Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài Lời Chúa 033

Tác giả: 
Lm Hoàng Minh Tuấn

 

 

 

BÀI LỜI CHÚA  33

 

Thương linh hồn bảy mối (tiếp)

 

Tiếp chuyện tiên tri Yô-na, ch.2-4

 

Sau khi Yô-na bị ném xuống biển, Yavê đã liệu cho có một con cá lớn nuốt Yô-na vào bụng. Trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, ông đã hối tội và cầu Chúa cứu giúp. Con cá lớn đã mửa ông lên đất liền. Ngay đó, lần thứ hai, lời Thiên Chúa lại vang lên, sai ông đi rao giảng. Ông tuân lệnh, đến Ni-ni-vê, cất tiếng hô lớn rằng :

 

-    Còn 40 ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá hủy, nếu không lo ăn năn trở lại.

 

Nghe tin sét đánh, dân Ni-ni-vê tin vào lời Thiên Chúa. Từ lớn chí bé sám hối, ăn chay, hãm mình, cởi áo lụa là, mặc bao bị nhặm. Ngay cả nhà Vua, hay tin ấy cũng rời ngai vàng, cởi cẩm bào, trùm lấy bao bố, ngồi trên đống tro, ăn năn đền tội. Vua còn ra lệnh cho dân, ngay đến trâu bò, súc vật cũng phải chay kiêng :

 

-    Mọi người phải ra sức cầu xin Thiên Chúa tha tội, cùng ăn năn trở lại, bỏ đàng tội và các việc hung ác vẫn làm, trông cậy nhờ đó, Thiên Chúa sẽ dủ tình thương xót mà rút lại án phạt.

 

Quả đúng, thấy họ thanh tẩy lòng sám hối, bỏ đàng dữ, Thiên Chúa đã rút lại, không trút phần phạt Người đã ngăm đe.

 

Phần ông Yô-na, thấy thế thì buồn bực lắm ! Ông nổi giận và trách Chúa :

 

-    A ! Lạy Yavê ! Lại không đúng như lời tôi nói sao, khi tôi còn ở quê tôi ? Chính vì thế mà tôi đã trốn nhiệm vụ, vì quả tôi biết rằng: Người dịu hiền, từ tâm, khoan dung và nhân nghĩa bao la. Ai ăn năn thống hối là Người tha thứ và rút lại vạ dữ, không phạt nữa. Dân Ni-ni-vê đại gian, đại ác như thế mà Người cũng tha. Thôi, tôi còn mặt mũi nào mà sống nữa, xin Người cất mạng sống tôi quách đi cho rồi ! Chết còn hơn sống nhục !

 

Yavê mới nói :

-    Ngươi nổi giận như thế phải không ? Hãy xem đây !

 

Để cho Yô-na một bài học về lòng từ tâm, thương xót của Người, Yavê cho mọc lên một cây thầu dầu, một đêm mọc cao đến nỗi che mát cho Yô-na, đang khi ông chờ xem sự gì xảy ra cho Ni-ni-vê. Thoạt được bóng mát, Yô-na nguôi ngoai đôi chút. Đến sáng hôm sau, Thiên Chúa lại cho một con sâu chích cây thầu dầu chết khô. Gió nồm nóng bức thổi, mặt trời rọi những tia lửa trên đỉnh đầu, làm Yô-na ngất xỉu. Và ông lại muốn chết. Bấy giờ, Yavê mới phán :

 

-    Yô-na, ngươi xem đó ! Ngươi thương tiếc một cây thầu dầu mà ngươi không phải khó nhọc chút nào để vun trồng. Còn Ta, sao lại không thương tiếc thành Ni-ni-vê vĩ đại, gồm trên 12 vạn con người, những người mê muội, lầm lạc, cùng với bao nhiêu súc vật hay sao ?

 

*    Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !

 

 

Suy niệm Lời Chúa

 

Ông Yô-na buồn bực vì Chúa quá từ tâm, đã không tru diệt cái dân đại gian ác, Chúa còn sai ông đi rao giảng cho chúng ăn năn hối cải làm chi ? Có tội là a lê hấp ! giết chết rồi phạt xuống hỏa ngục đời đời cho đáng kiếp ! Ngược lại, Chúa cho ông bài học : Chúa từ tâm, thương xót kẻ tội lỗi. Người không muốn diệt, Người sai ông đi răn bảo kẻ tội lỗi, lấy lời lành khuyên họ hối cải, để Người tha phạt. Kinh Thánh còn nói : Chúa thương xót ngay cả súc vật trong thành Ni-ni-vê nữa. Lòng từ ái Chúa thật bao la !

 

Chúng ta đây thử xét xem : mình thuộc hàng con cái Chúa hay thuộc dòng giống con cháu ông Yô-na ? Lấy dấu này mà biết : không biết xót thương số phận linh hồn tội lỗi, mặc kệ họ sống hay bị chết đời đời, ấy là kẻ thuộc dòng giống Yô-na. Còn ai biết xót thương phần rỗi kẻ có tội, ấy là người có tinh thần của Chúa, thuộc hàng con cái Chúa.

 

Bài đền tạ hôm nay vẽ ra những việc giúp ta thực hành lòng thương xót ấy : thương linh hồn bảy mối. Bảy mối ấy là những việc nào, xin mời ông bà cô bác đọc lên giùm [mời họ đọc..., đọc xong nói: Tốt lắm !]. Chúng ta thuộc lòng cả. Đó là một chuyện : chuyện đầu và chuyện dễ nhất. Còn thực hành các điều đó mới khó và nhiều người không muốn làm. Vì thế, chỉ Chúa mới thúc giục lòng ta muốn và thích làm, đồng thời giúp sức ta can đảm mà làm, như lời Thánh Kinh dạy : “Chính Thiên Chúa tạo trong anh em cả ý muốn lẫn việc làm, thể theo Ý Người” (Ph 2.13). Vậy ta phải quay đến Chúa mà xin Người dạy cho điều gì phải làm, phải nói để sinh ích cho linh hồn người ta. Cầu cho ta đã đành, mối thứ 7 dạy phải cầu nguyện cho người khác nữa :

 

+   Cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết :

 

Việc cầu cho kẻ chết, giáo hữu ta lo khá chu đáo rồi, ở đây, chỉ bàn đến cầu cho kẻ sống, nhất là tội nhân. Trong khi giúp kẻ có tội, có những trường hợp ta không thể nói, hay không thể làm gì cho họ cả. Lúc ấy, ta phải biết giữ thinh lặng. Nhưng không phải thinh lặng thụ động, mà thinh lặng tích cực, nghĩa là liên lỉ chú tâm lo lắng cho họ, nhất là liên lỉ cầu nguyện cho họ. Kèm với lời cầu, lại còn dâng thêm các hi sinh, hãm mình, việc lành phúc đức chỉ cho họ. Tỉ dụ : trong gia đình, có người con đã lớn mà nghiện ngập, nhậu nhẹt, hư hỏng... Nói mãi, khuyên mãi cũng không ăn thua gì. Từ nay, cha mẹ, phụ huynh chỉ nên giữ thinh lặng, bớt khuyên, bớt thúc giục, bớt la mắng ; nhưng cầu nguyện nhiều cho nó, hi sinh, hãm mình nhiều chỉ cho nó, cốt ý để Chúa nói với nó. Chúa biết cách nói hơn ta. Ta nhiều khi vì nóng nảy, sốt ruột, vì tư lợi mà la mắng, nói nặng nói nhẹ... hỏng việc hết.

 

Như vậy, cầu nguyện là hành vi căn bản trong việc lo phần rỗi linh hồn mình cũng như linh hồn kẻ khác. Cầu nguyện cộng đoàn càng tốt hơn : dù hai hay ba người, hoặc gia đình, hoặc xứ đạo. Cũng chính trong dịp dạy về việc sửa lỗi, khuyên răn kẻ có tội mà Chúa hứa : “Quả thật, nếu trong các con, hai ba người dưới đất đồng thanh xin về bất cứ việc gì, thì Cha Thày, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thày, thì có Thày ở đó, giữa họ” (Mt 18-19-20). Trong Tân Ước, rất nhiều đoạn Chúa dạy cầu nguyện cho kẻ sống kẻ chết, thân thuộc, bạn hữu, kẻ làm ơn, ngay cả kẻ thù, kẻ ghét ta, không ưa ta..., cho các nhà lãnh đạo dân tộc, cho người ngoại, kẻ tội lỗi, vv... Đây chỉ xin trích một câu Thánh Phaolô dạy : “Tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua chúa, và hết mọi người quyền cao chức trọng... Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật...” (1Tm 2.1-4).

 

Tiếp đây, mối thương thứ nhất : Lấy lời lành mà khuyên người :

 

Bình thường, đừng nên hạn chế vào việc cầu nguyện. Thương linh hồn có 7 mối, cầu nguyện là mối thứ 7, còn những 6 mối khác kia mà. Vậy tùy theo mức độ lòng tin, sự hiểu biết và kinh nghiệm thiêng liêng Thiên Chúa ban cho ta, hãy nói cho người khác, đúng lúc, hợp tình hợp cảnh, một câu nói khôn ngoan, đầy ơn Chúa, để đưa đến cho, khi thì một lời giải đáp thắc mắc, khi thì một lời nhắc nhớ đến bổn phận, khi thì một lời khuyến khích tiến thêm trên đàng nhân đức, vv... Đừng để tính vị nể, ngại ngùng, mắc cở cản bước ta. Giáo dân ta rất chịu khó nghe giảng, đó là điều tốt. Chỉ uổng là sau đó, không để chút ít giờ mà suy đi gẫm lại như Đức Mẹ, hoặc đem chia sẻ với nhau trong nhóm cầu nguyện, hoặc nhóm chia sẻ Lời Chúa, cho nên nghe tai này lọt tai khác, mau quên đi, lúc cần phải nói cho ai thì lúng túng. Vậy xin mời anh chị em, nhất là các bạn trẻ, phải dự bị sao để có thể sẵn sàng tham gia một cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh về vấn đề giáo lý, thiêng liêng, hay bảo vệ một lập trường chân lý, đó là điều Thánh Phêrô dạy : “Hãy luôn sẵn sàng đáp lời với mọi người hỏi lẽ anh em về mối hi vọng (được sống đời đời) có trong anh em” (1Pr 3.15). Trong sách Công vụ Tông đồ, các tín hữu cầu xin giữa cơn bách hại rằng : “Xin cho các tôi tớ Người được tất cả dạn dĩ mà nói Lời của Người...”. Và Chúa đáp lời họ cầu như sau : “Họ cầu nguyện rồi, thì chỗ họ nhóm hội rung chuyển, hết thảy họ được đầy Thánh Thần, và họ cứ ngang nhiên nói Lời Thiên Chúa” (Cv 4.29,31).

 

Vậy gia đình ta, mỗi người, hạ quyết tâm : ngày mai, từ sáng đến tối, tôi sẽ tìm dịp thuận tiện để nói Lời Chúa cho ít nhất một người. Và cứ như vậy, các ngày sau...

 

Nhưng có điều là đừng chỉ nói bằng miệng, còn phải nói bằng đời sống. Chúa Giêsu, theo lời Kinh Thánh kể, vừa nói vừa làm. Ngài đã sống các điều Ngài dạy (x. Cv 1.1). Ngài còn tự hiến mạng sống để giữ trọn các điều Ngài dạy. Khi Chúa bảo ta : “Các con là muối cho đời, nếu muối ra lạt thì làm sao ướp được kẻ khác ?”, tức là đời sống ta lạt lẽo, ơ hờ, nguội lạnh, làm sao ta giúp người khác mặn mà, khỏi ươn thối. Chúa nói tiếp : “Vậy chẳng còn ích gì, chỉ còn đem đổ ra ngoài đàng xá cho người ta đạp lên mà đi”. - “Chúng con là ánh sáng thế gian... Vậy ánh sáng chúng con phải chói lọi trước mặt người đời”, nghĩa là đời chúng ta phải sáng chói bằng các việc tốt, việc thiện, việc hiền từ, việc bác ái..., thì lúc ấy, “người đời thấy những việc tốt lành của các con mà tôn kính, nhìn nhận Thiên Chúa, Cha trên trời” (Mt 5.13-16). Quả là đúng câu châm ngôn các cụ ngày xưa nói :

 

“Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”,

 

hoặc :

 

“Lời nói chỉ lay, gương bày mới chuyển”.

 

Bây giờ, ta đến mối thứ hai : Răn bảo kẻ có tội :

 

Người có tội đang ở trong một cơn hiểm nghèo rất lớn về phần rỗi. Nên Chúa dạy ta phải bỏ hết mọi sự để lôi kéo họ về : “Các ngươi nghĩ sao ? Nếu một người có 100 con chiên mà một con bị lạc, há người ấy lại không bỏ 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc kia sao ?”. Chắc chắn thế rồi, ông ta sẽ bỏ 99 con ngoan, mà đi tìm con lạc. Liền đó, Chúa dạy tiếp : “Vậy thì nếu có ai trong anh em ngươi trót phạm tội, đi lạc đường nẻo phần rỗi, thì hãy đi sửa lỗi nó... Nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được người anh em đó”, tức là ngươi đã cứu được, đã lời được người anh em đó (Mt 18.15). Thánh Giacôbê giải thích rõ hơn : “Nếu có ai trong anh em lạc xa sự thật, và có người làm cho trở lại, thì người ấy hãy biết rằng : Kẻ nào làm cho người tội lỗi trở lại, bỏ đường lầm lạc, sẽ cứu linh hồn nó khỏi chết, và phủ lấp muôn vàn tội lỗi mình” (Gc 5.19-20).

 

Nhưng nên nhớ : đi nói lời răn kẻ có tội, mình đừng lên mặt đoán xét, kết án họ hay khinh chê họ ngấm ngầm : “đồ tội lỗi”, “đồ ma cô”, “đồ đĩ điếm”..., nhưng lòng ta phải khiêm tốn, biết rằng mình cũng phạm tội tứ bề, nên phải làm sao cho họ cảm thấy là ta chỉ muốn ích cho phần rỗi họ. Lớn nói với lớn, thanh niên nói với thanh niên, trẻ nói với trẻ... Chẳng hạn, các em thiếu nhi sẽ nói gì với đứa bạn, khi em biết nó sắp đi xem một phim xấu ? hoặc nó nói chuyện tục tĩu, hay một đứa bạn tỏ ra thô bỉ, tàn nhẫn đánh đập một em gái, một đứa trẻ nhỏ ?

 

Nếu lời khuyên răn, sửa đổi không làm được, ít nhất, ta cũng đưa ra một lời cảnh cáo, một lời nhắc nhở, và như thế, cũng kể là một việc thương linh hồn người ta rồi vậy.

 

 

Tích truyện

 

Chắc nhiều người ở Saigon có quen biết một cụ già hớt tóc dạo, theo đạo Tin Lành, người rất vui vẻ, vợ đã chết, con cái ở xa, có đứa đi nghĩa vụ. Cụ sống trong một căn nhà lụp xụp, nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi khi khởi sự hớt tóc là cụ nói ngay về Phúc Âm, về Chúa Giêsu Christ. Nhưng người khó quên được câu nói của cụ :

 

-    Tôi không ham giàu có, kiếm được đủ ăn và lo hầu việc Chúa hàng ngày như thế này là tôi sung sướng, thỏa mãn.

 

Cụ hân hoan vì đã biết dùng nghề hớt tóc mà nói về Chúa cho người ta.