Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nửa nải chuối !

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

NỬA NẢI CHUỐI !

 

            “Đạo” chuối là tôi ! Đơn giản là ở cái vùng xa xôi hẻo lánh và kinh tế thấp như thế này thì làm gì có nho lê bom táo để mà ăn. Và có đi chăng nữa thì cũng chả đủ tiền để mà mua. Thế là chọn chuối là trái cây chủ đạo cho sự sống hàng ngày.

 

            Chuối xem chừng ra như vậy cũng khó mua ở cái vùng này. Thi thoảng mới có được 1 nải như ý.

 

            Sáng nay, một người trong xứ mang đến tặng cho các cha đâu 1 cái bắp cải và ... nửa nải chuối !

 

            Ban đầu, thoạt nghe ra nửa nải chuối có lẽ không vui vì lẽ nếu đi biếu thì biếu cả nải chứ ai đời biếu nửa nải như thế ! Nửa nải như thế thì ai ăn ai nhịn. Có chăng đủ cho mỗi người 1 quả.

 

            Từ từ nhìn lại thì hiểu được anh chàng cho chuối này là dân miền Tây di cư lên vùng cao nguyên này. Có lẽ cái tính của người miền Tây nó sâu đậm trong đời Anh để cứ lòng thành. Nhà có 1 nải thì để dành ăn nửa nải và biếu nửa nải. Chịu không chịu thì thôi ! (tôi nghĩ bụng như vậy)

 

            Bình tĩnh hơn một chút thì quả thật, nửa nải chuối đó là cả tấm lòng. Nếu như họ có hay họ dư giật chắc có lẽ cả buồng hay nguyên nải chứ không đưa đi cho các cha nửa nải như thế này. Lòng của họ gói trọn trong nửa nải chuối thơm ấy.

 

            Nhớ lại ở cái vùng ngày trước ở, sau Lễ, bà rón rén trước nhà bếp. Hóa ra rằng bà muốn biếu các cha nải chuối. Nải chuối hôm ấy nó không tròn và không mập như người nhận nhưng nó đẹp bởi tấm lòng của người nghèo. Cứ như vậy, thi thoảng nhà có chuối dù còm còm như thân chủ nhưng lại  cứ mang đến nhà thờ biếu các cha.

 

            Cùng với chuối, thi thoảng có người mang vào dăm ba quả bắp hay mớ rau. Tính ra trị giá của mớ rau hay vài quả bắp ấy chắc chừng dăm ba chục bạc hay chưa tới nhưng nó gói trọn cả tấm lòng.

 

            Ở cái vùng nghèo thì chịu vậy. Đôi khi người ta không biếu thì cũng tủi nhưng nhận rồi thì lại thấy cay cay nơi khóe mắt bởi lẽ cuộc sống của họ có khi không đủ ăn thì lấy gì đi biếu.

 

            Cũng vậy, thi thoảng, dăm ba người nhắn : “Con biết Cha ở vùng nghèo, con chả có gì biếu Cha, Cha cho phép con biếu Cha một chút xin Cha đừng từ chối ...”.

 

            Và rồi sau đó tin nhắn điện thoại đến. Quà tặng là dăm ba trăm bạc nhưng xem chừng nó quá lớn ! Không nhận thì người gửi buồn còn nhận thì người nhận lại thấy đau. Họ nghèo quá mà ! Nếu họ có thì họ cũng cho đủ triệu chứ làm gì có chuyện 5 chục 1 trăm.

 

            Ngày rời xứ, hình như được 2 phong bì. Chả phải hình như mà là sự thật. Đến nơi ở mới mở ra thì 2 phong thư ấy 1 phong là 50 và 1 phong là 100.

 

            Nhìn 2 tờ tiền nhỏ ấy mà cảm động lắm ! Họ nghèo và họ gói ghém bằng cả tấm lòng. Thà như vậy chứ có khi nhiều quá lại mất hay và mất đi ý nghĩa khi sống với người nghèo.

 

            Thật vậy, ở cái đời tu, chả làm gì ra tiền để rồi sống nhờ và sống với tình thương của nhiều người quanh quẩn. Nửa nải chuối, dăm ba trăm bạc nó gói ghém cả cuộc đời của mình. Có khi sống chung, sống cùng, sống với người nghèo mà lòng thanh thản và bình an.

 

            Làm gì làm, được cái Chúa thương và còn nhiều người mến. Có khi chưa về đến Sài Gòn để khám bệnh đã “bị” nhắc. Và dĩ nhiên sau lời nhắc ấy là kèm theo chi phí đi đường cũng những chi phí khác cho những ngày xuôi về phố thị. Đơn giản là những người đó biết Cha nghèo và lấy đâu ra tiền để về thành thị vì lẽ ở thành thị cứ bước chân ra phố là mất một đống tiền.

 

            Kèm theo những chi phí loanh quanh ấy lại được khuyến mãi những bữa ăn như giải ngố. Chú em thân nghĩa cứ canh Cha anh về là lo hết.

 

            Cùng cha bạn cơm tối xong, trên đường về Cha bạn nói : “Chưa bao giờ được bữa ăn như thế !”. Ơ hay ! Chúa có cách của Chúa mà ! Chúa vẫn thương qua người này người khác để có được những bữa ăn gọi là như thế chứ tu lấy quái đâu ra tiền để đi vào nhà hàng sang như thế.

 

            Cũng nên nhớ về gia đình thân quen vừa mất đi người Cha nhân hậu cũng là chủ căn nhà ấm cúng ấy. Của ngon vật lạ cứ dành cho kẻ mọn mỗi khi về sì phố để rồi qua đó biết được trên đời có những món ăn hay ly rượu ngon như thế. Chủ đi xa nhưng vợ Chủ cứ nài khéo : “Về Sài Gòn Cha cứ ghé nhà ăn cơm như ngày xưa Bố còn sống nhé”.

 

            Đời đơn giản vậy ! Bữa no bữa kém hay như nửa nải chuối hay miếng bò Mỹ thật to cũng ấm lòng.

 

            Vậy thôi, đời tu xem chừng ra nhẹ nhàng và thanh thoát với tất cả. Cái gì nó cũng có cái giá của nó và khi mình chọn sống an nhàn và lặng lẽ ắt sẽ được gửi đến sự bình an.

 

            Cuộc sống xem chừng ra nó cứ nhẹ nhàng trôi với cái kiểu đại loại như nửa nải chuối hay dăm ba trăm bạc từ những tấm lòng thơm thảo. À mà có bao giờ Chúa để cho thiếu đâu. Dường như Chúa thấy hết tất cả vậy. Cứ hễ gần hết thì Chúa lại cứ ban cho và có khi lại dư đầy cho lũ trẻ.

 

            Dăm ba hôm, như một thói quen dễ mến, bọn trẻ cứ vào để “kiếm ăn”. Thương lắm chứ ! Nhớ lại hồi trẻ mình cũng như bọn nhóc thôi. Ai cho cái gì đó là thích thú vô cùng.

 

            Những cái bánh, viên kẹo từ những tấm lòng thơm thảo gửi từ nơi xa được sẻ chia cho lũ nhóc. Nhìn chúng ăn thôi cũng đã đủ ngon miệng chứ cần gì nói đến chuyện ăn. Già và có tuổi cũng như dư chất rồi đâu cần thiết để mà ăn.

 

            Cứ như vậy mà sống cho nhẹ lòng. Nhận được thì cho đi và cho đi khi nhận lãnh. Thế là đủ bình an. Mà thấy lạ ! Cứ gần hết thì Chúa lại cho và bọn trẻ lại cứ được nhờ.

 

 Đời đơn sơ là vậy đó ! Nửa nải chuối, dăm ba trăm bạc đủ để lo tròn cho cuộc sống. Phần còn lại là suy nghĩ sống sao cho tròn ý nghĩa của cuộc đời.

 

Ghi ơn và nhớ ơn những ai đã, đang và sẽ đỡ nâng cho phận hèn này.

 

Huệ Minh

  •  
  •  
  •  
  •