Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 091

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

BÀI LỜI CHÚA  91

 

Thờ phượng Chúa ở đâu ?

 

Trích lược Tin Mừng Thánh Gioan 4.1-24

 

Có một lần kia, đi băng qua xứ Samari, gặp buổi trưa nóng bức, mệt nhọc vì đường xá xa xôi, Đức Giêsu ngồi bên miệng giếng, xin người phụ nữ Samari đang múc nước tại đó cho Ngài uống vài ngụm. Lân la chuyện vãn một hồi, Đức Giêsu mới bảo chị ta rằng :

 

-     Hãy đi gọi chồng ngươi đến đây !

 

Người phụ nữ đáp :

 

-     Tôi không có chồng.

 

Đức Giêsu lúc ấy mới cho chị thấy Ngài thông suốt bí ẩn đời người ta rằng :

 

-     Chị nói phải : “Tôi không có chồng”, vì chị đã lần lượt lấy đến 5 ông, và ông thứ sáu đang chung sống với chị cũng không phải là chồng chị nữa.

 

Chị ta thấy ông khách lạ này biết rõ đời tư của chị, nên chị vừa tôn kính, vừa sợ hãi kêu lên :

 

-     Quả thật, tôi thấy Ngài là một tiên tri !

 

Ý nghĩ ấy phát sinh nơi chị một ước muốn được dạy dỗ về một vấn đề bao lâu nay vẫn là đầu mối tranh chấp giữa hai miền của cùng một dân tộc, tức là giữa người Do thái chính cống với người Do thái lai giống và gần như lạc đạo nữa. Vấn đề đó, chị đem ra hỏi Đức Giêsu như sau :

 

-     Cha ông chúng tôi đã thờ phượng trên núi Ga-ri-dim này, còn phía các ông thì lại bảo phải thờ phượng tại Đền Thờ Yêrusalem cơ. Bên nào đúng, bên nào sai ?

 

Đức Giêsu dạy chị ta :

 

-     Này chị, hãy nghe Ta, sẽ đến giờ, không phải trên núi này hay tại Yêrusalem mà người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha... Những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, nên người ta phải thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật.

 

*   Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Bài trước, ta đã học : Thiên Chúa cứu Israen, và sau đó, cứu chúng ta, cốt là để ta thờ phượng Người.

 

1/  Câu hỏi được nêu ra ngay là : Thờ phượng Thiên Chúa ở đâu? Ngày xưa, dân Israen thì đi vào rừng vắng, đến núi Si-nai, Chúa dạy bảo dân dựng Nhà Tạm làm nơi tế lễ thờ phượng Chúa. Đó là hình bóng chỉ về ngày nay, chúng ta đã được Thiên Chúa cứu khỏi tội lỗi, ma quỉ và sự chết - nhờ tin và chịu phép Rửa - là để ta vào trong Nước Chúa mà thờ phượng Chúa ở đó. Những câu Kinh Thánh sau đây cho biết điều ấy : “Chính Thiên Chúa đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm (tức ma quỉ, tội lỗi và các bộ hạ của nó) và chuyển anh em vào Vương quốc của Con Chí ái Người” (tức là Nước Thiên Chúa) (Cl 1.13). Câu sau này nói rõ hơn mục đích của sự vào trong Nước ấy : “Anh em đã (nhờ nghe giảng Tin Mừng) mà bỏ tà thần, trở lại với Thiên Chúa, để làm tôi thờ phượng Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1 Tx 1.9). Theo hai câu đó, thì Thiên Chúa kéo ta khỏi quyền lực tối tăm, hay ta bỏ tà thần thì cũng như nhau : vì ta nhờ Chúa, bỏ tà thần tối tăm, và có quyền lực bắt ta làm tôi mọi cho chúng, rồi trở lại với Thiên Chúa hay ta được chuyển vào Vương quốc của Thiên Chúa, thì tựu chung cũng giống nhau. Chỉ có điều câu sau nói rõ thêm là : ở đó, ta làm tôi thờ phượng Thiên Chúa hằng sống và chân thật, thì quả là có ý nói về sự thờ phượng Thiên Chúa mà ta phải làm, một khi đã được vào trong Nước Người, thay vì trước kia làm tôi mọi cho tà thần tối tăm ghê sợ.

 

2/  Hỏi rằng: Vào trong Vương quốc của Chúa, tưởng là để được hạnh phúc, sung sướng, chứ sao lại để thờ phượng ?

 

Đáp: Kỳ trước, ta đã nói : thờ phượng Chúa là một phúc lộc, nay không nói lại. Chỉ cắt nghĩa tại sao vào Vương quốc mà phải thờ phượng. Cũng giống như mọi nước, Nước Chúa cũng có Vua, có dân. Trong Nước Chúa, Thiên Chúa là Vua, ta là dân. Chỉ khác một điều là trong mọi nước thế gian, Vua chỉ là một con người 100%, song do tài cán đánh đông dẹp bắc, được tôn lên làm Vua, hoặc do hệ thống cha truyền ngôi cho con : “Con vua thì lại kế nghiệp làm vua, con thày chùa thì quét lá đa” (ca dao). Ấy thế mà, trong lịch sử,  cũng có xảy ra nhiều lần, nhiều nước, như Rôma, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản..., có những ông vua muốn tự coi mình là Con Trời, Thiên tử, hoặc là thần linh, như các Vua Xê-da-rê bên Rôma, muốn bắt mọi người phải thờ lạy mình, coi mình như thần linh ; do đó, người Kitô giáo thời ấy bị bắt đạo và bị tử vì đạo nhiều, vì không chịu thờ Hoàng Đế Xê-da-rê, chỉ thờ một mình Thiên Chúa mà thôi. Sở dĩ các Hoàng Đế ấy tự coi mình là thần, vì họ nắm trong tay quân lực mạnh mẽ, họ cai trị trên các quan, trên trăm họ, trên cả một đế quốc mênh mông, thu tích của cải, vàng bạc, châu báu, không biết cơ man nào mà kể, rồi họ có quyền ban phát lụa là, gấm vóc, chức tước, tiền của cho quan, cho dân..., rồi thét một tiếng là có kẻ bị đầu rơi, nặng hơn là lệnh tru di tam tộc..., ai ai cũng tuân lệnh và sợ hãi uy quyền cùng sự giàu có của Vua... ; riết rồi họ tưởng mình cao cả lắm, lớn lao lắm... Rồi lại được các nịnh thần tâng bốc thêm, thế là họ chẳng mấy chốc tưởng mình là toàn năng, phép tắc, vô địch, bá chủ thế giới... Kỳ thật, trừ một chút tài năng, khôn khéo, họ có gì đâu ? Sinh ra cũng trần trụi như ai, cũng cần bú sữa mẹ, may ra nhờ chút tài hoặc do quyền kế vị thì được lên hưởng gia nghiệp tiên đế để lại... Nếu chẳng may, ngày nào sa cơ thất thế, bị thua trận, bị bội phản, cũng thành trắng tay, phải lưu vong chạy trốn, hoặc tệ hơn bị ám sát chết bỏ !

 

Còn Thiên Chúa chúng ta mới đáng mặt làm Thiên Chúa, vì Người là Đấng Tự Hữu, từ đời đời vẫn có, vẫn hạnh phúc, vô cùng quyền phép, nắm trong tay tất cả mọi sự, Chúa Tể mọi loài, Người ban phát ra cho mọi loài, mọi vật, không những mọi ơn huệ và bổng lộc, sự hạnh phúc no đủ, mà hơn nữa, còn ban chính sự hiện hữu, sự sống, sự tồn tại... Người mới thật là Chúa Tể, là Đấng duy nhất đáng thờ lạy, yêu mến... Chúng ta không cần nói dài, thế là đủ hiểu. Do đó, chỉ mình Thiên Chúa là Vua thật ở trong Vương quốc. Tuy ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha hay thương yêu, song tự bản chất, nhất thiết Người là Thượng Đế, là Tạo Hóa, là Thiên Chúa, là Chúa Tể. Người không thể bỏ bản tính ấy của Người, tuyệt đối không thể, cũng như ta không thể bảo mặt trời phải tự tối đi. Vậy, vì Thiên Chúa là Vua, là Chúa Tể, nên ta phải thờ phượng Người. Người vừa là Cha, nên ta phải yêu mến và sống hiếu thảo với Người.

 

3/  Câu hỏi tiếp theo ngay, là trong Vương quốc, ta thờ phượng Chúa cụ thể ở nơi nào, ở nhà nguyện, nhà thờ... chăng ?

 

Đáp : Đức Giêsu đã trả lời cho ta, khi đáp câu hỏi của người phụ nữ Samari : Không phải nơi núi này, nơi núi nọ, hoặc ở Đền Thờ Yêrusalem mà người ta thờ phượng Chúa Cha ! Thời xưa, người ta tưởng Thiên Chúa bị cột chặt vào một Đền Thờ, và chỉ đến đó mới có Thiên Chúa. Tạm coi như thế là được, vì thời xưa ấy, con người còn bán khai, dân trí còn thấp kém, tâm lý chung con người còn dính bén vật chất, còn quen sống với những gì hữu hình, khả giác. Do đó, dân Israen không thể, hay rất khó mà vững tin vào một Thiên Chúa vô hình, vô tượng, nên họ đòi phải đúc cho họ con bò vàng, để họ coi đó là Thiên Chúa cụ thể sờ sờ... Rồi họ cần có Đền Thờ, để họ cứ đến đó thì mới gặp được Thiên Chúa. Cho nên, Đức Giêsu mới nói : Sẽ đến giờ không phải thờ phượng trên núi này, núi nọ nữa ; tức là Chúa bảo : thời cũ như thế, tạm coi là được, song “sẽ đến giờ”..., tức là lúc Chúa sống lại vinh hiển, thì sẽ không thờ phượng tại nơi nọ, nơi kia theo lối xưa nữa. Chúa thiết lập một lối thờ phượng mới, đúng ý Chúa Cha hơn, nên Ngài nói : “Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế”. Vậy lối mới đó hẳn phải hoàn hảo, chung cục. Ý Chúa Giêsu dạy là như sau :

 

Từ nay, đừng nghĩ rằng cứ phải đến nhà thờ, mặc áo đi nhà thờ mới là thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa không bị cột chặt vào một nơi nào cả, dù đó là Thánh Đường uy nghi, đồ sộ hay một nhà nguyện nhỏ bé ; không ở trong Đền Thờ Yêrusalem của người Do thái, mà cũng không ở núi Ga-ri-dim của người Samari... Thiên Chúa ở khắp nơi. Đức Giêsu cho một lý do để ta hiểu được chuyện đó. Ngài nói : Vì Thiên Chúa là Thần Khí, tức là Người như gió, thổi đâu thì thổi, không ai có thể nhốt gió, cột gió vào nơi nào nhất định. Thiên Chúa là Thần Khí, còn có nghĩa Thiên Chúa có bản tính thiêng liêng, vô hình, không ai có thể tạo một tượng rồi chỉ vào đó mà nói : Đây là Thiên Chúa của ngươi. Người có bản tính thiêng liêng, thì chỗ nào cũng có mặt, ai sống theo sự thật, theo tình mến là gặp được Người, Người ở trên trời với các thánh, Người ở dưới đất với ta, nếu ta tin và yêu Người, đi chợ cũng gặp Người ở đó, làm bếp cũng có Người ở với ta, nhìn ta, thương ta, ban phúc lành, ban ơn thánh giúp sức ta ; ở trong xí nghiệp, ở ngoài đường, chạy trên xe honđa hay đi bộ... Như vậy, ta có thể thờ phượng Người, yêu mến Người, tiếp xúc và gặp gỡ Người ở khắp mọi nơi, nhất là ở trong anh chị em ta, cách riêng những người nghèo khó, tất bạt mà ta an ủi hay giúp đỡ. Chúng ta đừng lầm chữ “thờ phượng” mà Đức Giêsu nói với thờ lạy, phủ phục, lễ bái, tức là các cử chỉ, nghi lễ bên ngoài biểu lộ tâm tình thờ phượng bên trong. Lễ bái, phủ phục, thờ lạy thì cần có nơi, có chỗ, chứ sự thờ phượng thì ở đâu cũng làm được.

 

Đối với bổn đạo Việt Nam, thường chỉ nghĩ : ai đi nhà thờ nhiều mới là người đạo đức, hay chính mình, chỉ khi nào mặc áo đến nhà thờ mới thấy yên tâm, yên chí là mình được gần Chúa, mình đến với Chúa ; vì theo họ nghĩ : Chúa ngự trong nhà thờ, trong nhà tạm... Chúng tôi xin những người ấy nên suy đi nghĩ lại bài học Lời Chúa hôm nay. Lần sau, chúng ta sẽ xem tiếp. Hôm nay, chỉ cần nhớ : Nhà thờ tuy cần thiết để tế lễ chung với cộng đoàn, đến nghe giảng dạy..., nhưng Thiên Chúa không chỉ ở Đền Thờ ! Ta đừng gói ghém việc thờ phượng của đời ta vào những việc đi nhà thờ, làm ở nhà thờ. Thờ phượng Chúa ở khắp nơi, nhất là tại gia đình, là nơi ta trải qua phần lớn thời giờ của cuộc đời với tha nhân, rồi công sở, xí nghiệp... Hãy thờ phượng Thiên Chúa ở các nơi đó !

 

 

Tích truyện

 

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời thờ phượng và cầu nguyện, đến nỗi anh xa lánh hết mọi người và mọi việc, để đến gõ cửa một tu viện nhặt nhiệm nọ. Anh được nhận vào tu ngay. Những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ : sau những giờ thờ phượng và cầu nguyện, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc : người thì cầy cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật... Thấy thế, chàng ta đâm thất vọng. Anh thưa với Bề trên :

 

-     Con cứ tưởng ở đây chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện và thờ phượng Chúa trong nhà thờ, chứ đàng này, con lại thấy các tu sĩ phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều !

 

Cha Bề trên mỉm cười gật đầu nói :

 

-     Có lẽ con có lý... Nếu con nhận thấy các công việc tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại, tiếp tục cầu nguyện !

 

Nghe thế, chàng ta hớn hở về phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ vài giờ sau, anh cảm thấy mệt mỏi, và bụng anh cảm thấy đói, vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi chẳng thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, anh mới đến hỏi Cha Bề trên :

 

-     Thưa cha, hình như các thày không dùng bữa ?

 

Cha mỉm cười đáp :

 

-     Các thày đã ăn cả rồi !

 

-     Ủa ! Sao không ai đến gọi con đi ăn cả ?

 

Cha Bề trên mới trả lời :

 

-     Sáng nay, con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ nên có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao ? Cha nghĩ rằng các thày khác lao động nhiều nên mới cần ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống, mà suốt ngày chỉ thờ phượng, cầu nguyện, nên cha đã dặn các thày đừng đến gọi con dùng bữa.

 

Nghe thế, chàng ta chợt hiểu thế nào là thờ phượng và cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện và thờ phượng trong những lúc ở nhà thờ, hay trong phòng riêng, mà còn bằng cả sinh hoạt hằng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, phục vụ tha nhân... Thờ phượng và cầu nguyện như thế là làm theo ý Chúa trong mọi chi tiết của cuộc sống hằng ngày.