Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

03- Lời Thiên Chúa , Lời quyền năng có sức kêu gọi

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

LỜI THIÊN CHÚA,

LỜI QUYỀN NĂNG CÓ SỨC KÊU GỌI

 

Chỉ cần lướt mắt đến cuốn Thánh Kinh, đã đủ cho tôi, để ngay lúc đó, tôi hít lấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy về đâu (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu)[1].

 

Lời của Thiên Chúa được Thánh Kinh truyền lại là một phương tiện nền tảng, qua đó, Người gọi chúng ta, trao cho chúng ta quà tặng sự sống của Người. Sống với Thánh Kinh không phải là một cái gì xa xỉ dành riêng cho một số ít những người nhàn rỗi hay cho những người có sở thích giải thích nó. Sống với Thánh Kinh là một nhu cầu sống còn đối với mỗi Kitô hữu nhất là trong thời đại bấp bênh, tranh dành và hỗn độn này. Chúng ta có một nhu cầu cấp thiết đối với Thánh Kinh như một nguồn mạch ánh sáng và sức mạnh không bao giờ cạn, soi sáng và làm nền tảng cho cuộc sống chúng ta. Chúa Giêsu nói, “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 23, 33).

 

Thánh Kinh có một sức mạnh phi thường để nói với chúng ta cách sâu sắc và riêng tư, đáp ứng chính xác ngay “lúc này và ở đây” nhu cầu cần được sáng soi, động viên khích lệ và ngay cả thôi thúc sự hoán cải vốn đang nằm sâu trong tâm hồn mỗi người. Những khoảnh khắc này xảy ra khi một câu Thánh Kinh - dẫu trước đó không có ý nghĩa gì đặc biệt - bỗng nhiên bùng cháy với một thông điệp vốn tương xứng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta để rồi qua đó, chứng thực lòng trung thành và nhân hậu của Thiên Chúa.

 

Tôi xin mở đầu với một bản văn súc tích trong Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải của Thiên Chúa của Công Đồng Vaticanô II (Dei verbum). Một trong những hậu quả đáng tiếc về phản ứng của giới Công Giáo trước sự quá khích của anh em Tin Lành là đã có một sự xao lãng nào đó đối với Thánh Kinh nơi những người công giáo. Vaticanô II đã tìm cách sửa chữa điều này và rồi, những phong trào Thánh Linh như Canh Tân Đặc Sủng nở rộ sau Công Đồng được mô tả như một cơn khát Lời Chúa mãnh liệt. Nhưng trước hết, hãy để chính các giáo phụ của Công Đồng lên tiếng:

 

Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu. Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như quy luật tối cao hướng dẫn đức tin…

 

Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn…[2]

 

Ở đây Công Đồng nói đến Thánh Kinh như nguồn lương thực phong phú, như Thánh Thể cho các tín hữu. Thánh Jêrôme nói, “Chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể và trong việc lắng nghe Thánh Kinh nữa”[3].

 

Chúng ta cũng lưu ý một vài thuật ngữ khác được dùng để diễn tả Lời như một quà tặng quý giá đến từ Chúa Cha, đó là: sức mạnh đức tin, của ăn linh hồn, suối nguồn thanh khiết vô tận của đời sống thiêng liêng.

 

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lấy ý tưởng này từ Công Đồng Vaticanô II. Ở đây chúng ta sẽ chỉ xem xét một bản văn trích từ Tông Thư Ngàn Năm Mới, Novo Millennio Ineunte, gởi đến toàn thể Hội Thánh vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba.

 

Cấp thiết nhường bao để việc lắng nghe Lời Chúa trở nên một cuộc gặp gỡ đem lại sự sống - theo truyền thống cổ xưa và mãi mãi vững chắc của phương pháp đọc Sách Thánh trong tinh thần cầu nguyện (Lectio Divina) - vốn được kín múc từ bản văn Thánh Kinh lời sống động hằng chất vấn, hướng dẫn và nắn đúc cuộc đời chúng ta[4].


THÁNH KINH MỜI GỌI CHÚNG TA ĐỌC LỜI CHÚA

 

Thánh Kinh chứa đựng nhiều lời mời gọi hãy suy niệm Lời của Thiên Chúa. Chẳng hạn, Thánh Vịnh 1: ”Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân… nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”. Thánh Vịnh hứa hẹn những điều kỳ diệu sẽ đến với những ai cam kết với việc suy niệm không ngừng này, “Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành”.

 

Tôi muốn trích dẫn thư thứ nhất của thánh Phêrô,

 

Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi, vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô, hoa thì rụng; Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha. Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành (1Pr 1, 22-2, 3).

 

Đoạn thư cảm động này viện dẫn sức mạnh của Lời trong việc đem lại cho nhân loại một sự sống mới lành mạnh và yêu thương. Nó mời gọi chúng ta những mong chờ Lời như em bé khát khao bầu sữa mẹ, nguồn lương thực đứa trẻ cần để sống và lớn lên. Đoạn thư này nối kết việc lắng nghe Lời với sự hào phóng của Thiên Chúa trích trong Thánh Vịnh 34: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo dường bao”. Trải nghiệm về sự rộng lượng của Thiên Chúa sẽ đổ đầy tâm hồn chúng ta niềm tin tưởng và làm tan chảy sự chai lì của nó. Việc đọc Lời Chúa đôi lúc xem ra khô khan, nhưng nếu cứ kiên trì, sớm muộn gì, chúng ta cũng tìm thấy trong đó sự ngọt ngào vốn ngon tuyệt hơn bất cứ của ăn nào trên trần gian.

 

 

THIÊN CHÚA Ở TRONG LỜI CỦA NGƯỜI

 

Một cách nhiệm mầu, Thánh Kinh thông truyền chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong một chú thích về Mười Điều Răn của Kinh Talmud (tập hợp những văn bản cổ về luật và truyền thống Do Thái) có câu: “Bản tính của Ta, Ta đã biểu lộ trên giấy mực”. Mặc cho những giới hạn của ngôn ngữ phàm trần mà các tác giả Thánh Kinh dùng, Chúa Thánh Thần vẫn là Đấng hướng dẫn các ngài, làm cho những lời đó thành phương tiện để Thiên Chúa thực sự ở giữa chúng ta bằng tất cả tình yêu, khôn ngoan và sức mạnh của Người.

 

Cả truyền thống Do Thái giáo lẫn Kitô giáo đều làm chứng về điều đó. Không nên cường điệu về điều này. Nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng Thánh Kinh cũng chỉ như một cuốn sách bình thường khác. Việc đọc Thánh Kinh trong đức tin làm cho chính Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta, đồng thời, đưa Người đến với tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta để cho lời của Thánh Kinh tràn đầy tâm trí và đi vào tâm hồn, Thiên Chúa sẽ hiện diện vì Người ở trong lời mình.

 

Thông thường, điều này lại khác với chúng ta. Hiếm khi lời chúng ta bộc lộ đầy đủ chính con người mình nhưng rất nhiều lần, lại đầy đủ với những gì nông cạn vô bổ, thậm chí không thật. Khi nói “Tôi yêu em” với ai đó, những lời này có thể mang đầy đủ trọng lượng của tự do, cam kết và lòng chung thủy của tôi, hoặc lời đó chỉ là những lời dối trá những muốn nói rằng “Tôi muốn một điều gì đó nơi cô ngay lúc này” mà thôi. Thiên Chúa, trái lại, Người là sự thật, khi Người thông truyền một điều gì, Người thông truyền cả chính mình Người. Đón nhận lời Thiên Chúa vào trong tâm hồn chúng ta nghĩa là đón nhận sự hiện diện và tình yêu của Người cũng như nhận chìm chúng ta vào mối thâm tình với Người.

 

Việc trao đổi ngôn từ giữa các đôi bạn tạo nên thân mật, tạo nên một không gian giao tiếp, trao tặng cho nhau, có lúc thậm chí tặng cả tình yêu thân xác. Cũng vậy, việc lắng nghe Lời và đáp trả trong cầu nguyện tạo nên mối thân tình giữa Thiên Chúa và người tín hữu. Điều này thật căn bản, đặc biệt với những ai cam kết sống độc thân vì Nước Trời. Thời giờ dành cho việc cầu nguyện với Thánh Kinh (Lectio Divina) tạo nên và đào sâu thêm sự gần gũi yêu thương với Thiên Chúa mà nếu không có nó, đời dâng hiến sẽ mất hết ý nghĩa. Sốt sắng thực hành cầu nguyện với Thánh Kinh (Lectio Divina) là điều tối cần thiết cho bậc sống này. Nó làm cho người dâng hiến trở thành “người bạn đời” của Lời.

 

Suy niệm Thánh Kinh là nền tảng cho bất cứ đời sống cầu nguyện nào của người Kitô hữu đích thực. Thiên Chúa nói với chúng ta và gợi lên trong chúng ta một lời đáp trả qua việc suy niệm. Đây là cách thức mở đầu của cuộc đối thoại trong cầu nguyện.

 

Chúng ta cần tìm lời lẽ để nói với Thiên Chúa. Những lời đến với chúng ta cách tự phát có giá trị riêng của chúng, dĩ nhiên, nhưng Thánh Kinh đã đưa ra những cách diễn đạt và ngôn ngữ để chúng ta ngỏ cùng Thiên Chúa và khi làm vậy, những lời ấy giúp chúng ta hình thành lời cầu nguyện của mình. Chẳng hạn, các Thánh Vịnh là một trong những món quà đẹp đẽ như thế. Dẫu là ngôn ngữ của loài người nhưng Thánh Vịnh vẫn thiêng thánh sâu sắc và diễn tả vô vàn cảm xúc như đau khổ, phiền muộn, cám dỗ, nổi loạn và cả sự tin tưởng trong bình an cũng như lúc vui mừng hớn hở. Chúng luôn kết thúc bằng cách làm cho chúng ta tin tưởng và hối thúc một tâm tình cảm tạ tri ân.

 

Càng được nuôi dưỡng bằng Thánh Kinh, lời cầu nguyện càng chính hiệu và sinh hoa kết quả; đồng thời, dù hoàn toàn thuộc về hạ giới nhưng những lời đó có khả năng giúp chúng ta thông hiệp với mầu nhiệm Thiên Chúa vốn không thể hiểu thấu. Ai có Lời Chúa trong trí và trong tâm, người ấy có thể đáp lại lệnh truyền “Hãy cầu nguyện không ngừng!” (1 Tx 5, 7).

 

 

 

LỜI VÀ SỰ BIỆN PHÂN

 

Thánh Vịnh 118 nói, “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước con đi”, Lời Chúa soi dọi ánh sáng chân lý sâu xa nhất vào cuộc đời chúng ta. Thư gửi tín hữu Do Thái đã nói về sức mạnh biện phân của Thánh Kinh:

 

Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều tần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta phải trả lẽ (Dt 4, 12-13).

 

Lời Chúa tựa hồ tấm gương, qua đó, chúng ta có thể biết thật chính mình, tốt cũng xấu. Lời Chúa phê chuẩn những thoả hiệp của chúng ta với tội lỗi, trước cả hai cách chọn lựa, phạm tội hay không phạm tội; đồng thời chỉ rõ và khuyến khích những gì tốt nhất trong chúng ta. Lời Chúa có khả năng giúp chúng ta phân biệt giữa những cấu trúc tâm lý đã bám rễ và gây thương tích cho bản tính con người cũng như sự dạt dào của tình yêu đích thực nơi chúng ta. Với tấm gương ẩn dụ này, thánh Giacôbê mời gọi chúng ta soi mình vào Lời Chúa là “luật trọn hảo mang lại tự do”, nhờ đó, có thể gắn bó và tìm được hạnh phúc qua việc sống với Lời Chúa (Gcb 1, 15).

 

Việc chuyên cần đọc Lời Chúa sẽ khơi lên một cơn khủng hoảng sinh ích, một sự “phê phán” cần thiết (Krisis trong tiếng Hy Lạp - một thuật ngữ thường gặp trong Tin Mừng thánh Gioan) vốn không lên án nhưng dẫn đến hoán cải và cứu độ. Chẳng hạn, khi nghĩ về dụ ngôn chủ vườn nho trả cho tất cả người làm công của ông giống nhau, những người chỉ làm một giờ cũng như những người làm việc cả ngày dưới nắng nôi thiêu đốt, khiến những người sau tức giận càu nhàu (Mt 20, 1-16), tôi nghĩ đến những lời này:

 

Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm (Mt 5, 39-41).

 

Chúng ta dễ sốc khi nghe đoạn trích này, nhưng cái sốc này có ích cho chúng ta. Nó đưa ra ánh sáng những tính toán, sợ hãi và cách thức đối kháng của con người. Chúng ta được gọi để đảm nhận việc cải thiện bản thân, chúng ta được gọi để mở lòng đón nhận những hoạt động của ân sủng, để đặt niềm tin vào Thiên Chúa đến nỗi không còn cần phải tính toán hay tự vệ nhưng có khả năng yêu thương trong mọi hoàn cảnh. Và như thế, Lời Chúa dần dần kéo chúng ta ra khỏi khôn ngoan thế gian để đạt đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

 

 

LẮNG NGHE LỜI CHÚA,

ĐIỀU KIỆN ĐỂ SINH HOA KẾT QUẢ

 

Một trong những dụ ngôn nói về Lời Chúa được nhiều người biết đến trong Tin Mừng là dụ ngôn Lời dưới hình ảnh hạt giống được gieo[5]. Một phần, dụ ngôn cảnh báo về những gì có thể khiến Lời Chúa trở nên cằn cỗi trong đời sống: thiếu kiên trì, lo lắng, giàu sang và khoái lạc. Nhưng bài học đầu tiên của dụ ngôn lại chú trọng đến việc sinh hoa kết trái của Lời. Khi “nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”, nó trổ sinh gấp trăm lần. Ngôn sứ Isaia cũng chứng thực việc sinh hoa kết trái này:

 

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó (Is 55, 10-11).

 

Lịch sử Hội Thánh ghi nhận nhiều chứng nhân nam nữ, những người đã được một câu Lời Chúa nào đó chạm đến và đánh động, họ tìm được ý nghĩa cũng như sinh hoa kết quả nhờ sống câu Lời Chúa đó. Thánh Antôn Sa Mạc, tổ phụ của mọi thầy dòng, là một nông dân Ai Cập, đã khóc lên khi nghe những lời này trong nhà thờ tại làng của mình, “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). Hoa trái trong đời sống và thành công vô cùng lớn lao qua nếp sống tu trì của ngài đã khai mào trong Hội Thánh bắt đầu từ việc ngài lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến mẹ Têrêxa Calcutta, người được đánh động và hiến dâng đời mình phục vụ anh chị em nghèo khó bởi lời “Ta khát” của Chúa Giêsu. Cũng như Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Vita Consecrata[6], 1996, của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã nói đến những người sống đời thánh hiến rằng, “họ đạt được hoa trái thiêng liêng nhờ chấp nhận Lời” như Đức Maria[7]; cũng đúng như thế với mọi Kitô hữu.

 

Trong một ý nghĩa nào đó, ơn gọi của mỗi người nam hay người nữ là trao thân mình cho Lời. Lời Chúa phải được hoá thân thành xương thành thịt, mặc lấy xác phàm này, bằng không, nó vẫn trừu tượng và xa vời. Cùng lúc, cuộc sống con người phải được thấm đẫm bởi Lời Chúa, bằng không, nó sẽ quay lại với chính mình và thiếu mất ý nghĩa vĩnh cửu của nó. Không gì trên trần gian này đẹp hơn tâm hồn một con người luôn mở ra với Lời, kiên trì khao khát để sống Lời đó đến cùng, và nhờ đó, được biến đổi và canh tân cách thẳm sâu. Đây là chính mầu nhiệm của Đức trinh nữ Maria với hoa trái trổ sinh ngoài sức tưởng tượng trong cuộc đời Mẹ, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

 

Cách rõ ràng, Thánh Kinh và lịch sử Hội Thánh cho thấy Lời Chúa và lời mời gọi mà Lời Chúa thông truyền có sức đánh thức kho tàng rộng lượng, tình yêu và lòng can đảm trong tâm hồn chúng ta; một sự đánh thức xem ra vượt quá sức người đơn thuần. Sự quên mình bộc lộ tràn trề một cách rất đáng ngạc nhiên ngay cả với những người chỉ mong được ơn này ơn khác.

 

Hãy nghĩ tới ơn gọi của Lêvi, về sau sẽ là Matthêu. Ông là người thu thuế, một người cọng tác với những người Rôma đô hộ qua việc thu thuế và hẳn ông đã bỏ túi một phần lớn trong số đó. Không cần phải nói, những người thu thuế thời đó không được kính trọng. Chúa Giêsu tiến đến Lêvi khi ông đang ngồi làm việc ở bàn thu thuế. Người gọi ông: “Hãy theo tôi!” và Lêvi liền đứng dậy đi theo Người (Mt 9, 9).

 

Sau đó Lêvi (bây giờ là Matthêu, tông đồ của Đức Giêsu) đã khoản đãi một bữa tiệc linh đình. Đức Giêsu có ở đó, cả những người bạn cũ của Matthêu cũng có mặt: những người thu thuế, những người tội lỗi, những người đàn bà xấu xa. Người Pharisiêu lấy làm chướng tai gai mắt. Và tất cả mọi người, ngoại trừ Đức Giêsu, đều ngạc nhiên về sự thay đổi bất ngờ của người thu thuế trước đó. Một người vốn chỉ quan tâm đến việc làm giàu, thậm chí bằng những phương cách đê hèn, giờ đây trở thành tông đồ của một vị thầy lưu động rao giảng Nước Thiên Chúa! Điều này quả là hiếm hoi. Người ngạc nhiên hơn hết là chính Lêvi (Matthêu). Sau khi đón nhận lời mời gọi ngỏ với mình, Lêvi cảm thấy có một điều gì đó hoàn toàn mới lạ đang dần dần xuất hiện trong ông: hãy mạnh mẽ thay đổi, để bước vào một hành trình mới, để thôi tìm cách làm chủ đời mình và phó mình cho Một Đấng Khác.

 

Hẳn Lêvi đã có thể viện nhiều lý do để nói với Đức Giêsu, “Ngài hãy gọi người khác, một người nào đó thật thà, tuân giữ lề luật Do Thái. Hãy xem công việc của tôi: tôi không xứng đáng”. Nhưng Lêvi khá điên rồ - hay đúng hơn, đủ khôn ngoan - để đón nhận một lời mời gọi không lường trước. Khi làm vậy, Lêvi cảm nghiệm rằng, Lời đã gọi ông cũng có thể đốt lên trong ông một lòng quảng đại, một sự tự do và một tâm hồn vô vị lợi tưởng như không bao giờ có trước đó. Đây chính là những gì Đức Giêsu muốn nói đến khi Người tuyên bố, “Ai tin vào tôi như Thánh Kinh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38).

 

 

LỜI CHÚA VÀ CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG:

LỜI QUYỀN NĂNG

 

Trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô cổ vũ các tín hữu của ngài tin tưởng và can đảm đón nhận cuộc chiến như một phần không thể thiếu trong đời sống mọi Kitô hữu đích thực.

 

Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người.  Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ (Ep 6, 10-11).

 

Ngay sau đó, ngài miêu tả những yếu tố khác nhau của bộ binh giáp cần kíp “Đ có thể vận dụng toàn lực đối phó và đứng vững trong ngày đen tối”. Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là “Gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6, 17).

 

Đây là lời mời gọi chúng ta ý thức hơn về Thánh Kinh như nguồn trợ lực bất ly thân trong những cơn thử thách của cuộc đời. Không đơn thuần chúng ta phải đối phó với sức mạnh phàm nhân, nhưng cách mầu nhiệm, còn phải chiến đấu với những thực thể của thế lực thần thiêng:

 

Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao (Ep 6, 12).

 

Tông Thư Novo Millennio Ineunte, Ngàn Năm Mới, trình bày kế hoạch cho Hội Thánh trong thiên niên kỷ thứ 3, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, một Kitô hữu không cầu nguyện là một Kitô hữu “có nguy cơ gặp rủi ro”[8]. Như một hệ luận tất yếu, tôi xin nói thêm rằng, điều này cũng đúng đối với một Kitô hữu không đọc Lời Chúa thường xuyên. Đây là vấn đề sống chết vì “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4). Thế gian này thật mù mịt, chúng ta lại quá yếu đuối; vì thế, con người không thể sống nếu thiếu ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa.

 

Tin Mừng Nhất Lãm, nhất là Tin Mừng Maccô cho thấy đám đông đã ấn tượng biết bao bởi lời quyền năng của Đức Giêsu: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1, 22). Và “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!" (Mc 1, 27). Thẩm quyền này có ý nói Đức Giêsu tự mình nói lời của mình chứ không phải lời của ai khác. Điều này trái ngược với lời giảng dạy của các kinh sư thời bấy giờ, những người không thể xác quyết một điều gì mà không phải dựa vào lời các hiền nhân trước đó - và dĩ nhiên không làm sao tránh khỏi việc thêm thắt đôi chút lời của họ. Đức Giêsu không phải là một người chuyển tải lời; Ngài chính là Lời.

 

Lời Đức Giêsu đầy sức mạnh và hiệu năng. Khi Ngài trừ một quỷ nào đó, nó trốn chạy mà không chút kháng cự. Khi truyền lệnh cho biển đang bão tố “Hãy im đi, hãy lặng đi!”, Ngài tạo nên sự một lặng lẽ lớn lao - không chỉ cho thuyền bè, nhưng còn cho những tâm hồn đang xao xuyến của các môn đệ. Khi nói “tội con được tha” với một tội nhân đáng thương, người đó lập tức cảm thấy được thanh tẩy và giao hoà với Thiên Chúa và với chính mình, mặc lấy nhân phẩm mới… và hết sức vui mừng.

 

Nhiều lúc trong cuộc đời mỗi người chúng ta, uy quyền tốt lành của Lời Chúa trở nên nguồn lực cứu thoát; những lúc khốn khổ, sự bình tâm sẽ chỉ có thể tìm thấy trong lời Thánh Kinh. Bị ma quỷ cám dỗ trong sa mạc, Đức Giêsu đã vượt thắng nhờ Thánh Kinh. Tên Cám Dỗ sẽ mạnh mẽ hơn chúng ta nếu chúng ta cứ đóng mình trong những lý lẽ của loài người. Chỉ có Lời Chúa mới có khả năng giải giới nó.

 

Điều này đúng với kinh nghiệm của mỗi người chúng ta; chẳng hạn khi lo lắng, ngờ vực và thử thách. Tự mình tìm lối thoát, chúng ta chỉ gặp phải ngõ cụt. Cách duy nhất để lấy lại niềm tin, lòng trông cậy và bình an là quay về với Lời Chúa, “Đừng lo lắng về ngày mai” (Mt 6, 34). “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12, 32). “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” (Lc 12, 7).

 

Bình an thực sự sẽ đến khi chúng ta bám chặt vào lời Thiên Chúa hứa. Những lúc ngờ vực hay bối rối, chúng ta đón lấy một câu Lời Chúa trong Thánh Kinh bằng một hành vi đức tin và rồi, uy quyền của lời này sẽ là nơi nương tựa và sức mạnh cho mỗi người. Nó không phải là chiếc đũa thần giúp ngăn ngừa chúng ta khỏi tình trạng rối rắm, đau khổ nhưng nó sở hữu một quyền năng độc nhất vô nhị mang cho chúng ta một niềm hy vọng bất chấp bất cứ điều gì có thể xảy ra. Được đón nhận với niềm tin, Lời Chúa có sức mạnh kết thúc những trào lộng của những lý lẽ thất thường, để rồi, củng cố chúng ta trong chân lý và bình an, đồng thời, trao tặng mỗi người niềm hy vọng vốn là “cái neo chắc chắn của tâm hồn” (Dt 6, 19).

 

Biết bao ví dụ trong Thánh Kinh có thể trở nên nguồn mạch quý báu cho những cuộc chiến đấu của chúng ta. Nếu tôi cảm thấy cô độc, bị bỏ rơi, lời Thánh Kinh chất vấn, “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15). Nếu tôi cảm thấy Thiên Chúa xa vắng, lời Thánh Kinh an ủi, “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Nếu tôi cảm thấy dày vò bởi tội lỗi, Thánh Kinh xác quyết, “Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (Is 43, 25). Nếu tôi cảm thấy thiếu thốn những điều cần thiết để tiến bộ, Thánh Vịnh mời gọi tôi thực hiện hành vi đức tin này, “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23, 1).

 

Đừng để một ngày trôi qua mà không có lấy một vài phút để đọc Thánh Kinh. Có thể công việc này đôi khi xem ra không mấy ý vị nhưng nếu kiên trì với lòng đơn sơ và khẩn nguyện, Thánh Kinh sẽ khắc sâu vào trí nhớ cả khi chúng ta không ý thức điều đó. Và khi cần, trong những lúc khó khăn, một câu Lời Chúa nào đó sẽ hiện lên trong ý thức của chúng ta và đó sẽ là lời mang lại hy vọng và bình an.

 

 

LỜI NUÔI DƯỠNG

ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC MẾN

 

Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thexanônica, thánh Phaolô khuyên nhủ, “Chúng ta hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng và ơn cứu độ” (1Tx 5, 8). Ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến là vũ khí thiết yếu của chúng ta trong mọi cuộc chiến thiêng liêng.

 

Trong bất cứ giây phút nào của thử thách, những nhân đức này cũng gần như bị thách thức: Ngươi đặt đức tin của ngươi vào đâu? Ngươi đã đặt niềm trông cậy của ngươi nơi nào, nơi Thiên Chúa hay chính bản thân ngươi? Lòng mến của ngươi có vô điều kiện không? Dẫu thế, mỗi thử thách cũng là một tiếng gọi để chúng ta làm nên một hành vi đức tin, đức cậy và đức mến cách tinh tuyền hơn.

 

Thánh Kinh sở hữu một khả năng phi thường để cổ vũ đức tin, củng cố đức cậy và nuôi dưỡng đức mến. Thánh Phaolô đã chia sẻ tư tưởng tuyệt vời này trong thư gửi giáo đoàn Rôma:

 

Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Thánh Kinh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy (Rm 15, 4).

 

Nhưng đoạn văn ý nghĩa hơn hết là câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus. Họ rời Giêrusalem với gương mặt u sầu, tâm hồn nặng trĩu và cảm thấy niềm hy vọng của mình vào Đức Giêsu đã vỡ vụn. Rồi bỗng nhiên một người lạ đến đi cùng và giải thích Thánh Kinh cho họ. Cuối cùng, khi đã nhận ra Chúa lúc Ngài bẻ bánh trước khi Ngài biến mất, họ vội vã trở lại Giêrusalem, được đổi mới trong đức tin và đức cậy, để loan báo cho các môn đệ khác về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Phục Sinh, và khi đang trên đường đi, họ bảo nhau:

 

Khi Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? (Lc 24, 32).

 

Khi Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để hiểu Lời thì đức tin, đức cậy và đức mến bừng cháy trong tâm hồn mỗi người.

 

 

LỜI CHỮA LÀNH,

LỜI THANH TẨY TÂM HỒN

 

Trở nên thiết thân với Thánh Kinh, để Thánh Kinh thấm nhuần trong tâm hồn và trí nhớ… mang lại cho chúng ta ơn chữa lành sâu xa với thời gian. Đây không phải là phù phép. Việc đọc Thánh Kinh chắc hẳn không thay thế cho việc chữa trị chuyên môn có thẩm quyền mỗi khi cần đến; dẫu thế, Lời Chúa vẫn có sức chữa lành, kinh nghiệm thiêng liêng của các nam nữ tu sĩ trong sa mạc ở những thế kỷ đầu của Hội Thánh chứng tỏ điều đó. Qua việc cầu nguyện liên lỉ, họ tìm sự hoán cải riêng tư, sự trong sạch của tâm hồn và gặp gỡ Thiên Chúa. Một phương tiện được yêu chuộng nhất là Thánh Kinh, qua đó và nhờ đó, họ suy niệm và cố gắng sống với Lời Chúa ngày đêm. Kết quả, họ có được một sự hiểu biết sắc bén đâu là những thoả hiệp ngấm ngầm với ma quỷ, đâu là sự thanh tẩy cần có để tái lập đúng đắn một tâm thần hướng đến bình an, tự do và một nhân cách viên mãn[9].

 

Cuộc sống chúng ta phản ánh những lời lẽ có trong chúng ta. Trí nhớ, cả ý thức lẫn vô thức, như một thùng chứa “lời” vốn luôn hướng dẫn để tạo nên căn tính của mình và tự ứng xử theo một cung cách nhất định. Cuộc đối thoại chúng ta mang theo trong chính mình sẽ hình thành mối tương quan của chúng ta với thế giới, với những người thân và với chính bản thân chúng ta nữa. Một số lời đã nói với chúng ta ngay thời thơ ấu và in sâu trong lòng. Một số khác là niềm tin chúng ta rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống, sản phẩm của một môi trường giáo dục và văn hóa. Số khác nữa là những chuyện vặt vãnh được mang theo trong trào lưu không ngừng thay đổi của xã hội và các phương tiện truyền thông. Những lời này cũng có thể trở thành lý lẽ (“đây là cách ...”), luật lệ (“ngươi phải…”), sự cấm đoán (“ngươi không được…”). Thông thường, chúng chẳng đem lại lợi ích gì nhiều, nhưng sẽ đóng kín chúng ta, làm chúng ta bất động: “tôi sẽ không bao giờ đến được đó”, “tôi không thể làm được việc đó”, “đời là bể khổ”, “chẳng ai hiểu tôi cả”. Thế rồi, chúng ta tự cắt đứt với chính mình, cắt đứt với thực tại và kẹt cứng trong những tương quan méo mó.

 

Thánh Kinh đóng vai trò giải thoát. Từng bước một, Lời của chính Thiên Chúa bắt đầu sống dậy trong chúng ta. Việc suy niệm Lời Chúa liên lỉ sẽ rút hết nọc độc của những lời chết chóc trong tâm hồn và thay vào đó là những lời đầy tin tưởng, khích lệ: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 13, 4), “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37), “Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc 1, 11). Đây là những lời hy vọng, chân lý và tình yêu vốn sẽ thanh lọc những tư tưởng xấu xa làm nhơ nhuốc và khiến tâm hồn ra tối tăm.

 

Khi được đọc và hiểu dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một cách đặc trưng, Lời Chúa là một lời động viên khích lệ, cả khi nó mạnh mẽ tố giác tội lỗi. Đọc Thánh Kinh không phải là một bài tập dễ nuốt, nó có thể hất ngược chúng ta như động đất và thách thức những thoả hiệp của chúng ta với tội lỗi. Nhưng hoán cải và cứu độ, chứ không phải kết án, mới là mục đích của nó. Khi phơi bày tội lỗi, nó nói rằng, chúng ta có thể được tha thứ và Thiên Chúa sẽ đồng hành cùng nâng đỡ chúng ta trên đường đời. Việc giải thoát có hiệu lực nhờ Lời Chúa là một tiến trình lâu dài đòi hỏi một sự kiên nhẫn lớn lao, vậy mà cũng từ đó, Thiên Chúa mới có thể làm những phép lạ.

 

 

 

LỜI VÀ CĂN TÍNH CỦA MỖI NGƯỜI

 

Truyền đạt qua Thánh Kinh, Lời Chúa giúp chúng ta sống như con cái Thiên Chúa và chúng ta đúng là như thế. Khám phá căn tính sâu xa này là một cái gì thật cấp bách; bằng không, chúng ta có nguy cơ mặc lấy những căn tính sai lạc vốn không thể đứng vững trước những thử thách không thể tránh khỏi trong cuộc đời. Lời Chúa ngỏ với chúng ta đến từ Chúa Cha, nói cho chúng ta biết chúng ta là ai và thực sự chúng ta là gì.

 

Hai lời căn bản làm nên căn tính của chúng ta. Lời đầu tiên như đã nói trước đây là lời tạo thành chúng ta từ hư vô - Lời sống động, dịu dàng, nhân hậu của Thiên Chúa, “Ta muốn ngươi sống!”. Tuy nhiên, tạo dựng không chỉ là một biến cố đã qua, nhưng còn là một hành động tiếp diễn của Thiên Chúa trong việc duy trì sự sống cho con cái Người. Nếu Thiên Chúa ngừng yêu thương và thôi nghĩ đến chúng ta dù chỉ một giây, chúng ta sẽ trở về hư vô. Chúng ta là những người nhận và là người đối thoại, người trong cuộc… trước lời tạo dựng này suốt cả đời mình.

 

Lời thứ hai là lời khắc ghi trong chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội. Lời đó kéo dài và đào sâu Lời Tạo Dựng bằng cách ban cho chúng ta một sự sống tràn đầy hơn - sự sống ân sủng, trở nên dưỡng tử trong Đức Kitô, thông phần sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa[10]. Chúng ta nghe điều này trong Thánh Kinh, đặc biệt vào dịp Đức Giêsu chịu phép rửa, "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Lời này hẳn cũng được nói với mỗi người qua phép rửa mà nhờ đó, chúng ta trở nên con cái trong Chúa Con.

 

Mọi Lời của Thiên Chúa đều nâng đỡ và mời gọi chúng ta đón nhận trọn vẹn sự sống làm con được ban trong Chúa Kitô. Lời Chúa chứa đựng một quà tặng và một lời mời gọi: quà tặng làm con cái Thiên Chúa và lời mời gọi lớn lên trong sự mở lòng ra trước quà tặng đó bằng cách vun trồng lòng đơn sơ, tin tưởng, từ bỏ, chấp nhận thánh ý Người cùng với niềm tri ân. Đời sống thiêng liêng là một cái gì tựa hồ một trò chơi luyện trí nhớ mà mục đích là tái lập tương quan một cách đặc biệt đối với hai lời đầy ân sủng đã cư ngụ trong chúng ta và hình thành nên căn tính của mỗi người, đồng thời, làm cho hai lời đó nên sống động và sinh hoa kết trái.

 

Tất cả những điều này có một tầm quan trọng lớn lao nhất là trong thời buổi hôm nay, một thời buổi mà nhiều người không còn biết họ mắc nợ ai và mắc nợ cái gì về sự hiện hữu và sự sống của mình. Đau khổ, bất an và cảm giác trống rỗng là kết quả. “Khoa học hiện đại”, một thứ văn hoá vô thần đang khuyến khích người ta nghĩ rằng, sự sống là sản phẩm của một định mệnh thuyết mù quáng nào đó (tiến hoá, tương tác bất chợt của các gène và vân vân…) hay đó chỉ là kết quả của sự kết hợp ít nhiều bừa bãi giữa một người nam và một người nữ ăn ở với nhau mà không chút mảy may nghĩ tới một sự sống mới có thể được sinh ra. Nhiều khi, trong thực tế, sự sống mới đó được xem như một thất bại của việc tránh thai (Tôi biết một người được sinh ra chỉ vì bao cao su tránh thai bị rách). Các nhà tâm lý nói đến “hội chứng của người sống sót” có thể thấy được trong sự lo lắng của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình từng có vài lần phá thai, “Tại sao lại là tôi mà không phải là những người khác thoát chết?”.

 

Thêm vào đó, người ta chịu tác động bởi ý tưởng cho rằng trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ bé đứng cạnh một ngôi sao tầm thường nào đó trong một xó xỉnh xa xôi nào đó của một trong hàng tỷ dải ngân hà và rằng, con người và con vật chẳng khác nhau là bao như chúng ta từng nghĩ… vậy thì ai có thể cảm thấy mình thật cần thiết và được yêu mến?[11] Vũ trụ vẫn vần xoay mà đâu cần chúng ta. Con người chỉ là sản phẩm vô dụng của một vũ trụ không của riêng ai. Nếu văn hoá thế tục đương đại đang làm sáng tỏ bất cứ điều gì thì đó chính là: việc loại bỏ Thiên Chúa phát sinh ra cảm giác ghê tởm bản thân.

 

Phương thuốc duy nhất chữa lành vết thương lương tâm thế tục này là làm sao cảm thức cho được địa vị làm con và khám phá dòng dõi thần linh của mình. Dù tôi được thụ thai và sinh ra trong hoàn cảnh nào đi nữa thì nguyên việc tôi có mặt trên cõi đời này cũng đã có nghĩa rằng, tôi cần thiết, tôi được chọn và được yêu thương bởi một Đấng yêu thương nhân hậu, tinh tuyền, trọn vẹn, vô điều kiện quá sức tưởng tượng: đó là Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành chúng ta. Cấp bách biết bao để tìm lại cuộc gặp gỡ nguồn cội của mình trong hành vi sáng tạo của Thiên Chúa![12]

 

Lời Chúa ban tặng chúng ta cuộc gặp gỡ này. Thánh Kinh giúp chúng ta đi vào gặp gỡ lời đã được khắc sâu cách nhiệm mầu bên trong mỗi người, “Ta đã phán với ngươi, ‘Cứ việc sống!’” (Ed 16, 6).

 

 

 

MỘT SỐ LƯU Ý THIẾT THỰC

 

Tôi kết thúc chương gặp gỡ Lời Chúa như một nơi chốn đặc biệt của lời mời gọi và sự phát triển thiêng liêng bằng một số lưu ý thiết thực. (Cuốn sách này còn có phần phụ lục về phương pháp cầu nguyện đơn sơ với Thánh Kinh - Lectio Divina).

 

Để việc đọc Thánh Kinh mang lại hiệu quả, cần lưu ý những điểm sau đây:

 

1. Việc đọc Thánh Kinh phải được thực hiện trong bối cảnh cầu nguyện. Chỉ Chúa Thánh Thần mới có thể mở ra cho chúng ta những ý nghĩa sâu xa, sống động của Thánh Kinh. Cầu nguyện khiêm tốn, kiên trì và tin tưởng là nền tảng cho mọi giải thích.

 

2. Phải có tư duy đức tin để tin rằng Thiên Chúa thực sự đích thân đến nói chuyện với chúng ta ngang qua Thánh Kinh. Đây không phải là vấn đề của việc học sâu hiểu rộng. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu không hề thực hiện bất cứ một nghiên cứu trình độ cao nào về Thánh Kinh (mặc dầu, những bản dịch khác nhau cho thấy một cách mù mờ, ngài hẳn đã muốn học tiếng Hy Lạp và Do Thái), nhưng điều đó đã chẳng hề cản ngăn thánh nữ hiểu biết sâu sắc về một số đoạn Thánh Kinh nào đó - qua đó, thánh nữ đã có một khả năng trực giác thiêng liêng vốn đã mang đến cho ngài tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

 

Tin Mừng nâng đỡ tôi suốt những giờ cầu nguyện, và tôi tìm được ở đó mọi sự cần thiết cho linh hồn nghèo nàn nhỏ bé của mình. Tôi luôn khám phá được những hiểu biết mới mẻ và những ý nghĩa huyền bí sâu kín bên trong chúng[13].

 

3. Điều kiện thứ ba phải có là một lòng ao ước hoán cải thực sự: ước muốn một cách không dè dặt rằng, Lời Chúa sẽ phơi bày tội lỗi chúng ta; từ đó, chúng ta có thể yêu mến Chúa và thương mến nhau bằng một tình yêu chân thật hơn. Ước muốn hoán cải này là chìa khoá thực hiện phương thức cầu nguyện bằng Thánh Kinh (Lectio Divina) cách hiệu quả hơn. Đọc Lời Chúa không phải là một kiểu vọng cảnh thiêng liêng, cũng không phải là một phương cách để học biết cái văn hoá Thánh Kinh hay tìm kiếm những ý tưởng để đem vào bài giảng. Mục đích của việc đọc Thánh Kinh là đọc để sống. Đây là cái nhìn thiết thực của các giáo phụ sa mạc.

 

Một thanh niên kia đi tìm Viện Phụ Pambo để xin người dạy cho anh một bài Thánh Vịnh. Viện Phụ Pambo bắt đầu với Thánh Vịnh 38, nhưng khi vừa đọc câu đầu tiên: “Tôi đã nói: ‘Mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm’”, thì người thanh niên làm hiệu không muốn nghe bất cứ điều gì khác nữa. Cậu nói với cha Pambo, “Thưa Cha, chỉ câu này thôi, đủ cho con rồi; Chúa sẽ vui nếu con có sức mạnh để học hỏi và đưa lời này ra thực hành”. Mười chín năm sau, anh vẫn cố gắng để thực hiện điều này[14].

 

Đọc Thánh Kinh là chấp nhận mạo hiểm: chúng ta sẽ được yêu cầu sắp xếp lại cuộc sống hoặc đã được nói cho biết những gì chúng ta không muốn nghe. Chúng ta không hoạt động trên Lời Chúa, chính Lời Chúa hoạt động trên chúng ta.

 

Nhiều lúc, một vài câu Lời Chúa nào đó có thể bám chặt chúng ta trong suốt nhiều tuần. Lần kia, trong một buổi cầu nguyện theo phương pháp Lectio, tôi được những lời của thánh Phaolô đánh động, “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người” (1Cr 9, 19). Suốt nhiều ngày tôi mải nghĩ về lời này. Tôi có thực sự tự do trong việc nhìn nhận người khác không? Tôi có tự do trong tình cảm không? Tôi có tự do trước áp lực của dư luận không? Tôi có thực lòng phục vụ anh chị em trong cuộc sống hằng ngày không?

 

4. Dẫu Thánh Kinh nói với mỗi người chúng ta cách cá nhân, điều này thật quan trọng, nhưng không vì thế mà việc đọc Lời Chúa trở nên một cái gì riêng tư. Điều chúng ta nghĩ rằng mình khám phá được qua việc đọc Lời Chúa phải được kiểm chứng bởi huấn quyền của Hội Thánh và phải được đón nhận trong tình hiệp thông với mọi anh chị em khác, vốn cùng chúng ta, làm nên thân mình Đức Kitô. Tin rằng, một đoạn Lời Chúa cụ thể nào đó là một tiếng gọi riêng tư cho một ai đó với hàm ý quan trọng dành cho cả cuộc đời của người đó, thì niềm tin này đòi hỏi xác nhận của một vị linh hướng. Những lối giải thích vốn quá theo nghĩa đen, theo trào lưu chính thống hay coi nhẹ sự hiệp thông trong Hội Thánh đều nên tránh. Bất cứ sự hiểu biết về Lời đều cần phải hợp lý: không duy lý hạn hẹp, nhưng cởi mở đối với mầu nhiệm, được đức tin soi sáng và hoà hợp với những ý nghĩ của Hội Thánh.

 



[1] St. Thérèse of Lisieux, Complete Works, Manuscript C, 36 verso, p. 285.

[2] Dei Verbum, Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Về Mặc Khải Của Thiên Chúa số 21 (UBGLĐT, HĐGMVN 2012).

[3] Trích bởi Enzo Bianchi, Prier la Parole, p.30.

[4] Tông Thư Ngàn Năm Mới của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ và giáo dân nhân kết thúc Năm Thánh 2000, số 39.

[5] Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói đến: Mt 13, 1-9; Mc 4, 1-9; Lc 8, 4-15.

[6] Tông Thư Đời Sống Thánh Hiến của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 1996.

[7] Tông Thư Đời Sống Thánh Hiến số 34.

[8] Novo Millennio Ineunte số 34.

[9] Hãy đọc phần mô tả thánh Antôn mà người viết tiểu sử của ngài, thánh Athanasio Alexandria, đã ghi vào lúc ngài lần đầu tiên gặp lại các giáo hữu sau những năm ẩn tu: “Diện mạo bên ngoài của ngài xem ra chẳng đổi thay, ngài không mập ra bởi thiếu tập thể dục cũng không gầy đi bởi chay tịnh và chiến đấu với quỷ… ngài vẫn vậy như chúng ta biết ngài trước khi ngài vào ẩn tu. Thuần khiết một cách thiêng liêng, ngài không đánh tội cũng không hao mòn bởi vui thú; nơi ngài, không hồ hỡi cũng không buồn bả; đám đông không làm phiền ngài nhưng nhiều người chào hỏi ngài cũng không vì thế mà ngài vui cười phỡ lỡ: con người ngài luôn luôn là vậy, được điều khiển bởi lý trí, rất tự nhiên… Linh hồn ngài ở trong bình an, khả năng phán đoán bên ngoài của ngài cũng kiên định; ấy thế, niềm vui trong tâm hồn làm cho ngài có một khuôn mặt rạng rỡ; những cử động của thân xác để lộ  tình cảm của ngài khiến người ta thấy được tình trạng linh hồn của ngài, một linh hồn sống theo lời Thánh Kinh: một  con tim đầy niềm vui tạo nên một khuôn mặt thanh thản… Đây là những gì chúng ta thấy được nơi thánh Antôn: ngài không bao giờ bất an, linh hồn ngài bình lặng; không bao giờ ngài ủ rũ, tinh thần ngài đắm chìm trong niềm vui”.    

[10] Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã là con của Thiên Chúa với tư cách thọ tạo. Bí tích Rửa Tội thêm một chiều kích hoàn toàn mới mẻ vào tương quan cha con. Về điểm này, hãy xem thêm những suy tư của Xavier Lacroix trong Passeurs de vie, essai sur la paternité (Bayard, 2004), 282ff. 

[11] Tôi không phủ nhận hay phỉ báng những khám phá của khoa học hiện đại. Những gì hôm nay chúng ta biết về vũ trụ, về tiến hoá và về di truyền thật là hấp dẫn và đối với những kẻ tin, đó là một chứng từ kỳ diệu cho sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng trong cái nhìn của người vô thần, được giải thích và thông tục hoá một cách duy vật, những chân lý khoa học này có thể có một tác động tiêu cực trên hình ảnh mà con người có về chính mình cũng như sự hiểu biết của họ về cuộc sống.

 

[12] Đôi lần tôi tự hỏi, liệu cái điên cuồng tình dục trong thế giới hôm nay đôi khi không phải là cái cần thiết như là lý do để con người tìm gặp nguồn cội của mình?

[13] St. Thérèse of Lisieux, Complete Works, Manuscrift A, p. 83, reverse.

[14] Chuyện kể trong một bài học dễ thương về Lectio Divina bởi Soeur Marie Pascale, dòng Xitô. Có sẵn trên Internet: http://users.skynet.be/scourmont/Armand/wri/lectio-fra.htm.