Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

05- Vâng phục những người khác và vâng phục Thánh Thần

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

VÂNG PHỤC NHỮNG NGƯỜI KHÁC

 VÀ VÂNG PHỤC CHÚA THÁNH THẦN

 

Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ (Tv 32, 8).

 

Cho đến bây giờ, chúng ta đã xem xét hai cách thức quan trọng mà tiếng gọi của Chúa đến với mỗi người: Lời Chúa và các biến cố trong cuộc sống. Giờ đây, tôi muốn trình bày ngắn gọn thêm về hai phương thức khác: những đòi hỏi của tha nhân và những hoạt động bên trong của Chúa Thánh Thần. Nhiều điều đã được nói đến trước đây cũng có thể áp dụng cho hai phương thức này.

 

 

NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA THA NHÂN

 

Hiển nhiên, không phải đòi hỏi nào đặt ra cho chúng ta cũng là tiếng gọi đến từ Thiên Chúa. Có một số đòi hỏi không chính đáng, thậm chí còn xấu nữa; chúng ta có quyền, và có thể bắt buộc, nói không với những đòi hỏi đó.

 

Dẫu vậy, rất thông thường, những đòi hỏi của tha nhân là phương tiện Thiên Chúa dùng để mời gọi chúng ta lớn lên trong tình yêu. Chúng lay động chúng ta một phần nào đó và buộc chúng ta ra khỏi sự hẹp hòi của mình.

 

Nhu cầu của tha nhân và những đòi hỏi của họ, dù thầm kín hay được nói ra, thường chuyển tải tiếng gọi của Thiên Chúa và hứa hẹn những phần thưởng quý giá cho những ai đáp lại cách quảng đại.

 

Nhưng những gì làm nên một lời đáp trả quảng đại không phải lúc nào cũng dễ dàng, cũng như không hề có một qui tắc bất di bất dịch nào phù hợp cho mọi trường hợp.

 

Đôi khi tính ích kỷ và sự lười biếng đóng kín chúng ta lại trước những gì người khác yêu cầu. Khi điều đó xảy ra, chúng ta tự khước từ những cơ hội đẹp đẽ để sống mạnh mẽ hơn. Người ta không thể thực sự nhận ra tiềm năng của mình nếu không liên kết với tha nhân, đi vào sự liên minh, hứa hẹn và đón nhận lòng trung thành - một lòng trung thành đôi khi có thể đắt giá nhưng đây là cách duy nhất để thoát khỏi cạm bẫy của việc coi mình là trung tâm. Điều này không phù hợp với một tâm thức thế tục những cho rằng, tất cả các mối quan hệ - chẳng hạn khế ước hôn nhân - với những người khác là sự xâm phạm đến quyền cá nhân. Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Sự ràng buộc về lòng trung thành là một phần thiết yếu của tự do đích thực[1].

 

Việc phụ thuộc quá đáng vào những mong đợi và đòi hỏi của người khác cũng rất phổ biến. Các yếu tố tâm lý như sợ hãi, nhu cầu được tán thành hay một sự hiểu biết méo mó về ý nghĩa của lòng bác ái… khiến một số cá nhân tin rằng họ phải nói “vâng” với bất cứ ai và với bất cứ chuyện gì… cũng như phải làm vừa lòng mọi người từ sáng tới tối. Kết quả là nhân cách họ bị lu mờ, họ xao lãng với nhu cầu của bản thân và rồi, đay nghiến thay vì yêu thương. Đúng là không thể có hạnh phúc nếu không biết xả thân quên mình, nhưng đó phải là sự cho đi thực sự: tự do lựa chọn, vô vị lợi… phát xuất từ một sự dư dật lành mạnh nào đó ở phía người cho.

 

 

SỰ NHẬP NHẰNG CỦA VIỆC CHO ĐI CHÍNH MÌNH

 

Xin được nhắc lại, không thể có hạnh phúc đích thực nếu không biết cho đi chính mình vốn bắt nguồn từ tình yêu. Đức Giêsu đã dạy, “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35). Tất cả chúng ta đều trải nghiệm điều này. Thật tốt lành và cần thiết để lãnh nhận tình yêu; nhưng sau cùng, tình yêu làm chúng ta hạnh phúc không phải là tình yêu chúng ta nhận nhưng là tình yêu chúng ta cho đi. Đây là lời hứa của Tin Mừng:

 

Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại (Lc 14, 13-14).

 

Tuy vậy, cho đi chính mình không hề đơn giản trong thực hành. Một đôi khi, người ta quảng đại cho đi chính mình nhưng lại không cảm nghiệm hạnh phúc Tin Mừng hứa ban. Thay vào đó, họ gặp phải buồn phiền, mệt mỏi và thất vọng. Những nhu cầu của chính mình bị lãng quên, vì chính họ bị phớt lờ. Chúng ta đã từng nghe một người quảng đại nào đó nổi giận thốt lên, “Tôi đã chán ngấy việc phục vụ người khác, phải làm mọi việc nhớp nhúa, đang khi người ta cứ xem như đó là chuyện đương nhiên và chưa bao giờ tôi nghe lấy một lời cám ơn!”.

 

Cho đi chính mình có thể kết thúc như thế nếu không được làm cách tự do, được làm bởi một động lực nào đó hơn là phát xuất từ một tình yêu vô vị lợi - sợ nói không, sợ không được chấp nhận, lệ thuộc tình cảm, tính cầu toàn vốn phát xuất từ lòng kiêu hãnh, một cảm giác để người khác mang ơn - hoặc ý niệm để cứu người khác, cần làm vui lòng họ, muốn dạy cho họ một bài học bằng cách khiến họ xấu hổ… thậm chí còn có cả loại hình quảng đại được tính toán giống hệt một kiểu thương lượng mua bán vô thức: tôi sẽ cho anh chính tôi, với điều kiện là anh phải cho tôi cảm giác hài lòng, hoặc đề cao bản ngã mà tôi đang khao khát. Thật quan trọng để xét xem những thúc bách và loại khỏi chính mình những động lực nào không hoàn hảo; nhờ đó, việc cho đi chính mình của chúng ta có thể trở nên vô vị lợi và tự do thực sự.

 

 

KHÁC BIỆT ĐÍCH THỰC GIỮA CHO VÀ NHẬN

 

Hiểu được sự khác biệt thực sự giữa cho và nhận là một điều rất quan trọng nhưng có phần khó hơn, vì từ đó, việc cho đi chính mình của chúng ta mới có thể trở nên nguồn mạch của niềm vui. Luôn luôn cho mà không bao giờ nhận, sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc trong thất vọng. Con người cần những khích lệ và những giây phút vui đùa hạnh phúc.

 

Thế nhưng, hàng ngàn sự hài lòng tự chúng vẫn không thể cho thêm một trải nghiệm hạnh phúc đích thực, và việc đeo đuổi mọi thoả mãn thể lý vốn thường khả thi là con đường chắc chắn đưa đến bất hạnh. Một sự giúp đỡ có tính toán cũng như thế, “Tôi chỉ cho đi khi tôi đã nhận”. Ai hành động theo cách này sẽ sớm trở thành nạn nhân buộc phải lắng lo và đong đếm, đang khi họ quên rằng, thông thường, chính trong hành động cho đi mà chúng ta nhận lại. Chỉ khi nào chấp nhận tiếng gọi của Thiên Chúa để lao mình vào một công trình nào đó vượt quá sức mình, chúng ta mới nhận được hồng ân cần thiết - hồng ân chưa hề có trước đó.

 

Thật hợp lẽ khi chúng ta giữ mình khỏi sự cho đi cách miễn cưỡng vốn có thể gây thất vọng; thái cực ngược lại cũng có thể xảy ra. Những phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay không ngừng kêu lên, “Hãy lo cho bản thân, hãy để cho mình được hạnh phúc, bạn là số một”. Điều này đúng, một số người thờ ơ với nhu cầu của chính mình. Nhưng ai chỉ chú trọng đến lời khuyên này mà không quan tâm đến người khác thì như người đã bị cuốn hút - không phải bởi một vui thú nào đó - nhưng bởi chính bản thân họ và những gì họ sẽ trở nên.

 

Nhận định quan hệ đúng đắn giữa cho và nhận không phải là việc đánh giá sự quân bình được thực hành nhuần nhuyễn giữa những gì tôi cho người khác và những gì tôi được lại. Thay vào đó, nó được diễn tả trong câu nói có phần khó hiểu của Tin Mừng:

 

Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt 6, 3-4).

 

Đây là nghịch lý của Tin Mừng. Để có được một sự quân bình lành thánh giữa việc cho và nhận, bạn đừng tìm kiếm nó, nhưng hãy để mặc điều đó cho Chúa Cha!

 

Cha chúng ta trên trời biết con cái Người cần gì. Phần chúng ta, hãy cho và đừng lo lắng liệu mình có nhận lại không; đồng thời, phải học biết lãnh nhận với lòng đơn sơ và tự do. Đừng hỏi, liệu chúng ta có xứng đáng hay không hoặc một cách chính xác, làm sao để chia sẻ những gì đã nhận. Với những câu hỏi này, hãy để Thiên Chúa trả lời trong ánh sáng tình yêu không dò thấu của Người.

 

Học yêu nghĩa là nhìn thấy rõ ràng hơn bao giờ hết thái độ thiêng liêng nền tảng - và thật nghịch lý, lại là điều khó khăn nhất - đó là cởi mở đối với việc nhận. Thái độ này hết sức căn bản, vì chính Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta trước, nhưng nó khó vì đòi hỏi chúng ta cần có lòng tin mạnh mẽ, khiêm nhường thẳm sâu và để cho chính mình được yêu thương.

 

Dĩ nhiên, cần làm chủ cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cùng với sự năng động, nhưng bên cạnh đó, không thể thiếu tâm tình con thảo. Toàn bộ đời sống thiêng liêng là thời gian trau dồi và luyện tập trong niềm phó thác và lĩnh hội như một đứa trẻ. Sự lĩnh hội thiêng liêng này phải được học từng bước một trong một tiến trình không bao giờ ngưng. Vì đây không gì khác hơn là tinh thần nghèo khó Tám Mối Phúc Thật đã nói đến (Mt 5, 1). Người tự phụ không có khả năng lãnh nhận bởi tính kiêu căng của họ không cho phép. Chỉ người khiêm nhường mới biết cách nhận.

 

Còn đối với việc cho đi, nguồn mạch của nó phải được tìm kiếm nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi cái tôi của mình. Chúng ta thường ước ao cho đi theo tiêu chuẩn, theo sự khôn ngoan và sức mạnh của mình. Thế là chóng kiệt sức. Thánh Kinh đưa ra lời hứa này:

 

Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn; trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân (Is 40, 30-31).

 

 

VÂNG PHỤC

 

Giờ đây chúng ta nói đến giá trị thiêng liêng của sự vâng phục. Đây là một vấn đề phức tạp và người ta hiểu nó một cách rất nông cạn trong thời đại hôm nay. Tôi không trình bày chi tiết mà chỉ nêu bật một số điểm.

 

Ý niệm vâng phục cũng như việc thực hành vâng phục trải qua một tiến trình lâu đời trong đời sống tu trì và đời sống Hội Thánh. Sự phát triển này nằm trong đường hướng đối thoại, lòng kính trọng đối với người khác và kính trọng cộng đoàn. Việc cổ võ cho thái độ vâng phục mù quáng trong quá khứ nay không còn được chấp nhận, và chắc hẳn, điều đó xảy ra cũng chỉ vì điều thiện ích nhất.

 

Tuy nhiên, giờ đây, mối nguy đã đi quá xa theo một hướng khác khi người ta coi vâng phục dưới mọi hình thức như một cái gì đáng xa lánh, đáng hổ thẹn, một cái gì công kích quyền con người. Các tiêu chí được sử dụng cho việc tôn kính đặc trưng ngày nay ở nước Pháp thậm chí đặt các tu viện Nhà Kín và Biển Đức bên bờ vực. Việc tùng phục bề trên được coi là đáng xấu hổ - một tội trọng phạm đến sự nhận thức và tự do ý chí của mỗi cá nhân. Chắc chắn, người ta vẫn phục tùng một quyền bính đang có hiệu lực hay phải chấp hành những luật lệ khi lái xe, nhưng đó cũng là một thói quen không mấy người thích.

 

Và dẫu vậy, điều này vẫn đúng, thời xưa cũng như thời nay, rằng, khi một ai đó đang thi hành quyền bính cách hợp pháp trong Hội Thánh yêu cầu một điều gì thì trong một thái độ đúng đắn tự nhiên, yêu cầu đó phải được coi như một biểu lộ đích thực tiếng gọi của Thiên Chúa, cả khi nó không phù hợp với những gì bạn và tôi nghĩ. Tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm như thế. Thậm chí nếu bề trên có những giới hạn và đôi khi sai lầm nữa thì đức vâng phục tin yêu trong Hội Thánh và đời sống tu trì vẫn là một sự thiện đáng tin và sẽ sinh hoa kết trái. Sự vâng phục này cũng giải thoát chúng ta, ngăn ngừa chúng ta tự cô lập mình trong những kế hoạch và những yêu thích riêng. Thái độ vâng phục như thế là một chứng từ cho thấy cuộc sống không còn đơn thuần là của riêng chúng ta, nó đã được trao vào tay Thiên Chúa. Nó chứng tỏ một chân lý nền tảng, rằng, tự do đích thực là tự do được tìm thấy trong Đức Kitô.

 

Thật đáng để suy nghĩ về lời khuyên của thánh Phaolô đối với các nô lệ công giáo thời các tông đồ -  họ phải tùng phục những người chủ của họ - điều ngày nay chúng ta thấy rất khó hiểu; nhưng lời khuyên này đã từng được gọi là thực tế và có tính tiên tri. Nó thực tế, vì cuộc nổi loạn của nô lệ dưới thời đế quốc Rôma đã dẫn đến một sắc lệnh bách hại sau cuộc nổi dậy của Spartacus, để rồi sáu ngàn nô lệ bị đóng đinh dọc con đường Via Appia giữa Rôma và Capua. Nó là tiên tri, bởi việc đẩy mạnh các cuộc canh tân xã hội, một điều cấp bách hơn cả - sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra - là làm chứng rằng, nhân phẩm và tự do đích thực của mỗi người không được tìm thấy ở bất cứ một địa vị xã hội nào nhưng ở trong Đức Kitô. Thánh Phaolô thật táo bạo khi đòi hỏi sự điên rồ này nơi những người nô lệ công giáo: hãy vâng phục chủ nhân của mình “như vâng phục Đức Kitô”[2] và bằng cách này ngài làm chứng rằng, dù nô lệ hay tự do, điều quan trọng là sự sống mới trong Đức Kitô và tự do để yêu thương mà cuộc sống đó mang lại.

 

Có thể nói rất nhiều về thái độ vâng phục trong Hội Thánh và những hoàn cảnh khiến nó hoặc chính đáng hoặc lạm dụng… cũng như việc sử dụng sai quyền bính và những bứt rứt tâm lý. Đây là những chủ đề quan trọng nhưng không phải là chủ đề chính ở đây. Tôi chỉ muốn nói rõ rằng, một sự từ chối tiên thiên nào đó đối với quyền bính sẽ không phải là con đường dẫn đến trưởng thành và tự do. Những yêu cầu người khác đặt ra, ngay cả những điều bất ngờ hoặc gây phiền hà thường mang theo một lời mời gọi đến với sự sống và sinh hoa kết quả; đang khi cứ mải bịt tai trước những đòi hỏi này thì rốt cuộc, chúng ta chỉ kết thúc trong héo hon.

 

 

NHỮNG ƯỚC MUỐN CỦA THẦN KHÍ

 

Những gợi hứng và khát khao Chúa Thánh Thần dấy lên trong các tâm hồn tạo nên một môi trường trung gian cực kỳ quan trọng, qua đó, tiếng gọi của Thiên Chúa đến với con người. Vì đã từng viết đâu đó về đề tài này[3] nên tôi sẽ không nói nhiều ở đây, nhưng đó là khía cạnh then chốt của đời sống thiêng liêng. Những thúc giục bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần liên quan đến những vấn đề dù nhỏ nhặt hay trọng đại đều luôn trổ sinh hoa trái mỗi khi được đáp trả. Thánh Faustina Kowalska[4] - được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh vào tháng 4 năm 2000 -  đã gọi sự trung thành với những gợi hứng của Thánh Thần là con đường ngắn nhất để nên thánh.

 

Lời Chúa, những biến cố cuộc sống và hoạt động của Thánh Thần không phải là những kênh nguồn tách biệt nhau, nhưng đây là những phương tiện tương tác Thiên Chúa dùng để chúng ta có thể thông hiệp với Người khi hoàn cảnh cho phép. Mọi tiếng gọi nhất thiết liên quan đến cả ba, trong đó, cái này hoặc cái khác được nhấn mạnh hơn.

 

Thế nên, những gì được soi chiếu bởi Thánh Thần sẽ liên kết trực tiếp với những gì đã được nói đến. Những khao khát nội tâm cùng những hoạt động của Thánh Thần thường được đánh thức cũng như được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa. Thực hành cầu nguyện bằng Thánh Kinh (Lectio Divina) và trải nghiệm việc được Lời Chúa tác động là một chỉ thị tuyệt vời cho việc trở nên nhạy cảm trước những tác động của Thiên Chúa. Mặt khác, thông thường, những động thái nội tâm giúp con người có khả năng nhận ra tiếng gọi đang có trong một biến cố nào đó. Chúa Thánh Thần thường khiến tâm hồn chúng ta biết phải làm gì trong một hoàn cảnh cụ thể. Cũng vậy, Thánh Thần thường sắp đặt bên trong để chúng ta sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa vốn đang tiềm tàng ở một đòi hỏi nào đó từ bên ngoài.

 

Dẫu vậy, rất thường khi, con người chối từ hay phớt lờ những gì Thánh Thần gợi lên cho họ. Có nhiều lý do: cầu nguyện hời hợt, không lắng nghe được từ bên trong[5], sợ thinh lặng, khát khao những ồn ào và lo âu thế tục, động đạc… được coi như những xao lãng với điều đang xảy đến trong tâm hồn. Những lắng lo và những ràng buộc quyến luyến cũng khiến người ta không còn khả năng đón nhận những thôi thúc của ân sủng. Thế nên, họ để cho mình chịu đói chịu khát trước một nguồn mạch trao ban sự sống và hoa trái nội tâm; không những thế, họ để thiệt mất những lời hứa của Thánh Kinh:

 

Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi; giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm, như mạch suối không cạn nước bao giờ (Is 58, 11).

 

 

 

ƯỚC MUỐN CỦA CON NGƯỜI

VÀ Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA

 

Thần Khí giáo dục ước muốn. Người Kitô hữu đôi khi cho rằng, ước muốn của loài người quá trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa đến nỗi hai điều này chỉ có thể mâu thuẫn nhau. Vậy mà ở một mức độ sâu xa hơn, hai điều này được dự định để đồng quy với nhau. Không chỉ loài người mong mỏi hạnh phúc, nhưng đây còn là ơn gọi của nó. Tiếng gọi của Thiên Chúa và ước muốn thẳm sâu nhất của tâm hồn con người cùng nhau sánh bước. Lời Chúa mời gọi chúng ta cho đi chính mình vì tình yêu phù hợp với ước muốn của tâm hồn, như lời thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:

 

Thiên hướng cho đi được khắc ghi tận chốn sâu thẳm của lòng người; mỗi người cảm thấy ước muốn được liên kết với người khác và điều này được thực hiện trọn vẹn khi họ biết cho đi cách tự do[6].

 

Đời sống thiêng liêng hẳn sẽ không tồn tại nếu thay vì đáp lại những khát vọng của mình, chúng ta chỉ phủ nhận và kìm nén chúng. Thế mà, đường thiêng liêng không phải là con đường của phủ nhận, kìm nén nhưng là con đường giáo dục những ước muốn: nghĩa là học cách bỏ dần lại đằng sau những ước muốn nông cạn để những ước muốn sâu xa nhất nổi bật lên, những ước muốn vốn mang theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Còn các ước muốn khác đến từ những cảm thức tổn thương, áp đặt bởi người khác hay bởi thế gian đều sẽ bị loại ra. Công việc của Thánh Thần là kết hợp tiếng nói Thiên Chúa với những ước muốn của con người, hoặc bằng cách khiến chúng ta ước ao điều Thiên Chúa muốn, hoặc bằng việc thúc giục chúng ta vượt quá những ước muốn hời hợt. Đây là điều Thiên Chúa đã hứa với ngôn sứ Giêrêmia:

 

Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa (Gr 31, 31-34).

 

Trong Giao Ước Mới, việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa qua lòng trung thành đối với tiếng gọi của Người không phải là một điều gì áp đặt từ bên ngoài; nó tự nảy sinh cách tự do như một biểu lộ ước muốn sâu sa nhất của tâm hồn. Nhưng chúng ta cần phải thực tế. Giáo dục ước muốn của con người là một công việc lâu dài và khó khăn, đòi hỏi cố gắng và quên mình… bởi lẽ, vết thương tội lỗi đã làm trệch hướng ước muốn cũng như đã làm cho ước muốn phải đổ vỡ[7].

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

 

 

THIÊN CHÚA CỦA MỌI VẺ ĐẸP

 

 

Giờ đây, tôi muốn chia sẻ thêm một vài suy tư về việc mời gọi và vẻ đẹp[8]. Trong tiếng Hy Lạp, hai từ này gần gũi với nhau: kalos nghĩa là vẻ đẹp, kalein nghĩa là kêu gọi[9]. Có những hoà hợp sâu xa giữa những gì chúng ta đang nói về Thiên Chúa, Đấng kêu gọi và mầu nhiệm của vẻ đẹp. Triết gia Dionysius the Areopagite từng nói: Thiên Chúa mời gọi (kaloun) mọi sự đến với Người, vì thế Người được gọi là Kalos (vẻ đẹp)[10].

 

Vẻ Đẹp mời gọi - Vẻ Đẹp triệu tập. Nó không bỏ mặc ai; nó gợi lên một ước muốn. “Thiên Chúa kêu gọi mọi sự đến với Người như những tiếng gọi đáng khao khát gọi mời hãy để cho mình khát khao”[11]. Đây là một lời mời đi đến việc đáp trả: để ngưỡng mộ và yêu mến hầu đáp lại Vẻ Đẹp đã kêu gọi chúng ta, một Vẻ Đẹp đã tự biểu lộ chính nó. Con người không tự mình làm điều này. Chính động thái đó lôi kéo người ta đến với cái gì là đẹp đẽ, khiến người ta dâng lời tạ ơn. Động thái này không đến từ người đó, nhưng phát xuất từ Vẻ Đẹp.

 

Sự thanh khiết, vô vị lợi và lòng quảng đại hiện diện trong vẻ đẹp đích thực, vì chúng ở trong Thiên Chúa. Vẻ đẹp của một điều gì đó xinh đẹp thì không phải cho chính nó nhưng cho những ai chiêm ngắm và hân hoan trong nó. Vẻ đẹp tự phụ của cái tôi ích kỷ thì đáng khinh.

 

Chúng ta không thể đặt bất cứ giới hạn nào trước tiếng gọi yêu thương ngỏ với chúng ta từ một Đấng mà tự thân Người là Vẻ Đẹp, là Chân Thiện Mỹ. Tiếng gọi này, cũng là một tiếng gọi của chân lý, của sự thiện[12], đòi hỏi một thái độ bỏ mình trọn vẹn. Vì quảng đại vô song, nên nó cũng kêu gọi sự quảng đại vô cùng như thế nơi những ai sẵn sàng mở lòng ra với nó. Mức độ phải lẽ để yêu mến Thiên Chúa là mến yêu Người không mức độ. Như thế, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. “Tiếng gọi Vẻ Đẹp gửi đến chúng ta cũng kêu gọi chúng ta đến với chính mình nữa”[13].

 

 

 

 

TA ĐÃ GỌI CON BẰNG CHÍNH TÊN CON

 

Nguồn gốc sâu xa, sự tổng hợp sau cùng cũng như việc nhận thức đầy đủ nhất về tất cả những gì chúng ta đã nói từ đầu đến nay đều được tìm thấy trong mầu nhiệm Đức Kitô. Cuối cùng, thực sự chỉ có một lời mà Chúa Cha dùng để gọi chúng ta: lời này Người đã nói qua Người Con. Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng, Chúa Cha chỉ có một lời duy nhất để nói với chúng ta - Người Con[14]. Ngài là quà tặng vĩ đại nhất Thiên Chúa dành cho nhân loại, là tiếng gọi quan trọng nhất của Thiên Chúa. Vì thế, “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2, 1-2).

 

Đức Kitô tổng kết những gì đã được nói trong công trình tạo dựng mọi lời đã được truyền cho Israel. Trong mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Ngài, Đức Kitô là lời cuối cùng dứt khoát và không gì có thể thêm vào được. Ngài nói cho chúng ta mọi điều về Thiên Chúa và về con người. Ngài là Lời phong phú vô tận.

 

Khi nói về các mầu nhiệm của Đức Kitô, thánh Gioan Thánh Giá đã so sánh chúng với những hang động to lớn hoặc những hầm mỏ chứa đựng kho báu đang đợi khám phá.

 

Những vị linh hướng thánh thiện đã tài tình khám phá, những linh hồn xứng đáng đã khôn khéo nếm thử những điều kỳ diệu trong cuộc sống, nhưng tất cả họ chỉ mới biểu lộ một phần rất nhỏ bé của những điều kỳ diệu này. Vực sâu thăm thẳm phải dò thấu chính là Đức Kitô. Đây là nguồn kho báu dồi dào chứa đựng vô số nguồn mạch quý giá, chúng ta có thể đào bới ở đây mãi mãi mà không bao giờ chạm tới đáy được... Chúng ta tìm thấy những nguồn mạch mới ở khắp mọi hướng, những nguồn mạch bộc lộ thêm những kho tàng khác nữa. Đây là điều thánh Phaolô đã nói về Đức Kitô, “Đức Kitô, trong Người cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2, 3).

 

Cuối cùng, nhiều tiếng gọi của Thiên Chúa bắt nguồn từ một tiếng gọi duy nhất. Đó là tiếng gọi hãy đón nhận mầu nhiệm Đức Kitô, hãy để chính mình được soi chiếu và biến đổi bởi Ngài.

 

Tiếng gọi đầu tiên chúng ta bàn đến - tiếng gọi để sống được bày tỏ trong tạo dựng - cách mầu nhiệm đã là một tiếng gọi trong Đức Kitô. Mọi sự được tạo dựng trong Ngài, bởi Ngài và cho Ngài.

 

Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người (Cl 1, 15-17).

 

Tiếng gọi của việc tạo dựng ngỏ với chúng ta là một mời gọi hãy trở nên con người viên mãn, và điều này chỉ có thể kiện toàn trong Đức Kitô, vì Ngài là con người viên mãn được nhận biết duy nhất, là Đấng phù hợp hoàn toàn với ý muốn Chúa Cha. Như Công Đồng Vaticanô II nói, “Ai theo Chúa Kitô, con người hoàn hảo, kẻ ấy trở nên người hơn”[15].

 

Tiếng gọi của Bí Tích Rửa Tội cũng là một tiếng gọi đến với Đức Kitô, nhưng rõ ràng và dứt khoát hơn. Qua phép rửa, chúng ta nhận được một quà tặng mới, đó là sự sống thần linh và là một tiếng gọi mới: đó là một quyết định cá nhân để theo Đức Kitô và được biến đổi trong Ngài.

 

Tất cả những lời mời gọi khác nhau trong Hội Thánh như hôn nhân, chức linh mục, đời dâng hiến... đều được thấm đẫm ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, cũng là những tiếng gọi để sống một khía cạnh của mầu nhiệm Đức Kitô: Đức Kitô hôn thê, Đức Kitô tư tế, “Chúa Kitô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn lành cho mọi người, và trong mọi sự… luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Ðấng đã sai Người đến”. 

 

Mọi sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người - qua Thánh Kinh, qua những biến cố trong cuộc sống, qua hoạt động của Thánh Thần, những phương tiện khác nhau của ân sủng… được mô tả trong cuốn sách này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc thúc giục chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, ý nghĩa cốt lõi lý do hiện hữu của con người. Con người được gọi để yêu thương, và tình yêu được học chỉ nơi trường dạy của Đức Kitô. “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5). “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 29-30).

 

Thuật ngữ “gọi” có hai nghĩa: để gọi tên hoặc chỉ định và mời. Những ý nghĩa này kết hợp với nhau trong mầu nhiệm Đức Kitô. Khi đáp lại lời mời để biến đổi và đi theo Ngài, chúng ta tìm được căn tính đích thực của mình và tiếp nhận một tên gọi mới, một tên gọi cho biết chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì.

 

“Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, ta sẽ ban cho manna đã được giấu kỹ; ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Kh 2, 17).

 

“Tên gọi mới” này không phủ nhận hay xoá bỏ tên cũ vốn được dùng để nhận dạng một ai đó khi họ sinh ra; đúng hơn, tên gọi mới phục hồi và làm mới lại tên cũ và giải thoát nó khỏi tình trạng bám chặt vào cái tôi, bộc lộ ý nghĩa sâu xa nhất của nó, và cuối cùng, đem nó đến chỗ kiện toàn.

 

 

 



[1] Về vấn đề ràng buộc vợ chồng, xem thêm cuốn sách rất nổi tiếng của Xavier Lacroix, Of Flesh and the Word, Founding a Family (Bayard, 2007), đặc biệt chương 3: Why Grow Old Together?

[2] x Ep 6, 5-9.

[3] In the School of the Holy Spirit (Scepter Publishers, Inc., 2007). (Đón đọc Trường Học của Thánh Thần, bản dịch của Lm. Minh Anh).

[4] Nữ tu người Ba Lan (1905-1938), được phong hiển thánh vào Chúa Nhật II sau lễ Phục Sinh năm 2000. Từ Chúa Giêsu, chị đã nhận được bao mặc khải nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, kể cả việc mời gọi dành Chúa Nhật này mỗi năm để kính lòng thương xót Người. 

[5] “Để có thể lắng nghe, trước hết và trên hết, phải có sự im ắng từ bên trong cũng như bên ngoài; nhờ đó, chúng ta có thể chú tâm đến những gì đang ngỏ với mình”. Jean Louis Chrétien, Call And Response (Editions de Minuit, 1992), 32.

[6] Sứ điệp Mùa Chay 2003.

[7] Những lưu ý này thật quan trọng cho việc biện phân. Xem thêm, chẳng hạn, Andre Luof, Grace Can Do More, Chương 9 (DDB). Nói đến những biện phân về ơn gọi. Sẽ an toàn hơn khi nói rằng, một lời mời gọi không thể được đón nhận hoàn toàn một cách tự do nếu nó không vang vọng ước muốn sâu xa của con tim, đó không phải là một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa.

[8] Những suy tư này được gợi hứng từ một tác phẩm triết học của Jean-Louis Chrétien, Call and Response (Editions de Minuit, 1992). 

[9] Cách riêng ngày nay, chúng ta cần khám phá (như các thánh và các nhà thần nghiệm đã làm trong quá khứ) Thiên Chúa như một vẻ đẹp. Canh tân nghệ thuật Kitô giáo là một điều hết sức thiết yếu.   

[10] Denis, De divinis nominibus, IV, 7. Cited by Jean-Louis Chrétien, op.cit.

[11] Ulrich de Strasbourg, một thần học gia của thế kỷ thứ ba. Cited in op. cit., 27.

[12] Thiên Chúa cùng lúc là Chân Thiện Mỹ. Ở đây, chúng ta tập trung vào Vẻ Đẹp (Mỹ), vì có lẽ, cách đặc biệt, chúng quá đẹp để rồi sự chân thực (Chân) và thiện hảo (Thiện) kéo chúng ta vào trong đó.

[13] Chrétien, op. cit., 23.

[14] “Trong khi tặng trao chúng ta Người Con duy nhất của mình - Chúa Con, Lời duy nhất, và không còn gì khác - Thiên Chúa đã nói với chúng ta xưa kia qua chính Ngôi Lời này”. Ascent of Mount Carmel, cuốn 2, chương 22.  

[15] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 41, 1.