Tôn Vinh Chúa
SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN
TÔN VINH CHÚA
2V 5, 14-17; 2Tm 2, 8-13; Lc 17, 11-19
Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Cha mến chào thiếu nhi của Chúa Giêsu Thánh Thể,
Không ai trong chúng ta muốn mình mắc bệnh bao giờ và lại còn sợ bệnh nữa. Nhưng dù không muốn, bệnh tật không miễn trừ một ai. Ngay từ nhỏ, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần ngã bệnh.
Nói tới bệnh, thì có nhiều loại khác nhau. Có những căn bệnh nhẹ có thể chữa trị được dễ dàng, nhưng cũng có những căn bệnh khó chữa trị hơn, như những căn bệnh nan y, mãn tính,… dù tốn nhiều tiền của nhưng không thể chữa trị hết, thậm chí, “tiền mất mà tật vẫn còn mang”.
Các bài đọc và Tin mừng hôm nay cho thấy thời Cựu ước và thời của Chúa Giêsu cho đến ngày nay có một thứ bệnh đáng sợ, đó là bệnh phong cùi.
Đối với người Do thái, họ cho rằng, những ai mắc thứ bệnh này là do tội của người đó đã phạm đến Chúa nên đã bị Chúa phạt. Từ cái nhìn đó, người ta cấm không cho ai được giao tiếp, đến gần những người phong cùi. Những người bệnh bị đưa ra một nơi hẻo lánh, cách xa làng, và bị loại khỏi cộng đoàn xã hội. Nói cách khác, họ bị xã hội bỏ rơi, bị mọi người khinh dễ, xa lánh, trốn chạy.
Nhưng Chúa Kitô không bỏ họ, Ngài đã đến với họ, quan tâm đến họ và chữa lành mười người phong cùi. Lòng thương xót của Chúa thật bao la. Ngài không phân biệt ai, dù là người Do thái hay dân ngoại. Ngài là lương y, một thầy thuốc tài ba và giàu lòng thương xót. Ngài không chỉ đem lại niềm tin mà còn thực sự mang lại niềm vui và sẳn sàng chữa lành mọi vết thương xác hồn cho con người.
Có một điều đáng tiếc và đáng buồn đó là: đứng trước lòng xót thương và nhân hậu của Chúa Giêsu, chỉ một người trong số họ là người Samaria đã trở lại cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.
Lòng biết ơn Thiên Chúa rất cần thiết và là điều rất tốt. Trong kinh Tiền tụng mà chủ tế đọc trong thánh lễ: “Chúa không cần chúng con cảm tạ Chúa, vì những lời đó không mang ích gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô”.
Biết nói lời cảm ơn người khác giúp cho chúng ta thấy mình thực sự là người hơn, vì loài vật không biết nói tiếng cảm ơn.
Qua lời Chúa hôm nay, noi theo gương người Samaria, chúng ta biết nhìn ra ân huệ và tình thương của Thiên chúa dành cho mình, để dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa về muôn ơn lành hồn xác mà Thiên Chúa đã thương ban. Đặc biệt, khi nhận ra mình được Chúa thương, không phải để ta lên mặt, khinh dễ với những ai yếu đuối, tội lỗi. Trái lại, chúng ta cũng phải biết yêu thương, thông cảm tha thứ và tìm cách động viên khích lệ họ đến với Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhận ra tình thương của Chúa để ta sống tâm tình tạ ơn của người con hiếu thảo đối với Thiên Chúa và yêu thương anh em đồng loại.
Thực hành:
+ Các con cần bày tỏ lòng biết ơn với những ai ?
+ Cảm tạ Chúa mỗi ngày trong đời.
Tâm niệm: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”.
Lm Nguyễn Ngọc Long