Bài Lời Chúa 094
BÀI LỜI CHÚA 94
Tất cả chúng ta đều là TƯ TẾ
Trích Khởi Nguyên ch.14 và Thư Do thái ch.7-8
Khi Abraham đánh bại vua Cơ-đo, Lao-me và các vua liên mình mà trở về, thì... có Men-ki-sê-đê, Vua Salem và là tư tế của Thiên Chúa tối cao, đã ra đón ông, chúc lành cho ông và đem cung cấp bánh rượu.
Trong dân Cựu Ước, có hàng tư tế Lêvi, nhưng Chúa thấy họ không làm cho người ta nên thiện toàn, vì chỉ dâng lễ vật chiên bò là súc vật, nên Thiên Chúa đã quyết định lập Đức Giêsu làm Tư tế theo cấp trật Men-ki-sê-đê, đúng như lời Chúa phán : “Con là tư tế cho đến đời đời theo kiểu Men-ki-sê-đê”. Do đó, Thư cho Do thái viết tiếp : “Ta có một vị Thượng Tế như thế, Ngài đã lên ngự bên hữu ngai Đấng Oai nghi trên các tầng trời, đó là Chúa Kitô, Chủ tế trong một thánh điện, một Nhà Tạm chân thật, chính Chúa dựng nên, chứ không phải do một người phàm. Mà đã phàm là Thượng Tế, thì đã được thiết lập để tiến dâng lễ vật và hi sinh ; do đó, nhất thiết, Đức Kitô Thượng Tế cũng phải có gì để hiến dâng chứ. Ngài sẽ không dâng lễ vật chiên bò theo luật Môsê dạy đâu, vì đã có hàng tư tế Lêvi dâng tế lễ kiểu đó rồi. Nhưng việc tế tự trao phần Ngài lại khác hẳn, vì Ngài được đặt làm trung gian một Giao ước mới, tốt đẹp, hoàn hảo gấp bội ; nên Ngài không dâng lễ vật là máu chiên dê, bê bò, nhưng nhờ Thần Khí hằng có giúp sức, Ngài dâng tiến chính mình làm lễ vật hi sinh vô tì tích lên Thiên Chúa, và lễ tế ấy có sức tẩy sạch lương tâm loài người khỏi tội lỗi mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
- Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Ai trong chúng ta chẳng thường thấy chuyện này : Trong những Thánh Lễ Chúa Nhật hay lễ buộc, nhất là lễ chiều, tại các nhà thờ lớn của thành phố, chẳng hạn như ở D.C.C.Thế..., người đi dự lễ dàn ra ngoài sâng đằng trước, đằng sau..., đa số là giới trẻ ; và ở đó thấy diễn ra những cảnh khá vui vẻ : người ta đứng xớ rớ, nhìn trời nhìn đất, có những đôi trai gái cùng ngồi vắt vẻo trên yên xe Honda, quần áo mô-đen hết mức, nhiều khi còn ôm eo nhau, miệng hút phì phèo điếu thuốc thơm, rầm rì nói chuyện... ; đang khi ấy, loa vang vang lời giảng, hay lời kinh trong Thánh Lễ... và trong nhà thờ, linh mục đang sốt sắng dâng lễ... Người khách bàng quang mới đau lòng tự hỏi : Không biết họ kéo nhau đến sân này xem hay làm cái gì đó ? Thái độ và cử chỉ của họ cho thấy họ chẳng hiểu gì về việc cao trọng trên hết mọi sự đang diễn ra : Việc Chúa tế lễ mình hi sinh, mà đáng lẽ họ phải hết lòng sốt sắng đồng tế với Linh mục và nhất là với Chúa Kitô là Thượng Tế, đang tế lễ mình cho họ được cứu rỗi.
May thay, còn có những người sốt sắng, đi sớm, vào trong nhà thờ, cố gắng dành hàng ghế đầu để dự lễ cho chu đáo... Nhưng tiếc thay ! Hỏi những người đó đang làm gì thì họ nói : đi xem cha làm lễ, đi nghe ông cha giảng. Thì ra, toàn là đi xem với đi nghe thôi à ? Như thế, những người ấy cũng chưa hiểu : đi dự lễ là đi đồng tế lễ với linh mục, thay mặt Chúa Kitô...
Ta đi hỏi một số khác thì nghe họ đáp rằng : chúng tôi hợp lòng hợp ý với linh mục tế lễ Chúa Kitô lên Chúa Cha và tế lễ mình chúng tôi cùng với Ngài. Những người này đã hiểu họ đi dự lễ là gì : Thật, họ đã hiểu đúng như Hội Thánh dạy ta, dựa vào lời Kinh Thánh dạy : tức là tín hữu, từ khi có lòng tin và chịu phép Rửa tái sinh, thì đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, như thân thể dính liền với đầu, được Chúa Kitô thông chia cho mình quyền chức tư tế, tiên tri, và vương quyền. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến quyền chức tư tế thôi (Hiến chế Giáo Hội, số 31 ; Tông Đồ Giáo dân, 3).
Quyền chức tư tế ấy gọi là chức tư tế cộng đồng ! Bây giờ, xin giải nghĩa :
1/ Chức tư tế là quyền chức phụng tự tế lễ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Chúa tể, Đấng Tạo thành nên muôn loài, muôn vật cho loài người hưởng dùng, nên ta phải tế lễ, tức là dâng lễ vật gì đó để cám ơn Người. Thiên Chúa lại còn dựng nên chính loài người chúng ta, tuy theo luật tự nhiên, Chúa nhờ cha mẹ truyền sinh mà tạo nên thân xác ta. Nhưng Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng linh hồn mỗi người, khi nào Người thấy bào thai do cha mẹ nắn đúc đã bắt đầu thành hình. Để tạ ơn tạo dựng ấy, ta phải dâng lễ tế tạ ơn. Rồi còn biết bao ơn phần hồn, phần xác khác, kể sao xiết : ví dụ ơn được làm con cái Chúa, được cứu độ, được phúc sau này hưởng thiên đàng và hạnh phúc vô tận..., còn ngay khi sống ở đời, biết bao ơn cứu giúp, ơn soi sáng, ơn sức mạnh... Để tạ ơn Thiên Chúa, ta phải dâng của lễ gì chứ ? Mà nào Thiên Chúa có thiếu gì đâu ! Ta dâng gì mà Người lại chẳng đã có rồi, và hơn nữa, ta có dâng gì thì cũng là do Người ban cho ta, ta mới có mà dâng. Bởi vậy, suy ra, ta thấy Thiên Chúa chẳng cần lễ vật gì của ta, Người chỉ cần tấm lòng yêu thương, chân thành của ta mà thôi. Nhưng đã là người có xác, có tình cảm, cũng phải có gì vật chất bên ngoài mà dâng lên, để biểu lộ tấm lòng bên trong : vật đó là Mình Thánh, Máu Thánh Chúa Kitô, của lễ rất trong sạch, thánh thiện, đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng (Ep 5.2). Công Đồng Vaticanô 2 dạy : “Khi tham dự Thánh Lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, các tín hữu dâng lên Thiên Chúa lễ vật thần linh (tức là Mình Máu Chúa Kitô), và cùng với lễ vật ấy, họ dâng chính mình họ... và dâng các của lễ thiêng, tức là mọi hoạt động của người Kitô hữu” (số 10).
2/ Bây giờ, ta cắt nghĩa chữ “cộng đồng” (chức tư tế cộng đồng). Chúa Kitô thông chia cho tín hữu nói chung quyền chức tư tế, như thế, tất cả mọi tín hữu đều là tư tế, nam phụ lão ấu, tất cả : như vậy gọi là chức tư tế cộng đồng. Nhưng chẳng lẽ khi đi dâng lễ, tất cả mọi người đều lên bàn thờ cả thì có chỗ đâu mà đứng, hoặc là phải kê cho mỗi ông, mỗi bà, mỗi anh, mỗi chị một bàn thờ thì mới được. Do đó, Chúa mới chọn riêng một số người đại diện, thay mặt Chúa mà hành lễ, còn mọi người khác đứng chung quanh hợp ý, hợp lòng mà tế lễ Chúa, song không phải đứng xung quanh mà xem như thể xem kịch, xem Tivi đâu, mà là đồng tế với linh mục, y như thể mình đứng trên bàn thờ cùng tế lễ vậy. Công Đồng Vaticanô 2 dạy : “Chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác (mà ta vừa tả), tuy khác nhau về cấp bậc, về bản chất, song phải bổ túc cho nhau, vì cả hai đều dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô” (số 10). Tư tế thừa tác, nói nôm na là Giám mục và linh mục, nhờ chức thánh khi được phong chức, thì có quyền đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, và đóng vai Chúa Kitô cử hành tế lễ tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa, nhân danh toàn thể cộng đồng (số 10), và có thể nói : nhân danh và đại diện cho cả nhân loại nữa. Mà kiểu tế lễ của Chúa Kitô, Thượng Tế, không còn là tế lễ súc vật, như dòng Lêvi xưa, nhưng là theo kiểu Men-ki-sê-đê, lấy bánh rượu thay thế, tức là Bánh Rượu được truyền phép thì hóa nên Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Ngày nay, trong đạo mới, Chúa không ưa thích lễ vật chiên bê, bò dê nữa... Chúa thích một tế lễ trong sạch. Chúa Kitô đáp ứng nguyện vọng đó của Thiên Chúa. Cho nên, anh chị em nghe thấy trong đoạn Kinh Thánh trên đầu có dạy : “Ta có một Thượng Tế như thế, Ngài đã lên ngự bên hữu ngai Đấng Oai Nghi (đó là Chúa Kitô), Chủ tế trong một Đền Thờ chân thật. Và phàm đã là Thượng Tế thì được lập cốt để tiến dâng lễ vật và hi sinh. Do đó, nhất thiết Đức Kitô Thượng Tế cũng phải có gì để hiến dâng”
Ngài sẽ dâng gì? Tế lễ chiên bò theo đạo Môsê cũ ư ? Không ! Thiên Chúa không màng nữa (Thư Do thái 10.4-8), vì của lễ chiên bò là súc vật, làm sao xứng đáng để xóa tội lỗi trong lương tâm con người cơ chứ ? Nên việc tế tự của Chúa Kitô sẽ khác hẳn ; vậy, Ngài sẽ nhờ sức Chúa Thánh Thần nâng đỡ, mà dâng tiến chính mình làm lễ vật hi sinh vô tì tích, vì Chúa Kitô trong sạch, thánh thiện vô cùng, không hề có bợn nhơ tội lỗi nào nơi Ngài. Như thế, của lễ Đức Kitô dâng chính là mạng sống Ngài, con người Ngài, cuộc đời Ngài. Của lễ như thế mới xứng đáng, mới là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, và mới có sức tẩy rửa lương tâm chúng ta sạch tội lỗi, để rồi đến lượt chúng ta cũng kết hợp với Chúa Kitô mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
- Nếu ở đời này, chúng ta phụng thờ Chúa bằng tế lễ tốt lành như thế, hay nói cách rộng hơn như lời Kinh Thánh : “Chúng ta phụng sự Thiên Chúa hằng sống”, thì Thiên Chúa sẽ chấp nhận chúng ta vào đoàn thể các thánh, hiệp làm một cùng Chúa Kitô mà phụng sự Thiên Chúa hằng sống muôn đời trên nơi vĩnh phúc. Lúc ấy, chúng ta sẽ như cảnh tả trong sách Khải huyền (7.1-17) : “Một thiên thần cầm ấn Thiên Chúa niêm ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa, số các kẻ niêm ấn thì không kể xiết, một đoàn lũ đông đảo không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi dân tộc, tiếng nói, màu da, sắc tóc, đứng trước Ngai Thiên Chúa và Chiên Con, mình bận áo chùng trắng tinh (biểu tượng cho sự trong sạch, thánh thiện, cho sự khởi hoàn, và nhất là chức tư tế cộng đồng), tay cầm cành lá thiên tuế (biểu tượng nỗi vui mừng, chào đón Vua khải hoàn) và lớn tiếng tung hô : Vạn thắng cho Chúa chúng ta, đang ngự trên ngai, và cho Chiên Con, Đức Giêsu Kitô, Vua ta... Chúc tụng vinh hiển, khôn ngoan, danh dự và quyền năng cho Thiên Chúa đời đời kiếp kiếp ! Amen ! Amen !”. Thế là từ đó, họ ở trước ngai Thiên Chúa và phụng sự Người ngày đêm trong Điện Thờ của Người, nói theo hình ảnh quân chủ thời phong kiến, thì chúng ta được sớm tối làm cận thần thân tín kề cận “Chúa-Thượng” ta là Hoàng Đế - Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa - và được hạnh phúc, sung sướng vô cùng nơi Hoàng cung thiên triều, nơi phúc lạc chẳng hề vơi bao giờ nữa ; nơi đó, yến tiệc không ngớt, nhã nhạc tưng bừng ; nơi đó, ta sống cuộc sống vui thú không hề tàn phai.
Bây giờ, nếu ta quay lại cảnh tả ban đầu về những nhóm người đi dự lễ cách hời hợt, vô lễ, ơ thờ, lạnh nhạt, chán chường, đó chỉ vì họ không hiểu biết rằng : họ là người cùng đồng tế lễ với Chúa Kitô, nhờ có chức tư tế cộng đồng của họ. Cảnh ấy làm ta phải chép miệng mà than tiếc cho họ..., thương hại hơn là kết án họ, và cầu nguyện cho họ được ơn hiểu như ta, hơn là chê bai, phê bình họ, chẳng đi đến đâu...
Tích truyện
Tổng Thống Win-sơn của Hoa Kỳ là người rất thận trọng với những kỷ niệm nhỏ. Lần kia, ông đi thăm một thành phố ở tiểu bang Mon-ta-na. Cảnh sát làm hàng rào cản rất kỹ, không cho ai tới gần vị Tổng Thống. Nhưng không hiểu sao, có hai cậu bé chui lọt tới gần ông và say sưa nhìn vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu tặng Tổng Thống lá cờ nhỏ của nước Mỹ mà cậu cầm trên tay. Tổng thống đã đón lấy và vẫy tay cám ơn em. Cậu bé kia thấy vậy, buồn vì không có gì để tặng, em gắng mò vào trong túi và lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố vượt qua mọi chướng ngại để trao cho Tổng Thống. Em sung sướng vô cùng, bởi chính vị Nguyên thủ là người chìa tay ra để đón nhận quà của em với tất cả vẻ trang trọng.
Năm năm sau, Tổng Thống Win-sơn qua đời. Bà Win-sơn xếp đặt lại các đồ đạc quen dùng của chồng. Mở chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Gỡ bọc giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng chồng bà cách đây 5 năm. Ông quí đồng xu ấy đến độ đi đâu cũng mang theo và kể truyện về nó.
***
Thiên Chúa cũng đối đãi với ta như thế. Người giàu có biết bao ! Nhưng những đồng xu nhỏ ta tặng Người, Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như vật báu... ; huống chi quà ta dâng tặng lại là tế lễ Mình Thánh, Máu Thánh Đức Giêsu ! Ôi nếu mỗi ngày ta đi dâng lễ, ít ra mỗi tuần, ngày Chúa Nhật, ta đến cùng Thiên Chúa như em bé kia, hết lòng chạy lại, dâng cho Ngài tấm bánh thánh trắng tinh là Mình Thánh Chúa Giêsu, như đồng xu nhỏ của em bé, Thiên Chúa sẽ quí yêu món quà tặng ấy đến chừng nào !
- Thư Viện: