Bài Lời Chúa 075
BÀI LỜI CHÚA 75
Con dê gánh tội
Có lần ta đã nói : việc cứu chuộc không phải là việc trả một món tiền làm giá chuộc lại linh hồn tội lỗi của ta, nhưng ý nói về tính cách khó nhọc, giá trị công lao to lớn của Chúa hi sinh mạng sống để cứu ta và ban cho ta sự sống. Kỳ này, ta suy nghĩ về việc cứu chuộc là Đức Giêsu mang lấy tội lỗi của ta vào thân mình Ngài để khử trừ nó ngay trong thân Ngài trước. Việc mang lấy tội ta vào thân Ngài đã được Cựu Ước báo trước trong nghi lễ tạm gọi là “Oan dương” : Dương là con dê, oan là mang lấy oan nghiệt, tội vạ lên mình nó.
Trích sách Lêvi, ch.16
Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Sau khi đã tẩy rửa cho thanh sạch, ông bận phẩm phục Thượng Tế và giết một con bò tơ, rồi bưng chén máu nó vào tạ tội cho mình và gia đình, bằng cách rẩy máu lên Bàn Xá Tội. Sau đó, ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê : ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan...
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Người ta gọi con dê đó là “Oan dương”, vì nó mang trên mình nó tất cả gánh tiền khiên, oan nghiệt của dân, rồi bị thả vào nơi sa mạc, thú dữ sẽ ăn thịt nó... Chữ “oan” cũng còn có nghĩa là hàm oan. Vì thực ra, nó đâu có phạm tội, người ta lấy tội của dân, đặt tay trút lên đầu nó. Thế là nó trở thành vật hi sinh cho dân được sống. Đó là hình bóng thô thiển báo về Đức Giêsu, Đấng khi mang lấy thân xác loài người, thì cũng mang luôn lấy tiền khiên, oan nghiệt của loài người hết thảy. Ngài cũng sẽ bị người ta đưa ra ngoài đồng vắng, trên đồi Gôn-gô-tha, để chết đền tội cho dân được sống. Đó là điều ta bàn giải sau đây : Đức Giêsu mang lấy tội ta trong mình, Ngài khử trừ tội ta ở đó nhờ việc tử nạn ; xong việc tiêu diệt tội lỗi, Ngài sống lại, đầy tràn sự sống để ban ra cho ta.
Nếu may ra có ai còn nhớ, thì ở bài 64 và 65 bàn về các Bí Tích nói chung, ta đã biết rằng : lãnh Bí Tích không phải là đi lãnh một ơn như thể đi lãnh thùng quà, song phải tham gia vào, gắn liền mình vào Đức Giêsu phục sinh, để sự sống Thiên Chúa và các hồng ân khác từ thân thể Chúa phục sinh tràn sang chúng ta, như Đức Giêsu đã dạy trong ví dụ về cành nho phải gắn liền cây nho mới có nhựa sống tràn qua mà sinh hoa kết quả.
1/ Thế mà, các bạn có để ý không, ta vừa nói : phải gắn liền với thân thể phục sinh của Đức Kitô. Tại sao không nói : muốn được chuyển sự sống sang ta, ta cứ gắn mình thẳng vào Thiên Chúa có được không ? Ô ! Không được đâu ! Thiên Chúa là Đấng vô hình, vô lượng, vô biên, cao siêu muôn trùng, sao ta gắn thẳng vào Người được. Hai bên như nước với lửa, một bên là thánh thiện, một bên là tội lỗi, làm sao gắn bó với nhau được. Một ví dụ đơn sơ : cái tổ máy phát điện Trị An, phát ra hằng vạn kilô-oát điện thế cao đến hàng vạn kilô-vôn, thử hỏi ta lấy cái bóng điện nhỏ bé gắn thẳng vào đó, có được không ? Không ! Vậy phải có máy biến điện gắn vào cái nguồn ấy, rồi dần dần hạ xuống, đến nhà ta chỉ còn 220 vôn, hoặc 110 vôn, và một hai trăm oát, thì ta mới gắn bóng đèn được. Nơi Thiên Chúa cũng thế. Từ Thiên Chúa đến ta phải có cái máy biến điện làm trung gian, đầu kia gắn với Thiên Chúa, đầu này hạ thấp xuống gắn với ta. Máy biến điện trung gian đó là “Đức Giêsu, Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người”. Một đầu Ngài gắn với Thiên Chúa, đầu kia Ngài cho ta gắn vào với Ngài. Do đó, trên kia nói ta phải gắn liền với thân thể Đức Giêsu phục sinh là vậy đó.
2/ Máy biến điện gắn đầu kia với Thiên Chúa vào lúc nào ? Thưa : vào lúc Thiên Chúa tạo nên trong lòng Đức Mẹ một thân xác loài người, thế là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống kết hợp, gắn chặt với thân xác ấy trong dạ Đức Mẹ. Đó là lúc mà chúng ta nhắc nhớ đến trong kinh Truyền Tin : “Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người” - “Và ở cùng chúng con”. Thế còn đầu này lúc nào gắn với chúng ta ? Ngay lúc đầu thai đó đã được chưa ? Thưa chưa ! Khoan đã, phải đợi đến lúc Chúa Tử nạn rồi phục sinh mới gắn ta vào được.
3/ Tại sao phải chờ đợi như vậy ? Thưa : Là phải để cho Thân mình Đức Giêsu có thời giờ thấm đầy sự sống thần linh của Thiên Chúa, lúc ấy mới gắn ta vào mà chuyền sự sống ấy cho ta. Lúc thấm đầy, là lúc Tử nạn, phục sinh, lúc ấy, Chúa Thánh Thần mới thấm đầy Chúa Giêsu bằng năng lực sự sống Thiên Chúa, còn lúc trước thì chưa, cho dù Đức Giêsu đã sinh ra, hoặc đi rao giảng. Điều nói đây, chắc làm cho một số người ngạc nhiên, vì thường ta nghĩ rằng : Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì lúc nào Ngài chẳng đầy ơn sự sống trong mình, và như thế, lúc nào Ngài chẳng ban ơn được, cứ gì lúc phục sinh. Nói đơn giản, bình dân thì như vậy cũng được, nhưng nếu lấy Kinh Thánh ra mà xét kỹ, thì các nhà thần học phân biệt tỉ mỉ hơn, và vì sợ rối trí giáo dân, cho nên không mấy khi đem ra giảng dạy. Nếu anh chị em còn nhớ, thì chúng ta đã nói qua rồi.
Kinh Thánh cho biết cuộc đời Đức Giêsu có hai giai đoạn :
a/ Giai đoạn thứ nhất : Từ khi thụ thai cho đến khi Tử nạn phục sinh, giai đoạn này Đức Giêsu chưa tế lễ mình, nên chưa được Chúa Cha ban tràn đầy Thánh Thần để Ngài phân phát ra. Đây câu Kinh Thánh này làm bằng chứng : “Cuối cuộc Đại lễ Lều, Đức Giêsu đứng trong Đền Thờ Yêrusalem hô lớn : ‘Ai khát thì hãy đến với Ta, và kẻ tin vào Ta thì hãy uống’. Vì như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước hằng sống. Nước này, Đức Giêsu có ý nói về Thánh Thần mà các kẻ tin sẽ được lãnh, nhưng ngay lúc này Thần Khí chưa có, bởi Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7.37-39). Thế là Đức Giêsu mới chỉ hứa trước, còn lúc ấy Thần Khí chưa có, tức là Thánh Thần chưa tràn đầy trong Chúa Giêsu ; bởi lẽ lúc ấy Đức Giêsu chưa được phục sinh tôn vinh. Vậy chưa được phục sinh tôn vinh, thì chưa có Thánh Thần để ban ra.
+ Tại sao Đức Giêsu lại chưa có Thánh Thần ? Thưa : tại vì khi xuống trần mặc lấy xác phàm, thì Ngài mang lấy xác phàm dây dưa tội lụy của trần gian như chúng ta thường nói : “Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta, và của cả thế gian nơi mình Ngài”. Mang tội ta không phải là Đức Giêsu phạm tội. Không, Ngài không hề phạm một tội nào, song Ngài mang lấy thân xác tội lỗi của loài người. Kinh Thánh nói rõ : “Đấng không hề biết tội là gì, thì vì ta, Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành sự tội...” (2Cor 5.21). Câu nữa : “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian với hình dung xác thịt tội lỗi”. Mục đích để làm gì ? Nghe tiếp :
“Để khử trừ tội lỗi” (Rm 8.3-4). Đang khi mang xác thịt tội lỗi ấy, thì làm sao Ngài có đầy tràn Thánh Thần ? Phải tế lễ nó đi trên thập giá, lúc ấy tội lỗi mới bị khử trừ, Ngài mới đầy Thánh Thần là sự thánh thiện của Thiên Chúa (xem bài 74bis).
+ Chúng ta thường chỉ nghĩ Đức Giêsu là Thiên Chúa, mà quên rằng Đức Giêsu cũng là người, mang thân xác, mang bản tính loài người. Xét phương diện Thiên Chúa, thì Ngài có tràn đầy Thánh Thần, đó là lẽ đương nhiên, vì do bản tính Thiên Chúa của Ngài ; nhưng còn xét phương diện tính loài người, thì tự nhiên là không thánh thiện, không có Thánh Thần. Đành rằng khi kết hợp với bản tính loài người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã thánh hóa bản tính loài người ấy phần nào, song có thể nói là mới cho cá nhân Ngài thôi, chứ chưa đủ để tràn lan ra cả nhân loại và tràn sang chúng ta. Thánh Kinh nói : Ngài chưa trở nên “Thần Khí tác sinh”. Ngài chưa có Thần Khí, chưa được biến đổi bởi Thần Khí, chưa được tôn vinh, chưa ban Thánh Thần được.
b/ Chỉ đến giai đoạn hai, lúc Ngài tự tế lễ mình trên thập giá, và khi Chúa Cha chiếu nhận của lễ tốt đẹp ấy, Chúa Cha ban thưởng cho Ngài được phục sinh, thì Chúa Cha mới ban tràn đầy Thánh Thần cho Đức Giêsu, lúc ấy phần xác Đức Giêsu cũng trở nên vinh hiển, đầy tràn Thánh Thần để ban sự sống ra cho ai tin Ngài. Tử nạn phục sinh ví như cái lò đốt nung Đức Giêsu cháy đỏ lửa Chúa Thánh Thần trước để rồi Đức Giêsu mới có thể đốt nóng ta.(13)
4/ Bây giờ, chúng ta lấy lại cái tỉ dụ máy biến điện để áp dụng vào đây. Giờ đây, cái máy biến điện là Đức Giêsu phục sinh, đã sẵn sàng để chúng ta gắn vào với Ngài mà đèn linh hồn ta được bật sáng lên. Từ thân mình vinh hiển phục sinh của Ngài - tức là từ thân xác có tính loài người của Ngài giống bản tính nhân loại của ta, đồng loại với ta, vừa tầm với ta, song đã nạp đầy ắp điện Đức Chúa Thánh Thần - sẽ truyền sang những ai gắn vào với Ngài, nào là sự sống, nào là sự sáng, nào là ân sủng...
a/ Bằng cách nào ta được gắn vào Ngài, vào thân mình vinh hiển của Ngài ? Các bài trước đã nói, đây chỉ xin nhắc sơ lại : Thưa bằng đức tin và phép Rửa tội. Tin và Rửa tội là gắn vào Chúa, kết hợp với Chúa, rồi được thông cho sự sống thần linh và được làm con Cha trên trời.
Về tin : Điều chúng ta muốn nhấn ở đây là sự gắn bó với Chúa, chứ không phải tin là lấy trí khôn chấp nhận mấy điều khó hiểu, rồi Chúa cứ ở trên trời, ta cứ ở dưới đất, Chúa dạy gì kệ Chúa, ta làm gì kệ ta, ta sống theo thói cũ : cứ nói tục, cứ chửi nhau, cứ dối gian, cứ phạm đủ thứ tội như một người ngoại, miễn là lúc vào nhà thờ mở miệng đọc thật to kinh Tin Kính là có đức tin. Ai sống kiểu đó là lầm to ! Phải đi học đạo lại. Họ chỉ có danh xưng là Kitô hữu, song thực chất là một người ngoại - nghĩa là sống ngoài Chúa Kitô - chết không lên thiên đàng, cho dù có làm đủ các phép sau hết, cho dù thân nhân có xin hàng ngàn lễ cầu cho linh hồn họ. Vì sao ? Vì không gắn bó với Chúa, như cành liền cây nho thì sao có sự sống, họ đã lìa thân nho rồi, vì ĐY dạy : “Ai không gắn liền với Ta, thì bị quăng ra ngoài, và khô đi, sẽ bị quăng vào lửa mà bị thiêu” (Ga 15.6).
Vậy, chúng ta còn thời giờ, hãy đổi cách sống đạo : bỏ lối đạo hình thức, mà học cho biết tin thật vào Chúa, tức là gắn bó mật thiết với Chúa. Tôi xin mách nước cho các bạn nhé : (nói nhỏ vào tai) nhờ học lời Chúa chuyên cần - như ta đang làm đây - kèm với sự cầu nguyện : đó là cách tốt nhất để học biết tin và gắn bó với Đức Kitô. Chúng tôi xin nhắc lại : Tin là gắn bó với Chúa. Gắn bó ! Gắn bó !
b/ Về phép Thanh tẩy, ngày nay người ta bắt đầu gọi là “Phép Dìm”, sẽ dìm ta vào trong Chúa, gắn bó với Chúa một cách cụ thể hơn, có nghi lễ bên ngoài ghi dấu.
Thế là chúng ta sẵn sàng để hiểu phép Thanh tẩy rồi. Kỳ sau sẽ đề cập.
Tích truyện
Sách Kinh Thánh (lời Chúa) được tôn quí nhất, song cũng là sách mà người ta ghét nhất, ghét như kẻ trộm ghét cảnh sát, tội nhân ghét quan tòa, vì cảnh sát đuổi bắt nó, quan tòa lên án bỏ tù nó. Người ta kể truyện rằng : Có một vị truyền giáo nọ, rất giỏi khoa học, ông đi đâu cũng không quên mang theo cái kính hiển vi (kính lúp) đi cùng. Tới xứ của thổ dân nọ, ông cho họ dòm kính hiển vi. Trong đám đó, có mấy người kiêng sát sinh, vừa thấy sinh vật lúc nhúc cử động trong giọt nước, họ đâm bối rối quá chừng. Sáng hôm sau, một người trong bọn đi mua lại kính ấy, về nhà lấy búa đập tan tành, rồi anh ta mỉm cười đắc thắng. Tội nghiệp ! Người ấy tưởng làm vậy thì nước không còn chứa sinh vật nữa để họ yên tâm lấy nước uống, nấu cơm mà không phạm tội sát sinh, nào ngờ kính hiển vi chẳng chứa đựng vi trùng, mà chỉ cho thấy vi trùng thôi.
Vậy, nhãng bỏ lời Chúa, bạn có cảm tưởng bạn là người tốt đàng hoàng, nhưng bạn lầm, tâm hồn bạn chứa đầy nết xấu, thì vẫn còn nguyên như thế, không có lời Chúa thì bạn chỉ không thấy mà thôi. Nhưng nếu bạn nhờ lời Chúa như kính soi, bạn thấy tình trạng tội lỗi bê bết, bạn sẽ ăn năn, xin Chúa tha thứ, thì bạn được cứu sống.
********************************************
BÀI LỜI CHÚA 75BIS
Đạo đức không đủ để được cứu rỗi
Trích sách Công vụ Tông Đồ, ch.10
Ở thành Kai-sa-ria, có người tên là Cót-nê-li-ô, đại úy trong quân đội Ý Đại Lợi, đồn trú tại Phalêtin, quê hương của Chúa Giêsu. Ông là một người đạo đức và kính giới Thiên Chúa, rộng tay làm phúc, bố thí cho người nghèo và luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Một hôm, trong buổi cầu nguyện, vào lối giờ thứ chín giữa ban ngày, ông thấy một thị kiến : có một thần sứ Thiên Chúa đến với ông và nói :
- Cót-nê-liô !
Ông kinh sợ đáp :
- Có điều gì, thưa Ngài ?
Thần sứ nói với ông :
- Kinh nguyện và của bố thí nhà ngươi làm, đã được chấp nhận như của lễ tiến dâng trước Thiên Chúa. Để đáp lại lòng thành ấy, Ta bảo ngươi hãy sai người đến Yôphê và rước một người tên là Simon Phêrô đến nói cho ngươi những lời, nhờ đó ngươi và cả gia đình ngươi sẽ được cứu rỗi !
Thiên thần vừa biến đi, ông gọi hai gia nhân và một người lính đạo đức trong số người hầu cận ông, và sai họ đi rước Simon Phêrô. Được mời, và nghe Chúa dạy hãy đến nhà Cót- nê-liô, cho dù ông là một người ngoại, ông Phêrô cùng với 6 anh em khác đi đến thành Kai-sa-ria, vào nhà ông đại úy, thì gặp ông và cả gia đình, cũng có mời cả thân thích và bằng hữu nghĩa thiết. Ông đại úy mới thuật lại thị kiến thiên thần hiện ra dạy bảo làm sao. Rồi ông nói:
- Vậy chúng tôi tất cả tề tựu đây để nghe lời Chúa đã truyền cho Ngài để nói cho chúng tôi.
Phêrô mở miệng rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu cho họ nghe : Thiên Chúa đã xức dầu cho Đức Giêsu bằng Thánh Thần và quyền năng, rồi sai đến thế gian để dạy cho biết Ngài là Chúa muôn loài. Ngài đi đến đâu là thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỉ ma áp bức, quấy phá. Sau đó, Ngài đã chịu chết trên thập giá để chuộc tội cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại ngày thứ ba, và Ngài đã hiện ra cho chúng tôi là những nhân chứng Ngài đã chọn trước, những kẻ đã cùng Ngài chung sống hồi Ngài còn tại thế, và được cùng ăn, cùng uống với Ngài lúc Ngài hiện ra sau khi sống lại. Ngài đã truyền dạy chúng tôi phải đi rao giảng cho muôn dân rằng : Ai tin vào Ngài thì được lãnh ơn tha tội nhờ Danh Ngài, được sự sống đời đời ; còn ai không tin sẽ bị án trầm luân ; vì Thiên Chúa đã đặt Ngài làm thẩm phán xét xử người sống và kẻ chết...”
Phêrô còn đang nói các điều ấy, thì Thánh Thần đã xuống trên mọi kẻ đang nghe lời giảng, khiến cho các tín hữu cùng đến một lượt với Phêrô hết sức kinh ngạc, vì ơn Thánh Thần đã đổ xuống cả trên dân ngoại, khiến cho những người ấy cũng nói tiếng lạ mà cao rao, ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ, Phêrô bảo người ta :
- Sao chúng ta còn ngần ngại không cho mấy người này chịu phép Thanh tẩy như ta, vì họ cũng đã được chịu lấy Thánh Thần như chúng ta ?
Thế là ông ra lệnh thanh tẩy họ nhân danh Đức Giêsu Kitô.
* Đó là Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Nếu ai có trí nhớ tốt, chắc nhận thấy bài Kinh Thánh này đã được đọc một lần rồi (x. bài 67), nhưng để nhấn khía cạnh Bí Tích Lời Chúa. Lần này, xin anh chị em lưu ý đến điểm này : Đạo đức mấy cũng không đủ để được cứu rỗi. Ta thấy rõ ngay trong phần đầu câu chuyện này : Ông Đại úy nói đây rất đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, rồi ông còn rộng tay bố thí, chứ không phải chỉ bố thí cách keo kiệt. Nhiều người chúng ta ngày ngày đi dự lễ, song không bao giờ giúp đỡ ai nghèo túng. Người hành khất đến cửa, thì đuổi họ hay từ chối nói rằng : “Tôi không có gì đâu !”, “Đi chỗ khác mà xin !”... Sau nữa, ông còn luôn luôn cầu nguyện. Khối người trong chúng ta chẳng cầu nguyện khi nào. Đọc kinh thì có, và đọc lấy lệ cho có vẻ con nhà có đạo. Ngày nay, tivi, vidéo lại còn cướp mất cái thói quen lành thánh đọc kinh chung trong gia đình mà ngày xưa cha mẹ chúng ta vẫn làm. Có nhà, cả tháng không còn vang lên tiếng đọc kinh, ca hát ngợi khen Chúa nữa rồi. - Ông đại úy Cót-nê-liô ấy còn biết kính sợ Thiên Chúa, theo tiếng Do thái có nghĩa là : trên thì ông thờ phượng tôn kính Thiên Chúa, dưới thì ông và cả gia đình tuân giữ mọi điều luật của Người, cũng giống như con cái hiếu thảo thì luôn tránh làm hay nói những điều gì làm buồn lòng cha mẹ mình. Nói tóm, ông ta là một người rất đạo đức.
Đạo đức như thế đó, mà trước mắt Thiên Chúa, Người chưa cho là đủ để được cứu rỗi, được tha tội, và được làm con cái Chúa. Điều này rõ ràng, vì chính Chúa sai thiên thần đến bảo ông như vậy. Giả sử như đạo đức của ông mà đủ để được cứu rỗi (nói nôm na : để lên thiên đàng), thì thiên thần sẽ nói thế này : “Thiên Chúa rất vui lòng về các điều ông làm, mọi cách ông ăn ở. Vậy, cứ tiếp tục như thế mãi cho đến chết sẽ được lên thiên đàng hưởng mặt Chúa...”. Thiên thần có nói vậy không, hỡi anh chị em ? Không ! Thế thiên thần nói sao ? Anh chị em nào thử trả lời xem có đúng không ?
a/ Trước hết, thiên thần nói : Những điều ông làm, cách ông kính sợ Chúa, cầu nguyện, bố thí..., thật đẹp lòng Chúa. Đó là của lễ dâng lên và Chúa đã nhận. Như thế, các điều ông làm trước đây, Chúa không chê bỏ. Nó đẹp lòng Chúa, song Thiên Chúa muốn một cái gì hơn thế nữa. Giữ luật, làm các việc lành, mới chỉ như dọn đàng mở lối.
b/ Thứ đến, Chúa muốn ta không chỉ làm đẹp lòng Người, mà phải đáp trả tình yêu Người bởi lòng tin và yêu ! Cho nên đi mời người rao giảng Chúa Kitô cho ông, để ông biết Ngài là ai mà tin và yêu mới được cứu rỗi : “Hãy mời Phêrô đến nói cho ngươi những điều nhờ đó ngươi và cả gia đình ngươi sẽ được cứu rỗi”. Hoá ra những việc làm trước đây của ông chưa đủ để ông được cứu rỗi. Thật là rõ ràng ! Đạo đức không đủ, không thể sinh ra ơn cứu rỗi được. Lấy ví dụ: ta có một miếng đất, phải chăng cứ ra công cầy xới, bón tưới...là tự khắc nảy ra một cây xoài cát hảo hạng? Không! Phải mua hay có ai cho ta cây ấy, ta mới có mà trồng vào đó. Ơn cứu rỗi cũng vậy, fải do Thiên Chúa ban cho, chứ không do công ta cày xới nảy ra. Kinh Thánh dạy: “Thiên Chúa đã cứu ta, không fải do các việc đạo đức ta làm đâu.., nhưng là nhờ Phép Rửa tái sinh...” (Titô 3.5; x. Ep 2.8-9).
Vì thế, thật là sai lầm lớn nếu người ta nghĩ rằng : cứ ăn chay trường, gõ mõ, tụng kinh, diệt dục, sống khổ hạnh, từ bỏ các tính xấu, giữ luật đi lễ, đọc kinh, không trộm cắp, không dâm bôn, chơi bời phóng đãng, không chửi tục... thế là đủ để được làm con Chúa, được cứu rỗi và sau khi chết được vào thiên đàng. Cho nên, nhiều người trong chúng ta mới hay nói câu này : “Đạo nào cũng như đạo nào, đều dạy làm lành lánh dữ...”, tức là nghĩ rằng đạo Thiên Chúa cũng giống như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Cao đài..., cứ làm lành, lánh dữ là được rồi. Nếu như vậy, Chúa Kitô hóa ra vô ích. Ngài từ trời xuống thế chịu chết cũng chẳng đem lại gì hơn cho tín hữu. Vì các đạo kia cũng dạy làm lành lánh dữ, cũng tốt rồi. Chúa Giêsu xuống thế là thừa. Ngài chỉ dạy những điều mà các đạo kia đã dạy trước rồi. Nghĩ như vậy là xúc phạm đến Chúa Kitô, là nghịch lại chương trình cứu độ Thiên Chúa đã sai Chúa Kitô xuống để thực hiện. Tưởng như vậy là vong ơn bội nghĩa với công ơn Giáng trần, công ơn chịu đau khổ, tử nạn trên cây thập giá của Chúa Giêsu. Nói tắt một lời, vô tình, ta thành lạc đạo mất rồi. Đó, anh chị em thấy chưa ? Chỉ vì không học Lời Chúa cho kỹ, mà ta lạc đạo khốn đốn như thế đó.
Ta thử bàn giải sự sai lầm ấy rộng hơn :
Mơ ước của loài người là được vào cõi cực lạc, mà người Kitô hữu gọi là thiên đàng, là quê hương trên trời, là nơi hằng sống, nơi vĩnh phúc. Mơ ước thì vậy, song làm thế nào mà vào được ? Thế là loài người ra công tìm giải pháp, tìm phương thế : từ ngàn xưa, khắp mọi thời, khắp mọi nơi, người ta đua nhau bày ra các phương thế : từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Việt Nam, từ Hi lạp sang Rôma..., từ Ai cập sang Tiểu Á..., mọi nơi, mọi đời người ta đều nghĩ rằng : tu thân tích đức, diệt dục, diệt tham sân si, hoặc lễ bái, cầu kinh, niệm Phật, ngồi thiền trút bỏ hồng trần, đi tu, khổ công luyện tập, khổ công tu hành, tu tánh... và cứ tu như thế là sẽ thành tiên, thành Phật, thành thánh, và đạt cõi tiên, cõi Niết bàn, cõi quần tiên, cõi thiên đình...
Sai hết ! Tất cả những việc đó chỉ là mất công vô ích. Họ tưởng đạt được Niết bàn, cõi tiên..., song họ đã bị ảo tưởng. Chẳng có Niết bàn, cõi tiên, cõi thiên đình nào khác, ngoài thiên đàng của Thiên Chúa chúng ta. Mà thiên đàng (hay ơn cứu rỗi) là của Thiên Chúa Người ban thì mới được. Dĩ nhiên, điều nói đây thuộc về đức tin của chúng ta, vaà chúng ta dám quả quyết như vậy là do Chúa đã mặc khải, đã truyền dạy cho ta nhờ Hội Thánh, và ta tin như vậy. Còn nếu bạn nói như thế cho người không có đức tin vào Thiên Chúa hoặc người thuộc các tôn giáo khác, hiển nhiên là họ đâu có chịu, họ sẽ còn tức tối bạn, vì dám xúc phạm đến đạo của họ. Vậy, điều ta nói đây là nói trong vòng chúng ta, cho những kẻ đã tin hoặc muốn tin.
Tuy vậy, điều ta nói đây là sự thật. Mà sự thật chỉ có một. Vì chỉ có một Chúa là Thiên Chúa độc nhất, Chúa tể muôn vật, muôn loài, Chúa tể cả trời đất, âm ti, địa ngục. Hỏi rằng như thế thì có thiên đàng nào thứ hai, mà không phải thiên đàng của Chúa, mà lại do ông Phật tạo ra, hay do một thần nào khác tạo ra cho được ? Phật nào bằng Chúa, thần nào bằng Chúa, để có quyền phép vô biên tạo lập một thiên đình khác ngoài thiên đàng của Thiên Chúa. Chẳng có ai !
Vậy chỉ có một thiên đàng là thiên đàng của Thiên Chúa. Ta ví nó như nhà của Người. Vậy nhà của Người thì Người muốn cho ai vào, người ấy mới được vào. Chẳng ai tự sức, gồng mình tu thân tích đức, hay tìm mưu kế nào mà lẻn vào được. Thiên Chúa là Đấng toàn tri, toàn năng, ta làm sao có thể lẻn vào hay trú ngụ trong đó mà Người lại không biết được (x. sau, bài 76 sẽ nói rộng hơn).
- Thế Người cho ai được vào ?
Thưa : Người cho vào kẻ nào làm đúng điều kiện Người đặt ra : đó là tin vào Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Đấng Cứu độ độc nhất. Ai nghe lời giảng của Hội Thánh để biết Ngài, rồi tin vào Ngài, thì Ngài đem họ nhập vào thân mình Ngài, là vào thiên đàng. Điều này Kinh Thánh nói rõ ràng và nói đi nói lại bằng đủ mọi hình thức :
- ĐY phán : “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha nếu không nhờ Ta” (Ga 14.6). Muốn đến đâu, ta phải đi đúng đường, trên bộ có đường, dưới nước tàu thủy cũng có đường, trên không máy bay cũng phải bay đúng đường, nếu không sẽ đụng nhau và không tới đích. Lên thiên đàng, đến gặp Thiên Chúa Cha, cũng phải theo con đường đúng : con đường đó, ĐY bảo : chính là Ngài. Tin Ngài, theo Ngài, nhập vào Ngài, như thể vào trong chiếc tàu hay phi cơ, Ngài sẽ đưa ta đến Cha, đến nơi Cha ở, tức là thiên đàng.
- Kinh Thánh dạy một câu khác : “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người xuống trần, để phàm ai nghe Ngài, tin vào Ngài, thì được sự sống đời đời, chứ không bị hư đi trong chốn trầm luân” (Ga 3.16).
- “Ta là cửa, ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10.9).
- “Dưới gầm trời này, không có một người nào khác, ngoài Chúa Kitô, đã được Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại, để nhờ vào đó mà họ trông được cứu rỗi” (Cv 4.12).
Những câu Kinh Thánh trên, cách nói có khác nhau, từ ngữ có khác nhau, nhưng tựu trung, vẫn cùng một ý tưởng, mà chúng ta đã bàn giải trên kia : không có ai khác, Phật, Khổng, Lão, Cao Đài..., không một thần nào, một thánh nào, một vĩ nhân nào, anh hùng nào, một tổ chức nào, một quyền hành nào... trên trời, dưới đất, trong âm ti, địa ngục..., hiện tại hay tương lai..., có thể cứu chúng ta, đem chúng ta vào thiên đàng hạnh phúc, đưa chúng ta đến Chúa Cha.
Vậy, từ bây giờ, ta phải tập gột bỏ não trạng : lập công nghiệp để được vào thiên đàng, tu nhân tích đức để vào thiên đàng, để được Chúa thưởng trên thiên đàng.
Những việc tu thân tích đức là tốt, là cần, ta không được khinh chê hay rãy bỏ. Chuyện ông Cót-nê-liô làm chứng: Thiên Chúa chấp nhận chúng như của lễ, song chúng chỉ là dọn đàng. Thấy người ta nỗ lực, thành tâm thiện chí như thế, Chúa sẽ đoái thương ban cho người ta được ơn tin bằng một cách nào đó mà chỉ Chúa biết, hoặc thông thường hơn bằng nghe giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô và hiểu biết Ngài là ai, ngõ hầu tin vào Ngài, và nhờ tin và gắn bó với Ngài như thế, mà người ta được cứu. “Ai tiếp nhận Ngài (= Đức Giêsu), thì Ngài ban cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa” (Ga 1.12). Đó là chính điều thiên thần trong chuyện trên đây bảo ông đại úy phải làm : mời Simon Phêrô đến rao truyền cho những lời nhờ đó được cứu. Mà Phêrô nói những lời gì ? Phêrô nói về Chúa Giêsu. Nói gần xong, và coi như đã hết phần chính, thì ông đại úy và cả gia đình tin vào Đấng Cứu Chúa, Giêsu Kitô, thế là được cứu rỗi. Trong truyện ấy, ơn cứu rỗi được bày tỏ ra dưới hình thức Chúa Thánh Thần đáp xuống lòng họ, tẩy sạch tội lỗi họ - khiến họ không còn là nghịch thù, và đáng sa hỏa ngục - và đồng thời làm cho họ thành con cái Thiên Chúa ; do đó, họ vui mừng lên tiếng cao rao, ngợi khen Thiên Chúa là Cha họ bằng những tiếng rất lạ.
Nói như thế phải chăng không còn cần đến các việc đạo đức, giữ luật vv...? Không hề! Sau khi đã tin như nói trên, thì các việc đạo đức và giữ luật vv... còn rất cần để bồi đắp, vun quén cho ơn cứu độ còn non nớt, khỏi bị chết khô mà được phát triển, sinh hoa qua đơm quả...
Tích truyện
Có ông Vua kia muốn thử xem các con mình, ai là đứa khôn ngoan hơn để truyền ngôi lại cho, ông bèn lấy một hạt kim cương thật quí gói trong một bọc giấy rất xoàng khó coi, còn một hột kim cương giả bằng thủy tinh thì đặt vào trong một hộp rất đẹp, rực rỡ và ưa nhìn. Đoạn vua gọi hai hoàng tử lại cho chọn. Người con cả thấy gói xoàng, bỏ qua, chọn cái hộp thật đẹp. Sau, Vua gọi đến con út, hỏi muốn chọn cái nào. Cậu út nhìn cha bằng cặp mắt dịu hiền và nói :
- Kính thưa phụ vương, xin Cha chọn giùm con.
Vua chọn cho thứ kim cương thật trong gói xoàng, và bảo con hãy đợi để mình sửa soạn cách trọn vẹn hơn. Vua truyền lấy chiếc triều thiên đã làm sẵn, rồi trước mặt hai hoàng tử, Vua lấy gói xoàng ra, đính viên kim cương thật vào giữa, tức thì viên kim cương ấy chói lòa các tia sáng muôn màu rực rỡ..., tức khắc, Vua triệu quần thần lại và tuyên bố :
- Mai sau cậu hoàng tử út này sẽ nối ngôi Cha. Vương miện này là vật bảo đảm.
Trong đời sống đạo cũng vậy, biết bao người trên thế gian chạy theo đạo nọ đạo kia, vì nghe thấy họ hứa cho nào thành tiên, thành phật... nhờ kinh kệ, tu thân diệt dục, nghe thì hay lắm, có vẻ đúng lắm, cứ tu riết sẽ thành chánh quả, thành Phật, thành tiên, rồi họ vẽ ra quần tiên hội, hoặc tây phương cực lạc sung sướng..., nhưng hóa ra đồ giả, không thật.
Còn tín hữu Chúa Kitô là người khôn ngoan, đến xin Chúa chỉ cho : Xin Cha chọn giùm cho con, thì Chúa Cha mới đem Đức Giêsu Kitô cho ta mà nói : Đấy mới là kim cương thật, chói lòa mọi sự thánh thiện, công chính, hãy nhận lấy Chúa Giêsu, hãy tin vào Ngài, các con sẽ được cứu rỗi đời đời.
(13) Nói theo danh từ thần học, thì công việc cứu chuộc phải xảy ra trong Đức Giêsu trước hết, hoặc Đức Giêsu phải được cứu chuộc trước nhất.
- Thư Viện: