Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mày biết bố mày là ai không ?

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

MÀY BIẾT BỐ MÀY LÀ AI KHÔNG ?

 

          Chả biết tự lúc nào, câu nói : “mày biết bố mày là ai không ?” được râm ran, được truyền miệng trong xã hội để chỉ về những kẻ cao ngạo.

 

          Ở đời, nhiều và rất nhiều người cao ngạo, tự cao tự đại. Thế nhưng rồi trong lịch sử của Hội Thánh, trong dòng chảy của ơn cứu độ thì lại có những con người khiêm hạ, chuyên môn đóng vai phụ trong cuộc đời của mình.

 

          Trong các môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu, phảng phất một cuộc đời nhỏ bé và khiêm tốn. Thánh Andrê ẩn mình và sống như chỉ để cho người khác đến với Chúa.

 

          Thánh Andrê, em thánh Phêrô, là người đầu tiên trong Mười Hai Tông đồ  đã biết Chúa Giêsu, ngay sau khi người chịu Phép rửa ở sông Giođan, lúc ngài còn là môn đệ của Gioan Tẩy giả.

 

Tin Mừng kể như sau : “Hôm đó, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói:

 

- Đây là Chiên Thiên Chúa.

 

Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi :

 

- Các anh tìm gì thế ?

 

Họ đáp :

 

Thưa Rápbi (nghĩa là Thưa Thầy) Thầy ở đâu ?

 

Người bảo họ :

 

- Đến mà xem.

 

Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở  lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1,35-39).

 

Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, ngài đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên:

 

Chúng tôi đã gặp Đấng Messia (nghĩa là đấng Kitô). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simon, và nói:

 

- Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô) “ (Ga 1,40-43) .

 

Nhưng thánh nhân chỉ được Chúa chính thức gọi theo Người lúc đang thả lưới với anh là Phêrô, ở biển hồ Tibêria. Người gọi các ông trong hoàn cảnh sau đây:

 

Người đang đi dọc biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông Andrê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:

 

- Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.

 

Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt. 4,18-20).

 

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, thánh nhân là người lên tiếng thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6,9).

 

Và ở Giêrusalem, khi những người Hy Lạp xin gặp Chúa Giêsu, ông là người đã giới thiệu họ với Chúa (Ga.12,22).

 

Tương truyền sau khi Chúa về trời, thánh nhân đã loan báo Tin mừng ở  Giêrusalem, Giuđê và Galilêa. Sau đó ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp và chịu tử đạo tại đây. Người ta bắt ngài đem nộp cho quan tổng trấn ở Patra. Viên này bảo ngài tế thần thì ngài nói :

 

- Thần của các ông là ma quỷ xấu xa không nên thờ. Chỉ phải thờ Thiên Chúa là Vị Thẩm phán có quyền xét xử mọi người.

 

Tổng trấn hỏi lại :

 

- Vị Thẩm phán anh nói là Giêsu bị đóng đinh treo trên khổ giá đó phải không? Nếu anh không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết treo trên khổ giá như thế.

 

Thánh nhân chẳng những không sợ mà còn vui mừng nói:

 

- Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi vì được chết giống Thầy chí Thánh của tôi.

 

Viên tổng trấn nổi giận, truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết. Khi nhìn thấy thập giá mà ngài sẽ phải bị treo lên, Ngài chào mừng và nói:

 

- Ôi Thánh giá là nơi Chúa chịu chết chuộc tội loài người, tôi đã quý mến ngươi từ lâu. Ngươi hãy giúp tôi đến gặp Chúa Giêsu là Thầy Chí Thánh của tôi.

 

Lý hình cột treo ngài lên thập giá. Từ trên cao, ngài kêu gọi mọi người hãy tin thờ Chúa rồi gục đầu tắt thở.

 

Thánh Gioan Kim Khẩu đã khen ngợi thánh Andrê tông đồ, ngài nói: “Sau khi ở lại với Đức Giêsu và học cùng Người được nhiều rồi, Andrê đã không giấu kho tàng quý báu nơi mình, nhưng vội vàng chạy đến anh mình và chia sẻ với anh…”

 

Thánh Andrê còn là nhịp cầu” nối kết những người Do Thái và dân ngoại đi theo Chúa Giêsu. Andrê và Philipphê là người trung gian giữa Chúa Giêsu và người Hy lạp. 

 

Đời của thánh Andrê là như vậy, Ngài luôn đóng vai phụ, Ngài là nhịp cầu, Ngài là trung gia để đưa người khác đến với Chúa.

 

Dừng lại một chút để ta thấy hay hay ! Ở đời, nhiều người thích đóng vai chính, nhiều người thích cho người khác “mày biết bố mày là ai không ?” và rất cao ngạo. Mẫu gương của Thánh Andrê cũng để cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi trong cuộc đời bởi lẽ khiêm tốn là bài học mà ta phải học cả đời. Chúng ta đừng bao giờ cao ngạo cũng như mở miệng nói theo kiểu khinh đời mày biết bố mày là ai không ?”