Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 025

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  25

 

Người dám liều mạng can Vua

 

Phỏng theo Tin Mừng Thánh Máccô, ch.6

 

Hồi Chúa Giêsu ra giảng Nước Trời, Quận vương Hê-rô-đê An-ti-pa đang trị vì miền Ga-li-lê. Ông mê sắc đẹp vợ người anh ruột mình là Phi-líp và dùng uy quyền kèm với mưu mẹo đem bà về làm vợ mình cách công khai, bất chấp luật đạo, luật đời, coi thường lời đàm tiếu và gương xấu ông gây cho dân chúng. Nhưng, đang lúc mọi người chỉ thầm chê bai, hay phản đối suông ; thì Gioan Tẩy giả, Vị Tiền hô của Chúa Cứu Thế, làm sao có thể làm ngơ trước sự xúc phạm luật Chúa như vậy được. Ông đã một mình vào gặp ông Vua ngoại tình và liều mình can Vua :

 

-    Không được phép lấy vợ của anh ruột !

 

Để bịt miệng Gioan, Hê-rô-đê bắt giam ông trong một hầm ngục ở lâu đài Ma-kê-rôn, cạnh Biển Chết. Phần bà Hoàng Hê-rô-đia, thấy Gioan dám can ngăn mối tình lăng loàn của mình, đâm căm thù ông và khăng khăng muốn giết ông, nhưng không thể được. Chắc bà đã xúi Vua, nhưng Vua không giết ông, một phần vì sợ dân chúng nổi loạn, vì họ rất kính trọng ông, phần khác, vì vua cũng còn nể ông, biết ông là người công chính và lành thánh, nên vẫn che chở : nghe ông giảng, Vua đâm phân vân nhiều nỗi, nhưng lại cứ thích nghe.

 

Nhưng cơ hội thuận tiện đã đến với bà Hê-rô-đia : Hê-rô-đê, nhân dịp lễ sinh nhật mình, cho thết tiệc đãi các công thần văn võ cùng thân hào xứ Ga-li-lê. Con gái của Hê-rô-đia ra nhảy múa, đã làm say mê Hê-rô-đê cùng khách dự tiệc. Nhà Vua mới nói với cô gái :

 

-    Muốn gì cứ xin, trẫm sẽ ban, dù nửa nước, trẫm cũng sẽ ban.

 

Nó ra hỏi mẹ :

-    Con phải xin gì ?

 

Mẹ nó bảo :

-    Đầu Gioan Tẩy giả !

 

Tức khắc, nó hăm hở đi vào đến trước mặt Vua, xin rằng :

-    Thần muốn Ngài ngự ban trên một chiết đĩa, cái đầu của Gioan Tẩy giả.

 

Nhà Vua giật mình, tỉnh cơn say và rất buồn lòng, nhưng vì đã lỡ thề trước mặt công hầu khanh tướng, ông không còn cách nào từ chối. Lập tức, nhà Vua sai trảm quyết Gioan và đem đầu đặt trên đĩa mà trao cho nó. Nó đã bưng vào đưa cho mẹ nó.

 

*    Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Gioan Tẩy giả là kiểu mẫu của con người dám liều mạng để bảo vệ thánh luật Chúa và thuần phong mỹ tục. Chính Đức Giêsu cũng phải ngợi khen ông qua lời nói bóng bẩy này :

 

-    Các ngươi đi ra sa mạc để coi cái gì ? Cây sậy rung trước gió ư ? Để thấy một tiên tri ư ? Phải : còn hơn tiên tri nữa, vì Kinh Thánh ca ngợi ông là Thần Sứ Thiên Chúa sai đi trước mặt Đấng Cứu Thế để dọn đàng cho Ngài. Trong các kẻ sinh ra trên mặt đất, chưa có ai lớn bằng Gioan Tẩy giả.

 

Ông lớn, ông đáng phục không chỉ vì ông là Vị Tiền Hô, mà còn vì ông tính cương quyết, không ẻo lả, ươn hèn như cây sậy nghiêng ngả. Ông là một con người dám sống, dám chết vì chính nghĩa.

 

Như chúng ta đã bàn ở những kỳ trước : mạng sống và thân xác ta là món quà quí báu Thiên Chúa ban, ta phải tạ ơn Chúa và gìn giữ cùng phát triển nó. Tuy nhiên, lại có những trường hợp mà dù nó quí báu đến thế, ta vẫn có quyền và còn bó buộc phải liều mạng sống và sức khỏe để bảo vệ. Đó là trường hợp mà những điều, những vật có giá trị cao quí hơn mạng sống bị lâm nguy. Chúng ta thử tóm những điều cao quí hơn mạng sống ấy vào ba phạm vi như sau :

 

Thứ nhất, trong phạm vi siêu nhiêu : như danh dự của Thiên Chúa và Hội Thánh, đức tin, phần rỗi linh hồn của ta hoặc của người khác, vv... Thánh Phaolô vì nóng lòng muốn cứu rỗi người Do thái đồng chủng với ông, nên đã nhiều lần bôn ba xuôi ngược, bị tù đày, bị đánh đòn, bị ném đá đến ngắc ngoải chết, mong cứu lấy một vài người trong họ. Ông thốt lên một câu : “Tôi thà chịu tuyệt thông, lìa xa mặt Chúa, để anh em đồng chủng của tôi được rỗi, thì tôi cũng cam !” - Hoặc lấy ví dụ khác : Thà mất nồi gạo, mất công ăn việc làm, chẳng thà chối đạo, làm nhục danh Chúa, như các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa.

 

Thứ hai, trong phạm vi công ích, quyền lợi tập thể : như bảo vệ tổ quốc mình hay tổ quốc nước bạn bị tấn công cách bất công, hay trong một cuộc chiến tranh chính đáng. Hoặc tranh đấu cho tự do, cho công bằng xã hội, cho quyền lợi cấp công nhân, người nghèo... Người công giáo chúng ta, quen sống lề lối cũ, cứ nghe tranh đấu là sợ và e ngại sẽ đi sai tinh thần Chúa.

 

Phải phân biệt có hai thứ tranh đấu : tranh đấu vì hận thù, vì lợi lộc thì xấu ; còn tranh đấu vì chính nghĩa như ta vừa nói, thì mình có bổn phận phải dấn thân vào, đứng ngoài là hèn nhát, là phản bội tình yêu Chúa. Vì sao thế ? Vì tranh đấu, bênh vực những người bị áp chế, cách chung, đó là yêu thương họ. Mà yêu thương là luật lớn nhất của đạo Chúa. Từ chối việc yêu thương ấy là phản bội Chúa chứ còn gì ! Hãy xem Đức Giêsu, Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và vẫn dạy ta phải thương yêu kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho họ. Ấy thế mà, trước những cách đối xử của nhóm Biệt phái, các luật sĩ - là hàng chức sắc, lãnh đạo tôn giáo của dân Do thái - đã làm hại đến đạo vì thói kiêu căng, giả hình, làm hại linh hồn dân chúng vì lời dạy và đường lối sai lệch của họ, thì Chúa la mắng họ không còn tiếc lời, thậm chí Chúa mạt sát và (có thể nói) chúc dữ cho họ. Ta hãy nghe thử :

 

“Khốn cho các ngươi, ký lục, tiến sĩ, luật sĩ giả hình, vì các ngươi khóa Nước Trời chận người ta lại ; các ngươi đã chẳng vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào. Khốn cho các ngươi, đã khéo léo làm bộ cầu nguyện lâu dài để phỉnh lừa, làm cho các góa bụa, con côi tưởng các ngươi đạo đức, nhân nghĩa, mà đến nhờ vả các ngươi bênh vực, ai dè các ngươi nuốt chửng tiền nong, nhà cửa của họ, tiền mất tật vẫn mang. Khốn cho các ngươi, đồ giả hình, bề ngoài đẹp đẽ, đạo đức, nhưng giống như mồ mả tô vôi, bên trong lòng chất đầy tham ô, tham tiền, tham danh lợi và vô tiết độ, đầy mọi thứ bẩn thỉu, xú uế !...” (ai muốn đọc tiếp, cứ mở Tin Mừng Mt, ch.23).

 

Đức Giêsu không dùng bạo lực để đàn áp hay thủ tiêu họ, Ngài xuống thế để cứu mà ! Nhưng Ngài chỉ dùng lời nói, đôi khi mạnh hơn thì dùng lời la mắng và chúc khốn cho họ. Nói cách khác, Chúa muốn cách mạng lương tâm họ. Nhưng nếu họ không chịu sửa, cứ ngoan cố, chai lì, thì lời chúc khốn của Chúa sẽ thành án phạt. Họa diệt vong đã đến trên dân Do thái ấy vào năm 70 theo công lịch, cho toàn thể đất nước Do thái, như chúng ta đã biết, và đó là một sự kiện lịch sử. Và sự kiện ấy Chúa đã báo trước : “Thành Thánh này sẽ đến lúc tan tành, chẳng còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”.

 

Nhưng trước ngày đại họa, Chúa chỉ đe dọa, trách mắng họ. Chính vì thế mà họ ghét Ngài và đã âm mưu giết Ngài. Ngài đành cam chịu, liều mạng sống để bảo vệ chính nghĩa của Thiên Chúa.

 

Trở lại với vấn đề quyền lợi tập thể và công ích. Ta có thể lấy thêm vài ví dụ nữa. Trong xí nghiệp, Hợp tác xã..., mình phải bảo vệ quyền lợi tập thể, chống lại mọi âm mưu lũng đoạn, những vụ lem nhem làm hại cho công nhân, xã viên lương thiện, vô tội... - Trên một chiếc tàu sắp đắm, người thuyền trưởng phải liều chết ở lại chỉ huy cho cuộc di tản xuống xuồng, bè của các hành khách cho đến người cuối cùng - Lính cứu hỏa liều mạng chữa cháy các căn phố, xông pha vào lửa, vào nơi khói ngạt... - Nhà thương chữa bệnh truyền nhiễm như bệnh cùi, phải có những người không ngại hôi thối, không sợ lây bệnh hiểm nghèo... để săn sóc, chữa trị, an ủi những con bệnh xấu số, như cha Đa-miêng, trong trại cùi ở một đảo xa xôi, như cha Cas-sai-gne, từng làm Giám Mục địa phận Saigon cách đây 20, 30 năm, đã xin từ chức vinh sang, cao quí, để trở về trại cùi Di Linh săn sóc, chữa trị, nâng đỡ các con bệnh bị người đời ghê tởm, xa lánh, tiếp nối công việc Ngài đã làm trước khi được Tòa Thánh phong chức Giám Mục ; cuối cùng, Ngài đã chết vì bệnh cùi, và thêm bệnh lao xương cấp tính vì thiếu thốn, vì sống kham khổ, hi sinh (ai muốn biết thêm, tìm đọc cuốn sách viết về đời Ngài).

 

Thứ ba, phạm vi mạng sống người khác : Phạm vi này tuy có vẻ nhỏ hẹp, song lại thường xảy ra hàng ngày, và chính vì cái thường ngày ít ai để ý đó, mà nó tăm tối, bao người đã hi sinh mạng sống mà chẳng ai tuyên dương công trạng, ít báo chí đăng tải hay sách vở nêu tên tuổi. May thay ! Chúng ta biết rằng : nếu mắt người đời không thấy, người đời không ca tụng, nhưng có mắt Cha trên trời thấu suốt nơi kín ẩn, Người sẽ hoàn trả công cho (x. Mt 6.4,6,18).

 

Kìa người cha, người mẹ hi sinh sức khỏe, có khi liều mạng sống để săn sóc con bị bệnh, hay lúc gặp người ta đe dọa hoặc khi con gặp nguy hiểm... Kìa vị bác sĩ, y tá liều mình lôi một thương binh bị thương về bệnh xá, để chữa chạy, và để làm việc ấy, họ đã bị bom đạn kẻ địch bắn phá, có khi còn mất mạng (x. tạp chí Liên Xô SPOUTNIK, số 3-1986, tr.125 : “Chiến tranh không mang bộ mặt phụ nữ”) - Hoặc có trường hợp liều mạng nhảy xuống vớt một người, một đứa trẻ bị chết đuối, vv...

 

  •      Bây giờ, tóm kết lại, ta có thể nói : Những người liều mạng sống như thế, không phải là họ khinh chê hay đùa giỡn với mạng sống, thân thể hay sức khỏe của mình, nhưng là hi sinh mạng sống vì yêu thương và bảo vệ một điều quí giá hơn mạng sống nữa. Đức Giêsu đã dạy như thế này : “Kẻ cố tìm sự sống mình thì sẽ mất, còn kẻ đành mất sự sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại” (Mt 10.39). Những người đành mất sự sống mình vì chính nghĩa, vì chân, thiện, mỹ, vì tha nhân, tức là vì Chúa, thì Chúa hứa họ sẽ tìm lại được, tức là mạng sống của họ sẽ không bao giờ phải sa hỏa ngục, mất đi đời đời, cả xác hồn ; trái lại, sẽ tìm lại được sự sống đã mất của mình, trong Chúa, họ sẽ có một sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc.

 

Đức Khổng Tử xưa cũng nói một câu rất hay : “Mạng sống thì ai chẳng quí, song còn có điều quí hơn mạng sống nữa. Chết thì ai cũng sợ, nhưng còn có những cái đáng sợ hơn sợ chết nữa”. Đức Khổng thật là bậc thánh hiền, đáng phục.

 

Chúa Giêsu đã phê chuẩn sự hi sinh thân xác và mạng sống ấy khi phán : “Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ hi sinh mạng sống vì yêu”. Chính Ngài đã sống trọn vẹn điều đó trước nhất : Ngài đã hi sinh mạng sống, bằng lòng chết, đang khi Ngài cho biết có thể xin Cha cấp cho 12 cơ binh thiên thần bảo vệ Ngài. Và Ngài bằng lòng chết là vì cái chết của Ngài là giá chuộc chúng ta khỏi quyền lực ma quỉ, tội lỗi và sự chết đời đời. Vì thương yêu ta, Ngài phải cứu lấy ta với cái giá đắt đỏ ấy.

 

  •      Trước khi chấm dứt, ta nên nói phác sơ về những sự phí phạm sức khỏe và liều lĩnh mạng sống cách vô lý. Vậy sẽ phạm tội trọng những ai đã được biết mà cứ liều lĩnh mạng sống và sức khỏe vì những lý do tầm phào, không chính đáng. Ví dụ : vì buồn mà tự tử, hoặc vì cá cược, vì lấy le, lấy tiếng... mà đua xe hết tốc độ trên đường phố...

 

Ngày nay, vì thiếu ý thức về sự cao quí của mạng sống, vì thiếu được dạy đạo lý, mà nhiều người, nhất là thanh thiếu niên nam nữ đùa giỡn với sức khỏe, đùa bỡn với tử thần một cách nhẹ dạ, đáng sợ : nào rượu, nào xì ke, ma túy (nói lóng là bồ đà), nào phóng xe lạng qua lách lại rất nhanh trên đường phố, càng đông xe cộ càng làm già... Có lúc họ cá nhau đua chạy Honda luồn qua gầm xe lớn đang chạy hết tốc độ trên xa lộ... Có bao cha mẹ để cho con còn vị thành niên lái xe có động cơ (xe hai bánh, ba bánh), chúng còn thiếu kinh nghiệm, tay lái non, lại thêm tính háo danh, muốn làm phách, sẽ gây ra bao tai nạn, hư xe, gẫy tay chân, hoặc chết, còn gây án mạng cho người khác nữa... Nói sơ qua vài ví dụ, anh chị em có thể kể ra không biết bao nhiêu ví dụ khác. Ta hãy nhắc lại điều nói ở trên : những người làm như thế là phạm tội trọng.

 

Lạy Chúa ! Gia đình chúng con làm giờ cầu nguyện và nghe Lời Chúa này, để xin Chúa tha thứ bao tội lỗi, sa phạm về điều răn thứ năm này : hoặc vì dại dột, liều lĩnh, hoặc ngược lại vì hèn nhát, không dám liều mạng sống và sức khỏe để bênh vực các điều cao quí hơn mạng sống chúng con. Amen !

 

 

Tích truyện

 

Ở bên Đức quốc, gần thành phố Muy-ních, có một cái cầu bắc trên một vực sâu thăm thẳm. Nhiều người chẳng hiểu đau buồn hay thất vọng chuyện gì, đã lao mình từ trên cầu xuống vực thẳm. Ngày nay, người ta cho dựng một cây thập giá Chúa chịu nạn trên cầu. Để làm gì vậy ? Để thập giá nói với kẻ sắp tự tử vì tuyệt vọng rằng : “Tốp ! Đừng vội ! Hãy suy nghĩ lại, con ơi ! Thập giá con có nặng hơn thập giá của Ta không ? Vậy hãy vác nó cùng với Ta, để con được sống đời đời”.