Mùa Vọng Và Giáng Sinh - Thời Gian Ủng Hộ Sự Sống
MÙA VỌNG & GIÁNG SINH – THỜI GIAN ỦNG HỘ SỰ SỐNG
Mùa Vọng khởi đầu, Giáng Sinh lại về. Đây là thời gian ủng hộ sự sống, mọi người ủng hộ Hài Nhi chưa chào đời, sau đó vui tưng bừng khi Hài Nhi sinh ra.
Mọi người đều liên đới: Những con đường phố được trang trí để chào mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Âm nhạc trong các cửa hàng ca tụng một người mẹ nghèo khó và người cha nuôi đã cam kết mang đứa con đến đủ tháng. Và ở mọi nơi, người ta lôi kéo bạn bằng những cách mới để chúc mừng một cặp vợ chồng tị nạn sinh con trong lúc xa nhà, xa quê.
Giáng Sinh là lễ ủng hộ sự sống lớn nhất trên thế giới. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta tại sao niềm vui này đã khơi dậy việc cử hành Lễ Giáng Sinh hàng ngàn năm qua.
Mùa Vọng là mùa của bóng tối. Nó diễn ra vào những ngày đen tối nhất trong năm theo đúng nghĩa đen, và chứa đầy lời nói của các tiên tri, những người đang vô cùng bất ổn về tình trạng của thế giới, vào thời điểm mà cả thế giới đang mong đợi một sự kiện lớn. Ngôn sứ Isaia kêu than: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan.” (Is 63:19b) Ông thấy “từ gốc tổ Giesê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11:1) và tiên đoán “một trẻ thơ chào đời để cứu chúng ta.” (Is 9:5)
Trong Mùa Vọng, thế giới đen tối khao khát Vị Cứu Tinh, và ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy điều Chúa sẽ làm: Ngài sẽ gửi một hài nhi đến. Trong bóng tối này, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến với Đức Maria ở Nadarét.
Thiên thần đến thăm Đức Maria và báo một tin đáng chú ý: Bà sẽ mang thai một người con nhận vương quốc vĩnh cửu. Câu chuyện có nhiều ý nghĩa, nhưng có điều nói rằng THAI NHI VÀ TRẺ SƠ SINH RẤT QUAN TRỌNG.
Như để nhấn mạnh điểm đó, sứ thần nói với Đức Maria rằng người chị họ Êlidabét cũng đang mang thai được 6 tháng. Đức Maria “vội vàng” đến nhà người chị họ ở vùng đồi núi Giuđa, một chuyến đi mà ngay cả khi bạn vội vã cũng phải mất ít nhất 1 hoặc 2 tuần. Sau đó, Đức Maria đã ở lại nhà chị Êlidabét 3 tháng.
Bây giờ chúng ta biết điều này có ý nghĩa gì trong thời gian phát triển của Chúa Giêsu. Khoảng ngày thứ 20, trái tim Chúa Giêsu bắt đầu đập – hoạt động đầu tiên của Thánh Tâm. Và 1 tháng sau, toàn bộ hệ thống cơ thể của thai nhi sẽ xuất hiện, bao gồm cả các ngón tay và ngón chân.
Nhưng vào ngày Đức Maria đến lần đầu tiên – khi Chúa Giêsu mới được 10 đến 20 ngày tuổi – thì điều đó đã không xảy ra. Lúc đó Chúa Giêsu như thế nào? Ở giai đoạn sớm nhất, phôi thai đã là bé trai hay bé gái với DNA xác định tuổi thọ và các đặc điểm khác.
Chúa Giêsu phôi thai đã là Chúa Giêsu rồi, nhưng Ngài trông chưa giống Chúa Giêsu đâu. Và rồi, trước khi Thánh Tâm bắt đầu đập, trước khi bàn tay bẻ bánh của Chúa Kitô hình thành, trước khi bàn chân đi trên mặt nước có ngón chân, Đức Maria đã đến nhà bà Êlidabét.
Tin Mừng Luca kể: “Bà [Maria] vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlidabét. Bà Êlidabét vừa nghe tiếng bà Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên.” (Lc 1:40)
Đức Mẹ đem Chúa Giêsu chưa sinh đến nhà bà Êlidabét, và ngay khi Đức Mẹ đến, một đứa trẻ chưa chào đời đã phản ứng với âm giọng nói của Đức Mẹ. Một em bé 6 tháng trong bụng mẹ đã làm chứng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng chỉ mới ở trong bụng mẹ được ít ngày. Lời chứng đáng kinh ngạc này về Chúa Giêsu chưa sinh ra đã được khuếch đại rất nhiều sau khi Chúa Giêsu sinh ra.
Trước khi Chúa Giêsu sinh ra, ngôn sứ Gioan chưa chào đời đã tiếp đón Ngài bằng cách nhảy lên vui sướng. Sau khi sinh ra, vô số thiên thần đã công bố: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2:11) Nhiều người từ Đông phương đem lễ vật đến hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2:2)
Sự ra đời của Chúa Giêsu rất quan trọng, vẫn là một phần của linh đạo Kitô giáo cho đến ngày nay. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô và chúng ta: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6) Thánh Phaolô giải thích rằng việc sinh ra nhờ phép rửa này làm cho chúng ta trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, giống như Chúa Kitô vậy: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên… Khi chúng ta kêu lên: ‘Abba! Cha ơi!’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:14-16)
Vì vậy, Mùa Vọng và Giáng Sinh này, hãy cầu nguyện cho thai nhi. Một Vị Vua vĩ đại và quyền lực đã từng ở vào hoàn cảnh giống như chúng và Ngài đã đến để cứu tất cả chúng ta.
TOM HOOPES
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Mùa Vọng – 2023
- Tổng Hơp: