Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Rót ánh sáng - Đến từng chi tiết

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

RÓT ÁNH SÁNG

 

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

 

Nhìn xuống Paris - ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ - từ một nhà thờ trên đồi Montmartre chiều ngày 15/8/1534, Phanxicô Xaviê Giáo Hội mừng kính hôm nay đã quỳ gối cạnh Ignatiô Loyola và 5 sinh viên khác. Họ tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời Giáo Hoàng. Đó là ngày sinh của Dòng Tên! Từ ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ này, Phanxicô Xaviê sẽ xuống tàu, đến tận Đông và Tây Á để rót ánh sáng Tin Mừng cho hàng vạn người, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như các tông đồ xưa đã thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu, sáu năm sau ngày khấn, linh mục trẻ Phanxicô Xaviê đã xuống tàu đi Ấn Độ, một chuyến đi không bao giờ trở về. Cuộc hải trình suốt 13 tháng trên một tàu buôn thật tàn khốc, vậy mà, Phanxicô - vẫn cứng cáp như một vỏ cây - sẽ đem ánh sáng, ‘rót ánh sáng’, không phải ánh sáng văn minh Âu Châu, nhưng là ánh sáng Chúa Kitô cho Ấn Độ, Nhật Bản và các nước.

Thế nhưng, độc đáo hơn cả, trước hết, Phanxicô đã ‘rót ánh sáng’ này cho những đồng hương Kitô hữu của mình. Đó là những người buôn bán nô lệ. Một tay họ quất ‘những con vật người’ bằng roi, và tay kia, đếm những lần quất bằng tràng chuỗi Mân Côi! Niềm tin vào Chúa Kitô và tình bác ái đối với đồng loại - những nô lệ và những con buôn nô lệ - đã thiêu đốt trái tim con người trẻ Phanxicô.

Trong hơn một thập kỷ, Phanxicô đã thành lập các cộng đoàn thuộc Malaysia; quần đảo Spice, thuộc Indonesia; Cochin và các vùng thuộc Ấn Độ ngày nay; tiếp đến là Sri Lanka. Năm 1548, Phanxicô lên đường đến Nhật Bản, trở thành nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Nhờ nỗ lực của Phanxicô, đã có hơn 300.000 người cải đạo trong vòng 65 năm tiếp theo tuy phải trải qua nhiều thập kỷ bị đàn áp dữ dội và hàng trăm nghìn cuộc tử đạo. Năm 1552, Phanxicô nhận lời mời đi Trung Quốc để mang Phúc Âm đến lục địa này lần đầu tiên. Trong chuyến đi, ngài ngã bệnh và qua đời trên đảo Shangchuan, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở tuổi bốn mươi sáu.

Trong vòng mười năm, người ta ước tính Phanxicô Xaviê đã đi hơn 61.000 cây số trên bộ và trên biển, là người đầu tiên mang Tin Mừng đến các nước Châu Á, rửa tội khoảng 30.000 linh hồn. Phanxicô rời Âu Châu và gia đình ở tuổi 19 để không bao giờ gặp lại họ nữa. Cuộc đời Phanxicô là một lễ hy tế thực sự. Cuối cùng, thi thể ngài được đưa trở lại Goa, Ấn Độ, nơi nó được chôn cất và tôn kính cho đến ngày nay. Để tôn vinh ngài, cánh tay của Phanxicô đã được cắt khỏi cơ thể vào năm 1614 để đem về Rôma và được tôn kính tại nhà thờ Dòng Tên.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Phanxicô Xaviê thực sự là một ‘Phaolô khác’ đối với Châu Á. Khi chúng ta tôn vinh vị tông đồ vĩ đại, hãy suy ngẫm về tất cả những gì vị thánh trẻ đã hoàn thành trong mười năm ngắn ngủi. Khi làm vậy, bạn hãy cân nhắc đến mười năm tiếp theo của cuộc đời bạn và tái hiến mình cho sứ mệnh mà Chúa Kitô giao phó. Bạn có dám đi vào thế giới ngày nay - bắt đầu từ những người trong gia đình mình, cộng đoàn mình, môi trường mình - để ‘rót ánh sáng’ Tin Mừng Chúa Kitô trong những ngày đời còn lại?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ngay hôm nay và trong những năm ‘có thể rất vắn vỏi’ của đời con?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

ĐẾN TỪNG CHI TIẾT

 

“Chúa Giêsu lên núi và ngồi ở đó. Dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa”.

 

“Hãy trút mọi lo âu cho Chúa, bạn thuộc về Ngài! Đừng bao giờ nghĩ Ngài bỏ mặc bạn, vì điều đó có nghĩa là, bạn đang ‘đổ tiếng xấu’ cho Ngài. Dù đang ở trong bóng tối, hãy tin yêu hy vọng; vì ngay trong sự mờ mịt, Ngài vẫn chở che linh hồn bạn đến từng chi tiết!” - Gioan Thánh Giá.      

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Ngay trong sự mờ mịt, Ngài vẫn chở che linh hồn bạn ‘đến từng chi tiết!’”. Những lời trên có thật không? Cả hai bài đọc hôm nay bảo rằng, “Thật!”; đặc biệt, bài Tin Mừng. Hãy nhìn đoàn người tìm đến Chúa Giêsu! Họ đại diện cho một nhân loại tất tưởi, phiêu bạt, đói khát, đủ mọi hạng người; một nhân loại cùng khốn kiếm tìm Thiên Chúa.

 

Chúa Giêsu lên núi, ngồi xuống, và dân chúng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ câm, mù, què, liệt và các bệnh tật khác. Ngài không thẩm vấn họ về quá khứ, hoặc nghi ngại về những tội lỗi họ đã gây ra; Ngài đơn giản cung cấp cho mỗi người những gì họ cần: thị giác, thính giác; người câm được nói, người què nhảy nhót như nai… Và sau đó, Ngài cho họ ăn. Tuyệt! Điều Isaia tuyên sấm những 800 năm trước về bữa tiệc trên núi Thiên Chúa sẽ thết “muôn dân” - bài đọc một - nay ứng nghiệm ‘gần như hoàn hảo’ với Chúa Giêsu khi Ngài nhân lên bánh và cá để đãi ‘hàng ngàn người’ no thoả.

 

Thế nhưng, phép lạ trên núi ngày ấy mới chỉ là khúc dạo đầu cho một phép lạ thậm chí còn vĩ đại hơn mà Thiên Chúa đã dự liệu. Ngài biết cơn đói trong lòng nhân loại là vô cùng, cơn khát trong trái tim nó là vô biên; Ngài cũng biết giới hạn của lương thực vật chất, cả khi nó dồi dào. Vì thế, Ngài sẽ cung cấp cho nó những gì thực sự cần hơn! Ngài sẽ đãi tiệc “Chiên Thiên Chúa”, tiệc “Đấng xoá tội trần gian” khi Con Một Ngài hạ mình trở nên của ăn của uống. Và nhân loại đó sẽ không còn đói, không còn khát! Ngay hôm nay, mỗi ngày, trên các bàn thờ hoàn vũ, Thiên Chúa tiếp tục với những ‘hào soạn’ Thánh Thể liên lỉ với chính Máu Thịt Con mình. Rõ ràng, Ngài không chỉ quan tâm phần xác khi cho con người cái ăn cái mặc, Ngài quan tâm ‘đến từng chi tiết’ linh hồn nó!

 

Anh Chị em,

 

“Dân chúng lũ lượt đến cùng Ngài!”. Cuộc đời con người vẫn mãi là một cuộc tìm kiếm Giêsu - tâm điểm mọi khát vọng - và chỉ một mình Ngài mới thoả mãn chúng. Những ngày đầu Mùa Vọng, bạn và tôi hãy hình dung giây lát về ‘khối nhân loại’ vây quanh Ngài ngày ấy! Và sẽ ý nghĩa hơn, cần kíp hơn, khi chúng ta đặt mình trong chính ‘nhân loại’ tất tưởi đó! Rồi như thể đám đông biến mất để bạn ở lại một mình với Chúa Giêsu, Ngài đang nhìn vào mắt bạn với tất cả trìu mến yêu thương; Ngài đang hỏi mỗi người chúng ta, “Con tìm gì?”, “Con mắc bệnh gì?” mặc dù Ngài biết tỏng chúng ta ‘đến từng chi tiết’. Hãy nói với Ngài ‘tử huyệt’ của bạn, hãy thì thầm với Ngài ‘gót Achilles’ của bạn; phần xác, phần hồn! Đó có thể là một tội lỗi đang chia cắt chúng ta với Chúa, với anh chị em mà ai trong chúng ta cũng muốn vượt thắng trong mùa hồng phúc này!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Đấng con tìm kiếm, cũng là Đấng kiếm tìm con. Đừng để con ‘đổ tiếng xấu’ cho Chúa; vì con tin, dù con tệ hại đến đâu, Chúa vẫn đang chăm bẵm ‘đến từng chi tiết’ xác hồn con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)