Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

04- Các biến cố trong đời

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CÁC BIẾN CỐ TRONG ĐỜI

 

Lạy Chúa, cách riêng tư, Ngài ngỏ lời với mọi người qua các biến cố xảy đến trong đời họ lúc này lúc khác[1].

 

Nào, bây giờ hãy nói đến cách thứ hai mà tiếng gọi của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta. Tôi muốn nói đến các biến cố xảy đến trong đời. Từ “davar” theo tiếng Do Thái có hai nghĩa: lời và biến cố. Và như vậy, cách hợp lý, cuộc gặp gỡ với Lời Chúa, nếu xác thực, vẫn thực sự là một biến cố. Mỗi biến cố, cũng vậy, là một lời, một tia sáng soi rọi từ Thánh Kinh thường cho phép chúng ta biện phân những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta hoặc mời gọi chúng ta qua từng biến cố cụ thể.

 

Mọi việc xảy đến với chúng ta cách này hay cách khác là một tiếng gọi đến từ Thiên Chúa: lớn lên, thay đổi, nhìn sự việc theo một cách thức khác và chấp nhận hoán cải[2].

 

 

Trong khi có nhiều sự việc trong cuộc sống chúng ta không phải là những sản phẩn trực tiếp từ ý muốn của Thiên Chúa, Thánh Kinh vẫn mời gọi chúng ta tin Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự và Người có thể mang đến những điều tốt lành cho chúng ta cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Các thánh đồng loạt làm chứng về niềm tin này vào Chúa Quan Phòng. Nhưng để có thể rút ra điều lành từ mọi sự, Thiên Chúa tìm kiếm sự cộng tác của chúng ta. Dù bất cứ điều gì xảy ra, ngay cả điều ấy là hậu quả của sai lầm hay tội lỗi, vẫn có thể được đón nhận và được hiểu như một lời mời gọi từ Thiên Chúa.

 

Chân lý này thật căn bản, nhưng không vì thế để chúng ta tìm giải thích các biến cố theo một cái nhìn “thiêng liêng” cách hời hợt phản ánh một trào lưu chính thống hoặc định mệnh thuyết. Thông thường, chúng ta không biết ý nghĩa của những gì xảy ra. Những tiếng gọi mà Thiên Chúa gởi đến qua các biến cố phải lộ ra từ từ và phải được biện phân cách thận trọng chứ không bị áp đặt bởi những giải thích về chúng. Đang khi đó, điều quan trọng nhất là đón nhận các biến cố xảy đến và sống những biến cố đó với đức tin, cả khi chúng ta không hiểu gì.

 

Một mối nguy khác cần tránh là thái độ quá tỉ mỉ, hối thúc chúng ta tìm cho bằng được ý nghĩa của mọi sự vì sợ sẽ làm trái ý muốn của Thiên Chúa. Đây là nỗi sợ bắt nguồn từ nhu cầu tâm lý tìm kiếm sự an toàn vốn tách chúng ta khỏi sự đơn sơ và tự do của con cái Thiên Chúa.

 

Vâng, đúng là có những điểm tinh vi phức tạp ở đây nhưng chúng không được phép che khuất điểm căn bản. Việc lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa cho phép chúng ta sống tích cực trong mọi hoàn cảnh và mở ra một con đường dẫn đến tự do trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những hoàn cảnh xem ra vô vọng[3].

 

 

 

NHỮNG BIẾN CỐ VUI MỪNG

MỜI GỌI TẠ ƠN VÀ CHO ĐI

 

Mọi sự xảy ra đều chứa đựng một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa. Hạnh phúc lớn nhỏ trong đời là lời mời gọi đầu tiên và trước nhất hãy dâng lời tạ ơn; niềm hạnh phúc thậm chí còn lớn lao hơn nếu chúng ta đáp trả. Thật là vui khi nhận được một quà tặng nhưng sẽ vui hơn khi biết dâng lời tạ ơn về món quà đó.

 

Tạ ơn thật tốt đẹp vì đó là lẽ công bằng, nó khiến mối quan hệ của chúng ta với người cho thêm sâu sắc, đồng thời, mở rộng tâm hồn để dễ dàng đón nhận nhiều ơn khác nữa. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu hiểu điều này, như một lời khuyên nhỏ được ghi lại bởi Céline, chị của ngài:

 

Điều lôi cuốn ơn Chúa nhiều nhất là sự nhận biết, bởi nếu chúng ta tạ ơn Chúa về một ơn lành, Người sẽ xúc động và vội ban cho ta mười ơn khác và nếu chúng ta lại tạ ơn Ngài với cùng một tâm tình chứa chan như vậy thì ân sủng sinh ra sẽ nhiều đếm không xuể...! Tôi đã trải qua điều này, cứ thử đi rồi bạn sẽ thấy! Lòng biết ơn của tôi không giới hạn nơi những gì Người ban cho tôi, và tôi có hàng ngàn cách để thể hiện lòng biết ơn đó[4].

 

Quà tặng của Thiên Chúa đồng thời là những lời mời gọi tin tưởng, đón nhận sự sống, chia sẻ, dùng những gì được tặng ban để sinh lợi cho tha nhân và đảm nhận trách nhiệm. Chúng mời gọi mỗi người cho đi chính mình và thể hiện với tha nhân bằng cùng một lòng quảng đại mà chúng ta đã được Thiên Chúa tỏ bày.

 

 

 

 

 

NHỮNG BIẾN CỐ ĐAU BUỒN

MỜI GỌI HÃY LỚN LÊN

 

Những biến cố đau buồn cũng chứa đựng những lời mời gọi với một nội dung khác. Chúng có thể là lời mời gọi tin tưởng, hy vọng, kiên nhẫn, can đảm, tha thứ, chấp nhận những giới hạn của bản thân... danh sách này còn dài vô tận. Tuy vậy, luôn có một số điểm đặc biệt và chúng ta không nhất thiết phải hiểu rõ tất cả trong một lúc.

 

Khi ai đó đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, điều quan trọng và tự do nhất có thể làm không phải là giải quyết ngay tình thế - thường là một điều gì đó vượt quá khả năng con người - nhưng là hiểu và đi theo tiếng gọi bộc lộ trong hoàn cảnh đó. Điều đó không phải luôn luôn là một cái gì có thể biện phân được ngay, nhưng nó sẽ được hé mở dần dần cho ai biết bằng lòng với hoàn cảnh và thành tâm cầu xin những gì Thiên Chúa muốn nơi mình.

 

Khi Tin Mừng nói Đức Giêsu là đường[5], là nói đến những lời hay ý đẹp về niềm hy vọng. Chẳng một hoàn cảnh nào mà sự hiện diện sống động của Đức Giêsu - dẫu có thể bị che khuất - không thể hướng dẫn chúng ta cất đi những chướng ngại ngăn trở chúng ta hay ban cho chúng ta sức mạnh để tiến về phía trước mỗi ngày. Thánh Vịnh 16 nói, “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề; ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!”.

 

Tuy nhiên, sự trợ giúp của Chúa không là chiếc đũa kỳ diệu - một sự can thiệp khiến mọi sự nên tốt đẹp hơn mà không cần đến sự cộng tác tích cực của con người. Thiên Chúa hành động vì chúng ta, nhưng không thể thiếu chúng ta - không bao giờ thiếu đi một lời mời gọi khả năng hiểu biết của chúng ta để chúng ta nhìn sự vật trong một ánh sáng mới, để rồi, ban cho chúng ta tự do để chọn lựa như chúng ta phải chọn lựa. Mỗi một can thiệp của Chúa trong cuộc đời của một ai đó luôn luôn đi kèm một lời mời gọi hoán cải. Chúa đã nói với thánh nữ Catarina thành Siêna, “Để tạo nên con, Ta không cần con; nhưng để cứu chuộc con, Ta không thể thiếu con”.

 

 

 

HỎI ĐIỀU NÊN HỎI

 

Những lúc gian nan, chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi, “Làm sao tôi có thể tiếp tục sống?”, “Cho đến bao giờ chuyện này kết thúc?”, “Tại sao là tôi mà không phải ai khác?”, “Lỗi này là do ai?”, “Chuyện xảy ra như thế này không phải vô lý lắm sao?”. Đây là những câu hỏi hợp tình hợp lý và đôi khi, việc trả lời chúng có thể giúp giải quyết vấn đề.

 

Tuy nhiên, thông thường, sẽ không có câu trả lời. Chẳng hạn, một người có thể dành cả đời, cố chu toàn trách nhiệm nhưng không thành công do bởi hoàn cảnh. Thay vì cứ nhất quyết tìm cho được câu trả lời, mỗi người phải dũng cảm để mặc cho một số nghi vấn chính đáng không được giải đáp - một điều luôn gây đau đớn - và thích ứng với một cái nhìn khác, “Vậy thì, cuối cùng, Thiên Chúa muốn gì nơi tôi qua tất cả những chuyện này?”[6].

 

Vì lẽ chúng ta khao khát hiểu biết mọi sự, nên lời mời gọi này lại gợi lên hình thức hoán cải. Nhưng thật đáng để nỗ lực, bởi sớm muộn gì cũng sẽ có câu trả lời. Ai chân thành tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa thì cuối cùng nhất định sẽ tìm được. “Chẳng mấy chốc Người sẽ làm cho đá cũng phải nói huống hồ lại không biểu lộ ý muốn của Người cho những đứa con hằng tin tưởng tìm kiếm thánh ý Người sao” - Cha Jean-Jacques Olier, đấng sáng lập Hội Linh Mục Xuân Bích nói[7].

 

Trong tiến trình thiêng liêng, tôi thường quan sát và thấy rằng, ai ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhưng biết chấp nhận mình không có khả năng để hiểu hết mọi sự và rồi, họ bắt đầu hỏi xem Thiên Chúa muốn điều gì ở họ lúc này và ở đây, họ dần dần nhận được ơn soi sáng. Có thể họ sẽ được soi sáng để làm một hành vi đức tin, hoặc chấp nhận thứ tha, hay một nỗ lực mới trong việc cầu nguyện. Kết quả là họ được khuây khoả và giải thoát… và rồi, một lối nhỏ dẫn đến một chân trời mới mở ra.

 

Tôi nhớ chuyện xảy ra cách đây vài năm. Trong một lần giảng tĩnh tâm, người ta thường đến gặp tôi để tâm sự. Lần ấy, một thiếu phụ trẻ đã nói với tôi, “Cha ơi, đời con hỏng cả rồi. Chỉ là tai hoạ!”. Xét về mặt con người, thiếu phụ ấy chẳng hề cường điệu. Tôi chăm chú lắng nghe cô nói, vì đối với người đang đau khổ, cần phải thật lòng lắng nghe mới hiểu được nỗi sầu của họ. Vị hôn thê bỏ cô, cô thất nghiệp, gia đình đang gặp nhiều khó khăn, lại còn thêm bất hòa với cha mình... Đang khi lắng nghe, tôi nhủ lòng, “Chúa ơi, làm sao con có thể giúp cô được?”. Nhưng, khi cô đã nói ra thì chí ít, có một điều gì đó sáng tỏ: trước hết, cô phải tha thứ cho cha mình; chính Chúa sẽ lo phần còn lại. Lời mời gọi của Chúa đã rành rành, “Hãy tha thứ cho cha con”. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện một lúc, cô xưng tội… và giờ đây, cô đủ can đảm để quyết định tha thứ và phó thác phần còn lại cho Thiên Chúa.

 

Người thiếu phụ ấy ra về bình an, toại nguyện. Giờ đây cô đã hiểu mình cần phải làm gì; lại một lần nữa, cô trở nên tác nhân cho cuộc sống của mình và cô cảm thấy tin tưởng nơi Chúa cũng như tin ở chính mình. Hẳn cô đã nói, “Mọi thứ rồi sẽ ổn!”.

 

Giá mà người ta biết điều họ phải làm hôm nay, cam kết thực hiện điều đó và phó thác mai ngày cho sự quan phòng của Thiên Chúa, mọi sự sẽ tốt đẹp biết bao. Nào ai có thể làm gì hơn nữa? Hãy bước cái bước cần bước hôm nay. Ngày mai, hãy bước bước tiếp theo. Mỗi ngày sẽ có những bước riêng của nó để bước.

 

Dĩ nhiên mọi việc không luôn luôn xảy ra đơn giản như thế; dẫu vậy, tôi vẫn hết sức xúc động khi thấy ơn soi sáng và giao hoà của Thiên Chúa hoạt động nơi những ai thành tâm tìm kiếm sự đỡ nâng và hướng dẫn của Người. Hết lần này đến lần khác, tôi đã chứng kiến sự thay đổi nơi những người tôi từng có dịp trò chuyện. Trường hợp đầu tiên, “Con đang có một vấn đề, con đến gặp Cha, Cha giúp con với”. Nhưng Chúa Thánh Thần can dự ngay sau đó, “Chúa muốn tôi làm gì với những điều tôi vừa lắng nghe?”. Hoặc là “Đức tin, đức cậy, đức mến mạnh mẽ nhất của con được tìm thấy ở đâu?”. Những câu hỏi này đều có những câu trả lời - nếu không thì ít nữa là hôm nay, câu hỏi đó cũng đã được đặt ra. Thế là đủ.

 

Trong những hoàn cảnh khó khăn, tiến bộ nằm ở chỗ nghe được tiếng gọi gởi đến chúng ta. “Hãy nghe đây, Israel, hãy nghe đây!”. Mỗi người phải đi từ câu hỏi, “Tôi muốn gì ở cuộc sống?” thành “Cuộc sống muốn gì ở tôi?” hoặc đôi khi từ “Tôi mong đợi gì ở những người chung quanh?” thành “Những người quanh tôi mong chờ gì nơi tôi?”. Cho dù ngôn từ nào được dùng đến chăng nữa, cuộc hoán cải này vẫn luôn luôn cần thiết và sinh hoa kết quả. Tin Mừng luôn mời gọi chúng ta thực hiện việc thay đổi về cách nhìn nhận này.

 

Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó (Mt 7, 12).

 

 

 

NHỮNG CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG VÀ SAI

 

Đáp án cho câu hỏi “Đâu là tiếng gọi mà hoàn cảnh này gởi đến cho tôi?” không hề tồn tại trước khi hoàn cảnh đó xảy ra. Nó không phải là câu trả lời được chuẩn bị sẵn hay một loại phóng chiếu tâm lý. Lời gọi này tựa hồ ân sủng hay như một quà tặng. Nó đến khi tâm hồn mở ra và lời cầu nguyện bắt đầu cất lên. Người ta thường tìm thấy nó trong cuộc gặp gỡ với Lời của Thiên Chúa và nó thường chứa đựng sự mới lạ bất ngờ vốn là dấu ấn của Thần Khí. Nó mang lại bình an và giải thoát.

 

Thường thì những câu trả lời có sẵn từ trước ít liên quan với tiếng gọi đích thực của Thiên Chúa. Chúng phản ánh cách suy nghĩ theo thói thường của người ta, hay những chiến lược ứng phó vốn đã quen thuộc với họ. Thoạt đầu, chúng xem ra rất thiêng liêng và khai phóng trí hiểu nhưng thực ra, đây không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Để lắng nghe được tiếng gọi đích thực của Thần Khí, cần phải biết chính mình và biết lắng nghe người khác, vì người ngoài thường thấy sự việc rõ hơn. Sau đó, thông thường, chúng ta sẽ nhanh chóng khám phá ra điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì đến từ “xác thịt”- nói theo cách của thánh Phaolô - hoặc cũng có thể gọi là một tâm thức tổn thương.

 

Có thể người ta có thói quen tự trách mình trước những vấn đề trong cuộc sống; hoặc đổ lỗi cho người khác; hoặc nghĩ rằng họ phải làm được những việc lớn lao mà Thiên Chúa không đòi hỏi. Người ta có thể sợ hãi trước những yếu đuối của mình và cho rằng lúc nào họ cũng phải thật mạnh mẽ. Một số người khước từ, số khác thì luôn luôn lẩn trốn. Đây là những con đường dẫn tới chai đá, lắng lo và căng thẳng.

 

Những câu trả lời đến từ Thần Khí thì khác; chúng hoà hợp với Lời Chúa; chúng ngát hương dịu ngọt của Tin Mừng, của khiêm tốn, của bình an, một dấu hiệu của đơn sơ và thực tế. Chúng cũng tiêu biểu cho sự tươi mới và gia tăng lòng tin cậy. Mặc dầu, đôi khi cần có can đảm mới chấp nhận được chúng, nhưng tự bản chất, chúng không giới hạn, không bị áp đặt bởi hoàn cảnh bên ngoài, nhưng là một phần của một động lực bên trong vốn tôn trọng tự do. Chúng dẫn chúng ta ra khỏi những khuôn mẫu lặp đi lặp lại và mang đến những thay đổi đích thực. Chúng trao ban một sự đổi mới cho cuộc sống, một sự đổi mới vốn chỉ có thể phát xuất từ Thiên Chúa.

 

Ân sủng thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu nhận được vào dịp Giáng Sinh năm 1886 là một minh chứng hùng hồn[8]. Lúc bấy giờ, Têrêxa lên mười bốn tuổi, và hẳn đã không thể đi theo ơn gọi Carmel của mình nếu không có ân sủng đó. Đôi khi, Têrêxa nói về ân sủng đó như một ơn hoán cải và có khi, một ơn chữa lành.

 

Vào thời điểm đó, Têrêxa đã có một tình yêu vô bờ bến đối với Chúa Giêsu và một đời sống thiêng liêng chính thực cùng với sự non nớt hết sức về mặt tình cảm. Têrêxa quá dễ xúc cảm, thường khóc vô cớ, phóng đại nhu cầu của mình nhằm gây chú ý và được sự ủng hộ của gia đình. Sau Thánh Lễ Nửa Đêm là lúc mở quà theo tục lệ. Têrêxa lên gác để cất mũ. Người cha, ông Martin, buồn ngủ và hẳn ông đã chán cái cung cách của cô gái út như một đứa trẻ. Ông mệt mỏi thốt lên, “Ôi, thật may, đây là năm cuối cùng!”. Lúc đó mọi người tưởng rằng, khi nghe những lời này, Têrêxa sẽ phản ứng như thường lệ là òa lên khóc, phá hỏng cả dịp lễ của gia đình.

 

Nhưng không, vị thánh mai ngày giờ đây đã nhận được tiếng gọi của Chúa: Hãy rủ bỏ những thiếu sót của tuổi thơ, hãy bình tĩnh, xuống nhà và tỏ ra vui tươi như con chẳng nghe gì hết. Têrêxa quyết định làm như vậy và đã nhận được ơn chữa lành lớn lao, “Tôi tìm được sức mạnh của linh hồn đã bị mất lúc lên bốn tuổi rưỡi”. Giờ đây, Têrêxa có thể bắt đầu hành trình nên thánh lớn lao của mình như thánh nữ vẫn gọi.

 

Như Têrêxa, chúng ta cũng hãy đón nhận tiếng gọi của ân sủng, cả trong những việc nhỏ và sinh nhiều hoa trái.

 

 

MỖI TIẾNG GỌI

ĐỀU LÀ MỘT LỜI MỜI GỌI TIN, CẬY, MẾN

 

Như chúng ta đã thấy, Thiên Chúa gọi mỗi người mỗi cách tuỳ theo những đường lối riêng biệt Người định cho họ. Chúng có thể là những tiếng gọi biết kiên nhẫn, tha thứ, một cam kết cụ thể để phục vụ, cầu nguyện, chấp nhận chính mình, phó thác cho ý muốn của Người, khiêm tốn, một cử chỉ dịu dàng, đón nhận một biến cố vui mừng hay nhiều tiếng gọi khác.

 

Dẫu vô cùng đa dạng, nhưng những tiếng gọi chúng ta nhận được chung cục đều là những lời mời gọi tin tưởng, cậy trông hay yêu mến. “Ba nhân đức đối thần” này là động lực căn bản của đời sống thiêng liêng.

 

Trật tự trong đó, ba nhân đức này được mặc khải cho chúng ta thật quan trọng. Tiếng gọi đầu tiên của Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào - và đặc biệt trong những lúc ngặt nghèo - là tiếng gọi hãy tin: tin rằng Thiên Chúa đang hiện diện, trung thành, nắm giữ mọi sự trong tay và không bao giờ quên chúng ta. Đây là tiếng gọi căn bản và sâu xa nhất của Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta tin. Tiếp đến, tiếng gọi hãy trông cậy: trông đợi sự trợ giúp của Người chứ đừng chỉ cậy trông ở chính mình, phó thác vào Người chứ không phó mặc cho những nỗ lực phàm nhân.

 

Trên nền tảng của đức tin và đức cậy, chúng ta mở lòng đón nhận tiếng gọi hãy yêu mến: một tình yêu dành cho Thiên Chúa, tha nhân và chính mình cách tinh tuyền hơn, chân thực hơn.

 

Đức tin và đức cậy là nền tảng của đức mến. Và cuối cùng, chính đức mến sẽ tồn tại. Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi... không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”[9]. Chiêm ngắm sẽ thế chỗ đức tin, đức cậy lại được lấp đầy khi no thoả. Riêng đức mến thì không gì có thể thay thế được. Kinh nghiệm yêu mến Thiên Chúa và tha nhân trong Nước Trời sẽ càng mãnh liệt và tinh tuyền hơn ngay bây giờ, nhưng bản chất của việc yêu mến vẫn không thay đổi.

 

Mọi thử thách, dẫu đó là gì - một căn bệnh, một thất bại trong công việc, một cơn khủng hoảng tâm linh, những lúc trục trặc trong tương quan hay bất cứ thử thách nào khác - đều là một phép thử đức tin. Bạn có tin Thiên Chúa hiện diện trong trải nghiệm này? Bạn vẫn tin vào tình yêu và lời hứa của Người? Bạn có tin vào lòng thành tín và sức mạnh của Người, tin vào việc Người sẽ liên kết mọi sự với nhau vì Người chỉ muốn những điều lành cho bạn?

 

Mọi thử thách đồng thời cũng là một phép thử lòng trông cậy. Bạn đang tìm kiếm ơn cứu độ cho ai - cho chỉ một mình bạn? Bạn có trông mong ơn cứu độ xảy đến do một việc làm nào đó của bạn? Hay từ một phương tiện trần thế khác? Hay chủ yếu đến từ Thiên Chúa? Bạn đặt lòng tin cậy vào ai hay vào cái gì? Vào tiền của, lợi lộc, bằng cấp, đức hạnh của bạn hay người nào, thể chế nào? Hay bạn chỉ đặt lòng trông cậy của mình vào một mình Thiên Chúa và lòng nhân hậu vô biên của Người?

 

Cuối cùng, thử thách thường là những phép thử về lòng mến. Điều này đặc biệt đúng trong các mối tương quan, kể cả những xung đột đáng lưu ý trong đời sống đôi bạn. Tình yêu của bạn có chính hiệu không? Có vô vị lợi không? Có sức chịu đựng không? Sự quảng đại bên ngoài có chân thật không hay chỉ đang che đậy một tính toán nào đó (cho đi chỉ khi được nhận lại)?

 

Chúng ta không nên sợ những thử thách trong cuộc sống. Chúng cần thiết và hữu ích, miễn là chúng ta nhận ra tiếng gọi Thiên Chúa gởi đến cho mình trong những thử thách đó. Đây là cách chúng ta lớn lên. Thử thách mang lại cho chúng ta quà tặng tăng trưởng trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy nhớ lại những lời tuyệt vời về đức tin của thánh Phêrô:

 

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu  Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại,  để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết. Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự (1Pr 1, 3-7).

 

Thánh tông đồ Giacôbê còn đi xa hơn khi bảo chúng ta: “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều” (Gc 1, 2).

 

 

BA TRỤC CỦA ĐỨC MẾN

 

Giờ đây, hãy nghĩ đến những tiếng gọi yêu thương và những hình thức gọi khác nhau của lời gọi này.

 

Khi được hỏi giới răn nào là giới răn trọng nhất, Đức Giêsu trả lời:

 

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22, 37-40).

 

Đức mến trẩy dọc hai con đường vốn không thể tách rời nhau: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Vậy mà theo gợi ý của đoạn trích này, còn có một khía cạnh khác của đức ái: yêu thương chính mình (“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”). Yêu mình là điều tốt và cần thiết, đây không phải là vị kỷ hay quy mọi sự vào cái “tôi”, nhưng là hồng ân để sống thanh thản với chính mình, bằng lòng với những gì làm nên chính tôi, những tài năng cũng như những hạn chế.

 

Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu tha nhân và yêu chính mình cùng lớn lên và nâng đỡ lẫn nhau khi cùng trưởng thành. Nếu một trong ba yếu tố thiếu đi hoặc bị xao lãng, hai yếu tố còn lại sẽ chịu ảnh hưởng. Như ba chân của một chiếc kiềng, ba chân đều cần thiết để chiếc kiềng có thể đứng vững, mỗi chân tựa vào hai chân còn lại. Có thể có đến sáu mối quan hệ giữa ba chân kiềng; cũng vậy, ở đây lòng yêu mến sẽ có đến 6 mối tương quan:

 

1. Đức yêu người được lòng kính mến Chúa nâng đỡ. Từ lòng kính mến Thiên Chúa, đức yêu người sẽ rút ra sức mạnh; bằng không, sẽ phải khó khăn để có thể kiên nhẫn, tha thứ và thương xót. Khả năng yêu thương sẽ suy giảm nếu không thường xuyên được canh tân nhờ lời cầu nguyện và các bí tích trong Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tình yêu. Lòng mến đó luôn có nguy cơ bị dập tắt bởi sự nản lòng hoặc thất vọng; và chỉ một lòng cậy trông mạnh mẽ nơi Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta lòng can đảm để có thể bền bỉ trong yêu thương.

 

2. Đức yêu người cũng được nâng đỡ bởi tình yêu đối với chính mình. Nếu tôi không chấp nhận con người tôi như chính tôi, điều này rốt cuộc sẽ thể hiện trong những oán giận, xung đột. Nhiều xung đột với tha nhân là phản ảnh của những xung đột trong chính con người tôi: tôi từ chối kiên nhẫn chịu đựng những khiếm khuyết của anh em bởi tôi không chấp nhận những khiếm khuyết của chính mình. Nếu không bình an với chính mình, tôi sẽ làm cho người khác phải trả giá vì sự bất an của tôi.

 

3. Lòng kính mến Chúa cần có đức yêu người.  Nếu tôi khép kín lòng mình với tha nhân, trở nên chai đá bởi những xét đoán hẹp hòi, kết án, thù hận, ghen ghét… tôi không thể cảm nghiệm được lòng khoan dung hải hà của Thiên Chúa và lớn lên trong việc yêu mến Người, “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6, 38). Thế nên, việc từ chối thứ tha cho ai đó, chẳng hạn… cũng có thể làm cho đời sống thiêng liêng của bạn sa sút hoàn toàn.

 

4. Đức yêu người cũng đỡ nâng việc yêu thương chính mình. Ai đóng kín bản thân trong việc yêu thương tha nhân, cũng đóng lòng trước những gì tốt đẹp nhất nơi chính mình. Họ đánh mất những cơ hội được giao hoà với chính mình, một trải nghiệm thường có được cách gián tiếp nhờ những người khác. Ai cứng rắn và khắt khe với tha nhân, nỗi thống khổ của họ sẽ sớm bị phơi bày; đang khi, ai quên mình để yêu thương người khác, họ dễ dàng khám phá bản thân. Qua hồng ân nhận được trong biến cố đêm Giáng Sinh như đã kể trên, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói, “Tôi cảm thấy đức ái chảy vào tim, một sự cần thiết phải quên mình để làm vui lòng người khác… và kể từ đó, tôi thật hạnh phúc!”[10].

 

5. Kính mến Chúa cũng đòi hỏi yêu thương chính mình. Không chấp nhận chính mình nghĩa là không nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi. Xét cho cùng, khi yêu thương tôi, Thiên Chúa không yêu một con người lý tưởng nào đó, một con người “phải thế này” hoặc “thế kia”. Người đón nhận tôi như chính tôi đang là tôi và tôi không thể đón nhận trọn vẹn tình yêu này nếu không chấp nhận chính mình. Kiêu ngạo, cầu toàn, sợ bị chối bỏ… là một số trở ngại.

 

6. Cuối cùng, yêu thương chính mình được xây dựng bởi lòng kính mến Chúa. Ai đóng kín lòng mình trước Thiên Chúa, sớm muộn gì cũng ghét bỏ chính mình. Vì lòng nhân hậu của Chúa Cha và sự ân cần của Người là con đường chắc chắn nhất dẫn đến việc chấp nhận chính mình. Trái lại, loại bỏ Thiên Chúa dẫn tới thù nghịch chính mình. Con người thời nay rất mực khó khăn trong việc yêu thương chính mình: sự tăng nhanh của những cuốn sách tâm lý đại chúng về sự phát triển cá nhân và sở hữu lòng “tự trọng” là những triệu chứng của điều đó. Gõ lên Google chữ “self-esteem”, lòng tự trọng, chúng ta sẽ có 1,4 triệu kết quả, đó mới chỉ là những trang tiếng Pháp!

 

Thông điệp của tôi không bảo hãy “Trở về thời Trung Cổ”, nhưng tôi tin chắc cách đây vài thế kỷ, con người không gặp nhiều khó khăn trong việc yêu thương chính mình như chúng ta bây giờ. Những con người xưa kia nhận thức rất rõ, họ là những thọ tạo của Thiên Chúa - những tội nhân, dĩ nhiên, nhưng đáng được yêu thương và cứu độ. Việc chối bỏ Thiên Chúa trong ba thế kỷ qua đi kèm với ảo giác cho rằng tội lỗi được loại trừ theo cách này và cuối cùng con người được tự do và hạnh phúc. Nhưng những người nghĩ như vậy đã quên mất một điều: không có Thiên Chúa, con người phải tự mình gánh vác    sức nặng của thất vọng, khổ đau và thất bại trong mọi lãnh vực. Không có Thiên Chúa, không có thứ tha hay thương xót. Ai làm hỏng đời mình, sẽ vô phương cứu chữa. Ngay cả một lực lượng các nhà trị liệu cũng không thể dạy chúng ta cách tự xoá tội mình. Lòng tự trọng phải được xây dựng trên niềm xác tín rằng, bất cứ điều gì xảy ra, tôi vẫn được yêu thương và có thể yêu thương; và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm điều đó.

 

Cốt lõi nhân cách của con người, cũng là lãnh địa của sự an toàn riêng tư mà mọi người cần đến hệ tại ở xác tín kép này: được yêu thương và có khả năng yêu thương. Cả hai đều cần thiết. Biết mình được yêu thương cách vô điều kiện, tự nó chưa đủ; mỗi người còn cần biết, họ có thể yêu thương và trở nên một quà tặng vô vị lợi từ chính mình, nghĩa là họ có thể sinh hoa kết quả và trao ban sự sống. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể bảo đảm hai xác tín này. Vì chỉ một mình Người yêu thương chúng ta bằng một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện và cũng chỉ một mình Người cam đoan với chúng ta rằng, mặc cho những giới hạn nơi chúng ta, ân sủng Người vẫn có thể kiến tạo trong tâm hồn chúng ta một năng lực thực sự để yêu thương, để có thể nhận và nóng lòng để cho đi.

 

Lòng kính mến Chúa, lòng yêu thương người và tình yêu đối với chính mình cùng nhau triển nở, nhưng ở một thời điểm nào đó, chúng ta có thể thấy điểm này cần được nhấn mạnh hơn hai điểm kia. Đôi khi, cần gia tăng lòng mến Chúa bằng việc cầu nguyện nhiều hơn, tín thác vào Người nhiều hơn, mở lòng nhiều hơn trước ý muốn của Người và lắng nghe chăm chú hơn vào lời Người. Nhiều lúc, lòng yêu người cần được nhấn mạnh: thực hành đức kiên nhẫn (theo thánh Catarina thành Siêna, “mẫu gương bác ái”) là mở rộng lòng tha thứ, phục vụ tha nhân, giúp đỡ người nghèo khó và vân vân. Cũng có lúc phải dành ưu tiên để yêu thương chính mình: chấp nhận sự yếu đuối mỏng dòn của mình, đón nhận chính mình, thôi không tự trách mình nữa. Chúng ta phải chú tâm lắng nghe những tiếng gọi của Thần Khí và biện phân những ưu tiên của Ngài ở mỗi thời điểm cụ thể trong cuộc sống mình.

 

 

NHỮNG THÁI ĐỘ GIÚP CHÚNG TA

DỄ DÀNG ĐÓN NHẬN LỜI MỜI GỌI

 

Nhưng làm thế nào để chúng ta biện phân những tiếng gọi của Thiên Chúa? Đức tin, đức cậy, đức mến của tôi phải như thế nào lúc này và ở đây? Thật không luôn luôn dễ dàng để trả lời câu hỏi này và cũng không một hình thức nào lại phù hợp cho tất cả mọi người. Thế nhưng, vẫn có một vài thái độ nhất định soi sáng cho đa số các trường hợp và dẫn dắt những quyết định của chúng ta. Đây không phải là vấn đề trau dồi một số kỹ thuật biện phân tinh vi, nhưng là sống trong trạng thái tiếp thu nội tâm sẽ được nói đến ở phần sau của cuốn sách. Sáu thái độ liên quan sau đây tuyệt đối cần thiết cho mục đích này:

 

1. Trước hết, cầu nguyện. “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho[11]. “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh”[12]. Ngoài việc trung thành với những giờ cầu nguyện cố định, mỗi người cần có một lòng ước ao lớn lao sống cho Chúa và yêu mến Người trong tất cả mọi sự: sống trong sự hiện diện của Chúa ngần nào có thể trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống để có thể đối thoại với Người. Thầy Lawrence Phục Sinh, đan sĩ của một Nhà Kín tại Paris vào thế kỷ 17 đã viết:

 

Thực hành thánh thiện nhất cũng là điều thông thường và cần thiết nhất cho đời sống thiêng liêng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là vui thích cũng như quen thuộc với việc bầu bạn thiêng liêng với Người; từ đó, khiêm tốn nói chuyện và đối thoại với Người mọi lúc, mọi giây phút mà không theo một luật lệ hay một đo lường nào về thời gian; đặc biệt, những lúc bị cám dỗ, khổ đau, khô khan trong tâm hồn và ngay cả những lúc bội tín hay phạm tội. Cần thiết biết bao để mỗi người áp dụng cho mình một cách liên lỉ, không thờ ơ với điều này; nhờ đó, mọi hành động của chúng ta đều trở nên một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với Thiên Chúa, không như một nỗ lực được nghiên cứu, nhưng xuất phát từ lòng thanh khiết và đơn sơ của tâm hồn[13].

 

2. Thái độ nền tảng thứ hai chúng ta cần có là thái độ của đức tin với hai khía cạnh không thể thiếu của nó: tin tuân phục chân lý. Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa nghĩa là hoàn toàn phó thác hoàn toàn chính mình cho sự săn sóc của Người như một trẻ thơ, ngay cả trong những bão tố tồi tệ nhất (hãy nghĩ đến sự lặng yên của giông tố trong Tin Mừng)[14]. Cùng lúc, chúng ta phải có lòng ao ước thiết tha đón nhận chân lý và tùng phục chân lý đó, như cách diễn tả dễ thương của thánh Phêrô: “Nhờ vâng phục chân lý, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn” (1 Pt 1, 22). Thánh nữ Têrêxa từng nói, “Tôi không bao giờ tìm kiếm bất cứ điều gì ngoài chân lý” [15]. Lòng chân thật - luôn luôn chân thật với chính mình với tha nhân và với Thiên Chúa - là một dộng cơ đầy sức mạnh của sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng. Chẳng hạn, điều này có thể thấy được trong cuộc đời của Etty Hillesum, dẫu đời sống đạo đức và tình cảm của cô ban đầu không được xác định rõ, nhưng thiếu nữ này đã có một lòng dâng hiến chân thành cho Thiên Chúa và thể hiện một lòng nhân ái đáng ngưỡng mộ đối với tha nhân. Như nhật ký của cô cho thấy, cô đã khao khát và bám chặt chân lý như thế nào[16].

 

Một trong những biểu hiện xác thực nhất của niềm khao khát chân lý là khiêm nhường: khả năng nhìn nhận lỗi lầm bản thân, để chính mình được chỉ dạy bởi những người khác và bởi cuộc sống, thoát khỏi cạm bẫy luôn cho mình là đúng và giành cho được tiếng nói cuối cùng vốn rất tai hại cho các tương quan, tác hại này cũng thường len lỏi vào những nẻo đường dẫn tới chân lý.

 

Bước đi trong đức tin cũng có nghĩa là bằng lòng với một loại tối tăm nào đó, tập sống với những nghi vấn không thể trả lời. Điều này lại không hoà hợp với nhu cầu cần được an toàn cũng như mâu thuẫn với ảo tưởng khi cho rằng, an toàn hệ tại việc chúng ta làm chủ hoàn cảnh bằng trí tuệ của mình. Nhưng đó là một sai lầm. Chúng ta không thể hiểu hết mọi sự, cho nên, nhìn nhận những giới hạn của mình và tín thác vào Thiên Chúa là con đường đúng đắn đưa đến an toàn và bình an.

 

Tôi thường gặp những người đã trải qua những đổ vỡ tình cảm rất đau lòng, họ cảm thấy thật khó khăn trong việc tha thứ cũng như vực dậy cuộc sống mình. Họ mải đắm chìm trong khổ đau, tìm cách hiểu cho bằng được mọi chuyện đã xảy ra, để biết lý do tại sao người kia lại nghĩ thế này thế nọ và để hiểu lý do tại sao họ bị “bỏ rơi”. Đôi khi, điều kiện để chúng ta lật sang một trang mới là mọi sự phải được làm rõ - và đó lại là điều không thể. Vậy thì cách duy nhất để tiến lên phía trước là phó mình cho Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Người trong việc Người tỏ cho chúng ta “điều” Người muốn bày tỏ cũng như “khi” Người muốn tỏ bày. Việc phó dâng này tuy nghiệt ngã nhưng thật lành mạnh.

 

3. Thái độ thứ ba là sống giây phút hiện tại. Thiên Chúa không luôn luôn gởi đến những giải pháp lâu dài khi đáp lại những nhu cầu của chúng ta nhưng Người thường chỉ gởi đến những cú đẩy nhẹ, “chỉ cho hôm nay”[17]. Thế là đã đủ cho chúng ta tiến bước, miễn là chúng ta tin tưởng vào Người.

 

Về chủ đề này, tôi hết sức ngưỡng mộ một trích đoạn trong bài thơ Đêm Tăm Tối (The Obscure Night) của thánh Gioan Thánh Giá.

 

Đêm hân hoan, đêm tăm tối,

Nào ai thấy, lặng lẽ, chỉ mình tôi

Bước đi, mắt mở như mù

Không đèn soi, không người đưa lối

Ngoài đốm lửa le lói trong tim

Chút tia sáng ấy dẫn tôi tiến tới

Sáng hơn cả vầng hồng chính ngọ[18].

 

Bước theo ngọn lửa nhỏ bé của đức tin, đức cậy và đức mến vốn đang cháy trong lòng, tâm hồn cảm thấy an toàn như thể đang bước đi giữa thanh thiên bạch nhật. Hãy đi theo những biểu lộ phát xuất từ những hành vi khiêm tốn của đức tin, đức cậy và đức mến mà Chúa Thánh Thần gợi hứng cho chúng ta thực hiện mỗi ngày. Không ai có thể lầm lạc khi bước đi trong tin, cậy, mến. Hôm nay Chúa nói cho hôm nay. Chúng ta không biết mình sẽ được gọi làm những gì trong năm năm hay mười năm tới. Biết những gì phải làm hôm nay là đủ.

 

Ai có thái độ này, người ấy sở hữu được sự ngoan ngoãn và đức từ bỏ. Thật không tốt khi người ta luôn luôn muốn chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và kết quả là trở nên cứng nhắc trong việc sắp xếp lịch sống. Dĩ nhiên, một cuộc sống có tổ chức và một lịch trình ngăn nắp thật đáng ước ao, nhưng đáng ước ao chỉ khi nào chúng ta luôn sẵn sàng mở lòng ra trước những gì ngoài mong đợi. Nếu cứ khoá chặt vào kế hoạch của mình, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ những lời mời gọi của Thiên Chúa.

 

Trong suốt thời gian giúp các Linh mục tĩnh tâm ở Mễ Du, chứng từ của một nữ tu đầy tràn Thánh Thần đã đánh động tôi. Soeur Elvira, người sáng lập trung tâm giúp đỡ thanh thiếu niên nghiện ngập. Soeur đã nói vài điều mà những Linh mục như chúng tôi cần phải nghe: “Tôi luôn luôn sẵn sàng làm, trong 5 phút tới, những việc trái ngược với những gì tôi đã hoạch định trước đó!”.

 

4. Một thái độ không thể thiếu là bằng lòng với hoàn cảnh đang gặp phải, đặc biệt bằng lòng chịu khó với khổ đau. Đây không chỉ là việc thụ động chịu đựng với những gì xảy ra, càng không phải ít nhiều chủ động tìm kiếm đau khổ. Hãy xoa dịu những đau khổ vốn có thể xoa dịu được! Đừng nhân danh đau khổ để tạo ra một vị Thần Khổ Đau. Chính tình yêu mới cứu độ, không phải khổ đau.

 

Vậy mà, một số đau khổ và chiến đấu lại là một phần làm nên cuộc sống. Chúng phải được đón nhận với nhẫn nhục, với đức tin, đức cậy và sức mạnh được tìm thấy trong Đức Kitô. Thánh Phaolô đã nói với Timôthê, môn đệ của mình rằng, “Dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1, 8). Thánh Phêrô lại khuyến khích chúng ta đừng xem thời gian thử thách như một điều gì đó xa lạ, “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4, 13).

 

Những điều này đã được bàn đến ở đâu đó[19] nên ở đây, tôi chỉ nêu thêm một số nhận xét. Việc chấp nhận đau khổ luôn là điều khó khăn, nhưng nó đơn giản hoá cuộc sống; ngược lại, chối từ nó, cuộc sống trở nên vô cùng phức tạp. Những lúc đó, chúng ta không ngừng đặt cho mình những kế hoạch phức tạp, lê thê… hầu tránh né đau khổ. Bằng không, nó ấp ủ hận thù, khuấy động nổi loạn và dẫn tới việc buộc tội, lên án… vốn sẽ đầu độc tâm hồn mình. Thật không hiếm để thấy việc người ta biến những hoàn cảnh đơn giản thành phức tạp để rồi dẫn đến cáu bẩn, chỉ vì họ từ chối đau khổ.

 

Kitô giáo thường bị lên án là tỏ ra mềm yếu trước đau khổ. Nhưng cuối cùng, ai có thể bầu bạn với khổ đau - người biết chấp nhận khó khăn với một đức tin mạnh mẽ hay là người dành thời gian để rên rỉ kêu than về những vấn đề có thể đoán trước trong cuộc sống?

 

Ngày nay, việc từ chối khổ đau một cách quyết liệt lan tràn trong văn hoá phương Tây đang dẫn đến những hậu quả nguy hại. Những ai đau khổ được khuyến khích hãy coi mình như những con bệnh hoặc nạn nhân. Nhưng điều này thật tai hại đối với các tương quan xã hội. Những bài viết của Kitô giáo về giá trị cứu chuộc của đau khổ đôi khi lại quá cường điệu chủ đề này; tuy nhiên, sự phủ nhận hiện nay khi cho rằng, đau khổ có thể có bất cứ ý nghĩa tích cực nào đó, lại tai hại hơn.

 

 Đau khổ thường được coi như bệnh. Giúp đỡ và đồng hành với ai đó đang đau khổ là cho rằng, cá nhân đó đang ở trong một trạng thái không bình thường và đang cần tư vấn tâm lý. Chúng ta dường như liều lĩnh muốn chữa lành mọi chuyện. Một mẫu quảng cáo trên một tạp chí công giáo nào đó viết: “Hãy chữa lành những vết thương của gia đình bạn!”. Tôi không nghi ngờ những ý chỉ tốt lành của những người đứng ra tổ chức một cuộc tĩnh tâm nào đó cho những ai bị tổn thương bởi những vấn đề của gia đình. Nhưng khẩu hiệu đó gây ngạc nhiên cho tôi. Chuyện gia đình đâu phải là bệnh. Phải chăng chúng ta sẽ sớm được thấy mẫu quảng cáo có tựa đề “Vượt qua cuộc sống?”. Cách duy nhất để vượt qua cuộc sống là hết sống! Cho nên, đàng sau ám ảnh về việc chữa lành có thể sẽ là một sự khước từ sống cuộc sống đúng nghĩa của nó.

 

Ngày nay, những “phỉnh phờ” vẫn còn đó. Vì đau khổ không được chấp nhận, nó trở nên bất công. Thế nên, ai đau khổ, người ấy hẳn là một nạn nhân. Lối suy nghĩ này khích động những nhu cầu ấu trĩ và dẫn đến những điều trị vô lý.

 

Nhưng tôi xin nhắc lại: mọi đau khổ có thể gỡ bỏ được, hãy gỡ bỏ. Tin Mừng dạy chúng ta cho kẻ đói ăn, cho ai trần truồng áo mặc. Dẫu vậy, chúng ta cũng cần chấp nhận những khổ đau mà tiến trình thiêng liêng và nhân bản đòi hỏi. Đau khổ được chấp nhận sẽ giải thoát tâm trí khỏi vũng lầy ích kỷ, hướng nó đến sự sống thiêng liêng và biết quên đi chính mình. Đau khổ này giúp chúng ta mở lòng ra trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi” (Tv 34, 20).

 

Chấp nhận đau khổ cũng đem lại bình an - một bình an cho phép người ta nghe được tiếng gọi của Thiên Chúa.

 

5. Một thái độ cần thiết khác để biện phân tiếng gọi của Thiên Chúa là sự sẵn sàng để được đồng hành. Không ai tự cho mình là đủ. Như thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh, Thiên Chúa muốn chúng ta cần nhau, “Thiên Chúa rất hài lòng khi con người được điều chỉnh và hướng dẫn bởi những con người như họ”[20]. Tốt lành biết bao khi một người có thể quay sang một ai đó để chia sẻ cách thành thật những gì họ đang trải nghiệm; trong ánh sáng đức tin, đây là một trong những cách thức để mỗi người có thể đón nhận sự soi rọi của Thiên Chúa!

 

Nguyên việc nói ra thành lời những gì đang xảy ra tự nó đã sinh ích bởi nó đề cao tính khách quan và sự gạn lọc. Nhưng đặc biệt có ích hơn nữa là đức khiêm nhường vốn liên quan đến việc nhìn nhận mình không thể am tường thực tại sâu xa nhất của cuộc đời một cách toàn bộ nếu không được trợ giúp bởi người khác cùng với sự tin tưởng mà Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta có đối với con người cũng như đối với những nguồn mạch mà Hội Thánh có về sự hiểu biết này.

 

Thái độ nền tảng thứ sáu là một tinh thần toả lan lòng biết ơn. Bởi tầm quan trọng của nó, nó đáng được thảo luận chi tiết hơn.

 

 

GIỮ LẤY TÂM TÌNH TẠ ƠN

 

“Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5, 28). Lời cổ vũ của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêxanônica lặp lại chủ đề thường được nghe trong các Thánh Vịnh, “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34, 2). Tạ ơn không chỉ là một hình thức cầu nguyện được đem ra thực hành lúc này lúc khác, nhưng đó phải là một thái độ nền tảng của tâm hồn, một thiên hướng của đời sống, một cách định hướng cho toàn bộ cuộc đời mỗi người.

 

Nhưng điều đó thật không dễ dàng. Sự gièm pha của quỷ dữ - mỗi người trải qua hay những người họ yêu mến phải trải qua - những điều này phá hoại một thái độ ngợi khen. Tôi nhớ lại điều đã nghe một bạn trẻ Do Thái và một triết gia công giáo, Fabrice Hadjadj, thảo luận cách đây nhiều năm trong một buổi cà phê văn học ở Paris. Câu hỏi thế này, “Sau khi vào trại Auschwitz[21], người ta còn có thể ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa hay không?”. Anh trả lời:

 

Nếu sau những nỗi kinh hoàng của Đức Quốc Xã mà chúng tôi, những người tín hữu thôi không còn yêu mến Thiên Chúa và chúc tụng Người nữa, điều đó chỉ có nghĩa là, Hítler đã thắng. Mọi người tự do phản ứng theo như họ thấy thích đáng, nhưng phần tôi, tôi không muốn dành chiến thắng đó cho Hítler, vì thế tôi muốn tiếp tục ngợi khen Thiên Chúa suốt cuộc đời tôi, dẫu bất cứ điều gì có thể xảy ra!

 

Ngợi khen biểu thị một niềm tin rằng, tình yêu mạnh hơn thù oán, ánh sáng mạnh hơn bóng tối… và hồi kết lịch sử không phải là thắng lợi của sự dữ nhưng là toàn thắng của sự lành. Đức Giêsu nói với nữ ẩn sĩ thần bí thời Trung Cổ Julian of Norwich, rằng, “Tội là điều không thể tránh khỏi, nhưng mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp!”[22]. Sự dữ là sự hư vô - thiếu vắng hiện hữu – ngay cốt lõi của nó. Chỉ sự lành mới có giá trị trường cửu.

 

 

THÁNH HOÁ DANH THIÊN CHÚA

 

Tiếng gọi chúc tụng danh Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh không chút nghi ngờ là ơn gọi quan trọng và khó khăn nhất, nhưng đồng thời, cũng là một ơn gọi đẹp đẽ nhất. Nó làm cho loài người nên cao quý và cho phép chúng ta nhận ra nhân phẩm và tự do của mình cách trọn vẹn nhất. Một người gặp phải một tai ương vốn có thể dẫn đến việc người ấy nghĩ rằng Thiên Chúa đã quên những lời hứa của Người và rằng, cuộc sống thật vô nghĩa… nhưng vẫn có thể cao rao rằng: “Danh Chúa đáng chúc tụng!” thì quả thật, người ấy đang làm cho một hành vi cao cả nhất của tự do và lòng yêu mến trở nên có thể hiểu được. Bỗng nhiên, người ấy đã vượt quá sự vị kỷ và hẹp hòi của phàm nhân.

 

Đây là ơn gọi của dân Israel: Kiddoush ha Shem, Thánh Hoá Danh Thiên Chúa. Đó chính là lý do tại sao Địch Thù của Thiên Chúa rất thường xuyên tấn công nó. Sự thảm khốc của chiến tranh thế giới thứ II có thể khiến người ta đau xót không bao giờ ngơi, nhưng chúng không thể lấy đi sự vĩ đại giàu cảm xúc của những đoàn người Do Thái sùng đạo từ các nước giữa lòng Âu Châu khi họ đi đến lò thiêu sống mà trên môi vẫn không ngớt lời kinh Shema của Israel. Đây là tiếng vọng vô vàn lời của ông Giob, người thay vì nguyền rủa Thiên Chúa, đã cất lên “Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Danh Chúa!" (Gio 1, 21).

 

Chúng ta - những người Kitô hữu- nên kế tục ơn gọi này của dân Israel mọi ngày khi chúng ta cầu nguyện, “Nguyện Danh Cha cả sáng!”. Đó chính là đặc ân và cũng là bổn phận của chúng ta khi chúc tụng Danh Chúa suốt mọi ngày trong đời mình. Vào cuối đời, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói: “Lời này của ông Gióp: ‘Dẫu Thiên Chúa có lấy mạng tôi, tôi vẫn sẽ trông cậy nơi Người!’ đã soi sáng tôi từ thuở còn thơ”[23].

 

Khi con cái của Cha Trên Trời đáp lại tiếng gọi chúc tụng Danh Chúa này, họ đã dựng nên một thành luỹ không gì lay chuyển chống lại các thế lực của sự dữ. Thánh Vịnh 8 diễn tả điều này thật tuyệt vời:

 

Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan (Tv 8, 2-3).

 

Hành vi bác ái cao trọng nhất mà một người có thể làm cho những người khác là khuyến khích họ sống trong đức tin và đức cậy. Ngợi khen Thiên Chúa như lương thực thực sự cho linh hồn.

 

Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,

môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,

suốt năm canh thầm thĩ với Ngài (Tv 63, 6-7).

 

Đây là một phương thế vô cùng hữu hiệu để lớn lên trong đức khiêm nhường - từ bỏ đòi hỏi công nghiệp của mình và nhận biết mọi sự tốt đẹp trong cuộc sống đều đến từ lòng quảng đại của tình yêu Thiên Chúa. Như lời cha Raniero Cantalamessa, người chuyên giảng cho các nhân viên trong điện Vatican nói, “Ngợi khen giết chết và tiêu huỷ kiêu hãnh của con người. Ai ngợi khen Thiên Chúa thì như đã dâng một lễ hy sinh nào đó vốn hoàn toàn làm vui lòng Người: con người cất tiếng ngợi khen. Sức mạnh thanh tẩy phi thường của lời cầu nguyện nằm ở đây. Đức khiêm nhường ẩn giấu trong lời ngợi khen”.

 

 

BÀO CHỮA HAY BIẾT ƠN?

 

Ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa giúp người ta từ bỏ ý tưởng cho mình là vật tế và chấp nhận trách nhiệm. Khuynh hướng coi mình là nạn nhân này rất phổ biến ngày nay.

 

Những người tự cho mình là nạn nhân dùng thời giờ để kêu ca, đòi hỏi và yêu sách. Không tin vào Thiên Chúa, họ nhìn khó khăn hoặc đau khổ như lầm lỗi của một ai đó, bằng không, thì đó là một cái gì hoàn toàn bất công. Lý tưởng của họ là một cuộc sống lúc nào cũng hài lòng, không đau buồn, không gắng sức. Khi gặp thử thách họ tìm ai đó để đổ lỗi, ai đó để trả giá cho những đau khổ họ chịu. Nếu không tìm được ai để than trách, họ đổ lỗi cho nhà cầm quyền về những điều đang gây phiền hà cho họ… như thể nhà nước phải thế này thế kia hay thậm chí phải có khả năng bảo đảm cho mọi người một cuộc sống không có đau buồn!

 

Hệ quả của việc này làm nảy sinh một xã hội thích kiện tụng. Vâng, đôi khi người ta có quyền ra toà để đòi bồi thường những thiệt hại; nhưng ngày nay việc kiện tụng trở nên quá phổ biến khi ai đó phải đau khổ vì người khác - ngay cả với những người thân trong gia đình - họ lôi người có lỗi ra trước quan toà thay vì tự tin đối mặt với hoàn cảnh khó khăn một cách có trách nhiệm hoặc tha thứ cho kẻ lầm lạc và đón lấy gánh nặng của mình. Về lâu về dài, cách hành xử này xói mòn đời sống xã hội vì nó gieo rắc độc tố ngờ vực.

 

Ngợi khen và tạ ơn là những phương thuốc tuyệt vời cho tâm thức những ai coi mình là nạn nhân. Thay vì phàn nàn hay bào chữa, chúng ta được mời gọi chấp nhận cuộc sống trong chính hiện trạng của nó, cả với những gánh nặng khổ đau và khó khăn đang dành cho mình. Dần dần, chúng ta hiểu ra rằng, thách thức trước mắt không phải là việc thay đổi cuộc sống nhưng là thay đổi thái độ sống: từ thận trọng, lên án… đến chấp nhận, tin tưởng. Với đức tin, chúng ta học biết đón nhận cuộc sống như một quà tặng, cả khi nó khác với những gì chúng ta mong đợi. Để rồi, chúng ta sẽ hiểu ra rằng, cuộc sống thực vốn đẹp đẽ và phong phú hơn cuộc sống mộng mơ bội phần.

 

Đây là nguyên tắc căn bản của đời sống thiêng liêng được tìm thấy trong Tin Mừng. Đức Giêsu nói những lời bí nhiệm:

 

Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi (Lc 19, 26).

 

Bằng cách này, Ngài công bố một trong những quy luật quan trọng nhất của cuộc sống. Ai ấp ủ trong lòng những oán giận, bất hạnh, đắng cay… vì cuộc sống không như họ mong muốn, người ấy sẽ vỡ mộng. Trái lại, ai vui mừng vì những gì họ nhận được và tạ ơn Thiên Chúa về những gì xảy đến cho mình, sẽ được nhận nhiều hơn, mãi cho đến khi họ được dư tràn bởi lòng quảng đại của Thiên Chúa.

 

Tôi thường gặp những người luôn luôn chống lại cuộc sống. Họ không bao giờ hài lòng và bất cứ điều gì xảy đến, họ cảm thấy mọi sự phải khác đi. Cuộc đời của họ tiêu hao cho những cuộc thánh chiến phù phiếm.

 

Cội nguồn sâu xa của lối suy nghĩ này tiềm ẩn một sự giận dữ vô thức, một kiểu hận thù. Một cảm giác như thế có thể làm cho người ta mạnh mẽ trong giây lát, để rồi, họ tỏ ra là những nhà vô địch của lòng quảng đại và công bằng. Nhưng cuối cùng, nó không còn tác dụng, bởi về lâu dài, hoa trái chỉ đến từ tình yêu. Những ai mắc phải chứng này cần được trợ giúp về mặt tâm lý; thực hành tạ ơn và ngợi khen hẳn sẽ có ích cho họ. Khi lòng biết ơn trở nên tâm tình căn bản nhất của tâm hồn một ai đó, người ấy có thể lặp lại lời của Mẹ Maria cách thành tâm:

 

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1, 46-48).

 

Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ của lời kinh Magnificat giúp chúng ta có được thái độ này như một cái gì riêng tư của mình.

 

Tôi tin rằng, ai có khả năng sống thường xuyên tâm tình tạ ơn một cách liên lỉ, người ấy sẽ nhanh chóng trở thành một vị thánh. Đây là thái độ thiêng liêng mạnh mẽ nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn và mở rộng nó trước những hành động của Thiên Chúa. Sự dữ không có đất bám nơi một tâm hồn ắp đầy tâm tình tạ ơn.

 

Tóm lại, cũng như thái độ ngờ vực và ước muốn trả thù khép kín cõi lòng trước lời mời gọi và quà tặng của Thiên Chúa, lòng biết ơn và tin tưởng cho phép chúng ta biện phân và đón nhận chúng. Biểu hiện chóp đỉnh của lòng biết ơn là việc cử hành Thánh Thể, một hành vi tạ ơn đầy tràn nhất, trong đó Hội Thánh liên kết với hy tế tạ ơn của Đức Kitô, Đấng ngợi khen Chúa Cha vì tình yêu và sự tốt lành vô biên của Người. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói, “Thánh Thể được trao ban cho chúng ta ‘để cuộc đời mỗi người nên như cuộc đời Đức Mẹ’, nghĩa là có thể trở nên toàn bộ một lời kinh Magnificat”.

 



[1] L’abandon à la providence divine, trước đây được cho là của Jean-Pierre de Caussade (DDB, 2005), 137.

[2] Điều này đúng cho tất cả mọi người chứ không riêng cho các Kitô hữu. Cuộc đời là một trường học cho tất cả hết thảy; một trường đòi hỏi khá gắt gao nhưng cũng là một trường học đầy khôn ngoan. Một số người để cho mình được dạy dỗ với niềm tin và sự dễ bảo; họ đã sớm có những tiến bộ. Một số khác thì chống đối. Ở đây là mầu nhiệm của ý chí tự do của con người. 

[3] Một định nghĩa tốt cho tự do là: khả năng để sống mỗi hoàn cảnh cách tích cực, không đóng kín hay dồn nén nhưng tìm ra lý do để tin và sống một cuộc sống đúng đắn hơn. Đây là tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa mà Chúa Kitô dành lại cho chúng ta qua sự chết và phục sinh của Ngài. 

[4] Sister Geniviève of the Holy Face, Advice and Memoirs (Cerf).

[5] “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6).

[6] Cần thiết biết bao để nhớ lại một nguyên tắc căn bản: Không phải hiểu biết, nhưng chính đức tin mới cứu thoát. Điều cứu thoát chúng ta (giúp tiến tới và lớn lên cách tích cực, sinh hoa trái) không phải là khả năng có thể giải thích mọi chuyện, nắm bắt cái phức tạp của mọi hoàn cảnh hoặc chu toàn hết mọi trách nhiệm; nhưng điều chúng ta tìm kiếm là một thái độ đúng đắn, một thái độ qua đó, Thiên Chúa đang mời gọi. Tin là đón nhận mọi hoàn cảnh với niềm tín thác và ngoan ngoãn vâng theo ý muốn của Chúa Thánh Thần.   

[7] Trích trong B. Pitaud & G.. Chaillot, Jean-Jacques Olier, Spiritual Doctor (Cerf), 243.

[8] Thérèse of Lisieux, Complete Works, Manuscript A 45r (Cerf), 142.

[9] 1Cor 13, 2.

[10] Thérèse of Lisieux, Complete Works (Cerf), 143.

[11] Lc 11, 9.

[12] Ep 6, 18.

[13] Conrad De Meester, O.C.D., Brother Lawrence of the Resurrection. Writings and Interviews on the Practice and Presence of God (Cerf, 1991).  

[14] Mc 4, 35-40.

[15] Thérèse of Lisieux, Last Interview, 30 September.

[16] Etty Hellisum, An Overturned Life (Seuil, 1985).

[17] Thérèse of Lisieux, Poetry 5, Complete Works, (Cerf/DDB), 645.

[18] Trích từ bản dịch của Kieran Kavanaugh, OCD, and Otilio Rodriguez, OCD, trong The Collected Works of St. John of the Cross, revised edition (1991).

[19] Trong cuốn sách của tôi, Interior Freedom (Scepter Publisher, Inc., 2007) (Tự Do Nội Tâm, Lm. Minh Anh đã dịch và phát hành).

[20] Gioan Thánh Giá, The Ascent of Mt. Carmel, book 3, chapter 22.

[21] Auschwitz, trại huỷ diệt Auschwitz - trại tập trung người Do Thái của Đức Quốc Xã thời Thế Chiến II (Người dịch chú thích).

[22] Julian of Norwich, A Book of Showings (Cerf, 1992), 150.

[23] Cùng lúc đó, thánh nữ ghi thêm một chi tiết để một lần nữa cam đoan về điều đó: “Phải mất một thời gian lâu, tôi mới có thể đạt đến cấp độ từ bỏ này”. Last Interviews, July 7.