Bài Lời Chúa 090
BÀI LỜI CHÚA 90
Thờ phượng là một ơn phúc
Trích lược sách 2 Vua, ch.22 và 23
Yôsia được 8 tuổi khi lên làm vua xứ Yuđa, và trong suốt 31 năm trị vì ở Yêrusalem, ông đã thờ phượng Yavê hết lòng, đi theo đường ngay chính như Đavít, không xiên qua phải, không vẹo qua trái. Nhất là năm thứ 18 triều đại ông, nhân việc sửa chữa, tu bổ Đền Thờ, người ta đã khám phá ra bộ Lề Luật Giao Ước bị bỏ quên ở đó. Nghe đọc sách Lề luật Giao ước này xong, ông xé áo mình, tỏ dấu đau đớn, vì ông thấy tổ tiên ông cũng như toàn dân đã đi sai những điều viết trong sách luật ấy mà thờ quấy quá, bỏ sự thờ phượng chân chính dâng lên Yavê, nên đã làm bùng cháy cơn thịnh nộ của Yavê... Lập tức, vua Yôsya truyền triệu tập toàn dân từ lớn chí bé, cho đọc Lề luật Giao ước ấy vào tai họ, và cùng toàn dân cam kết trung tín thờ phượng Yavê, giữ các luật điều của Người hết lòng, hết sức.
Không chỉ cam kết suông, ông bắt đầu tra tay cải tổ lại đạo. Khởi sự bằng cách bắt các Thượng Tế, tư tế đem ra khỏi Đền Thờ của Yavê hết các đồ vật đã làm để kính Ba-an, As-hê-ra, các cơ binh tinh tú trên trời mà thiêu hủy ngoài thành. Còn ra lệnh giết các sãi, các thày cúng tà đạo, cho đốt các ngẫu tượng, “nêu thờ”, triệt hạ các am và miếu thờ, các điếm tế tự, rồi đập tan tành, quăng các mảnh vụn xuống khe suối, đốt những đồ thờ cúng ngẫu tượng và tán thành tro, vất tro lên mồ mả, tha ma.
Xong xuôi, ông truyền cho toàn dân cử hành lễ Vượt qua kính Yavê Thiên Chúa như đã chép trong sách Giao ước ấy. Quả thực, người ta chưa hề cử hành một lễ Vượt qua nào như thế từ thời các Thẩm phán. Ông còn bài trừ các đồng bóng, pháp sư, tà thần gỗ đá... Quả thật, trước ông, không có một vua nào được như ông là đã trở lại với Yavê mà phụng sự Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và sau ông, cũng không thấy chỗi dậy một người nào như ông.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Trong bài trích tóm tắt vừa rồi, chúng tôi không kể ra hết các chi tiết của những việc sùng bái tà thần bậy bạ, ghê tởm... mà vua Yôsia phải triệt hạ, sợ làm cho anh chị em bẩn tai. Ví dụ : họ tế thần bằng việc thiêu sống con trai nhỏ, con gái nhỏ của họ ; họ có những nhà điếm tế tự, nghĩa là các điếm đực, điếm cái tự cho mình là thần, có sức ban sinh sản, bà nào hiếm muộn, đến với điếm đực ấy giao phối với chúng, có con thì coi đó là con cầu tự. Ngay ở Việt Nam là xứ ngoại giáo, mà cũng không có chuyện loạn dâm đến như vậy. Cùng lắm, các bà các cô hiếm hoi, chỉ lên chùa chiền cầu tự, van vái, hoặc như ở chùa Hương Tích (Bắc Việt) có những hòn đá giống hình con nít, họ đến sờ đầu và khấn vái : “Xin cậu, xin cô về với tôi...”. May mắn bà nào có thai, sinh con, thì quí yêu, cưng chiều hết mức, coi đó như con của thánh...
Như thế, đủ biết dân Israen đã ra hư hốt đến chừng nào. Hẳn ta còn nhớ : khi họ được Thiên Chúa cứu khỏi cảnh nô lệ Ai cập, là để thờ phượng Thiên Chúa, như bài trước đã học, thế mà chúng ta thấy gì ? Thấy dân ấy đâm ra thờ quấy, thờ các xú thần bậy bạ, chọc cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Cuối cùng, Người đánh phạt họ nhà tan cửa nát, và phát lưu họ xa xứ làm nô lệ...
Rõ ràng qua chuyện lịch sử Israen đó, ta nghiệm thấy : thờ Chúa, thì họ được an cư lạc nghiệp, bình an..., vì Chúa là Thần của họ, bao bọc, che chở. Bỏ Thờ Chúa là đi đến diệt vong.
+ Chính vì không hiểu như thế, nên ngày nay có nhiều người Kitô hữu nghĩ rằng : Thờ Chúa chẳng thấy có lợi lộc gì.
Chúng ta cùng nhau giải đáp vấn nạn này. Trước hết, chúng ta cho rằng ai nghĩ như vậy là chưa suy cho thấu. Đây xin mượn lời Thánh Irênê mà trả lời : “Ngay từ đầu, không phải vì cần con người mà Thiên Chúa nắn đúc ra Ađam, nhưng Ngài dựng nên họ là để ban phát hồng ân cho họ... Cũng không phải vì Chúa cần chúng ta phụng sự mà Ngài truyền cho ta phải theo Ngài, nhưng là để ban ơn cứu rỗi cho ta. Vì theo Chúa, Đấng Cứu rỗi, thì được hưởng ơn cứu rỗi, theo ánh sáng thì được đón nhận ánh sáng... Việc phụng sự Thiên Chúa cũng vậy, kẻ phụng sự Ngài không đem lại gì cho Ngài, vì Thiên Chúa chẳng cần con người phụng sự (Ngài có đủ hạnh phúc, đủ giàu có sang trọng, không thiếu thốn gì cả), nhưng chính Ngài sẽ ban sự sống bất tử và vinh hiển đời đời cho những ai đi theo và phụng sự Ngài... Do đó, Thiên Chúa yêu cầu con người phụng sự Ngài là để thi ân cho ai trung kiên phụng thờ Ngài, vì Ngài là Đấng tốt lành hay thương xót. Ngài không cần gì, nhưng con người thì lại cần thông hiệp với Ngài mới có sự sống, mới có hạnh phúc, đời này cũng như đời sau.
Đó, nếu anh chị em muốn, thì cứ đi hỏi các thánh nam nữ, và ngay cả các người tín hữu tốt lành mà xem, khi theo Chúa, họ có hạnh phúc không hay họ sầu khổ ? Có ai trong số những người phụng sự Chúa ấy sẽ trả lời là họ hối hận vì đã lỡ theo Chúa không ? Trái lại, có nhiều người trong số đó còn nói : “Ôi, buồn thay, đến bây giờ tôi mới được biết Chúa, mến Chúa, thật quá muộn ! Giá tôi được biết Chúa và phụng thờ Chúa sớm hơn, thì hạnh phúc biết là chừng nào !”
Xem như thế, thì phụng sự Chúa là vinh dự cho con người, vì Chúa Giêsu có cầu xin Chúa Cha rằng : “Lạy cha, con muốn rằng con ở đâu, thì chúng cũng được ở đó với con, để chúng được thấy sự vinh hiển của Con”.
+ Nhưng có lẽ còn có người thắc mắc : Nói như trên, có nghĩa là theo Chúa, phụng thờ Chúa thì Chúa ban các ơn, ban sự sống đời đời, ban vinh hiển trên thiên đàng, vậy là toàn các ơn thiêng liêng, còn của cải vật chất, giàu có, sung sướng thì chẳng được, mà chúng tôi sống ở trần gian thì cần các cái đó !
Đáp : Thắc mắc như thế là quên bài mấy kỳ trước, chúng ta đã nói : Chúa Giêsu là nhà cách mạng xã hội, bênh vực và đòi quyền lợi cho những người nghèo khổ bị áp bức, khinh chê... Và nơi Vương quốc Chúa, Ngài cũng dạy chúng ta thương nhau, chia sẻ của cải để ai chưa đủ sống, lại ban quyền năng chữa bệnh tật, xua trừ quỉ ma... Đây không nói lại nữa. Vậy Chúa đâu chỉ ban ơn thiêng liêng mà thôi, chỉ lo cho phần linh hồn mà quên phần xác của ta đâu !
Còn vấn đề tiền của và giàu có, thì Chúa có một quan niệm hơi khác chúng ta. Chúa nói : “Giàu có khó vào Nước Trời”, vì bao lo lắng để làm ra tiền, khiến ta quên mất phần linh hồn và phần rỗi. Đây xin nhắc lại một câu của Thánh Phaolô : “Vào trần gian ta chẳng đem gì, thì ta cũng không thể đem gì đi ra. (Vậy ham hố, tích lũy của cải làm chi). Một khi có ăn có mặc, ta hãy bằng lòng. Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa vào cám dỗ, với đủ thứ cạm bẫy và lắm đam mê ngông cuồng tai hại, mà bị trầm luân diệt vong, hư khốn. Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé” (Thư 1 gửi Timôtê, 6.7-10).
Vậy Chúa chỉ dạy ta “xin Cha ban cho chúng con hằng ngày dùng đủ”; còn Thánh Phaolô cũng bảo : “Một khi có ăn có mặc, ta hãy bằng lòng”. Mà đủ ăn, đủ mặc thì Chúa Giêsu đã nói : “Ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính ngay lành, thì các sự về cơm ăn, áo mặc sẽ được ban cho” (Mt 6.33). Đừng lo..., cứ xem chim trời, cá biển, hoa huệ ngoài đồng. Chúa lo cho chúng hết. Vậy đã rõ là Chúa không muốn ta giàu có, lắm tiền, nhiều của : “Tiền vào thì Chúa ra”: nên đây là một tai họa, làm ta khó vào nước Chúa, khó như lạc đà chui qua lỗ kim vậy. Chúa dạy ta : Ngài sẽ lo cho ta hằng ngày dùng đủ, nếu ta biết phú thác cho Chúa và lo việc Nước Trời trước đã.
+ Có người hỏi : vinh dự thờ phượng Chúa, phụng sự Chúa, nằm ở chỗ nào ?
Đáp : Anh chị em cứ xem : ở trần gian, trong một triều đình vua thế gian, tại sao người ta đua nhau học hành, thi cử, để được đỗ vào làm quan trong triều ? Tại sao người ta lo lót, nhờ quan nọ, quan kia, là cận thần nhà vua để xin cho dù được một chức giữ ngựa trong cung Vua ? Vì tại ai ai cũng coi sự được phục dịch trong triều Vua, hoặc trong cung Vua là một vinh dự, hãnh diện với làng xóm, đồng quê... Phụng sự bên cạnh Vua là lúc Vua vào thì quì xuống bái lạy và tung hô : Hoàng thượng vạn vạn tuế ; lúc Vua ra thì quì xuống bái chào... Ngày lễ, ngày Tết thì cả triều đình mũ mãng cân đai chỉnh tề, họp lại quì chúc : Chúc Hoàng thượng vạn thọ vô cương... Vua đi đâu mà ai được đi hầu cận bên mình thì vinh vang tự đắc...
Đó, người thế gian phục vụ Vua là người trần mắt thịt cũng như mình, thế mà còn lấy làm vinh dự dường ấy, huống hồ chúng ta, được Vua cả trời đất chọn làm dân riêng, để thờ phượng, phục dịch Ngài, trong triều đình Ngài, ở giữa muôn dân ngoại giáo, vì không biết Ngài mà đi thờ ma lạy quỉ, thờ ông nọ bà kia, u mê lầm lạc, thì đó chẳng là hân hạnh và là mối vinh dự vô cùng to lớn, đáng cho ta tự hào biết bao ư ?
Thực ra, nói lý mãi cũng không cùng, điều cần nhất là ta phải có đức tin, sẽ được mở mắt cho thấy, và nhất là nếu có lòng mến, thì ta sẽ yêu thích thờ Chúa. Vậy ta hãy cầu xin để được đức tin ấy, lòng mến ấy. Thánh Aogutinô có một câu châm ngôn rất hay : “Ở đâu có tình yêu, ở đấy không còn cảm thấy nặng nhọc, và dù có điều gì nặng nhọc, thì người ta yêu thích luôn cả sự nhọc nhằn ấy”.
Cứ xem những người đang yêu là ta đủ rõ. Hỡi những ai đang yêu, các bạn hiểu điều đó chứ ? Vậy hỡi những ai đang yêu mến Chúa, các bạn hiểu rõ yêu mến Chúa, thì hạnh phúc chừng nào, thờ phượng Chúa là vinh dự và là niềm vui, các bạn hãy nói lên đi, hãy đứng lên làm chứng... cho người khác biết. Riêng phần chúng tôi, đã được nghe quá nhiều chứng rồi. Chẳng hạn, có cặp vợ chồng kia, làm chứng rằng họ đã đành để mất của cải, nghèo đi, song đổi lại, họ nhờ cái nghèo đó mà gặp được Chúa, từ nay họ có Chúa, thật là hạnh phúc. Có người khác làm chứng : trước kia đi dự lễ thờ phượng Chúa chỉ là để làm cho qua lệ, không hề bao giờ thèm chú ý đến bài giảng, chẳng khi nào một lời giảng lọt vào tai... Đi dự lễ chỉ là nhìn quanh xem thiên hạ ăn mặc mô đen thế nào, để so sánh áo quần thời trang... Nhưng qua một kỳ cấm phòng, nghe nói : trong đời sống đạo, có những người mắc bệnh Giêsu, mà một khi bị bệnh Giêsu rồi, thì không bao giờ còn khỏi được nữa. Nghe thế, người đó ăn năn hối cải, bỏ lối sống hờ hững, lãnh đạm xưa nay, đâm ra say mê, yêu mến Chúa Giêsu, để được mắc cái bệnh Giêsu không bao giờ khỏi được nữa ấy, và từ đấy, đời sống người đó thấy rất hạnh phúc, vui sướng, dù có những ngày đói chỉ có rau muống luộc...
+ Tóm lại : Chúa đã cứu ta khỏi nô lệ, đã tha thứ mọi tội cho ta, đã giải phóng ta khỏi quyền lực ma quỉ, đã tái sinh ta làm con Thiên Chúa và cho ta vào trong Vương quốc của Ngài, là để trong đó, ta sống hạnh phúc và vinh hiển. Nhưng trong Vương quốc ấy, ta không sống một mình, đã là Vương quốc thì phải có nhiều người, người trên ta, người ngang ta, kẻ dưới ta. Như thế là sống trong mối tương quan. Vậy, đối với người trên, ta có bổn phận gì ? Thưa : người trên ta, trước hết và trên hết là Chúa, thì ta phải thờ phượng. Ngài là Vua ta, thì ta phải tuân phục mọi mệnh lệnh ; Ngài còn là Cha ta, thì ta phải yêu mến hết lòng và ăn ở sao cho phải đạo làm con. Sống đúng đạo như nói trên, thờ phượng Thiên Chúa như thế, ta sẽ được Chúa ban tràn trề hạnh phúc, bình an... Thờ phượng là cuộc sống đời đời của ta, là vinh dự, là vinh hiển của ta. Chỉ vì ta hiểu sai sự thờ phượng, nên ta coi đó là một bổn phận nặng nề, là một sự khó nhọc, một khổ dịch mà ta muốn trốn lánh.
Tích truyện
Một ký giả kia được phép xuống hỏa ngục và lên thiên đàng, để làm một bản phóng sự về sống động của nhân dân tại đó. Trước tiên, anh xuống hỏa ngục, đúng vào giờ ăn. Nhìn vào bàn ăn, anh lấy làm lạ vì thấy chưng bày toàn sơn hào hải vị thơm ngon, làm anh nuốt nước bọt thèm muốn. Nhưng lúc kiều dân địa ngục tiến vào phòng ăn, anh ta càng ngạc nhiên hơn, vì thấy ai cũng ốm o, gầy còm, da bọc xương. Chứng kiến họ dùng bữa, kinh ngạc của anh mới tan biến. Vì đũa, muỗng, nĩa, rất dài buộc dính vào đôi tay, không cho phép họ đưa thức ăn vào miệng, nên dù họ cố gắng mấy, thức ăn chỉ đổ ra bàn hay rơi tung toé xuống đất. Tệ hơn nữa là họ tranh giành nhau, và muỗng nĩa, thay vì đưa thức ăn vào miệng, lại thành khí giới đâm chém nhau, máu đổ lênh láng. Khi chuông báo giờ ăn đã mãn, họ buồn phiền rời phòng ăn, dạ dầy vẫn trống rỗng.
Quá sợ hãi, chàng ký giả rời địa ngục để lên làm phóng sự trên thiên đàng. Đến nơi cũng đúng giờ cơm. Bàn ăn chưng bày những thức ăn rất ngon miệng, song đơn sơ. Quan sát nhân dân, anh thấy ai cũng khoẻ mạnh, tươi vui, xinh đẹp. Đôi tay họ cũng được gắn chặt những muỗng, nĩa hoặc đũa rất dài. Có khác là thay vì họ cố gắng đưa thức ăn vào miệng mình, thì họ lại yêu thương dùng đũa, muỗng, nĩa để đút thức ăn cho nhau. Phòng ăn vang lên tiếng nói, tiếng cười, lời ca hát vui vẻ, thỏa mãn.
Kết thúc bài phóng sự tường thuật về những điều mắt thấy tai nghe, chàng ký giả viết : ích kỷ và vị tha phục vụ là hai điểm làm cho địa ngục và thiên đàng khác nhau.
- Thư Viện: