Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người dọn đường

Tác giả: 
Lm Thái Nguyên

 

 

NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG

Chúa Nhật 2 Mùa Vọng năm C : Lc 3.1-6

 

Suy niệm

Mở đầu bài Tin Mừng, thánh Luca nêu rõ khung thời gian mà Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng tại đất nước Do Thái. Trong bối cảnh này, tác giả cho ta thấy hai quyền lực đạo đời đang phát triển và đối đầu với nhau. Có một thế lực đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phongxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania. Có nhóm người khác đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha. Đang khi đó xuất hiện một đối trọng thứ ba, một nhân vật khác thường và đường hướng cũng khác biệt. Đó là Gioan Tẩy Giả, với lời hiệu triệu mọi người phải sám hối để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Gioan không những được sinh ra một cách kỳ lạ, mà còn thể hiện một lối sống khác lạ. Các bạn trẻ thường vào đời với những mơ ước thành đạt, muốn tạo lập cho mình một sự nghiệp to tát ở đời. Gioan thì trái lại, không chọn con đường đi lên mà chọn chọn con đường đi xuống: con đường thiêng liêng. Đó là con đường chay tịnh và tu tập, bằng một cuộc sống nhiệm nhặt và khổ chế nơi hoang địa. Chính trong sự thanh thoát, tĩnh lặng và cầu nguyện mà Gioan đã nghe được tiếng Chúa. Chính trong sự gặp gỡ Chúa mà ông nhận ra con đường mình phải đi và sứ mạng mình phải thi hành. Chính nhờ đó mà lời rao giảng của ông càng đáng tin đối với dân chúng, và cũng đáng gờm đối với hai thế lực kia, mặc dù ông đơn thân độc mã, không phe phái, không quyền hành, không thế lực, cũng không dựa dẫm vào bất cứ quyền lực nào.

Lời Chúa đưa bước Gioan rời khỏi hoang địa để đến vùng ven sông Giođan với vai trò là người thanh tẩy tâm hồn cho những ai sám hối, nên từ đó ông được gọi là Gioan Tẩy Giả. Lời Chúa mà ông nghe trong hoang địa trở thành Lời Chúa mà ông công bố. Tiếng Chúa gọi ông trở thành tiếng ông mời gọi mọi người, nên từ đó ông còn được gọi là Gioan Tiền Hô, là người loan báo về Đấng Cứu Thế. Gioan đã trở nên vị ngôn sứ độc đáo cho dân tộc ông sau bốn thế kỷ vắng bóng ngôn sứ.

Để chuẩn bị cho dân mình đón nhận Đấng Cứu Thế, ông yêu cầu dân chúng phải quay về với Thiên Chúa, không thể tiếp tục sống theo đường xưa lối cũ, mà phải làm một cuộc đổi đời, đổi cái nhìn, đổi lối suy nghĩ, như có lời chép trong sách Isaia rằng: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng.” (Lc 3, 5). Có bao lối nghĩ quanh co, muốn đi con đường tắt dễ dãi để sống ung dung, an nhàn; có bao toan tính quanh quẩn, muốn tránh né bổn phận đối với Chúa và với nhau; có những thói quen giả bộ, giả hình, chỉ lo xét người mà không lo xét mình.

Cũng có những tình trạng tâm hồn như thung lũng tối tăm, vì thiếu ánh sáng của tình yêu, nên phát sinh ghen ghét, oán hờn, tranh chấp, thành kiến, vô tâm và ác cảm với nhau. Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn, với những phê bình chỉ trích, bất hợp tác, thậm chí còn gây ra chia rẽ trong cộng đoàn, gia đình, xứ đạo. Có những chỗ mấp mô, lồi lõm, gồ ghề của sự lười biếng và dung dưỡng bản thân, không muốn vươn lên trong sự thiện, và được viện cớ bằng nhiều lý lẽ.

Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Giáo hội luôn thiếu những con đường bằng phẳng để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Đó là điều mà mỗi người Kitô hữu chúng ta phải làm nên bằng chính cuộc sống mình, và để từ đó mở ra những con đường mới cho con người hôm nay có thể đón nhận Chúa. Như Gioan tu luyện bản thân mình và gặp được Chúa trong rừng vắng, chúng ta cũng phải có giờ tĩnh lặng để sống bên Chúa và tu chỉnh lại đời sống mình. Hãy thành tâm đến với bí tích Hòa Giải với lòng khao khát đổi mới bản thân, để ta trở thành một Gioan mới cho người xung quanh.

Cũng như Gioan, mỗi Kitô hữu cũng là một ngôn sứ, chuẩn bị cho Chúa đến trong cuộc đời này, trên quê hương xóm làng của mình. Mỗi người chúng ta phải là một tiếng hô giữa sa mạc đời, để mọi người có thể nghe biết đến Chúa. Bản thân chúng ta phải là một sự hiện diện khiêm nhu và đầy tình nhân ái, nhưng cũng rất phân minh, rõ ràng và ngay chính như Gioan, để loan báo trước hình ảnh Đấng sẽ đến.

Chúng ta được chọn gọi làm Kitô hữu là một hồng ân mà cũng vừa là một trách nhiệm trong việc loan báo Đức Kitô, không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống đã được đổi mới của mình. Khi con đường của cõi lòng chúng ta đã ngay thẳng và bằng phẳng, thì trước sau gì những người xung quanh ta cũng nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa Giêsu!
Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả,
mỗi người chúng con là một con đường,
để Chúa đến với con người hôm nay,
ban sức thiêng cho cuộc sống đời này.

Nhưng lòng còn quanh co gian dối,
còn che chắn và tăm tối mịt mù,
còn những lối hiềm thù và đố kị,
còn những mô cao khinh thị kiêu căng,
còn những gồ ghề nhỏ nhen ích kỷ,
những vô lý và thô bỉ với người.

Như thánh Gio-an đã kêu gọi,
xin cho con biết thật tình sám hối,
biết tu tâm và đổi mới bản thân,
biết dành giờ cho Chúa và tha nhân.

Như thánh Gio-an đã từng sống,
cho con sống khó nghèo và nhiệm nhặt,
biết từ khước những gì là dễ dãi,
những tiện nghi và thoải mái cho mình,
để sống chân tình và giản dị đơn sơ.

Như thánh Gio-an đã hành động,
xin cho con dám sống một đức tin,
ra khỏi mình và đến với anh em,
gần gũi và đỡ nâng người yếu kém,
xả thân vì sự thật của Tin Mừng.

Như thánh Gio-an đã nêu gương,
cho con biết rút lui vào hậu trường,
bỏ uy thế và ảnh hưởng của mình,
rất hân hoan nhường đường cho Chúa đến,
để đem lại ơn cứu độ cho đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên