Tu
TU
Theo sự diễn tả của các cụ ta ngày xưa thì con nhà có đạo được gọi là con nhà… “hai phần”, phần hồn và phần xác. Con nhà có đạo ấy khi lớn lên sẽ chọn cho mình một trong hai ngả đường đời. Một là đi vào cuộc sống tu trì, như mấy cha, mấy dì, mấy thầy…dấn thân theo đuổi lý tưởng phục vụ Chúa và người khác. Hai là đi vào cuộc sống lứa đôi, như hầu hết bàn dân thiên hạ đã làm, dấn thân xây dựng một mái ấm gia đình.
Nếu chọn nếp sống tu trì, thì cũng phải lựa cho mình một hướng đi, đó là tu triều hay tu dòng. Tu triều là dâng mình cho Chúa với mục đích làm công việc mục vụ, không bị ràng buộc bởi lời khấn khó nghèo và đời sống chung, nhưng đoan hứa giữ sự độc thân và vâng phục Giám mục như bề trên trực tiếp của mình.
Còn tu dòng là dâng mình cho Chúa, bằng cách theo đuổi sự hoàn thiện của Tin Mừng: khó nghèo, trong sạch và vâng phục, với đời sống chung của cộng đoàn, được biểu lộ qua việc tuyên khấn công khai vĩnh viễn hay tạm thời theo qui luật riêng của từng dòng.
Tuy nhiên, nếu chọn tu dòng, thì cũng phải lựa cho mình một linh đạo, hay nói một cách cụ thể hơn, phải lựa cho mình một dòng để mà đầu tư công sức vào đó. Bởi vì trong lòng Giáo hội, có rất nhiều dòng và mỗi dòng lại theo đuổi một lý tưởng khác nhau, như một thửa vườn với muôn hoa khoe sắc.
Tuy cùng phục vụ Chúa và người khác, nhưng mấy sư huynh Lasan lại chuyên về dạy học, mấy thầy Gioan Thiên Chúa lại chuyên về chăm sóc các bệnh nhân, mấy cha Don Bosco lại chuyên về giáo dục giới trẻ…Và cách riêng là các dòng nữ.
Thực vậy, nếu hỏi rằng:
- Trên thế gian này có bao nhiêu dòng nữ?
Một người có óc khôi hài và được liệt vào hạng cũng thích đùa, đã trả lời như sau:
- Đức Chúa Trời là Đấng thông minh sáng suốt vô cùng, thế mà Ngài cũng đành phải bó tay, không biết chính xác hiện nay trên thế gian có bao nhiêu dòng nữ!
TU THÂN
Qua những gì vừa trình bày, chữ tu được hiểu theo nghĩa hẹp của Công giáo. Còn nếu hiểu chữ tu theo nghĩa rộng là sửa sang lại cho hoàn thiện, nhất là bằng cách uốn nắn những sai lỗi và sửa đổi khuyết điểm, để trở thành một con người tốt lành và thánh thiện hơn, thì đó phải là bổn phận đầu tiên của mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Qua những gì vừa trình bày, chữ tu được hiểu theo nghĩa hẹp của Công giáo. Còn nếu hiểu chữ tu theo nghĩa rộng là sửa sang lại cho hoàn thiện, nhất là bằng cách uốn nắn những sai lỗi và sửa đổi khuyết điểm, để trở thành một con người tốt lành và thánh thiện hơn, thì đó phải là bổn phận đầu tiên của mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Thực vậy, nhân vô thập toàn. Đã là người, thì ai cũng có những sai lỗi và khuyết điểm, chẳng ai là người hoàn thiện. Vì thế, việc tu thân, hay nói cách khác, việc sửa mình phải được coi như là điểm khởi đầu cho trật tự xã hội. Sách Đại Học có viết: “Từ vua cho đến dân, nhất thiết phải lấy việc tu thân làm gốc”. Hay như người xưa cũng đã bảo: “Phải tu thân trước đã, rồi sau đó mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”.
Theo Nho Giáo, muốn tu thân, thì phải: cách vật, trí tri, thành ý và chánh tâm. Thực vậy, muốn sửa mình cho thành người đức hạnh hoàn toàn, trước hết phải giữ cái tâm của mình cho chánh (chánh tâm), cái ý của mình cho thành (thành ý), rồi sau đó mới cách vật, trí tri được, nghĩa là mới hiểu rõ các sự vật và biết đến tận cùng cái biết.
Giữ cái tâm của mình cho chánh, có nghĩa là đừng để cho sự tức giận, sợ hãi, vui buồn… làm cho cái tâm của mình chếch lệch, không còn hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Khi đã bị những sự ấy làm rối loạn cái tâm của mình, thì mắt trông không thấy, tai nghe không hiểu, ăn không biết ngon, bởi thế cho nên bao giờ ta cũng phải giữ cái tâm cho chánh.
Giữ cái ý của mình cho thành, có nghĩa là không dối mình, đối với việc gì cũng cứ thành thật, như ghét mùi thối, yêu vẻ đẹp, ý mình thế nào thì cứ chân thực bày tỏ ra như thế, chớ không dối trá chút nào. Bởi thế, người quân tử phải cẩn thận giữ tư tưởng của mình, ngay cả trong khi ngồi một mình.
Tâm đã chánh, ý đã thành, thì tự nhiên cái lương tri, lương năng của mình, tức là cái minh đức trở nên mẫn huệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, làm điều gì, hay là đối phó với cảnh huống nào, cũng trung dung, cũng điều hòa và rất hợp đạo lý. (Theo “Nho Giáo” của Trần Trọng Kim).
Nói như vậy xem ra có vẻ trừu tượng và xa vời. Gã xin bàn đến một vài kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống thường ngày. Thực vậy, việc tu thân hay sửa mình đòi hỏi chúng ta cần phải kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng.
Người ta kể lại rằng: Tamerlan là một vị tướng đánh đâu thua đấy. Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ và càng đánh thì lại càng thua. Trong một cuộc bàn luận trao đổi với bộ sậu của mình, để rút ưu khuyết điểm, ông bỗng nhìn thấy một con kiến đang bò lên đỉnh lều. Lên gần tới đỉnh thì lại bị tụt xuống. Cứ thế, cứ thế đến ba bốn lần con kiến mới bò lên tới đỉnh lều. Trước hình ảnh con kiến ấy, ông đã quyết định và truyền cho các binh lính:
- Chiến đấu, chiến đấu mãi, chiến đấu không ngừng, cho đến khi nào chiến thắng mới thôi.
Và cuối cùng, ông đã chiến thắng.
Chúng ta cũng vậy, trong cuộc chiến chống lại những thói hư tật xấu, chúng ta giống như người bơi ngược giòng nước, nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị giòng nước, là những đam mê sai trái, cuốn trôi.
Một người nghiện rượu đã chừa bỏ tật xấu này bằng cách trước khi ngồi vào bàn nhậu với các “chiến hữu”, ông bèn nhỏ một giọt nến vào chiếc ly uống rượu. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, cuối cùng chiếc ly đầy nến và ông không còn nghiện rượu nữa.
Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta thường có hai thái độ. Thái độ thứ nhất, đó là thiếu kiên nhẫn.
Thực vậy, trong những giây phút sốt sắng, chúng ta cảm thấy mình tội lỗi, nên đã dốc quyết uốn nắn lại khuyết điểm này, sửa đổi lại tật xấu kia. Những ngày đầu, chúng ta hăng hái bắt tay vào công việc đổi mới này, thế nhưng cái quyết tâm của chúng ta chẳng kéo dài được lâu, có khi chưa đủ ba bảy hai mươi mốt ngày, thì đã tàn lụi như một ngọn lửa rơm, để rồi cuối cùng mèo vẫn hoàn mèo và chó đen vẫn giữ mực. Chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ là một kẻ tầm thường, xoàng xĩnh mà thôi.
Thái độ thứ hai, đó là ngại cố gắng, nên cứ mãi sa lầy trong đám bùn nhơ, không ngoi lên được.
Chúng ta giống như chú vịt trời theo đàn bay về phương bắc. Vào một buổi chiều, khi đáp xuống nông trại, chú thấy bầy vịt nhà đang được ăn bắp và thế là chú bèn nhập bầy để được ăn no. Bữa ăn quá ngon khiến chú không còn muốn bay theo đàn nữa. Chú tự nhủ:
- Để mai mốt mình sẽ bay theo cũng chưa muộn.
Nhưng rồi ngày này qua ngày khác, chú vẫn cứ ở lỳ với bầy vịt nhà để được muôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời từ phương bắc bay xuống phương nam, các bạn cũ kêu chú trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời cố gắng đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, chú chỉ bay được lên nóc nhà, rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi và hưởng thụ ở nông trại đã làm cho chú không còn bay được như xưa nữa. Chú đành phải đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.
Từ đó, mỗi mùa xuân và mỗi mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay lên phương bắc, rồi lại bay trở xuống phương nam. Mới đầu chú còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng ấy bị mờ phai và chú bằng lòng sống dưới đất với bầy vịt nhà trong nông trại.
Một kinh nghiệm khác cũng cho thấy: phải quyết tâm diệt trừ tật xấu ngay từ thuở ban đầu, bởi vì càng để lâu càng khó sửa. Trên chiếc áo trắng có một vết bẩn nhỏ, chúng ta giặt ngay, thì có thể tẩy xoá vết bẩn một cách dễ dàng. Thế nhưng, nếu chúng ta để cho chiếc áo ấy vàng ố, lúc bấy giờ thật khó mà giặt cho sạch.
Ngày nọ, ông thầy cùng với cậu học trò đi ngang qua một khu rừng. Bỗng dưng, ông thầy dừng chân và chỉ vào ba cây mọc gần đó. Cây thứ nhất mới nhú lên khỏi đất. Cây thứ hai lớn hơn và cây thứ ba đã thành cây to. Ông thầy bảo:
- Con hãy nhổ cây thứ nhất.
Chỉ với hai ngón tay, cậu học trò đã nhổ lên một cách dễ dàng.
Ông thầy lại bảo:
- Hãy nhổ tiếp cây thứ hai.
Cậu học trò phải dùng cả hai cánh tay lay tới lay lui, mãi một lúc sau mới nhổ lên được, mồ hôi mồ kê toát ra như tắm.
Ông thầy lại bảo:
- Bây giờ con hãy cố gắng nhổ cây thứ ba.
Cậu học trò cũng phải dùng hai cánh tay ôm lấy thân cây. Cậu ra sức lay, nhưng thân cây chẳng hề nhúc nhích. Cuối cùng, cậu đành bó tay chịu thua, không thể nhổ lên được. Lúc bấy giờ, Ông thầy mới cắt nghĩa:
- Đó con thấy không? Về các tính hư tật xấu của chúng ta cũng vậy. Khi mới nhiễm thì dễ khử trừ, nhưng nếu để chúng bén rễ sâu trong tâm hồn và trong thân xác, thì chúng ta khó mà trừ khử.
Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa đã bảo:
- Uốn cây từ thuở còn non,
Dạy con từ thuở con còn đương thơ.
Hay như danh ngôn phương tây cũng đã nói:
- Bé ăn trộm một trái trứng, lớn lên sẽ ăn trộm cả con bò!
TU NHÀ VÀ TU CHỢ
Theo “Từ Điển Bách Khoa Việt Nam”, về việc tu thân, sửa mình, “khoa học hiện nay có khái niệm tự giáo dục: cá nhân trau dồi năng lực hoạt động đạo đức, hình thành ý thức đạo đức của mình, hoàn thiện những tính tốt và khắc phục những thói xấu. Phương pháp của tự giáo dục không chỉ là học tập để có tri thức và đạo đức, mà chủ yếu là tích cực tham gia vào thực tiễn xã hội, bởi vì chỉ có trong quá trình tham gia thực tiễn xã hội, con người mới cải tạo và hoàn thiện bản thân”.
Câu trích dẫn trên đây mang nặng tính cách lý thuyết và trừu tượng, riêng gã thì thích kiểu nói cụ thể hơn, đó là môi trường bên ngoài, như gia đình và xã hội, sẽ giúp chúng ta dễ dàng tu thân, sửa mình, đồng thời việc tu thân, sửa mình của chúng ta sẽ là một góp phần làm cho gia đình và xã hội được tốt đẹp hơn. Chẳng thế mà các cụ ta ngày xưa vốn thường chủ trương chữ tu kia cũng có ba bảy đường.
- Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Vì là con nhà có đạo, nên gã xin sửa lại của câu ca dao này thành:
- Thứ nhất thì tu tại gia,
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu…dòng.
Trước hết là việc tu tại gia, các cụ ta ngày xưa đã xác định một cách rõ ràng và minh bạch:
- Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha, kính mẹ mới là chân tu.
Chuyện xưa kể lại rằng: Dương Phủ, người đời nhà Minh, đỗ tiến sĩ và nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Lúc nhỏ nhà nghèo, nhưng hết sức cày cấy để phụng dưỡng song thân.
Một hôm nghe bên đất Thục có một vị Vô tế đại sĩ, tức là một nhà tu hành vô cùng đắc đạo, ông bèn thưa với song thân xin từ biệt ít lâu để theo hầu bậc Vô tế.
Đi được nửa đường, gặp một lão tăng, vị này bảo ông rằng:
- Gặp được bậc Vô tế không bằng gặp được Phật.
Ông hỏi:
- Phật ở đâu?
Vị lão tăng nói:
- Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo như thế này, đi đôi dép như thế kia, thì đó chính là Phật đấy.
Dương Phủ háo hức quay trở về, dọc đường không gặp một ai như thế. Đến khuya mới tới nhà, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng mừng quá vội vàng xỏ ngược cả đôi dép, áo sống xộc xệch ra đón. Dương Phủ ngẩn người nhìn, thì ra đấy chính là hình dáng Phật mà vị lão tăng đã chỉ dạy. Ông chợt ngộ ra thâm ý trong lời dạy của vị lão tăng. Từ đấy ông ở nhà, hết lòng thờ kính cha mẹ, không phải cầu kỳ đi mộ Phật ở đâu xa nữa.
Chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử:
- Sinh thời không gặp Phật, khéo phụng dưỡng cha mẹ, tức là thờ Phật vậy (Kinh Pháp cú).
Trong truyền thống đạo đức của người Việt Nam, hiếu với cha mẹ là một trong những đạo lý hàng đầu, thiêng liêng và cao cả. Có sự thành công nào của những đứa con, mà đằng sau không có bóng dáng của những người cha, những người mẹ tuyệt vời?
Và như vậy, tu tại gia hay tu nhà có nghĩa là cứ ở tại nhà, tại gia đình của mình mà tu bằng cách sống đúng với đấng bậc của mình: Là con cái thì phải thảo kính và vâng lời cha mẹ; là vợ chồng thì phải yêu thương và trung thành với nhau; là anh chị em thì phải hoà thuận và giúp đỡ lẫn nhau.
Trong giờ giáo lý, chị giảng viên kể cho các em nghe mẩu chuyện về thánh Simon Cột. Ngài sống vào thế kỷ thứ năm tại Syrie, nổi tiếng là một người thánh thiện và khổ hạnh. Ngài làm một cái chòi nhỏ trên đầu một cây cột và sống ở đó suốt 35 năm trời. Sau khi ngài chết, để nêu cao mẫu gương thánh thiện và khổ hạnh của ngài, Giáo Hội đã tôn phong ngài, và người ta thường gọi ngài với biệt danh là Simon Cột.
Nghe xong câu chuyện này, một em nhỏ như được thôi thúc muốn bắt chước sự thánh thiện và lối sống khắc khổ của ngài. Thế là khi về đến nhà, em chồng những chiếc ghế đẩu trên một cái bàn để leo lên. Giữa lúc đang loay hoay như thế, thì mẹ em nhìn thấy, bà đã la mắng và cấm không cho em được leo lên và bà nói tiếp:
- Con ơi, làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm con à.
Đây là một lời nói đơn sơ, nhưng quả thực có một ý nghĩa sâu xa khiến chúng ta phải suy nghĩ. Làm thánh ở trong nhà cũng khó lắm.
Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ sống với những người thân yêu trong cùng một mái ấm, mà hơn thế nữa chúng ta còn phải sống với những người khác, mỗi khi bước chân vào xã hội, vì thế mới nảy sinh ra một thứ tu khác, được gọi là…tu chợ.
Tu chợ có nghĩa là tu tại chợ cũng như tại phố xá, tu giữa tiếng ồn ào của xe cộ cũng như giữa những sinh hoạt tấp nập của cuộc sống, tu giữa những vất vả của nghề nghiệp cũng như giữa những bươn chải kiếm tìm cơm áo gạo tiền. Tóm lại, tu chợ là tu giữa giòng đời, hay nói một cách chuyên môn hơn, là tu giữa đời, tu tại thế, tu ngay trong trần gian.
Viết tới đây gã bỗng nhớ tới lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assie và tìm thấy trong đó cả một chương trình cho việc tu chợ: “Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Cũng trong chiều hướng ấy, Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi chúng ta, là những người sống giữa đời và làm việc với đời, hãy trở nên như men trong bột, như ánh sáng trong đêm tối, nghĩa là trở nên chứng nhân cho đức tin giữa lòng cuộc đời.
Việc tu chợ như thế sẽ biến chúng ta thành một bông sen như ca dao Việt Nam đã diễn tả:
- Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Thảo nào mà trong lòng Giáo Hội hôm nay, các thứ dòng ba, các thứ tu hội đời, các thứ phong trào tại thế…đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa, hay như trăm hoa đua nở, báo hiệu một mùa xuân mới!!!
Nguồn : canhdongtruyengiao
- Tổng Hơp: