Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nhớ Hàn Mạc Tử

Tác giả: 
Độc Huyền Cầm

 

 

NHỚ HÀN MẶC TỬ

 

Trong thi ca cũng như văn học, đã có biết bao nhiêu bút mực diễn tả về Hàn Mặc Tử, một người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh. Chỉ sống giữa đời có 28 mùa xuân (1912-1940) nhưng Hàn Mặc Tử đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu kiệt tác tuyệt vời và ý vị. Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Ngọc Phan chỉ vài nét phác họa đã phần nào nói lên được cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của người thi sĩ xấu số này: “Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều về Hàn Mặc Tử. Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông” (Trong cuốn Nhà văn hiện đại in năm 1942).

 

Từ nhỏ, tôi có cơ may được biết đến danh tiếng thi sĩ Hàn Mặc Tử qua các thi phẩm đời cũng như đạo, đặc biệt là bài ca bất hủ Avemaria đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm khó quên. Sau này khi học đại học, sống trong môi trường thuận lợi hơn nên tôi có dịp đọc và tìm hiểu thêm về cuộc đời cũng như thơ ông qua sách báo và phim ảnh. Thật là mầu nhiệm, càng tìm hiểu đi sâu vào cuộc đời hay thơ ca của thi sĩ Hàn Mặc Tử, nó lại càng cuốn hút tôi cách mãnh liệt và kỳ lạ hơn. Mặc dù công việc bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng dành dụm thời gian đọc các tuyển tập thơ của ông như: Xuân Như Ý, Gái Quê, Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng, Hồn Điên… và xem những bộ phim chiếu về cuộc đời ông, mặc dù đã xem đến ba bốn lần nhưng tôi vẫn còn muốn xem lại. Có những lúc tôi tự hỏi tại sao những bộ phim của ông, những tập thơ của ông lại có sức lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt và kỳ lạ vậy? Có thể là tôi tìm được trong thơ ông một nguồn sáng mới hay một sự đồng cảm của những tâm hồn đa cảm, gian truân cùng cảnh ngộ chăng?

 

Về điểm thứ nhất: tìm được nguồn sáng mới. Có lẽ tôi không đủ tài cán để bình phẩm về thơ ông vì tôi không được Trời ban cho khả năng thi phú. Vả lại, vì cũng đã có biết bao nhiêu công trình nghiên cứu về cuộc đời và thơ của ông rồi, nên tôi cũng không dám viết thêm gì về ông nữa. Tôi chỉ xin mượn lời của Chế Lan Viên để nói về ông: “Tử là một đỉnh cao, chói lòa trong văn học của thế kỷ, thậm chí các thế kỷ…”. Qủa đúng vậy, mỗi khi đọc thơ ông tôi cảm nhận được nó có những ý niệm lạ thường, những tứ thơ huyền ảo, những âm điệu bổng trầm da diết, những chất liệu thơ ngập tràn xúc cảm… làm cho tâm hồn tôi đê mê giữa một thế giới huyền bí vừa thực vừa ảo.

 

Về điểm thứ hai: sự đồng cảm của những tâm hồn đa cảm, gian truân cùng cảnh ngộ. Có thể điểm thứ hai này có phần nào đúng chăng? Thú thực tôi không dám xác nhận vì tôi không xứng đáng để so sánh với các bậc anh tài, có điều không hiểu sao có nhiều khi trong đêm thâu tôi lại ngồi suy nghĩ miên man về những nét có phần tương đồng này: đến với thơ nhờ có cùng một niềm tin Công giáo, cùng sinh ra trong gia đình nghèo giữa một xã hội đang đổi thay, Bố mất sớm cho nên phải vất vả ngược xuôi giữa chợ đời… Điều làm tôi suy nghĩ nhiều hơn về câu nói của Hàn Mặc Tử:“Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời – Thượng Đế bắt chúng ta phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình”. Câu nói đầy tính triết lý của Hàn Mặc Tử hẳn sẽ làm chúng ta phải suy nghĩ, bởi vì từ xa xưa cổ nhân cũng đã có câu:“chữ tài liền với chữ tai một vần”. Dù vậy, tôi thiết nghĩ chúng ta cũng không nên quá bi quan trước những “định mệnh xấu số” của cuộc đời, bởi vì bàn tay của Tạo Hóa đã an bài và xếp đặt tất cả. Bên cạnh đó, nếu chúng ta phóng xa tầm mắt ra ngoài cái nhìn bó hẹp của con người, để nhìn cuộc đời bằng lăng kính của niềm tin hay của nghệ thuật Chân Thiện Mỹ thì chính nhờ định mệnh tàn khốc đó, cộng thêm những trải nghiệm bình dị, thiêng liêng nó lại là nguồn hứng dạt dào và sục sôi trong những tâm hồn đa cảm, nó sẽ làm trái tim rung lên những âm điệu diệu kỳ, trào ra những khí huyết rền vang dưới ngòi bút của thi sĩ, để rồi người nghệ sĩ đó “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng” tất cả hòa trộn lại tạo nên một bản tình ca bất diệt cho nhân loại.

 

Có nhiều điều thao thức, cảm phục, nhớ thương… muốn nói về người thi sĩ tài hoa này, nhưng có lẽ tôi không biết phải dùng bút lực nào để diễn tả cho trọn vẹn được. Tôi chỉ biết gói ghém những tình cảm riêng tư gửi gắm vào bài đường thi Nhớ Hàn Mặc Tử, ước mong nó cũng là chút hương lòng dâng lên người thi sĩ tài hoa đã quá cố, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

 

Độc Huyền Cầm

************************

Nhớ Hàn Mạc Tử (PDF)