Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

02 P2 Phản ứng thế nào trước những gì khiến chúng ta đánh mất bình an

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

Phần II

 

PHẢN ỨNG THẾ NÀO

TRƯỚC NHỮNG GÌ

KHIẾN CHÚNG TA

ĐÁNH MẤT BÌNH AN

 

 

 

 

1. Những khó khăn trong cuộc sống và nỗi sợ phải hụt hẫng

 

Lý do thông thường nhất mà vì đó, chúng ta có thể đánh mất cảm giác bình an là một nỗi sợ hãi gây nên bởi những hoàn cảnh nào đó, những hoàn cảnh đụng đến chính bản thân chúng ta rồi từ đó, chúng ta cảm thấy bị de doạ, cảm thấy sợ đối diện với những khó khăn hiện tại hoặc tương lai, sợ thiếu một điều gì đó quan trọng, sợ không thành công dự án này dự án kia .v.v.. Những nỗi sợ này thì vô ngần và đụng chạm đến tất cả mọi khía cạnh trong đời sống thường ngày như sức khoẻ, gia đình, nghề nghiệp, đạo đức… cũng như trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

 

Thực tế, ở mỗi trường hợp, nỗi sợ này liên quan đến một thiện ích của một tính chất vô cùng biến thái. Những thiện ích vật chất (tiền bạc, sức khoẻ, quyền lực); những thiện ích luân lý (những khả năng con người, niềm kính trọng, lòng yêu thương của một số người nào đó); hoặc những thiện ích mang tính thiêng liêng. Những thiện ích mà chúng ta ao ước hoặc coi như cần thiết, chúng ta sợ mất đi, sợ không đạt được hoặc thực tế, đang phải thiếu. Và rồi, trạng thái bồn chồn do thiếu thốn hoặc chính nỗi sợ thiếu thốn này lại trở nên nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất bình an.

 

Vậy, khi phải đối mặt với một hoàn cảnh như thế, điều gì cho phép chúng ta luôn giữ mãi bình an? Sự khôn ngoan và các phương thế nhân loại, với sự thận trọng, những dự tính, những trù liệu và bảo hiểm đủ loại chắc chắn vẫn sẽ không đủ. Ai có thể bảo đảm mình sở hữu được một thiện ích nào đó, bất kể tính chất của nó là gì? Không phải bởi những tính toán hay ưu tư nào đó mà người ta sẽ tìm được cho mình một giải pháp. “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6, 27). Không bao giờ con người có thể bảo đảm có được bất cứ điều gì và mọi thứ đang nắm trong tay cũng có thể dễ dàng vuột mất một ngày nào đó; không một bảo đảm nào mà chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối. Và đây chắc chắn không phải là cách thức Đức Giêsu chỉ dạy chúng ta. Ngược lại, Ngài nói, “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16, 25).

 

Người ta, thậm chí có thể nói cách chắc chắn nhất rằng, để đánh mất bình an, hãy tìm bảo đảm mạng sống riêng của mình chỉ với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, những dự án và những quyết định cá nhân hoặc bằng cách cậy dựa vào một ai đó. Con người tự đặt mình vào một trạng thái lắng lo, dằn vặt và vì thế, họ tìm cách tự cứu lấy bản thân, mặc cho sự bất lực, sự giới hạn của mình; bên cạnh đó, họ không thể thấy trước biết bao điều cũng như những dối trá đến từ những gì mà họ dựa dẫm.

 

Giữa bao hiểm hoạ trong cuộc sống, để duy trì bình an, chúng ta chỉ có một giải pháp: Cậy trông vào chỉ một mình Thiên Chúa và tín thác hoàn toàn vào Người, vì “Cha Trên Trời biết anh em cần gì” (Mt 6, 32).

 

Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 25-32).

 

Rõ ràng, Đức Giêsu không muốn cấm cản chúng ta làm bất cứ điều gì cần thiết để kiếm cho mình cái ăn cái mặc, cũng như đáp ứng những nhu cầu khác, nhưng Ngài chỉ muốn giải thoát chúng ta khỏi những lắng lo vốn huỷ hoại chúng ta và khiến chúng ta đánh mất bình an.

 

Vậy mà không ít người vẫn sững sờ khi nghe những lời này và họ không thành tâm đón nhận chúng; thậm chí họ cảm thấy chướng tai gai mắt bởi cách thức nhìn nhận sự vật như thế. Thế nhưng, họ sẽ không phải đau khổ và giày vò vô ích nếu họ coi trọng những lời ấy, vốn là Lời của Thiên Chúa, Lời yêu thương, Lời ủi an và vỗ về phi thường.  

 

Bi kịch lớn lao của chúng ta là ở chỗ này: Con người không có niềm tin vào Thiên Chúa. Từ chỗ đó, con người tìm mọi ngóc ngách khả dĩ hầu giải thoát chính mình bằng những năng lực riêng; và rồi, thấy mình bất hạnh quá đỗi từ ngày này sang ngày khác thay vì phó thác toàn thân trong vòng tay trìu mến và cứu độ của Cha trên trời. Việc thiếu lòng tin này thật phi lý biết bao! Không phi lý sao được khi đứa con lại ngờ vực Cha mình, một người Cha tuyệt vời và quyền năng nhất, Đấng hằng hữu, là Cha trên trời? Bất chấp chân lý này, chúng ta vẫn rất thường xuyên sống trong chính sự điên rồ đó. Hãy nghe lời khiển trách nhẹ nhàng của Chúa nói với chúng ta qua miệng thánh nữ Catarina Siêna:

 

“Tại sao con không tin vào Ta, Đấng tạo thành con, mà lại cậy dựa vào bản thân mình? Ta không trung thành và chung thuỷ với con sao? Được cứu chuộc và được hoàn lại ân sủng nhờ máu Con Một của Ta, con người có thể nói rằng, nó đã nghiệm biết lòng trung thành của Ta. Và dẫu thế, xem ra nó vẫn hoài nghi không biết Ta có đủ quyền uy để giúp nó, đủ mạnh mẽ để trợ lực và bảo vệ nó chống lại kẻ thù, đủ khôn ngoan để soi sáng đôi mắt trí năng của nó hoặc đủ bao dung để thương ban những gì cần thiết cho ơn cứu độ của nó hay không? Xem chừng như nó nghĩ, Ta không đủ giàu có để làm cho nó thịnh vượng, không đủ xinh đẹp để làm cho nó mỹ miều; hay là nó sợ không kiếm đủ bánh ăn trong nhà để nuôi dưỡng nó, hay không có đủ vải vóc cho nó che thân?” (The Dialogue of St. Catherine of Siena, Algar Thorold, tr., TAN Books & Publisher, 1991, Chương 140).

 

Chẳng hạn, biết bao người trẻ ngần ngại phó mình hoàn toàn cho Thiên Chúa chỉ vì họ không tin Người có khả năng ban cho họ hạnh phúc viên mãn. Rồi họ tự đi tìm hạnh phúc cho riêng mình và trong chặng đường đó, chỉ chuốc lấy muộn phiền và bất hạnh.

Đây đúng là đại thắng của Satan, Cha Sự Dối Trá và là Tên Cáo Tội: thành công trong việc gieo vào lòng con cái Thiên Chúa sự bất tín đối với Cha mình.

Tuy nhiên, chúng ta đi vào trần gian với dấu vết bất tín này. Đó là tội nguyên tổ. Để rồi toàn bộ đời sống thiêng liêng của chúng ta cốt tại quá trình tái giáo dục trường kỳ, nhằm lấy lại niềm tin đã mất nhờ ân huệ của Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta có khả năng thưa lên một lần nữa với Thiên Chúa, Abba, Cha ơi!

Nhưng quả thật, đối với chúng ta, cuộc “trở về với niềm tin” này sẽ rất khó khăn, phải trường kỳ và gây đau đớn. Ở đó, có hai trở ngại chính.

 

 

2. Khó khăn trong việc tin vào sự quan phòng

 

Trở ngại đầu tiên là bao lâu chưa cảm nghiệm được cách cụ thể lòng trung thành của Chúa Quan Phòng, Đấng ban cho chúng ta những gì thiết yếu, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc tin vào lòng trung thành đó và quay lưng lại với nó. Chúng ta cứng đầu cứng cổ, chỉ Lời của Đức Giêsu thôi, không đủ, chúng ta còn muốn thấy ít nữa một điều gì đó dù nhỏ bé… mới tin! Kìa, không thấy sự quan phòng đang hoạt động chung quanh mình cách hiển nhiên, thử hỏi làm sao chúng ta có thể cảm nghiệm được nó nơi chính mình?

 

Điều quan trọng là biết được điều này: chúng ta không thể cảm nghiệm được sự trợ giúp quan phòng từ Thiên Chúa nếu chẳng để cho Người một khoảng không cần thiết, trong đó, Người có thể biểu lộ chính mình. Ở đây, chúng ta thử làm một so sánh: bao lâu người nhảy dù không chịu nhảy ra khoảng không, người ấy không thể cảm nhận những sợi dây đang nhấc bổng mình lên… bởi cánh dù chưa có cơ hội bung ra. Người đó phải nhảy trước đã, rồi chỉ sau đó mới cảm nghiệm mình được nâng lên; cũng thế, trong đời sống thiêng liêng. Theo thánh Gioan Thánh Giá, “Thiên Chúa trao ban theo mức chúng ta trông chờ” và thánh Phanxicô Salêsiô, “Mức độ quan phòng của Thiên Chúa hoạt động nơi chúng ta cũng là mức độ niềm tin chúng ta đặt vào đó”. Vấn đề ở đây là nhiều người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa bởi họ chưa bao giờ cảm nghiệm được quan phòng là gì, và chưa bao giờ cảm nghiệm được quan phòng là gì vì họ không chịu nhảy vào khoảng không để thực hiện bước nhảy của niềm tin. Họ không bao giờ để sự quan phòng có được khả năng can thiệp. Họ cân nhắc mọi chuyện, tiên liệu mọi điều và cậy vào sức mình để tìm giải quyết mọi việc thay vì cậy trông vào Chúa. Ngày xưa, các đấng lập dòng đã hành động như thế với sự táo bạo trong niềm tin. Họ mua nhà cửa khi chưa có một đồng, họ đón lấy kẻ nghèo dẫu không chút bánh nuôi ăn. Để rồi Thiên Chúa làm phép lạ cho họ, các tấm ngân phiếu lần lượt gửi về và kho lẫm ứ đầy. Thế nhưng, một điều quá thông thường, vào các thế hệ sau họ, mọi chuyện được lên chương trình, hạch toán. Người ta sẽ không chi ra một đồng cho bất cứ một khoản nào mà không biết chắc mình sẽ có đủ để trang trải tất cả. Vậy thì làm sao việc quan phòng của Chúa có thể thể hiện? Cũng đúng như vậy trong đời sống thiêng liêng. Nếu một linh mục soạn thảo tất cả bài giảng và bài nói chuyện của mình tỉ mỉ đến từng chấm từng phẩy hầu chắc chắn không gì sai sót trước những người nghe, và lại không bao giờ cả gan bắt đầu bài giảng bằng những giờ cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa như là việc chuẩn bị duy nhất, thử hỏi, làm sao linh mục đó có thể có được cảm nghiệm tuyệt vời về Chúa Thánh Thần là Đấng phán dạy qua môi miệng mình? Tin Mừng đã chẳng nói thế này sao? anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì. Thật vậy không phải anh em nói mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10, 19).

 

Phải thật sáng suốt, rõ ràng ở đây, chúng ta không nói, tiên liệu trước mọi chuyện, hạch toán ngân sách hay chuẩn bị các bài giảng... là điều không tốt. Đừng quên, các khả năng tự nhiên của chúng ta cũng là những công cụ trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa! Tuy nhiên, mọi thứ còn phải tuỳ thuộc vào cái tinh thần, trong đó, chúng ta thực hiện. Cần hiểu rõ sự khác biệt lớn lao giữa hai thái độ tâm hồn. Một là thái độ của người sợ mình sai sót vì không tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa như những ai cậy dựa vào Người hằng tín thác, họ lập trình trước mọi sự đến từng chi tiết nhỏ nhất và không chịu đảm trách bất cứ việc gì nếu không lường trước cách chính xác rằng mình có thể thực hiện được; hai là thái độ của người nhất định đảm đương những việc chính đáng, nhưng họ lại từ bỏ chính mình với niềm tin tưởng Thiên Chúa sẽ ban cho họ tất cả những gì họ kêu xin; và thế là họ làm được cả những gì vượt trên khả năng của mình. Và như thế, những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta lại luôn luôn vượt quá khả năng tự nhiên của con người!

 

 

3. Sợ đau khổ

 

Một trở ngại lớn lao khác trong việc phó mình cho sự Quan Phòng của Thiên Chúa là sự có mặt của đau khổ trong cuộc đời cũng như trong thế giới chung quanh chúng ta. Ngay cả đối với những ai phó thác cho Người, Thiên Chúa vẫn cho phép đau khổ xảy đến. Người để cho họ thiếu thốn một số điều kiện, ở một mức độ nào đó, đôi khi gây đau đớn. Hãy nghĩ đến cảnh nghèo khó mà gia đình thánh nữ Bernadette ở Lộ Đức đã lâm vào. Đây không phải là điều mâu thuẫn với những lời trong Tin Mừng sao? Không đâu, bởi chưng, Thiên Chúa có thể để chúng ta thiếu thốn một đôi điều (mà nhiều lúc, không thể thiếu, xét theo con mắt người đời) nhưng không bao giờ Người lấy khỏi chúng ta những gì thiết yếu nhất: sự hiện diện của Người, bình an của Người và tất cả những gì cần thiết cho việc hoàn tất trọn vẹn cuộc đời mỗi người theo kế hoạch Người dành cho chúng ta. Nếu Người cho phép đau khổ xảy ra là để chúng ta mạnh mẽ tin rằng, “Thiên Chúa không cho phép những đau khổ không cần thiết” như lời thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói.

 

Trong phạm vi cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như trong lịch sử nhân loại, nếu muốn tiến tới những lằn mức cuối cùng của niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta phải xác tín rằng, Thiên Chúa đủ tốt lành và quyền uy để sử dụng bất cứ sự dữ cũng như đau khổ nào hầu ban ơn cho chúng ta, dẫu chúng có vẻ vô lý và không cần thiết. Điều này không thể chứng minh bằng toán học hay triết học, nhưng chỉ có thể là một hành vi đức tin. Việc công bố sự phục sinh của Đức Giêsu được hiểu và đón nhận như chiến thắng dứt khoát của Thiên Chúa trên sự dữ mời gọi chúng ta thực hiện chính hành vi đức tin này.

 

Sự dữ là một mầu nhiệm, một điều xấu xa và sẽ mãi mãi như vậy. Thật là cần thiết để mỗi người làm những gì có thể hầu loại trừ sự dữ cũng như xoa dịu khổ đau; tuy nhiên, sự dữ vẫn luôn có mặt trong cuộc sống mỗi người cũng như trong nhân loại. Vị trí của sự dữ trong nhiệm cục cứu độ cho thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vốn không phải là khôn ngoan của loài người, luôn chứa đựng một điều gì đó không thể hiểu được… vì “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 8-9).

 

Đến một lúc nào đó trong cuộc sống, người Kitô hữu nhất thiết được mời gọi tin vào cái nghịch thường của những cái bên ngoài để rồi vẫn “cậy trông mặc dầu không còn gì để trông cậy” (Rm 4, 18). Sẽ có những hoàn cảnh không thể tránh khỏi, ở đó, chúng ta không hiểu “tại sao” Thiên Chúa lại hành động như thế vì đó không còn là sự khôn ngoan loài người, một sự khôn ngoan gói gọn trong khả năng hiểu biết được lý giải bởi trí năng con người. Đúng hơn, đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nhiệm mầu và khó hiểu, đang can thiệp vậy.

 

phúc thay, không phải bao giờ chúng ta cũng hiểu hết! Nếu không như thế thì làm sao sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa có thể tự do hoạt động theo những hoạch định của Người? Đâu là chỗ giành cho lòng tin? Quả vậy, biết bao điều chúng ta không hành động như Thiên Chúa hành động! Hẳn chúng ta đã không chọn lấy cái điên rồ của thập giá như một phương thế cứu rỗi! May thay, chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang điều khiển mọi sự chứ không phải khôn ngoan của chúng ta, vì sự khôn ngoan đó mạnh mẽ hơn, yêu mến hơn và nhất là giàu lòng thương xót hơn sự khôn ngoan của chúng ta vô cùng.

 

  Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không chỉ hoạt động trong chúng ta cách lạ lùng và khó hiểu, nhưng ngay cả trong những gì Người chuẩn bị cho những ai trông cậy vào Người cũng lạ lùng và khó hiểu như thế. Vì rằng, vinh quang và vẻ đẹp của những gì được Khôn Ngoan Thiên Chúa chuẩn bị thì trỗi vượt vô ngần những gì chúng ta có thể tưởng tượng hay nhận thức, “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí” (1 Cr 2, 9).

 

Khôn ngoan của con người chỉ có thể sản sinh những tác phẩm dưới thế. Duy chỉ Khôn Ngoan của Thiên Chúa mới có thể thực hiện những công trình thần linh, với tới những tầm cao thần linh vốn đang giành cho những ai yêu mến Người.

 

Bởi thế, mỗi khi đối mặt với vấn nạn sự dữ, đây là những gì phải trở nên sức mạnh của chúng ta: không là một câu trả lời mang tính triết học nhưng là niềm tin của một người con vào Thiên Chúa, vào Tình Yêu và vào sự Khôn Ngoan của Người. Chúng ta cần xác tín, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 28) và “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18). 

 

 

4. Để lớn lên trong niềm tin: Lời cầu nguyện của một em bé

 

Bằng cách nào để có thể lớn lên trong niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa; bằng cách nào chúng ta có thể giữ lấy và nuôi dưỡng niềm tin đó trong chính mình? Chắc chắn không chỉ bằng những suy đoán thuần lý hay những suy tư thần học, chúng sẽ không bao giờ đứng vững trước những thử thách, nhưng chỉ bằng cách chiêm ngắm Đức Giêsu.

 

 Để chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng trao ban mạng sống cho chúng ta, nuôi sống chúng ta với một “tình yêu tuyệt đỉnh cao cả” mà Ngài phải tỏ bày trên thập giá; đó chính là những gì thực sự khơi dậy niềm tin. Chẳng lẽ chứng từ chóp đỉnh yêu thương của người “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) mà chúng ta chiêm ngắm không mệt mỏi và bị cuốn hút trong cái nhìn ngây ngất về tình yêu và niềm tín thác đó, lại không củng cố ngày này qua ngày khác nơi tâm hồn chúng ta một niềm tin không hề chuyển lay sao? Điều gì khiến con người còn phải sợ hãi từ một Thiên Chúa, Đấng thể hiện tình yêu của Người cách hiển nhiên như thế? Lẽ nào Người lại không trọn vẹn, hiện hữu hoàn toàn và tuyệt đối cho chúng ta hầu thi ân cho chúng ta? Lẽ nào, vị Thiên Chúa, Đấng muốn làm bạn với con người lại không làm tất cả mọi sự cho chúng ta, vì “đến như Con Một, Người cũng chẳng tiếc” dẫu chúng ta là những tội nhân? Và “nếu Thiên chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8, 31). Nếu Thiên Chúa có mặt vì chúng ta, sự dữ nào còn có thể hãm hại chúng ta?

 

Như vậy, chúng ta thấy, chiêm ngắm là một cái gì tuyệt đối cần thiết cho việc lớn lên trong niềm tin. Và rõ ràng, rất nhiều người thất vọng chỉ vì họ không biết chiêm ngắm, họ không giành thời giờ để nuôi sống tâm hồn và đem tâm hồn về lại bình an bằng việc chiêm ngắm Đức Giêsu với lòng yêu mến. Để chống lại sợ hãi và nản lòng, phải nại đến việc cầu nguyện - đó là một kinh nghiệm cá nhân về việc gặp lại, nhận biết và yêu mến Thiên Chúa - nào, “hãy nếm thử và hãy nhìn xem, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” (Tv 34). Những xác tín mà thói quen cầu nguyện khắc sâu vào tâm hồn chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với những xác tín bắt nguồn từ lý luận, ngay cả những suy tư thần học ở trình độ cao nhất.

 

Vì sự công kích của ma quỷ - những ý tưởng làm nản lòng, bất tín - thì không bao giờ ngưng nghỉ; cho nên, tương tự như thế, để chống lại chúng, chúng ta cũng phải cầu nguyện liên lỉ và không mệt mỏi. Biết bao lần tôi tôn thờ Thánh Thể trong tâm trạng lắng lo hoặc ngã lòng và không có bất cứ điều gì đặc biệt xảy ra; không nói một lời, không trào dâng một cảm xúc đặc biệt nào cả… nhưng tôi ra về với tâm hồn bình an. Hoàn cảnh bên ngoài vẫn mãi như thế, luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết, nhưng một khi tâm hồn đã được đổi mới, cũng từ đó, tôi có thể đương đầu với mọi hoàn cảnh cách thanh thản. Chúa Thánh Thần đã thực thi công việc kín đáo của Ngài.

 

Không bao giờ con người coi trọng đủ sự cần thiết của việc cầu nguyện lặng lẽ, trầm tư - nguồn mạch đích thực của bình an nội tâm. Làm sao một người có thể phó mình cho Thiên Chúa, đặt hết niềm tin vào Người nếu người ấy chỉ biết Thiên Chúa xa xa hoặc nghe người khác nói? Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42, 5). Tâm hồn không nhận ra niềm tin mãi cho đến khi nó nhận ra tình yêu; phải cảm nhận cho được sự trìu mến và dịu hiền của Trái Tim Đức Giêsu. Điều này không thể có được trừ khi chúng ta có thói quen cầu nguyện suy niệm và lặng yên dịu dàng trong Chúa, tức là chiêm ngắm.

 

Thế nên, mỗi người hãy học phó thác toàn thân cho Chúa, đặt hết niềm tin vào Người trong việc lớn cũng như việc nhỏ với tâm tình đơn sơ của trẻ thơ; và rồi, Thiên Chúa sẽ thể hiện sự trìu mến, sự quan phòng và lòng trung thành của Người theo một cách thức… đôi khi ngập tràn. Có những lúc nào đó, xem ra Thiên Chúa đối xử với chúng ta quá khắt khe thì Người cũng biết nâng niu chiều chuộng đến quá bất ngờ. Chỉ với một tình yêu dịu hiền và thuần khiết như tình yêu của Người mới có được khả năng đó. Vào cuối đời, thánh Gioan Thánh Giá trên đường về tu viện, nơi ngài sẽ trút hơi thở - bệnh tật, kiệt sức, không thể tiếp tục - những mong có lấy vài cọng măng tây như những cọng măng đã ăn hồi còn bé… thì cạnh một tảng đá, nơi ngài ngồi lấy sức, kỳ diệu thay, một bụi măng tây được gửi đến. 

 

Giữa những thử thách, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm sự dịu dàng đầy yêu thương này. Chúng không dành riêng cho các thánh, nhưng cho tất cả những ai nghèo khó, những người tin rằng Thiên Chúa là Cha của họ. Chúng có thể trở nên một khích lệ mạnh mẽ, hiệu quả hơn bất cứ lý luận nào; nhờ đó, chúng ta có thể phó mình cho sự chăm sóc của Người.

 

Và tôi tin rằng, đây là câu trả lời đúng đắn cho mầu nhiệm sự dữ và khổ đau. Đó không phải là câu trả lời mang tính triết học, nhưng mang tính hiện sinh. Phó mình cho Thiên Chúa, tôi cảm nghiệm cách cụ thể rằng, “mọi sự đang vận hành thực sự” và Thiên Chúa đang đan kết chúng với nhau để sinh ích cho tôi, cả những sự dữ, cả những đau khổ và thậm chí cả những tội lỗi của tôi. Bao nhiêu lần tôi khiếp đảm khi chúng ập xuống; nhưng phân tích kỹ, cuối cùng, tôi cũng chịu đựng được và rốt cuộc chúng lại sinh ích sau những đớn đau ban đầu. Vậy là những gì tôi tưởng như rủi ro cho mình, hoá ra lại sinh ích cho tôi. Vì thế, tôi tự nhủ, những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi theo Lòng Thương Xót vô biên của Người, Người cũng làm cho những người khác như vậy; và theo một cách thức nhiệm mầu, kín đáo, Người cũng làm như thế cho toàn cõi nhân sinh.

 

 

5. Phó thác hoàn toàn hoặc không phó thác gì cả

 

Nói đến phó thác, chúng ta cần lưu ý đến một vài nhận xét. Để phó thác có thể trở nên chính hiệu và sản sinh bình an, đó phải là một phó thác hoàn toàn. Chúng ta phải đặt mọi sự, không gì ngoại lệ, vào tay Thiên Chúa và không tìm cách điều khiển hay “cứu lấy” mình bằng những phương thế riêng nữa: mặt vật chất cũng không, tình cảm cũng không và mặt thiêng liêng cũng vậy. Chúng ta không thể chia cắt sự hiện hữu của con người mình thành nhiều mảng khác nhau: có những mảng trong đó chúng ta chính thức phó mình cho Thiên Chúa trong niềm tin; và ngược lại, có những mảng khác, nơi mà chúng ta cảm thấy phải tự mình xoay xở. Và một điều chúng ta biết rất rõ: tất cả những thực tại chưa trao gửi cho Thiên Chúa, những gì chúng ta giữ lại để tự trông coi mà không cho Thiên Chúa toàn quyền hành động, chúng sẽ không ngừng ít nhiều đem đến những lắng lo và bất an. Mức độ bình an nội tâm của chúng ta được đo bằng mức độ phó thác của mỗi người, bởi thế, cũng là mức độ từ bỏ.

 

Phó thác chắc chắn còn đòi buộc yếu tố từ bỏ, đây chính là điều khó nhất đối với chúng ta. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là bám chặt hết thảy mọi sự: của cải vật chất, tình cảm, ước muốn, dự tính .v.v.. và chúng ta phải trả một giá quá đắt để cắt đứt khỏi nó, bởi chúng ta nghĩ rằng, trong quá trình tháo cởi đó, chúng ta sẽ đánh mất chính mình, sẽ chết. Nhưng đó là lý do tại sao chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào lời Đức Giêsu, tin vào luật “mất thì được” vốn quá rõ ràng trong Tin Mừng, “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25). Ai chấp nhận chết vì cắt đứt và từ bỏ này sẽ tìm được sự sống đích thực. Ai còn bám víu vào một điều gì đó, ai còn muốn giữ lại một phần nào đó trong cuộc sống để tiện việc tự biên tự diễn mà không phó thác tận căn trong tay Thiên Chúa, người ấy phạm một sai lầm lớn lao: hiến mình cho những mối bận tâm không cần thiết và tự đặt mình vào một tâm trạng mất mát day dứt. Trái lại, ai biết chấp nhận đặt mọi sự vào tay Thiên Chúa, để Người ban cho hay lấy đi tuỳ theo ý thích tốt lành của Người, người đó sẽ tìm được bình an khôn tả và được tự do trong tâm hồn. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã thốt lên, “Ôi, giá mà người ta biết được phần phúc của họ khi từ bỏ mọi sự!”. Đây là con đường dẫn tới hạnh phúc; vì nếu chúng ta để Thiên Chúa tự do hành động theo cách của Người mà khả năng của Người thì vô cùng so với chúng ta trong việc làm cho chúng ta hạnh phúc, bởi Người biết và yêu thương chúng ta hơn cả chúng ta từng biết và yêu thương chính mình. Thánh Gioan Thánh Giá cũng bày tỏ chân lý này theo một cách nói khác, “Mọi sự được ban cho tôi ngay khi tôi thôi tìm kiếm chúng”. Nếu chúng ta dứt bỏ chính mình ra khỏi mọi sự và đặt nó vào tay Thiên Chúa, Người sẽ trả lại cho chúng ta gấp trăm “kể từ nay về sau” (1 Mcb 10, 30).

 

 

6. Thiên Chúa đòi hỏi mọi sự, nhưng không nhất thiết Người lấy đi tất cả  

 

Về những gì vừa suy nghĩ, thật quan trọng để chúng ta học biết cách lột trần những trò gian giảo ma mãnh thường xuyên của ma quỷ nhằm gây rối khiến chúng ta ngã lòng. Thấy chúng ta sở hữu một số điều thiện nào đó (của cải, tình bạn, công việc yêu thích…), ma quỷ ra sức ngăn cản chúng ta phó mình cho Thiên Chúa. Nó khiến chúng ta tưởng tượng rằng, nếu đặt mọi sự vào tay Thiên Chúa, Người sẽ lấy hết và “phá hỏng” tất cả mọi chuyện trong cuộc đời mình! Và điều này dấy lên một cảm giác khiếp sợ vốn sẽ làm chúng ta tê liệt hoàn toàn. Đừng để mình rơi vào cạm bẫy này! Thế mà, trái lại, rất thường xuyên, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi một thái độ từ bỏ theo mức tận trong tâm hồn, một thiên hướng trao dâng tất cả cho Người bởi Người không cần “lấy đi” mọi sự. Người để chúng ta thanh thản sở hữu vật này, của nọ khi tự chúng không xấu và có thể phục vụ cho ý định của Người. Người biết cách trấn an chúng ta trước những ngại ngùng có thể có khi chúng ta hưởng dùng một số của cải hay một số niềm vui nào đó…  những ngần ngại mà người ta thường nhìn thấy nơi những ai yêu mến Thiên Chúa và ước ao thi hành ý muốn của Người. Và chúng ta phải xác tín một cách vững chắc rằng, nếu Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta từ bỏ thực tại này hay thực tại kia thì Người sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ điều này ở một thời điểm thuận tiện nhất và sẽ ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt qua. Sự dứt bỏ này, dẫu gây đau đớn trong một thời gian nhưng sẽ được theo sau bằng một bình an sâu thẳm. Cho nên, thái độ đúng đắn là hoàn toàn sẵn sàng dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa mà không sợ hãi, để Người làm mọi việc theo đường lối Người, với niềm tin tưởng tuyệt đối.

 

 

7. Phải làm gì khi bạn không có khả năng từ bỏ chính mình?

 

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này cho bà Marthe Robin, và bà trả lời, “Dù thế nào đi nữa, cứ phó mình cho Chúa!”. Đây là câu trả lời của một vị thánh; vì thế, tôi không thể cho mình được phép hỏi thêm gì khác. Bà Marthe Robin đã thêm lời mình vào lời của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Phó thác hoàn toàn. Đó là luật duy nhất của tôi!”.

 

Phó thác không tự nhiên mà có; đó là một ân phúc phải cầu xin từ Thiên Chúa. Người sẽ ban ơn đó cho chúng ta nếu chúng ta khấn xin cách kiên trì, “Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7, 7).

 

Phó thác là hoa trái của Thánh Thần, nhưng Thiên Chúa không từ chối ban Thần Khí này cho những ai cầu xin với lòng tin, “Vậy nếu các ngươi vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11, 13).

 

 

8. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

 

Một trong những lối diễn đạt hay nhất về niềm phó thác tin yêu vào bàn tay của Thiên Chúa của toàn bộ Thánh Kinh là Thánh Vịnh 22:

          Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

          Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

          Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

          Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính   

          vì danh dự của Người.

          Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

          con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

          Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

          Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

          Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

          ly rượu con đầy tràn chan chứa.

          Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

          ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

          và tôi được ở đền Người

          những ngày tháng, những năm dài triền miên.

 

Chúng ta hãy dừng lại một vài phút với xác quyết Thánh Kinh này, một xác quyết gây ngạc nhiên tột độ, rằng, Thiên Chúa không để chúng ta thiếu thốn gì. Xác quyết này sẽ giúp lột trần một cơn cám dỗ, đôi khi rất tinh vi, vốn rất phổ biến trong đời sống Kitô hữu, một cám dỗ mà trong đó bao nhiêu người sa ngã cũng như làm bế tắc biết bao tiến bộ thiêng liêng.

 

Cách chính xác, đó là cám dỗ để người ta tin rằng, trong hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải (cá nhân, gia đình .v.v..), chúng ta đang thiếu một cái gì đó thiết yếu và vì lý do đó, chúng ta không thể tiến bộ cũng như không thể đơm hoa kết trái thiêng liêng.

 

Chẳng hạn, tôi thiếu sức khoẻ, vì thế, tôi không thể cầu nguyện; bởi tôi tin rằng, sức khoẻ là điều không thể thiếu để cầu nguyện. Hoặc gia đình ruột thịt của tôi không cho tôi làm những việc đạo đức như tôi hằng ao ước. Hoặc lại nữa, tôi không có những phẩm tính, sự mạnh mẽ, các nhân đức, những quà tặng mà tôi tin là cần thiết để hoàn tất một điều tốt đẹp nào đó cho Chúa, phù hợp với dự tính của một đời sống Kitô hữu. Tôi không hài lòng với cuộc sống, với con người của tôi, với hoàn cảnh của tôi và tôi không ngừng sống trong cảm thức rằng bao lâu mọi thứ vẫn như thế thì tôi không thể thực sự sống và sống nhiệt huyết. Tôi cảm thấy thiệt thòi so với những người khác và mang trong mình hoài bảo khôn nguôi về một cuộc sống khác với nhiều ưu đãi hơn, ở đó, cuối cùng tôi mới có thể làm những việc đáng làm.    

 

Tôi có cảm giác rằng, theo cách diễn tả của Rimbaud, “cuộc sống thực nằm ở nơi đâu khác”, nơi đâu khác hơn là trong cuộc sống của tôi. Và rằng, cuộc sống của tôi không phải là một cuộc sống thực, nó không cho tôi những điều kiện để trưởng thành thiêng liêng bởi những chịu đựng hoặc những giới hạn nào đó. Tôi chăm chăm nhìn vào những tiêu cực của hoàn cảnh, vào những gì tôi đang thiếu để sống hạnh phúc. Điều này khiến tôi bất hạnh, đố kỵ, ngã lòng… và tôi không thể tiến về phía trước. Cuộc sống thực ở nơi đâu khác, tôi nói với chính mình, và tôi tự nhủ, tôi hoàn toàn quên sống. Thông thường, chỉ cần một chút gì đó để mọi sự trở nên khác và để tôi tiến tới với những bước khổng lồ: một tầm nhìn mới, một cách nhìn khác biệt về hoàn cảnh; đó là hoàn cảnh của niềm tin và hy vọng, một hoàn cảnh đặt nền tảng trên niềm xác tín, rằng, tôi không thiếu gì. Và rồi, cánh cửa sẽ mở ra cho tôi những tiềm năng ngoài mong đợi để tôi có thể lớn lên trong đời sống thiêng liêng.

 

Chúng ta thường sống trong ảo tưởng với ý nghĩ rằng, mọi sự sẽ trở nên tốt hơn khi mọi thứ chung quanh thay đổi, hoàn cảnh thay đổi… Nhưng thông thường, đây là một sai lầm. Không phải hoàn cảnh bên ngoài cần thay đổi, nhưng trước hết, điều cần phải đổi thay là chính tâm hồn mỗi người. Tâm hồn cần được thanh tẩy khỏi những co cụm khép kín, khỏi những buồn phiền và ngã lòng, “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa” (Mt 5, 8). Phúc thay ai mà tâm hồn mình được thanh tẩy bằng niềm tin và lòng cậy trông, vốn là nữ tỳ mang lại cho cuộc sống họ một cách nhìn sống động với niềm xác tín rằng, đàng sau những hoàn cảnh trái ngang, Thiên Chúa đang hiện diện, đang đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của họ và họ chẳng thiếu thốn gì. Có được niềm tin đó, quả là họ sẽ nhìn xem Thiên Chúa: họ sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện đó, một sự hiện diện sẽ đồng hành và hướng dẫn họ. Họ sẽ nhận ra bao nhiêu hoàn cảnh mà họ nghĩ là tiêu cực và phương hại cho đời sống thiêng liêng, thực tế lại là đường lối sư phạm của Thiên Chúa, là những phương tiện mạnh mẽ giúp họ thăng tiến và lớn lên. Thánh Gioan Thánh Giá nói, “Rất thông thường trong cuộc sống, nhiều lúc linh hồn tưởng rằng mình đang mất mát, thì chính lúc đó, nó lại được hưởng lợi nhiều nhất”. Điều đó rất đúng.

 

Đôi khi, tâm trí chúng ta trở nên quá mù mịt bởi những gì không suôn sẻ, những gì mà theo tiêu chuẩn riêng của chúng ta… cần phải đổi thay trong hoàn cảnh này trong hoàn cảnh khác, đến nỗi chúng ta quên mất cái tích cực. Thêm vào đó, chúng ta không rút ra được một khía cạnh ích lợi nào từ những hoàn cảnh của mình, thậm chí với những khía cạnh chỉ có vẻ tiêu cực… để từ đó có thể xích lại gần Thiên Chúa, lớn lên trong đức tin, lòng yêu mến và khiêm hạ hơn. Có thể nói, cái mà chúng ta đang thiếu, thiếu hơn hết, chính là niềm xác tín rằng, “Tình yêu của Thiên Chúa có thể biến tất cả mọi sự Người tìm thấy trong tôi nên ích lợi cho tôi, điều lành cũng như điều dữ” (cảm hứng từ thánh Gioan Thánh Giá của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu). Dẫu cho những bất toàn chúng ta có thể có, thì thay vì khóc than hoặc tìm cách tống khứ chúng với bất cứ giá nào, hãy để chúng trở nên những cơ hội tuyệt vời giúp chúng ta tiến bộ - về đức khiêm nhường cũng như về niềm tin vào Thiên Chúa và lòng nhân ái của Người - và, ấy là nên thánh.

 

Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, chúng ta thường áp đặt quá nhiều tiêu chí riêng của mình vào cái gì là tốt, cái gì là không tốt để rồi thiếu mất niềm tin vào sự Khôn Ngoan và Quyền Năng của Thiên Chúa. Chúng ta không tin Người có khả năng sử dụng mọi sự để sinh ích cho con cái, và rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không bao giờ Người lại để chúng ta thiếu đi những gì là thiết yếu nhất - nghĩa là thiếu bất cứ điều gì giúp chúng ta yêu mến nhiều hơn. Bởi chưng, học biết yêu thương là nuôi dưỡng và làm phong phú đời sống thiêng liêng. Nhiều hoàn cảnh tôi nghĩ là nguy hại, vậy mà trong thực tế, nếu mắt đức tin sáng hơn, thì đó lại là những cơ hội quý báu để yêu mến nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, khiêm tốn hơn, nhu mì hơn, biết thương xót hơn và để phó thác chính mình nhiều hơn vào vòng tay của Cha trên trời.

 

Vậy, hãy xác tín điều này vì nó sẽ trở nên nguồn sức mạnh lớn lao cho chúng ta: Thiên Chúa có thể để chúng ta thiếu thốn tiền bạc, sức khoẻ, khả năng và các nhân đức lúc này lúc khác, nhưng Người không bao giờ để chúng ta phải thiếu thốn Người, thiếu sự trợ giúp cũng như lòng thương xót của Người hoặc bất cứ điều gì vốn có thể giúp chúng ta lớn lên không ngừng trong việc tới gần Người, yêu mến Người thiết tha hơn cũng như yêu thương tha nhân hơn và đạt tới sự thánh thiện.

 

 

9. Thái độ phải có trước đau khổ của những người thân

 

Một hoàn cảnh khác, trong đó, chúng ta thường có nguy cơ đánh mất bình an nội tâm của mình là khi thấy người thân gặp phải khó khăn. Đôi khi chúng ta cảm thấy lo lắng bận tâm nhiều hơn bởi đau khổ của một người bạn hay của một đứa con hơn là chính bởi đau khổ của riêng mình. Điều này tự nó có thể là tốt, nhưng chúng không bao giờ được phép trở thành dịp khiến chúng ta thất vọng. Nhiều lúc, biết bao lo lắng tột độ ngự trị trong các gia đình khi một thành viên gặp thử thách về sức khỏe, thất nghiệp hay trầm cảm… Chẳng hạn, biết bao người cha, người mẹ tự hành hạ chính mình khi chuyện không hay xảy ra với một trong các con cái của họ.

 

Vậy mà, Thiên Chúa lại mời gọi chúng ta đừng đánh mất bình an nội tâm bởi những hoàn cảnh này hoặc bởi tất cả những lý do đã được nêu lên ở các trang trước. Những đau buồn của chúng ta là chính đáng, nhưng chúng ta phải giữ lấy bình an. Không cách nào mà Thiên Chúa có thể bỏ rơi chúng ta được, “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15).

 

Tuy nhiên, điều cần phải lưu ý như chúng ta sẽ thấy sau đây cũng rất quan trọng, là cần phải hiểu rõ cách thức phân biệt đâu là khiêm tốn thật, đâu là khiêm tốn giả; đâu là sám hối thật trong bình an, đâu là sám hối giả hiệu gây buồn phiền khiến chúng ta tê liệt. Bên cạnh đó, một chuyện khác cũng quan trọng không kém, là làm sao để phân biệt được lòng thương xót thật và sự thương hại sai lầm.

 

Một điều chắc chắn là càng tiến tới trong đời sống của người Kitô hữu, lòng trắc ẩn của chúng ta càng lớn lên. Đang khi cách tự nhiên, chúng ta cứng cỏi và vô cảm thì những khốn cùng của thế giới và khổ đau của bao anh chị em chung quanh đã làm cho các thánh phải khóc lên, những con người mà cuộc sống mật thiết với Chúa Giêsu đã làm “tan chảy” trái tim của họ, theo cách diễn tả của Cha xứ họ Ars. Thánh Đa Minh thức suốt đêm để cầu nguyện và than van trong nước mắt cùng Thiên Chúa, “Lạy Chúa giàu lòng thương xót, các tội nhân rồi sẽ ra sao?”. Và người ta có quyền nghi ngờ giá trị đời sống thiêng liêng của một ai đó khi người ấy không cho thấy lòng thương xót của họ ngày một gia tăng.

 

Tuy nhiên, khi lòng trắc ẩn của các thánh nhanh chóng thâm trầm cưới lấy tất cả những đau khổ của anh chị em mình và cũng nhanh khuây khoả thì dẫu thế, nó vẫn luôn dịu dàng, thanh thản và tin tưởng. Bởi lẽ đó là hoa trái của Thánh Thần.

 

Ngược lại, lòng thương cảm chính mình của chúng ta thường thì không bao giờ được yên thân. Chúng ta dây mình vào đau khổ của người khác theo một cách thức lệch lạc mà đôi khi nảy sinh từ chỗ yêu chính mình hơn là yêu người khác cách chân thật. Và chúng ta tin rằng, quan tâm đến người khác thật nhiều trong những lúc họ khó khăn là chính đáng và đó là dấu hiệu cho thấy tình yêu của chúng ta dành cho họ. Thế nhưng, điều này thật sai lầm, bởi lẽ, một tình yêu bản thân lớn lao thường ẩn núp trong chính thái độ này. Chúng ta không thể chịu được đau khổ của những người khác chỉ vì sợ mình phải đau khổ; lý do là vì chúng ta cũng thiếu niềm tin vào Cha trên trời.

 

Rất bình thường, chúng ta bị tác động sâu sắc bởi những đau khổ của người thân; nhưng nếu vì thế mà chúng ta dằn vặt chính mình để rồi đi đến chỗ mất bình an, thì điều này chứng tỏ rằng, tình yêu của chúng ta giành cho họ vẫn chưa hoàn toàn đạo đức, vẫn chưa hoà hợp với Thiên Chúa. Tình yêu đó vẫn còn quá nhân loại và không nghi ngờ gì nữa, nó còn ích kỷ, nền tảng của nó không đặt đủ trên một niềm tin không chuyển lay vào Cha trên trời.

 

Để trở thành một nhân đức Kitô giáo đích thực, lòng thương xót phải xuất phát từ tình yêu (một tình yêu cốt ở chỗ ước ao điều lành cho người khác trong ánh sáng của Thiên Chúa và phù hợp với kế hoạch của Người) chứ không xuất phát từ nỗi sợ hãi (sợ đau khổ, sợ mất mát một cái gì đó). Thế mà trên thực tế, biết bao nhiêu lần tất cả thái độ của chúng ta đối với những người chung quanh, những người đang đau khổ, lại bị quy định bởi sợ hãi hơn là tình yêu.

 

Một điều chắc chắn là Thiên Chúa yêu thương những người thân yêu của chúng ta vô cùng, tốt lành hơn vô cùng so với việc chúng ta yêu thương họ. Người muốn chúng ta tin vào tình yêu này và biết phó thác những ai chúng ta yêu thương vào đôi tay của Người. Và đây là cách giúp đỡ họ hiệu năng hơn cả.

 

Những anh chị em đau khổ cần những con người vui tươi, tin tưởng và bình an quanh mình, những con người vốn sẽ giúp đỡ họ cách hiệu nghiệm… hơn là những ai chỉ biết bồn chồn lắng lo. Lòng thương hại sai lầm của chúng ta thường chỉ làm cho những đau buồn thất vọng của họ nghiêm trọng thêm. Đó không phải là nguồn mạch bình an và hy vọng cho những ai đau khổ.

 

Tôi muốn đưa ra một ví dụ rất cụ thể tôi vừa mới gặp trong thời gian rất gần đây. Chuyện liên quan đến một thiếu nữ trẻ mắc chứng trầm cảm rất nặng với những nỗi sợ và lo lắng thường xuyên khiến cô không thể một mình lên thành phố. Tôi đã nói chuyện với mẹ cô, một người thất vọng trong nước mắt đang xin tôi cầu nguyện cho con bà được lành bệnh. Tôi trân trọng nỗi đau dễ hiểu của bà mẹ này và tất nhiên, tôi cầu nguyện cho con gái bà. Nhưng điều đáng kinh ngạc là ít lâu sau đó, khi tôi có dịp nói chuyện với chính cô gái, tôi nhận ra rằng, cô chịu được nỗi đau của mình trong bình an. Cô nói với tôi: Con không thể cầu nguyện, và điều duy nhất con không ngừng nói với Chúa Giêsu là… những lời trong Thánh Vịnh 22: “Chúa là Đấng chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”. Cô cũng nói với tôi rằng, cô đã thấy những hoa trái tích cực từ căn bệnh của mình, đặc biệt nơi cha cô, người mà trong quá khứ đã rất khắt khe với cô, nhưng bây giờ đã thay đổi cách cư xử

.

Tôi thường thấy những trường hợp thuộc loại này: một người đang gặp thử thách nhưng biết chế ngự thử thách này tốt hơn những người chung quanh, những người chỉ biết lo âu và bối rối. Đôi khi, đó có thể là một phương thế để gia tăng cầu nguyện cho việc chữa lành, thậm chí tìm kiếm việc chữa lành hay đuổi theo các phương tiện khả thi có thể nghĩ đến để làm sao đạt tới chỗ giải thoát con người này mà không ý thức rằng, đàng sau mọi sự, rõ ràng còn có sự can thiệp của Thiên Chúa. Tôi không bảo, chúng ta không nên hỗ trợ những người đau khổ bằng những kinh nguyện và những lời khấn xin bền bỉ, hoặc không nên làm những gì có thể về mặt nhân loại cũng như thiêng liêng để đạt được điều đó. Trái lại, bổn phận của chúng ta là làm tất cả những điều đó, nhưng phải làm trong bình an và tâm tình phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa.

 

 

10. Trong tất cả những ai đang đau khổ, có Chúa Giêsu

 

Động lực mang tính quyết định nhất giúp chúng ta thanh thản đương đầu với bi kịch của đau khổ là: chúng ta phải coi trọng mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thập Giá. Chúa Giêsu đã mặc lấy xác phàm của chúng ta, Ngài thực sự mang vào thân mình những đau khổ của chúng ta. Và trong tất cả những ai đang đau khổ, Chúa Giêsu đang đau khổ. Trong Tin Mừng thánh Mathêu, chương 25, ở trình thuật Phán Xét Cuối Cùng, Đức Giêsu nói với những ai đã chăm sóc kẻ ốm đau và thăm viếng tù nhân rằng, “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Lời của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: “Vào cuối đời mỗi người, chúng ta sẽ được xét xử dựa trên mức độ chúng ta yêu thương” (thánh Gioan Thánh Giá) và cách riêng, dựa trên mức độ chúng ta yêu thương những anh chị em nghèo khó. Đó là lời hối thúc chúng ta phải có lòng thương xót. Nhưng không phải những lời này của Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta nhận ra Ngài, sự hiện diện của Ngài trong tất cả những ai đang đau khổ đó sao? Chúng mời gọi chúng ta chuyên chăm với tất cả sức lực của mình để xoa dịu đau khổ, nhưng đồng thời cũng nhìn những đau khổ đó với niềm hy vọng. Trong tất cả mọi khổ đau, đều có ở đó một mầm sống, mầm phục sinh, bởi lẽ chính Đức Giêsu đích thân ở đó.

 

Đối diện với một người đang đau khổ, chúng ta xác tín chính Đức Giêsu đang khổ đau trong người đó, chính Ngài hoàn tất những gì còn thiếu sót ở Cuộc Thương Khó của mình trong người đó, nói như thánh Phaolô, thì thử hỏi làm sao con người có thể tuyệt vọng khi đối diện với đau khổ này? Cuộc Thương Khó của Ngài không đem lại ơn cứu rỗi sao? “Đừng buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4, 13).

 

 

11. Lầm lỗi và thiếu sót của những người khác

 

Như tôi đã nói, đứng trước một sự dữ nào đó đang đe doạ hay trấn áp con người chúng ta hay những ai chúng ta yêu thương, thì chính sự lo lắng là lý do thông thường nhất khiến chúng ta đánh mất tự do nội tâm.

 

Giải pháp cho vấn đề này là: tin tưởng phó mặc vào tay Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ; hoặc giả như Người có cho phép điều đó xảy ra, Người vẫn ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng nó và biến nó nên ích lợi cho chúng ta.

 

Giải pháp này cũng sẽ duy trì hiệu lực đối với tất cả những nguyên nhân khác vốn có thể khiến chúng ta đánh mất bình an; những nguyên nhân mà giờ đây chúng ta bận tâm đến và là những trường hợp cụ thể. Nói đến điều đó thật là tốt, tuy nhiên, vì mặc dầu phó thác có thể là nguyên tắc duy nhất, nhưng thực hành phó thác lại biến dạng tuỳ theo căn nguyên của những lo âu và bối rối.

 

Nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất bình an thường không phải do đau khổ tác động hoặc đe doạ trực tiếp trên chúng ta nhưng đúng hơn, do cách ăn ở của một cá nhân hay một nhóm người nào đó khiến cho chúng ta đau lòng hoặc phải bận tâm. Cho nên, đó không phải là một cái gì trực tiếp thuộc về chúng ta; vậy mà chúng ta phải nặng lòng… và đó là vấn đề. Chẳng hạn như lợi ích của cộng đoàn, của Hội Thánh hay phần rỗi của một người cụ thể nào đó.

 

Một phụ nữ có thể thất vọng vì không thấy người chồng hoán cải như lòng mình mong ước. Một bề trên trong cộng đoàn có thể mất bình an vì một thầy, một chị nào đó làm điều nghịch lại với những gì họ mong đợi. Hoặc đơn giản hơn, trong cuộc sống thường ngày, một người có thể phát cáu vì một người gần gũi với họ cư xử theo cách mà họ nghĩ là không nên. Biết bao căng thẳng bực dọc phát xuất từ những tình huống thuộc loại này!

 

Giải pháp cũng chỉ là một như đã nói trước đây: tin tưởng và phó thác. Với những gì xảy đến, tôi phải hành động làm sao để có thể giúp những người khác cải thiện chính bản thân họ một cách thanh thản và nhẹ nhàng; đồng thời đặt mọi sự khác vào tay Thiên Chúa, Đấng biết cách rút ra lợi ích từ mọi điều.

 

Tuy nhiên, về vấn đề này, tôi muốn đưa ra một nguyên tắc chung vốn rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng thường nhật của chúng ta và cũng là điểm chúng ta thường vấp phải như đã đề cập. Thêm vào đó, phạm vi áp dụng nguyên tắc này thì rộng hơn nhiều so với việc phải nhẫn nại khi đối diện với lỗi lầm của những người khác.

 

Đây là nguyên tắc: Không phải chỉ quan tâm mong ước điều lành cho tha nhân, nhưng chúng ta còn phải mong ước chúng một cách ngay lành. Không phải chỉ chú tâm đến cái chúng ta muốn, nhưng còn phải chú tâm đến cách chúng ta ước ao. Thực tế, rất nhiều lần, chúng ta phạm tội theo cách này: chúng ta mong một điều tốt, thậm chí rất tốt, nhưng lại muốn nó theo một cách thức không tốt. Để hiểu điều này, chúng ta lấy lại ví dụ trước đây. Thông thường, vị bề trên cộng đoàn phải trông coi đời sống thiêng liêng của những người được giao phó, điều này thật tốt lành và hoàn toàn phù hợp thánh ý Chúa. Thế nhưng, nếu vị bề trên này nổi giận, tức tối hoặc mất bình an vì sự bất toàn hay thiếu sốt sắng của anh em, chị em trong cộng đoàn… thì chắc chắn Chúa Thánh Thần không tác động trong người ấy. Chúng ta thường có khuynh hướng này, vì điều chúng ta mong muốn là điều tốt, thậm chí được xem là điều Chúa muốn; nhưng viện cớ ý muốn là tốt lành, chúng ta lại mất kiên nhẫn và phật lòng nếu nó không được thực hiện. Điều xem ra càng tốt lành, chúng ta càng nôn nao và nóng lòng thực hiện nó.

 

Thế nên, như tôi đã nói, chúng ta không chỉ xem coi những gì mình muốn tự chúng có tốt hay không nhưng còn xem coi cách thức, trong đó, chúng ta muốn chúng; đó là ý ngay lành của mình. Nghĩa là những ước mong của chúng ta phải luôn luôn thấu đáo, thanh thản, nhẫn nại, từ bỏ và phó thác cho Thiên Chúa. Đó không phải là một ước ao thiếu kiên nhẫn, nôn nóng, không ngưng nghỉ, bực nhọc…

 

Trong đời sống thiêng liêng, thái độ của chúng ta thường hay thiếu sót. Chúng ta không còn ở giữa những ai ước muốn điều xấu vốn nghịch lại với Thiên Chúa; thay vào đó, từ nay trở đi, chúng ta chỉ muốn những điều tốt, phù hợp với ý muốn của Người. Thế nhưng, chúng ta ước muốn theo cách thức không phải là cách thức của Thiên Chúa, cách thức của Chúa Thánh Thần, vốn thấu đáo, bình an và nhẫn nại. Chúng ta ước muốn chúng theo một cách thức nhân loại, nôn nóng, bồn chồn, hấp tấp và dễ nản lòng nếu không lập tức đạt tới mục đích mong muốn.

 

Tất cả các thánh đều nhất mực nói với chúng ta rằng, chúng ta phải làm dịu lại những khao khát của mình ngay cả những khát khao tốt lành nhất. Bởi chưng, nếu chúng ta khao khát theo cách thức nhân loại như vừa mô tả, linh hồn sẽ giao động, lắng lo, mất bình an và do đó, chính khao khát làm xáo trộn hành động của Thiên Chúa trong linh hồn cũng như trong những người khác.

 

Lời khuyên này áp dụng cho tất cả mọi việc, ngay cả trong việc nên thánh của mỗi người chúng ta. Biết bao nhiêu lần chúng ta đánh mất bình an chỉ vì thấy quá trình thánh hoá bản thân mình diễn ra quá chậm chạp trong khi bản thân vẫn mắc phải bao lầm lỗi. Điều này không ích lợi gì nhưng lại làm đình trệ tất cả! Thánh Phanxicô đi xa hơn khi nói, “Không gì làm trì trệ sự tiến bộ của một nhân đức cho bằng việc mong đạt được nó một cách quá vội vàng”. Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở chương sau.

 

Để kết luận, chúng ta hãy ghi nhớ điều này: Đối với những khao khát và ước muốn, nếu chỉ coi ước muốn là tốt thì chưa đủ; chúng ta còn phải ở trong bình an. Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống theo chân lý và khát khao của chúng ta đang phù hợp với ước muốn của Chúa Thánh Thần. Một ước muốn tự nó dù tuyệt vời đến đâu lại là nguyên nhân khiến chúng ta mất bình an thì không đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cần phải ước muốn và khao khát, nhưng theo một cách thức dứt bỏ và phó thác cho Thiên Chúa, Người làm như Người muốn, Người làm khi Người thích. Để tiến tới trong đời sống thiêng liêng, tâm hồn chúng ta làm sao phải học cho biết những cảm nhận này. Chính Thiên Chúa, Đấng hoán cải chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên chứ không phải sự bồn chồn, bốc đồng và thiếu kiên nhẫn.

 

 

12. Kiên nhẫn với những người khác

 

Vậy chúng ta hãy áp dụng đức kiên nhẫn cho ước muốn rằng, mọi người chung quanh sẽ cư xử tốt hơn: ước muốn này phải thật lặng lẽ, chẳng gây phiền hà. Hãy biết làm sao để giữ bình tĩnh cả khi những người chung quanh cư xử xem ra không đúng và không phải với chúng ta. Rõ ràng chúng ta phải làm những gì có thể trong khả năng để giúp họ, ngay cả việc nhìn thấy họ bị khiển trách hoặc được sửa sai theo những trách nhiệm mà chúng ta phải đảm nhận đối với họ; nhưng tất cả những điều này phải được làm trong dịu dàng và ôn hoà. Khi chúng ta cảm thấy bất lực, hãy ở yên và để Thiên Chúa hành động.

 

Biết bao nhiêu người đánh mất bình an vì họ muốn thay đổi những người chung quanh bất cứ giá nào! Biết bao nhiêu người có gia đình trở nên dễ kích động, tức tối vì họ muốn người bạn đời của mình phải thay đổi chứng này tật nọ! Trái lại, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta kiên nhẫn chịu đựng lỗi lầm của những người khác.

 

Chúng ta thử luận xem, nếu Thiên Chúa vẫn không biến đổi người này, không cất khỏi họ một sự bất toàn nào đó, chính bởi vì Người chấp nhận họ như chính họ! Người kiên nhẫn đợi chờ lúc thuận tiện. Vậy thì tôi cũng phải làm thế. Tôi phải cầu nguyện và kiên nhẫn đợi chờ. Sao tôi lại đòi hỏi và mất kiên nhẫn hơn Thiên Chúa? Đôi khi tôi nghĩ rằng, sự vội vã của tôi được thúc đẩy bởi tình yêu; nhưng Thiên Chúa lại yêu họ hơn tôi vô cùng, dẫu thế, Người đâu vội vàng! “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa” (Gc 5, 7).

 

Lòng kiên nhẫn này còn quan trọng hơn nữa vì nó mang lại cho chúng ta một sự thanh tẩy tuyệt đối cần thiết. Chúng ta tin rằng, chúng ta những mong điều lành cho tha nhân hay điều lành cho chính mình, nhưng ước mong này thường đan xen việc tìm kiếm bản thân, tìm kiếm ý riêng, tìm kiếm sự quyến luyến vào những niềm tin cá nhân hẹp hòi và giới hạn mà chúng ta quá đeo bám đến nỗi những ước mong áp đặt nó lên người khác và đôi khi áp đặt cho cả Thiên Chúa. Bằng mọi giá, chúng ta phải thoát khỏi sự hẹp hòi của tâm hồn và cách nhìn thiển cận này, để rồi chính điều lành được thực hiện, không phải như những gì chúng ta tưởng tượng hay nhận thức, nhưng là điều lành phù hợp với dự định của Thiên Chúa vốn lớn lao và hấp dẫn hơn bao lần.

 

 

13. Kiên nhẫn với những lầm lỗi và bất toàn của chính mình

 

Một người đã đi được một chặng đường nào đó trong đời sống thiêng liêng, một khi họ đã thật sự ước ao yêu mến Thiên Chúa hết lòng hoặc đã học biết tin tưởng phó thác vào Người giữa những khó khăn… vẫn không loại trừ cho họ những hoàn cảnh, trong đó, họ vẫn thường xuyên gặp phải nguy cơ đánh mất bình an và sự thanh thản của linh hồn, để rồi từ đó, ma quỷ thường xuyên khai thác nhằm quấy rối và làm họ ngã lòng.

 

Ấy là lúc họ lui về với những ám ảnh khổ đau, những cảm nghiệm chua xót về những lỗi lầm hay những thất bại mà họ tiếp tục trải nghiệm trong lãnh vực này lãnh vực kia dẫu họ vẫn rất muốn sửa đổi chính mình.

 

Điều quan trọng ở đây là phải nhận thức rằng, buồn phiền chán nản và đau khổ của linh hồn mà chúng ta cảm nhận sau khi mắc phải một lầm lỗi nào đó chẳng làm nên tích sự gì; ngược lại, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ở lại trong bình an.

 

Trong kinh nghiệm thường ngày về những khổ đau và lầm lỗi của chính mình, điều sắp nói đây phải là nguyên tắc căn bản hướng dẫn chúng ta. Vấn đề không phải ở chỗ nỗ lực siêu phàm để loại trừ triệt để những bất toàn và những tội lỗi của chúng ta (vì với bất cứ trường hợp nào, nó vẫn luôn là một cái gì ngoài tầm tay) nhưng vấn đề là chúng ta phải biết tránh u buồn cũng như ngã lòng và bằng cách nào nhanh nhất có thể hầu lấy lại bình an một khi đã phạm tội hoặc phải bất an bởi những cảm nghiệm bất toàn đó.

 

 Đây không phải là thái độ lơ đễnh hoặc cam chịu sự tầm thường của mình, trái lại, đây là phương thế trong đó chúng ta thánh hoá chính mình nhanh chóng hơn. Về điều này, chúng ta có một số lý do.

 

Lý do thứ nhất: nguyên tắc căn bản chúng ta đã nói đến nhiều lần, đó là: Thiên Chúa hành động trong sự bình an của linh hồn. Không phải bởi những nỗ lực bản thân mà chúng ta có thể thành công trong việc giải thoát chính mình khỏi tội lỗi, nhưng chỉ ân sủng của Thiên Chúa mới làm được điều đó. Vậy, thay vì băn khoăn lo lắng, đúng hơn và sẽ hiệu quả hơn, hãy lấy lại bình an cho mình và để Thiên Chúa hành động.

 

Lý do thứ hai: điều này sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Cái gì sẽ làm vui lòng Thiên Chúa hơn? Sau khi sa ngã, hoặc là chúng ta chán nản và tự dằn vặt hoặc là phản ứng bằng cách thưa lên với Chúa, “Lạy Chúa, xin tha thứ cho con, con lại phạm tội. Than ôi, con chỉ giỏi làm thế! Nhưng con tín thác vào lòng thương xót và tha thứ của Chúa, con cám ơn Chúa đã không để con phạm những tội thậm chí có thể nghiêm trọng hơn. Con tín thác vào Chúa bởi con biết rằng, một ngày kia, Chúa sẽ chữa lành con hoàn toàn và lúc ấy, con xin Chúa, qua những kinh nghiệm khốn khổ này, cho con trở nên khiêm nhường hơn, cảm thông hơn với người khác và nhận thức hơn rằng, con chẳng thể tự mình làm được điều gì, ngoài việc chỉ cậy dựa vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa”. Câu trả lời thật rõ ràng.

 

Lý do thứ ba: những bối rối, buồn phiền và nản chí chúng ta cảm thấy trước những sa ngã lỗi lầm rất hiếm khi thuần khiết, chúng thường không luôn luôn là nỗi đau thuần tuý vì đã xúc phạm Thiên Chúa, nhưng ở đây, một phần thiện chí hoà trộn với lòng kiêu hãnh. Chúng ta không quá buồn phiền, nản chí vì đã xúc phạm đến Chúa, nhưng vì hình ảnh lý tưởng chúng ta có về mình bị lung lay một cách tàn bạo. Nỗi đau của chúng ta thường là nỗi đau về lòng kiêu hãnh bị tổn thương! Nỗi đau thái quá này thực ra là dấu cho thấy chúng ta đã quá tin vào chính bản thân mình, tin vào sức riêng của mình chứ không phải vào Thiên Chúa. Hãy lắng nghe lời của Dom Lorenzo Scupoli:

 

Người tự phụ tin chắc họ đã đạt thấu sự bất tín đối với bản thân và đã tin cậy vào Chúa (nền tảng của đời sống thiêng liêng, và do đó, phải cố đạt cho được); nhưng đây lại là sai lầm chúng ta không bao giờ nhận ra mãi cho tới khi sa ngã. Bởi lẽ, sau khi sa ngã, người ta cảm thấy buồn phiền, đau đớn vì nó, hoặc nếu nó làm cho họ mất hết hy vọng trên đường tiến đức, thì đó là dấu cho thấy người ấy quá cậy mình chứ không đặt niềm tin vào Chúa. Càng thất vọng và buồn phiền, họ càng phải xét đến lầm lỗi của mình.

Vì đối với những ai tuyệt đối không cậy sức mình mà chỉ tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa, khi lầm lỗi, họ sẽ hầu như không ngạc nhiên, lo lắng hay thất vọng bởi biết rõ đây là kết quả của sự yếu đuối của mình cũng như lòng tin ít ỏi mà họ đã đặt nơi Thiên Chúa. Sa ngã của họ, trái lại, thậm chí còn dạy họ đừng cậy vào sức mình nữa để tín thác nhiều hơn vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng quyền năng duy nhất: họ chê ghét tội lỗi của mình trên hết mọi sự; họ lên án mọi đam mê và những thói quen xấu là nguyên nhân khiến họ phạm tội; họ nhận thức một nỗi đau sâu sắc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng nỗi đau của họ luôn luôn bị khuất phục và không thể ngăn họ quay lại với những công việc quan trọng của mình để mang lấy những thử thách quen thuộc và để chiến đấu cho đến chết với kẻ thù tàn ác…

Lại nữa, một ảo giác rất thường gặp là sau khi phạm tội, sợ hãi và bối rối được cho là một cái gì thuộc về nhân đức: bởi lẽ, dù cho cảm giác áy náy theo sau tội lỗi luôn luôn kéo theo một sự đau đớn nào đó thì điều đó vẫn không phải là nhân đức vì nguyên nhân chính của nó là do việc quá cậy vào sức mình phát xuất từ một sự kiêu ngạo hay một tự cao tự đại thầm kín nào đó. Thế nên, ai khẳng định mình đạo đức, sẽ coi thường cám dỗ và hiểu rằng, họ yếu đuối và trở thành một tội nhân như bao người khác chẳng qua đó chỉ là một kinh nghiệm buồn đau của thất bại, và họ ngạc nhiên như thể thất bại đó là một điều gì lẽ ra đã không xảy ra; rồi khi bị tước mất nơi nương tựa yếu ớt là chính bản thân họ từng cậy dựa, họ gục xuống trong buồn phiền thất vọng.

Bất hạnh này không bao giờ xảy ra cho những ai khiêm tốn, những ai không tin vào bản thân và những ai chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa: Khi sa ngã, họ không ngạc nhiên cũng không thất vọng, vì ánh sáng chân lý chiếu soi cho họ thấy đó là kết quả tự nhiên của sự yếu đuối và sự bất nhất của mình (The Spiritual Combat & A Treatise on Peace of Soul; William Lester và Robert Mohan dịch, TAN Books & Publishers, 1993, chương 4 & 5).

 

 

14. Thiên Chúa có thể rút ra điều lành ngay trong những lầm lỡ của chúng ta

 

Lý do thứ tư về việc tại sao buồn phiền và nản chí là điều không tốt và chúng ta không nên nhìn lỗi lầm của mình một cách quá bi đát: vì Thiên Chúa có thể rút ra điều lành từ những lầm lỗi đó. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu rất yêu thích câu nói của thánh Gioan Thánh Giá, “Tình Yêu có thể sinh lợi từ mọi sự, điều lành cũng như điều dữ mà Tình Yêu tìm thấy trong tôi, và rồi, biến chúng thành Tình Yêu”.

Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chí ít cũng phải đạt đến mức đó: là tin rằng Thiên Chúa đủ tốt lành, đủ quyền năng để rút ra điều lành từ mọi sự, kể cả những lỗi lầm và bất trung của chúng ta.

Khi trích dẫn lời của thánh Phaolô, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người”, thánh Augustinô đã thêm Etiam peccata - “cả những tội lỗi!”.

Dĩ nhiên, chúng ta phải chiến đấu mạnh mẽ để chống lại tội lỗi và sửa chữa những bất toàn của mình. Thiên Chúa mửa ra những kẻ ỡm ờ, và không gì khiến tình yêu nguội lạnh cho bằng cam chịu sự tầm thường (sự cam chịu này xảy ra do bởi thiếu niềm tin vào Thiên Chúa và khả năng thánh hoá của Người). Khi chúng ta gây nên một điều dữ nào đó, chúng ta phải tìm cách điều chỉnh hết sức có thể, nhưng không được buồn phiền quá đỗi vì lỗi lầm đó, bởi một khi đã quay về với Thiên Chúa bằng một tâm hồn tan nát, hãy tin rằng, Người có thể làm cho điều lành nảy sinh và còn có thể làm cho chúng ta được lớn lên trong sự khiêm tốn; đồng thời dạy chúng ta bớt cậy mình để chỉ biết cậy trông vào một mình Người mà thôi.

Cao cả thay lòng thương xót của Thiên Chúa khi Người dùng chính lỗi lầm của chúng ta để sinh ích cho chúng ta! Ruysbroek, một nhà thần nghiệm Flemings thời Trung Cổ đã nói, “Với lòng khoan dung, Thiên Chúa muốn làm cho tội lỗi chống lại chính nó và mưu ích cho chúng ta; Người đã tìm được một phương cách khiến chúng trở nên hữu ích, biến đổi chúng thành khí cụ cứu rỗi. Không đời nào điều này có thể giảm bớt nỗi sợ phạm tội hoặc nỗi đớn đau vì đã phạm tội, nhưng đúng hơn, tội đã trở nên nguồn mạch khiêm nhường cho chúng ta”.

Chúng ta cũng hãy bổ sung thêm rằng, tội lỗi còn có thể trở nên nguồn mạch dịu dàng và thương xót của chúng ta đối với tha nhân. Tôi, một con người dễ sa ngã, làm sao tôi có thể được phép xét đoán người anh em tôi? Làm sao tôi có thể không thương xót họ như Thiên Chúa đã xót thương tôi?

Vì vậy, sau khi phạm một lỗi lầm dưới bất cứ hình thức nào, thì thay vì khép mình bất định trong chán nản và hoài niệm ký ức, chúng ta phải ngay lập tức quay về với Thiên Chúa với lòng tin tưởng, và thậm chí tạ ơn Người về điều lành mà lòng thương xót của Người có thể rút ra từ lỗi lầm này!

Chúng ta phải biết rằng, một trong những vũ khí thiết thực ma quỷ sử dụng nhiều nhất để ngăn trở các linh hồn tiến gần Thiên Chúa là nó tìm cách khiến họ mất bình an và làm họ nản chí bằng việc khiến họ nhai lại lỗi lầm của mình.

Chúng ta cần biết phân biệt giữa thống hối thật, ước ao sửa lỗi thật vốn luôn nhẹ nhàng, thanh thản và tin tưởng với thống hối giả, với niềm hối hận chỉ dẫn đến buồn phiền, nản chí và tê liệt. Không phải tất cả những khiển trách đến với lương tâm chúng ta đều được khơi gợi bởi Chúa Thánh Thần! Một số đến từ lòng kiêu hãnh của chúng ta hoặc đến từ ma quỷ và chúng ta phải học biết cách thức để biện phân chúng. Bình an là một tiêu chí cốt yếu để biện phân thần khí. Những cảm thức đến từ Thần Khí của Thiên Chúa có thể rất mạnh mẽ và sâu sắc, dẫu thế, chúng luôn luôn bình an. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lại lời của Dom Lorenzo Scupoli:

 

Để giữ cho tâm hồn được tĩnh lặng hoàn toàn, chúng ta vẫn cần lờ đi một số cảm thức hối hận bên trong vốn có vẻ như đến từ Thiên Chúa, bởi chúng là những lời khiển trách của lương tâm trước những lỗi phạm thực sự, nhưng thực ra, chúng đến từ ma quỷ và điều này có thể được thẩm định bởi những gì xảy ra sau đó. Nếu những cắn rứt lương tâm đó giúp chúng ta khiêm nhường hơn, nếu chúng giúp chúng ta nhiệt thành hơn để làm điều lành, nếu chúng không làm giảm bớt niềm tin của chúng ta vào lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải đón nhận chúng như những ân huệ từ trời với lòng biết ơn. Nhưng nếu chúng gây xáo trộn, nếu chúng gây ngã lòng, nếu chúng khiến chúng ta uể oải, rụt rè, chậm chạp trong việc thi hành bổn phận, hãy tin rằng, đây là những gợi ý của kẻ thù và hãy làm mọi việc cách bình thường, đừng thèm nghe chúng (The Spiritual Combat, chương 25).

 

Chúng ta hãy nhận thức điều này: Đối với người thiện tâm, điều nghiêm trọng của tội không nằm trong chính tội đó cho bằng nỗi chán chường thất vọng, trong đó, tội để họ rơi vào. Ai té ngã nhưng lập tức chỗi dậy, sẽ không mất mát nhiều; người ấy còn được thêm đức khiêm nhường và cảm nghiệm về lòng xót thương. Ai cứ mải buồn phiền, cảm thấy thất bại, sẽ mất mát nhiều hơn. Dấu hiệu tiến bộ thiêng liêng của một người không phải là không bao giờ sa ngã cho bằng họ có khả năng chỗi dậy nhanh chóng sau mỗi lần ngã sa.

 

 

15. Làm gì khi chúng ta lỡ phạm tội?

 

Ngoài tất cả những gì vừa nói đến, còn có một nguyên tắc xử thế rất quan trọng khác mà chúng ta cần phải ghi nhớ mỗi khi lỡ phạm một lỗi lầm nào đó. Hẳn chúng ta phải cảm thấy hối tiếc vì đã phạm tội, chúng ta xin Chúa thứ tha, khiêm tốn xin Người ban ơn để đừng phạm tội nữa và kiên quyết đi xưng tội ngay khi có thể. Không để mình buồn phiền hay nản chí, chúng ta phải phục hồi bình an nhanh chừng nào có thể nhờ ơn Chúa và lại tiếp tục đời sống thiêng liêng bình thường như thể không có chuyện gì xảy ra. Lấy lại bình an nhanh bao nhiêu, càng tốt cho chúng ta bấy nhiêu! Bằng cách này, chúng ta làm cho đời sống thiêng liêng của mình tiến triển nhanh hơn so với việc cáu kỉnh với chính mình!

 

Sau đây là một ví dụ rất quan trọng và cũng rất cụ thể. Khi chúng ta phạm một lỗi lầm nào đó bởi tấn công của một thử thách chụp xuống, chúng ta thường bị cám dỗ trở nên chểnh mảng trong đời sống cầu nguyện, chẳng hạn không dành thời gian thường lệ để suy niệm trong thing lặng. Rồi chúng ta tìm cách bào chữa cho sự chểnh mảng này, “Làm sao tôi, người vừa mới sa ngã, vừa mới xúc phạm đến Chúa lại có thể hiện diện trước mặt Người trong tình trạng này?”. Và đôi khi chúng ta cần đến vài ngày trước khi có thể lấy lại thói quen cầu nguyện thường lệ. Nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng và không gì khác hơn là một khiêm nhường giả tạo do ma quỷ xúi quẩy. Trước hết, chúng ta không được thay đổi thói quen cầu nguyện. Ngược lại mới phải. Tìm đâu ra phương thuốc chữa lành các lỗi lầm nếu không phải là đến gần Chúa Giêsu? Tội lỗi của chúng ta là một cái cớ thô thiển cho việc xa lánh Ngài, bởi vì, càng phạm tội, chúng ta càng hoàn toàn có quyền để đến gần Ngài hơn như lời Ngài đã nói, “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Thật vậy, Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12-13).

 

Nếu phải đợi cho đến lúc làm thánh để có một đời sống cầu nguyện đều đặn, có lẽ chúng ta phải chờ rất lâu. Trái lại, chính việc chấp nhận trình diện trước Thiên Chúa trong tình trạng tội lỗi của mình mà chúng ta nhận được ơn chữa lành và biến đổi dần dần để nên thánh.

 

Một sự lầm tưởng rất nghiêm trọng cần được phơi bày là: chúng ta chỉ muốn trình diện trước mặt Chúa khi đã chải chuốt chỉnh tề, đẹp đẽ và cảm thấy hài lòng với chính mình! Nhưng thái độ đó hàm chứa biết bao tự phụ! Thực ra, chúng ta muốn phớt lờ nhu cầu được thương xót. Nhưng đâu là thực chất của loại thánh thiện giả hiệu mà từ đó, chúng ta đôi khi mong ước nó một cách vô ý thức và rồi nghĩ rằng mình không cần Thiên Chúa? Sự thánh thiện đích thực thì trái lại, nó khiến chúng ta mỗi lúc một nhận ra rằng, chúng ta phải tuyệt đối tuỳ thuộc vào lòng xót thương của Người biết bao!

 

Để kết luận, chúng ta hãy nhẩm lại đoạn cuối trong Cuộc Chiến Thiêng Liêng (The Spiritual Combat) vốn gợi lại những điều chúng ta vừa nói, đồng thời chỉ ra con đường chúng ta phải chọn cho mình mỗi khi sa ngã với tựa đề “Những gì phải làm một khi bị thương trong cuộc chiến thiêng liêng!”.

 

          Khi con bị thương, tức là khi con cảm thấy mình đã phạm một tội nào đó, hoặc đơn thuần do yếu đuối, hoặc do cố ý và ác tâm; đừng quá đau buồn về điều đó. Đừng để bản thân trở nên khó chịu, chán nản, nhưng hãy lập tức chạy đến cùng Chúa với lòng tin tưởng khiêm tốn mà thưa lên với Người rằng: “Ôi, lạy Chúa, chính lúc này đây, con có thể thấy mình là gì, một tạo vật yếu đuối và mù loà như con đâu có gì ngoài những sai lỗi và sa sẩy?”. Hãy dừng lại ở đó, hình dung nỗi đau và xót xa vì tội con đã phạm.

 

          Sau đó, đừng lo lắng gì hết, hãy hướng tất cả sự giận dữ của con vào những đam mê đang chế ngự con, cốt để chống lại những gì là nguyên nhân khiến con mắc tội.

 

          Rồi con hãy thưa, lạy Chúa, con hẳn đã phạm tội tày đình hơn nếu Chúa không lấy lòng nhân hậu vô biên mà cứu lấy con.

 

          Sau đó, con hãy ngàn lần tạ ơn Người, một người Cha giàu lòng xót thương; hãy yêu mến Người hơn nữa, vì Người đã không phẫn nộ trước sự xúc phạm mà con gây ra nhưng vẫn giang tay đỡ lấy con vì Người sợ rằng, con sẽ lại sa vào một vũng lầy tương tự.   

 

          Cuối cùng, với hết lòng tin tưởng hãy thưa với Người, “Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết Chúa là ai; xin giúp tội nhân thương tích này cảm nhận được lòng thương xót của Chúa; xin thứ tha mọi tội con đã phạm; xin đừng để con lìa xa Chúa dù chỉ một chút; xin làm cho con nên vững mạnh bằng ân sủng của Ngài, nhờ đó con sẽ không bao giờ xúc phạm đến Chúa nữa”.

 

          Sau đó, con đừng tìm cách xác định liệu xem Chúa đã tha thứ cho mình hay chưa, vì như thế, chỉ thêm lo lắng một cách vô ích và mất thời gian. Ý nghĩ đó phát xuất từ lòng kiêu ngạo và là ảo ảnh do ma quỷ bày ra nhằm tìm cách hãm hại và dằn vặt con bằng cách khiến con băn khoăn lo lắng.

 

          Tốt hơn, con hãy phó mình cho lòng thương xót của Người và tiếp tục thực hành sự tĩnh lặng thường lệ như thể con chẳng hề phạm tội gì. Cả khi con xúc phạm đến Chúa nhiều lần trong một ngày, cũng đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào Người. Hãy cứ áp dụng những điều đã nói cho con, lần thứ hai, lần thứ ba và lần sau cùng cũng như lần đầu… phạm tội.

 

          Đây là chiến lược chống lại ma quỷ mà nó sợ nhất bởi nó biết điều này rất đẹp lòng Thiên Chúa và nó sẽ vô cùng bối rối khi thấy mình bị đánh bại bởi chính kẻ mà nó đã dễ dàng chế ngự trong những lần chạm trán trước đây.

 

          Như vậy, nếu chẳng may con phạm tội và tội đó khiến con lo âu nản chí, thì điều đầu tiên con phải làm là tìm cách lấy lại bình an của tâm hồn và khôi phục lại niềm tin của con vào Thiên Chúa…

 

           Để kết thúc điểm này, chúng ta hãy bổ sung một lưu ý: làm điều sai trái thì thật nguy hiểm, và chúng ta phải làm mọi sự có thể để tránh làm điều sai trái. Nhưng cũng hãy nhận ra rằng, theo như cách chúng ta được tạo thành, thì cũng nguy hiểm cho chúng ta khi chỉ làm điều lành!

 

Thật vậy, mang vết tích của tội nguyên tổ, khuynh hướng kiêu ngạo đã cắm rễ sâu trong chúng ta và gây trở ngại cho chúng ta, thậm chí nó khiến chúng ta không thể thực thi điều lành mà lại không giữ lại một chút gì cho riêng mình, hay không chút nghĩ ngợi rằng, điều lành đó là do khả năng, công nghiệp hoặc sự thánh thiện của mình! Giả như Thiên Chúa không cho phép chúng ta hết lần này đến lần khác làm điều sai trái và mắc phải một số bất toàn, thì hẳn sẽ nguy to! Khi đó chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên kiêu ngạo và khinh khi người khác. Chúng ta sẽ quên rằng, mọi sự chúng ta có là do Thiên Chúa ban cho cách nhưng không.

 

Không gì cản trở tình yêu đích thực cho bằng sự kiêu ngạo này. Vì vậy, để bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ ghê gớm này, đôi khi Thiên Chúa cho phép một điều dữ ít nghiêm trọng hơn hàm chứa việc mắc phải một lỗi lầm nào đó và chúng ta phải tạ ơn Người về điều này, bởi nếu không có mạng lưới an toàn này, chúng ta có nguy cơ lạc đường.

 

 

16. Lo lắng khi phải quyết định 

 

Lý do cuối cùng chúng ta sẽ xem xét cũng là lý do thường xuyên khiến chúng ta mất bình an là sự thiếu xác tín, một cảm giác băn khoăn lo lắng của lương tâm đang khi chúng ta cần phải quyết định một điều gì đó nhưng lại không có khả năng nhận thức rõ ràng. Chúng ta sợ mắc phải một sai lầm vốn có thể gây nên những hậu quả khó chịu, chúng ta sợ rằng, đó có thể không phải là ý Chúa.

 

Những tình huống thuộc loại này có thể rất đau xót cũng như một vài trường hợp tiến thoái lưỡng nan nào đó thực sự gây tuyệt vọng. Cách chung, thái độ tin tưởng phó thác chúng ta đã nói đến là đặt mọi sự vào tay Thiên Chúa, Đấng có thể giúp chúng ta tránh được mọi điều “bi thảm” (cả những hậu quả do tội lỗi chúng ta gây nên) sẽ là thái độ quý báu một cách đặc biệt trong những tình huống thiếu xác tín này.

 

Tuy nhiên chúng tôi muốn đưa ra một vài lời khuyên hữu ích trong việc giữ gìn bình an nội tâm mỗi khi phải quyết định.

 

Điều đầu tiên chúng ta muốn nói (điều này hoàn toàn phù hợp với những gì đã được nói đến về vấn đề này) là khi đứng trước một quyết định quan trọng, một trong những sai lầm phải tránh là quá vội vàng hoặc khinh suất. Một sự thong thả nào đó thường rất cần thiết để cân nhắc thận trọng đúng đắn sự việc, nhờ đó, tâm hồn có thể thanh thản nhẹ nhàng tự mình hướng đến một giải pháp tốt nhất. Thánh Vincent Phaolô đưa ra những quyết định mà ngài được đề nghị đảm nhiệm sau khi đã suy nghĩ chín muồi (và trên hết là cầu nguyện!), đến nỗi một vài người gần ngài nhận thấy ngài rất chậm khi quyết định. Nhưng xem quả thì biết cây!

 

Trước khi đưa ra một quyết định, cần làm những gì thích hợp để thấy hoàn cảnh một cách rõ ràng chứ không quyết định vội vàng hoặc tuỳ tiện. Chúng ta cần phân tích hoàn cảnh theo những khía cạnh khác nhau của nó và xét coi những động cơ của mình để quyết định với một tâm hồn thanh khiết, chứ không vì một nỗ lực nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Chúng ta cần cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần và ân sủng để thực hành sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, và nếu cần, hãy tìm lời khuyên nơi những người có thể khai sáng cho chúng ta trong quyết định này.

 

Về điều này, chúng ta nên biết, mọi người đều phải đương đầu nhất là trong đời sống thiêng liêng, một vài hoàn cảnh, ở đó họ không có đủ ánh sáng, không có khả năng đưa ra một sự biện phân cần thiết cách thanh thản hay một quyết định nếu không nại đến một vị linh hướng. Thiên Chúa không muốn chúng ta tự coi mình là đủ, vì thế trong khoa sư phạm của Người, một đôi khi Người để chúng ta thấy sự bất lực trong việc tự mình tìm kiếm ánh sáng và bình an để rồi không thể nhận được chúng nếu không mở lòng mình ra với một người trung gian. Trong khi khai mở tâm hồn về những điều chúng ta phân vân hoặc những vấn đề nan giải chúng ta cố giải quyết, thì ở đó, phát sinh một thiên hướng khiêm hạ và phó thác vốn sẽ rất đẹp lòng Thiên Chúa, đồng thời vô hiệu hóa những cạm bẫy kẻ thù giăng ra để lừa gạt hoặc quấy nhiễu chúng ta. Đối với bình an nội tâm này, một sự bình an vốn rất quý giá mà chúng ta đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chúng ta cần biết, có những thời điểm nhất định trong cuộc sống, chúng ta không thể tự mình tìm được bình an đó nếu không có sự giúp đỡ của một ai đó, người mà chúng ta có thể mở lòng mình ra. Thánh Anphonsô Liguôri, một vị linh hướng vô song của các linh hồn; thế nhưng, đối với đời sống thiêng liêng của chính mình, ngài thường không có khả năng định hướng nếu không có sự trợ giúp của một người khác, người mà thánh nhân cởi mở chính mình cũng như vâng phục.

 

Như đã nói, thật quan trọng để biết thêm một điều là: dù người ta sử dụng phương pháp nào đi nữa (cầu nguyện, suy tư, khuyên bảo) để được khai sáng trước khi đưa ra một quyết định và để chắc chắn quyết định đó phù hợp với ý Chúa (thực hiện những phương pháp này là một trách nhiệm bởi lẽ chúng ta không có quyền quyết định một cách nông nổi, nhất là trong những lãnh vực quan trọng), thì không phải lúc nào người ta cũng có thể nhận được ánh sáng này một cách rõ ràng hoặc không chút mơ hồ. Đối diện với một hoàn cảnh đặc thù, chúng ta tự hỏi (và phải luôn luôn làm điều này): “Tôi phải làm gì? Đâu là ý Chúa?” và không phải lúc nào chúng ta cũng có được câu trả lời!

 

Khi chúng ta nỗ lực để biện phân và tìm kiếm ý Chúa, thì thông thường, Người nói với chúng ta bằng nhiều cách khác nhau và cho chúng ta hiểu cách rõ ràng chúng ta phải hành động thế nào. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định của mình trong bình an.

 

Nhưng, cũng có thể Thiên Chúa không trả lời và đó là chuyện bình thường. Đôi khi, Người hoàn toàn để chúng ta tự do và có lúc, vì lý do riêng, Người không tỏ mình. Thật là tốt để biết điều này vì thường khi người ta vì sợ phạm sai lầm, sợ không làm theo ý Chúa nên họ cố tìm cho được câu trả lời bằng mọi giá. Họ suy nghĩ và cầu nguyện nhiều hơn, họ mở Thánh Kinh những mười lần chỉ để tìm một đoạn lời Chúa hòng có được một sự soi sáng như mong muốn. Và tất cả những điều này chỉ gây thêm phiền muộn, lo lắng hơn bất cứ điều gì khác. Chúng ta không nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn nhờ những điều đó; có được một bản văn, nhưng chúng ta không biết cách nào để giải thích nó.

Vậy khi Thiên Chúa bỏ mặc chúng ta trong sự lưỡng lự này, hãy yên lòng chấp nhận. Thay vì muốn “cưỡng ép sự việc” và dằn vặt chính mình cách vô ích vì không có được một câu trả lời rõ ràng, chúng ta phải nghe theo nguyên tắc mà thánh nữ Faustina đưa ra:

 

Khi không biết điều gì là tốt nhất, người ta phải nghiền ngẫm, cân nhắc và bàn bạc với người khác, bởi người ta không được hành động khi lương tâm còn nghi ngại. Đang khi còn bán tín bán nghi, mỗi người phải tự nhủ: bất cứ điều gì tôi làm, nó sẽ là tốt, miễn là tôi có ý chỉ làm điều tốt. Điều chúng ta cho là tốt thì Thiên Chúa chấp nhận và Người coi là tốt. Đừng nản lòng nếu sau một thời gian nào đó, con nhận ra những điều này là không tốt. Thiên Chúa nhìn đến ý chỉ ban đầu của chúng ta và Người ban thưởng theo ý chỉ này. Đó là một nguyên tắc chúng ta phải theo (Divine Mercy in My Soul: The Diary of the Servant of God, Sister Faustina Kowalska, Marian Press, 1988, Số 799). 

         

          Chúng ta thường tự dằn vặt quá mức về những quyết định của mình. Cũng như có khiêm nhường giả, thương xót giả, thì cũng thế đối với những quyết định của mình, đôi khi có một điều mà người ta có thể gọi là “vâng lời giả” đối với Thiên Chúa. Chúng ta muốn lúc nào cũng phải chắc chắn làm theo ý Chúa trong mọi chọn lựa và không bao giờ mắc phải sai lầm. Thế nhưng, chính trong thái độ này, lại có một điều gì đó không đúng vì nhiều lý do khác nhau.

          Thứ nhất, mong ước biết điều Thiên Chúa muốn đôi khi che giấu một khó khăn nào đó trong việc chịu đựng một hoàn cảnh bán tín bán nghi. Chúng ta muốn được giải thoát khỏi việc phải tự mình quyết định. Nhưng thông thường, ý của Thiên Chúa là chính chúng ta phải quyết định cho mình, ngay cả khi chúng ta không tuyệt đối chắc chắn quyết định này sẽ là điều tốt nhất. Thực ra, trong khả năng quyết định đang khi còn nghi ngại và trong khi làm điều mà chúng ta cảm thấy có vẻ như là tốt nhất mà không tiêu tốn hàng giờ để chần chờ, vẫn có một thái độ tin tưởng phó thác: “Lạy Chúa, con đã suy nghĩ về điều đó và đã cầu nguyện để biết thánh ý Người. Con không thấy gì là rõ ràng cả, nhưng con sẽ không băn khoăn nữa, con sẽ không bỏ ra hàng giờ để tra tấn não bộ của con nữa, con sẽ quyết định như thế, bởi con đã cân nhắc kỹ lưỡng và xem ra đó là điều tốt nhất con nên làm. Con xin phó thác mọi sự trong tay Chúa. Con biết rõ rằng dù con có sai lầm, Chúa cũng không buồn lòng vì con đã hành động với ý chỉ ngay lành và nếu con có sai lầm, con cũng biết rằng, Chúa vẫn có thể rút ra điều tốt từ sai lầm đó. Nó sẽ nên nguồn mạch khiêm nhường cho con và con sẽ học được một điều gì đó từ nó!”. Và chúng ta ở lại trong bình an.

Một điều khác nữa, chúng ta mong muốn mình không thể sai lầm, không bao giờ sai lầm; thế nhưng, rất nhiều kiêu hãnh đang ẩn tàng trong ước muốn này cùng với nỗi sợ bị người khác đoán xét. Trái lại, những ai bình tâm chấp nhận đôi lần mắc phải sai lầm và chấp nhận người khác biết những sai lầm đó lại thể hiện một sự khiêm nhường thật và một lòng mến thật đối với Thiên Chúa.

Mặt khác, đừng hiểu sai về những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người tốt lành và nhân hậu, Người biết hết những khiếm khuyết cũng như những giới hạn trong cách phán đoán của con cái Người. Người chỉ yêu cầu chúng ta phải có thiện chí và có ý ngay lành, chứ không bao giờ đòi buộc chúng ta không được mắc phải sai lầm với những quyết định phải thật hoàn hảo! Thêm vào đó, giả như mọi quyết định của chúng ta đều hoàn hảo, thì điều này sẽ gây hại hơn là sinh ích! Vì khi đó chúng ta sẽ nhanh chóng coi mình là siêu nhân.

Để kết luận, chúng ta có thể nói, Thiên Chúa yêu thích những ai biết cách tự mình quyết định mà không do dự cả khi họ không chắc chắn nhưng biết tin tưởng phó thác chính mình cho Người, cũng như cho những kết quả hơn là những người không ngừng dằn vặt tâm hồn mình vì muốn biết bằng được đâu là điều Thiên Chúa trông chờ nơi họ và là người không bao giờ quyết định. Bởi chưng, thái độ thứ nhất cho thấy họ là những con người phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa nhiều hơn, vì thế họ cũng yêu mến nhiều hơn so với những người có thái độ thứ hai. Thiên Chúa yêu thích những ai biết tự do định đoạt và không “chẻ sợi tóc làm tư” với những tiểu tiết. Thật vậy, sự hoàn hảo chẳng liên quan gì nhiều đến sự thánh thiện.

Cũng thật quan trọng để biết rõ cách phân biệt những trường hợp khẩn thiết vốn cần nhiều thời gian để biện phân và quyết định khi phải quyết định, chẳng hạn khi quyết định đó ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta; và những trường hợp ngược lại, ở đó, sẽ thật ngớ ngẩn và nghịch thánh ý Chúa khi chúng ta mất nhiều thời gian và quá nhiều cân nhắc trước khi quyết định dù không có nhiều khác biệt giữa lựa chọn này với lựa chọn kia. Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói, “Với những thỏi vàng, cẩn thận cân đo là chuyện bình thường; với những đồng xu nhỏ, chỉ cần ước lượng thật nhanh là đủ”. Ma quỷ, kẻ luôn tìm cách quấy nhiễu chúng ta, khiến chúng ta băn khoăn cả trong những quyết định nhỏ nhặt nhất, liệu quyết định đó có thực sự là ý Chúa hay không. Thế là nó khiến lương tâm chúng ta cảm thấy bứt rứt, do dự và hối hận về những điều không đáng bận tâm.

Chúng ta phải ước ao vâng lời Thiên Chúa, vâng lời liên lỉ và sâu sắc. Nhưng ước muốn này thực sự phù hợp với Chúa Thánh Thần nếu được bình an, tự do nội tâm, tin tưởng và phó thác đi cùng; bằng không nó sẽ là căn nguyên của phiền muộn vốn làm tê liệt lương tâm và ngăn cản người ta tự do quyết định.

 

Đúng là có những lúc Thiên Chúa để cho ước muốn vâng lời này trở thành nguyên nhân gây nên những dằn vặt thật sự. Cũng có trường hợp với những người mà tâm tính quá thận trọng, thì đây là một thử thách rất đau đớn mà Thiên Chúa không bao giờ giải thoát hoàn toàn cho họ ở đời này.

 

Nhưng điều này vẫn đúng là chúng ta thường khi vẫn phải nỗ lực tiến tới trên con đường của mình theo cách đó với tự do và bình an nội tâm. Và cũng phải biết rằng, như chúng ta vừa nói, ma quỷ ra sức quấy phá chúng ta, nó ma mãnh dùng chính ước muốn thực thi ý Chúa của chúng ta để quấy rầy chúng ta. Đừng để nó “lợi dụng”. Khi một người ở xa Chúa, ma quỷ sẽ cám dỗ người ấy làm điều dữ: nó lôi kéo người ấy đến với những điều xấu xa. Nhưng khi một người đến gần Thiên Chúa và yêu mến Người, chẳng ước muốn gì ngoài việc làm vui lòng Người, vâng lời Người, thì ma quỷ trong khi vẫn tiếp tục cám dỗ họ bằng điều dữ (điều này dễ nhận thấy) vẫn cám dỗ họ nhiều hơn bằng điều lành, nghĩa là nó lợi dụng ước muốn làm điều lành của chúng ta để quấy rối chúng ta. Nó làm điều này bằng cách khiến chúng ta trở nên rất mực thận trọng hoặc bằng cách giới thiệu cho chúng ta một điều lành nào đó mà chúng ta phải thực hiện dù điều đó quá sức hay không phải là điều Thiên Chúa muốn; tất cả chỉ để làm chúng ta nản lòng hoặc mất bình an. Ma quỷ muốn thuyết phục chúng ta rằng, những gì chúng ta làm còn chưa đủ, hoặc chưa làm thực sự vì yêu mến Thiên Chúa hoặc là Chúa chưa hài lòng về chúng ta… Chẳng hạn, nó làm chúng ta tin Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta một hy sinh nào đó mà chúng ta không thể thực hiện và điều này khiến chúng ta vô cùng lo lắng. Nó tạo nên mọi loại hình đắn đo và rối bời trong lương tâm mà lẽ ra chúng ta nên lờ đi một cách đơn sơ và thuần khiết đang khi gieo mình vào lòng Thiên Chúa như những trẻ thơ. Khi chúng ta mất bình an vì những nguyên do tương tự như trên, hãy tự nhủ mình, hẳn là có bàn tay của ma quỷ nhúng vào. Hãy cố gắng lấy lại bình tĩnh; và khi không thể tự mình làm được điều này thì nên chia sẻ với một vị linh hướng. Cách chung, nguyên chỉ việc nói chuyện với người khác thôi cũng đủ để xua tan bối rối và tìm lại bình an.

 

Nói đến tinh thần tự do này, một tinh thần cổ vũ chúng ta trong hành động cũng như trong quyết định, chúng ta hãy kết luận bằng cách lắng nghe lời của thánh Phanxicô Salêsiô:

 

          Hãy mở lòng và luôn luôn đặt vào tay Chúa Quan Phòng mọi sự, lớn cũng như nhỏ; đồng thời, hãy giành lấy cho tâm hồn con ngày càng nhiều tinh thần dịu dàng và trầm lắng (Thư gởi bà Fléchère, ngày 13 tháng 5 năm 1609).

 

          Lời ta vẫn thường nói với con là, con đừng quá tỉ mỉ trong việc thực hành các nhân đức; tốt hơn, con nên theo đuổi các nhân đức đó một cách nhanh nhẹn, cởi mở, hồn nhiên, trước đây làm sao con cứ làm vậy, với sự tự do, thành thật và đại thể. Ấy là vì ta sợ rằng, thái độ của con sẽ trở nên miễn cưỡng và u sầu. Mong ước của ta là con có một tâm hồn rộng mở trên con đường đến với Thiên Chúa (Thư gửi bà Chantal, ngày 01 tháng 11 năm 1604).

 

 

17. Con đường vương giả của tình yêu

 

Xét xem mọi khía cạnh của một tình huống, cách thức tiến tới, đặt nền tảng trên bình an, tự do, tín thác vào Thiên Chúa, bình tâm chấp nhận những thiếu sót ngay cả những sa sẩy của mình… vậy tại sao đây là đường lối được khuyên bảo? Tại sao con đường này lại đúng đắn hơn việc cứ tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa khi lòng đầy âu lo, do dự và bồn chồn, ước ao không ngơi nghỉ sự trọn lành?

 

Bởi vì, sự trọn lành đích thực duy nhất chính là sự trọn lành của tình yêu, và trong cách thức thứ nhất, tình yêu đích thực dành cho Thiên Chúa sẽ lớn hơn so với cách thức thứ hai. Thánh Faustina nói, “Khi tôi không biết phải làm gì, tôi hỏi tình yêu, vì tình yêu là vị cố vấn tốt nhất!”. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên trọn lành, “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành”. Nhưng dẫu vậy, theo Thánh Kinh, người trọn lành nhất không phải là người cư xử không có gì đáng chê trách, nhưng là người yêu nhiều nhất.

 

Cách cư xử hoàn hảo nhất không phải là cách cư xử theo đúng hình ảnh về sự trọn lành mà đôi khi chúng ta tự tạo cho mình, chẳng hạn như cách cư xử không chê vào đâu, không phạm sai lầm và vô tỳ tích. Đúng hơn, cách cư xử hoàn hảo là nơi mà tình yêu đối với Thiên Chúa sẽ vô vị lợi nhất và ở đó, tự phụ tìm kiếm chính mình cũng ít nhất. Ai nhận mình yếu đuối, nhỏ bé và ai thường xuyên té ngã và nhìn nhận mình không là gì dưới cái nhìn của bản thân cũng như cái nhìn của tha nhân, ai không quá lo lắng với hoàn cảnh của mình vì họ được phấn khích bởi niềm tin lớn lao vào Thiên Chúa và biết rằng tình yêu của Người thì vô cùng quan trọng và đáng kể hơn những bất toàn và lỗi lầm của họ gấp bội… người đó sẽ yêu mến nhiều hơn những ai phải dồn nén mối bận tâm nên trọn lành riêng của mình đến nỗi đi tới chỗ phải lo lắng.

 

          “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Phúc cho họ vì được chiếu sáng bởi Thánh Thần, họ học biết không còn cường điệu sự nghèo khó của mình nhưng đón nhận nó cách vui tươi vì họ đặt tất cả hy vọng của mình không vào bản thân nhưng vào Thiên Chúa. Chính Người là sự giàu có của họ, Người sẽ là sự trọn lành, sự thánh thiện và là nhân đức của họ. Phúc cho những ai biết yêu lấy sự nghèo khó của mình vì đó là một thời cơ diệu kỳ để Thiên Chúa thể hiện sự vô biên của Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Người. Chúng ta sẽ nên thánh vào ngày khi mà sự bất lực và hư vô của chúng ta không còn là đối tượng để chúng ta buồn phiền và lo lắng nhưng nó trở nên nguồn mạch của bình an và niềm vui.

 

Con đường nghèo khó cũng là con đường yêu mến, là cách thức hiệu quả nhất để chúng ta lớn lên và dần dần đạt tới tất cả các nhân đức cũng như rửa sạch chính mình khỏi mọi lỗi lầm. Chỉ có tình yêu mới là nguồn phát sinh sự trưởng thành, chỉ có tình yêu mới đơm hoa kết trái và chỉ có tình yêu mới tẩy sạch tội lỗi hoàn toàn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói với chúng ta, “Lửa tình yêu tẩy sạch hơn lửa luyện ngục”. Lối suy nghĩ đặt nền tảng trên việc đón nhận cách vui tươi cái khó nghèo riêng tư của mỗi người này không đồng nghĩa với việc cam chịu sự xoàng xĩnh hay từ bỏ khát khao trở nên trọn lành; đúng hơn, đây là con đường nhanh nhất, bảo đảm nhất dẫn đến trọn lành vì nó đặt chúng ta vào chỗ nhỏ bé, tin tưởng và phó thác; nhờ đó, chúng ta được đặt trọn vẹn vào tay Thiên Chúa, Đấng có thể hoạt động trong chúng ta bằng ân sủng của Người, có thể mang chúng ta đến sự trọn lành bằng lòng thương xót tinh tuyền mà chúng ta không tài nào đạt được bằng sức riêng.

 

 

18. Một vài lời khuyên dưới hình thức kết luận

 

Vậy hãy đem ra thực hành tất cả những gì vừa được nói đến với lòng kiên tâm, bền chí và trên hết, không chút nản chí nếu chúng ta chưa đến được với sự trọn lành! Cho phép tôi làm sáng tỏ một sự thật hơi nghịch lý sau đây: Trên hết mọi sự, không bao giờ được đánh mất bình an, bởi lẽ chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy bình an hoặc sống trong bình an mãi mãi theo ý muốn của mình! Tiến trình tái đào tạo của mỗi người thì lâu dài, vì thế, kiên nhẫn với chính mình là một điều thật cần thiết.

 

 

Cho nên, đây sẽ là nguyên tắc nền tảng: “Tôi sẽ không bao giờ nản lòng!”. Đây là một cách nói khác mượn từ lời của thánh Têrêxa bé nhỏ, một mẫu gương tột bậc về tinh thần mà chúng ta đang cố gắng mô tả trong những trang sách này. Và chúng ta cũng lặp lại ở đây những lời của thánh Têrêxa Cả thành Avila, “Kiên nhẫn đạt được mọi sự”.

 

Một nguyên tắc rất hữu ích và thiết thực khác là: Nếu không có khả năng làm những việc lớn lao, tôi sẽ không nản lòng, nhưng tôi sẽ làm những việc nhỏ. Đôi khi, bởi không có khả năng làm những việc trọng đại, phi thường, chúng ta lại bỏ qua những việc nhỏ vốn luôn sẵn có cho mình; hơn thế nữa, chúng đem lại biết bao hoa trái cho sự tiến bộ thiêng liêng và như thế, trở nên nguồn mạch của niềm vui, “Tốt lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành thì ta sẽ giao nhiều cho anh. Hãy đến mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25, 21). Nếu Thiên Chúa thấy chúng ta trung thành và bền chí trong những việc nhỏ theo những gì mà Người trông mong, thì chính Người sẽ can thiệp và cũng cố nơi chúng ta những ân huệ cao trọng hơn. Hãy áp dụng: Nếu tôi vẫn không thể giữ lấy bình an khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn; tốt hơn, tôi nên bắt đầu cố gắng giữ lấy sự bình an này ở những hoàn cảnh thuận tiện hơn trong cuộc sống thường ngày: bình thản và không cáu kỉnh làm những công việc vặt thường ngày, cam kết với chính mình sẽ làm mỗi việc thật tốt trong giây phút hiện tại mà không bận tâm với những gì sẽ đến, nói năng hoà nhã và dịu dàng với những người chung quanh, không quá vội vã trong cử chỉ cũng như trong cách đi lên cầu thang! Những bậc cấp đầu tiên trên bậc thang nên thánh cũng rất có thể là những bậc cấp trong căn hộ của tôi lắm chứ! Linh hồn thường được tái giáo dục bởi thân xác! Những việc nhỏ được làm với lòng yêu mến và để làm vui lòng Chúa thật vô cùng hữu ích trong việc làm chúng ta lớn lên; đó là một trong những bí quyết nên thánh của chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

 

Và nếu kiên trì trên con đường này, bằng lời cầu nguyện cùng với những hành vi bé nhỏ mà chúng ta cộng tác với ơn Chúa, chúng ta sẽ có khả năng sống những lời của thánh Phaolô:

 

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 1, 6-7).

 

Với bình an này, ai có thể giựt mất nó khỏi chúng ta?