Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người Phụ Nữ – Mẹ Thiên Chúa

II. NGƯỜI PHỤ NỮ – MẸ THIÊN CHÚA

 (THÉOTOKOS)

   

    Kết hợp với Thiên Chúa

        3. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ”. Với những lời ấy trong Thư gởi tín hữu Galát (4,4), Thánh Tông đồ Phaolô nối kết những thời điểm chính vốn chủ yếu xác định việc hoàn tất mầu nhiệm “đã được định từ trước trong Thiên Chúa” (x. Ep 1,9). Chúa Con, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã trở nên người, sinh bởi một phụ nữ, khi “viên mãn thời gian”. Biến cố này dẫn tới bước ngoặt của lịch sử nhân loài trên trái đất, được hiểu như lịch sử cứu độ. Thật ý nghĩa việc Thánh Phaolô không gọi Mẹ Đức Kitô bằng tên riêng “Maria” của bà, nhưng gọi bà là “người phụ nữ”: điều này trùng với các từ ngữ của Tin Mừng Tiên khởi trong sách Sáng Thế (x. St 3,15). Bà là “người phụ nữ” ấy, nay hiện diện trong biến cố cứu độ trung tâm vốn đánh dấu sự “viên mãn thời gian”: biến cố này được thể hiện trong bà và nhờ bà.

 

        Như thế ở đây bắt đầu biến cố trung tâm, biến cố chủ chốt trong lịch sử cứu độ: Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa. Có lẽ đáng bỏ công xem xét lại biến cố này từ quan điểm lịch sử tinh thần của con người, hiểu theo ý nghĩa rộng nhất có thể, như lịch sử này được biểu lộ qua các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Ở đây chúng ta hãy nhớ lại lời Công đồng Vaticanô II: “Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những điểu xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở: Con người là chi? Cuộc sống chúng ta mang ý nghĩa và mục đích nào? Thế nào là thiện hảo và tội lỗi? Ðau khổ có nguyên nhân và mục đích gì? Ðâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thật? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét, và thưởng phạt sau khi chết? Sau cùng, đâu là huyền nhiệm tối hậu khôn tả bao trùm cả cuộc hiện hữu của con người, nơi chúng ta xuất phát và cũng là điểm chúng ta phải hướng về?” [13]. “Ngay từ thời cổ đại cho đến cả thời hiện tại ngày nay, nơi nhiều dân tộc khác nhau, vẫn có một cảm nhận nào đó về một quyền lực tàng ẩn trong những biến chuyển của vạn vật và trong các biến cố của đời người, hơn nữa, đôi khi cũng thấy xuất hiện quan niệm về một Đấng Thượng Đế tối cao hoặc ngay cả nhận thức về một Người Cha” [14].

 

        Trên cái nền của toàn cảnh rộng lớn này, vốn xác nhận những khát vọng của tinh thần con người đi tìm kiếm Thiên Chúa – đôi khi cách “dò dẫm” (x. Cv 17,27) – “sự viên mãn thời gian” như nói trong Thư Phaolô nhấn mạnh lời đáp trả của chính Thiên Chúa, Đấng mà trong đó chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (x. Cv 17,28). Đây là vị Thiên Chúa “đã phán dạy cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Việc sai Người Con này, đồng bản thể với Chúa Cha, đến như một người nam “sinh bởi một người nữ”, làm nên đỉnh kết thúc và chung quyết của việc Thiên Chúa tự mạc khải cho nhân loại. Việc tự mạc khải này mang đặc điểm cứu độ, như Công đồng Vaticanô II đã dạy trong một đoạn khác: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4) [15].

 

        Một người nữ đã được tìm thấy trung tâm biến cố cứu độ này. Việc tự mạc khải của Thiên Chúa, Đấng là sự duy nhất khôn dò của Ba Ngôi, được phác thảo trong cuộc Truyển tin tại Nadarét. “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” – “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (x. Lc 1,31-37) [16].

 

        Có thể dễ dàng nghĩ đến biến cố này trong khung cảnh của lịch sử Israen, Tuyển Dân trong đó Đức Maria là một ái nữ, nhưng cũng dễ dàng nghĩ đến biến cố ấy trong bối cảnh của mọi con đường khác nhau qua đó nhân loại đã luôn tìm cách trả lời cho các câu hỏi căn bản và chung quyết vốn gây phiền toái cho họ hơn cả. Chúng ta chẳng tìm ra trong cuộc Truyền tin ở Nadarét khởi điểm của câu trả lời chung quyết ấy, qua đó chính Thiên Chúa cố gắng trấn an trái tim loài người sao? [17] Nơi đây không phải là vấn đề lời Thiên Chúa được tỏ lộ qua các Ngôn sứ; đúng hơn, với câu trả lời này, “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” (x. Ga 1,14). Từ đó, Đức Maria đạt tới một sự kết hợp với Thiên Chúa vượt quá mọi mong đợi của tâm trí con người. Nó thậm chí vượt quá những mong đợi của toàn thể Israen, đặc biệt của các con gái Tuyển dân ấy, là những người dựa vào lời hứa, có thể hy vọng rằng một trong số họ ngày nào đó sẽ trở thành mẹ Đấng Mêsia. Thế nhưng ai giữa họ đã có thể tưởng tượng rằng Đấng Mêsia đoan hứa là “Con Đấng Tối Cao”? Dựa trên đức tin độc thần của Cựu Ước, một chuyện như thế khó mà tưởng tượng nổi. Chỉ nhờ quyền năng của Thánh Thần, Đấng “rợp bóng trên bà”, Đức Maria mới có thể chấp nhận điều “không thể đối với loài người, nhưng chẳng phải vậy đối với Thiên Chúa” (x. Mc 10,27).

 

       Théotokos – Mẹ Thiên Chúa

        4. Như thế, “sự viên mãn thời gian” biểu lộ phẩm giá ngoại thường của “người phụ nữ”. Một mặt, phẩm giá này hệ tại việc nâng lên cách siêu nhiên để kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, một việc xác định cùng đích tối hậu của cuộc sống mọi người, vừa trên trái đất vừa trong vĩnh cửu. Từ quan điểm này, “người phụ nữ” là đại diện và là nguyên mẫu của toàn thể nhân loại: Bà tiêu biểu cho nhân tính vốn thuộc về mọi con người, cả nam lẫn nữ. Nhưng mặt khác, biến cố tại Nadarét nêu bật một hình thức kết hợp với Thiên Chúa hằng sống mà chỉ có thể thuộc về “người phụ nữ”, Đức Maria: sự kết hợp giữa mẹ và con. Trinh nữ thành Nadarét đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa.

 

        Chân lý này, mà đức tin Kitô giáo đón nhận ngay từ đầu, đã được long trọng xác định tại Công đồng Êphêsô (năm 431) [18]. Chống lại quan niệm của Nestoriô cho rằng Đức Maria chỉ là mẹ của con người-Giêsu, Công đồng này nhấn mạnh ý nghĩa chủ yếu của chức làm mẹ của Trinh nữ Maria. Vào giây phút Truyền tin, qua việc đáp trả bằng tiếng “vâng–fiat” của mình, Đức Maria đã thụ thai một người từng là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha. Vì thế bà đích thực là Mẹ Thiên Chúa, vì chức làm mẹ liên hệ đến toàn thể ngôi vị, chứ không chỉ thể xác, và cũng không chỉ “bản tính” nhân loại. Như thế, danh hiệu “ThéotokosMẹ Thiên Chúa – đã trở thành cái tên ban cho Trinh nữ Maria vì thích đáng với việc kết hợp cùng Thiên Chúa.

 

        Sự kết hợp đặc biệt của “Théotokos” với Thiên Chúa vốn hoàn tất theo cách tuyệt diệu ơn tiền định siêu nhiên ban cho hết mọi người là kết hợp với Chúa Cha (filii in Filio – những đứa con trong Ngôi Con)sự kết hợp đặc biệt ấy là một ân sủng thuần túy và như thế là một ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Nhưng đồng thời, qua lời đáp đức tin của mình, Đức Maria thực thi ý chí tự do riêng và như thế là tham dự tròn đầy vào biến cố Nhập Thể với “cái tôi” mang tính cá nhân và nữ nhân của mình. Với tiếng “fiat” của mình, Đức Maria trở thành chủ thể đích thực của việc kết hợp ấy với Thiên Chúa, việc đã được thực hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Tất cả hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại mọi thời đều tôn trọng ý chí tự do của từng “cái tôi” con người. Và đó đã là trường hợp cuộc Truyền tin tại Nadarét.

 

       “Phục vụ có nghĩa là cai trị”

        5. Biến cố này rõ ràng mang tính cách liên vị: đó là một cuộc đối thoại. Chúng ta chỉ hiểu nó trọn vẹn nếu đặt toàn bộ cuộc trò chuyện giữa Thiên thần với Đức Maria trong bối cảnh các từ: “đầy ân sủng” [19]. Trọn cuộc đối thoại Truyền tin cho thấy chiều kích chủ yếu của biến cố, tức là chiều kích siêu nhiên (***). Ân sủng không bao giờ bỏ qua hay tiêu hủy bản tính, nhưng đúng hơn kiện toàn và nâng cao bản tính. Do đó, việc “đầy ân sủng” đã ban cho Trinh nữ thành Nadarét, vì nhắm đến sự kiện bà sẽ trở thành “Théotokos”, cũng nói lên sự hoàn hảo trọn vẹn của “cái gì là tiêu biểu cho phụ nữ”, của “cái gì là đàn bà”. Nơi đây, chúng ta thấy mình, theo một nghĩa nào đó, đang ở đỉnh điểm, nguyên mẫu, của phẩm giá cá nhân phụ nữ.

 

        Khi trả lời vị sứ giả trời cao bằng tiếng “fiat” của mình, kẻ vốn “đầy ân sủng” thấy cần phải bày tỏ liên hệ cá nhân của mình với hồng ân vừa được mạc khải cho mình như sau: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Tuyên bố này không nên bị tước bỏ ý nghĩa sâu xa của nó cũng như bị giảm thiểu tầm quan trọng bằng việc tách nó cách giả tạo khỏi bối cảnh toàn bộ của biến cố và khỏi nội dung tràn đầy của chân lý được mạc khải về Thiên Chúa và về con người. Trong thành ngữ “Nữ tỳ của Chúa”, người ta cảm thấy Đức Maria hoàn toàn ý thức mình là một tạo vật của Thiên Chúa. Từ ngữ “nữ tỳ”, gần cuối cuộc đối thoại Truyền tin, được ghi khắc suốt toàn thể lịch sử của Người Mẹ và Người Con. Thật thế, Người Con này, vốn là “Con Đấng Tối Cao” đích thực và đồng bản thể, sẽ thường nói về mình, đặc biệt vào lúc chóp đỉnh của sứ vụ mình: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).

 

        Đức Kitô luôn ý thức mình là “Tôi tớ của Chúa” theo sấm ngôn của Isaia (x. Is 42,1; 49,3.6; 52,13), danh hiệu bao hàm nội dung chủ yếu sứ vụ Mêsia của Người, tức Người ý thức mình là Đấng Cứu chuộc trần gian. Từ giây phút đầu tiên làm mẹ Thiên Chúa, kết hợp với Ngôi Con mà “Chúa Cha sai đến thế gian, để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,17), Đức Maria nhận lấy vị trí của mình bên trong việc phục vụ kiểu Mêsia của Đức Kitô [20]. Chính kiểu phục vụ này làm nên chính nền tảng cho Nước Trời trong đó “phục vụ… có nghĩa là cai trị” [21]. Đức Kitô, “Tôi Tớ của Chúa”, sẽ cho mọi người thấy phẩm giá vương giả của việc phục vụ, phẩm giá vốn liên kết cách chặt chẽ nhất có thể với ơn gọi của mọi người.

 

        Như thế, bằng việc xem xét thực tại “Người Phụ nữ – Mẹ Thiên Chúa”, chúng ta bước vào suy niệm về Năm Thánh Mẫu này cách hết sức thích hợp. Thực tại này cũng xác định chân trời chủ yếu của việc suy tư về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ. Trong bất cứ cái gì chúng ta nghĩ, nói hay làm có liên hệ đến phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, thì các tư tưởng, tâm tình và hành động của chúng ta không được tách khỏi chân trời ấy. Phẩm giá của mọi con người và ơn gọi tương ứng với phẩm giá đó tìm được tầm mức dứt khoát của chúng trong việc kết hợp với Thiên Chúa. Đức Maria –“người phụ nữ” của Thánh Kinh– là biểu thức trọn vẹn nhất của phẩm giá và ơn gọi này. Vì mọi con người, nam hay nữ, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chỉ có thể triển nở mình trong chiều hướng hình ảnh và sự giống ấy.