Giáo Hội – Hôn Thê Của Đức Kitô
VII. GIÁO HỘI – HÔN THÊ CỦA ĐỨC KITÔ
“Mầu nhiệm cao cả”
23. Có tầm quan trọng căn bản ở đây là những lời của Thư gửi tín hữu Êphêsô: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. ‘Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Mầu nhiệm này thật là cao cả; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,25-32).
Trong Thư này, tác giả bày tỏ chân lý về Giáo Hội như Hôn thê của Đức Kitô, đồng thời cho thấy chân lý này cắm rễ ra sao trong thực tại Thánh Kinh về việc tạo dựng con người có nam có nữ. Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa như một “sự hợp nhất của cả hai”, đôi bên được mời gọi đi đến một tình yêu phu phụ. Theo mô tả về việc sáng tạo trong sách Sáng Thế (2,18-25), người ta có thể nói rằng tiếng gọi căn bản này xuất hiện trong việc tạo dựng người nữ và được Đấng Sáng Tạo ghi vào định chế hôn nhân; định chế này, theo St 2,24, ngay từ đầu đã mang đặc tính của một sự hiệp thông ngôi vị (communio personarum). Dù không trực tiếp, chính lối mô tả của “khởi nguyên” (x. St 1,27; 2,24) cho thấy rằng toàn bộ “luân lý–ethos” của những liên hệ hỗ tương giữa đàn ông và đàn bà phải tương ứng với sự thật riêng của hữu thể họ.
Tất cả cái đó đã được xem xét rồi. Thư gửi tín hữu Êphêsô một lần nữa xác nhận sự thật ấy, đang khi cùng lúc so sánh đặc tính phu phụ của tình yêu giữa nam và nữ với mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội. Đức Kitô là Hôn phu của Giáo Hội - Giáo Hội là Hôn thê của Đức Kitô. Loại suy này không phải không có tiền lệ; nó chuyển sang Tân Ước những gì đã chứa trong Cựu Ước, đặc biệt nơi các ngôn sứ Hôsê, Giêrêmia, Êdêkien và Isaia [48]. Các đoạn tương ứng đáng được phân tích riêng lẻ. Ở đây chúng ta sẽ chỉ trích dẫn một bản văn thôi. Đó là làm sao Thiên Chúa phán với Tuyển dân Người qua vị ngôn sứ: “Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ, chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa. Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi! Tôn danh Người là ‘Đức Chúa các đạo binh’. Đấng cứu chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israen, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. “Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?” Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi phán như vậy… Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54,4-8.10).
Từ lúc con người –nam và nữ– được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, thì Thiên Chúa có thể nói về mình qua môi miệng Ngôn sứ, sử dụng ngôn ngữ vốn chủ yếu là của loài người. Trong bản văn Isaia được trích dẫn trên đây, biểu thức của tình yêu Thiên Chúa mang nét “người phàm”; nhưng chính tình yêu lại mang tính thần linh. Vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên đặc điểm phu phụ của nó cũng hoàn toàn mang tính thần linh, dẫu được diễn tả bằng loại suy của tình yêu một người nam dành cho một người nữ. Người nữ-hôn thê là Israen, Tuyển dân của Thiên Chúa, và việc tuyển chọn này hoàn toàn bắt nguồn trong tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Chính tình yêu này giải thích Giao ước, một Giao ước năng được trình bày như một giao ước hôn nhân mà Thiên Chúa luôn luôn đổi mới với Tuyển dân của Người. Về phía Thiên Chúa, Giao ước là một “cam kết” bền vững; Người vẫn luôn trung tín với tình yêu phu phụ của Người, dù hôn thê thường tỏ ra bất trung.
Hình ảnh tình yêu phu phụ ấy, cùng với khuôn mặt của Hôn phu thần linh – một hình ảnh rất rõ ràng trong các bản văn Ngôn sứ – tìm được sự xác nhận trọn vẹn trong Thư gửi tín hữu Êphêsô (5,23-32). Đức Kitô được Gioan Tẩy Giả chào đón như Hôn phu (x. Ga 3,27-29). Thật thế, Đức Kitô áp dụng vào mình lối so sánh ấy, rút từ các Ngôn sứ (x. Mc 2,19-20). Thánh Tông đồ Phaolô, vốn là một người mang di sản Cựu Ước, viết cho tín hữu Côrintô: “Vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11,2). Nhưng biểu thức tròn đầy nhất của sự thật về tình yêu Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc, theo loại suy của tình yêu phu phụ trong hôn nhân, được tìm thấy trong Thư gửi tín hữu Êphêsô: “Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25), do đó xác nhận cách tràn đầy sự kiện Giáo Hội là Hôn thê của Đức Kitô: “Đấng chuộc ngươi về chính là Đức Thánh của Israen” (Is 54,5). Trong bản văn của thánh Phaolô, loại suy của liên hệ phu phụ chuyển động đồng thời theo hai hướng vốn làm nên toàn bộ “Mầu nhiệm cao cả” (“sacramentum magnum”).
Giao ước giữa đôi vợ chồng “giải thích” đặc điểm phu phụ của việc Đức Kitô kết hợp với Giáo Hội, và đến phiên mình, sự kết hợp ấy, xét như một “bí tích cao cả”, xác định bí tích tính của hôn nhân như một giao ước thánh giữa đôi vợ chồng, nam và nữ. Đọc bản văn phong phú và phức tạp này, mà xét như một toàn bộ là một loại suy vĩ đại, chúng ta phải phân biệt yếu tố diễn tả thực tại nhân loài của các tương quan liên vị với yếu tố diễn tả trong ngôn ngữ biểu tượng cái “mầu nhiệm cao cả” vốn mang tính thần linh.
“Sự canh tân” của Tin Mừng
24. Bản văn được ngỏ với các đôi vợ chồng như những người nam và nữ cụ thể. Nó nhắc họ nhớ lại “luân lý–ethos” của tình yêu phu phụ vốn bắt nguồn từ định chế thần linh là hôn nhân có từ “khởi nguyên”. Tương ứng với chân lý về định chế này là lời thúc giục: “Hỡi các người chồng, hãy yêu thương vợ mình”, yêu thương vợ vì mối dây đặc biệt và độc nhất ấy, qua đó một nam và một nữ trở thành “một xương một thịt” trong hôn nhân (St 2,24; Ep 5,31). Trong tình yêu này, có một khẳng định căn bản về người nữ như một ngôi vị. Khẳng định này giúp cho nhân cách nữ có thể phát triển tràn đầy và nên phong phú. Đó chính là cách Đức Kitô hành động như Hôn phu của Giáo Hội; Người ao ước Giáo Hội “xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn” (Ep 5,27). Người ta có thể nói rằng điều này nắm bắt đầy đủ toàn bộ “phong cách” của Đức Kitô trong việc đối xử với phụ nữ. Các ông chồng nên lấy làm của mình các yếu tố của “phong cách” ấy để đối xử với vợ mình; cách loại suy, mọi đàn ông nên làm điều như vậy đối với đàn bà trong mọi hoàn cảnh. Bằng cách ấy, cả nam lẫn nữ mới thể hiện được việc “thành thực hiến thân”.
Tác giả Thư Êphêsô không thấy có mâu thuẫn gì giữa lời khuyên được diễn đạt theo lối ấy với câu: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ” (Ep 5,22-23). Tác giả biết rằng cách nói ấy, bắt rễ sâu trong phong tục và truyền thống tôn giáo đương thời, phải được hiểu và thực hiện theo một cách mới: như một “sự tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (x. Ep 5,21). Điều này đặc biệt đúng vì chồng được gọi là “đầu” của vợ, như Đức Kitô là đầu Giáo Hội; chồng là như vậy để “hiến mình vì vợ” (x. Ep 5,25), và hiến mình vì vợ có nghĩa là từ bỏ ngay cả mạng sống mình. Nhưng đang khi trong mối liên hệ Đức Kitô và Giáo Hội, sự tùng phục chỉ có từ phía Giáo Hội, thì trong mối liên hệ giữa chồng và vợ, sự “tùng phục” không đơn phương nhưng song phương, qua lại.
Liên hệ với “cái cũ”, đây hiển nhiên là một cái gì “mới”: đó là một sự canh tân của Tin Mừng. Chúng ta gặp nhiều đoạn trong đó các tác phẩm Tông đồ diễn tả việc “canh tân” này, cho dẫu các tác phẩm ấy cũng truyền đạt cái gì “cũ”: cái bắt rễ trong truyền thống tôn giáo của Israen, trong cách truyền thống này hiểu và giải thích các bản văn thánh, ví dụ như chương 2 Sách Sáng Thế [49].
Các thư Tông đồ đều ngỏ với những người sống trong một môi trường ghi dấu cùng cách hiểu và làm theo truyền thống như vậy. Việc “canh tân” của Đức Kitô là một sự kiện: nó làm nên nội dung rõ ràng của sứ điệp Tin Mừng và là kết quả của Công trình Cứu chuộc. Tuy nhiên, ý thức rằng trong hôn nhân có “sự tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” chứ không phải chỉ có vợ tùng phục chồng, ý thức đó phải dần dần được thiết lập trong các tâm hồn, lương tâm, thái độ và phong tục. Đó là một tiếng gọi mà từ lúc ấy trở đi, không được ngưng thách thức các thế hệ tiếp nối; đó là một tiếng gọi mà con người phải luôn đón nhận theo một cách mới mẻ. Thánh Phaolô đã không chỉ viết: “Trong Đức Giêsu Kitô… không còn chuyện phân biệt đàn ông hay đàn bà”, nhưng cũng thêm: “Không còn nô lệ hay tự do” (Gl 3,28). Dù vậy, biết bao thế hệ đã cần một nguyên tắc như thế được thực hiện trong lịch sử nhân loại bằng việc xóa bỏ chế độ nô lệ! Và người ta phải nói gì về nhiều hình thức nô lệ mà lắm cá nhân lẫn dân tộc gánh chịu và vẫn còn chưa biến khỏi lịch sử?
Nhưng sự thách thức được đưa ra bởi “luân lý” của công cuộc Cứu chuộc vẫn rõ ràng và dứt khoát. Tất cả mọi lý do cho sự “tùng phục” của đàn bà đối với đàn ông trong hôn nhân phải được hiểu theo nghĩa “tùng phục nhau” của cả hai “vì lòng kính sợ Đức Kitô”. Chiều kích của tình yêu phu phụ đích thực tìm thấy nguồn gốc sâu xa nhất của nó trong Đức Kitô, vốn là Hôn phu của Giáo Hội, Hôn thê của Người.
Chiều kích biểu tượng của “mầu nhiệm cao cả”
25. Trong Thư Êphêsô, chúng ta gặp thấy một chiều kích thứ hai của loại suy mà xét như một toàn bộ, được dùng để biểu lộ “mầu nhiệm cao cả”. Đó là chiều kích biểu tượng. Nếu tình yêu Thiên Chúa đối với con người, đối với Tuyển dân Israen, được các Ngôn sứ trình bày như tình yêu của hôn phu đối với hôn thê, một loại suy như thế diễn tả tính chất “phu phụ” và đặc tính thần linh lẫn phi nhân loại của tình yêu Thiên Chúa: “Vì Đấng kết duyên với ngươi là Đấng đã tác thành ngươi… tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất” (Is 54,5). Điều này cũng có thể nói về tình yêu phu phụ của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Vì thế, đó là chuyện tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ qua việc Cứu chuộc do Đức Giêsu hoàn tất. Theo Thư thánh Phaolô, tình yêu này “như” tình yêu phu phụ của vợ chồng loài người, nhưng đương nhiên là không “y hệt”. Vì loại suy bao hàm sự giống nhau, nhưng đồng thời để rộng chỗ cho sự không giống nhau.
Điều đó dễ dàng thấy khi nói về bản thân “hôn thê”. Theo Thư Êphêsô, hôn thê là Giáo Hội, y như đối với các Ngôn sứ, hôn thê từng là Israen. Như thế đây là một chủ thể tập hợp chứ không phải một cá nhân đơn lẻ. Chủ thể tập hợp này là Dân Thiên Chúa, một cộng đồng hình thành do nhiều người, đàn ông lẫn đàn bà. “Đức Kitô đã yêu thương Giáo Hội” chính như một cộng đoàn, như Dân Thiên Chúa. Đồng thời, trong Giáo Hội này, mà nơi cùng đoạn ấy được gọi là “thân thể” của Người (x. Ep 5,23), Người yêu từng cá nhân đơn lẻ. Vì Đức Kitô đã cứu chuộc tất cả chẳng trừ ai, nam cũng như nữ. Chính tình yêu này của Thiên Chúa được diễn đạt trong việc Cứu chuộc; đặc điểm phu phụ của tình yêu ấy đạt được sự hoàn tất trong lịch sử nhân loại và thế giới.
Đức Kitô đã bước vào lịch sử ấy và ở lại trong đó như Hôn phu “hiến thân mình”. “Hiến thân” có nghĩa là “trở nên một tặng vật chân thành” theo cách trọn vẹn và triệt để nhất: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu này” (Ga 15,13). Theo quan niệm ấy, qua Giáo Hội, mọi con người – nam cũng như nữ – đều được mời gọi trở thành “Hôn thê” của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc trần gian. Bằng cách ấy, việc “làm hôn thê”, và như thế, yếu tố “nữ” trở thành một biểu trưng cho mọi cái gì là “con người”, theo lời Thánh Phaolô: “Không còn đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28).
Từ một quan điểm ngôn ngữ học, chúng ta có thể nói rằng loại suy của tình yêu phu phụ tìm thấy trong Thư Êphêsô liên kết những gì là “nam” với những gì là “nữ”, vì, xét như chi thể của Giáo Hội, đàn ông cũng được bao hàm trong ý niệm “Hôn thê”. Điều này chớ làm chúng ta ngạc nhiên, vì Thánh Phaolô, để diễn tả sứ vụ của mình trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, có nói đến “những người con bé nhỏ mà ngài phải quặn đau sinh ra một lần nữa” (x. Gl 4,19). Trong lãnh vực của những gì là “con người” – của những gì là “nhân vị” – “nam tính” và “nữ tính” phân biệt nhau, nhưng đồng thời bổ túc và giải thích nhau. Điều này cũng có mặt trong đại loại suy “Hôn thê” nơi Thư Êphêsô. Trong Giáo Hội, mỗi con người – nam và nữ – đều là “Hôn thê” ở chỗ y hay thị chấp nhận món quà tình yêu của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc, và tìm cách đáp trả bằng sự hiến dâng chính bản thân mình.
Đức Kitô là Hôn phu. Điều này diễn tả sự thật về tình yêu Thiên Chúa, Đấng “yêu thương chúng ta trước” (x. 1Ga 4,19) và là Đấng, với sự dâng hiến phát sinh do tình yêu phu thê đối với con người, đã vượt quá mọi chờ đợi của nhân loại: “Người đã yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Hôn phu – Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha – đã trở thành Con Đức Maria; Người đã trở nên “con loài người”, con người thật, một nam nhân. Biểu tượng Hôn phu mang tính nam. Biểu tượng nam này trình bày khía cạnh nhân loại của tình yêu thần linh mà Thiên Chúa dành cho Israen, cho Giáo Hội, cho mọi người. Suy niệm những gì các Tin Mừng nói về thái độ của Đức Kitô đối với phụ nữ, chúng ta có thể kết luận rằng xét như một nam nhân, một con trai của Israen, Người đã mạc khải phẩm giá của “những con gái Ápraham” (x. Lc 13,16), phẩm giá thuộc về nữ giới ngay từ “khởi nguyên” trên một quan hệ bình đẳng với nam giới. Đồng thời, Đức Kitô nhấn mạnh tính độc đáo vốn phân biệt nữ với nam, tất cả sự phong phú ban tràn trên nữ trong mầu nhiệm sáng tạo. Thái độ của Đức Kitô đối với phụ nữ được dùng như một gương mẫu cho những gì mà Thư Êphêsô diễn tả với ý niệm “hôn phu”. Chính vì tình yêu thần linh của Đức Kitô là tình yêu của một Hôn phu, nên đó là mô hình kiểu mẫu cho mọi tình yêu con người, đặc biệt là tình yêu của nam giới.
Bí tích Thánh Thể
26. Trên cái nền rộng lớn của “mầu nhiệm cao cả” được diễn tả trong liên hệ phu thê giữa Đức Kitô và Giáo Hội, có thể hiểu đầy đủ việc kêu gọi “Nhóm Mười Hai”. Khi chỉ gọi nam giới làm Tông đồ của mình, Đức Kitô đã hành động theo một cách thức hoàn toàn tự do và độc lập. Làm như thế, Người đã thực thi cùng một sự tự do như khi nhấn mạnh phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ với tất cả thái độ của mình, mà chẳng tuân theo các phong tục hiện hành cũng như các truyền thống được pháp chế đương thời thừa nhận. Chính vì thế, giả định cho rằng Người đã gọi đàn ông làm Tông đồ để phù hợp với não trạng phổ biến thời mình, giả định này không tương ứng chút nào với cách hành động của Đức Kitô. “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22,16). Những lời này đặc trưng trọn vẹn thái độ của Đức Giêsu thành Nadarét. Ở đây người ta cũng tìm thấy một lời giải thích cho việc gọi “Nhóm Mười Hai”. Họ ở với Đức Kitô tại Bữa Tiệc Ly. Chỉ mình họ lãnh nhận trách vụ mang tính bí tích, “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24), trách vụ liên kết với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể: Vào đêm Chúa nhật Phục sinh, họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần để tha thứ tội lỗi: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23).
Chúng ta thấy mình ở ngay trung tâm Mầu nhiệm Vượt qua, vốn mạc khải trọn vẹn tình yêu phu phụ của Thiên Chúa. Đức Kitô là Hôn phu vì Người “đã hiến bản thân”: Mình Người đã được “trao ban”, Máu Người đã được “tuôn đổ” (x. Lc 24,19.20). Bằng cách ấy, “Người đã yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Việc “thành thực hiến thân” chứa đựng trong Hy tế Thập giá đã làm nổi bật ý nghĩa phu thê của tình yêu Thiên Chúa cách dứt khoát. Trong tư cách Đấng Cứu chuộc trần gian, Đức Kitô là Hôn phu của Giáo Hội. Thánh Thể là Bí tích của việc Cứu chuộc chúng ta. Đó là Bí tích của Hôn phu và của Hôn thê. Phép Thánh Thể hiện tại hóa và tái thể hiện cách bí tích hành vi cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng “tạo dựng” Giáo Hội, thân thể của Người. Đức Kitô liên kết với “thân thể” này như hôn phu với hôn thê. Tất cả điều này được chứa trong Thư Êphêsô. “Sự hợp nhất vĩnh viễn của cả hai” vốn hiện hữu giữa người nam và người nữ từ “khởi nguyên” nay được đưa vào “mầu nhiệm cao cả” ấy của Đức Kitô và Giáo Hội.
Vì Đức Kitô, khi thiếp lập Bí tích Thánh Thể, đã liên kết nó theo cách minh nhiên như thế với việc phục vụ kiểu tư tế của các Tông đồ, nên thật chính đáng mà kết luận rằng Người do đó đã muốn diễn tả mối liên hệ giữa nam và nữ, giữa cái gì “thuộc nữ” với cái gì “thuộc nam”. Đó là một mối liên hệ Thiên Chúa đã muốn vừa trong mầu nhiệm sáng tạo vừa trong mầu nhiệm Cứu chuộc. Chính phép Thánh Thể đặc biệt diễn tả hành vi cứu chuộc của Đức Kitô Hôn Phu đối với Giáo hội Hôn thê. Điều này là rõ rệt, không mơ hồ khi thừa tác vụ bí tích của phép Thánh Thể, trong đó linh mục hành động “như hiện thân/trong bản thân Đức Kitô – in persona Christi”, được một người nam thực hiện. Lời giải thích này xác nhận giáo huấn của Tuyên ngôn Inter Insigniores được công bố theo lệnh Đức Phaolô VI để trả lời câu hỏi liên quan đến việc thu nhận phụ nữ vào chức tư tế thừa tác [50].
Việc hiến thân của Hôn thê
27. Công đồng Vaticanô II đã canh tân ý thức của Giáo Hội về phổ quát tính của chức tư tế. Trong Giao ước Mới chỉ có một hy tế và một tư tế duy nhất: Đức Kitô. Mọi ai đã chịu phép rửa đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, nam cũng như nữ, vì họ phải “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng cho Đức Kitô mọi nơi, và đưa ra một giải thích cho bất cứ ai hỏi về lý do của niềm hy vọng sự sống vĩnh cửu đang có trong họ (x. 1 Pr 3,15)” [51]. Việc tham dự phổ quát vào hy tế của Đức Kitô, trong đó Đấng Cứu chuộc đã và đang dâng lên Chúa Cha toàn thế giới và đặc biệt là nhân loại, việc tham dự đó làm cho tất cả trong Giáo Hội thành “một vương quốc tư tế” (Kh 5,10; x. 1Pr 2,9), nghĩa là không những họ tham dự vào sứ mệnh tư tế mà cả sứ mệnh tiên tri và vương đế của Đức Kitô Mêsia. Hơn nữa, việc tham dự này xác định sự hợp nhất hữu cơ của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, với Đức Kitô. Nó cũng đồng thời diễn tả “mầu nhiệm cao cả” mô tả trong Thư Êphêsô: Hôn thê hợp nhất với Hôn phu mình; hợp nhất, vì Hôn thê sống sự sống của Hôn Phu; hợp nhất, vì Hôn thê tham dự sứ mệnh ba mặt của Hôn phu (tria munera Christi); hợp nhất theo cách thức dùng việc “thành thực hiến thân” đáp lại hồng ân khôn tả của tình yêu Hôn phu, Đấng Cứu chuộc trần gian. Điều này liên hệ đến mỗi một người trong Giáo Hội, nữ cũng như nam. Nó hiển nhiên liên hệ đến những ai tham dự vào chức “tư tế thừa tác” [52] vốn được đặc trưng bằng việc phục vụ. Trong bối cảnh “mầu nhiệm cao cả” của Đức Kitô và của Giáo Hội, tất cả đều được mời gọi đáp trả -như một hôn thê- bằng việc dâng hiến đời mình cho hồng ân khôn tả của tình yêu Đức Kitô, Đấng mà trong tư cách Chúa Cứu chuộc thế gian, là Hôn phu duy nhất của Giáo Hội. Chức “tư tế vương giả”, vốn mang tính phổ quát, cũng đồng thời diễn tả sự hiến dâng của Hôn thê.
Điều đó có tầm quan trọng cơ bản để hiểu Giáo Hội trong yếu tính riêng của Giáo Hội, hầu tránh áp dụng cho Giáo Hội -dẫu trong chiều kích của Giáo Hội như một “định chế” hình thành bởi nhiều con người và làm thành một phần của lịch sử- những tiêu chuẩn giải thích và phán đoán chẳng liên quan đến bản tính Giáo Hội. Dù Giáo Hội có một cơ cấu “phẩm trật” [53], nhưng cơ cấu này hoàn toàn được xếp đặt cho sự thánh thiện của các chi thể Đức Kitô. Và sự thánh thiện này được đo lường theo “mầu nhiệm cao cả” trong đó Hôn thê dùng quà tặng tình yêu đáp trả quà tặng của Hôn phu. Hôn thê làm điều này “trong Thánh Thần”, “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Xác nhận giáo huấn của toàn bộ thánh truyền, Công đồng Vaticanô II đã nhắc lại rằng trong phẩm trật của sự thánh thiện, chính “người phụ nữ”, Đức Maria thành Nadarét, là “hình ảnh” của Giáo Hội. Mẹ “đi trước” mọi người trên con đường tiến tới sự thánh thiện; trong bản thân Mẹ, “Giáo Hội đã đạt được sự hoàn hảo, nhờ đó không còn vết nhơ hay nếp nhăn” (x. Ep 5,27) [54]. Trong nghĩa này, người ta có thể nói rằng Giáo Hội vừa mang tính “Maria” vừa mang tính “Tông đồ-Phêrô” [55].
Trong lịch sử Giáo Hội, ngay từ rất sớm, bên cạnh các đàn ông cũng có nhiều đàn bà mà đối với họ, sự đáp trả của Hôn thê đối với tình yêu cứu chuộc của Hôn phu đã đạt được sức diễn cảm tròn đầy. Trước tiên, chúng ta thấy những phụ nữ đã đích thân gặp gỡ Đức Kitô và đã theo Người. Sau khi Người ra đi, cùng với các Tông đồ, họ đã “kiên trì cầu nguyện” ở Lầu Trên (Nhà Tiệc Ly) tại Giêrusalem cho đến ngày Hiện Xuống. Ngày đó, Chúa Thánh Thần đã nói qua “các con trai con gái” của Dân Thiên Chúa và như thế, hoàn tất các lời của ngôn sứ Jôel (x. Cv 2,17). Những người phụ nữ này, và nhiều bà khác sau đó, đã đóng một vai trò tích cực và quan trọng trong đời sống Giáo Hội sơ khai, bằng cách xây dựng từ nền tảng cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên -và các cộng đoàn tiếp theo- nhờ các đặc sủng riêng của họ và việc phục vụ đa dạng của họ. Các tác phẩm Tông đồ có ghi tên của họ, như bà Phêbê, “nữ trợ tá Giáo hội Kenkhơrê” (Rm 16,1), bà Priscilla với chồng là ông Aquila (x. 2Tm 4,19), các bà Evođia và Xintikhê (x. Pl 4,2), Maria, Tryphêna, Pecxiđê, Tryphôxa (x. Rm 16,6.12). Thánh Phaolô nói đến “công việc nhọc nhằn” vì Đức Kitô của họ, và công việc nhọc nhằn này cho thấy nhiều lãnh vực khác nhau trong việc phục vụ tông đồ của Giáo Hội, khởi từ “Giáo hội tại gia”. Vì trong Giáo hội tại gia này, “lòng tin chân thành” chuyển từ bà mẹ sang con cái và cháu chắt, như đã là trường hợp tại nhà ông Timôthê (x. 2Tm 1,5).
Điều như vậy được lặp đi lặp lại dọc dài các thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, như lịch sử Giáo Hội minh chứng. Bằng cách bảo vệ phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, Giáo Hội đã và đang bày tỏ niềm tôn trọng và lòng biết ơn đối với những bà –trung thành với Tin Mừng– đã tham gia trong mọi thời vào sứ vụ tông đồ của toàn thể Dân Thiên Chúa. Họ là các thánh tử đạo, các nữ đồng trinh, các mẹ gia đình, vốn đã mạnh dạn làm chứng cho lòng tin của mình và chuyển tiếp đức tin lẫn truyền thống của Giáo Hội bằng việc giáo dục con cái họ trong tinh thần Tin Mừng.
Trong mọi thời đại và trong mọi xứ sở, chúng ta tìm thấy nhiều phụ nữ “đảm đang” (x. Cn 31,10), bất chấp bách hại, khó khăn và kỳ thị, vẫn tham gia vào sứ vụ của Giáo Hội. Chỉ cần nhắc tới: bà Monica, mẹ thánh Augustinô, Macrina, Olga thành Kiev, Mathilda vùng Toscana, Hedwig vùng Silesia, Jadwiga thành Cracovie, Elisabeth bang Thuringia, Brigitte nước Thụy Điển; Jeanne d’Arc; Rosa thành Lima; Elizabeth Ann Seton và Mary Ward.
Chứng từ và các thành tựu của phụ nữ Kitô giáo đã và đang có ảnh hưởng đáng kể trên đời sống Giáo Hội và xã hội. Cho dù đứng trước sự kỳ thị nghiêm trọng của xã hội, các phụ nữ thánh thiện vẫn hành động “cách tự đo”, vẫn kiên cường nhờ kết hợp với Chúa Kitô. Sự kết hợp và sự tự do bắt rễ trong Thiên Chúa như thế giải thích, ví dụ vậy, công trình vĩ đại của Thánh Catarina thành Siêna trong đời sống Giáo Hội, và công trình của Thánh Têrêsa Giêsu trong đời sống đan tu.
Trong thời đại chúng ta cũng vậy, Giáo Hội thường xuyên được phong phú nhờ chứng từ của nhiều phụ nữ đang hoàn tất ơn gọi nên thánh của họ. Các phụ nữ thánh thiện là một hiện thân của lý tưởng nữ giới; họ cũng là một mẫu gương cho mọi Ki-tô hữu, một mẫu gương của việc “bước theo Đức Kitô”, một thí dụ cho thấy Hôn thê phải lấy tình yêu đáp trả tình yêu của Hôn Phu như thế nào.