến này theo nghĩa đó thì “hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế!” (Tv 127), đầy những mũi tên tư tưởng tốt lành, nghĩa là, những xác tín vững chắc được đặt trên nền tảng đức tin vốn sẽ nuôi dưỡng trí năng và củng cố tâm hồn con người khi họ gặp thử thách.

 

Trong số những “mũi tên người dũng sĩ cầm tay”, có một xác tín cần phải cư ngụ vĩnh viễn trong chúng ta là, tất cả những lý do khiến chúng ta mất bình an luôn luôn không chính đáng.

 

Xác tín này hầu chắc không được xây dựng trên nền tảng của những suy tính nhân loại. Nó chỉ có thể là một xác tín của niềm tin dựa trên Lời Chúa. Nó không nằm ở lý lẽ của thế gian như Chúa Giêsu đã nói rất rõ với chúng ta, “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).

 

Nếu chúng ta tìm kiếm bình an theo kiểu “thế gian ban tặng”, nếu mong chờ bình an theo lý lẽ người đời hoặc theo những động lực phù hợp với não trạng hiện tại chung quanh (vì mọi thứ đều ổn, vì chúng ta chẳng trải nghiệm bất cứ phiền toái nào và mọi khao khát đều được thoả mãn…) thì chắc chắn, chúng ta sẽ không bao giờ biết đến bình an hoặc có chăng, nó cũng sẽ vô cùng mong manh và chóng qua.

 

Với chúng ta là những kẻ tin, lý do cốt lõi của bình an không đến từ thế gian này, “Nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18, 36). Lý do đó bắt nguồn từ niềm tin vào Lời của Đức Giêsu.

 

Khi Đức Giêsu xác quyết Ngài ban cho chúng ta bình an, “Thầy ban bình an của Thầy cho các con”, thì những lời này là những lời của Thiên Chúa, những lời có cùng sức mạnh để sáng tạo như lời đã tác tạo trời và đất từ hư vô; những lời có trọng lượng như những lời đã làm lặng yên gió bão; những lời đã chữa lành kẻ ốm đau và đem người chết về lại cõi sống. Bởi lẽ Đức Giêsu nói với chúng ta, thậm chí đến hai lần rằng, Ngài ban cho chúng ta bình an của Ngài, chúng ta tin rằng, bình an này sẽ không bao giờ bị lấy đi. “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn kêu gọi thì Người không hề đổi ý” (Rm 11, 29). Chính chúng ta, những người không phải lúc nào cũng biết cách đạt được hoặc giữ được bình an. Bởi vì, rất thông thường, chúng ta thiếu đức tin.

 

“Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33). Trong Đức Giêsu, chúng ta sẽ ở lại luôn mãi trong bình an vì Ngài đã thắng thế gian, Ngài đã sống lại từ cõi chết. Bằng cái chết của mình, Ngài đã chiến thắng sự chết, tiêu huỷ án phạt đè nặng trên chúng ta. Ngài đã bày tỏ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Và “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?... Ai có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Đức Kitô?” (Rm 8, 31b. 35a).

 

Sau khi bàn luận về nền tảng không thể chuyển lay của đức tin, giờ đây, hãy xét xem một vài hoàn cảnh, trong đó, chúng ta thường ít nhiều đánh mất bình an nội tâm của mình. Trong ánh sáng đức tin, chúng ta sẽ tìm cách cho thấy rằng, thật vô nghĩa biết bao khi mỗi người tự khiến mình lo âu phiền muộn dù dưới bất cứ hình thức nào.

 

Nhưng trước hết, có lẽ sẽ thật ích lợi nếu chúng ta điểm lại một vài nhận xét đối với những gì đã được nói đến; nhờ đó, những suy xét về sau sẽ hữu hiệu hơn.

 

 

6. Thiện tâm, điều kiện không thể thiếu để có bình an

 

Bình an nội tâm chúng ta đang xét đến, dĩ nhiên, không phải ai ai cũng có được mà không xét đến thái độ của họ đối với Thiên Chúa.

 

Những ai chống lại Thiên Chúa, những người ít nhiều có ý rời xa Người hoặc trốn tránh lời mời gọi và đòi hỏi của Người, họ không thể sống trong bình an. Đối với những người đến gần Thiên Chúa, yêu mến và ước ao phụng sự Người thì chiến lược thông thường của ma quỷ là làm cho họ mất đi bình an nội tâm; đang khi ngược lại, chính Thiên Chúa lại đến trợ giúp họ, ban cho họ bình an. Nhưng nguyên tắc này thường lại đảo ngược với những ai mà tâm hồn họ xa rời Thiên Chúa, sống trong vô cảm và sự dữ. Ma quỷ tìm cách xoa dịu những con người đó để giữ lấy họ trong một cảm giác bình yên giả tạo, đang khi Thiên Chúa, Đấng khao khát cho họ được cứu độ và hoán cải lại khiến cho lương tâm họ ray rứt và bất an nhằm kêu gọi họ thống hối ăn năn.

 

Con người không thể nếm hưởng bình an sâu sắc và bền vững nếu sống xa Thiên Chúa, nếu tận lòng dạ sâu thẳm của họ không hoàn toàn qui hướng về Người. Thánh Augustinô đã thốt lên, “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. 

 

Như vậy, điều kiện cần để sở hữu bình an nội tâm là cái mà chúng ta có thể gọi là thiện tâm, cũng có thể gọi là sự thanh khiết của tâm hồn. Đó là thiên hướng bền bỉ kiên định của một người quyết tâm yêu mến Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì, người chân thành khao khát yêu thích thánh ý Thiên Chúa hơn ý riêng mình trong mọi hoàn cảnh, người không muốn cố tình từ chối Người bất cứ điều chi. Dù rất có thể (thậm chí chắc chắn) trong cuộc sống hàng ngày, hành vi cư xử của họ không hoàn toàn phù hợp với ước ao và quyết tâm này; và sẽ không nghi ngờ, ở đó còn lắm bất toàn khi họ vẫn nỗ lực hoàn thiện những khao khát này. Rồi, họ sẽ đau khổ, nhưng họ sẽ cầu xin sự khoan hồng của Thiên Chúa về điều này và tìm cách điều chỉnh chính mình. Sau những kết cục thảm hại, họ sẽ cố sức quay lại với thiên hướng thường xuyên của mình là chỉ muốn nói “vâng” với Thiên Chúa trong tất cả mọi sự mà không trường hợp nào được gọi là ngoại lệ.

 

Như thế, đây là tất cả những gì chúng ta muốn nói đến cái được gọi là thiện tâm. Thiện tâm không phải là trọn lành, cũng không phải là nên thánh… bởi thiện tâm vẫn nhởn nhơ chung sống với do dự, bất toàn và thậm chí cả những tội lỗi. Nhưng thiện tâm là một hướng đi, vì đó chính là thiên hướng thường xuyên của tâm hồn (mà nền tảng của nó được tìm thấy trong ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến) vốn cho phép ân sủng của Thiên Chúa cõng lấy chúng ta, dần dần, tiến về sự trọn lành.

 

Thiện tâm này, quyết tâm thường xuyên này, để có thể luôn luôn nói được tiếng “vâng” với Thiên Chúa trong việc lớn cũng như việc nhỏ, là sine qua non (không thể không có) cho việc sở hữu bình an nội tâm. Bao lâu chúng ta không nung nấu quyết tâm này, bấy lâu một trạng thái bất an và u buồn nào đó sẽ không ngừng cư ngụ trong chúng ta - bất an vì không yêu mến Thiên Chúa nhiều như Người mời gọi chúng ta yêu Người, u buồn bởi vẫn không trao hết mọi sự cho Người. Ai trao gửi ý định lòng mình cho Chúa, thì cách nào đó, đã gửi trao hết mọi sự cho Người. Không thể thực sự sống trong bình an chừng nào tâm hồn chúng ta chưa tìm được sự thống nhất; và tâm hồn cũng không thể thống nhất cho đến khi mọi khát khao của chúng ta phụ thuộc vào khát khao yêu mến Thiên Chúa, làm vui lòng Người và thi hành ý muốn của Người. Điều này, dĩ nhiên, cũng bao hàm một quyết tâm thường xuyên dứt bỏ chính mình khỏi tất cả những gì nghịch lại Thiên Chúa. Vậy, thiện tâm cốt ở điều này, điều kiện cần của bình an nội tâm.

 

 

7. Thiện tâm: Điều kiện đủ để có bình an nội tâm

 

Nhưng ngược lại, chúng ta vẫn có thể khẳng định, một người dù vẫn còn nhiều lầm lỗi và sa ngã thì thiện tâm đó vẫn đủ để họ có thể giữ lấy bình an nội tâm. Bản dịch Thánh Kinh Latin Vulgata viết, “Pax hominibus bonae voluntatis”, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

 

Thật vậy, Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì nếu không phải chính sự thiện tâm này? Là Cha nhân từ và xót thương, Thiên Chúa đòi hỏi con cái Người điều gì hơn là nhìn xem chúng khao khát yêu mến Người trên hết mọi sự, khổ đau khi không thể yêu mến Người đủ và sẵn sàng dứt bỏ chính mình khỏi những gì trái ý Người ngay cả khi biết mình bất lực. Không phải đây chính là lúc Thiên Chúa có nhiệm vụ can thiệp và hoàn thành những ước muốn mà con người bằng sức riêng của mình hoàn toàn không có khả năng để hoàn tất sao?

 

Để minh hoạ điều chúng ta vừa nói, tức là thiện tâm đủ để Thiên Chúa vui lòng, nhờ đó, con người có thể sống trong bình an; chúng ta hãy đọc lại một tình tiết trong cuộc đời thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua lời tường thuật của Sr. Céline, chị ruột ngài.

 

“Một ngày kia, khi chị Têrêxa cho tôi thấy hết tất cả những sai sót của tôi, tôi cảm thấy buồn và hơi thất vọng. Là một người ước ao nên đạo đức, tôi nghĩ rằng, mình còn ở xa các nhân đức biết bao. Tôi muốn trở nên hiền lành, nhẫn nại, khiêm nhường và yêu mến. Nhưng than ôi! Tôi sẽ không bao giờ thành công! Tuy nhiên, tối hôm đó, trong khi cầu nguyện, tôi đọc gương thánh nữ Gertrude, khi biểu hiện cùng một khao khát như tôi, ngài được Thiên Chúa trả lời rằng, ‘Trong tất cả mọi sự và trên hết mọi điều, con phải có ý ngay lành, đó là thiện tâm; chỉ có ý hướng tốt lành này mới đem lại cho linh hồn con ánh sáng và phúc thưởng đặc biệt cho tất cả mọi nhân đức. Bất cứ người nào có thiện tâm và chân thành ước ao tìm kiếm vinh quang của Ta, biết ơn Ta, chia sẻ đau khổ cùng Ta, yêu mến và phụng sự Ta cũng như mọi tạo vật, người ấy chắc chắn sẽ nhận được sự đền bù xứng với lòng quảng đại của Ta; lòng ao ước của người ấy lúc này lúc khác, sẽ sinh ích cho họ nhiều hơn là những việc lành của những người khác’.

 

Chị Céline kể tiếp, “Tôi rất sung sướng khi đọc những lời tốt lành này, tất cả đều có lợi cho tôi. Tôi đã chia sẻ những lời này với cô em nhỏ dấu yêu Têrêxa của tôi, người thực hành các nhân đức tốt hơn tôi”, và Têrêxa đã nói thêm rằng:

 

“Chị đã bao giờ đọc những gì thuật lại đời sống của Cha Surin chưa? Đang khi ngài trừ tà thì đám quỷ nói với ngài rằng, “Bọn tao có thể vượt qua mọi khó khăn ngoại trừ cái “thiện tâm chết tiệt” này, cái mà bọn tao không bao giờ có thể đối phó được!”. Thế đấy, dù chị chưa nhơn đức đủ, nhưng “cái thiện tâm chết tiệt” chị có đó sẽ cứu chị khỏi mọi nguy biến, sẽ an ủi chị và dẫn chị tới thiên đàng! Chao ôi! Linh hồn nào mà chẳng muốn nhơn đức! Đó là điều mà hết thảy mọi người đều khao khát; thế nhưng, nào mấy ai chấp nhận mình sa ngã, yếu đuối? Nào mấy ai bằng lòng khi thấy mình quỵ gục, bị loại ra và chẳng ai muốn người khác thấy họ trong tình trạng tồi tệ đó! (A memoir of My Sister, St. Thérèse của chị Genevière of the Holy Face [New York: P.J. Kenedy, 1959]).

 

Như chúng ta thấy trong bản văn này, ý niệm trọn lành của Têrêxa [vị thánh lớn nhất của thời hiện đại, theo lời Giáo Hoàng Piô XI]: trọn lành không phải là một cái gì chúng ta tự ý mà có. Nhưng chúng ta sẽ quay lại điểm này sau, hãy tạm bằng lòng với chính mình lúc này để ghi nhớ những gì liên quan tới thiện tâm. Nào, hãy tiếp tục điều đã lưu ý trước đây, ấy là học biết cách để xem xét những lý do khác nhau thường khiến chúng ta đánh mất bình an nội tâm.