Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Phương Pháp Cầu Nguyện Nội Tâm

Tác giả: 
Sưu tầm

 

 

PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN NỘI TÂM

 

 
 
Cách Cầu Nguyện Mỗi Ngày
 
Mỗi ngày, con dành ra 10 phút buổi sáng để cầu nguyện dâng ngày cho Chúa, và 10 phút buổi tối để hồi tâm tạ ơn Chúa trước khi đi ngủ.  
 
Con cầu nguyện bằng cách kêu Danh Thánh Chúa Giê-su, “Giê-su, xin cứu giúp con!” Mỗi khi thành tâm kêu cầu Danh Chúa, con sẽ được Chúa ban ơn.
 
Buổi sáng thức dậy, trước khi ăn sáng, con hãy dành 10 phút với Chúa.
 
Bắt đầu bằng một cử chỉ cung kính: như cúi đầu chào Chúa, làm dấu thánh giá.
 
Sau đó, hãy nói với Chúa những gì trong tâm tư của mình, và mọi dự tính của mình cho ngày hôm nay. Rồi xin Chúa cứu giúp con. Ví dụ:
 
“Chúa ơi, hôm nay con phải đi làm, mà thấy mệt mệt. Giê-su, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, hôm nay con có cái hẹn, không biết làm sao, lòng thấy lo.  Giê-su, xin cứu giúp con!”
 “Chúa ơi, nhà con hết sữa rồi, chiều về con phải ghé mua sữa.  Giê-su, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, hôm nay lại đi làm gặp cái người khó tính ấy. Giê-su, xin cứu giúp con!”
 
Con nói với Chúa tất cả những gì đến trong đầu mình, không chừa điều gì cả. Tất cả mọi nỗi lo âu, bận tâm, mọi chương trình, kế hoạch của mình, đều nói với Chúa hết. Và kêu cầu Chúa, xin Chúa cứu giúp con.  Xin Chúa chúc lành cho con hôm nay.  Kết thúc bằng một kinh Lậy Cha.
 
***
 
Buổi tối, trước khi đi ngủ, con cũng dành 10 phút cho Chúa.
 
Bắt đầu bằng một cử chỉ cung kính trước mặt Chúa. Sau đó, nhìn lại mọi việc trong ngày, và nói với Chúa mọi điều đã xảy ra.  Trút hết bầu tâm sự của mình cho Chúa.
 
“Chúa ơi, hôm nay con đi làm ra thấy căng thẳng, đói và mệt lắm. Giê-su, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, hôm nay người kia làm con buồn lòng lắm. Giê-su, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, con làm chưa xong việc phải làm, nên hơi lo. Giê-su, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, hôm nay con vui quá, vì con nhận được tin vui.  Giêsu, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, con không biết dạy con thế nào.  Giêsu, xin cứu giúp con!”
“Chúa ơi, con không biết cầu nguyện sao cho đúng.  Giêsu, xin cứu giúp con!”
 
Chia sẻ với Chúa tất cả mọi điều làm mình bận tâm, trong tâm tình tin yêu, phó thác vào Chúa. Kết thúc bằng một kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh.
 
Nếu con cầu nguyện với tấm lòng chân thành, con sẽ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm hẳn đi. Chúa sẽ cứu giúp con, và chỉ dẫn cho con những điều con cần.
 
Hoa Trái của Cầu Nguyện Nội Tâm:
 
Sau một thời gian cầu nguyện, người tập luyện sẽ nhận thấy những kết quả rất rõ ràng.  Lời nguyện nội tâm giúp mình dẹp đi những bề bộn trong nội tâm
 
 i.) Trao cho Chúa những ưu tư, bận tâm, lo lắng của con.
ii.) Giúp mình hóa giải những tức giận, ý nghĩ tiêu cực, giận ghét người khác.
iii.) Giúp mình xua đuổi đi những ý nghĩ kiêu căng, tự đắc làm cản trở việc cầu nguyện
iv.) Trở về với nội tâm của mình.
 
1.      Dẹp đi những ưu tư, lo lắng đè nặng trong nội tâm
 
Mỗi lần hóa đơn về đòi tiền điện, tiền gaz, tiền nhà, tiền nước, rồi tiền học, giấy nhà trường về, lại là một nỗi lo cho mình.  Trong cuộc sống có biết bao điều lo âu, căng thẳng, làm cho mình hao tâm tổn lực.  Lo lắng quần áo, giầy dép cho con, đưa đón con đi học, miếng ăn thức uống, công việc nhà cửa, làm ăn…  Mỗi chuyện ấy mang trong lòng mình, tích tụ trăm ngàn điều, sẽ rất nặng nề, mệt trí, mệt tâm hồn, căng thẳng, nhức đầu.  Cần trao cho Chúa những gánh nặng của mình, để tâm hồn mình được thanh thản.  Trao cho Chúa bằng cách nói ra điều mình lo âu với Chúa, rồi kêu cầu Danh Chúa.
 
Mỗi nỗi lo, chia sẻ với Chúa, sẽ trở nên nhẹ nhàng, không còn đè nặng trong tâm trí mình.  Chúa làm nhẹ vơi đi gánh nặng cho mình.
 
Mỗi dự tính phải làm, khi gắn với lời ấy, sẽ thành một lời cầu nguyện.  Khi bắt tay vào làm việc ấy, Chúa sẽ làm với mình.
 
Mỗi nỗi sợ hãi, đe dọa, khi có lời cầu nguyện, sẽ bớt đi sự hung gắt của nó, vì mình luôn luôn có Chúa ở bên.  Gần gũi với mình như một lời kêu cầu, như một hơi thở, “Giêsu, xin cứu giúp con!”  Hình ảnh người ngồi cầu nguyện mà có đạo binh hung tợn, bắn muôn vạn tên vào mình.  Người ấy cầu nguyện, và các mũi tên biến thành những bông hoa rớt xuống quanh mình.
 
Mỗi nỗi đauvết thương, khi kêu cầu Chúa cứu giúp, sẽ bớt đau xé trong lòng, và có tia sáng hy vọng.  Khi nào mình sẵn sàng, Chúa sẽ cùng với mình mổ xẻ vết thương, và chữa trị cho khỏi hẳn.
 
Kêu cầu Chúa cứu giúp mình là nhận mình bất lực, và nhìn nhận Chúa là Đấng Cứu Độ tôi.  Tôi không thể làm được việc này một mình.  Xin Chúa vào nhà của con, và cứu giúp con.  Tôi nhận tôi phải cậy dựa vào Chúa.  Điều này đòi hỏi sự khiêm nhường, và niềm tin.
 
2.      Giúp mình hóa giải những tức giận, ý nghĩ tiêu cực, giận ghét người khác.
 
Mỗi người chúng ta cần một xe đựng rác.  Tâm hồn mình có rất nhiều rác rưởi: giận dữ, bực dọc vì những chuyện phiền lòng, bất mãn với người này người khác, trong gia đình, trong nơi làm việc, hay trong nhóm Đồng Hành. 
 
Mỗi lần kêu Danh Chúa, Chúa sẽ cứu giúp mình, lấy đi những rác rưởi, nặng nề, bực tức, giận dỗi, căm thù trong lòng mình.  Giống như đổ hết vào Chúa.  Đây chính là ý nghĩa của câu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.”  Chỉ có Chúa mới lấy đi được tội lỗi, rác rưởi trong tâm hồn mình, và tiêu diệt nó.  Nếu không, nó sẽ tích tụ, và chờ cơ hội bộc phát như núi lửa, tiêu diệt người khác và chính mình.  Mác-cô 9:50 có một câu rất lạ, tôi thấy ý nghĩa rất phù hợp với hoàn cảnh này: “Hãy có muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”. 
 
Mỗi chúng ta phải có cách để giải tỏa những tức tối, giận dữ, bực dọc, thù oán trong lòng, thì mới sống hòa thuận với nhau trong gia đình.
 
Khi đi họp Đồng Hành, nếu mình mang đến nhóm một sự bực tức, với một cá nhân nào đó, thì mình sẽ ngấm ngầm tỏ lộ nó ra:
 
bằng thái độ, bằng chia sẻ của mình trong nhóm.  Tôi đã thấy điều đó xảy ra, và điều đó không lành mạnh cho nhóm: làm không khí ra nặng nề.  Không phải chia sẻ đức tin, mà chia sẻ bực dọc, tức tối, làm cho nhóm ra nặng nề, căng thẳng.
 
Chuyện ngụ ngôn của người Thổ Dân Mỹ có nói rằng trong tâm hồn mỗi người chúng ta có hai con chó sói tranh đấu với nhau: con chó thiện, và con chó ác.  Con chó nào sẽ thắng?  Con chó mà mình nuôi cho nó ăn.  Nếu con ác thắng, thì mình trở thành con chó sói ác: mình sẽ cắn xé người khác. 
 
3.      Giúp mình xua đuổi đi những ý nghĩ kiêu căng, tự đắc, làm mình xa cách Thiên Chúa, xa cách anh chị em, xa cách chính mình.
 
Sự kiêu ngạo là trở ngại rất lớn cho việc cầu nguyện.  Cầu xin Chúa cho con nhận ra sự kiêu ngạo tiềm ẩn rất sâu trong con người mình.
 
Lưu ý: Trong Phúc Âm Luca, “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống.”  Tuy nhiên Chúa hạ người kiêu ngạo xuống, không phải là ghét bỏ họ, mà là thương họ.  Như vậy, hạ thấp kẻ kiêu ngạo, không phải là hình phạt, mà là ân sủng: Chúa rất thương.  Chúa hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng: là thương họ và giải thoát họ khỏi nơi bế tắc, khô cứng.  Hình ảnh ngồi trên ngai vàng là nơi bị xa cách khỏi Thiên Chúa, và xa cách anh chị em mình, và xa cách chính mình.
 
Do đó, nhận ra sự kiêu căng của mình chính là ân sủng của Chúa.
 
Trong Linh Thao, kiêu ngạo là nhận những gì không phải của mình làm của mình: kể cả tài năng, chức tước, bằng cấp, sắc đẹp, sức khỏe, kể cả những điều tốt đẹp mình làm được.

Trong Đoạn Phúc Âm Luca 18:9-14 : Dụ Ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế
 
Người Phariseu: nghĩ rằng thánh thiện là ăn chay tuần hai lần, là cúng nhà thờ, là đọc kinh, là xem lễ, là bố thí cho người nghèo, là đi tĩnh tâm linh thao…  Đó chính là kiêu ngạo!  Mình coi mình là nguồn cội của sự thánh thiện. 
 
Như thế, mỗi lần làm được việc gì tốt đẹp, cũng phải kêu cầu Danh Chúa, để thần Dữ đừng nhảy vào đưa mình vào sự kiêu ngạo, tự mãn.  Mỗi lần cầu nguyện như vậy sẽ là lời tạ ơn, và xin Chúa tiếp tục cứu giúp mình, trong tâm tình tri ân cảm mến:
 
o       Chúa ơi, con ăn chay tuần hai lần.  Giêsu, xin cứu giúp con!
 
o       Chúa ơi, hôm nay con đọc được kinh sáng, kinh tối, con xin cám ơn Chúa.  Giêsu, xin cứu giúp con!
 
Kêu cầu danh Chúa, Chúa sẽ đưa mình xuống khỏi ngọn tháp Babel mà thần Dữ đưa mình lên.  Chúa sẽ giúp mình xuống khỏi ngọn tháp, trở về với tình thân, với con người thật của mình.  Vui tươi, thảnh thơi, gần gũi với mọi người.  Yêu thương và hạnh phúc hơn.
 
4.      Trở về với nội tâm của mình.
 
-          An bình, tự tại.  Sống trong giây phút hiện tại.  Không chạy trốn, tìm giải trí, tìm cảm giác mạnh, tìm sự chia trí.
 
-          Trở về với chính mình, với nỗi lo âu, sợ hãi của mình: và xin Chúa an ủi con, nâng đỡ con, gánh vác dùm con nỗi lo âu nặng nề này.
 
-          Trở về với chính mình là trở về với Chúa, gặp gỡ Chúa.
 
o       Khai mở năng lực nội tâm vô hạn.  Sự sáng tạo, niềm vui.
 
o       Chúa sẽ đưa mình đến sự an bình, thanh thản nội tâm.  Ý thức được chính mình.  Tự chủ. 
 
o       Tâm hồn bình an, thanh thản reo vui.  “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa.” 
 
o       Enjoy mọi việc mình làm.  Enjoy con cái mình.  Con mình không phải là gánh nặng, mà là niềm vui.  Giúp con học bài không còn là gánh nặng, dễ cau có, gắt gỏng, nhưng là điều mình enjoy, cho mình sức sống.