Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

01- Con người, tự bản chất, là một hữu thể được kêu gọi

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CON NGƯỜI, TỰ BẢN CHẤT,

LÀ MỘT HỮU THỂ ĐƯỢC KÊU GỌI

 

“Một khía cạnh để định nghĩa con người là khả năng nó biết lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa” (Jean-Claude Sagne)[1].

 

 

 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA MỘT LỜI MỜI GỌI

THEO THÁNH KINH & NHÂN CHỦNG HỌC

 

Một trong những xác quyết nền tảng thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra ở loạt bài Giáo Lý Hôn Nhân trong buổi đầu triều đại của ngài là kêu gọi sự chú ý vào thực tế rằng: con người, dẫu mang vết tích tội lỗi, trong một cấp độ làm người sâu xa hơn, vẫn là những con người đã được kêu gọi.

 

Việc phân tích những lời của Đức Kitô trong Bài Giảng Trên Núi […] dẫn chúng ta đến xác tín rằng, tâm hồn con người không bị Đức Kitô buộc tội và kết án nhiều đến thế về những ham muốn thú vui trần tục, mà trước tiên và trên hết, nó được kêu gọi. Có một sự không thống nhất hiển nhiên ở đây giữa nhân chủng học của Tin Mừng và các đại diện có tầm ảnh hưởng lớn của môn chú giải Thánh Kinh đương đại (mà chúng ta sẽ gọi là các bậc thầy hay ngờ vực)[2].

 

Khái niệm “tiếng gọi” thật căn bản. Khái niệm này nằm ở trung tâm con người theo cái nhìn Thánh Kinh, và rõ ràng, nó tách biệt cái nhìn trung thành với Tin Mừng khỏi cái nhìn ngoại đạo hay cái nhìn chống đối nó.

 

Trước hết, chủ đề về một Thiên Chúa, Đấng tỏ bày chính mình cho nhân loại, mời gọi một sự đáp trả được trình bày xuyên suốt toàn bộ Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Hãy xét đến bao câu chuyện về ơn gọi trong Cựu Ước: Abraham, Môsê, Samuel, Isaia, Giêrêmia[3]. Những câu chuyện này nằm giữa những bản văn đẹp đẽ nhất của Thánh Kinh vì chúng cho thấy tính cách riêng tư trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Chúng cho thấy bản tính mỏng dòn và do dự của con người cũng như sự sẵn sàng của nó: khả năng thưa tiếng xin vâng của chúng ta. Tại đây, uy quyền tối cao cùng với lòng xót thương dịu dàng của Thiên Chúa đối với các tạo vật của Người cũng được biểu lộ. Đặc biệt, chúng ta thấy những gì mà sự can thiệp của Thiên Chúa có thể mang đến cho một cuộc sống, những đường lối đầy bất ngờ khó đoán có thể xuất hiện cùng với những hoa trái mà Người có thể ban tặng chúng ta.

 

Và dĩ nhiên, nhiều nhân vật trong Tân Ước đã ý thức rằng, ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc đời đến với họ từ tiếng gọi của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Chỉ cần lấy một ví dụ vốn là một chủ đề cốt lõi của thánh Phaolô. Ngài ý thức mọi giá trị của đời mình hoàn toàn đến từ tiếng gọi nhận được trên đường Đamát. Mọi ân sủng, toàn bộ cuộc sống, mọi hoa quả tốt đẹp và lòng đạo đức chân thật đều phụ thuộc vào việc đáp trả tiếng gọi đó. Thánh Phaolô thường xuyên nói về điều này, hoặc bằng cách trích dẫn kinh nghiệm cá nhân hoặc khuyên nhủ các giáo đoàn ngài trông nom phải luôn trung thành với tiếng gọi của Thiên Chúa qua Đức Kitô, như trong đoạn trích sau:

 

Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa, được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và ông Xốtthênê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an (1Cr 1, 1-2).

 

Trong một ý nghĩa nào đó, khái niệm về một tiếng gọi đem lại tính thống nhất cho toàn bộ Thánh Kinh. Ngoài tính đa dạng của các tác giả, thời gian, văn phong và tư duy, mọi cuốn sách trong toàn bộ Thánh Kinh đều làm chứng cho cùng một kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng: Thiên Chúa nói với con người, đề xuất một con đường dẫn đến sự sống và chờ đợi một lời đáp trả tự do.

 

Từ một quan điểm nhân chủng học, rằng, con người được kêu gọi không phải là một thực tại xa vời nào đó hay một điều gì đó chỉ xảy ra lúc này lúc khác hoặc như người ta có thể hiểu sai, được dành riêng cho một vài cá nhân ưu tiên may mắn nhận được một ơn gọi đặc biệt nào đó. Đúng hơn, như một cái gì đó mà chúng ta không thể không lãnh nhận, lời mời gọi là nền tảng cho chính căn tính của chúng ta với tư cách là những con người. Sự sung mãn của con người không thể triển nở chỉ bằng việc sử dụng các nguồn lực của bản thân như: thể lý, tri thức, tinh thần và tình cảm. Chúng ta chỉ có thể nhận ra nhân cách viên mãn của mình bằng việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa vốn tinh tế, huyền nhiệm nhưng rất thật và xảy ra liên lỉ trong suốt cuộc đời mình.

 

 

SUY NIỆM VÀ CÁC HÌNH THỨC MỜI GỌI

 

Thiên Chúa không gọi trực tiếp như lời gọi từ một cuộc điện thoại, Người gọi ngang qua suy niệm vốn sẽ được nói nhiều hơn ở phần sau. Chúng ta có thể chú tâm vào Thánh Kinh (Lời Chúa là một trung gian có uy quyền), vào những biến cố xảy ra trong đời sống, những cuộc gặp gỡ, những đòi hỏi của bạn bè hay của bề trên và ngay cả những tiếng gọi bên trong của Chúa Thánh Thần cũng như những khát khao của tâm hồn[4]. Thiên Chúa không ngừng ngỏ lời với mỗi người theo những phương thức ấy, Người mời gọi chúng ta đáp trả theo cách này cách khác đang khi cùng lúc, Người ban cho chúng ta những ân sủng và sức mạnh cần thiết.

 

Tiếng gọi của Thiên Chúa có thể liên quan đến những chọn lựa quan trọng trong cuộc đời và trở thành một ơn gọi theo nghĩa cổ điển (một ơn gọi dâng hiến, hôn nhân hoặc một sứ mạng đặc biệt nào đó trong Hội Thánh hay ngoài xã hội). Dẫu thế, lời mời gọi nhận được từ Thiên Chúa thường lại mang dáng dấp nhỏ bé hơn trong cuộc sống thường ngày: một lời mời gọi tha thứ, một hành động phó thác trong hoàn cảnh khó khăn, một nghĩa cử phục vụ ai đó, một khoảnh khắc nguyện cầu… Nhận ra những tiếng gọi này và sẵn lòng đáp trả chúng là một cái gì thật quan trọng, vì dẫu nhỏ bé, chúng vẫn có thể chỉ ra con đường dẫn chúng ta đến một đời sống phong phú và sung mãn hơn bội phần so với những gì chúng ta biết. Mọi tiếng xin vâng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, ngay cả việc nhỏ nhất đều mang lại sự trưởng thành trong đời sống cũng như đem đến sức mạnh và khích lệ, vì Thiên Chúa tặng ban chính Người cho những ai mở lòng trước lời mời gọi của Người và trao tặng họ tự do, một tự do chưa từng có trước đó.

 

 

LỜI MỜI GỌI, CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO

 

“Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do” (Gl 5, 13), thánh Phaolô nói trong thư gởi các tín hữu Galát. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta để hưởng tự do, nhưng thay vì ban cho chúng ta cách viên mãn tức thì, tự do này được xây dựng tiệm tiến cách kiên trì từ ngày này qua ngày khác bằng việc trung thành với những mời gọi của Người. Cụ thể, chúng mở ra một không gian tự do trong mỗi người, từ đó, mỗi người có thể thoát khỏi những cạm bẫy khác nhau vốn có thể dễ dàng vùi dập họ. Chúng ta thử suy xét vấn đề này từ những quan điểm khác nhau.

 

Trừ phi được gọi, con người vẫn phải khép kín trong tội của mình.

 

Câu chuyện tạo dựng trong sách Sáng Thế và sự sa ngã cho thấy rõ ràng, tội là sự khước từ sự sống trong tư cách con cái Thiên Chúa, đồng thời để mình trở thành nô lệ cho nó. Qua lòng kiêu ngạo, con người chối bỏ sự sống và hạnh phúc đến từ đôi tay Chúa Cha vốn muốn nó phụ thuộc vào Người với lòng yêu mến và tin tưởng; đang khi con người lại thích trở nên nguồn sống cho chính mình hơn. Hoài nghi, sợ hãi, lo lắng và những khát khao cháy bỏng là hậu quả. Tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi Thiên Chúa nhưng nơi bản thân, chúng ta cuống cuồng tìm kiếm nó trong vật chất như giàu sang, khoái lạc và danh vọng. Tình trạng được gọi lúc bấy giờ dẫn chúng ta đến một con đường giải thoát phát xuất từ một vài biểu hiện căn bản nhất của tội, đó là kiêu ngạo, sợ hãi và khát vọng.

 

Mở lòng trước lời mời gọi của Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi kiêu ngạo. Nó gạt bỏ thái độ tự mãn, những vờ vịt khi tưởng rằng, con người là thầy dạy duy nhất của đời mình. Ở đó, lòng trông cậy, sự sẵn sàng với tha nhân, đức khiêm nhường và sự phục tùng với niềm tin cậy được biểu lộ. Mở lòng trước lời mời gọi của Thiên Chúa giúp chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của khát vọng. Thiên Chúa làm cho khát vọng đổi hướng để quay về với những điều thiện vốn có khả năng thoả mãn chúng ta hơn những thứ chúng ta thèm khát. Sự cởi mở này cũng giải thoát chúng ta khỏi những sợ hãi. Bằng việc mở lòng trước tiếng gọi của Thiên Chúa, người tín hữu nhận được khích lệ và sức mạnh cho phép họ vượt thắng sợ hãi và thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những chiến lược đối phó không tương xứng với những nỗi sợ hãi đó.

 

Những người Pharisiêu trong Tin Mừng lấy làm gương xấu khi thấy Đức Giêsu dùng bữa với những người thu thuế và kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu đáp: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn (Lk 5, 32). Ở đây, lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ, Đấng mời gọi chúng ta không phải bởi công nghiệp chúng ta có nhưng thuần tuý bởi tình yêu. Người không muốn chúng ta tiếp tục ở trong tình trạng bị giam hãm do quá khứ. Người luôn muốn đặt ra cho chúng ta một tương lai mới, vậy mà chúng ta lại thường do dự. Cách tốt nhất để loại bỏ tội lỗi và những thống khổ không phải là tuyệt vọng hay tự trách mình, nhưng bằng việc mở lòng đón nhận tiếng gọi của Thiên Chúa vốn luôn ngỏ với chúng ta, bất kể chúng ta đang ở trong tình trạng nào. Ngay cả những kẻ tội lỗi nặng nề nhất cũng được kêu gọi và tiếng gọi là con đường dẫn họ đến nguồn cứu độ.

 

Không được gọi, chúng ta vẫn bị giam hãm trong tâm thức của mình - với những mời mọc, thôi thúc và tưởng tượng của chúng. Phận vụ tự nhiên của tâm thức con người và thế giới cảm xúc đa dạng cùng những hình ảnh của nó thật giá trị và thực sự là một cái gì không thể thiếu, nó đóng vai trò liên kết căn bản giữa một cá nhân với môi trường chung quanh. Dẫu thế, nó cũng rất giới hạn. Nó có khả năng cô lập chúng ta, thậm chí còn hơn thế, bởi khuynh hướng chính của nó là bảo vệ tính đồng nhất và bảo đảm sự sống còn. Khả năng tiếp cận vẻ phong phú của thực tại cũng có thể mất bởi những giới hạn và đôi khi làm lệch lạc những cảm xúc và trí tưởng tượng. Sự miêu tả nặng tính tâm lý về thực tại có thể làm méo mó vẻ đẹp thực sự. Không giống với chính thực tại, hình dung thực tại có thể giam hãm chúng ta, có thể làm mất quân bình cảm xúc của chúng ta so với thực tế, khiến chúng ta trở nên thờ ơ với những thực tại vốn rất quan trọng và lại hết sức băn khoăn trước những chuyện vặt vãnh.

 

Đặc biệt, hình ảnh chúng ta có về hạnh phúc - hình ảnh mang tính tâm lý về những gì chúng ta cho là có thể và nghĩ rằng, nó giúp chúng ta hạnh phúc - thường xa rời thực tế, thứ hạnh phúc chỉ thoả mãn tức thì. Đây là tai hoạ cho con người: nhận biết một hình ảnh về hạnh phúc được gợi ra do văn hoá môi trường chung quanh hoặc do tâm trí, và rồi, không bao giờ tìm được hạnh phúc đích thực. Ngày nay, hơn bao giờ hết, con người ra sức làm chủ, điều khiển cuộc sống, thực hiện những kế hoạch, no thoả khát vọng hạnh phúc (được coi là chính đáng) đang khi không hiểu rằng, chúng ta đang bị giam hãm trong những giới hạn của những gì tâm trí có thể lãnh hội và khát khao cùng với sự bất lực của nó khi không biết chắc hạnh phúc đích thực nằm ở nơi đâu.

 

Đang khi những miêu tả tinh thần và cảm xúc vốn đang dẫn cuộc đời mỗi người đi đúng phần nào, thì thông thường, chúng rất hạn chế và lệch lạc. Chúng phải trải qua một cuộc cải tà quy chánh liên lỉ, một sự mở lòng ra trước sự phong phú của thực tại như Thiên Chúa đã tạo dựng, bao la hơn và sinh hoa kết quả nhiều hơn bất kỳ một ý tưởng tinh thần nào, như thánh Phaolô nói:

 

Như đã chép: điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người (1 Cr 2, 9).

 

Buồn phiền và từ bỏ, chiến đấu và đau khổ là một phần của việc mở lòng ra với thực tại. Đây là công việc của một tiến trình đem lại một cuộc sống phong phú và trọn vẹn hơn, một công việc vốn không bao giờ có thể hoàn thành trên trái đất này.

 

 

MỞ RA CHO TƯƠNG LAI

 

Việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa mở ra những chân trời mới không thể ngờ trước. Ở đây, một tương lai, một tương lai bất kể quá khứ và hiện tại của chúng ta ra sao. Đây cũng là một quà tặng lớn lao, vì không gì tồi tệ hơn việc không có một tương lai. Những cuộc nổi loạn của người trẻ trong những vùng đất nghèo nước Pháp, dẫu theo một khía cạnh nào đó là không thể chấp nhận, vẫn là chứng từ cho thấy một sự tuyệt vọng sâu xa đi kèm với cảm giác rằng, xã hội không mang lại cho họ một tương lai.

 

Vì thế, thật quan trọng để biết rằng, tiếng gọi của Thiên Chúa không luôn luôn bao hàm toàn cảnh tương lai của một cuộc đời. Đôi khi một ai đó được gọi chỉ để đi một bước nhỏ - như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói, “không gì quan trọng hơn ngày hôm nay”[5]; chỉ cần sống và tiến tới mỗi ngày, trong mỗi lúc, tìm ý nghĩa hiện hữu và kiên trì cho tới ngày người ta nhận được ân sủng để thấy được nhiều hơn. Thực tế, sẽ tốt hơn khi không biết trước tương lai, nhưng chúng ta khám phá nó từng bước một. Chúng ta bị cám dỗ tưởng tượng rằng, an toàn cốt ở chỗ làm chủ được tương lai, nhưng ngược lại mới đúng! Càng tin tưởng trao phó tương lai cho Chúa, không tìm biết hay điều khiển nó, chúng ta càng an toàn và bình an bấy nhiêu.

 

Hơn thế nữa - và điều này vô cùng quan trọng - tiếng gọi giải thoát chúng ta bằng cách cho phép mỗi người sống đến cùng hoàn cảnh của mình một cách lạc quan, cả khi sự việc xảy ra nhiều lúc có vẻ hỗn độn và khó hiểu, vì “mọi sự chúng ta đương đầu đều ẩn chứa một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa”.

 

Những lúc hạnh phúc là mời gọi dâng lời tạ ơn, những biến cố đau buồn là mời gọi tin tưởng, cậy trông và hoán cải. Mở lòng trước lời mời gọi của Thiên Chúa dẫn đến việc thống nhất đời sống giúp chúng ta có khả năng vượt quá những đau khổ cuộc đời. Chủ đề này sẽ được trở lại sau.

 

 

 

MỌI LỜI MỜI GỌI ĐỀU MANG TÍNH SÁNG TẠO

 

Lời gọi làm người, lời gọi đầu tiên Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng là nguồn cội và nền tảng cho những tiếng gọi về sau. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô nói đến “Thiên Chúa… Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4, 17). Sự kiện ngay khi chúng ta hiện hữu đã là một đáp trả và chúng ta được mời gọi tiếp tục đáp trả trong suốt cuộc đời. Mọi tiếng gọi khác của Thiên Chúa giống với tiếng gọi đầu tiên này ở chỗ lôi kéo chúng ta ra khỏi hư không, vô nghĩa, cô độc để làm cho chúng ta sống động đầy tràn hơn.

 

 

LỜI MỜI GỌI VÀ TẶNG PHẨM

 

Lời gọi của Thiên Chúa trổ sinh hoa trái bởi chúng mang theo hồng ân đáp lời. Khi yêu cầu chúng ta đi theo con đường này hay con đường nọ, Thiên Chúa đồng thời ban cho chúng ta sức mạnh và ân huệ cần thiết. “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người ban cho chúng ta những gì Người đòi hỏi” như thánh Augustinô diễn tả.

 

Hơn nữa, bất cứ khi nào cuộc sống trao ban cho chúng ta một quà tặng - một khoảnh khắc hạnh phúc, một tình bạn, một cơ hội để thực hiện một điều quan trọng - thì quà tặng đó hàm chứa một lời mời gọi ẩn tàng: một tiếng gọi dâng lời tạ ơn về quà tặng nhận được, đón nhận nó trọn vẹn, làm nó sinh ích cho mình và người khác, khiến chúng ta trở nên hoàn toàn sẵn sàng để Thiên Chúa hành động. “Một quà tặng đến từ Thiên Chúa chỉ thực sự sinh ích cho những ai biết nhận ra nó là một tặng phẩm và đón nhận nó không chút do dự”[6].

 

Tiếng gọi và tặng phẩm là hai mặt bổ sung cho nhau của cùng một thực tại, đó là: hành động - qua đó Thiên Chúa thông truyền cho chúng ta sự sống để đơm hoa kết trái, phong phú và dồi dào, một sự sống tiềm tàng được mở ra bằng sự tự do ưng thuận của mỗi người.

 

Mở lòng trước lời mời gọi là mở lòng cho một sự sống sung mãn. Sự sống sung mãn không chỉ là sự sống tự nhiên, thể lý, cảm xúc và lý trí nhưng còn là sự sống được nhận biết ngang qua các mối quan hệ, tình yêu, thông hiệp và nhất là qua việc tham dự vào sự sống Thiên Chúa, sự sống siêu việt. Mọi ơn gọi đều là một lời mời gọi yêu thương nhiều hơn và tìm kiếm sự trọn lành bằng việc tham dự vào sự tinh tuyền và hăng nhiệt của tình yêu Thiên Chúa.

 

 

 

ĐÀNH MẤT CHÍNH MÌNH ĐỂ TÌM LẠI MÌNH

 

Chỉ khái niệm về lời mời gọi mới có thể diễn tả chính xác cùng lúc những ước muốn chính đáng cho việc thực hiện chính mình lẫn lời gọi của Tin Mừng về sự bỏ mình.

 

Thể hiện chính mình và phát triển cá nhân là những giá trị được đề cao ngày nay. Các thư viện đầy ắp các tác phẩm vốn phác thảo những kỹ thuật tốt xấu để đạt được những điều này. Khát khao này thật chính đáng; nhưng cũng chẳng dễ dàng chút nào để hoà hợp khát khao này với ngôn ngữ của Tin Mừng vốn có vẻ thúc đẩy sự từ bỏ và quên mình. Chúng ta không thể dễ dàng lờ đi những lời của Chúa Giêsu:

 

Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy (Mc 8, 34-35).

 

Chúng ta cũng không thể bỏ qua câu nói tương tự của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Giá mà chúng ta biết những gì mình sẽ nhận được khi từ bỏ mọi sự!”[7]. Chân lý này phải được hiểu và đem áp dụng cho bất cứ linh đạo đích thực nào.

 

Thập giá sẽ luôn là một thách đố, nhưng ít nữa điều này vẫn đúng: vấn đề đang bàn cãi ở đây thậm chí không thể được đề cập nếu tách khỏi chuyển động gọi và đáp trả. Những lời trong Tin Mừng về sự bỏ mình trích dẫn trên đây phải được hiểu trong tương quan với Hiến Chương Nước Trời và lời mời gọi những ai theo Đức Giêsu đặt lợi ích Tin Mừng Nước Trời trước mọi sự khác.

 

Đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, chúng ta cùng lúc liều mất và tìm lại được chính mình trong Chúa Kitô một cách đích thực. Chẳng có gì thiếu lành mạnh hay lệch lạc về điều này. Sự “mất” của chúng ta không phải là tự huỷ hay tìm vui thú trong đau khổ nhưng ra khỏi chính mình với những giới hạn của nó để mở lòng hoàn toàn trước sự sống. “Khám phá” không phải là tự yêu mình hay tự tìm kiếm cái tôi nhưng là tiếp cận căn tính sâu xa nhất của mình trong tư cách con cái Thiên Chúa - một căn tính cùng lúc được mặc khải và trao ban ngay khi đáp lại những lời mời gọi ngỏ với chính mình liên lỉ trong suốt cuộc đời.

 

 


[1] Jean-Claude Sagne, Les sacrements et la vie spirituelle (Paris: Mesdiaspaul, 2007), 57.

[2] Catechesis of February 9, 1983.

[3] St 12, 1-15; Xh 3, 1-20; 1Sam 3, 1-20; Is 6, 1-13; Gr 1, 1-10.

[4] Khía cạnh Ba Ngôi ứng với ba trục căn bản của việc suy niệm: sự Quan Phòng của Chúa Cha (qua các biến cố), Lời của Chúa Con và sự gợi hứng của Chúa Thánh Thần.

 

[5] St. Thérèse of Lisieux, Poem number 5.

[6] Sagne, Les sacrements et la vie spirituelle, 52. Trong tác phẩm này, rất nhiều đoạn văn hay nói đến ý niệm của lời mời gọi.

[7] Sr. Genevière, Conseils et souvenirs (Cerf), coll. Foi vivante, 131.