Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mẫu Tính – Đồng Trinh

       VI. MẪU TÍNH – ĐỒNG TRINH

 

       Hai chiều kích của ơn gọi phụ nữ

        17. Chúng ta nay phải tập trung suy niệm về đồng trinh và mẫu tính (chức làm mẹ) như hai chiều kích đặc biệt của việc hoàn thành nhân cách nữ. Dưới ánh sáng Tin Mừng, hai chiều kích ấy đạt được ý nghĩa và giá trị trọn vẹn của chúng trong Đức Maria, Đấng như một Nữ Đồng trinh đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Hai chiều kích ấy của ơn gọi phụ nữ được hợp nhất nơi Mẹ trong một kiểu khác thường, theo cách chiều kích này không loại trừ chiều kích kia nhưng bổ túc nhau cách tuyệt diệu. Lời mô tả cuộc Truyền tin trong Tin Mừng Lu-ca rõ ràng cho thấy điều đó đã xem ra bất khả đối với Trinh nữ làng Nadarét. Khi nghe các lời: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”, Đức Maria lập tức hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến chuyện vợ chồng!” (Lc 1,31.34). Trong trật tự thông thường của các sự vật, chức làm mẹ là kết quả của việc “biết nhau” giữa một người nam và một người nữ trong sự kết hợp hôn nhân. Đức Maria, vững vàng trong quyết định bảo toàn sự đồng trinh của mình, đặt câu hỏi ấy cho vị sứ giả thần linh và nhận được lời giải thích từ ngài: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” - chức làm mẹ của bà sẽ không phải là hậu quả của việc “biết nhau” trong hôn nhân, nhưng là công trình của Chúa Thánh Thần; “quyền năng Đấng Tối Cao” sẽ “rợp bóng” trên mầu nhiệm thụ thai và sinh hạ người Con; xét như là Con Đấng Tối Cao, Người sẽ được ban cho bà chỉ bởi Thiên Chúa, trong một cách thức chỉ Thiên Chúa rõ. Như thế, Đức Maria đã duy trì sự đồng trinh của mình: “Tôi không biết đến chuyện vợ chồng” (x. Lc 1,34), và đồng thời đã trở thành một bà mẹ. Đồng trinh và mẫu tính đồng hiện hữu nơi ngài: chúng không loại trừ nhau hay đặt những giới hạn lên nhau. Thật thế, bản thân Mẹ Thiên Chúa giúp mọi người – đặc biệt các phụ nữ – thấy làm sao hai chiều kích ấy, hai con đường ấy trong ơn gọi của phụ nữ như những ngôi vị, giải thích và hoàn tất cho nhau.

 

       Chức làm mẹ

        18. Để tham gia vào “tầm nhìn” ấy, một lần nữa chúng ta phải tìm cách hiểu sâu hơn chân lý về nhân vị mà Công đồng Vaticanô II có nhắc lại. Con người – cả nam lẫn nữ – là hữu thể duy nhất trong trần gian mà Thiên Chúa đã muốn tạo dựng vì chính họ. Con người là một ngôi vị, một chủ thể tự quyết định cho mình. Đồng thời, con người “chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” [39]. Đã có nói rằng lối mô tả này, thực ra là định nghĩa về ngôi vị này, tương ứng với chân lý Thánh Kinh căn bản về việc tạo dựng con người – nam lẫn nữ – theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Đây không phải là một giải thích thuần túy lý thuyết hay một định nghĩa trừu tượng, vì nó cho một chỉ dẫn chủ yếu về việc làm người nghĩa là gì, đang khi nhấn mạnh đến giá trị của việc trao hiến chính mình, trao hiến bản thân. Trong tầm nhìn nầy về ngôi vị, chúng ta cũng tìm thấy yếu tính của “luân lý” ấy, vốn cùng với sự thật sáng tạo, sẽ được triển khai đầy đủ bởi các sách Mạc khải, đặc biệt các sách Tin Mừng.

 

        Chân lý ấy về ngôi vị cũng mở ra con đường để hiểu trọn vẹn chức làm mẹ của phụ nữ. Chức làm mẹ là hoa quả của sự kết hợp hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, của sự “biết nhau” theo Thánh Kinh ấy, cái biết tương ứng với việc “cả hai trở thành một xương một thịt” (x. St 2,24). Điều này khiến xảy ra – về phía người nữ – một sự “hiến thân” đặc biệt, như một biểu thức cho tình yêu phu phụ ấy, nhờ đó cả hai kết hợp với nhau mật thiết đến độ trở thành “một xương một thịt”. Việc “biết” theo Thánh Kinh chỉ được hoàn tất phù hợp với chân lý về ngôi vị khi việc hiến thân cho nhau không bị lệch lạc do ham muốn của đàn ông, ham muốn trở thành “chủ” của vợ mình (“nó sẽ thống trị ngươi”) cũng không do đàn bà cứ mãi khép kín trong các bản năng của thị (“ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi”: St 3,16).

 

        Việc trao hiến bản thân cho nhau trong hôn nhân như thế mở ra việc trao tặng một sự sống mới, một con người mới, vốn cũng là một ngôi vị giống cha mẹ mình. Ngay từ đầu, chức làm mẹ bao hàm một sự sẵn sàng đón nhận cách đặc biệt con người mới: và đó chính là “phần” của người nữ. Trong sự sẵn sàng ấy, thụ thai và sinh con, người phụ nữ “khám phá chính mình nhờ một việc hiến thân thành thực”. Việc nội tâm sẵn sàng đón nhận đứa con và đưa nó vào đời được liên kết với sự kết hợp hôn nhân mà –như đã nói trên– sẽ làm nên một giây phút đặc biệt trong việc người nữ và người nam hiến thân cho nhau. Theo Thánh Kinh, việc cưu mang và sinh hạ một con người mới được lời sau đây của người đàn bà kèm theo: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người” (St 4,1). Tiếng reo mừng ấy của bà Eva, “mẹ của chúng sinh”, được lập lại mỗi lần một con người mới đi vào trần gian. Nó biểu lộ niềm vui và ý thức của người nữ rằng bà đang tham gia vào mầu nhiệm lớn lao của việc sinh ra vĩnh cửu. Đôi vợ chồng tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa!

 

        Chức làm mẹ của người phụ nữ trong thời gian giữa thụ thai và sinh hạ đứa bé là một quá trình sinh-thể lý và tâm lý mà ngày nay được hiểu rõ hơn trong quá khứ, và trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu chi tiết. Phân tích khoa học xác nhận cách đầy đủ rằng chính cấu trúc thể lý của đàn bà được tự nhiên xếp đặt cho việc làm mẹ -thụ thai, thai nghén và sinh hạ- vốn là hậu quả của việc kết hợp hôn nhân với đàn ông. Đồng thời, điều đó cũng tương ứng với cơ cấu tâm-thể lý của phụ nữ. Những gì mà các ngành khoa học khác nhau phải nói về đề tài này đều quan trọng và hữu ích, miễn là không giới hạn vào một cách giải thích thuần túy sinh-sinh lý học về người phụ nữ và chức làm mẹ. Một hình ảnh “giản lược” như thế sẽ đi đôi với một quan niệm duy vật về con người và về thế giới. Trong trường hợp như vậy, những gì thật sự thiết yếu sẽ chẳng may bị đánh mất. Chức làm mẹ như một sự kiện và hiện tượng nhân bản được giải thích cách đầy đủ dựa trên sự thật về ngôi vị. Chức làm mẹ liên hệ với cơ cấu ngôi vị của phụ nữ và với chiều kích ngôi vị của việc hiến trao: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một con người” (St 4,1). Đấng Sáng Tạo ban tặng cho cha mẹ một người con. Về phía người phụ nữ, sự kiện này liên kết cách đặc biệt với “việc hiến thân thành thực”. Những lời của Đức Maria trong cuộc Truyền tin -“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”- cho thấy người nữ sẵn sàng hiến thân và sẵn sàng đón nhận một sự sống mới.

 

        Mầu nhiệm sinh ra vĩnh cửu, vốn ở trong chính Thiên Chúa, vị Thiên Chúa độc nhất và ba ngôi (x. Ep 3,14-15), được phản ảnh trong chức làm mẹ của người nữ và chức làm cha của người nam. Chức làm cha mẹ của con người là một cái gì được tham gia vừa bởi đàn ông vừa bởi đàn bà. Cho dẫu người phụ nữ, mặn tình với chồng mình, nói: “Em đã cho anh một đứa con”, lời của bà cũng có nghĩa: “Đây là con của chúng ta”. Dù cả hai cùng là cha mẹ của con họ, chức làm mẹ của người nữ vẫn làm nên một “phần” đặc biệt trong chức phụ mẫu chung này, và là phần đòi hỏi nhất. Chức làm cha làm mẹ -cho dẫu thuộc về cả hai- vẫn được thể hiện cách tròn đầy hơn trong người nữ, nhất là trong giai đoạn tiền sinh sản. Chính đàn bà trực tiếp “trả giá” cho việc cùng sản sinh này, vốn hấp thu theo nghĩa đen các năng lực của xác và hồn bà. Vì thế đàn ông phải ý thức đầy đủ rằng trong chức phụ mẫu chung của họ, anh đặc biệt mắc nợ đàn bà. Không dự án “bình quyền” nào giữa nam và nữ có giá trị trừ phi nó tính đến đầy đủ sự kiện này.

 

        Chức làm mẹ kéo theo một sự hiệp thông đặc biệt với mầu nhiệm sự sống đang khi nó phát triển trong dạ phụ nữ. Người mẹ tràn đầy thán phục kinh ngạc trước mầu nhiệm sự sống này, và “hiểu” với trực giác độc nhất vô nhị cái đang xảy ra bên trong mình. Dưới ánh sáng của “khởi nguyên”, người mẹ đón nhận và yêu mến như một ngôi vị đứa con bà đang mang trong dạ mình. Sự tiếp xúc độc nhất vô nhị này với một con người mới đang phát triển bên trong bà làm dấy lên một thái độ đối với con người – không những đối với con mình, nhưng còn đối với mọi con người – thái độ đánh dấu sâu đậm nhân cách phụ nữ. Ai nấy đều nghĩ rằng đàn bà có nhiều khả năng chú ý đến người khác hơn đàn ông, và chức làm mẹ đó càng phát triển thiên hướng này hơn nữa. Đàn ông – dù với tất cả sự tham gia của mình vào chức phụ mẫu – vẫn luôn đứng “ngoài” tiến trình mang thai và sinh hạ đứa con; vì thế anh phải học hỏi nơi người mẹ “chức làm cha” của mình. Người ta có thể nói rằng đây là một phần trong chiều kích thông thường của phụ mẫu tính nơi con người, vốn bao gồm các giai đoạn theo sau việc sinh ra đứa con, đặc biệt giai đoạn đầu đời. Việc giáo dục đứa con, xét trong toàn bộ, phải bao hàm sự đóng góp kép từ phụ mẫu: sự đóng góp của cha và sự đóng góp của mẹ. Nhưng dù thế nào, sự đóng góp của người mẹ mang tính quyết định trong việc đặt nền tảng cho một nhân cách mới.

 

       Chức làm mẹ trong liên hệ với Giao ước

        19. Suy tư của chúng ta nay trở về với nguyên mẫu “người phụ nữ” theo Kinh Thánh trong Tin Mừng Tiên khởi. “Người phụ nữ”, trong tư cách làm mẹ và làm thầy đầu tiên của con người (việc giáo dục là chiều kích tinh thần của chức phụ mẫu) có một quyền ưu tiên đặc biệt hơn người nam. Cho dù chức làm mẹ, đặc biệt theo nghĩa sinh-vật lý, tùy thuộc người nam, chức đó vẫn ghi một “dấu vết” chủ yếu lên toàn bộ tiến trình tăng trưởng nhân cách của những đứa con mới của loài người. Chức làm mẹ theo nghĩa sinh-vật lý xem ra thụ động: tiến trình hình thành một sự sống mới “diễn ra” trong bà, trong cơ thể bà, nhưng dù vậy cơ thể này vẫn bị lôi kéo cách sâu xa vào tiến trình đó. Đồng thời chức làm mẹ theo nghĩa nhân vị-luân lý của nó bày tỏ từ phía người phụ nữ một tính sáng tạo rất quan trọng mà chính nhân tính của con người mới chủ yếu lệ thuộc vào. Cũng trong ý nghĩa này, chức làm mẹ của người nữ trình bày một tiếng gọi và một thách thức đặc biệt cho người nam và chức làm cha của y.

 

        Nguyên mẫu “người phụ nữ” theo Kinh Thánh tìm thấy đỉnh cao của mình trong chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa. Những lời của Tin Mừng Tiên khởi -“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà”- tìm thấy ở đây một sự xác nhận tươi mới. Chúng ta thấy rằng nhờ Đức Maria -nhờ tiếng “vâng-fiat” đầy mẫu tính của bà (“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”) - Thiên Chúa bắt đầu một Giao ước Mới với nhân loại. Đó chính là Giao ước vĩnh cửu và chung quyết trong Đức Kitô, trong thân thể và máu huyết của Người, trong Thập giá và Phục sinh của Người. Chính vì Giao ước này phải được hoàn tất “trong thịt và máu”, nên đã khởi đầu nơi Đức Mẹ. Nhờ một mình Mẹ và nhờ tiếng “fiat” đầy tính đồng trinh và tính hiền mẫu của Mẹ, “Con Đấng Tối Cao” có thể nói với Chúa Cha: “Chúa đã tạo cho con một thân thể. Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10,5.7).

 

        Chức làm mẹ đã và đang được đưa vào trật tự của Giao ước mà Thiên Chúa đã ký với nhân loại trong Đức Giêsu Kitô. Mỗi khi và mọi khi chức làm mẹ ấy được lặp lại trong lịch sử nhân loại, nó luôn liên hệ với Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với loài người qua chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.

 

        Đức Giêsu đã chẳng làm chứng về thực tại này khi đáp trả tiếng kêu của người đàn bà mà giữa đám đông đã chúc tụng Người vì chức làm mẹ của Đức Maria sao: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” Đức Giêsu đốp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Đức Giêsu xác nhận ý nghĩa của chức làm mẹ trong mối liên quan với thân thể, nhưng đồng thời Người cho thấy một ý nghĩa còn sâu xa hơn, vốn liên hệ với trật tự tinh thần: đó là một dấu chỉ của Giao ước với Thiên Chúa, Đấng “là Thần khí” (Ga 4,24). Điều này đặc biệt đúng với chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa. Chức làm mẹ của mọi phụ nữ, hiểu trong ánh sáng của Tin Mừng, cũng không chỉ do “thịt và máu”: nó còn biểu lộ một sự “lắng nghe lời của Thiên Chúa hằng sống” cách sâu xa và một sự sẵn sàng để “gìn giữ” Lời này, vốn là “lời của sự sống vĩnh cửu” (x. Ga 6,68). Vì chính những kẻ được sinh ra từ các bà mẹ trần thế, những con trai con gái của nhân loại, đều nhận từ Con Thiên Chúa quyền trở thành “con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12). Một chiều kích của Giao ước Mới trong máu Đức Kitô đi vào phụ mẫu tính nhân loại, làm cho nó thành một thực tại và một nhiệm vụ đối với “những thụ tạo mới” (x. 2Cr 5,17). Lịch sử của mọi con người đi qua ngưỡng cửa chức làm mẹ của một phụ nữ; việc đi qua này là điều kiện cho việc “mặc khải con cái Thiên Chúa” (x. Rm 8,19).

 

        “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thể gian” (Ga 16,21). Phần đầu lời của Đức Kitô nhắc đến “những đau đớn của việc sinh con” vốn thuộc di sản của nguyên tội; đồng thời lời ấy cho thấy mối liên hệ vốn có giữa chức làm mẹ của phụ nữ với Mầu nhiệm Vượt qua. Vì mầu nhiệm này cũng bao hàm sự lo buồn của Bà Mẹ dưới chân Thập giá – Bà Mẹ nhờ đức tin tham dự vào mầu nhiệm đáng kinh ngạc của việc Con mình “tự hủy”: “Đây có lẽ là sự tự hủy (kenosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử nhân loại” [40].

 

        Khi chúng ta chiêm ngắm Bà Mẹ ấy, mà tâm hồn bị “một lưỡi gươm đâm thâu” (x. Lc 2,32), các tư tưởng của chúng ta hướng đến mọi phụ nữ đang đau khổ trên thế giới, đau khổ thể lý hoặc tinh thần. Trong đau khổ này, sự nhạy cảm của người nữ đóng một vai trò, cho dẫu họ thường thành công trong việc kháng cự đau khổ hơn người nam. Khó liệt kê các đau khổ ấy; khó gọi chúng đích danh được. Chúng ta có thể nhắc lại sự chăm sóc từ mẫu của bà đối với con cái, đặc biệt khi chúng lâm bệnh hay rơi vào đường xấu; cái chết của những kẻ thân thiết nhất với bà; nỗi cô đơn của các bà mẹ bị con cái trưởng thành quên lãng; nỗi cô đơn của các bà góa; các đau khổ của những phụ nữ phải đấu tranh một mình để kiếm sống; và những phụ nữ đã và đang chịu bất công hay bị bóc lột. Rồi có những đau khổ trong lương tâm như một hậu quả của tội lỗi vốn làm thương tổn phẩm giá con người hay phẩm giá bà mẹ của phụ nữ: những vết thương lương tâm không dễ chữa lành. Chính cũng với những đau khổ ấy mà chúng ta phải đặt chính mình dưới chân Thập giá.

 

        Nhưng các lời của Tin Mừng về người đàn bà sầu khổ khi đến giờ phải sinh con, lập tức cũng diễn tả niềm vui sau đó: ấy là “niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian”. Niềm vui này cũng liên quan tới Mầu nhiệm Vượt qua, tới niềm vui được thông ban cho các Tông đồ ngày Đức Kitô sống lại: “Bây giờ anh em lo buồn” (những lời ấy đã được nói vào ngày trước cuộc Khổ nạn); “nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,22-23).

 

       Trinh khiết vì Nước Trời

        20. Trong giáo huấn của Đức Kitô, chức làm mẹ được liên kết với đức trinh khiết, nhưng cũng khác biệt với đức này. Căn bản cho điều này là tuyên bố của Đức Giêsu trong cuộc trò chuyện về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Sau khi nghe câu Đức Giêsu trả lời mấy tay Pharisêu, các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19,10). Không màng đến ý nghĩa mà câu “thà đừng” có vào lúc ấy trong tâm trí các môn đệ, Đức Kitô lấy quan niệm sai lầm của họ như một khởi điểm để dạy họ về giá trị của sự độc thân. Người phân biệt sự độc thân xuất phát từ những thiếu sót tự nhiên -thậm chí những thiếu sót do con người gây ra- với “sự độc thân vì Nước Trời. Đức Kitô nói: “Và có những người yêm hoạn bởi mình làm cho mình thành yêm hoạn vì Nước Trời” (Mt 19,11, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). Vì thế, đó là một sự độc thân tự ý, được chọn vì Nước Trời, do xét đến ơn gọi cánh chung của con người là kết hợp với Thiên Chúa. Rồi Người thêm: “Ai hiểu được thì hiểu”. Lời này lặp lại những gì Người đã nói lúc khởi đầu diễn từ về độc thân (x. Mt 19,11). Do đó, độc thân vì Nước Trời xuất phát không những từ một chọn lựa tự do về phía con người, nhưng cũng từ một ân sủng đặc biệt về phía Thiên Chúa, Đấng kêu gọi một con người cá biệt sống độc thân. Đang khi đây là một dấu chỉ đặc biệt của Vương quốc Thiên Chúa sẽ đến, nó cũng được dùng như một cách thức để dâng hiến mọi năng lực xác hồn suốt cuộc sống trần thế của mình chỉ vì Vương quốc cánh chung.

 

        Lời của Đức Giêsu là câu đáp cho câu hỏi các môn đệ. Lời ấy trực tiếp ngỏ với những ai đặt câu hỏi: trong trường hợp này là đàn ông. Dù vậy, câu trả lời của Đức Kitô tự bản thân cũng có một giá trị cho đàn ông lẫn đàn bà. Trong bối cảnh này, nó chỉ cho thấy lý tưởng Tin Mừng là đức trinh khiết (khiết tịnh), một lý tưởng làm nên một sự “đổi mới” rõ ràng so với truyền thống của Cựu Ước. Chắc chắn truyền thống này đã liên can cách nào đó với nỗi mong chờ Đấng Mêsia tới của Israen, đặc biệt giữa các phụ nữ Israen từ đó Người sẽ phải sinh ra. Trong thực tế, lý tưởng độc thân và khiết tịnh để được gần gũi hơn với Thiên Chúa không phải hoàn toàn xa lạ với vài nhóm Do-thái, đặc biệt trong thời ngay trước khi Đức Giêsu xuất hiện. Thế nhưng độc thân vì Nước Trời, hay đúng hơn là khiết tịnh, hiển nhiên là một sự canh tân liên hệ với việc Thiên Chúa nhập thể.

 

        Từ khi Đức Kitô đến, nỗi mong chờ của Dân Thiên Chúa hướng về Vương quốc cánh chung sắp tới, Vương quốc mà Người phải dẫn “dân Israen mới” vào. Một ý thức đức tin mới là cần thiết cho một sự chuyển hướng và thay đổi những giá trị như vậy. Đức Kitô nhấn mạnh điều này hai lần: “Ai hiểu được thì hiểu”. Chỉ “những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” (Mt 19,11). Đức Maria là người đầu tiên trong đó ý thức mới này biểu lộ, vì bà hỏi thiên thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Dù “đã đính hôn với một người tên là Giuse” (x. Lc 1,27), bà cũng vững chãi trong quyết định vẫn làm một trinh nữ. Chức làm mẹ thực hiện trong bà hoàn toàn đến từ “quyền năng Đấng Tối Cao”, và là hiệu quả của việc Chúa Thánh Thần phủ bóng trên bà (x. Lc 1,35). Chức làm mẹ (mẫu tính) thần linh ấy vì thế là một câu trả lời hoàn toàn bất ngờ cho nỗi chờ mong kiểu con người của các phụ nữ trong dân Israen: chức ấy đến với Đức Maria như một ân huệ từ chính Thiên Chúa. Ân huệ này là khởi điểm và là điển hình của một nỗi mong chờ mới từ tất cả mọi người. Nó đạt được tiêu chuẩn của Giao ước Vĩnh cửu, của lời hứa mới mẻ và dứt khoát từ Thiên Chúa: nó là một dấu chỉ của niềm hy vọng cánh chung.

 

        Dựa trên Tin Mừng, ý nghĩa của sự trinh khiết đã được khai triển và thấu hiểu hơn như một ơn gọi cho phụ nữ, trong đó phẩm giá của họ, như phẩm giá của Trinh Nữ thành Nadarét, tìm được sự xác nhận. Tin Mừng đề ra lý tưởng thánh hiến bản thân, nghĩa là việc con người trọn vẹn hiến mình cho Thiên Chúa nhờ các lời khuyên Tin Mừng: đặc biệt là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Sự nhập thể tuyệt hảo của chúng là chính Đức Giêsu Kitô. Ai muốn theo Người trong một cách thức triệt để thì chọn sống theo các lời khuyên ấy. Chúng khác hẳn các giới răn và cho Kitô hữu thấy con đường triệt để của Tin Mừng. Ngay từ khởi đầu của Kitô giáo, nhiều người nam nữ đã chọn con đường ấy, vì lý tưởng Tin Mừng ngỏ với mọi người, không hề phân biệt giới tính.

 

        Trong bối cảnh rộng lớn hơn ấy, trinh khiết phải được xem như cũng là một con đường cho phụ nữ, một con đường trên đó họ thể hiện phụ nữ tính trong một cách khác với hôn nhân. Để hiểu con đường này, một lần nữa cần nhắc tới ý tưởng nền tảng của nhân học Kitô giáo. Bằng việc tự do chọn lựa đức trinh khiết, phụ nữ xác định mình như những ngôi vị, những hữu thể mà Tạo Hóa ngay từ đầu đã muốn dựng nên vì chính họ [41]. Đồng thời họ thể hiện giá trị cá nhân của nữ tính mình bằng cách trở nên một “hiến vật chân thành” cho Thiên Chúa, Đấng tự tỏ mình trong Đức Kitô, một hiến vật cho Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân loại và Hôn phu của các tâm hồn: một hiến vật giữa phu phụ. Người ta không thể hiểu đúng đức trinh khiết -việc thánh hiến người nữ trong đức trinh khiết- nếu không quy chiếu về tình yêu phu phụ. Chính nhờ loại tình yêu này mà một người trở nên một tặng vật cho kẻ khác [42]. Ngoài ra, việc thánh hiến một người nam trong sự độc thân linh mục hay trong bậc tu trì cũng phải hiểu cách tương tự.

 

        Thiên hướng làm vợ tự nhiên của nhân cách nữ tìm thấy một câu trả lời trong đức trinh khiết hiểu theo lối này. Được mời gọi “ngay từ đầu” để yêu và được yêu, phụ nữ tìm thấy trong ơn gọi sống khiết tịnh chính Đức Kitô, trước hết như Đấng Cứu chuộc vốn “yêu cho đến cùng” qua việc Người hiến thân trọn vẹn; và họ đáp trả sự hiến thân này bằng việc “thành thực dâng hiến” trọn cuộc sống họ. Như thế họ hiến mình cho vị Hôn phu thần linh; và việc dâng hiến bản thân này hướng đến việc kết hợp hoàn toàn mang đặc tính thiêng liêng. Nhờ tác động của Thánh Thần, một phụ nữ trở nên “một tinh thần” với Đức Kitô Hôn phu (x. 1Cr 6,17).

 

        Đó là lý tưởng Tin Mừng về sự trinh khiết, trong đó phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ được thể hiện theo một cách đặc biệt. Trong sự trinh khiết được hiểu như thế, cái gọi là tính triệt để của Tin Mừng tìm được biểu thức: “Bỏ mọi sự mà theo Đức Kitô” (x. Mt 19,27). Điều này không thể đem so sánh với việc sống đơn thân hay không lập gia đình, vì sự trinh khiết chẳng hạn hẹp trong một chữ “không” đơn giản, nhưng còn chứa một tiếng “có” sâu xa trong trật tự phu phụ: hiến thân vì tình yêu trong một cách thức trọn vẹn và không chia sẻ.

 

       Mẫu tính thiêng liêng

        21. Trinh khiết theo Tin Mừng có nghĩa là từ khước hôn nhân và như thế là từ khước mẫu tính thể lý. Tuy nhiên, việc từ khước chức làm mẹ kiểu ấy, một việc từ khước có thể kéo theo hy sinh lớn lao cho một người nữ, khả thể hóa một kiểu làm mẹ khác: chức làm mẹ “theo Thần khí” (x. Rm 8,4). Vì trinh khiết không tước đoạt khỏi phụ nữ các khả năng đặc biệt của họ. Chức làm mẹ tinh thần (mẫu tính thiêng liêng) mặc rất nhiều hình thức. Ví dụ trong cuộc đời của những người nữ thánh hiến, vốn sống theo đặc sủng và các quy luật của nhiều Hội dòng tông đồ khác nhau, chức làm mẹ đó có thể tự biểu lộ như sự quan tâm đến mọi người, đặc biệt những ai túng thiếu hơn cả: bệnh nhân, người khuyết tật, kẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già yếu, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, tù nhân, và nói chung là những kẻ sống bên lề xã hội. Theo cách ấy, người nữ thánh hiến tìm được Hôn phu của mình, khác biệt và duy nhất trong mỗi và mọi người, theo chính lời Người nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tình yêu phu phụ luôn bao hàm một sự sẵn sàng đặc biệt bày tỏ ra cho những ai ở trong phạm vi hoạt động của mình. Trong hôn nhân, sự sẵn sàng này dù được mở ra cho mọi người, chủ yếu vẫn hệ tại tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái của họ. Trong đức trinh khiết, sự sẵn sàng này mở ra cho hết mọi người, vốn được ôm ấp trong tình yêu của Đức Kitô Hôn phu.

 

        Tình yêu phu phụ -với tiềm năng mẫu tính giấu ẩn trong tim của người nữ xét như một hôn thê trinh khiết- khi liên kết với Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc mọi người và từng người, thì cũng được dẫn đến chỗ mở ra cho từng người và mọi người. Điều này được xác nhận trong các cộng đoàn tu trì sống đời tông đồ, và theo một cách khác trong các cộng đoàn sống đời chiêm niệm hay ẩn dật. Cũng còn có nhiều hình thức khác của ơn gọi sống khiết tịnh vì Nước Trời; ví dụ các Tu hội đời hay các cộng đoàn của những người thánh hiến vốn phát triển bên trong các Phong trào, Nhóm tổ hay Hiệp hội. Trong mọi cộng đoàn ấy, cùng một sự thật về chức làm mẹ thiêng liêng của các trinh nữ được xác nhận theo nhiều cách đa dạng. Tuy nhiên, đó không chỉ là chuyện các hình thức tập thể mà cũng là chuyện các hình thức phi-tập thể. Tóm lại, đức trinh khiết như một ơn gọi của phụ nữ luôn luôn là ơn gọi của một con người, một con người cá nhân, độc nhất. Như thế, chức làm mẹ thiêng liêng được sống trong ơn gọi đó, cũng mang tính cá nhân sâu đậm.

 

        Đấy cũng là nền tảng cho một sự xáp gần đặc biệt giữa đức trinh khiết của những phụ nữ không kết hôn với chức làm mẹ của những phụ nữ lấy chồng. Sự xáp gần này không chỉ từ chức làm mẹ tới sự khiết tịnh, như đã nhấn mạnh trên kia; nó cũng từ sự khiết tịnh tới hôn nhân, hình thức của ơn gọi phụ nữ, trong đó thị trở thành một người mẹ nhờ sinh ra con cái của mình. Khởi điểm của loại suy thứ hai này là ý nghĩa của hôn nhân. Một người nữ “kết hôn” hoặc nhờ bí tích hôn phối hoặc cách thiêng liêng nhờ việc kết hôn với Đức Kitô. Trong cả hai trường hợp, sự kết hôn nói lên việc “thành thực hiến thân” của hôn thê cho hôn phu. Theo cách này, người ta có thể nói rằng hình bóng hôn nhân được tìm thấy cách thiêng liêng trong đức khiết tịnh. Và chức làm mẹ thể lý cũng chẳng phải trở nên một chức làm mẹ thiêng liêng, để đáp ứng chân lý trọn vẹn về con người là một sự hợp nhất thể xác và tinh thần sao? Vì thế có nhiều lý do để nhận ra trong hai con đường khác nhau ấy – hai ơn gọi khác nhau của phụ nữ – một sự bổ sung sâu xa, thậm chí một sự thống nhất sâu xa bên trong hữu thể một con người.

 

       “Hỡi những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa”

        22. Tin Mừng cho thấy và giúp chúng ta hiểu đúng đắn cách thức hiện hữu ấy của con người. Tin Mừng giúp đỡ mọi người nam nữ sống điều đó và như thế đạt tới sự triển nở bản thân. Có một sự bình đẳng hoàn toàn về các hồng ân của Chúa Thánh Thần, về “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11). Hơn nữa, chính đứng trước “những kỳ công của Thiên Chúa” mà Thánh Phaolô, trong tư cách một người nam, cảm thấy cần nại tới những gì chủ yếu thuộc người nữ, để diễn tả sự thật về việc phục vụ tông đồ của mình. Đó chính là những gì mà Phaolô thành Tarse làm khi ngỏ với tín hữu Galát những lời: “Hỡi những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4,19). Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (7,38), Thánh Phaolô công bố sự trổi vượt của đức khiết tịnh trên hôn nhân, vốn là một giáo huấn bền vững của Giáo Hội phù hợp với tinh thần của những lời Đức Kitô được Tin Mừng Mát-thêu ghi lại (19,10-12); thánh nhân nói như thế mà chẳng làm lu mờ chút nào tầm quan trọng của chức làm mẹ thể lý và thiêng liêng. Thật thế, để minh họa sứ mạng nền tảng của Giáo Hội, thánh Phaolô không tìm được gì tốt hơn việc qui chiếu về chức làm mẹ.

 

        Cùng loại suy đó -và cùng chân lý đó- hiện diện trong Hiến chế tín lý về Giáo Hội. Đức Maria là “hình ảnh” của Giáo Hội [43]. “Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, một chủ thể cũng được gọi rất chí lý là mẹ và trinh nữ, Đức Trinh Nữ Maria nổi bật cách cao cả và riêng biệt như một mẫu mực của phẩm cách là mẹ và trinh nữ… Mẹ đã sinh hạ Người Con, Đấng được Thiên Chúa đặt làm trưởng tử giữa đàn em đông đúc (x. Rm 8,29) là chính các tín hữu. Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục họ với tình hiền mẫu” [44]. “Khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện nhiệm mầu và noi gương đức ái của Đức Maria, khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội là mẹ vì đã lãnh nhận lời Chúa trong đức tin: thật vậy, nhờ việc rao giảng và nhờ bí tích Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ con cái, những người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa sinh ra cho đời sống mới và bất diệt” [45]. Đây là mẫu tính “theo Thần khí” liên can đến các con trai con gái của nhân loại. Và mẫu tính này -như đã nói- cũng trở thành “vai trò” của người nữ trong sự khiết tịnh. “Giáo Hội cũng là trinh nữ, vì đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng tin dành cho Đấng Phu Quân” [46]. Điều này đã được thực hiện cách trọn hảo nhất nơi Đức Maria. Vì thế, “noi gương Người Mẹ của Chúa mình, nhờ quyền lực của Thánh Thần, Giáo Hội cũng gìn giữ thật tinh tuyền đức tin toàn vẹn, đức cậy bền vững và đức mến chân thành” [47].

 

        Công đồng đã xác nhận rằng nếu người ta chẳng nhìn đến Mẹ Thiên Chúa, thì không thể nào hiểu được mầu nhiệm Giáo Hội, thực tại cũng như sinh lực chủ yếu của Giáo Hội. Cách gián tiếp, chúng ta tìm thấy ở đây một qui chiếu đến nguyên mẫu “người phụ nữ” theo Thánh Kinh vốn đã được phác họa rõ ràng trong trình thuật của “khởi nguyên” (x. St 3,15) và đã đi từ cuộc sáng tạo, ngang qua tội lỗi đến cuộc Cứu chuộc. Bằng cách ấy, có một sự xác nhận mối kết hợp sâu xa giữa cái gì là phàm nhân với cái làm nên kế hoạch cứu độ thần linh trong lịch sử loài người. Thánh Kinh thuyết phục chúng ta về sự kiện rằng người ta không thể có cách giải thích thỏa đáng về con người, hoặc về cái gì là “phàm nhân”, nếu không quy chiếu cách thích hợp về cái gì là “phụ nữ”. Có một loại suy trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: nếu chúng ta muốn hiểu kế hoạch này đầy đủ trong tương quan với toàn bộ lịch sử loài người, chúng ta không thể bỏ qua, trong viễn tượng đức tin chúng ta, mầu nhiệm “người phụ nữ”: trinh nữ-mẹ-vợ.