Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hai Tiếng Gia Đình

Tác giả: 
Lm Nguyễn Ngọc Long
 
 
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN
HAI TIẾNG GIA ĐÌNH
 
St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10, 2 – 16
 
Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? “Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? “. Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói:
 
“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
 
Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
 
Các con thiếu nhi thương mến,
 
Chúng ta cùng hát bài “Cả nhà thương nhau” để tạo bầu khí nha! “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba, cả nhà ta đều thương yêu nhau, xa thì nhớ gần nhau thì cười…”. Cũng cùng chủ đề về gia đình, có bài “Ba ngọn nến lung linh”: “Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, la là lá la la, thắp sáng một gia đình”.
 
Các con thương mến,
 
Bên cạnh những gia đình thật hạnh phúc như hai bài hát mà chúng ta vừa hát: ba mẹ yêu thương nhau, ba mẹ yêu con cái, con cái yêu mến ba mẹ... thì cũng có biết bao gia đình đang gặp hoàn cảnh bi thương, không chỉ gia đình nghèo về vật chất mà thiếu tình thương mến nhau giữa những thành viên trong gia đình: cha mẹ hành hạ con cái của mình, không làm gương sáng cho con, đặc biệt con cái không vâng lời thảo hiếu với ba mẹ.
 
Trong những năm gần đây, số lượng các vụ ly hôn tăng nhanh. Theo Tổng cục Thống kê, số cặp vợ chồng xin ly hôn ở Việt Nam năm 2000 là 51.000 vụ; năm 2004 con số này đã tăng lên 60.000 vụ, và năm 2006 đã lên tới gần 70.000 vụ. Tòa án nhân dân lúc nào cũng trong tình trạng bận rộn bởi án ly hôn chiếm tới 50% các án về dân sự nói chung. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31 – 40%, nghĩa là: cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Con số thật khó tin, nhưng đó là sự thực! (Kết quả nghiên cứu xã hội học về thực trạng ly hôn ở nước ta của tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa – Trường ĐH KHXH-NV Tp.HCM).
 
Có tới cả “một nghìn lẻ một” nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ, mất hạnh phúc: sự thiếu hòa hợp về tình cảm, va chạm kinh tế, ngoại tình, bạo hành… và quan trọng nhất là do vợ chồng không trung thành giữ lời đã hứa thuỷ chung trước mặt Chúa và Hội Thánh “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt cuộc đời”. Do vợ chồng không chịu nghe lời Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
 
Sự bất hạnh đầu tiên của việc cha mẹ li dị là con cái phải lãnh nhận. Cũng theo nghiên cứu này, trên 70% gia đình trẻ tan vỡ khi đã có con khiến cho mỗi năm có tới 50.000 trẻ em chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Và có khoảng 30% trẻ em bỏ nhà đi bụi xuất phát từ những cuộc ly hôn này. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng, nhất là nếu chúng còn nhỏ.
 
Không thể kể ra hết những hậu quả tai hại của việc này, cũng không thể diễn tả được hết sự xót xa của những gia đình, đặc biệt là của trẻ thơ ở độ tuổi như các con phải gánh chịu hậu quả đó.
 
Ở độ tuổi này, các con không biết và chưa hiểu rõ về sự tình của cha và mẹ. Các con không đủ khôn ngoan và khả năng để giải quyết chuyện của người lớn. Nhưng điều các con làm được đó là:
 
– Cầu nguyện cho gia đình mình nói riêng và đừng bao giờ quên cầu nguyện cho tất cả các gia đình trên thế giới hôm nay, những gia đình đang gặp khốn khó, khủng hoảng về tình yêu và hạnh phúc.
 
– Cầu nguyện cho những trẻ em như các con đang phải sống trong hoàn cảnh bất hạnh vì gia đình của họ ly tán.
 
– Nhờ đời sống đạo đức tốt lành, sự chăm chỉ học tập của các con… nhờ các con cầu nguyện mà cha mẹ hy sinh chấp nhận nhau, tha thứ, thông cảm cho nhau và cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Cho nên dù các con còn nhỏ, là trẻ thơ nhưng các con có tác động rất lớn đến ba mẹ.
 
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho mọi gia đình luôn biết yêu thương nhau, biết lắng nghe lời Chúa dạy, biết thuỷ chung son sắt trong lời thề hứa và luôn biết xây dựng gia đình mình trở nên tổ ấm yêu thương và nên như gia đình Thánh gia.
 
Thực hành:
 
1. Con cái nối kết tình yêu của ba mẹ bằng cách vâng nghe lời ba mẹ mỗi ngày.
2. Thăm viếng, cầu nguyện cho các trẻ em mồ côi, bệnh tật.
 
Tâm niệm:Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”.
 
Đi tìm kho báu: Mời các con cùng suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau
 
1. Trong đời sống gia đình, Chúa dạy ta sống như thế nào?
2. Vì sao Chúa Giêsu đặc biệt yêu thương trẻ nhỏ?
3. Các concần phải làm gì để gia đình cũng được trở nên như Thánh gia?
 
 
            LM Nguyễn Ngọc Long