Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cao Trọng Hơn Cả Là Đức Mến

       VIII. “CAO TRỌNG HƠN CẢ LÀ ĐỨC MẾN”

 

       Đứng trước những thay đổi

        28. “Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại vì mọi người, nhờ Thánh Thần của Người đã trao ban ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp trả ơn gọi cao cả của mình” [56]. Chúng ta có thể áp dụng những lời này của Hiến chế Công đồng Gaudium et Spes cho những suy tư hiện tại. Việc đặc biệt nhắc đến phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, chính trong thời của ta, có thể và phải được đón nhận trong “ánh sáng và sức mạnh” mà Thần Khí ban cho con người, bao gồm những người của thời đại chúng ta, thời đại được đánh dấu bằng quá nhiều biến đổi khác nhau. Giáo Hội “tin rằng ý nghĩa then chốt, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại đều ở nơi Đức Kitô là Chúa và là Thầy của Giáo Hội”; Giáo Hội còn “khẳng định rằng qua mọi thay đổi, có nhiều điều vẫn không đổi thay, những điều đặt trên nền tảng sâu xa nhất là chính Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” [57].

 

        Những lời ấy của Hiến chế về Giáo Hội trong Thế giới Ngày nay cho thấy con đường phải theo để chu toàn các trách vụ liên quan đến phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, trên nền những đổi thay đầy ý nghĩa của thời đại chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đối mặt với những đổi thay này cách đúng đắn và đầy đủ nếu chúng ta lui về lại các nền tảng vốn phải được tìm thấy trong Đức Kitô, lui về lại các chân lý và giá trị “bất biến” mà Người vẫn là “Chứng nhân trung thành” (x. Kh 1,5) và là Thầy dạy.  Một lối hành động khác sẽ đưa đến những kết quả đáng nghi ngờ, nếu không nói thẳng là sai lầm và dối trá.

 

       Phẩm giá của phụ nữ và trật tự tình yêu

        29. Đoạn thư Êphêsô đã được trích dẫn (5,21-23), trong đó mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội được trình bày như dây liên kết giữa Hôn phu và Hôn thê, cũng quy chiếu về định chế hôn nhân như được ghi lại trong sách Sáng Thế (x. 2,24). Đoạn này liên kết chân lý về hôn nhân như một bí tích nguyên thủy với việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,27; 5,1). Sự so sánh đầy ý nghĩa trong Thư Êphêsô đem lại sự rõ rệt hoàn toàn cho cái mang tính quyết định đối với phẩm giá của phụ nữ vừa trước mắt Thiên Chúa -Đấng Sáng tạo và Cứu chuộc- vừa trước mắt loài người, cả nam lẫn nữ. Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, phụ nữ là kẻ trong đó trật tự tình yêu nơi thế giới thụ tạo của con người cắm rễ đầu tiên. Trật tự tình yêu thuộc về sự sống nội tại của chính Thiên Chúa, sự sống của Ba Ngôi. Trong sự sống nội tại của Thiên Chúa, Thánh Thần là ngôi vị tình yêu. Nhờ Thánh Thần, Hồng ân Bất thụ tạo, tình yêu trở thành một hồng ân cho các ngôi vị thụ tạo. Tình yêu, xuất phát từ Thiên Chúa, tự thông ban cho các thụ tạo: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

 

        Việc kêu gọi người nữ đi vào hiện hữu bên cạnh người nam như “một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18) trong “sự hợp nhất của cả hai”, đem lại cho thế giới hữu hình của các thụ tạo những điều kiện đặc biệt để “tình yêu Thiên Chúa có thể được tuôn đổ vào trong tâm hồn” của những hữu thể được tạo dựng giống hình ảnh Người. Khi tác giả Thư Êphêsô gọi Đức Kitô là “Hôn phu” và Giáo Hội là “Hôn thê”, ngài gián tiếp xác nhận, bằng loại suy này, chân lý về phụ nữ như hôn thê. Hôn Phu là người yêu. Hôn Thê là người được yêu: chính thị đón nhận tình yêu, để yêu lại.

 

        Việc đọc lại sách Sáng Thế dưới ánh sáng của biểu tượng phu thê trong Thư Êphêsô giúp chúng ta nắm bắt một chân lý xem ra quyết định, trong một cách thức thiết yếu, vấn đề phẩm giá phụ nữ, và tiếp theo đó cũng là vấn đề ơn gọi của họ: phẩm giá phụ nữ được đo lường bởi trật tự tình yêu, mà theo yếu tính là trật tự của công bằng và bác ái. [58].

 

        Chỉ một ngôi vị mới có thể yêu và chỉ một ngôi vị mới có thể được yêu. Tuyên bố này trước tiên mang tính hữu thể học trong bản chất, và nó khiến nổi lên một khẳng định mang tính đạo đức học. Tình yêu là một đòi hỏi mang tính hữu thể học và đạo đức học của ngôi vị. Ngôi vị phải được yêu, vì chỉ tình yêu mới tương ứng với cái làm nên ngôi vị. Điều này giải thích giới răn yêu thương đã được biết trong Cựu Ước rồi (x. Đnl 6,5; Lv 19,18) và được Đức Kitô đặt làm chính trung tâm cho nền “luân lý-ethos” của Tin Mừng (x. Mt 22,36-40; Mc 12,28-34). Điều ấy cũng giải thích sự ưu tiên của tình yêu, được Thánh Phaolô diễn tả trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Cao trọng hơn cả là đức mến” (x. 13,13).

 

        Nếu không quy chiếu đến trật tự và sự ưu tiên này, chúng ta không thể có một câu trả lời đầy đủ và thỏa đáng cho vấn đề phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ. Khi chúng ta nói rằng người nữ là kẻ đón nhận tình yêu để đến phiên mình yêu lại, điều này không chỉ hoặc đặc biệt nhắc đến liên hệ phu thê trong hôn nhân. Nó còn nói lên một cái gì phổ quát hơn, dựa trên chính sự kiện thị là phụ nữ bên trong mọi tương quan liên vị vốn định hình xã hội và cơ cấu hóa sự tương tác giữa mọi ngôi vị -nam và nữ- theo những cách thức rất khác nhau. Trong bối cảnh rộng lớn và đa dạng đó, phụ nữ trình bày một giá trị đặc biệt như một nhân vị và đồng thời như một ngôi vị cụ thể, do chính nữ tính của mình. Điều này liên quan đến mỗi và mọi phụ nữ, bất kể bối cảnh văn hóa trong đó thị đang sống, và bất kể các đặc điểm tinh thần, tâm lý và thể lý của thị, như tuổi tác, giáo dục, sức khỏe, việc làm, lập gia đình hay sống độc thân.

 

        Đoạn thư Êphêsô mà chúng ta đã và đang xem xét giúp chúng ta nghĩ đến một loại “trào lưu ngôn sứ” vốn thuộc các phụ nữ trong nữ tính của họ. Loại suy Hôn phu và Hôn thê nói đến tình yêu mà nhờ đó mỗi con người -nam và nữ- được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Kitô. Nhưng trong bối cảnh của loại suy Kinh Thánh và lô-gích nội tại của bản văn, chính phụ nữ -hôn thê- biểu lộ chân lý này cho mọi người. Đặc tính “ngôn sứ” ấy của phụ nữ trong nữ tính của họ tìm được biểu thức cao nhất của nó trong Trinh Mẫu Thiên Chúa. Mẹ nhấn mạnh, cách hoàn hảo và trực tiếp nhất, sự liên kết thâm sâu của trật tự tình yêu, vốn đi vào thế giới của loài người nhờ một Phụ nữ – với Chúa Thánh Thần. Vào lúc Truyền tin, Đức Maria đã nghe các lời này: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1,35).

 

       Ý thức về một sứ vụ  

        30. Phẩm giá của một phụ nữ liên kết chặt chẽ với tình yêu mà thị lãnh nhận do chính nữ tính của mình, và cũng thế với tình yêu mà thị trao ban lại. Như thế chân lý về ngôi vị và về tình yêu được xác nhận. Liên quan đến chân lý về ngôi vị, chúng ta phải trở lại với Công đồng Vaticanô II: “Con người, thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” [59]. Điều này áp dụng cho mỗi người như một ngôi vị được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, dù là nam hay nữ. Khẳng quyết hữu thể học này cũng chỉ ra chiều kích luân lý của ơn gọi một con người. Phụ nữ chỉ có thể gặp được chính mình bằng cách trao ban tình yêu cho những kẻ khác.

 

        Từ lúc “khởi nguyên”, người nữ –cũng như người nam– đã được Thiên Chúa tạo dựng và “đặt” vào trật tự tình yêu ấy. Tội nguyên tổ đã không phá hủy trật tự này cũng chẳng xóa bỏ nó cách vĩnh viễn. Điều này được minh chứng qua những lời của Tin Mừng Tiên khởi (x. St 3,15). Các suy tư của chúng ta đã và đang tập chú vào vị trí đặc biệt do “người phụ nữ” nắm giữ trong bản văn mạc khải then chốt này. Cũng phải lưu ý xem làm sao cùng Người Phụ nữ ấy, vốn đạt được vị trí của một “nguyên mẫu” Thánh Kinh, cũng xuất hiện bên trong viễn tượng cánh chung của thế giới và của nhân loại mà sách Khải huyền đã đưa ra [60]. Bà là “một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (x. Kh 12,1). Người ta có thể nói: bà là một Phụ nữ có tầm mức vũ trụ, trên một tầm mức với toàn thể công trình sáng tạo. Nhưng đồng thời “bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (x. Kh 12,2) như bà Eva, “Mẹ của chúng sinh” (x. St 3,20). Bà cũng đau đớn, vì “trước Người Phụ nữ sắp sinh con” (x. Kh 12,4), có đứng “con mãng xà… con rắn xưa” (Kh 12,9) mà ta đã biết từ Tin Mừng Tiên khởi: Thần Dữ, “cha sự gian dối” và của tội lỗi (x. Ga 8,44). “Con rắn xưa” muốn nuốt “con bà”. Đang khi thấy trong bản văn này một âm vang của Trình thuật Thời thơ ấu (x. Mt 2,13.16), chúng ta cũng có thể thấy cuộc chiến chống sự dữ và Thần Dữ đánh dấu nguyên mẫu “Người phụ nữ” của Thánh Kinh từ khởi đầu đến kết thúc lịch sử. Đây là một cuộc chiến vì con người, vì thiện hảo đích thực của nó, vì ơn cứu độ của nó. Chẳng phải Thánh Kinh đang cố gắng nói với chúng ta rằng chính trong “Người phụ nữ” -Eva/Maria- mà lịch sử chứng kiến một cuộc chiến bi thảm vì mọi con người, cuộc chiến vì tiếng “vâng” hay “không” căn bản của y hay thị đối với Thiên Chúa và kế hoạch vĩnh cửu của Người đối với nhân loại sao?

 

        Đang khi phẩm giá của một phụ nữ làm chứng cho tình yêu mà thị lãnh nhận để yêu lại, thì “nguyên mẫu” Người Phụ nữ của Thánh Kinh xem ra cũng mạc khải trật tự tình yêu đích thực vốn làm nên ơn gọi riêng của phụ nữ. Ơn gọi ở đây được hiểu trong ý nghĩa cơ bản và có thể nói là phổ quát của nó, một ý nghĩa được thể hiện và diễn tả nơi nhiều “ơn gọi” khác nhau của phụ nữ trong Giáo Hội và trong thế giới.

 

        Sức mạnh luân lý và tinh thần của một phụ nữ được liên kết với ý thức của thị là Thiên Chúa trao phó con người cho thị theo một cách đặc biệt. Đương nhiên Thiên Chúa trao phó mọi con người cho mỗi và cho mọi người. Nhưng sự trao phó này liên hệ đến phụ nữ cách đặc biệt – chính vì nữ tính của họ – và điều này xác định cách đặc biệt ơn gọi của họ.

 

        Sức mạnh tinh thần của phụ nữ, vốn xuất phát từ ý thức ấy và từ việc giao phó ấy, được biểu lộ trong một số lớn khuôn mặt của Cựu Ước, của thời Đức Kitô, và của các thời đại sau đó cho đến hôm nay.

 

        Một phụ nữ được mạnh mẽ nhờ ý thức của thị về sự giao phó đó, mạnh mẽ vì sự kiện Thiên Chúa “trao phó con người cho thị”, trong mọi lúc và trong mọi cách, ngay cả trong những hoàn cảnh kỳ thị xã hội mà thị có thể thấy mình mắc vào. Ý thức ấy và ơn gọi nền tảng ấy nói với phụ nữ về phẩm giá mà họ lãnh nhận từ chính Thiên Chúa, và điều này làm cho họ “mạnh mẽ” và củng cố ơn gọi của họ.

 

        Như thế “người phụ nữ đảm đang” (x. Cn 31,10) trở thành một chỗ dựa bất khả thay thế và nguồn sức mạnh tinh thần cho những kẻ khác, vốn nhận ra các năng lực lớn lao của thị. Những “phụ nữ đảm đang” ấy được gia đình của họ và đôi khi được cả quốc gia chịu ơn nhiều.

 

        Trong thời đại chúng ta, những thành tựu khoa học và kỹ thuật giúp đạt được một sự thoải mái vật chất đến một mức độ chưa từng thấy. Đang khi điều này có lợi cho một số người, nó lại đẩy nhiều kẻ khác ra bên lề xã hội. Bằng cách ấy, tiến bộ một chiều có thể đưa đến việc đánh mất dần sự nhạy cảm đối với con người, nghĩa là đối vối những gì chủ yếu của con người. Trong nghĩa này, thời đại chúng ta đặc biệt mong chờ sự biểu lộ “thiên tài” vốn thuộc về các phụ nữ và có thể bảo đảm sự nhạy cảm đối với con người trong mọi hoàn cảnh: vì họ là người! và vì “cao trọng hơn cả là đức mến” (x. 1Cr 13,13).

 

        Như thế, việc chăm chú đọc nguyên mẫu Người Phụ nữ theo Thánh Kinh – từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền – khẳng định cái làm nên phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, cũng như cái gì là bất biến và luôn thích đáng trong họ, vì những cái đó có “nền tảng sâu xa nhất là chính Chúa Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” [61]. Nếu con người được Thiên Chúa trao phó cách đặc biệt cho phụ nữ, thì điều này chẳng có nghĩa là Đức Kitô mong đợi họ chu toàn chức “tư tế vương giả” (1Pr 2,9), vốn là kho tàng mà Người đã và đang ban tặng cho mọi cá nhân sao? Đức Kitô, trong tư cách Tư tế duy nhất và cao cả của Giao ước mới và vĩnh cửu, và trong tư cách Hôn phu của Giáo Hội, không ngừng đệ trình cùng di sản ấy lên Chúa Cha nhờ Thần Khí, để Thiên Chúa có thể là “tất cả trong mọi sự” (1Cr 15,28) [62].

 

        Bấy giờ, chân lý “đức mến cao trọng hơn cả” (1Cr 13,13) sẽ được hoàn tất cách dứt khoát.