Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 077

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  77

 

Tin thì được sạch

 

Trích sách 2 Các Vua, ch.5

 

Có ông Naaman là kiện tướng bách chiến bách thắng của vua xứ Aram, nhưng ông lại mắc bệnh cùi. Vợ Naaman có một cô gái hầu việc là người Israen. Nó nói với bà chủ :

 

-     Ôi, nếu đức ông mà đến cùng vị tiên tri E-li-dêu, đất Israen, ắt ông ấy sẽ trừ bệnh cùi cho.

 

Nghe lời, Naaman lên xe, trẩy đến đất Israen, xin gặp vị tiên tri. Nhưng E-li-dêu không ra tiếp, chỉ sai tiểu đồng ra bảo :

 

-     Ông hãy đi tắm 7 lần trong sông Yorđan, thì ông sẽ được sạch bệnh.

 

Tưởng vị tiên tri khinh mình, Naaman tức giận nói :

 

-     Kìa, ta cứ đinh ninh là hắn sẽ trịnh trọng đi ra, rồi đứng trước mặt ta mà kêu khấn Danh Chúa Yavê của hắn, đoạn giơ tay trên chỗ bệnh cùi của ta mà trừ bệnh. Chứ hắn đã không thèm ra gặp ta, còn bảo ta đi tắm ở sông Yorđan. Há nước sông Yorđan lại sạch hơn nước các sông ở xứ ta sao ?

 

Thế là ông tức tối quay ra đi về. Thấy vậy, bầy tôi ông khuyên can :

 

-     Chao ôi ! Giả như tiên tri đã ra cho ngài một điều kiện khó khăn nào khác, há ngài lại không làm ư ? Đằng này, tiên tri chỉ nói đi tắm và ông sẽ được sạch ?

 

Thấy có lý, Naaman nghe theo, đi tắm bảy lần trong sông Yorđan đúng theo lời người của Thiên Chúa truyền và ông đã được sạch bệnh cùi, da thịt ông trơn tru, mịn màng như da thịt một trẻ nhỏ.

 

Ông đã trở lại gặp tiên tri mà tạ ơn, cùng tôn vinh Thiên Chúa của Israen.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Chuyện tích trên đây, thường được Giáo Hội dùng làm hình bóng về Phép Rửa : tội lỗi bám vào ta như phung cùi. Nước sông Yorđan, nơi chính Đức Giêsu đã xuống chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả, tượng trưng nước giếng Rửa tội tẩy sạch tội lỗi khỏi tâm hồn ta. Bắt đầu, ông Naaman nghĩ rằng : nước sông ở xứ Aram ông tốt hơn, nên không chịu đi tắm. Nhưng ông quên rằng : không phải tự bản chất nước rửa ông sạch bệnh cùi, song lòng tin và sự vâng phục sẽ chữa ông. Cũng giống như một lần kia, khi dân Do thái đi trong rừng vắng, vì họ phàn nàn trách Chúa nên bị phạt rắn độc cắn chết nhiều người. Họ chạy đến kêu cầu ông Môsê. Ông liền đến xin Chúa giúp. Chúa bảo ông đúc con rắn đồng, rồi cắm trên một cái gậy và dạy : “Hễ ai nhìn lên rắn đồng, thì sẽ được khỏi”. Quả đã xảy ra đúng như thế. Sau đó, sách Thánh cắt nghĩa : không phải con rắn nó chữa, nhưng chính lòng tin vào quyền phép Chúa mới chữa. Hễ ai lấy lòng tin mà nhìn lên, cái nhìn ấy làm theo lệnh Chúa, biểu lộ lòng họ tin vào quyền phép và lòng nhân từ của Chúa, thì Chúa chữa họ.

 

Bây giờ, ta trở lại với tích nước Yorđan rửa ông Naaman. Cho dù đây là hình bóng phép rửa tội công giáo, song nó vẫn chưa nói hết quyền phép của việc Rửa tội, nó mới chỉ nói tới một khía cạnh, là rửa sạch mà thôi. Phép Rửa còn có khía cạnh thâm sâu hơn nữa là biến đổi bên trong con người. Một sự tái sinh, và như kỳ trước đã học, một cuộc đời mới bắt đầu, cuộc đời cũ như xóa tan. Đứa bé mới sinh ra, chẳng phải nó bắt đầu một cuộc đời mới đó sao ?

 

1/  Đến đây, tức khắc mỗi người chúng ta đều tự hỏi : Tôi đã được tái sinh lại như thế chưa ?

 

Đáp : Xét bề ngoài, ta đã chịu phép Rửa tội rồi, tạm coi như đã tái sinh.

 

Xét bề trong : còn tùy : nếu hết lòng tin, thì phép rửa ấy tái sinh ta. Còn nếu chỉ chịu nó như một nghi lễ, mà thiếu lòng tin, thì lúc ấy, ta chưa tái sinh. Ta mới chỉ chịu một nghi lễ bề ngoài mà nó không có tác dụng biến đổi lòng ta.

 

Xét hậu quả : Để thấy rõ, cứ theo lời Chúa dạy : xem quả biết cây, xem hiệu quả thì biết nguyên nhân. Nếu cuộc đời ta, hạnh kiểm ta chỉ toàn diễn bày ra đủ thứ tính hư, nết xấu, tội lỗi, đó là quả xấu, quả độc, thì phải kết luận rằng : ta chịu phép rửa không nên, có tiếng mà không có miếng.

 

Cứ nghĩ mà xem : ơn tái sinh làm ta nên con cái Thiên Chúa ; con thì phải giống cha, phải tốt lành, chính trực, hiền từ, nhân hậu, thương người, bác ái, tiết độ, bình an... Khi chịu Phép Rửa, là Chúa Cha ban Thánh Thần xuống trong ta. Như thế là Thần Khí ở trong ta như một thứ nhựa sống, phát sinh ra hoa quả tốt lành, như Kinh Thánh nói : “Hoa quả của Thần Khí phát sinh trong ta là : mến yêu, vui mừng, bình an, đại lượng, nhân hậu, tốt lành, tín trực, hiền từ, tiết độ...”. Còn ngược lại, nếu ta chưa chịu phép rửa tội nên, thì không có Thần Khí, ta vẫn nguyên là con người cũ, sống theo tính mê, xác thịt như trước khi chịu phép Rửa. Con người cũ còn y nguyên, thì nó xúi ta sinh ra toàn hoa quả độc, như đoạn Kinh Thánh trên nói tiếp : “Các việc xác thịt phát sinh nào là : dâm bôn, ô uế, phóng đãng, tin vơ thờ quấy, mê tín dị đoan, hằn thù, không tha thứ, ghen tuông, nóng giận, đánh nhau, chia rẽ, ganh tị, say sưa, nhậu nhẹt, cờ bạc và các điều xấu xa khác giống như vậy...” (Galát 5.19-23).

 

2/  Tại sao có tình trạng thảm bại ấy ?

 

Như trên kia đã nói : do tại ta chưa hiểu đúng về Phép Rửa tội, không kể đến việc ta chịu Phép Rửa không nên, tức là không có các điều kiện cần thiết, cách riêng không có đức tin. Chỉ cần nói đến việc ta hiểu sai phép Rửa, mà ta nghĩ là một sự rửa ráy, giặt giũ như tắm rửa bên ngoài. Thiết yếu nó là sự đổi mới tận gốc rễ từ trong linh hồn đến ngoài thể xác, đến nỗi Kinh Thánh gọi là : đổi trái tim. Đây Chúa phán :

 

“Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thân mình các ngươi. Ta sẽ thay vào đó một trái tim bằng thịt” (Edêkiên 36.26). Chúng ta lưu ý đến chữ Ta trong lời tiên tri, nó có ý nói chính Chúa làm việc ấy : Ngài ban cho ta trái tim mới. Chính Ngài sẽ cất tấm lòng đá cứng cỏi, ngỗ nghịch của loài người. Tự sức nỗ lực của loài người không thể làm được việc đó, cho dù khoa tâm lý hay nỗ lực giáo dục của xã hội loài người có giỏi mấy cũng không làm được.

 

3/  Vậy phải làm gì để được tái sinh ?

 

Ông Naaman làm gì để được sạch bệnh cùi ? Các người Do thái bị rắn lửa cắn làm gì để khỏi nọc độc của rắn ? Anh chị em thử nói đi [... Xin dành vài phút cho anh chị em nói...]

 

Sau khi mọi người nói rồi, thì ai nói như sau là trúng : Ông Naaman lấy lòng tin mà đi tắm 7 lần ở sông Yorđan. Còn dân Do thái thì lấy lòng tin mà ngó lên rắn đồng. Còn nếu ai chỉ nói : ông Naaman đi tắm 7 lần ở sông Yorđan, dân Do thái nhìn lên con rắn đồng ; thì kể là tạm đúng, song không đầy đủ, vì cái cần nhấn mạnh là lòng tin khi làm các việc ấy.

 

Áp dụng cho ta : Ta cũng phải lấy lòng tin mà chịu Phép Rửa, song vì anh chị em đã chịu phép Rửa một lần rồi, không thể chịu lại lần nữa, thì ta chỉ còn có việc là làm sống lại phép rửa tội, hay chịu rửa tội lại cách thiêng liêng.

 

Thực tế là phải làm gì ?

 

Ông Billy Gra-ham thuật chuyện rằng : ở những nơi ông giảng, người ta luôn hỏi : tôi phải làm gì ? Một lần kia, có một ông Thống đốc một Tiểu Bang Hoa Kỳ đến xin gặp riêng ông Gra-ham. Hai người đi vào một phòng nhỏ, khóa cửa lại. Ông kia có vẻ hết sức bối rối, băn khoăn, chứng tỏ ông đang phải kiềm chế xúc động, cuối cùng ông ấy thốt ra :

 

-    Tôi kiệt quệ rồi. Tôi cần Thiên Chúa. Ông có thể chỉ cho tôi làm sao tìm được Ngài ?

 

Một lần khác, ông Gra-ham đến thăm các tù nhân bị án xử tử. Có một người trong bọn họ, nghe ông giảng cách chăm chú, rồi người ấy nói :

 

-    Xin ông cắt nghĩa cho tôi biết một lần nữa, tôi phải làm sao để mọi tội lỗi tôi được tha ? Tôi muốn chắc chắn được lên thiên đàng!

 

Quả thật, câu hỏi ấy cũng là câu hỏi của chúng ta hôm nay. Nó đã được đặt cho Đức Giêsu cách đây hai ngàn năm, sau đó, hỏi các Tông đồ. Sách Tin Mừng kể lại : Có một lần kia, một thanh niên giàu có đến sấp mình dưới chân Đức Giêsu và hỏi : “Lạy Thày nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời ?” (Mc 10.17). Sách Công vụ thuật lại : sau khi Phêrô giảng vào dịp Chúa Thánh Thần hiện xuống, người ta cảm thấy đau đớn như đâm xé lòng và kêu lên : “Chúng tôi phải làm gì ?”, thì Thánh Phêrô đáp lời họ : “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Kitô để được tha thứ tội lỗi, và các ngươi sẽ được lĩnh ơn Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã hứa ban Thánh Thần cho mọi người bất luận họ là ai, xa hay gần, Do thái hay dân ngoại” (Cv 2.37-39).

 

Có lần khác, câu trả lời còn vắn gọn hơn nữa. Như có lần kia, ông Phaolô và Sila bị người ghét đạo bắt giam trong ngục. Nửa đêm, thiên thần Chúa xuống trong ngục, đất rung chuyển, xiềng xích rơi xuống. Ông cai ngục tưởng mọi tù nhân đều xổng hết, ông ta lo sợ trách nhiệm, nên rút gươm tự sát. May thay, Phaolô trấn an ông ta : “Ông đừng sợ, chúng tôi còn đây cả mà !”. Thấy phép lạ vĩ đại, ông cai tù quì xuống trước Phaolô và xin : “Xin các ông bảo cho tôi biết phải làm gì để được cứu rỗi ?”. Phaolô trả lời đơn giản : “Hãy tin vào Đức Giêsu và ông sẽ được cứu thoát” (Cv 16.30-31).

 

Thật là đơn giản. Chính vì đơn giản quá mà người ta ngờ vực. Người ta tưởng phải lặn núi trèo non, tìm thày học đạo, phải khổ công ăn chay nằm đất, tu thân luyện tánh... Chuyện duy nhất nhờ đó bạn sẽ được cứu thoát, đó là tin vào Đức Giêsu như là vị Cứu Chúa độc nhất, là vị cứu độ của chính linh hồn riêng của bạn. Không cần đòi bạn phải bỏ công ăn việc làm đang có, không đòi bạn trước đó phải sắp xếp đời bạn lại cho ngay đường thẳng lối, không đòi bạn phải chỉnh đốn việc gia đình có lẽ đang lộn xộn. Ngay cả cũng chẳng bắt bạn phải bỏ những tập quán xấu đang làm bạn xa Chúa, hay làm mất lòng Chúa. Chẳng phải nhiều lần, bạn đã muốn sửa đổi, vì nghe gia đình, họ hàng phàn nàn kêu trách, nhưng bạn thấy không, bạn đâu có thành công? Nói tóm, bạn hãy đến với Chúa như bạn đang là bạn hiện thời. Trong Phúc Âm cũng vậy, bà Maria Mađalêna, người phung cùi, người mù, người bất toại, người đàn bà phạm tội ngoại tình..., họ cứ đến với Chúa Giêsu như thế đó. Cứ đến với Chúa như thế, hết lòng và tận đáy lòng tín nhiệm vào Đấng Cứu độ, chính Ngài sẽ làm bạn tái sinh và biến đổi sau. Chúng ta hãy nhớ : chính Ngài sẽ làm ta ăn năn trở lại.

 

Kỳ sau, sẽ vạch ra chi tiết phải tin thế nào, phải làm làm gì để đến với Chúa. Hiện giờ, chỉ cần nhớ rằng : Chúa yêu thương muốn làm cho đời ta hạnh phúc, hãy tin vào Chúa đi, như đứa con ngoan luôn tin tưởng rằng cha mẹ nó yêu thương nó và làm mọi sự để ích lợi cho nó, xây dựng một cuộc đời tốt đẹp và hạnh phúc cho nó. Chúa cũng bảo anh chị em ta tin vào lòng Chúa như vậy. Hãy bắt chước và trở nên như trẻ nhỏ !

 

 

Tích truyện

 

Người ta kể chuyện về một ông Bá tước, người nước Anh, ở thời Trung cổ. Ông ta sắp chết, nên gọi người đầy tớ mà ông biết là một tín hữu sốt sắng và hỏi :

 

-     Anh Đức ơi ! Ta sắp chết, và ta nghĩ rằng ta không chắc lên thiên đàng, anh bảo ta phải làm gì ?

 

Người nô bộc già và khôn ngoan biết ông chủ mình rất kiêu ngạo, bèn nói :

 

-     Thưa bá tước, nếu ngài muốn được cứu rỗi, ngài phải xuống chuồng heo, quì giữa phân nhơ và cầu xin rằng : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

 

Ông chủ giận dữ nói :

 

-     Không ! Ta không thể nào làm thế ! Bạn hữu và bầy tôi sẽ nghĩ thế nào về ta ?

 

Một tuần lễ trôi qua. Thấy bệnh càng ngày càng trầm trọng, ông lại gọi người lão bộc hỏi :

 

-     Này, hôm nọ ngươi nói ta phải làm gì để được rỗi linh hồn ?

 

Lão bộc nhắc lại :

 

-     Thưa ông chủ, ngài phải đi vào chuồng heo, quì xuống và xin Chúa thương xót.

 

Ông bá tước nói :

 

-     Ta đã nghĩ kỹ về điều ngươi nói. Anh Đức ơi ! Lần này ta sẵn lòng đi. Vậy ngươi hãy vực ta đi...

 

Ông bá tước nói đoạn, giơ tay phác cử chỉ bảo vực ông dậy để đi. Lão bộc lúc ấy nói :

 

-     Thưa ông chủ, thôi khỏi cần ! Quả thật, không còn cần ông phải đi xuống chuồng heo nữa, chỉ cần ông sẵn lòng muốn đi thì đã đủ. Chúa đã chấp nhận tấm lòng thật tình muốn của ông.