Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Dẫn nhập

I. DẪN NHẬP

       Một dấu chỉ thời đại

        1. Phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ - một chủ đề thường xuyên của suy tư con người và suy tư Kitô giáo - trong những năm gần đây đã nổi lên một cách đặc biệt. Điều này có thể thấy, ví dụ vậy, trong các phát biểu của Huấn quyền Giáo hội nằm trong nhiều tài liệu khác nhau của Công đồng Vaticanô II, vốn tuyên bố trong Sứ điệp Bế mạc: “Giờ đang đến, thực sự đã đến rồi, lúc ơn gọi của phụ nữ được trọn vẹn thừa nhận. Ðã đến giờ phụ nữ đạt được trong thế giới một ảnh hưởng, một hiệu quả và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng thể hiện. Vì thế, vào lúc này, khi nhân loại đang trải qua một biến đổi sâu xa như thế, những phụ nữ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng có thể làm rất nhiều để giúp đỡ nhân loại thoát khỏi sự suy sụp”. [1]. Sứ điệp này tóm tắt những gì đã được bày tỏ trong giáo huấn của Công đồng, đặc biệt trong Hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng – Gaudium et Spes” [2] và trong Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân “Apostolicam Actuositatem” [3].

        Suy nghĩ tương tự đã được đưa ra rồi trong giai đoạn trước Công đồng, như có thể thấy trong một số Diễn từ của Đức Giáo hoàng Piô XII [4] và trong Thông điệp “Hòa bình trên Thế giới – Pacem in terris” của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII [5]. Sau Công đồng Vaticanô II, vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô VI đã cho thấy sự xác đáng của “dấu chỉ thời đại” ấy, khi ngài ban tước hiệu “Tiến sĩ Giáo Hội” cho hai thánh Têrêxa Giêsu lẫn Catarina thành Siêna [6] và cũng vậy khi theo yêu cầu của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 1971, ngài đã lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu các vấn đề đương thời liên can tới việc “thăng tiến cách hiệu quả phẩm giá và trách nhiệm của phụ nữ” [7]. Nơi một trong các Diễn từ của mình, Đức Phaolô VI đã nói: “Trong Kitô giáo, hơn trong bất cứ tôn giáo nào khác, và ngay từ đầu, phụ nữ đã có một phẩm giá đặc biệt, một phẩm giá mà Tân Ước đã cho chúng ta thấy là có nhiều khía cạnh quan trọng… Hiển nhiên phụ nữ được kêu gọi làm nên thành phần cơ cấu sống động và hoạt động của Kitô giáo theo một cách thức nổi bật đến độ có lẽ không phải tất cả mọi tiềm năng của họ đều đã và đang được tỏ bày” [8].

        Các Nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục mới đây (Tháng 10-1987) vốn chú tâm vào “Ơn gọi và Sứ mạng của Giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới 20 năm sau Công đồng Vaticanô II”, một lần nữa đã bàn đến phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ. Một trong những khuyến nghị của các ngài là nghiên cứu thêm các nền tảng nhân học và thần học cần thiết để giải quyết những vấn đề liên quan đến ý nghĩa và phẩm giá của việc làm một người nữ và làm một người nam. Đó là vấn đề hiểu lý do và các hậu quả nơi quyết định của Đấng Sáng Tạo là con người phải luôn hiện hữu và chỉ hiện hữu như là một người nữ hay một người nam. Chỉ bằng cách bắt đầu từ các nền tảng ấy, vốn giúp hiểu được sự cao cả của phẩm giá và ơn gọi phụ nữ, người ta mới có thể nói đến sự hiện diện tích cực của họ trong Giáo Hội và trong xã hội.

        Đó là cái mà tôi muốn bàn đến trong tài liệu này. Huấn dụ hậu Thượng Hội đồng Giám mục, vốn được công bố sau, sẽ trình bày nhiều đề nghị có bản chất mục vụ về vị trí của phụ nữ trong Giáo Hội và trong xã hội. Về chủ đề này, các Nghị phụ đã cống hiến một số suy tư quan trọng sau khi đã xem xét những chứng từ của các Dự thính viên giáo dân -nam lẫn nữ- đến từ các Giáo hội địa phương khắp thế giới.

       Năm Thánh Mẫu (Năm Đức Maria)

        2. Thượng Hội đồng Giám mục mới rồi đã diễn ra trong Năm Thánh Mẫu, năm tạo ra một sự thúc đẩy đặc biệt cho việc nghiên cứu đề tài đang bàn, như Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc– Redemptoris Mater” cũng đã lưu ý [9]. Thông điệp này triển khai và cập nhật giáo huấn Công đồng Vaticanô II chứa nơi chương VIII Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân – Lumen Gentium. Tựa đề của chương này rất ý nghĩa: “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong Mầu nhiệm của Đức Kitô và của Giáo Hội”. Đức Maria – “người phụ nữ” của Thánh Kinh (x. St 3,15; Ga 2,4; 19,26) – thuộc về mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô cách mật thiết và vì thế cũng hiện diện một cách đặc biệt trong mầu nhiệm Giáo Hội. Vì “Trong Chúa Kitô, Giáo Hội như là bí tích… của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất mọi người” [10], nên sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Giáo Hội khiến chúng ta suy nghĩ đến mối dây đặc biệt giữa “người phụ nữ” này với toàn thể gia đình nhân loại. Đây là một vấn đề của mọi người nam và người nữ, của tất cả con trai và con gái của nhân loại mà trong đó, từ thế hệ này sang thế hệ khác, một di sản căn bản  được thể hiện, cái di sản vốn thuộc về tất cả nhân loại và được liên kết với mầu nhiệm của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) [11].

        Chân lý ngàn đời ấy về con người, nam và nữ -một chân lý gắn chặt cách bất biến vào kinh nghiệm nhân loại- đồng thời làm nên mầu nhiệm vốn chỉ được sáng tỏ trong “Ngôi Lời nhập thể…. (vì) Chúa Kitô đã giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình” như Công đồng dạy [12]. Trong việc “cho con người hiểu biết về chính mình” như thế, phải chăng chúng ta không cần tìm một vị trí đặc biệt cho “người phụ nữ” đã là Mẹ của Đức Kitô? “Sứ điệp” của Đức Kitô, chứa trong Tin Mừng và có hậu cảnh là toàn bộ Thánh Kinh gồm Cựu Ước lẫn Tân Ước, chẳng có thể nói nhiều cho Giáo Hội và cho nhân loại về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ sao?

        Chính đó là điều muốn cho trở thành sợi dây xuyên suốt tài liệu này, để ăn khớp với bối cảnh rộng lớn hơn của Năm Thánh Mẫu, khi chúng ta đến gần tận điểm của thiên niên kỷ thứ hai sau Chúa Kitô và khởi điểm của thiên niên kỷ thứ ba. Và đối với tôi, xem ra điều tốt nhất là cho bản văn này phong cách và tính chất của một bài suy niệm.