Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

02- Ơn gọi của chúng ta, những con người được tạo thành

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

ƠN GỌI CỦA CHÚNG TA,

NHỮNG CON NGƯỜI ĐƯỢC TẠO THÀNH

 

 

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm mà với tôi, thật thiết yếu. Lời gọi căn bản nhất ngỏ cùng chúng ta là một lời mời gọi đến với sự sống. Quà tặng đầu tiên Thiên Chúa dành cho chúng ta là quà tặng sự sống, tự nó, quà tặng này đã là một ơn gọi.

 

Khi giảng tĩnh tâm, một đôi lần tôi tự hỏi: đâu là quà tặng đầu tiên lớn lao nhất Thiên Chúa đã ban cho chúng ta? Thông thường, câu trả lời là: Bí Tích Rửa Tội. Dẫu Bí Tích Rửa Tội quả là quà tặng tuyệt diệu giúp con người đi vào sự phong phú của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng tặng phẩm đầu tiên của Thiên Chúa vẫn chính là sự sống làm người!

 

Thật dễ hiểu, con người thường gặp khó khăn trong việc đón nhận cuộc sống như một quà tặng vì cuộc sống thường mang đến phiền muộn, khổ đau và thất vọng. Đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc sống là một gánh nặng hơn là một quà tặng. Ông Gióp đã không nguyền rủa ngày mình chào đời sao? “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo, "Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!" (G 3, 3). Vậy mà, cả khi cuộc sống với những khổ đau, thử thách… nó vẫn luôn luôn là một quà tặng.

 

Sách Sáng Thế nói, sau khi tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh Người, “Thiên Chúa chúc phúc cho họ”, mời gọi họ sinh sôi nảy nở và làm chủ mặt đất, sau đó, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả rất tốt đẹp!” (St 1, 28-31). Thực tại nguyên thủy này vẫn không thay đổi từ xưa đến nay. Quà tặng và lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì không thể thu hồi, chẳng bao giờ Người rút lại phúc lành đã tặng trao dẫu cho tội lỗi đã làm cho hoàn cảnh trở nên phức tạp. Người nguyền rủa con rắn chứ không nguyền rủa sự hiện hữu của con người. Sự hiện hữu bị tội lỗi đe doạ - chúng ta phải hiểu rõ điều này - nhưng xét về yếu tính, nó vẫn giữ lại được điều tốt lành; thương tích bởi tội nhanh chóng đem đến lời hứa cứu chuộc thông qua phúc lành được chuẩn bị trong Đức Kitô thậm chí còn cao cả hơn.

 

Ân sủng không biến đổi bản tính nhưng hoàn thiện nó. Làm sao chúng ta có thể đón nhận ơn cứu chuộc nếu không đón nhận quà tặng tạo dựng? Ơn cứu chuộc khôi phục và hoàn thiện công trình tạo dựng. Nó không phủ nhận, cũng không thay thế[1].

 

Không chỉ là một lý thuyết thú vị, tất cả những điều này còn mang lại những kết luận cụ thể cho đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Chẳng hạn, trong chức Linh mục của mình, tôi thường quan sát và thấy rằng, điều ngăn cản một số người đón nhận ân sủng Thiên Chúa và làm tê liệt tiến trình phát triển tâm linh cũng như nhân bản của họ là việc họ không chấp nhận chính con người mình. Họ không chấp nhận những giới hạn của mình trong thân phận tạo vật[2].

 

Tạo dựng - hành động mà qua đó, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đi vào hiện hữu từ hư không - là nghĩa cử cao cả đầu tiên của tình yêu và lòng thương xót của Người trong cuộc đời chúng ta. Những hành động yêu thương về sau đều được đặt nền tảng trên nghĩa cử này.

 

Thánh Catarina thành Siêna viết về lịch sử của vẻ đẹp con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo truyền thống của thánh Augustinô, ngài phác hoạ mối liên kết giữa ba sức mạnh trong linh hồn con người với Ba Ngôi Thiên Chúa qua: trí nhớ, trí khôn và ý chí. Ngài nhận ra trong công trình tạo dựng một công trình tuyệt diệu của tình yêu.

 

Ôi Chúa, Thiên Chúa, Thiên Chúa khôn tả! Sự thiện tối cao, Đấng, chỉ vì tình yêu đã tạo nên chúng con theo hình ảnh Người, Người không bằng lòng nói lời này khi tạo dựng Con Người, “Hãy có”, lời đã khiến cho các tạo vật khác hiện hữu từ hư không; trái lại, Người đã phán “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1, 26), vì thế, cả Ba Ngôi đã kết hợp trong sự hiện hữu của chúng con và in dáng vẻ của các Ngài vào các năng lực của linh hồn chúng con. Và, quả thực, ôi Chúa Cha Hằng Hữu, trong Người, mọi sự được bảo toàn, trí nhớ của chúng con giống Người, bởi nó ghi nhớ và bảo toàn mọi sự mà trí khôn chúng con thấy được và hiểu được về Người. Sự hiểu biết này cho phép nó tham dự vào đức khôn ngoan của Con Một Chúa. Người cũng đã ban ý chí của Chúa Thánh Thần đầy dẫy tình yêu của Người và nắm lấy mọi sự mà trí khôn biết về sự tốt lành khôn tả của Người để lấp đầy tâm trí và linh hồn chúng con với Chúa. Vâng, lạy Chúa, con dâng lời cảm tạ vì tình yêu vô biên Chúa đã tỏ hiện cho thế gian, khi ban cho chúng con trí khôn để nhận biết Ngài, trí nhớ để giữ ký ức về Ngài, ý chí để yêu Ngài qua những sự này, vì Ngài đáng được như thế. Và sức mạnh này, tình yêu này, không quỷ ma nào hay bất cứ tạo vật nào có thể lấy khỏi chúng con nếu Ngài không muốn. Con người phải thẹn thùng vì thấy mình được yêu thương quá nhiều nhưng lại không yêu thương Đấng Tạo Thành mình, sự sống thật của họ[3].

 

Trong một bài giáo lý tuyệt vời ngày 2 tháng 01 năm 1980, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, “Đấng Tạo Hoá đã kêu gọi chúng ta hiện hữu từ hư vô, thiết lập thế giới trong hiện hữu, bởi Người là tình yêu”. Ngài thêm rằng, hành động này cho thấy tinh thần cốt lõi của việc ban tặng. Hướng đến loài người, nó thiết lập một mối quan hệ giữa người cho và người nhận. “Tạo dựng là một quà tặng, bởi con người xuất hiện trong đó, và vì là hình ảnh của Thiên Chúa, loài người có khả năng hiểu chính ý nghĩa của lời mời gọi đi vào hiện hữu từ hư vô”. Những lời này chiếu rọi lên mối quan hệ mật thiết giữa quà tặng và tiếng gọi đó, như đã được gợi ý ở trên.

 

“Lời mời gọi đi vào hiện hữu từ hư vô” không phải là một ẩn dụ; “gọi” ở đây phải được hiểu theo nghĩa mạnh nhất của nó, là “ơn gọi”.

 

Hơn nữa, việc người nam và người nữ đứng ở chóp đỉnh công trình tạo dựng là một dấu chỉ cho thấy “lời mời gọi đến với sự sống” là “lời mời gọi đến với tình yêu”, “lời mời gọi gặp gỡ”, “lời mời gọi trao chính mình cho nhau”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Con người không nhận ra sự tồn tại của mình nếu không tồn tại với người khác, và thậm chí cách sâu xa và trọn vẹn hơn, là tồn tại cho một ai đó”. Đặc điểm giới tính trên cơ thể biểu lộ rằng, ơn gọi để sống là ơn gọi đến với tình yêu và cho đi cách hỗ tương.

 

Ngay cả trước quà tặng Bí Tích Rửa Tội và những lời gọi cụ thể theo sau - như hôn nhân, tận hiến, tông đồ hay sứ vụ - nguyên việc được làm một tạo vật của Thiên Chúa đã là một ơn gọi cao trọng đẹp đẽ. Đó là một lời mời tạ ơn Thiên Chúa về quà tặng sự sống, để đón nhận sự sống trong những khía cạnh khác nhau của nó như: thể xác, lý trí, cảm xúc, tâm hồn - và để hướng chúng ta về sự lành và sinh hoa kết trái, một cách đặc biệt bằng việc mỗi người biết cho đi.

 

Không nhận biết vẻ đẹp của ơn gọi được tạo dựng làm người, làm sao chúng ta có thể đón nhận những ơn gọi tiếp theo sau đó? Còn cơ sở nào khác để chúng ta nói chuyện với những người chưa được rửa tội? Ơn gọi đến với sự sống là ơn gọi chung cho tất cả loài người, cả kẻ tin lẫn người không tin.

 

Mỗi ơn gọi chính thực là một lời mời gọi đến với sự sống trọn vẹn hơn bao giờ hết. Chúng ta cần thận trọng với những lời mời gọi vốn có thể trá hình và hàm chứa một sự khước từ tham dự sự sống, sợ yêu thương, lẩn trốn thể xác hay cảm xúc, thiếu chấp nhận sự hiện hữu của con người như chính nó. Chấp nhận lời mời gọi của một ai đó nghĩa là chọn một cách sống mãnh liệt hơn, phong phú hơn, không chạy trốn vì sợ hãi, núp bóng sự chết, điều này có thể xảy ra với một số cam kết của các giáo phái.

 

 

 

TA MUỐN NGƯƠI SỐNG

 

Chương 16 của sách tiên tri Êdêkien diễn tả cách mỹ miều lời mời gọi “hãy sống”. Câu chuyện ngụ ngôn tóm tắt lịch sử Giêrusalem, được miêu tả như một kiều nữ đáng yêu. Nàng trải nghiệm sự phản bội và phạm tội, nhưng mọi sự kết thúc thật tốt đẹp: Thiên Chúa tha thứ và đưa nàng về. Trước hết là sự bỏ rơi và hất hủi mà mỗi người cảm nhận đôi lúc trong cuộc sống.

 

Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi (Ed 16, 4-5).

 

Nhưng may thay Thiên Chúa đi ngang qua và chạnh lòng thương xót:

 

Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: "Hãy sống!"... Ngươi đã nẩy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà... Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu (Ed 16, 6-13).

 

Hãy sống! Ta muốn ngươi sống! Đây là tiếng gọi cốt lõi nhất và cũng là tiếng gọi đầu tiên Thiên Chúa ngỏ với chúng ta. Khi cuộc sống xem ra quá nghiệt ngã để chịu đựng, chúng ta hãy nắm chặt những lời này, sẵn lòng đáp lại tiếng gọi này, hãy sống và đón nhận cuộc sống như chính nó với tất cả gánh nặng và buồn phiền của nó. Để rồi, cuối cùng, sự chấp nhận đầy tin tưởng này sẽ đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận cuộc sống như một quà tặng vô giá.

 

Nhiều người quyết định tin vào cuộc sống bất chấp những đau khổ họ gánh chịu. Tôi nghĩ đến Etty Hillesum, một phụ nữ Do Thái trẻ chết tại Auschwitz năm 1943 (tôi đã nói về cô trong cuốn Tự Do Nội Tâm của mình). Cô từng viết, “Tôi sẵn sàng làm chứng cho vẻ đẹp và ý nghĩa cuộc sống này trong mọi tình cảnh, ngay cả đến chết”[4]. Hoàn cảnh tuyệt vọng của phận người gia tăng bao nhiêu, do Đức Quốc Xã bách hại người Do Thái gốc Hà Lan, cô càng tin tưởng vào cuộc sống bấy nhiêu.

 

Lưu ý rằng, điều này có nghĩa là chấp nhận cuộc sống trong toàn bộ của nó, chứ không chọn lựa hay chỉ chấp nhận những gì vừa lòng chúng ta và loại bỏ những điều trái ý. Chúng ta phải “chọn tất cả” như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói[5]. Etty Hilesum bày tỏ cùng một ý tưởng như thế:

 

Hơn bao giờ hết, tôi cảm nghiệm mạnh mẽ trong những ngày cuối cùng này rằng: qua những hành động và cảm giác nhỏ nhặt thường ngày nhất của tôi, có một tín hiệu của vĩnh cửu đang rón rén rướn vào. Tôi không phải là người duy nhất mệt nhọc, yếu đau, buồn sầu nhưng tôi đang nên một với hàng triệu người khác qua các thế hệ. Tất cả đó là những gì mà cuộc sống được làm nên. Cuộc sống tươi đẹp đầy ý nghĩa trong những nghịch lý của nó nếu bạn biết nắm bắt nó như một toàn bộ. Như vậy, cuộc sống trong một ý nghĩa nào đó làm nên một toàn bộ hoàn hảo. Ngay khi chúng ta phủ nhận hay muốn loại bỏ những yếu tố nào đó, ngay khi chúng ta theo đuổi những ước muốn hay sở thích riêng bằng cách chỉ chấp nhận một khía cạnh nào đó của cuộc sống và loại bỏ khía cạnh khác, cuộc sống bấy giờ sẽ trở nên phi lý. Một khi ý nghĩa của cái toàn bộ của nó bị mất đi, mọi sự trở nên tùy tiện[6].

 

Cách đây không lâu, sau khi chia sẻ đề tài niềm hy vọng vào một buổi chiều tĩnh tâm tại một trong những cộng đoàn của mình, tôi đã nói chuyện với một bà cụ trong dăm ba phút, người đã khiến tôi xúc động sâu lắng. Bà cụ đã ngoài 80 nhưng rất đôn hậu, quý phái… với một khuôn mặt bình an. Bà kể, bà gặp rất nhiều thử thách trong đời, nhất là khi ở tuổi 35 với 4 đứa con… chồng bà nhẫn tâm bỏ bà để đi theo một người phụ nữ khác. Trong mấy tuần đầu, bà sụp đổ, khép mình trong phiền muộn và không còn thiết sống.

 

Một ngày nọ, bà nghe một giọng nói vang lên trong tâm hồn như thể của Chúa Giêsu, “Nếu con không tự mình đứng lên, con cái của con không thể khôn lớn và trưởng thành”. “Thế là tôi đã tìm lại can đảm để tiếp tục sống”. Bà nói tiếp, “Để có thể bắt đầu lại cuộc sống và chăm sóc con cái, chẳng dễ chút nào; tôi đã phải chiến đấu rất nhiều, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành và Người không bao giờ bỏ tôi”. Bà kết luận, “Quả thật, cuộc sống không giống với những gì chúng ta tưởng tượng ở tuổi đôi mươi! Đến cuối đời, chúng ta mới thấy nó đầy dẫy những quà tặng tuyệt vời… và bí quyết là, bằng lòng với mọi sự cuộc sống đặt ra cho chúng ta!”.

 

 

GIÁ TRỊ CỦA MỌI CUỘC SỐNG

 

Ở một mức độ đáng lo ngại, văn hóa Tây Phương đương đại gần như đánh mất tầm nhìn về những chân lý này. Nó gặp khó khăn trong việc nhận ra giá trị thật của mỗi cuộc sống, thay vào đó, văn hoá Tây Phương cho rằng, cuộc sống chỉ đáng sống khi người ta giàu có, trẻ trung, khoẻ mạnh, thành công trong mọi việc, một chủ thể đầy tiềm năng trên trang bìa một tạp chí thời trang nào đó. Thế mà, tật nguyền, già cả và đau khổ đang cướp đi giá trị cuộc sống. May thay, Hội Thánh vẫn trung thành với Tin Mừng, không ngừng rao giảng về giá trị mọi cuộc sống, ngay cả với những sinh mệnh không thích hợp với ý tưởng hiện tại của một xã hội đang quan niệm một cách khác thế nào là thành công.

 

Những chứng từ nổi bật có khả năng mở rộng tâm hồn và trí hiểu của chúng ta vẫn còn đó. Tôi nghĩ đến chứng từ của Cha Henri Nouwen, một ngòi bút chuyên viết về đường thiêng liêng rất được khen ngợi, ngài đã từng sống tại cộng đoàn Jean Vanier’s L’ Arche và nhận ra rằng, việc tiếp xúc với người tàn tật là một nguồn cho mỗi người biết hoán cải và trở nên phong phú cách lạ thường. Trong một cuốn sách của mình, Nouwen đã viết rất cảm động về Adam, một người đàn ông tật nguyền trầm trọng, anh không nói được và hoàn toàn nhờ cậy người khác về mọi nhu cầu hàng ngày; ấy thế, anh lại trở nên quà tặng vô giá cho những người chung quanh bởi sự bình an toả ra từ anh và một sự hiện hữu nào đó vốn đã biến mọi ý tưởng thành những gì là thiết yếu nhất[7].

 

 

 

TỘI LÀ SỰ KHƯỚC TỪ SỐNG

 

Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biện phân và huỷ bỏ những khước từ của mình về việc không muốn sống. Tội, cách nào đó, luôn luôn là một khước từ dẫu nó khoác nhiều hình thức như thiếu hy vọng, quyến luyến với những kế hoạch hạn hẹp, từ chối đau khổ, quay lưng với Thiên Chúa và tha nhân, mất niềm tin vào ơn sủng vô song đang đồng hành với sự hiện hữu của chúng ta. Hãy yêu mến và chấp nhận cuộc sống của mình - không phải những cuộc sống tưởng tượng - nhưng là những cuộc sống Thiên Chúa ban tặng ngày này qua ngày khác, đồng thời khám phá nguồn phú túc ẩn tàng Người ban.

 

Từ đầu đến giờ chúng ta đã xét xem ý tưởng “lời mời gọi”. Giờ đây, chúng ta cùng hướng về những con đường chính, qua đó, lời mời gọi đến với chúng ta. Trước hết, là Thánh Kinh.

 

 



[1] Chủ đề sa ngã và cứu chuộc được khai triển rất nhiều trong tư tưởng Kitô giáo, nhưng xem ra chủ đề “tạo dựng” chưa đủ.

[2] Mời đọc chương Chấp Nhận Chính Mình trong cuốn Tự Do Nội Tâm của tác giả (Lm. Minh Anh đã dịch và xuất bản).

[3] Catherine of Siena, Prayers. Lời nguyện này được làm tại Avignon để cầu xin tái lập bình an cho Hội Thánh.

[4] Etty Hillesum, Une vie bouleversée (Séuil), 166

[5] St. Thérèse of Lisieux, Complete Works, Manuscript A, 9 and 10 (Cerf), 84.

[6] Trích dẫn trong Paul Lebeau, Etty Hillesum, un itinéraire spiritual (Albin Michel), 179.

[7] Henri Nouwen, Adam, God’s Beloved (Orbit, 1997).