Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạnh Các Thánh

03/01/2024

3/1 – KÍNH THÁNH DANH CHÚA GIÊSU

Chữ HIS hoặc JHS được viết tắt từ chữ JESOUS, tôn danh bằng tiếng Hy Lạp dành cho Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (x. Pl 2:9-11) Lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu phổ biến trong các đan viện Xitô (Cistercians) từ thế kỷ XII, nhất là qua giáo huấn của Thánh Bernardine Siena, tu sĩ Dòng Phanxicô hồi thế kỷ XV.

Thánh Bernardine dùng lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu là cách vượt qua những cuộc chiến gian lao và thường đổ máu, chống lại sự kình địch gia đình hoặc mối thù truyền kiếp (vendettas) ở Ý. Lòng sùng kính này phát triển, một phần do các tu sĩ Dòng Phanxicô và Đa Minh, thậm chí phát triển rộng rãi hơn sau khi các tu sĩ Dòng Tên bắt đầu truyền bá từ thế kỷ XVI.

Năm 1530, ĐGH Clementô V phê chuẩn lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu cho các tu sĩ Dòng Phanxicô. Năm 1721, ĐGH Innocent XIII mở rộng lễ này cho Giáo hội toàn cầu.

 

 

 

3 Tháng Giêng
Thánh Grêgôry ở Nazianzus
(329 - 390)

 

Thánh Grêgôry ở Nazianzus -- Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Cappadocian (hai vị khác là Thánh Basil Cả và Thánh Grêgôry ở Nyssa) -- là con của đức giám mục ở Nazianzus thuộc Cappadocia. Ngài được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo, nhất là của Origen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Cappadocian Caesarea, ngài gặp Ðức Basil, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt cũng như xấu đến cuộc đời ngài.

 

Theo lời mời của Ðức Basil, Grêgôry gia nhập một đan viện mới thành lập của Ðức Basil. Tuy nhiên, đời sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của ngài cần người trông coi địa phận và bất động sản. Và dưới áp lực của người cha, ngài chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần ngài phải trở về đan viện khi cộng đoàn cần đến ngài.

 

Ngài khéo léo tránh cuộc ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của ngài có thoả hiệp với bè rối Arian. Lúc 41 tuổi, Grêgôry được chọn làm Ðức Giám Mục Phó của Caesarea và ngay lập tức đụng độ với Hoàng Ðế Valens, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Ðức Basil, là tổng giám mục, đã sai ngài đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài.

 

Khi việc chống đối bè rối Arian chấm dứt với cái chết của Valens, Ðức Grêgôry được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Constantinople đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, ngài bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo loạn. Trong hoàn cảnh ấy ngài bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, ngài tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân ngài.

 

Những ngày cuối đời, ngài sống cô độc và khắc khổ. Ngài sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Ngài nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo vệ lập trường đức tin của ngài trong Công Ðồng Nicea đã giúp ngài xứng đáng được gọi là "Thần học gia."


Lời Bàn

 

Sự xôn xao về những thay đổi trong Giáo Hội hiện nay, dù có chút lo lắng cũng chỉ là cơn bão nhỏ so với sự tàn phá do bè rối Arian gây nên, là một thảm kịch mà Giáo Hội không bao giờ quên. Ðức Kitô không hứa hẹn loại thanh bình mà chúng ta muốn được hưởng -- không có khó khăn, không có chống đối, không có đau khổ. Cách này hay cách khác, sự nên thánh luôn luôn là con đường thập giá.


Lời Trích

 

"Thiên Chúa chấp nhận những khao khát của chúng ta như thể chúng có giá trị lớn. Ngài nóng lòng mong ước chúng ta khao khát và yêu thương Ngài. Ngài chấp nhận những thỉnh cầu có lợi cho chúng ta như thể chúng ta đang làm ơn cho Ngài. Niềm vui của Ngài khi cho đi thì lớn hơn niềm vui của chúng ta khi được lãnh nhận. Do đó, chúng ta đừng thờ ơ khi cầu xin, cũng đừng giới hạn các thỉnh cầu; cũng đừng xin những điều phù phiếm bất xứng với sự cao trọng của Thiên Chúa" (Bài giảng Thánh Grêgôgy Nazianzus).